Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm ở đình Châu Phú (Châu Đốc - An Giang)

20171202 Dinh Chua Phu

Đình Châu Phú tức Trung Nghĩa từ, nằm tại góc đường Thoại Ngọc Hầu, Lê Lợi, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là đình thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, có quy mô thuộc loại lớn nhất ở Nam bộ. Đình do Tướng công Trấn thủ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại xây dựng vào khoảng những năm 1817-1828 (có nhiều ý kiến khác nhau về năm xây dựng), để thờ vọng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công lớn trong việc khai mở vùng đất phương Nam.

Lúc đầu đình được dựng bằng mái lá vách gỗ trên nền đất, có tên là đền Lễ công, còn gọi là đền Ông. Sau đó thì đình do dòng họ Lê Công di cư từ Bắc Trung bộ vào đây coi sóc thờ phụng. Lúc bấy giờ đình được dựng ở khu vực UBND phường Châu Phú A ngày nay. Sau hai lần chuyển đổi, đến năm 1926, cho dời về vị trí hiện tại, đình được tu tạo lại phần nền và hoàn chỉnh kiến trúc như ngày nay. Lối kiến trúc và hoa văn trang trí của đình do một nhóm thợ ở miền Bắc đảm trách thi công. Từ đó đến nay đã trải qua thời gian tương đối dài, tuy có gia cố sửa chữa nhiều lần, nhưng kiến trúc cũ vẫn được giữ nguyên.

Đình được xây dựng trên diện tích 240m2. Bao gồm các phần cơ bản sau đây: cổng đình, sân đình, gian tiền đình và gian hậu đình.

Trưởng ban quản trị đình hiện tại là ông Lê Công Thời. Đình vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng. Đến lễ Kì Yên ngày 10 tháng 5 hàng năm, Ban quản trị đình lại thỉnh sắc ra phơi để cho mọi người xem và kiểm tra việc giữ gìn sắc thần.

Về di sản Hán Nôm, ngoài các sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, đình hiện còn lưu giữ 1 bài tựa về sự tích Tôn thần thôn Châu Phú (nói sơ lược về công trạng của Tôn thần, ông nội, cha và anh ruột của Tôn thần), 1 bài giáo huấn, 1 bảng công đức, 42 câu đối, 29 bức hoành phi. Hoành phi, câu đối có nội dung chủ yếu ca ngợi công lao của Tôn thần, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 
bài tựa, 1 sắc phong (của vua Minh Mệnh) và một số câu đối.

BÀI TỰA SỰ TÍCH TÔN THẦN THÔN CHÂU PHÚ

Phiên âm:

Châu Phú Tôn thần sự tích tự

Dư tự tảo tuế dĩ lai chỉ kiến ngã Châu Phú thôn Tôn thần miếu nội cựu thời sở lưu Thống suất Lễ Thành hầu, khâm tặng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng Tôn thần bài vị. Dư thiển tưởng ngã Tôn thần chỉ nhất đại khai thác Châu Đốc nhất nhị địa phương nhi dĩ, dục cùng bản mạt ngụ mục vô do. Hạnh Bính Dần xuân sơ, Long Phú thôn hữu Hương cả Dương Quý Đài lai vân: Chủ bút Chánh sắc Nguyễn Quý Thai tích nhật Đông du thần kinh, quy hữu Đại Nam liệt truyện tiền biên hậu biên. Hựu vân: Tiền biên quyển chi tam hữu ngã Tôn thần sự tích. Dư hỉ khẩn cầu nhi quan chi, thủy tri ngã Tôn thần phi chỉ nhất thân đại hữu công lao vu đương thế, nhi phụ tử tổ tôn nhi huynh nhi điệt cụ hữu huân lao vu đương thế. Cố ngã thôn trung Hội tề đại tiểu hương chức miễn dư tuân thị thư nhi lục vu bản dĩ chương ngã Tôn thần công đức chi mậu. Thời miếu vũ tam thiên nhi hoàn vu cố chỉ, đống vũ phương cưu, khánh thành hữu nhật, dư khởi bất duy duy nhi tuân chi hồ! Đản kì tôn Thần phụ tử tổ tôn nhi huynh nhi điệt công miếu viễn tại Quảng Bình tỉnh phận, cố lược nhi lục chi. Duy ngã tôn thần công khai Nam Kì thất tỉnh, miếu tại thôn trung (hựu Biên Hoà Đại Phố Châu Lễ Công giang tiền hậu [?](1) Nam Vang giai hữu từ yên), cố nhất nhất tuân thị thư nhi tường lục chi dĩ bị hành nhân quan lãm. Đản từ hữu thiển lậu kì vi chỉ thị, hạnh vật lận đại gia chi bút vân nhĩ. Tuân thị thư nhi lược lục chi.

Nguyễn Triều Văn nãi Tôn thần chi tổ thế cư Thanh Hóa quý huyện nhân, lịch quan chí Tham tướng Chưởng cơ chi chức. Nguyễn Hữu Dật nãi Tôn thần chi phụ văn võ toàn tài vệ vưu tinh nghiệp. Đương Lê triều quyền thần Trịnh thị lai xâm, Hữu Dật thiết kế mưu chiến ngự chi. Trịnh nhân bất Nam nhập. Cố Thần Tông Hoàng Đế tán viết: “Nguyễn Hữu Dật tự đăng dĩ lai tận kế thiết mưu chiến vô bất thắng.” Cố phong Thống suất chư tướng dĩ bình tặc. Tân Dậu niên Xuân bệnh tốt, niên thất thập hữu bát. Hữu di biểu từ thậm kích thiết. Thượng lãm biểu thán tức, tặng Tán trị Tịnh nạn công thần, đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Chiêu Quận công, thuỵ Cần Tiết. Quảng Bình nhân dân truy ân chi, hiệu vi Bồ Tát, lập từ vu Thạch Kim tự chi. Hiển Tông Hoàng Đế truy cấp tự điền tam mẫu, tự dân nhất bách nhân. Gia Long tứ niên tứ vi Công thần thượng đẳng, tòng tự Thái miếu, ấm kì hậu nhất nhân vi Đội trưởng lịnh thế thủ tự sự, cấp tự điền thập ngũ mẫu, mộ phu lục nhân; Cửu niên liệt tự Khai quốc công thần miếu. Minh Mệnh thập nhị niên truy tặng Khai quốc công thần, đặc tiến Tráng Võ Tướng quân, cải thuỵ Nghị Võ, phong Tĩnh Quốc công, nhưng tòng tự Thái miếu; Thập lục niên tứ tòng tự Võ miếu. Hựu lệnh sở tại tu lí phần mộ Nguyễn Hữu Hào nãi Tôn thần chi bào huynh, Hiển Tông Hoàng Đế thời lịch quan chí Quảng Bình Trấn thủ để trấn. Ái dưỡng sĩ tốt, thân ái lại dân. Quý Tị niên tốt. Khâm tặng Đôn Hậu chi thần, thụy Nhu Từ Chi Tử dã. Thiếu tùng Gia Long tứ niên [ ? ](2) Nguyễn Hữu Cảnh thị Quảng Bình tỉnh Thượng đẳng tôn thần.

Dịch nghĩa:

Bài tựa sự tích Tôn thần thôn Châu Phú

Tôi từ lúc nhỏ đến giờ chỉ thấy trong miếu Tôn thần của thôn Châu Phú ta có lưu giữ bài vị khi xưa của Thống suất Lễ Thành hầu, khâm tặng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng tôn thần. Tôi cạn nghĩ Tôn thần của ta chỉ một đời khai mở một vài vùng đất ở Châu Đốc mà thôi. Muốn biết hết ngọn ngành thì lại không biết gởi mắt vào đâu. May thay vào đầu xuân năm Bính Dần, có ông Hương cả Dương Quý Đài ở thôn Long Phú sang bảo rằng: Chủ bút Chánh sắc Nguyễn Quý Thai ngày trước có đông du đến đất thần kinh, khi về có bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên hậu biên. Lại nói trong Quyển 3 của phần Tiền biên có sự tích Tôn thần của thôn ta. Tôi vui mừng khẩn thiết xin mượn xem, mới biết không chỉ một mình Tôn thần của ta có công lao lúc sinh thời mà cả cha con ông cháu, cả anh trai cháu trai đều có công lao lúc sinh thời. Vì vậy các hương chức hội tề lớn nhỏ trong thôn khuyên tôi gắng theo sách ấy mà ghi chép thành một bản để biểu dương công đức to lớn của Tôn thần. Lúc bấy giờ miếu mạo sau ba lần dời chuyển nay quay về chốn cũ, cột kèo vừa mới ráp xong chuẩn bị khánh thành, lẽ nào tôi chẳng vâng dạ mà tuân theo! Nhưng miếu mạo ghi công cha con, ông cháu cùng với anh và cháu họ của Tôn thần đều ở tận địa phận tỉnh Quảng Bình, nên chỉ ghi lại sơ lược mà thôi. Riêng Tôn thần của thôn ta có công khai mở bảy tỉnh Nam Kì, miếu mạo ở trong thôn (tại Cù Lao Phố ở Biên Hòa, ở đoạn trước và sau của sông Vàm Ông Chưởng(1) và cả ở Nam Vang đều có đền thờ của Ngài), cho nên nhất nhất tuân theo sách này mà ghi chép lại cặn kẽ để tiện cho người qua kẻ lại quan lãm. Nếu ngôn từ có chỗ thiển lậu thì mong chỉ bảo cho, xin chớ tiếc bút mực của bậc đại gia. Nay tuân theo sách ấy mà chép đại lược như sau.

Nguyễn Triều Văn là ông nội của Tôn thần, vốn người ở quý huyện tỉnh Thanh Hóa(3), làm quan đến chức Tham tướng Chưởng cơ. Nguyễn Hữu Dật thân phụ của Tôn thần là người văn võ toàn tài, cầm binh thiện nghệ. Lúc bấy giờ quyền thần của triều Lê là họ Trịnh kéo binh xâm phạm, Hữu Dật đã bày kế mưu chiến chống lại, họ Trịnh không thể xâm nhập xuống phương Nam. Vì vậy được Thần Tông Hoàng Đế(4) khen ngợi rằng: “Từ khi ta lên ngôi đến nay, Nguyễn Hữu Dật đã tận lực bày mưu tính kế giao chiến không bao giờ không thắng”. Cho nên phong ông Thống suất chư tướng để đánh dẹp giặc. Mùa xuân năm Tân Dậu ông bị bệnh mất, hưởng thọ 78 tuổi. Ông có để lại bài biểu rất thống thiết. Nhà vua đọc biểu than thở, tặng danh hiệu Tán trị Tịnh nạn công thần, đặc phong Phụ quốc Thượng Tướng quân Chiêu Quận công, thụy hiệu là Cần Tiết. Dân chúng Quảng Bình nhớ ơn ông gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở Thạch Kim để thờ cúng. Hiển Tông Hoàng Đế(5) truy cấp cho ruộng cúng tế 3 mẫu và 100 dân đinh lo việc thờ cúng. Năm thứ 4 đời vua Gia Long ban tặng là Thượng đẳng công thần, cho tòng tự ở Thái miếu, ban phúc ấm cho cháu con về sau của ông một người làm Đội trưởng, lệnh cho nối đời lo việc giữ đền, cấp cho ruộng cúng tế 15 mẫu, phu chăm sóc mộ 6 người; Năm thứ 9 xếp vào hàng được tế tự ở miếu Khai quốc công thần. Năm thứ 12 đời vua Minh Mệnh, ông được truy tặng Khai quốc công thần, đặc phong Tráng Võ tướng quân, đổi thụy hiệu là Nghị Võ, phong Tĩnh Quốc công, được tòng tự ở Thái miếu; năm thứ 16, được tòng tự ở Võ miếu. Lại lệnh cho địa phương sở tại tu sửa phần mộ Nguyễn Hữu Hào là anh ruột của Tôn thần, thời Hiển Tông hoàng Đế làm quan đến chức Quảng Bình Trấn thủ Để trấn. Ông có tiếng yêu thương quân lính, thân ái với quan dân. Ông mất năm Quý Tị, được vua phong tặng Đôn Hậu chi thần, ban thụy là Nhu Từ Chi Tử. Năm thứ 4 đời vua Gia Long (1805)(2) Nguyễn Hữu Cảnh là Thượng đẳng Tôn thần tỉnh Quảng Bình.

SẮC PHONG

Phiên âm:

“Sắc Thống soái Lễ Thành hầu Nguyễn hộ quốc tí dân hiển hữu công đức, tiền kinh bao tặng liệt tại tự điển, phụng ngã Thế Tổ Cao hoàng đế thống nhất hải vũ khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu nghi long hiển hiệu, khả gia phong Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn liệt tự tại Gia Định thành Hội đồng Miếu, Thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc.

Minh Mệnh tam niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật”.

Dịch nghĩa:

Sắc cho vị Thống soái Lễ Thành hầu họ Nguyễn giúp nước che dân tỏ rõ công đức, trước đây từng được khen tặng liệt vào hàng điển lễ tế tự, phù giúp Thế Tổ Cao Hoàng Đế của ta thống nhất cõi bờ mang phúc đến cho tất cả thần nhân. Nên nay vẻ vang nối tiếp cơ đồ to lớn của tổ tiên, xa nghĩ đến ơn che chở xứng đáng với danh hiệu to lớn hiển hách của thần, đáng gia phong danh hiệu Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho liệt vào hàng tế tự ở Hội đồng Miếu tại thành Gia Định, ngõ hầu thần trông coi giúp đỡ và che chở dân đen của ta. Vậy sắc cho.

Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 3 [1822].

CÂU ĐỐI

1.“Nhân khai Thuận Khánh nhị thành cao sơn tịnh trĩ,

Nghĩa thác nam cương ngũ tỉnh trường thủy đồng lưu”.

(Nhân dựng Thuận Khánh(6) hai thành, núi cao đáng sánh,

Nghĩa mở phía Nam năm tỉnh(7), sông dài cùng xuôi).

2.“Trường bảo lê dân uý dĩ uy hoài dĩ đức,

Khâm mệnh Thượng Đế sinh vi tướng tử vi thần”.

(Mãi giúp dân đen, sợ bởi uy nhớ vì đức,

Kính vâng Thượng Đế, sống làm tướng chết thành thần).

3.“Yết địa công huân thiên tải phương danh truyền Lạc sử,

Tại thiên linh sảng vạn dân chiêm đức phái Long giang”.

(Công lao mở đất, ngàn năm tiếng thơm truyền sử Lạc,

Giữa trời chiếu rọi, muôn dân thấm đức gội sông Rồng).

4. “Tảo đãng trần thanh Chân Lạp đương niên suy tướng lược,

Ngưỡng phù thánh hóa Sầm Giang thiên cổ trứ anh linh”.

(Quét sạch bụi trần, Chân Lạp năm ấy tôn tướng giỏi,

Ngửa trông đức thánh, Sầm Giang(8) nghìn thuở rõ anh linh).

5.“Trí dũng liêm ưu lữ tiễu độc siêu Tôn Vũ Tử,

Sự công bưu bính sư trinh kham đối Hán Đình Hầu”.

(Trí dũng hơn người, điều binh hơn tài Tôn Vũ Tử(9),

Cơ nghiệp rực rỡ, cầm quân ngang sức Hán Đình Hầu(10)).

6.“Nhất nhung y tăng thác Nam cương thất tỉnh thái hòa tại vũ,

Tam thiên miếu trùng tân cựu sở thiên thu trở đậu trường tồn”

(Một mảnh giáp thêm rộng phương Nam, bảy tỉnh thái bình trong vũ trụ,

Ba lần dời trùng tân miếu cũ, nghìn năm hương khói mãi phụng thờ).

7.“Chân Lạp trần thanh Đông Phố bách niên lưu vĩ tích,

Sầm Giang tinh vẫn Tây thùy thiên cổ cảnh dư uy”.

(Chân Lạp bụi tan, Đông Phố(11) trăm năm còn thánh tích,

Sầm Giang sao rụng, cõi Tây nghìn thuở khiếp uy thừa).

8.“Khai thác huân thần công tại biên thùy danh tại sử,

Trung thành chính khí sinh vi chân tướng tử vi thần”.

(Ơn thần mở đất, công ở biên thùy tên trong sử,

Trung thành chính khí, sống là chân tướng chết làm thần).

9.“Khai thác phong cương tráng liệt đương niên khâm nội quốc,

Nguy nga miếu vũ thanh cao thiên cổ ấp hành nhân”.

(Khai thác cõi bờ, hùng tráng khi xưa mọi người kính phục,

Nguy nga miếu mạo, thanh cao nghìn thuở dân chúng phụng thờ).

10. “Thác cảnh khai cương thiên địa dĩ thời quy túc tướng,

Đình xa trú tiết Hán Di tùy tại hữu linh từ”.

(Mở cõi khai biên, trong trời đất luôn là tướng giỏi,

Xuống xe làm lễ, Hán hay Di mãi kính đền linh).

11. “Nhất tọa đối sầm lâu ô ngõa trang thành long hí thái,

Tam thiên an viện đệ đình trừ ứng tập phượng lai nghi”.

(Một tòa cao ngang núi, rồng đùa uốn lượn trên ngói đỏ,

Ba lần dời yên chỗ, phượng vui tụ hội trước thềm đình).

12. “Giao dĩ nghĩa tiếp dĩ đạo kì nghi bất hoặc,

Ngôn ân trung sự ân kính duy đức thị thân”.

(Giao du bằng nghĩa kết thân bằng đạo, phép ấy không sai,

Ăn nói phải trung phụng thờ nên kính, riêng đức luôn gần).

13. “Diện Bắc phụng thánh văn thân đổng tam quân trương hổ lữ,

Hướng Nam dương thần vũ công khôi lục tỉnh trứ long đồ”.

(Trông lên Bắc phụng đức thánh văn, thân cầm ba quân ra oai dữ,

Hướng về Nam nêu uy thần vũ, công dựng sáu tỉnh rõ hoàng đồ).

14. “Nam ngạn đái tam giang nhật ánh quang tiền thanh lãng phái,

Bắc nguyên hoành thất lĩnh địa hình dụ hậu tối cao kiên”.

(Bờ Nam nối ba sông, dưới ánh mặt trời luôn tịnh khiết,

Vườn Bắc ngang bảy núi, cao dày thế đất mãi vững bền).

Chú thích:

(1)Chỗ này bị mờ 1 chữ, không đọc được, phía sau chúng tôi tạm dịch.

(2)Chỗ này bị lem mất 9 chữ.

(3)Bản quán của Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

(4)Thần Tông Hoàng Đế: tức chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648).

(5)Hiển Tông Hoàng Đế: tức chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).

(6)Thuận Khánh: tức phủ Diên Khánh (nay là Khánh Hòa) và phủ Bình Thuận (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận).

(7)Năm tỉnh: tức năm trấn thuộc thành Gia Định thời đầu triều Nguyễn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.

(8)Sầm Giang: tên chữ của sông Rạch Gầm ở Tiền Giang.

(9)Tôn Vũ Tử: người nước Tề thời Xuân Thu, Ngô vương Hạp Lư dùng làm tướng mà xưng bá chư hầu. Nay còn 1 bộ binh pháp tên là Tôn Tử tương truyền là của Tôn Vũ.

(10)Hán Đình Hầu: tức Quan Vân Trường, danh tướng thời Tam Quốc, em kết nghĩa với Lưu Bị.

(11)Đông Phố: tên gọi đất Gia Định thời chúa Nguyễn mở đất xuống vùng Thủy Chân Lạp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997.

2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 2, Nxb. Tp. HCM, 2000.

3. Nguyễn Khắc Thuần: Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2001.

4. Một số tư liệu khảo sát thực tế ở đình thần Châu Phú và thị xã Châu Đốc./.

Nguyễn Văn Hoài - Nguyễn Đông Triều

ĐH KHXH & NV, Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.72-73

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60519875
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1368
10018
60519875

Thành viên trực tuyến

Đang có 965 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website