Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp: Để đủ thầy đủ thợ?

Lâu nay ta thường nghe một câu nói là nước mình “thừa thầy thiếu thợ”. Muốn biết câu nói này chính xác đến đâu cần phải có những con số cụ thể, những thống kê và so sánh với nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng nhận định trên chắc được rút ra từ thực tế sản xuất và dễ nhận thấy những hàm ý bên trong. Đó là sự mất cân bằng của nhân lực lao động so với nhu cầu sản xuất. Đó là ở ta, thừa người biết nói nhưng thiếu người biết làm. Đó là ở ta rất trọng khoa bảng nhưng chưa trọng người thợ như cần phải có.

20220129 2

Các em học sinh tiểu học đang tham quan gian hàng trình diễn in 3D trong ngày hội STEM do Tia Sáng và Liên minh STEM tổ chức, năm 2017. Ảnh: BN.

Chuyển đổi số và giáo dục nghề nghiệp

Chuyển đổi số toàn cầu bắt nguồn từ sự xuất hiện hơn hai chục năm qua của không gian mạng (cyberspace)–  được hiểu là môi trường Internet nơi ở đó mỗi người, với một định danh, có thể giao tiếp dễ dàng với những người khác để trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, cùng làm việc, thưởng thức nghệ thuật, chơi trò chơi, bàn luận thời cuộc… 

Không gian mạng đã và đang len lỏi vào các hợp phần trong môi trường sống của con người– môi trường tự nhiên (như núi non, sông ngòi, bầu trời, cây cối, chim muông), môi trường nhân tạo (như nhà cửa, đường xá, cầu cống, xe cộ), môi trường xã hội (con người và các quan hệ, như luật lệ, thể chế, tôn giáo, họ tộc, gia đình)– và tạo thành một môi trường sống mới, môi trường thực-số, còn thường được gọi là môi trường số

Môi trường thực-số chính là môi trường ta sống nay được nối với không gian mạng, ở đó các thực thể dần được số hóa và tạo ra các phiên bản số (là những con số– tức dữ liệu– mô tả các thực thể đó) và do vậy có thể kết nối được với nhau. Không gian mạng không chỉ là phần “cộng thêm” mà còn là phần “nhập vào” môi trường truyền thống của con người. Nói môi trường thực-số là hàm ý nhấn mạnh mỗi thực thể giờ đây sẽ có cả phần thực và phần số gắn bó và đan xen nhau. Nói cách khác, mọi thứ trên môi trường ta đang sống đều đã và đang gắn với những con số, nhờ đó nối được với nhau và có thể hoạt động tốt hơn nhờ được tính toán và điều khiển. Nói cách khác là con người có thể thông minh hóa mọi hoạt động trên môi trường thực-số.

Môi trường thực-số với hai đặc điểm dữ liệu và kết nối đem đến cơ hội phát triển và bứt phá cho nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đi sau, và cho phép tạo ra những phá hủy sáng tạo trong kỷ nguyên số. Đó là cách giao tiếp, cách sản xuất, cách mua bán, cách vui chơi… Đó là Amazon, là Airbnb, là Estonia…1

Môi trường thực-số là một hiện thực khách quan. Dù muốn hay không môi trường ta sống vẫn đang thay đổi thành thực-số và khai thác các cơ hội số để phát triển và thích nghi là phương thức cơ bản để phát triển hiện nay và trong tương lai. 

Giáo dục nghề nghiệp là một trong bốn lĩnh vực trụ cột của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia (Hình 1): Giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục và đào tạo thường xuyên3. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan nhà nước phụ trách hai lĩnh vực đầu, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách hai lĩnh vực sau.

Mỗi trụ cột của hệ thống giáo dục quốc gia có tầm quan trọng và sứ mạng riêng của mình. Giáo dục nghề nghiệp nhằm cung cấp nhân lực được đào tạo với kỹ năng nghề cao cho thị trường lao động, và do đó không những thiết yếu trong phát triển kinh tế đất nước mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến an sinh xã hội. Hiện cả nước có gần 2000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 397 trường Cao đẳng; 512 trường Trung cấp và 1031 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong chuyển đổi số quốc gia, giáo dục nghề nghiệp phải chuyển đổi mạnh mẽ để người làm nghề có kiến thức và kỹ năng số cần thiết trong những thay đổi nghề nghiệp toàn cầu. 



Hình 1. Bốn lĩnh vực trụ cột trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Chuyển đổi số được hiểu một cách ngắn gọn là “quá trình thay đổi cách sống và cách làm việc trên môi trường thực-số với các công nghệ số”2, và do vậy giáo dục nghề nghiệp có thể được hiểu là “quá trình thay đổi cách làm giáo dục nghề nghiệp trên môi trường thực-số với các công nghệ số”.  

Hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo

Mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp cơ bản được xây dựng trên mô hình hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo với sáu hợp phần cần thay đổi4:

1. Nội dung giáo dục và đào tạo 

2. Phương pháp dạy và học 

3. Người học và người dạy 

4. Hạ tầng, nền tảng, và học liệu số 

5. Quản trị và quản lý giáo dục

6. Thể chế và hành lang pháp lý

Cơ sở để xây dựng hệ sinh thái số này là những điểm khác nhau về dạy và học trên môi trường truyền thống và trên môi trường thực-số (Bảng 1).

Các hợp phần của hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo được tóm tắt dưới đây. 

Dạy và học trên môi trường truyền thống Dạy và học trên môi trường thực-số
Cách dạy và học

Luôn từ lý thuyết đến ứng dụng.

Dựa theo sách giáo khoa, giáo trình.

Thường từ vấn đề, dự án, trường hợp… đến lý thuyết.

Dùng thêm nhiều học liệu số với nội dung chia theo mô-đun

Người học Thụ động theo nội dung được dạy Chủ động, tự định hướng, tự học, hợp tác và hứng thú
Người dạy Người giảng bài Người huấn luyện
Nơi dạy và học Lớp học, giảng đường Mọi chỗ, mọi nơi
Tốc độ học tập Theo chương trình và giáo trình Theo năng lực người học và lĩnh vực quan tâm
Đơn vị dạy và học Khoá học và môn học Mô-đun và năng lực
Theo dõi tiến độ Kiểm tra vào ngày ấn định, nhằm đánh giá khả năng nhớ và hiểu kiến thức. Liên tục, lặp, và tập trung vào mức đạt năng lực, văn hóa hợp tác và tư duy phản biện.
Vai trò của CNTT-TT Đưa nội dung tới từng người học Tạo môi trường kết nối người học với nhau, với môi trường

Bảng 1. Dạy và học trên môi trường truyền thống và trên môi trường thực-số.

1. Chuyển đổi số nội dung giáo dục nghề nghiệp

Vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là chuyển đổi nội dung cho phù hợp với tương lai của các nghề. Các chương trình đào tạo nghề cần bỏ đi những nội dung không cần hoặc ít cần và thêm vào những nội dung mới, kỹ năng mới sẽ cần hoặc rất cần, phù hợp với thay đổi của các nghề trong những ngày đang đến. Các nội dung dạy nghề cần được thiết kế theo mô-đun để có thể dễ dàng thay đổi và thích hợp với các phương pháp dạy và học mới. 



Hình 2. Hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo.

2. Chuyển đổi số phương pháp dạy và học

Cần thay đổi cách dạy và học trên môi trường thực-số, tiêu biểu là các phương pháp sau. 

Học tập kết hợp (blended learning): Hài hòa việc dạy và học trên lớp hay ở xưởng với dạy và học trực tuyến, chú trọng việc dùng các công nghệ và học liệu số.

Học theo dự án (project-based learning): Hướng người học đến việc lĩnh hội kiến thức và kĩ năng thông qua việc bắt tay vào một dự án cần thực hiện. 

Học đảo ngược (flipped learning): Việc hiểu, ghi nhớ và vận dụng một nội dung  được thực hiện trước, và trên lớp chủ yếu cho phân tích, tổng hợp và đánh giá. 

Học tập thích nghi (adaptive learning): Dạy và học phù hợp với năng lực và trình độ của từng người học, tức cá thể hóa việc học.

Thay đổi phương pháp dạy và học là một quá trình dài, nhưng không thể khác.

3. Người học và người dạy trên môi trường thực-số

Năng lực chủ yếu cần cho việc học tập suốt đời là tự chủ và tự học. Tự chủ là việc biết tự định hướng, tự xác định cần học gì. Tự học là chính mình biết học thế nào cho hiệu quả. Trên môi trường thực-số, người học sẽ dần là chủ thể, đóng vai trò trung tâm và người dạy sẽ chủ yếu dẫn dắt người học, là “huấn luyện viên” đồng hành cùng người học trên con đường tìm kiếm tri thức.

4. Hạ tầng, nền tảng, và học liệu số 

Hạ tầng số trên môi trường thực-số trước hết là hạ tầng kết nối (máy tính và mạng internet cùng các phần mềm cơ bản) và hạ tầng dữ liệu (các cơ sở dữ liệu về giáo viên và học viên, hoạt động đào tạo và quản lý… được kết nối và chia sẻ). Hạ tầng số cơ bản này là nền móng để tạo nên khuôn viên thông minh trong hệ sinh thái, để trên đó thực hiện các hợp phần của hệ sinh thái.

Nền tảng số là hệ thống công cụ số hoặc một môi trường nền giúp cho việc phát triển ứng dụng hoặc kết nối con người, xây dựng từ các công nghệ số trong hạ tầng ứng dụng– một hợp phần của hạ tầng số. 

Học liệu số là “các tài liệu, dữ liệu thông tin, tài nguyên được số hóa, lưu trữ phục vụ cho việc dạy và học.” Nếu như người học trước kia chủ yếu học với sách giáo khoa, thì ngày nay và trong tương lai, người học cần dùng phối hợp một cách hài hòa sách giáo khoa và học liệu số. 

5. Chuyển đổi số quản trị và quản lý giáo dục

Hạ tầng số và các nền tảng số cho phép công tác quản trị, hoạch định, tổ chức, lãnh đạo việc dạy và học, cũng như điều hành, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Rất nhiều vấn đề quản trị của giáo dục nghề nghiệp, từ vĩ mô đến vi mô, đều có thể thay đổi sâu sắc khi sử dụng hiệu quả dữ liệu và những kết nối phong phú trên Internet. Công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ tăng được hiệu quá rất mhiều khi bộ phận hành chính sử dụng hiệu quả các công nghệ số qua các nền tảng số để quản lý các hoạt động thường xuyên ở cơ sở giáo dục. Quản trị số với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp sẽ cho phép chúng ta thấu hiểu tình hình nhân lực làm nghề của cả nước.



Hình 3. Tóm tắt phương pháp luận 2-3-5 về chuyển đổi số.

6. Xây dựng thể chế và hành lang pháp lý 

Cũng như ở các lĩnh vực khác, chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là sự thay đổi tổng thể và toàn diện mọi hoạt động dạy và học trên môi trường thực-số. Sự thay đổi lớn lao và sâu sắc này đòi hỏi những thay đổi về thể chế và hành lang pháp lý để cho phép thay đổi hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có:

- Thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trên môi trường số.

- Dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả.

- Quy định công nhận và cấp chứng chỉ cho hình thức học online.

- Các quy định về mô-đun hóa chương trình đào tạo và công nhận lẫn nhau giữa các chứng chỉ, tín chỉ.

- Quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, an toàn thông tin cá nhân, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu và kho học liệu số.

Cùng với hệ sinh thái số định ra những nội dung đặc thù của giáo dục và đào tạo, một phương pháp luận về chuyển đổi số, còn gọi phương pháp luận 2-3-5, tóm tắt trong Hình 3, cũng được giới thiệu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp4

Bước đầu của chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tích cực chủ trì và triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Đây là một hành trình mới chưa có tiền lệ, chưa có những bài học kinh nghiệm, là một hành trình vừa đi, vừa học, vừa tìm đường. Tiên phong trong kế hoạch của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là 11 trường cao đẳng đối tác của chương trình hợp tác kỹ thuật Việt-Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” (chương trình TVET), tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ). Chương trình TVET có mục đích hỗ trợ cho “giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam được điều chỉnh phù hợp hơn với thế giới việc làm đang thay đổi”.

Những kết quả và bài học thu được từ những hoạt động kể trên là những kinh nghiệm quý báu để các trường TVET tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lan tỏa và chia sẻ với các đơn vị khác trong ngành để cùng thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. □

Mùa Xuân của giáo dục nghề nghiệp

Vào năm 1957 trong bài “Học sinh và lao động” Bác Hồ đã viết:

“Thi đỗ tiểu học rồi, thì muốn lên trung học, đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học. Riêng với mỗi cá nhân của người học sinh, thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng nhìn chung đối với nhà nước, thì ý muốn ấy thành vô lý; vì bất kỳ ở nước nào số trường trung học cũng ít hơn trường tiểu học, trường đại học càng ít hơn trường trung học. Thế thì những học trò tiểu học và trung học không được chuyển cấp, sẽ làm gì?”.

Câu trả lời trong bài viết được Bác gạch chân là “họ sẽ lao động”. Nhưng họ sẽ lao động thế nào trong kỷ nguyên số, trong những năm tới đây? Cả xã hội đang chờ câu trả lời.

Và lúc này phải chăng câu trả lời chỉ có nếu chúng ta làm chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp thành công?

Mùa Xuân đến mang cho ta thật nhiều niềm tin vào công cuộc chuyển đổi số ngành giáo dục nghề nghiệp đang làm.

Hồ Tú Bảo - Nguyễn Nhật Quang

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 21.01.2022.

-------

Một số tài liệu sử dụng

1. Hồ Tú Bảo (2019), Nguồn nhân lực số và kỹ năng lao động mới, Chương 7, Việt Nam thời chuyển đổi số, Thinktank Vinasa, NXB Thế giới.

2. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020). Hỏi đáp về Chuyển đổi số. NXB Thông tin và Truyển thông.

3. Hồ Tú Bảo (2021). Chuyển đổi số và Giáo dục, sách Việt Nam Hôm nay và Ngày mai, Trần Văn Thọ & Nguyễn Xuân Xanh (chủ biên). NXB Đà Nẵng.

4. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Nhật Quang (2022). Chuyển đổi số thế nào. NXB Thông tin và Truyển thông.

Thông tin truy cập

60521094
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2587
10018
60521094

Thành viên trực tuyến

Đang có 173 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website