Chọn ngữ liệu môn Ngữ văn trong nhà trường: Sáng tạo đi liền với cái đẹp

Chương trình GDPT 2018 lấy người học làm trung tâm để phát triển phẩm chất và năng lực.

Học sinh tranh thủ ôn tập môn Ngữ văn trước giờ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh tranh thủ ôn tập môn Ngữ văn trước giờ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong đó, điểm đổi mới trong môn Ngữ văn là giáo viên có thể sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để dùng cho thi cử, đánh giá.

Tuy nhiên, làm sao để nguồn ngữ liệu đảm bảo nguyên tắc phù hợp với lứa tuổi, sự phát triển của học sinh là một câu chuyện dài.

Cân nhắc tính giáo dục, độ tuổi

Tháng 5/2024, Trường Quốc tế TPHCM phát cho học sinh lớp 11 tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” (Ocean Vuong) có câu văn miêu tả về tình dục bị nhiều người cho là phản cảm, khiến nhiều phụ huynh bất bình.

Nhà trường sau đó thu hồi cuốn sách, sự việc tạm lắng. Tuy nhiên, câu chuyện này gợi mở vấn đề chọn ngữ liệu cho môn Ngữ văn trong nhà trường, bao gồm việc sử dụng các văn bản trong các tiết học, đề thi, tham khảo…

Theo TS Đào Lê Na, khi hướng dẫn đọc sách văn học, thầy cô cần trang bị kiến thức và kỹ năng đọc tác phẩm ngoài ngữ liệu sách giáo khoa cho học sinh. Nên có cơ chế thu thập và xử lý phản hồi từ học sinh và phụ huynh về các ngữ liệu được sử dụng, giải thích cho phụ huynh vì sao các ngữ liệu đó được lựa chọn giảng dạy.

Trước đó, tại các trường phổ thông, từng xuất hiện bất ổn trong việc lựa chọn ngữ liệu môn Ngữ văn trong học tập, thi cử. Chẳng hạn, tháng 1/2024, đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn, khối 8 của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) gây phản ứng mạnh.

Mặc dù văn bản trong đề thi mang ý nghĩa chỉ trích người tham lam, nói dối, không giữ lời hứa nhưng các chi tiết và câu chữ trong văn bản lại phản cảm. Trước đó, đề thi cuối kỳ I môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 8, Trường THCS Colette (Quận 3, TPHCM) cũng bị phản ứng vì cho rằng thiếu tôn trọng người thầy, hạ thấp hình ảnh nhà giáo khi ngữ liệu câu chuyện kể về một thầy đồ tham ăn và xưng “mày - tao” với học sinh.

Những đề thi Ngữ văn lấy nội dung bài hát như “Lạc trôi” (ca sĩ Sơn Tùng MTP), “Đom đóm” (ca sĩ Jack) hay gần đây nhất là đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của tỉnh Hậu Giang trích hai câu hát trong ca khúc “Bên trên tầng lầu” (Tăng Duy Tân) cũng nhận được nhiều tranh cãi, thậm chí chỉ trích. Các đề thi được cho là không đảm bảo những yêu cầu cơ bản như tính khoa học, tính giáo dục, tính thời sự, tính thẩm mỹ, tính thử thách.

Nguyễn Hà My - học sinh lớp 9 ở TPHCM chia sẻ: “Bản thân em và một số bạn trong lớp đều cảm thấy thích thú khi được thi học kỳ bằng các đề ngoài cuộc sống. Khi đó, chúng em sẽ vận động được những tri thức mà mình đã học, tránh được vấn đề học tủ bài”. 

Nhiều học sinh cũng có quan điểm như Hà My, nhưng ở phía bậc làm cha mẹ, họ lại không nghĩ vậy. Theo nhiều phụ huynh, chủ trương chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra môn Ngữ văn giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, tuy nhiên việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho đề thi, đề kiểm tra còn nhiều bất cập.

Chị Nguyễn Thị Bích - phụ huynh lớp 11 ở TPHCM nêu quan điểm, thầy cô có thể đưa các tác phẩm mới của các tác giả trẻ hoặc tác phẩm âm nhạc “đu trend” để thu hút học sinh, nhưng cần nhất vẫn là độ chuẩn mực. Bởi ngữ liệu môn Ngữ văn có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm hồn, nhân cách của học sinh, đồng thời cũng là căn cứ quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá.

Theo TS Đào Lê Na - Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM), việc sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để thi cử, đánh giá giúp phát huy tinh thần tự học và tự nghiên cứu của học sinh.

Tiếp cận được nguồn tài nguyên học tập lớn hơn đến từ nhiều nền văn hoá và nhiều quan điểm khác nhau sẽ giúp các em có cái nhìn đa chiều về nhiều vấn đề trong cuộc sống, có tư duy phản biện trước những thông tin khác nhau, đặc biệt là các tin giả trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo TS Đào Lê Na, giáo viên cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng các nguồn ngữ liệu để đảm bảo chất lượng của tác phẩm và phù hợp với sự phát triển tâm lý của học sinh. Học sinh trung học dưới 18 tuổi nên tất cả các cảnh nhạy cảm có thể ít nhiều tác động đến tâm lý.

Nói riêng về sách tham khảo cho học sinh phổ thông, TS Đào Lê Na cho biết, có 3 tiêu chí để phân loại và lựa chọn. Thứ nhất, sách phù hợp tâm lý của học sinh. Thứ hai, phân loại sách theo nội dung và mức độ nhạy cảm của chủ đề, đảm bảo có các cảnh báo và hướng dẫn cụ thể về những nội dung có thể gây tranh cãi hoặc khó tiếp nhận.

Cuối cùng là tính đa dạng bao quát, các sách được phân loại không chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất mà cần cân nhắc giá trị giáo dục, tính cập nhật và phản ánh đa dạng văn hóa, xã hội.

“Mặc dù việc xuất bản sách ở Việt Nam không có các cảnh báo rõ ràng về độ tuổi người đọc nhưng nếu được xem như ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, giáo viên nên đưa ra những cảnh báo về các cảnh nhạy cảm có thể xuất hiện trong sách và học sinh có thể tự quyết định đọc hay không đọc”, TS Đào Lê Na nói.

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, khi thầy cô đưa ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vào bài học đều phải cân nhắc kĩ càng để đánh giá có phù hợp hay không. Học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn có những giới hạn, nguyên tắc và tiêu chuẩn mà trường quy định.

Nhà trường nên có những sự kiểm soát nhất định, gần giống các bộ phim được dán nhãn theo lứa tuổi khác nhau như 13+, 16+, 18+… chiếu ở rạp phim. Sách đưa vào trường học phải thẩm định và đảm bảo hài hòa các yếu tố về ý nghĩa và giáo dục nhân văn.

20240807 3

Học sinh lớp 12 ở TPHCM ôn tập môn Ngữ văn. Ảnh: Lê Nam

Chú trọng cảm thụ văn chương

Theo GS.TS Huỳnh Như Phương, nhà phê bình văn học, chương trình Ngữ văn mới đã thể hiện một bước tiến rõ rệt về tư duy giáo dục lẫn quan niệm văn học, so với thời mà kiến thức dạy văn còn sơ lược và công thức, dựa trên những văn bản thiên về tính minh họa. 

Chương trình mới có sự cập nhật cả về lý thuyết lẫn văn liệu với những tác giả và tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, trên hành trình đổi mới, ở một số địa phương và cơ sở giáo dục còn lúng túng, chọn ngữ liệu chưa thật phù hợp trong việc ra đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn.

GS.TS Huỳnh Như Phương cho rằng, giáo viên cần được trang bị về phương pháp sư phạm ở bất cứ môn học nào, trong đó có Ngữ văn. Chọn một bài văn để đưa vào nhà trường cần có bề dày cảm thụ và kinh nghiệm văn học, am hiểu tâm sinh lý học sinh, vốn liếng văn học sâu rộng và bản lĩnh khoa học thì mới tìm được một văn bản hay nhất, tốt nhất để dạy cho một độ tuổi nhất định.

Học sinh 12 - 15 tuổi đang đổi thay và khám phá về tình yêu, tình bạn, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước… một bài văn hay sẽ thanh lọc và bồi dưỡng tình cảm đẹp cho các em. Học sinh THCS nên chủ yếu dạy văn học hiện đại, nói về hình ảnh tích cực thiên nhiên, xã hội, đất nước và con người, tránh đưa vào bài học những văn bản nặng nề với những góc tối của đời sống.

Môn Ngữ văn THPT ở chương trình mới ban hành linh hoạt hơn trong việc gợi ý và cho phép thầy cô tìm và đề xuất văn liệu mới phù hợp. Theo đó, lớp 10 và 11 là độ tuổi học sinh thích hợp về tâm thế để dạy văn học cổ điển. Ở lớp 12, bắt đầu tuổi trưởng thành, học sinh cần được trang bị sâu sắc về lý tính để từng bước hình thành nhân sinh quan và thế giới quan.

Do đó, nhà trường, thầy cô nên chọn những văn bản văn học Việt Nam và văn học nước ngoài có chiều sâu triết lý, có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. “Đây phải là công việc của một tập thể chuyên môn, với sự đề xuất và góp ý của đông đảo giáo viên, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và phê bình văn học”, GS.TS Huỳnh Như Phương nhấn mạnh.

chon ngu lieu mon ngu van trong nha truong (4).jpg

Thí sinh TPHCM tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Lê Nam

Cần có “ngân hàng” ngữ liệu

Ngày 21/7/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn. Theo đó, trong việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới.

Cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Với giáo viên dạy Ngữ văn, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho vào đề thi, đề kiểm tra là việc làm hay, tránh để học sinh học theo lối mòn, học tủ, học vẹt. Tuy nhiên, việc chọn ngữ liệu cần có những chuẩn mực và yêu cầu nhất định.

Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) cho biết, việc lựa chọn ngữ liệu trong môn Ngữ văn cần phù hợp với thể loại, độ tuổi của học sinh. Câu hỏi phải có tính thẩm mỹ, tính giáo dục, ngữ liệu có độ dài vừa phải, tương ứng với thời gian thi của học sinh. 

Các câu hỏi đặt ra trong đề thi phải đi theo đúng ma trận: Từ nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao, đáp ứng các yêu cầu giáo viên đưa ra. “Để nâng cao chuyên môn, giáo viên cần tăng cường việc sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, cùng nhau thảo luận về cách ra đề”, thầy Bảo nói.

Thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho rằng các Phòng, Sở GD&ĐT nên có những “ngân hàng” về ngữ liệu để giáo viên có thể đóng góp và tham khảo.

Giáo viên tự “mày mò” trong chương trình mới sẽ lúng túng, nhiều thầy cô có tâm lý quan ngại đổi mới đề Văn, sợ bị chỉ trích bàn tán trên mặt báo và mạng xã hội, nên ưu tiên chọn những tác phẩm an toàn.

“Ngoài việc tập huấn đơn thuần ở chương trình như trước đây, tôi hy vọng các Phòng, Sở GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn về những đề thi cho từng thể loại, từng lớp, từng giai đoạn trong năm học. Hiện nay, giáo viên Ngữ văn đa số đều phải “tự bơi” nên những bước đi đầu tiên sẽ khập khiễng, thiếu sót và dễ mắc sai lầm”, thầy Đức Anh bày tỏ.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, việc chọn ngữ liệu Ngữ văn ngoài sách giáo khoa là một kỹ năng trong ngành sư phạm. Để tránh lúng túng khi triển khai chương trình mới, giáo viên có thể cân nhắc theo “công thức” 50 - 50, cân đối giữa những ngữ liệu cũ và ngữ liệu mới. Đó là cách giúp đề thi không thiếu những cái cũ và đưa được những cái mới vào để trở nên phong phú và hiện đại hơn.

Cẩm Anh

Nguồn: Giáo dục và thời đại, ngày 17.7.2024.

 

Thông tin truy cập

62497501
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11205
20575
62497501

Thành viên trực tuyến

Đang có 409 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website