Người đọc như là...[i]

Vô minh thì vọng động - Phật

  Người đọc, một trong những vấn đề trung tâm của lý luận và phê bình văn học thế giới từ nửa sau thế kỷ trước, đã bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam. Hẳn thế mà bài viết Khi người đọc xuất hiện của tôi in trên Văn học nước ngoài 9-2009 và Văn hoá Nghệ An số 170 ngày 10-4-2010 được bạn đọc để ý. Là một nhà phê bình, nhất là phê bình học thuật, nhất thiết phải biết lý thuyết, nhưng không phải để trình bày kiểu giáo khoa, mà từ thực tiễn phê bình của mình kết hợp với lý thuyết xây dựng nên những mô hình nghiên cứu như là giả thuyết làm việc nhằm xử lý tốt hơn những hiện tượng văn học Việt Nam. Hơn nữa, bài viết trên là một chương sách, nên khi in một cách độc lập, hẳn không tránh khỏi cảm giác đột ngột. Bởi vậy, tôi viết bài này nhằm nói rõ hơn cơ sở của bài kia và, quan trọng hơn, quyền hiểu khác.

Nếu văn học là một hệ thống thì hệ thống văn học đơn giản nhất gồm 3 yếu tố: Tác giả - tác phẩm - người đọc. Tuỳ theo đòi hỏi của thời đại văn hoá mà mỗi yếu tố kể trên lần lượt nổi lên thành yếu tố chủ đạo. Suốt thế kỷ XIX, yếu tố chủ đạo là tác giả, nửa đầu XX - tác phẩm, còn nửa cuối - người đọc. Và, nếu coi đối tượng của phê bình văn học, xét cho cùng, là tác phẩm, thì từ đó có thể phân ra thành 3 lối tiếp cận: (1) Từ tác giả, (2) từ văn bản và (3) từ người đọc. Mỗi lối tiếp cận lại có nhiều phương pháp phê bình. Sự chuyển đổi phương pháp trong nội bộ một lối tiếp cận là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự chuyển đổi lối tiếp cận. Đó là sự thay đổi hệ hình nghiên cứu hay hệ hình tư duy. Phê bình văn học Việt Nam đến nay, tôi nghĩ, mới qua một lần thay đổi hệ hình: từ tiếp cận ngoại quan, đứng ngoài tác phẩm, tư duy tiền hiện đại (I) sang tiếp cận nội quan, tư duy hiện đại (II) và đang đứng trước ngưỡng cửa sự thay đổi hệ hình lần thứ hai: từ tiếp cận nội quan sang tiếp cận nội - ngoại quan, tư duy hậu hiện đại (III), tức tiếp cận từ người đọc. Bởi thế, việc giới thiệu và sử dụng các lý thuyết liên quan đến người đọc/ sự hiểu/ sự diễn giải như hiện tượng học, mỹ học tiếp nhận, đặc biệt là thông diễn học, là một việc làm cần thiết.

Chia người đọc thành 2 loại: người đọc cổ điển và người đọc hiện đại là tôi muốn mô hình hoá cái bước chuyển đổi (từ II -> III) quan trọng này. Từ chỗ coi tác phẩm như là kết quả của con người tiểu sử tác giả, của một trạng thái văn hoá - lịch sử, của một hoàn cảnh kinh tế - xã hội..., từ chỗ coi tác phẩm chỉ là văn bản..., đến chỗ coi tác phẩm là văn bản + sự đọc (tức sự hiểu) thì người đọc (mới) xuất hiện. Nói điều tưởng như nghịch lý này là nói đến một thứ người đọc khác, phi truyền thống, thứ người đọc không chỉ cố tìm ra nghĩa tồn tại của văn bản, hay nghĩa chủ ý của tác giả, mà còn gián tiếp cùng tác giả xây dựng nên nghĩa kiến tạo, nghĩa ngoài chủ ý của tác giả, vừa như một đối sánh kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ của đôi bên, vừa như một cộng gộp chân trời của tác giả vào chân trời của người đọc. Tôi gọi loại hình người đọc này là người đọc hiện đại, còn người đọc trước là người đọc cổ điển. Chữ hiện đạicổ điển ở đây là theo nghĩa học thuật như vật lý học cổ điển của Newton và vật lý học hiện đại của Einstein và Heisenberg. Vật lý thiên văn và vật lý hạ nguyên tử không phủ nhận, loại trừ cơ học Newton, mà chỉ biến nó từ chỗ tưởng mình là chân lý phổ quát, đúng trong mọi trường hợp, thành chân lý tương đối, đúng trong một trường hợp. Như vậy, vật lý học cổ điển biến thành một bộ phận của vật lý học hiện đại. Từ hệ hình của khoa học hiện đại có thể dễ dàng hiểu được khoa học cổ điển, còn từ hệ hình của khoa học cổ điển thì không thể hiểu nổi khoa học hiện đại. Đấy là quy luật nhận thức. Và cũng vì thế, mà khoa học muốn tiến lên được phải thay đổi hệ hình.

Tiêu chí cơ bản để phân biệt hai mô hình người đọc cổ điển và người đọc hiện đại là ở vấn đề nghĩa của văn bản. Người đọc cổ điển là người đi tìm nghĩa, tức thừa nhận trong văn bản có tồn tại một thứ nghĩa, nghĩa tồn tại, là thông điệp của tác giả gài vào. Với loại nghĩa lộ thì người đọc chỉ việc "bắt vòi" vào, còn với nghĩa ngầm thì phải mất công đào bới, làm "nổ tung" văn bản. Có người đào trúng, có người đào trệch, có người suy diễn, có người phán đoán, thậm chí có người "đếch" thèm biết tác giả nghĩ gì, thì cũng đều nhằm tìm cái nghĩa tồn tại ấy. Do đó, mọi thứ nghĩa (tưởng như) ngoài nghĩa thực chất cũng chỉ là những chuyến bay quanh cái nghĩa tồn tại. Thoát khỏi sức hút của nghĩa tồn tại cũng khó như con khỉ thoát khỏi bàn tay của Như lai Phật tổ. Chỉ khi cấu trúc bị giải cấu trở nên phi trung tâm hoặc đa trung tâm, chủ thể - đọc được tự do khỏi cấu trúc, thì mới có khả năng tạo ra nghĩa khác, nghĩa kiến tạo. Nếu nghĩa tồn tại/ nghĩa kiến tạo là tiêu chí khu biệt hai loại hình người đọc, thì đọc tuyến tính/ phi tuyến tính, đọc thụ động/ chủ động... là những tiêu chí nhận diện, mang tính định lượng, nên có thể thấy bóng dáng của chúng ở cả loại hình người đọc này hoặc kia, sự khác nhau chỉ ở chỗ chúng có trở thành nét trội, mặt chủ đạo hay không. Nhân đây mở ngoặc nói thêm rằng, trong văn học, cũng như trong vũ trụ, thoạt kỳ thủy đã tồn tại đủ các yếu tố. Nhưng chỉ khi đã hội đủ các điều kiện, thì một yếu tố nào đó mới trình hiện ra trong nhận thức của chúng ta như một vấn đề lý thuyết. Nếu không thì sẽ thấy trên đời này chẳng có gì mới: điều ấy, cái ấy ông cha ta (hoặc Tàu) đã biết tỏng rồi.

Người đọc hiện đại chứng tỏ được mình nhất ở thông diễn học, tức giải thích học hiện đại, một khoa học đồng thời cũng là một nghệ thuật, nhằm diễn giải mọi văn bản. Nếu trước đây, người ta coi chân lý/ sự thật/ nghĩa chỉ có một, bất biến, mang tính phổ quát và tất yếu, nên giải thích học ra đời để đi tìm cái một, cái duy nhất nhất thiêng liêng đó. Khoa học và triết học hiện đại đã đặt cơ sở cho một quan niệm khác về chân lý/ sự thật/ nghĩa. Đó là có nhiều sự thật/chân lý/ nghĩa, mà mỗi sự thật đúng một cách tương đối, với những trường hợp cụ thể và những con người cụ thể. Sự giải thể cái đại tự sự về nghĩa này, trước hết, gắn liền với lý thuyết hậu/ giải cấu trúc và tinh thần của văn hoá hậu hiện đại, cho phép người đọc/ người diễn giải được thông (thông hiểu, tương thông) và diễn (trình bày cách hiểu của mình một cách tự do và sáng tạo) mọi văn bản. Giải thích học cổ điển trở thành giải thích học hiện đại, tức thông diễn học, nhờ sự biến đổi có tính cách mạng này.

Thông diễn học dành cho nhà phê bình, thứ siêu người đọc ấy, hiện nay những thuận lợi và những thách thức không ngờ. Nhà phê bình trước đây, xét cho cùng, hoặc là người bình luận chủ quan hoặc là người giải thích càng khách quan bao nhiêu thì càng khoa học bấy nhiêu. Tính chủ thể của nhà phê bình không được xem trọng và, do đó, không có điều kiện phát triển. Nhà phê bình với tư cách là người thông diễn tổng hợp được tính chủ quan của người bình luận lẫn tính khách quan của người giải thích ở một cấp độ mới, cao hơn: chủ quan mà không tùy tiện; khách quan mà không khô cứng đến độ biến một cơ thể sống thành một tiêu bản. Phê bình, vì vậy, vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Hay đúng hơn từ khoa học đến nghệ thuật. Nhà phê bình, nhờ thế, phát huy được tối đa cá tính sáng tạo của mình. Tác phẩm phê bình là một diễn giải độc đáo sáng tác của nhà văn và bằng sự kiến tạo nghĩa mới này gia tăng chiều kích tác phẩm.

Áp dụng mô hình người đọc vào phê bình văn học Việt Nam, tôi không có mục đích nào khác hơn là để nhận diện nó một cách sáng sủa hơn. Đặc biệt, là sự tiến triển của tư tưởng phê bình khoảng một thế kỷ qua. Như vậy, phê bình hiện nay, cũng như sáng tác, đã có những bước tiến dài trên hành trình hội nhập thế giới. Sự nhất thể hóa đặc cứng đã dần dần vỡ ra thành đa dạng. Người đọc giờ đây hiểu hay chưa/không hiểu không còn chỉ ở chỗ đúng/sai trong cùng một hệ hình tư duy, mà, quan trọng hơn, ở cái khác của những hệ hình tư duy khác nhau. Chính điều này bước đầu tạo ra quyển học thuật.

6-2010

 


 

[i] Bài viết này đăng trên Văn nghệ số 27 ngày 3-07-2010, không nhằm tranh luận hoặc “trao đổi” với ai, mà chỉ hướng tới người đọc nói chung. Dòng chữ “Trao đổi với Giáo sư Trần Đ́nh Sử về bài in trên Văn nghệ số 24 ra ngày 12-06-2010” chỉ là do Văn nghệ tự động đưa vào. 

 

Thông tin truy cập

63938034
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10318
14330
63938034

Thành viên trực tuyến

Đang có 228 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website