Trao đổi về ngữ liệu trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

20240401

Không ít người quan niệm, sách giáo khoa dạy học hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học cho học sinh tìm được ngữ liệu sát hợp, có giá trị thẩm mĩ, nhân văn là đã thành công một nửa. Đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở, ngữ liệu trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn càng thể hiện rõ điều đó. Ngoài những ưu điểm về chương trình, về cách cấu trúc hệ thống chủ điểm, bài học, về tính linh hoạt, sáng tạo của thầy và trò trong lựa chọn văn bản…1, ngữ liệu trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn mới cũng có một vài hạn chế dễ nhận thấy. Thực trạng này không khỏi khiến dư luận quan ngại, gây cho giáo viên, học sinh, các cấp quản lý giáo dục nhiều bất lợi. Bài viết hướng vào những hạn chế của một số văn bản văn học trong các bộ sách giáo khoa hiện nay2 để góp thêm tiếng nói đối thoại trên tinh thần xây dựng tích cực.

    1. Thừa tính thời sự, thiếu tính thẩm mĩ, nhân văn

    Văn học là nhân tố quan trọng của văn hóa. Cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam3 đã chỉ ra ba phương diện quan trọng của văn hóa nước ta là: Dân tộc; Khoa học; Đại chúng. Đây là những phẩm chất không nhất thành bất biến mà luôn thường trực tính lịch sử - xã hội, tính năng sản, phù hợp với hoàn cảnh, thời đại. Hơn 3/4 thế kỷ, các nguyên tắc này vẫn còn ý nghĩa soi đường khi định vị các sản phẩm văn hóa, trong đó có văn học ở nhà trường phổ thông.

    Trong thời đại ngày nay, tính thời sự của văn học, nghệ thuật thường song hành với tính đại chúng. Đó là nhân tố làm cho các sản phẩm văn hóa tinh thần áp sát công chúng, phát huy tác dụng không thua kém kinh tế, chính trị. Tiêu chí gần gũi đối tượng người học cũng là một cơ sở quan trọng để những người xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa đặt ra trong tìm kiếm, chọn lựa văn bản. Điều này không sai; nhưng nếu quá chú trọng tính chất này mà xem nhẹ giá trị thẩm mĩ, nhân văn của ngữ liệu - nghệ thuật ngôn từ, bất cập là điều khó tránh.

    Quá trình triển khai các bộ sách môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay (2023) đã vào chặng cuối với ba khối lớp 5, 9, 12. Chọn văn thơ làm ngữ liệu để dạy học các kiến thức tiếng Việt, văn học, trước hết phải chú trọng đặc trưng của ngữ liệu với tư cách là sản phẩm tinh túy của nghệ thuật ngôn từ. Nếu quá xem trọng tính sư phạm, tính khoa học, tính giáo dục, tính thời sự, độ sát hợp giữa văn bản với cuộc sống, tâm lý, nhận thức của tuổi thơ… mà hạ thấp tính thẩm mĩ của ngữ liệu sẽ duy ý chí, sai lệch trong xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, định hướng dạy học... Muốn văn học trong nhà trường làm tốt các chức năng của nó, trước hết đó phải là những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) là một minh chứng. Không phủ nhận tính thời sự, nhân văn của văn bản nhưng sự thô vụng của câu chữ (đầy tính khẩu ngữ), sự lạ đời trong giải pháp sư phạm (với thử thách lòng can đảm, bản lĩnh kẻ hay bắt nạt bằng cách ăn mù tạt - một gia vị chẳng mấy quen thuộc với nông thôn, miền núi), cách dùng tiếng lóng khá xa lạ với trẻ em Miền Trung, Miền Nam Việt Nam (hôi = xấu)… đã gặp phải sự phản ứng trái chiều của cộng đồng, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động dạy học. Nếu đề cao tính khoa học của nghệ thuật ngôn từ, đội ngũ biên soạn sẽ cân nhắc, thận trọng hơn trong tuyển chọn ngữ liệu. Với sản phẩm chưa hoàn thiện như thế, một trong những yêu cầu, mục tiêu quan trọng của văn học, nghệ thuật được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: “Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng”4 sẽ khó hiện thực hóa. Vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta không biết làm cho các em yêu thơ văn – một nhân tố quan trọng để tâm hồn trẻ thơ không trở nên cằn cỗi, để trẻ có thể rung động với những chân lý thiêng liêng như yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu cha mẹ, yêu con người… Những nền tảng làm người được kiến tạo, đắp bồi từ nhỏ ấy sẽ là động lực để học sinh tiểu học phát triển, hoàn thiện nhân cách, có sức đề kháng với những độc hại trong môi trường sống của các em hiện nay.

    Văn bản đưa vào chương trình không quá đặt nặng chức năng giáo dục khô khan, mòn cũ mà nội dung, hình thức thể hiện cũng thật sinh động, hấp dẫn, phù hợp với hoạt động cảm thụ văn học đặc trưng của lứa tuổi học sinh, tránh biến những ngữ liệu dạy học ngôn ngữ, văn học thành những bài học chỉ đơn thuần mang tính chất nêu gương, lên lớp. Tác phẩm chỉ thực sự để lại ấn tượng sâu đậm với trẻ, hướng các em đến những giá trị nhân văn muôn thuở của con người chỉ khi nó là một công trình nghệ thuật bằng ngôn từ đúng nghĩa dành cho tuổi thơ. Sâu sắc mà không đao to búa lớn, khuyên nhủ mà không cứng nhắc, lên gân mới là con đường để văn học tìm đến với các em – một hướng đi đặc trưng nhưng cực kỳ hiệu quả, bởi nó chinh phục bạn đọc – học sinh bằng hình ảnh, bằng nhạc điệu, bằng ngôn ngữ nghệ thuật nhuần nhị chứ không đến trực tiếp bằng thứ ngôn ngữ thuyết lý trừu tượng, khô khan. Nguyên tắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa” cũng cần được quán xuyến. Mỗi văn bản được chọn lọc đưa vào sách học của trẻ cũng phải là phần tinh túy nhất của mỗi tác giả viết cho các em, không phải vì đó là gương mặt quen thuộc hoặc người có vai vế, lão làng. Theo đó, những bài thơ như Tôi yêu (Trần Huiền Ân), Tre Việt Nam (Nguyễn Duy), Cả nhà đi học (Cao Xuân Sơn), Quê hương (Đỗ Trung Quân)… có giá trị thẩm mĩ, nhân văn cao. Vượt lên cái nhất thời, tạm bợ, thời sự, chúng góp phần giáo dục, hình thành cho học sinh những tình cảm, trách nhiệm muôn thuở với Tổ quốc, gia đình, thầy cô, bè bạn…

    2. Gò ép ngữ liệu theo kiểu gọt chân cho vừa giày

    Cấp tiểu học, trung học cơ sở bắt đầu hình thành cho học sinh những kỹ năng sơ giản về viết văn cũng như những rung động thẩm mĩ của các em trước cuộc sống, xã hội. Thế nhưng, từ những cá nhân, tổ chức, đơn vị đến đội ngũ giáo viên đứng lớp hiện nay, khách quan mà nói, chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của vấn đề có tính nền tảng này. Gam màu ảm đạm trong bức tranh chung về chất lượng dạy học ngôn ngữ, văn học ở nước ta hiện nay một phần xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học của giáo viên. Những bài văn, bài thơ, câu/ đoạn thơ, văn ngô ngọng, ông chẳng bà chuộc ở các lớp đầu cấp tiểu học trong cả ba bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống… là một nỗi ám ảnh không nhỏ đối với giáo viên, học sinh.

Vườn ươm yêu thương

 Yểng hát ríu rít
Yêu lắm vườn ươm
Điệp vàng, phượng đỏ
Cổ yếm, hạt cườm.

Dừa xiêm, mướp hương
Nhuộm ngời màu trắng
Sen hồng, mai trắng
Lóng lánh giọt sương.

Tiếng chim rộn rã
Vườn ươm yêu thương.

Lê An
(Tiếng Việt 1, Tập 1, Bộ Chân trời sáng tạo, trang178)

 Mùa hoa

 Dưới nắng ban mai
 Ngàn hoa khoe sắc
 Oải hương tím ngát
 Nhụy hoa tỏa hương.

Huệ trắng khiêm nhường
Chò nâu xoay múa
Phượng hồng rực lửa
Cúc khoác áo vàng.

Tim tím hoa xoan
 Nhẹ nhàng thanh thoát
 Hoàng yến vui hát
 Mùa hoa đến rồi.

Phạm Châu Lê
(Tiếng Việt 1, Tập 2, Bộ Chân trời sáng tạo,trang 14)

    Tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, nặn ép ngữ liệu cho đúng ý đồ của những người xây dựng chương trình, của đội ngũ biên soạn sách dễ dẫn đến phản ứng trái chiều của giáo viên, phụ huynh, học sinh, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Cưỡng ép câu chữ để phục vụ ý tưởng, tham vọng dạy học hình thành, phát triển năng lực tiếng Việt, văn học cho học sinh, đâu biết rằng trẻ em không yêu thích, không nhớ, không thuộc thơ văn, thì những kiến thức, bài học giáo dục cũng tuột nhanh không vạch nét. Hai bài thơ dưới đây nằm trong khá nhiều ngữ liệu như thế.

    Chim yểng (có nơi gọi là chim nhồng) là loài chim có thể bắt chước tiếng người, thường sống từng đôi (hoặc đàn nhỏ, từ 4 đến 10 cá thể) ở đồi núi cao với nhiều cây cổ thụ. Yểng được mệnh danh là ca sĩ của ngàn già bởi tiếng hót rất đặc biệt: to, vang, lúc lảnh lót, lúc bổng trầm, tha thiết. Điều này cũng đã được nói đến trong bài Cuộc thi tài rừng xanh (Tiếng Việt 1, Tập 2, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, trang 114). Có lý nào chim yểng lại tụ quần thành bầy ở “vườn ươm” với cái giọng “ríu rít” như kiểu chào mào, chim sẻ? Phải chăng vì mục đích dạy vần “yêng”, dạy nguyên âm đôi “yê” mà người làm sách cưỡng ép tự nhiên đến vậy? Còn chò nâu là cây gỗ lớn, chiều cao khoảng 30 đến 40m. Hoa chò nâu nở rộ vào tháng 4, người ta chỉ nhìn thấy khi chúng lìa cành bay xuống gần mặt đất. Thật khó mà cùng “khoe sắc” với những loài hoa vừa thấp bé như oải hương, huệ trắng, lại không cùng thời điểm ra hoa như hoa xoan (tháng 3) và hoa phượng (tháng 6)… Với những ngữ liệu này, người học, bạn đọc sẽ hiểu biết lệch lạc về hoa lá, chim muôn, về những tỉnh thành phương Nam có loài chò nâu rất đặc trưng. Nguyên tắc dạy học tích hợp khá mới mẻ, hiện đại của chương trình Ngữ văn mới, vì thế, cũng khó mà đảm bảo.

    Đôi khi, do hiểu chưa thấu đạt về đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ, áp đặt tính nhất thời của đời sống lên văn học, người làm sách e dè, dị ứng với những văn bản phù hợp. Bài Cả nhà đi học của Cao Xuân Sơn (được đưa vào sách Tiếng Việt 3, Tập 2,NXB Giáo dục Việt Nam, trang138 - chương trình 2006) là một minh chứng:

    “Đưa con đến lớp mỗi ngày
    Như con, mẹ cũng “thưa thầy”, “chào cô”.
    Chiều qua bố đón, tình cờ
    Con nghe bố cũng “chào cô”, “thưa thầy”…
    Cả nhà đi học, vui thay!
    Hèn chi điếm xấu buồn lây cả nhà
    Hèn chi mười điểm hôm qua
    Nhà mình như thể được… ba điểm mười.”

    “Điểm mười” ở đây đâu nhất thiết phải theo nghĩa đen là “10 điểm” mà ngại ngần vì bài thơ không phù hợp với chủ trương không đánh giá học sinh các lớp đầu cấp tiểu học bằng điểm số. Nếu xem đó là kết quả học tập, rèn luyện tiến bộ hằng ngày của trẻ, ta sẽ có một văn bản, ngoài tính giáo dục, sư phạm còn có một vai trò rất lớn, rất tích cực: kết nối thế hệ trên tinh thần xã hội cùng học tập, cùng chung sức kiến tạo thế hệ tương lai của đất nước.

    3. Thiếu nhất quán hay là hậu quả của sự ăn xổi ở thì

    Ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa Tiếng Việt, Ngữ văn hiện nay đa phần là những văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi) có chất lượng của Việt Nam và thế giới. Ngoài các tiêu chí sư phạm, khoa học, do đặc điểm tư duy, nhận thức của học sinh từng cấp học, từng khối lớp, đặc trưng của các phân môn, ngữ liệu này đã được đội ngũ biên soạn điều chỉnh, gia giảm (dung lượng, câu chữ) cho phù hợp. Ngoài ưu điểm sát hợp với đối tượng người học, việc sửa đổi, biên tập của những người làm sách cũng không tránh khỏi những bất cập, hạn chế đáng tiếc dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười cho tác giả có tác phẩm được tuyển chọn cũng như giáo viên và học sinh.

    Việc tuyển chọn, chỉnh biên sách giáo khoa là thẩm quyền của đội ngũ viết sách. Nhưng cắt xén, sửa đổi, ngoài những yêu cầu của về tính khoa học, giáo dục, sư phạm của bộ sách, cần phải giữ lại hồn cốt của tác phẩm, ý đồ của nhà văn. Tuy nhiên, không ít bài thơ, bài văn được đưa vào sách giáo khoa hiện nay đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết: mạch thơ, mạch văn bị cắt cơ học dẫn đến đứt đoạn, khó hiểu; đôi lúc kết cấu tác phẩm cũng bị đảo lộn làm sai lệch ý đồ của người viết; giá trị nội dung, nghệ thuật của nguyên bản theo đó cũng giảm sút rất nhiều. Thiết nghĩ, bên cạnh kiến thức về giáo dục cùng kỹ năng sư phạm, năng lực tiếp nhận văn chương, độ tinh nhạy trong phẩm bình văn học cũng tối cần thiết với những người “làm dâu trăm họ” này.

Mùa lúa chín

Vây quanh làng
Một biển vàng
Như tơ kén...
Hương lúa chín
Thoang thoảng bay
Làm say
Đàn ri đá.
Lúa biết đi
Chuyện rầm rì
Rung rinh sóng
Làm xáo động
Cả rặng cây
Làm lung lay
Hàng cột điện...

Bông lúa quyện
Trĩu bàn tay
Như đựng đầy
Mưa, gió, nắng.
Như đeo nặng
Giọt mồ hôi
Của bao người
Nuôi lớn lúa...

Em đi giữa
Biển vàng
Nghe mênh mang
Đồng lúa hát...

Nguyễn Khoa Đăng
(Tiếng Việt 2, Tập 2, Bộ Cánh Diều,
NXB Đại học Sư phạm Thành phố
Hồ Chí Minh, trang 30)

Mùa lúa chín

Vây quanh làng
Một biển vàng
Như tơ kén...
Hương lúa chín
Thoang thoảng bay
Làm say say
Đàn ri đá.
Lúa biết đi
Chuyện rầm rì
Rung rinh sóng
Làm xáo động
Cả rặng cây
Làm lung lay
Hàng cột điện...

Bông lúa quyện
Trĩu bàn tay
Như đựng đầy
Mưa, gió, nắng.
Như đeo nặng
Giọt mồ hôi
Của bao người
Nuôi lớn lúa...

Em đi giữa
Biển vàng
Nghe mênh mang
Đồng lúa hát...

Nguyễn Khoa Đăng
(Tiếng Việt 2, Tập 2, Bộ Chân trời sáng tạo,
NXB Giáo dục Việt Nam,
trang 66-67)

 

       Khi trang sách mở ra

      Khi trang sách mở ra
      Khoảng trời xa xích lại.
      Bắt đầu là cỏ dại
      Thứ đến là cánh chim
     Sau nữa là trẻ con
     Cuối cùng là người lớn.

     Trong trang sách có biển
     Em thấy những cánh buồm
    Trong trang sách có rừng
     Với bao nhiêu là gió.

     Trang sách còn có lửa
     Mà giấy chẳng cháy đâu
     Trang sách có ao sâu
     Mà giấy không hề ướt.

     Trang sách không nói được
     Sao em nghe điều gì
     Dạt dào như sóng vỗ
     Một chân trời đang đi.

(Nguyễn Nhật Ánh)
(Tiếng Việt 2, Tập 1, Bộ Kết nối tri thức
với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam,
trang 66-67)

     Khi trang sách mở ra

     Khi trang sách mở ra
     Chân trời xa xích lại.
     Bắt đầu là cỏ dại
     Thứ đến là cánh chim
     Sau nữa là trẻ con
     Cuối cùng là người lớn.

     Trong trang sách có biển
     Em thấy những cánh buồm
     Trong trang sách có rừng
     Với bao nhiêu là gió.

     Trang sách còn có lửa
     Mà giấy chẳng cháy đâu
     Trang sách có ao sâu
     Mà giấy không hề ướt.

     Trang sách không nói được
     Sao em nghe điều gì
     Dạt dào như sóng vỗ
     Một chân trời đang đi…

Nguyễn Nhật Ánh
(Tiếng Việt 2, Tập 1, Bộ Chân trời sáng tạo,
NXB Giáo dục Việt Nam,
trang 122-123)

    Đọc kỹ các bộ sách, ta sẽ dễ thấy một số ngữ liệu không có sự thống nhất. Cũng là những dòng thơ, đoạn văn trong cùng một tác phẩm, một tác giả nhưng không hiểu sao vẫn có tình trạng “dị bản” xảy ra. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động dạy học, tiếp nhận văn chương của cả thầy và trò. Chẳng hạn hai bài thơ sau đây:

    Xin được bỏ qua mấy chỗ thiếu thống nhất trong hình thức của hai văn bản Khi trang sách mở ra (có/ không có dấu ba chấm cuối bài thơ, tên tác giả đặt trong/ ngoài dấu ngoặc đơn), chúng ta hãy dừng lại ở dòng thơ thứ hai của cả hai bài thơ. Câu hỏi đặt ra là: “Khoảng trời” hay “Chân trời”? Đâu là dòng thơ đúng? Dựa trên hình thức văn bản (biện pháp điệp: chân trời), ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật (bộ phận gắn với hoạt động di chuyển/ một không gian tiếp giáp giữa bầu trời và mặt đất), thông điệp giáo dục (việc đọc sách tạo ra sự thay đổi tích cực, đem lại niềm vui, sự hiểu biết cho trẻ thơ)… rõ ràng “chân trời” là phù hợp hơn cả.

    Với bài thơ của Nguyễn Khoa Đăng, nghệ thuật tăng tiến (tăng cấp) thể hiện rất rõ: những động từ mạnh gắn liền với các sự vật tương hợp với sự gia tăng cường độ của hương thơm, tiếng chuyện trò, hát ca của cánh đồng lúa chín: đàn ri đá thì “say say”; hàng cây thì “xáo động”; hàng cột điện thì lung lay… Cùng với đó là sự lớn dần trong tình yêu của trẻ thơ đối với quê hương, làng xóm, lòng biết ơn của các em dành cho những người một nắng hai sương để đem lại sự ấm no, đủ đầy cho xã hội.

    Tương tự như thế là văn bản Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, mỗi sách Ngữ văn 10 lại viết một kiểu5. Lạ là cả hai văn bản đều cùng một khối lớp, cùng một nhà xuất bản. Gà cùng một mẹ rất là khác “gen”. Cách biên soạn như thế sẽ “sửa lưng” người dạy, gây hoang mang cho học sinh. Trăm hoa đua nở, không cẩn trọng khéo lại làm “đơ não”. Lâu nay ta đã ca thán về sự quá tải trong nội dung chương trình, giờ thêm cái mê hồn trận ngữ liệu này, thầy và trò dễ “tẩu hoả nhập ma” lắm lắm!

    Với những văn bản bất nhất này, nếu chịu khó đối sánh các nguồn khả tín, ta sẽ có cơ sở để đưa ra phương án tối ưu. Ví như bài thơ Mùa lúa chín, hai cuốn sách ra đời cách nhau hơn hai mươi năm là Những bài thơ em yêu (2001) và 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi (2022) của hai nhà xuất bản uy tín là Giáo dục và Kim Đồng6, đều có chung kết quả “say say” cả. Với thơ, văn của các tác giả đang hiện diện, ta sẽ có một “kênh” quan trọng, tin cậy trong lựa chọn, thẩm định ngữ liệu. Đáng buồn là sự kết nối giữa đội ngũ biên soạn với nhà văn để có một văn bản hoàn thiện xem ra cũng khá lỏng lẻo. Một số tác giả chỉ biết tác phẩm của mình đã được tuyển vào sách giáo khoa sau… giáo viên và học sinh. Chẳng những không được hỏi ý kiến để đảm bảo tính pháp lý về mặt bản quyền, họ cũng bị tước mất quyền năng đối với đứa con tinh thần ấy. Vậy là nó đẹp hay xấu, hoàn thiện hay dị dạng là do đội ngũ chuyên gia soạn sách quyết định. Nhiều nhà văn kêu trời hổng thấu vì sáng tác của mình bị “phù phép” làm cho biến dạng mà chẳng có lời xin phép nào từ những người làm sách. Giá như có thái độ tôn trọng đúng mực với nhà văn, nhà thơ, có sự gắn kết mật thiết với tác giả trong quá trình làm sách, thiết nghĩ những hạt “sạn” như thế sẽ dễ được khắc phục, loại bỏ và gánh nặng “làm dâu” của những người biên soạn sách cũng vơi bớt phần nào.

    Xin được đơn cử một trường hợp “gia công” về ngữ liệu khá thành công của các tác giả sách giáo khoa trước đây:

    MẸ, MẸ ƠI CÔ BẢO
    NÓI ĐIỀU HAY
    Mẹ, mẹ ơi cô bảo:
    “Cháu ơi, chơi với bạn
    Cãi nhau là không vui
    Cái mồm nó xinh thế
    Chỉ nói điều hay thôi”


     CHIM
    Mẹ, mẹ ơi cô bảo:
    “Chim bay giữa trời
    Có khi phải đỗ
    Chim có cánh rồi
    Cần đôi chân nữa…”


    THUYỀN VÀ CÁ
    Mẹ, mẹ ơi cô bảo:
     “Thuyền đi trên nước
     Ta nói: thuyền trôi
     Cá đi trong nước
     Ta bảo: cá bơi…”
                          Phạm Hổ
                         (Nhiều tác giả (Đặng Hấn tuyển chọn), Thơ nhớ từ thơ, NXB Văn học, 2003, trang 63)

    Khi vào sách giáo khoa, trở thành:
    CÔ DẠY
    (Học thuộc lòng)
    Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy:
    Phải giữ sạch đôi tay,
    Bàn tay mà giây bẩn,
     Sách, áo cũng bẩn ngay.
     Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy:
    Cãi nhau là không vui
    Cái miệng nó xinh thế
    Chỉ nói điều hay thôi.
                      PHẠM HỔ
                     (Tiếng Việt 1, Tập 2, NXB Giáo dục, 2000, trang 93)

    “Dạy” gần gũi với học sinh hơn, gắn với hoạt động, trách nhiệm của thầy cô hơn là “bảo” vừa quyền uy, vừa không thể hiện rõ những ý nghĩa như “dạy”. Còn “mồm” là từ địa phương, phổ biến ở Miền Bắc, không mấy quen thuộc với trẻ em khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Chưa kể, đôi khi việc dùng từ này còn tạo sắc thái nghĩa tiêu cực (im mồm; mồm năm miệng mười; mồm loa mép dãi…). Cách hoán chuyển từ “miệng” sang “mồm”, “bảo” sang “dạy” là một sự tinh tế, có tầm của đội ngũ biên soạn, dĩ nhiên trong đó có sự hợp sức của chính tác giả Phạm Hổ.

    Gần đây, những người có nhiều gắn bó với văn học thiếu nhi, có tác phẩm đưa vào sách giáo khoa như Nguyễn Thúy Loan, Bảo Ngọc, Cao Xuân Sơn, Trần Quốc Toàn… khá tâm tư về thơ văn trong trường phổ thông. Thỉnh thoảng họ đưa những văn bản của những chương trình cũ, thậm chí trước 19757 lên Facebook. Tâm lý hoài cổ một phần cũng xuất phát từ sự bất như ý của hiện tại. Rõ ràng ngữ liệu trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn hiện tại khiến không ít người rơi vào hoài vọng quá khứ: Bao giờ cho đến… ngày xưa.

    4. Văn bản đọc mở rộng - sai một li đi một dặm

    Một thay đổi theo hướng tích cực của chương trình Ngữ văn 2018 là bên cạnh hệ thống văn bản trong sách giáo khoa còn có các văn bản đọc mở rộng. Xây dựng, hình thành ngữ liệu dạy học này phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nhà trường, giáo viên, học sinh… Hiện nay, ở nhiều địa phương, giáo viên có cách tuyển chọn văn bản đọc mở rộng khá đơn giản, qua loa: nếu dạy bộ sách này thì lấy ngữ liệu ở những bộ sách khác và ngược lại. Rất nhanh và rất thụ động. Việc làm này không khỏi tạo ra sự “đồng phục” trong một nhà trường, tỉnh thành, cả nước. Tinh thần tự do, phóng khoáng, tôn trọng tối đa sự chủ động, cá tính thầy trò của chương trình 2018, vì cách làm đó, thực khó mà đảm bảo.

    Theo chúng tôi, để dạy học đọc mở rộng đạt được mục đích, hiệu quả như kỳ vọng, cần phải có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong lựa chọn ngữ liệu: đáp ứng mục tiêu chương trình; phù hợp về chủ đề; đảm bảo số lượng; phù hợp về thể loại (thơ, truyện, bài văn miêu tả; văn bản nghệ thuật, văn bản nghị luận, văn bản thông tin); tính bao quát về vùng miền, quốc gia; sự kế thừa, tiếp nối thế hệ nhà văn…

    5. Thay lời kết

    Ngữ liệu trong sách giáo khoa là phương diện quan trọng để cụ thể hoá, hiện thực hoá nội dung chương trình. Đó cũng là yếu tính cho thấy cái tầm và cái tâm của đội ngũ biên soạn sách nói riêng, ngành Giáo dục nói chung. Hi vọng với những ưu điểm đã được thừa nhận trong thời gian qua, cùng với sự cởi mở, thiện chí, cầu toàn, những người liên quan trực tiếp đến chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt, Ngữ văn sẽ có sự chỉnh sửa, hoàn thiện để sớm có được những tài liệu tốt nhất, tích cực góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học tiếng mẹ đẻ và dạy học văn ở trường phổ thông. Đó cũng là cơ sở để giáo dục, phát triển toàn diện nhân cách học sinh, để việc dạy học ở trường phổ thông tích cực tham dự vào quá trình đổi mới, hiện đại hóa đất nước.

Bùi Thanh Truyền

Nguồn: Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật, ngày 28.02.2024.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông, môn Ngữ văn, ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 7.
3. Nguyễn Thế Kỷ (2023), Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước ta 80 năm qua, Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, số 02.
4. Hương Ly, Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” mỗi sách viết một kiểu, hiểu sao cho đúng?, nguồn: https://vanvn.vn/tac-pham-binhngo-dai-cao-moi-sach-viet-mot-kieu-hieusao-cho-dung/, ngày truy cập: 12/4/2023.
5. Bùi Thanh Truyền (2018), Tuyển chọn và dạy học tác phẩm văn học Việt Nam sau 1975 ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các môn khoa học xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh”, Trường Đại học Sài Gòn. 

Chú thích:
1 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông, môn Ngữ văn, ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018.
2 Các bộ sách Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống; môn Tiếng Việt 1, 2, 3, 4; môn Ngữ văn 6, 7, 8, 10, 11 (sách học sinh).
3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 7.
4 Nguyễn Thế Kỷ (2023), Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước ta 80 năm qua, Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, số 02, tr. 13.
5 Hương Ly, Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” mỗi sách viết một kiểu, hiểu sao cho đúng?, nguồn: https://vanvn.vn/tac-pham-binh-ngo-dai-cao-moisach-viet-mot-kieu-hieu-sao-cho-dung/;Ngày truy cập: 12/4/2023.
6 Phạm Hổ, Nguyễn Nghiệp (tuyển chọn), Những bài thơ em yêu (tái bản lần thứ nhất), NXB Giáo dục, 2001. Nhiều tác giả (Cao Xuân Sơn tuyển chọn), 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2022.
7 Xin xem bài thơ Tôi yêu (Trần Huiền Ân) trên Facebook của Nguyễn Thúy Loan, Biên tập viên NXB Kim Đồng.

Thông tin truy cập

62808081
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2644
14839
62808081

Thành viên trực tuyến

Đang có 286 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website