Văn thư ngoại giao thời Trần (các nguồn tư liệu, số lượng, tác giả và thể loại)

20180404 An Nam chi luocẢnh: 1 trang của An Nam chí lược

Nối tiếp triều đại nhà Lý, triều đại nhà Trần là bước tiến mới trong lịch sử dân tộc: lập nên kì tích ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, giữ vững chủ quyền dân tộc, đưa đất nước phát triển phồn thịnh. Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, song song với cuộc đối đầu về quân sự, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao(1) cũng diễn ra không kém phần cam go, có đóng góp quan trọng cho thắng lợi sau cùng. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, học giả Phan Huy Chú đã đánh giá một cách xác đáng rằng: “Cuối cùng đánh được giặc mạnh, khiến chúng phải nguội lạnh cái lòng nhòm ngó phương Nam, đó há phải chỉ vì binh lực mà thôi đâu”(2). Văn thư ngoại giao thời Trần chính là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh ấy, cho chúng ta thêm cứ liệu để có cái nhìn đầy đủ hơn về ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, về đường lối ngoại giao sắc sảo và “từ hàn khôn khéo”(3) của nhà Trần trước kẻ địch hung bạo.

Văn thư ngoại giao thời Trần hiện còn bao gồm các bức thư, các bản tấu, biểu, tiên, trạng... của các vua Trần gửi nhà Tống và nhà Nguyên (chủ yếu là nhà Nguyên), hiện chép rải rác trong các tư liệu khác nhau, có thể khảo sát qua mấy khía cạnh sau:

I. Các nguồn tư liệu và số lượng văn thư

Văn thư ngoại giao của các vua Trần hiện có 4 nguồn tư liệu, bao gồm: 1. An Nam chí lược, 2. Nguyên sử, 3. Thiên Nam hành ký, 4. Trần Cương Trung thi tập.

1. An Nam chí lược 安南志略(ANCL). Sách do Lê Trắc 黎崱viết tại Trung Quốc, gồm 20 quyển, hiện chỉ còn 19 quyển, văn bản do nhà sách Lạc Thiện đường in tại Thượng Hải năm 1884 (ký hiệu A.16 - Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Bài tựa sớm nhất trong ANCL ghi năm Đại Đức thứ 11 (1307). Trong phần Biểu chương 表章của ANCL có 9 văn thư. Phần Tiền đại thư biểu 前代書表(Thư biểu của các đời trước) có thêm 1 văn thư do vua Trần Thái Tông gửi nhà Tống vào năm Bảo Hựu thứ 6 (1258). 9 văn thư của phần Biểu chương thực tế chỉ có 7. Văn thư mà ANCL ghi là An Nam quốc tấu hạ Vạn thọ biểu 安南奏賀萬壽表; Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt sơ tứ nhật An Nam Trần thượng biểu 至元三十年三月初四日安南陳上表và Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt An Nam Trần bách bái 至元三十年三月安南陳百拜thực chất đều thuộc một văn thư thống nhất do vua Trần Nhân Tông viết vào ngày 4 tháng ba năm Chí Nguyên thứ 30 (1293), được Trần Cương Trung thi tập 陳剛中詩集giữ lại nguyên vẹn với tên gọi chung là An Nam quốc tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu 安南國進萬壽訟并奏. Như vậy, văn thư này gồm 3 bộ phận: Bài Vạn thọ tụng 萬壽訟, bài biểu 表và bài tấu 奏. Trong ANCL, văn thư trên mang tên An Nam quốc tấu hạ Vạn thọ biểu 安南國奏賀萬壽表thực chất là bài Vạn thọ tụng và bài biểu. Văn thư Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt sơ tứ nhật An Nam Trần thượng biểu là phần đầu của bài tấu. Văn thư mang tên Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt An Nam Trần bách bái là phần còn lại của bài tấu trên(4). Các đoạn trong ANCL so với Trần Cương Trung thi tập có sự chênh lệch, trong đó bản Trần Cương Trung thi tập đầy đủ và thống nhất hơn. Như vậy trong ANCL, cộng cả 1 văn thư ở phần Tiền đại thư biểu có 7 văn thư.

2. Nguyên sử 元史 (NS)

Sách gồm 210 quyển, do nhóm Tống Liêm 宋濂, Vương Vĩ 王禕 biên soạn đầu đời Minh, và được hoàn tất vào năm Hồng Vũ thứ 3 (1370). Văn bản do Trung Hoa thư cục xuất bản dựa trên bản ảnh ấn của Thương vụ ấn thư quán năm 1935. Trong phần An Nam truyện 安南傳của NScòn giữ lại 14 đoạn trích từ các văn thư bang giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên, trong này có 1 đoạn được trích ra từ văn thư năm Chí Nguyên thứ 15 (1278) vốn đã được ghi trong phần Biểu chương sách ANCL. So sánh các đoạn trích trong NStừng xuất hiện trong ANCL câu chữ có chênh lệch nhất định song không lớn. Nếu các đoạn trích còn lại cũng trong tình trạng tương tự, thì sự sai lệch ấy cũng không làm mất đi diện mạo vốn có của chúng. Do vậy, tuy NSchỉ giữ lại được những đoạn trích song vẫn là những tư liệu đáng quý để tìm hiểu về quan hệ bang giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên.

Trong 14 đoạn trích thuộc NS, ngoài đoạn trích trên, có 5 đoạn trích khác, đều rất ngắn. Dưới đời Nguyên Hiến Tông 元憲宗năm thứ 8 (1258), Trần Thái Tông sai con rể (tức Lê Phụ Trần, người anh hùng trong trận chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất), mang phương vật vào cống; Ngột Lương Hợp Thai 兀良合台sai Nột Lạt Đinh 訥刺丁sang dụ, nhắc chuyện đã qua, đòi vua Trần vào chầu và tỏ ý hăm dọa. Trước thái độ đó, Thái Tông trả lời: “Tiểu quốc thành tâm phụng sự bề trên, thế thì nước lớn đối đãi thế nào” (小國誠心事上, 则大國何以待之: Tiểu quốc thành tâm sự thượng, tắc đại quốc hà dĩ đãi chi). Ít lâu sau, nhà Nguyên lại sai Nột Lạt Đinh đến dụ, vua Trần trả lời: “Đợi giáng ân chiếu sẽ lập tức sai tử đệ sang làm con tin” (俟降德音, 即遣子弟為質: Sĩ giáng đức âm, tức khiển tử đệ vi chí). Năm Chí Nguyên thứ 22 (1285), khi trả lời Thoát Hoan 脫懽(theo ANCLĐVSKTT viết 脫驩) về việc nhà Nguyên hỏi mượn đường sang đánh Chiêm Thành, Thánh Tông viết: “Từ bản quốc đến Chiêm Thành thủy bộ đều không tiện, xin tùy sức cung ứng quân lương” (其國至占城水陸非便, 願隨力獻軍糧: Kỳ quốc chí Chiêm Thành thủy lục phi tiện, nguyện tùy lực phụng hiến quân lương). Và một đoạn khác nói việc dâng cống lễ vật: “Kỳ cống sẽ vào tháng mười, xin chuẩn bị trước lực lượng đinh tráng, ngày nào Trấn Nam vương xuống xe, mong có thư báo” (貢期擬取十月, 請前塗預備丁力,若鎮南王下車之日, 希文

垂報: Cống kỳ nghĩ thủ thập nguyệt, thỉnh tiền đồ dự bị đinh lực, nhược Trấn Nam vương hạ xa chi nhật, hi văn thùy báo). Tháng Sáu năm Hoàng Khánh thứ 2 (1313), nhân có người Giao Chỉ đánh cướp ở vùng biên, nhà Nguyên gửi công văn chiêu dụ An Nam, phía An Nam gửi thư đáp rằng: “Lũ chuột lũ chó lén lút vụng trộm ở vùng biên, tự tác không yên, bản quốc làm sao biết được!” (邊鄙鼠竊狗偷輩, 自作不竫, 本國安得而知: Biên bỉ thử thiết cẩu thâu bối, tự tác bất tĩnh, bản quốc an đắc nhi tri).

Như vậy, ngoài 5 đoạn trích quá ngắn trên cùng 1 đoạn trích thuộc văn thư năm Chí Nguyên thứ 15 đã có trong ANCLNS còn lại 8 văn thư (đoạn trích).

3. Thiên Nam hành ký 天南行記(TNHK)

Sách do Từ Minh Thiện 徐明善(sứ Nguyên từng đến Đại Việt năm 1289) viết. Văn bản nằm trong bộ Thuyết phu 說郛do Đào Tông Nghi 陶宗儀cuối đời Nguyên biên soạn, Hàm Phần lâu in lại (trong Thuyết phu, tên tác phẩm được khắc là An Nam hành ký 安南行記). TNHK có 6 văn thư. Trong số này có 2 văn thư chỉ là những tờ trạng dâng lễ vật (vào năm Chí Nguyên 23 (1286) và 26 (1289). Tờ trạng dâng phương vật năm Chí Nguyên 26 thực chất là một bảng liệt kê danh sách lễ vật đi kèm theo văn thư ngày tháng ba năm Chí Nguyên thứ 26 trước đó. Ở đây vẫn giữ nguyên dạng như TNHK đã ghi. Vậy TNHK có 6 văn thư. Riêng bản tấu ngày tháng Tư năm Chí Nguyên 26 (TNHK ghi nhầm là năm Chí Nguyên 25)(5).

4. Trần Cương Trung thi tập 陳剛中詩集(TCTTT)

Sách do Trần Cương Trung 陳剛中(sứ Nguyên từng đến Đại Việt năm 1292) viết, cuối tập có phần Phụ lục mang tên Nguyên phụng sứ dữ An Nam quốc vãng phục thư 元奉使與安南國往復書(Văn thư qua lại giữa sứ giả nhà Nguyên với nước An Nam). Phần Phụ lục trên có 7 văn thư, trong đó 4 văn thư gửi Lương Tăng 梁曾(có thể phiên là Lương Tằng), 3 văn thư gửi Hốt Tất Liệt 忽必烈. 3 văn thư gửi Hốt Tất Liệt được gộp chung thành An Nam tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu (xem thêm phần giới thiệu các văn thư trong ANCL ở trên). Vậy, TCTTT có 5 văn thư.

Qua 4 nguồn tư liệu trên ta có 26 văn thư (trong đó có văn thư chỉ là những đoạn trích).

II. Danh nghĩa tác giả của các văn thư

Trong tổng số 26 văn thư đã đề cập có văn thư ghi rõ tên tác giả (hay đúng hơn là vị vua đại diện cho vương triều nhà Trần gửi các vua nhà Nguyên), song có văn thư chỉ ghi một cách chung chung, như “An Nam Trần” (họ Trần nước An Nam). Vậy có thể xác định tác giả (danh nghĩa) bằng cách nào? Trước hết là xác định theo tên tác giả đã ghi trong các văn thư.

Trong quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên, các vua Trần thường đều xưng tên riêng. Đầu phần An Nam truyện 安南傳trong NS ghi: “Tháng hai năm Mậu Ngọ niên hiệu Nguyên Hiến Tông thứ 8 (1258), Nhật Cảnh 日煚 truyền ngôi nước cho con trưởng là Quang Bính 光昺, đổi niên hiệu là Thiệu Long 紹隆” (八年戊午二月, 日煚傳國于長子光昺, 改元紹隆: Bát niên Mậu Ngọ nhị nguyệt, Nhật Cảnh truyền quốc vu trưởng tử Quang Bính, cải nguyên Thiệu Long). Nhật Cảnh 日煚 tức Trần Thái Tông, Thiệu Long (1258-1272) là niên hiệu của Trần Thánh Tông. Vậy phải chăng Quang Bính là Thánh Tông ?

Thực ra ở điểm này NS có sự nhầm lẫn. Sở dĩ ta có thể biết chắc chắn như vậy vì ngay trong phần An Nam truyện, ở đoạn khác ghi rõ: “Năm Chí Nguyên thứ 14 (1277), Quang Bính chết, người trong nước lập Thế tử là Nhật Huyên 日烜lên thay” ([至元 ]十四年, 光昺卒, 國人立其世子日烜: [Chí Nguyên] thập tứ niên, Quang Bính tốt, quốc nhân lập kỳ thế tử Nhật Huyên). 1277 là năm Thái Tông mất. Vậy Quang Bính chính là Trần Thái Tông. Một đoạn khác lại ghi: “Năm Chí Nguyên thứ 27 (1290), Nhật Huyên chết, con là Nhật Tôn sai sứ tới cống” ([至元] 二十七年, 日烜卒, 子日燇遣使來貢: [Chí Nguyên] nhị thập thất niên, Nhật Huyên tốt, tử Nhật Tôn khiển sứ lai cống). Vậy Nhật Huyên chính là Trần Thánh Tông, còn Nhật Tôn chính là Trần Nhân Tông(6).

Dựa vào các tên gọi này, cùng lời dẫn trong Nguyên sử, ta dễ dàng xác định được tác giả các đoạn văn thư trong NS, trong 8 đoạn trích, 3 đoạn thuộc văn thư của Trần Thái Tông, 5 đoạn thuộc văn thư của Trần Thánh Tông, 6 văn thư trong TNHK đều ghi rõ tác giả là Nhật Huyên. Vậy cả 6 văn thư này đều của Trần Thánh Tông. Trong số 5 văn thư thuộc TCTTT chỉ có văn thư mang tên An Nam quốc tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu có ghi tác giả là Nhật Tôn, vậy văn thư này là của Trần Nhân Tông.

Theo cách trên ta đã xác định được tác giả của 15/26 văn thư, còn lại 11 văn thư (7 văn thư thuộc ANCL, 4 văn thư thuộc TCTTT). Số còn lại này có thể xác định được tác giả thông qua niên đại, nội dung và các sự kiện lịch sử được nhắc tới trong văn thư. Ngoài ra, theo sự ghi chép trong phần An Nam truyện của NS ta có thể thấy rằng các vua Trần mặc dù đã truyền ngôi cho con để lên làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn lấy danh nghĩa là ông vua đương quyền trong quan hệ bang giao. Đối với nhà Nguyên, chỉ khi một vua An Nam nào đó chết thì người kế vị mới bắt đầu có danh nghĩa chính thức. Có thể thấy thêm điều này qua các văn thư được ghi trong TNHK. Cả 6 văn thư trong TNHK đều mang tên Trần Thánh Tông: Văn thư mở đầu vào năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), văn thư thứ hai vào năm Chí Nguyên thứ 25 (1288), 4 văn thư còn lại đều vào năm Chí Nguyên thứ 26 (1289), trong khi đó năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm (tức Trần Nhân Tông) để lên làm Thái Thượng hoàng.

Theo các tiêu chí này chúng ta tiếp tục xác định được thêm tác giả của 10 văn thư nữa: 4 văn thư còn lại trong TCTTT thuộc tác giả Trần Nhân Tông. 7 văn thư trong ANCL: 1 văn thư của Thái Tông, 1 văn thư của Thánh Tông, 2 văn thư của Nhân Tông, 1 văn thư của Anh Tông, 1 văn thư của Minh Tông. Riêng trường hợp văn thư mang tên Họ Trần nước An Nam dâng biểu xin kinh Đại tạngkhông ghi tên tác giả cụ thể, không có niên đại. Theo Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT), năm Hưng Long thứ 3 (1295) tức năm Nguyên Trinh thứ nhất nhà Nguyên, “Mùa xuân tháng hai, ngày mồng 1, sứ Nguyên là Tiêu Thái Đăng 蕭泰登sang, vua sai Nội viên lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo cùng đi với, thu được bộ kinh Đại tạng đem về, để ở phủ Thiên Trường, in bản để lưu hành”. Trong văn thư này cũng có ghi: “Thần ở cõi viêm bang hoang vu, sớm đã quy y Phật pháp, chuộng kinh lá bối truyền tự Trung Hoa. Thời Đường-Tống trước đây, chở kinh sang bằng đàn ngựa trắng. Ngày đại binh kéo đến, lửa thiêu hóa đống tro tàn”. “Ngày đại binh kéo đến” chỉ việc quân Nguyên sang xâm lược nước ta, kết hợp với ghi chép trong ĐVSKTT đây có lẽ chỉ đợt xâm lược của quân Nguyên lần thứ ba vào năm 1288. Từ những thông tin trên cho phép đoán định đây chính là văn thư của Trần Anh Tông gửi vua Thành Tông 成宗 nhà Nguyên vào năm Nguyên Trinh thứ nhất (1295), cùng năm với tờ biểu mừng Thành Tông mới lên ngôi. Vậy trong 7 văn thư ghi trong ANCL có 2 văn thư của Trần Anh Tông.

Như vậy, 26 văn thư đã kể trên thuộc về các tác giả: Trần Thái Tông 4 văn thư, Trần Thánh Tông 12 văn thư, Trần Nhân Tông 7 văn thư(7), Trần Anh Tông 2 văn thư và Trần Minh Tông 1 văn thư. Có thể tóm tắt qua bảng sau:

STT Nguồn sách Thể loại

Gửi đến

Tác giả danh nghĩa

Niên đại

1 ANCL Biểu Vua Tống Trần Thái Tông 1258
2 NS Thư Hốt Lung Hải Nha // 1269
3 NS Thư Trung thư sảnh nhà Nguyên // 1271
4 NS Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1275
5 NS Thư Sứ Nguyên Sài Thung Trần Thánh Tông 1278
6 ANCL Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1278
7 NS Thư A Lý Hải Nha // 1283
8 NS Thư A Lý Hải Nha // 1284
9 NS Thư Thoát Hoan // 1284
10 NS Thư Thoát Hoan // 1284
11 TNHK Trạng Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1286
12 TNHK Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1288
13 TNHK Trạng Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1289
14 TNHK Trạng Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1289
15 TNHK Tiên Hoàng hậu nhà Nguyên // 1289
16 TNHK Tấu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1289
17 ANCL Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) Trần Nhân Tông 1292
18 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
19 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
20 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
21 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
22 TCTTT Tụng -Tấu -Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1293
23 ANCL Biểu Thành Tông // 1295
24 ANCL Biểu Thành Tông Trần Anh Tông 1295
25 ANCL Biểu Vũ Tông // 1309
26 ANCL Biểu Văn Tông Trần Minh Tông 1330

 

 

3. Tính chất thể loại của các văn thư

Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, hùng cường, có lịch sử phát triển lâu đời. Trong tâm thức người Hán, dưới gầm trời (thiên hạ), Hoàng đế của họ là duy nhất và có quyền uy tuyệt đối, thay trời thi hành sự cai trị, không nơi đâu không là đất của vua, không ai không phải bề tôi của vua(8). Hoàng đế Trung Hoa đem ý chí của mình áp đặt cho tất cả các nước khác. Mặc dù trong kinh điển nhà Nho - học thuyết của giới thống trị, có nói phải “mềm mỏng với kẻ ở nơi xa”(9), song ngay từ rất sớm, người Trung nguyên coi các nước bốn phương đều là man di(10), nếu không thần phục và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu sách, họ sẵn sàng đe dọa bằng sức mạnh quân sự. Vì vậy, quan hệ bang giao giữa các nước trong thiên hạ (trong đó có nước ta) với Trung Hoa thực chất là quan hệ bất bình đẳng.

Để được yên ổn các nước nhỏ thường phải chịu thua thiệt: phải xưng thần và cống nạp theo định kỳ; nhà Trần cũng không phải ngoại lệ, nhất là khi phải đối diện với kẻ địch mạnh, hung bạo như nhà Nguyên, dẫu đôi khi việc xưng thần và cống nạp chỉ được thực hiện một cách hình thức. Điều kiện lịch sử chi phối tính thể loại cũng như giọng điệu của các văn thư bang giao thời này. Ngoài 12 thư gửi cho Đạt lỗ hoa xích Hốt Lung Hải Nha, Kinh Hồ - Chiêm Thành hành sảnh A Lý Hải Nha, các sứ giả là Sài Thung và Lương Tăng, những văn thư còn lại được viết theo các thể tấu, biểu, tiên... Về hình thức, đó là các thể văn do bề tôi viết gửi lên hoàng đế. Các thể văn do bề tôi gửi lên hoàng đế tùy từng thời đại và nội dung mà có những thể thức khác nhau, như: chương, tấu, biểu, nghị, sớ, khải, tiên, tiên ký, sớ, tấu trạng... gọi chung là “tấu nghị”. Sách Hậu Hán thư dẫn theo sách Hán tạp sự cho biết: “Phàm là thư của quần thần gửi lên thiên tử chia làm 4 loại: chương, tấu, biểu, bác nghị”.

Về thời gian, tấu nghị xuất hiện rất sớm, có mặt từ trong sách Thượng thư (như các thiên Y huấnVô dật), đến thời Chiến quốc bắt đầu thông dụng cách gọi là “thư” (như Nhạc Nghị báo Yên Huệ vương thư trong Chiến quốc sách, hay tác phẩm Gián trục khách thư của Lý Tư...).

Đầu thời Tần, sau khi thống nhất thiên hạ, các văn thư do bề tôi dâng lên vua thường được gọi là “tấu”, với nghĩa “dùng lời để tâu bày” (Phu tấu dĩ ngôn)(11). Các đời sau cách gọi này trở nên thông dụng, vì thế “dâng thư gọi là tấu (Luận hành - Đối tác)(12). Trong Văn tâm điêu long Lưu Hiệp cũng viết: “Tỏ bày chính sự, dâng hiến các điển lễ triều nghi, tâu việc cấp bách, vạch tội lỗi, gọi chung là “tấu”. Tấu nghĩa là dâng hiến lên [nhà vua] vậy”(13). Dần dần về sau, người viết thường thêm chữ “tấu” vào các văn thư loại này, như: tấu biểu, tấu chương, tấu nghị, tấu sớ, tấu khải, tấu trạng...

Từ đời Hán, cách gọi “sớ” được sử dụng rộng rãi; xuất hiện hàng loạt các bản sớ nổi tiếng gắn với tên tuổi các tác giả như Giả Nghị, Triều Thố, Ngụy Trưng... Lưu Hiệp viết: “Từ thời Hán trở đi, tâu bày sự việc có khi gọi là “sớ”, các bậc nho nhã nối bước nhau, văn vẻ đáng xem”. Các bản sớ giai đoạn này đến nay vẫn được các học giả Trung Quốc hiện đại đánh giá rất cao cả về nội dung và nghệ thuật(14).

Về nội dung và mục đích sử dụng của các bản tấu nghị cũng có những khác biệt nhất định. Lưu Hiệp từng chỉ ra rằng: “Chương dùng để tạ ơn, tấu dùng để đàn hặc, biểu để trần tình, nghị để biểu thị ý kiến bất đồng”(15). Tuy vậy, trên thực tế điều này không luôn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Chẳng hạn “biểu” có thể dùng để tạ ơn, cũng có thể để chúc mừng, để dâng hiến cống vật, để xin xuất quân (chẳng hạn như các bài biểu xin xuất quân của Gia Cát Lượng thời Tam quốc)... Bên cạnh tính chất là các công văn trao đổi công việc, sự vụ, biện bác các vấn đề thời cuộc... một số loại tấu nghị, còn mang tính chất bày tỏ tình cảm, vì vậy tuy cũng là văn thư gửi về triều đình nhưng đôi khi chúng lại rất giàu sắc thái văn học (chẳng hạn như biểu).

Với tính chất đặc thù là các văn thư dâng lên nhà vua nên về mặt hình thức “tấu nghị” thường có những câu có tính nghi thức để tỏ rõ sự khiêm cung, nhún nhường, kiểu: “thần là mỗ xin cúi đầu dâng thư (hoặc biểu, tấu...)”, “thần là mỗ thực hốt hoảng sợ sệt...”, v.v... Thể thức lại cần phải chuẩn tắc, ngôn từ cần sáng rõ. Lưu Hiệp giải thích: “Chương là rõ ràng vậy”. Là vì: “Chương là để dâng vào nơi cửa khuyết, văn phong và thể thức cần rõ ràng”. Tương tự như vậy: “Biểu để dâng vào nơi cung cấm, cốt cách văn vẻ cần sáng sủa”(16).

Theo cách nhìn hiện đại, đặc biệt từ góc độ văn học, các “tấu nghị” nói chung cũng như tấu nghị của các vua Trần nói riêng có thể không được đánh giá cao vì chúng là các văn bản hành chính, hoặc mang tính chất là các văn kiện ngoại giao hơn là tác phẩm văn học! Nhưng thời cổ vấn đề không hẳn như vậy. Các tấu biểu do bề tôi gửi lên cũng như các chiếu lệnh do vua ban xuống được coi trọng đặc biệt vì đây còn là thời đại văn chương còn nặng về tính chức năng, thời đại của quan niệm văn sử triết bất phân. Trong việc học tập và khoa cử, chế chiếu biểu là những thể loại quan trọng bên cạnh thơ phú. Chương biểu tấu nghị không những quan trọng ở chỗ là mấu chốt của việc trị quốc, mà còn được dùng để đối đáp ở chốn vương đình, bày tỏ nỗi uẩn khúc trong lòng; không chỉ thể hiện sự hàm dưỡng văn chương của bản thân mà còn thể hiện cái tinh hoa của một nước(17).

Văn thư ngoại giao do các vua thời Trần gửi nhà Nguyên, bao gồm các thư từ, “tấu nghị”, là những thể văn cổ, nội dung của chúng có khi trình bày sự việc, phát biểu ý kiến, bày tỏ nỗi niềm hoặc chúc tụng; có văn thư mang tính chính luận, có văn thư mang tính trữ tình... nhưng nhìn chung câu chữ sáng gọn; do sự chi phối của thể loại nên có khi giọng điệu rất nhún nhường, song ẩn trong câu chữ là thái độ cứng rắn, kiên quyết khước từ những yêu sách của nhà Nguyên, về thực chất là “cương nhu tịnh dụng”.

Văn thư ngoại giao thời Trần ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, vừa phản ánh những vấn đề cấp bách của lịch sử có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, vừa ghi lại dấu ấn phát triển của một thời đại văn học. Do vậy, tiếp cận bộ phận văn học này có ý nghĩa nhất định trong việc góp phần đánh giá di sản văn học quá khứ nói chung cũng như di sản văn học thời Trần nói riêng một cách đầy đủ và bao quát hơn.

Chú thích:

(1) Thời xưa quan hệ ngoại giao giữa các nước gọi là “bang giao”, ít khi dùng từ ngoại giao như ngày nay. Sách Lễ ký - Thu quan viết: “Phàm việc bang giao giữa các nước chư hầu chỉ là việc hàng năm thăm hỏi lẫn nhau vậy” (Phàm chư hầu chi bang giao, tuế tương vấn dã). Các sách ghi chép về quan hệ ngoại giao giữa nước ta với Trung Quốc thời xưa thường dùng từ này. Kho sách Hán Nôm hiện còn các tác phẩm như: Bang giao lục (Ghi chép về việc bang giao, A.614), Bang giao văn tập (Tập văn bang giao, A.407), Bang giao đối liên (Câu đối bang giao, A.2261)...

(2) Xem Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập III: Bang giao chí, Nxb. KHXH, H. 1992, tr.254.

(3) Trong phần Thiên chương (Quyển VI) sách Kiến văn tiểu lục khi nói về văn thư bang giao thời Trần chép trong tập Thiên Nam hành ký (cũng gọi là An nam hành ký) của Từ Minh Thiện thời Minh, Lê Quý Đôn viết: “Xem tập Tục Thuyết phu Thiên Nam hành ký có thể biết được thời đại nhà Trần từ hàn khôn khéo và số lễ vật nạp cống hàng năm (Xem Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Sử học, 1-1963, tr.199-200).

(4) Xem thêm: Lê Mạnh Thát: Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Tp. HCM, 2000, tr.375.

(5) Bản tấu này Trần Cương Trung thi tập ghi niên đại là năm Chí Nguyên thứ 25 (1288). Điều này không hợp lý vì:

Thứ nhất: đoạn sau của tờ biểu có ghi “Vi thần vào tháng ba năm Chí Nguyên thứ 26 (1289) thấy Lưu thiên sứ, Lý Thị lang, Lang trung Đồng Đường Ngột Đãi, Kháp Tán... phụng đem thiên chiếu cùng bọn tiểu sứ thần là Nguyễn Nghĩa Toàn gồm mấy người về nước”. Đây chính là nói chuyến đi sứ của Lưu Đình Trực và Lý Tư Diễn mà ANCL còn ghi.

Thứ hai: trong tờ biểu có nói: “Năm ngoái dân chúng trăm họ ở tiểu quốc có đưa quý quan quân đến”. Trong đám “quý quan quân” này có Ô Mã Nhi, Tích Lộ Cơ, Phàn Tiếp. Những người này theo ĐVSKTT bị bắt năm Trùng Hưng thứ 4 (1288). Như vậy “năm ngoái” đã là năm Chí Nguyên thứ 25. Ngoài ra tờ biểu còn nhắc đến việc Ô Mã Nhi được cho về nước. ĐVSKTT ghi việc này xảy ra vào mùa xuân, tháng Hai năm Trùng Hưng thứ 5 (1289).

Thứ ba: theo ANCL - Trần thị khiển sứ: năm Chí Nguyên Kỷ Sửu (1289) thế tử An Nam có sai đại phu Đàm Chúng sang cống. Tờ biểu này có thể do vua Trần sai Đàm Chúng mang sang nhà Nguyên để biện bạch việc vào chầu và cái chết của bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp.

(6) Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm trong sách Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII cũng tán đồng kết quả nhận định của nhà sử học Nhật Bản Ymamoto về tên thường dùng của các vua Trần trong các sử liệu Việt Nam và Trung Quốc: “Trần Thái Tông tên là Cảnh, tức Nhật Cảnh và Quang Bính trong sử liệu Trung Quốc. Trần Thánh Tông tên là Hoảng, tức Nhật Huyên trong sử liệu Trung Quốc. Trần Nhân Tông tên là Khâm, tức Nhật Tôn trong sử liệu Trung Quốc” (Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội nhân dân, 2003, tr.24-25).

(7) Lê Mạnh Thát, Sđd, tr.448-485 có dịch giới thiệu 22 văn thư ngoại giao thời Trần. Các văn thư này được rút ra từ các nguồn: 1. Phần An Nam truyện của Nguyên sử, 2. Phần Biểu chương của An Nam chí lược, 3. Thiên Nam hành ký, 4. Phần Phụ lục trong Trần Cương Trung thi tập. Văn thư sớm nhất trong số này có niên đại năm Chí Nguyên thứ 15 (1278), muộn nhất là văn thư năm Chí Nguyên thứ 30 (1293), và tác giả coi toàn bộ 22 văn thư này đều thuộc tác giả Trần Nhân Tông. Nhân Tông (1258-1308), tại vị từ năm 1278 đến năm 1293. Như vậy Lê Mạnh Thát xác định tác giả các văn thư trên là Trần Nhân Tông vì chúng ra đời trong thời gian Trần Nhân Tông đương vị.

8) Kinh Thi (Bài Bắc Sơn trong phần Đại nhã), một cuốn kinh điển của nhà Nho có câu: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ. Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (nghĩa là: Khắp dưới gầm trời, không đâu không là đất của vua. Noi theo những vùng đất ven bờ, không đâu không là dân của vua).

(9) Bài Dân lao trong phần Đại nhã của Kinh Thi có viết: “Nhu viễn năng nhĩ, dĩ định ngã vương” (nghĩa là: Làm cho người ở xa được yên ổn, người gần thuận hòa theo; để vua ta được vững vàng yên định). Sách Trung dung nói đến 9 nguyên tắc trị nước thì nguyên tắc thứ 8 trong đó là “nhu viễn phương” (mềm mỏng với người ở xa).

(10) Quan niệm của người Trung Hoa xưa coi Trung Hoa là trung tâm, phía đông gọi là di, tây gọi là nhung, bắc gọi là địch, nam gọi là man. Họ luôn có quan niệm phân biệt Hoa, Di, những nước thuộc khu vực man di địch nhung đều là dân man di mọi rợ cả.

(11) Vương Vận Hi, Chu Phong: Văn tâm điêu long dịch chú, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã, 2000, tr.207.

(12) Dẫn theo Chử Bân Kiệt: Trung Quốc cổ đại văn thể khái luận, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, BK, 1990, tr.439.

(13) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.207.

(14) Trong sách Trung Quốc văn học sử (Viên Hành Bái chủ biên, Cao đẳng Giáo dục xuất bản xã, 2001, T.I) đánh giá về Luận tích trữ sớ (sớ bàn về việc tích trữ) của Giả Nghị như sau: “Cốt tủy của Luận tích trữ sớ là kiến nghị Hán Văn đế coi trọng việc sản xuất nông nghiệp. Bản sớ lớp lang mạch lạc, ngôn ngữ sáng gọn, luận thuật tinh tế, thái độ chân thành mộc mạc mà lại chứa chan tình cảm, rất đặc thù cho văn chương thời Hán” (tr.174).

Lại đánh giá về Luận quý túc sớ (sớ bàn về việc coi trọng lúa gạo) của Triều Thố là: “Danh tác Luận quý túc sớ của ông phát huy từ Luận tích trữ sớ của Giả Nghị, tiến thêm một bước, đề xuất chủ trương chuộng nông nghiệp, coi trọng lúa gạo. Bản sớ từ việc tiến hành phân tích nguy cơ tiềm ẩn trên một số phương diện, như trong phép trị nước của các bậc đế vương thời cổ, thực trạng cuộc sống của nông dân đương thời, việc dân chúng thì nghèo khổ, thương nhân thì giàu có; lập luận sâu sắc, lôgich chặt chẽ, giàu sức thuyết phục. Văn phong thuần hậu, không hoa mỹ nhưng tha thiết chân thành, do đó phần lớn các bài đều được người đời sau xưng tụng” (tr.176).

(15) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.199.

(16) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.199, 204.

(17) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.204./.

 

Phạm Văn Ánh (Viện Văn học)

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008, tr.19-28.

Bản điện tử tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Thông tin truy cập

60535516
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17009
10018
60535516

Thành viên trực tuyến

Đang có 276 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website