Giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên ngành Văn học từ giá trị của di sản truyền thống

 

20240924

Nhóm SV khoa Văn học thực tập thực tế tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất Nam Bộ, ngay từ những ngày đầu thành lập đã chú trọng công tác đào tạo và giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên từ những giá trị của di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Các khoa quan trọng của Trường như Văn học, Văn hóa học, Việt Nam học luôn dành ưu tiên trong chương trình đào tạo của mình những môn học truyền đạt kiến thức văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống của quốc gia và của vùng miền như các chuyên đề: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn hóa dân gian Việt Nam, Văn học dân gian Việt Nam, Văn hóa Nam Bộ, Nghệ thuật truyền thống Nam Bộ…

   Trong bài viết này chúng tôi trình bày thực tiễn triển khai phương pháp giáo dục cho sinh viên được tiếp cận với cái đẹp của di sản truyền thống trong chương trình đào tạo của Khoa Văn học. Một mặt chương trình giảng dạy các chuyên đề lý thuyết nhằm cung cấp kiến thức cho sinh viên về các loại hình văn học và văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cho sinh viên được hóa thân và trải nghiệm làm người tái tạo và truyền bá di sản ngay trong chính lớp học. Mặt khác chúng tôi còn tổ chức điền dã thực tế trong chương trình đào tạo như một môn học thực thụ cho sinh viên được sống trong lòng di sản, được tiếp xúc với những con người cụ thể đang lưu giữ kho tàng di sản phi vật thể của dân tộc đã được chuyển giao từ hàng bao thế hệ. Sinh viên được lắng nghe, trao đổi, ghi chép và sưu tầm kho tàng nghệ thuật ngôn từ của dân gian mà trước đây chỉ được biết qua sách vở. Từ quá trình tiếp xúc thực tiễn với môi trường sống động đó, sinh viên mới có thể tự mình khám phá ra những giá trị của nguồn di sản của dân tộc, hình thành nên tình cảm thẩm mĩ đối với những các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống này.

   1. Chú trọng cung cấp kiến thức về văn hóa và văn học, nghệ thuật truyền thống

   Song song với việc cung cấp cho sinh viên những kiến thức mới về lý luận, nghiên cứu văn học đang được cập nhật hàng ngày trên thế giới cũng như những đặc trưng riêng có trong nền văn học phong phú của các quốc gia, thì Khoa Văn học cũng luôn chú trọng hàng đầu việc xây dựng cho sinh viên những kiến thức nền tảng về văn hóa và văn học, nghệ thuật của Việt Nam. Đặc biệt là chú trọng cho sinh viên biết sâu, hiểu sâu về nền văn hóa, văn học truyền thống của dân tộc trước khi khám phá nền văn học, nghệ thuật rộng lớn của nhân loại.

   Đầu tiên với chuyên đề bắt buộc Cơ sở văn hóa Việt Nam, chúng tôi trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản mang tính hệ thống về văn hóa Việt Nam như nhận diện và phân biệt các khái niệm chung về văn hóa và văn hóa học; hệ thống các thành tố của văn hóa Việt Nam bao gồm văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội và các đặc trưng của từng thành tố. Từ đó, sinh viên có thể tự mình tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu về những góc độ biểu hiện của văn hóa Việt Nam nhằm hiểu sâu, hiểu rõ về đặc trưng căn tính dân tộc, về những điểm độc đáo riêng có của dân tộc Việt Nam hình thành từ môi trường tự nhiên và tiến trình phát triển của lịch sử xã hội.

   Chuyên đề Đại cương văn hóa dân gian Việt Nam được biên soạn nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, hệ thống về văn hoá dân gian Việt Nam với những đặc điểm cơ bản phản ánh diện mạo đời sống văn hóa của dân gian. Giúp sinh viên nhận diện kiểu dạng văn hoá của người bình dân Việt Nam trên các mặt hoạt động như nhận thức, tổ chức, ứng xử, tái hiện. Khi sinh viên có khả năng phân tích được cấu trúc, các thành tố của văn hoá, nghiên cứu sâu các đặc điểm cơ bản của văn hoá dân gian Việt Nam sẽ hình thành nên nhận thức, khả năng phân biệt và có thái độ chủ động trong sự chọn lựa, tiếp thu các luồng văn hóa từ khắp nơi truyền đến.

   Chuyên đề chuyên ngành văn học đầu tiên là Văn học dân gian Việt Nam sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng về văn học dân gian thế giới nói chung và văn học dân gian Việt Nam nói riêng. Nhận diện được văn học dân gian trong tổng thể văn hóa dân gian, các đặc trưng của văn học dân gian, vấn đề phân loại và các phương pháp nghiên cứu văn học dân gian… Sinh viên sẽ lần lượt biết cách nhận diện và phân loại được các thể loại văn học dân gian đặc sắc của dân tộc theo các loại hình: tự sự dân gian (thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi, vè, truyện thơ), trữ tình dân gian (ca dao), lời ăn tiếng nói dân gian (tục ngữ, câu đố), sân khấu dân gian (chèo)…

   Chuyên sâu hơn, để giúp sinh viên hiểu và yêu hơn nghệ thuật diễn xướng dân gian được lưu truyền từ bao đời nay, chúng tôi cung cấp chuyên đề Dân ca Việt Nam và Thi pháp ca dao. Chuyên đề Dân ca Việt Nam tập trung giới thiệu về các hình thức diễn xướng dân gian, các làn điệu dân ca Việt Nam từ các vùng Bắc, Trung, Nam. Tiếp cận nghiên cứu dân ca như một chỉnh thể bao gồm các thành tố làn điệu, thành tố lời thơ và thành tố diễn xướng… Việc nắm bắt được vai trò, chức năng và giá trị, ý nghĩa của các làn điệu dân ca đối với đời sống lao động, nghi lễ, sinh hoạt của nhân dân sẽ giúp sinh viên dễ dàng nhận diện và quan tâm đến các hình thức ca hát truyền thống của dân tộc. Qua đó hình thành nên lòng yêu mến đối với nền âm nhạc dân gian, bớt đuổi theo âm nhạc thời thượng mau rộ mau tàn của thị hiếu phần đông giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, chuyên đề Thi pháp ca dao sẽ tập trung vào giới thiệu cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật ngôn từ của thơ ca dân gian, giúp sinh viên tìm hiểu các phương thức, phương diện nghệ thuật mà tác giả dân gian sử dụng để xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật truyền thống trong ca dao. Việc tìm hiểu các thành tố chính của thi pháp ca dao như: ngôn ngữ và thể thơ, kết cấu, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, nghệ thuật xây dựng hình tượng, các biểu tượng truyền thống… sẽ giúp sinh viên thấy được những đặc trưng sáng tạo của thơ ca dân gian, phần nào cắt nghĩa được nguồn gốc, quá trình hình thành những “kiểu mẫu” trong hoạt động sáng tạo phong phú, đa dạng của tác giả dân gian. Trên cơ sở nắm được “tư tưởng nghệ thuật” sẽ giúp sinh viên tránh được những cách hiểu nội dung ca dao theo lối một chiều, suy diễn gượng ép, có khả năng cảm thụ và phân tích một cách thuyết phục những bài ca dao cụ thể. Sinh viên sẽ được khám phá vẻ đẹp của một bài ca dao qua bài học về phân tích nghệ thuật ca dao và những vận dụng trong sáng tác thơ ca thành văn theo các nguyên tắc dựa vào dân tộc học, nguyên tắc kế thừa trong sáng tạo folklore, từ đó còn hình thành nên lòng yêu tiếng Việt một cách sâu sắc.

   Những chuyên đề cung cấp kiến thức sâu về văn hóa, nghệ thuật vùng Nam Bộ cũng được chúng tôi chú trọng trong chương trình đào tạo cho sinh viên ngành văn học, đó là các chuyên đề như Văn hóa Nam Bộ và Nghệ thuật truyền thống Nam Bộ.

   Môn Văn hóa Nam Bộ cung cấp cho sinh viên ngành văn những kiến thức căn bản về đặc điểm môi trường tự nhiên, quá trình hình thành và phát triển lẫn tình hình kinh tế-xã hội, các đặc điểm tộc người của vùng đất này. Mặt khác, phần quan trọng nhất của nội dung môn học là đi sâu giới thiệu những đặc điểm văn hóa lẫn các thành tố văn hóa của cư dân Nam Bộ như lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, phương ngữ, kiến trúc thờ tự, ẩm thực, trang phục, đi lại, nhà ở… Những nội dung này giúp cho sinh viên có cái nhìn cụ thể và chi tiết về văn hóa Nam Bộ trong mối tương quan với điều kiện tự nhiên, lịch sử, giao lưu văn hóa tộc người, bối cảnh kinh tế-xã hội của vùng đất nơi mà mình đang sinh sống và học tập.

   Chuyên đề Nghệ thuật truyền thống Nam Bộ cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng về các loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng văn hóa Nam Bộ. Giúp sinh viên tìm hiểu nguyên nhân hình thành, phát triển và thực trạng của các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Miền Nam hiện nay. Sinh viên có thể áp dụng kiến thức đã học để khám phá các giá trị thẩm mĩ của các loại hình văn hóa, nghệ thuật hay trong sáng tác văn chương và điện ảnh. Ở mỗi thể loại chúng tôi cũng đồng thời giới thiệu cho sinh viên thưởng thức một vài vở diễn tiêu biểu của các soạn giả nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống này ở Nam Bộ. Sau khi hoàn thành môn học, sinh viên sẽ đạt được kỹ năng phân tích, thưởng thức, đánh giá các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời sẽ có thái độ trân trọng các loại hình nghệ thuật truyền thống Nam Bộ hiện nay như đàn ca tài tử, vọng cổ, hát bội, cải lương… góp phần vào việc lưu giữ và truyền bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một này.

   2. Xây dựng tư duy và thị hiếu thẩm mĩ cho sinh viên với tư cách là người thưởng thức và người trong cuộc

   Một trong những phương pháp dạy học được áp dụng thường xuyên trong nhiều chuyên đề lý thuyết của Khoa Văn học là học đi đôi với hành. Thời gian thực hành luôn chiếm ít nhất 20% thời lượng của những môn học này. Sinh viên được trở thành những người học chủ động, không chỉ tự tìm kiếm đề tài có liên quan, làm việc nhóm để thuyết trình và thảo luận mà có môn học, sinh viên còn được hóa thân thành nhân vật trong tác phẩm như các môn Văn học dân gian, Văn học Việt Nam và văn học các nước khác trên thế giới. Buổi thực hành là hình thức sân khấu hóa những tác phẩm mà sinh viên chọn lựa, sinh viên tự viết lại kịch bản từ tác phẩm đã có, viết lại lời thoại cho nhân vật, xây dựng xung đột và giải quyết xung đột theo quan điểm của mình, lồng vào đó là những quan điểm, suy tư của tuổi trẻ về những điều tưởng đã xưa cũ. Với buổi thực hành trong các chuyên đề về nghệ thuật diễn xướng, giảng viên có thể mời các nghệ sĩ đến tận lớp học trình diễn nhạc cụ truyền thống hay những tác phẩm và các trích đoạn trong các vở diễn thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống nào đó. Trong những buổi thực hành này sinh viên có thể tham gia đồng diễn cùng với giáo viên và các nghệ sĩ trong một không gian học thuật mộc mạc, gần gũi, dễ nắm bắt, dễ thưởng thức và cảm nhận bằng cách quan sát không chỉ của một khán giả mà còn của một người học, một nhà nghiên cứu.

   Với các loại hình nghệ thuật truyền thống có quy mô lớn không thể trình hiện đơn sơ tại lớp học, giảng viên có thể dành ra một vài buổi cho sinh viên học cách làm khán giả, thưởng thức, chiêm nghiệm, sau đó là đúc kết và đánh giá bằng những bài luận nộp lại cho giảng viên sau mỗi buổi thưởng thức nghệ thuật. Trong chuyên đề Văn học dân gian, sinh viên được thưởng thức múa rối trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử tại Thảo Cầm Viên và những trích đoạn của các vở hát bội do Đoàn Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh trình diễn tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hay ngay tại Nhà hát. Với chuyên đề Văn hóa Nam Bộ, sinh viên (vốn được sinh ra từ nhiều vùng miền khác nhau trên khắp cả nước) sẽ được hóa thân làm du khách, vào vai phóng viên thực thụ đi điều tra và làm những clip ngắn giới thiệu về bất kỳ nét văn hóa đặc trưng nào của Nam Bộ mà mình quan tâm và thích thú.

   Tất cả việc thực hành hóa thân nhân vật, sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian hay thưởng thức nghệ thuật và hóa thân thành người lưu giữ truyền bá văn hóa sẽ giúp sinh viên hiểu rõ, hiểu sâu hơn những bài học lý thuyết đã được nghe giảng viên truyền dạy trên lớp. Với tinh thần “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”, sinh viên không chỉ hiểu mà còn được bồi đắp thêm lòng yêu mến văn hóa dân tộc, nhận thức rõ được những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền, hình thành lòng bao dung, chan hòa khi đánh giá, phân biệt sự khác nhau giữa các vùng văn hóa trong cùng một lãnh thổ quốc gia. Từ đó thêm yêu quý, tự hào về sự đa dạng, đặc sắc trong văn hóa của các vùng miền và các sắc tộc đã cộng cư bao đời để làm nên một nền văn hóa Việt Nam truyền thống đa sắc và độc đáo như ngày nay.

   3. Thực hành điền dã thực tế cho sinh viên hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống

   Để sinh viên có thể đến gần di sản, sống trong lòng di sản để tự mình khám phá những vẻ đẹp của kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc, Khoa Văn học đã thực hiện chương trình điền dã thực tập thực tế từ gần 30 năm qua. Trong chương trình đào tạo 4 năm đại học của sinh viên ngành văn luôn có một môn học gồm 45 tiết là thực tập thực tế. Sau khi đã hoàn thành các tín chỉ lý thuyết về Cơ sở văn hóa Việt NamVăn học dân gian Việt Nam và Văn hóa Nam Bộ, sinh viên năm 3 ngành Văn học sẽ được tham gia một đợt thực tập thực tế như một môn học bắt buộc phải tích lũy đủ tín chỉ khi xét tốt nghiệp. Đợt thực tập thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần, mỗi năm đi đến một nơi nào đó trong các tỉnh thành Nam Bộ để sinh viên có thể được trải nghiệm đời sống nông thôn và thực hành phương pháp sưu tầm văn học dân gian đã được học ở nhà trường.

   Trong thời gian ở tại địa phương, sinh viên sẽ được cùng sinh hoạt trong môi trường văn hóa xã hội của địa phương, học cách tổ chức đời sống tập thể cùng nhau và cách quan hệ, giao lưu với nhân dân địa phương cũng như chính quyền cấp xã. Mỗi ngày sinh viên sẽ tiếp xúc với nhân dân để điều tra và sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian còn được họ lưu giữ trong trí nhớ. Đây là lúc sinh viên được vận dụng tất cả những kiến thức có tính lý thuyết mà mình đã được học trong những năm qua, được trải nghiệm sinh hoạt trong không gian văn hóa Nam Bộ với những con người cụ thể. Sinh viên phải học cách giao tiếp và khai thác tư liệu sao cho người dân tin tưởng và thoải mái truyền đạt những câu ca điệu hát, những câu chuyện, những lời răn dạy mà họ lưu giữ từ bấy lâu nay, đã được nghe ông cha truyền lại từ nhiều thế hệ trước. Kỹ năng nhận diện, phân loại tác phẩm văn học dân gian của sinh viên Khoa Văn học được vận dụng triệt để ngay chính trong những chuyến đi điền dã thực tập thực tế này.

   Kết quả đạt được trong những chuyến điền dã thực tập hàng năm luôn nhiều hơn mong đợi, không phải là về nguồn trữ lượng tác phẩm văn học dân gian đã khai thác được trong suốt chuyến đi mà là sự trưởng thành về nhiều mặt của sinh viên. Trong đó đáng chú ý là trưởng thành về mặt nhận thức thẩm mĩ, về lòng yêu mến được bồi đắp một cách rất tự nhiên của sinh viên đối với con người và vùng đất Nam Bộ. Thực sự ăn ở cùng dân, tiếp xúc gần gũi, trải nghiệm văn hóa, sinh viên thêm hiểu về tính cách con người và những nét đặc trưng riêng có của từng vùng đất, lòng yêu văn hóa dân tộc và yêu nước thương nòi cũng từ đó mà được bồi đắp. Kết thúc mỗi đợt thực tập đều để lại trong lòng từng lứa sinh viên những ấn tượng sâu sắc và tình cảm mộc mạc khó quên đối với vùng đất mà các em được đến.

   4. Kết luận

   Sinh viên đại học thuộc lứa tuổi thanh niên sôi nổi, nhạy bén với thời cuộc, mau tiếp thu những điều mới mẻ nhưng cũng nhanh chóng quên đi để nhường chỗ cho những điều mới khác đến sau. Do vậy việc xây dựng thị hiếu thẩm mĩ cho sinh viên, tạo nên “chất sinh viên” của riêng sinh viên mỗi ngành học cũng là điều đang được các khoa, các trường đại học chú trọng. Định hướng thị hiếu cho sinh viên trong việc hưởng ứng các trào lưu, xu thế văn hóa, nghệ thuật mới trên thế giới hay trong nhu cầu thưởng thức cái đẹp văn hóa, nghệ thuật là điều rất quan trọng và rất nên làm. Giới trẻ dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông, yêu ghét theo đám đông và theo trào lưu, dễ bị dẫn dắt theo dư luận và truyền thông nên nhiều khi không xác định được thị hiếu của chính mình, không có lập trường trong việc xây dựng thị hiếu thẩm mĩ của riêng mình.

  Đối mặt với sự du nhập ào ạt của các trào lưu văn hóa, nghệ thuật mới mẻ hiện đại từ khắp nơi trên thế giới đổ về, không ít bạn trẻ hoang mang không nhận diện được những giá trị văn hóa, nghệ thuật thực sự và cũng không ít bạn trẻ mơ hồ về nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Do vậy từ rất sớm, Khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một chương trình đào tạo nhân văn, coi trọng giá trị truyền thống trong các mặt biểu hiện từ văn hóa đến văn học, nghệ thuật. Bồi đắp lòng yêu mến của sinh viên đối với văn hóa dân tộc, xây dựng thị hiếu thẩm mĩ của sinh viên đối với nền văn học, nghệ thuật truyền thống nước nhà là cách mà chúng tôi đã triển khai và kiên trì theo đuổi. Bằng các phương pháp vừa giảng dạy lý thuyết vừa cho các em được thực hành làm người trong cuộc, lưu giữ và truyền bá văn hóa vùng miền… những người làm công tác đào tạo ngành văn học đã phần nào có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc giáo dục tinh thần yêu nước thương nòi, trân trọng các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến với thế hệ trẻ ngày nay.

La Mai Thi Gia

Nguồn: Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật. Số tháng 7.2024, tr. 61-65

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63438478
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
339
16178
63438478

Thành viên trực tuyến

Đang có 418 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website