Thơ – những cấu trúc ngoài văn bản

 

(Hình minh họa - Nguồn: www.google.com.vn) 

 

Tôi bắt đầu bằng một giai thoại: Vương An Thạch (1021-1086) làm bài thơ có hai câu:

                Minh nguyệt sơn đầu khiếu

                Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Minh nguyệt là trăng sáng, sơn đầu khiếu là kêu trên đầu núi, Hoàng khuyển là chó vàng, ngọa hoa tâm là nằm trong lòng hoa, tức là chỗ nhụy hoa. Nghĩa là: Trăng sáng kêu trên đầu núi, chó vàng nằm giữa đóa hoa. Thật là vô lý! Trăng sáng làm sao lại kêu? Chó làm sao nằm được giữa đóa hoa? Nhà thơ Tô Thức, hiệu là Tô Đông Pha (1037-1101) cũng cho là vô lý bèn chữa lại:

                Minh nguyệt sơn đầu chiếu

                Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Nghĩa là: Trăng sáng dọi trên đầu núi, chó vàng nằm dưới bóng hoa. Chữa chữ khiếu thành chữ chiếu, tâm thành âm, cho là đắc sách. Chuyện đến tai Vương An Thạch, Vương An Thạch cười chê Đông Pha kiến thức hẹp hòi. Sau này vì mang tội làm thơ phỉ báng Triều đình, Tô Đông Pha bị biếm ra Hoàng Châu, ở đó có con chim tên là “minh nguyệt” và có loài sâu tên là “hoàng khuyển”, bấy giờ mới biết mình bị nhầm. Và đọc thơ ai, ông không dám chữa nữa!(1).

Tiếp đây là bài thơ Giản dị, một bài thơ được nhắc đến như là khuynh hướng “siêu thoát”, không ăn nhập với cuộc sống kháng chiến. Quả thật trong bài thơ này có những câu, những hình ảnh rất thơ mộng:

                Suối tự ngàn năm reo nhạc đá

                Người không biết tuổi tháng ngày trôi

                ...

                Trong nhà sum họp những hồn tươi

                Nhựa sống tô duyên nét miệng cười

                Da sạm phong sương, thân rắn rỏi

                Ngây thơ hoa đỏ giắt bên tai

Lê Khắc Thiền, tác giả bài thơ, nguyên đại tá, Viện trưởng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi Viện trưởng Viện Đông y. Ông tốt nghiệp bác sĩ, trường Y Hà Nội tháng 5 năm 1946. Ngay sau đó ông tham gia Vệ quốc đoàn, phụ trách quân y mặt trận Bình Trị Thiên. Lê Khắc Thiền kể lại: Kháng chiến bùng nổ, các con đường ở đồng bằng và trung du Bình Trị Thiên đều bị quân Pháp phong tỏa. Đoàn ông phải đi ngược về phía tây, ba ngày đến bản Cà Roòng, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đi ngang qua động Phong Nha. Lũ đột ngột, không thể vượt suối lớn đành “nghỉ bước đường trường” dừng lại ở Cà Roòng. Dân ở đây đều theo kháng chiến. Cuộc sống thanh bình quá như đang ở thời kỳ Công xã nguyên thủy, chưa phân hóa giai cấp. Và ở đây, tháng Tám 1947, ông viết bài thơ Giản dị. Được ba hôm nước rút, đoàn tiếp tục lên đường vào tham gia xây dựng chiến khu Mỹ Hòa ở huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên(2). Bài thơ có một chút “thi vị hóa” nhưng đó là hoàn cảnh thực, tình cảm thực của người trí thức ngày đầu tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, dù gian khổ vẫn thanh thản lạc quan.

Nêu lên như thế để thấy vấn đề tiếp nhận. Mối quan hệ giữa văn bản và sự tiếp nhận của người đọc rõ ràng là chưa tương ứng. Văn bản được cấu trúc ổn định, ý nghĩa giá trị của văn bản được chuyển dịch liên quan đến người đọc cụ thể và theo những thời điểm khác nhau. Có khi tâm thế tiếp nhận chưa qua thực tế, tức là còn thiếu những kiến thức văn hóa cần thiết, có khi bị chi phối bởi ý thức hệ tư tưởng chính trị một thời... Và vì vậy văn bản được nhìn dưới những góc lệch.

Nhà thơ lựa chọn ngôn ngữ theo một hệ thống nào đó để diễn đạt và biểu hiện đúng trạng thái tình cảm, tâm lý trong những khoảnh khắc nhất định. Vượt ra ngoài khoảnh khắc đó, trong chừng mực, người đọc khó “nhập cuộc”, cảm thông với nhà thơ, dù cấu trúc văn bản là một cấu trúc hiện thực. Đọc nhiều lần, đặt ra nhiều giả định, vận dụng kiến thức nhiều lĩnh vực mới mong tiếp cận được ý nghĩa, tính đa trị của văn bản, nhất là những văn bản có khi hình thành ngoài ý định của tác giả. Trước một văn bản, người đọc ở vào ba trạng thái:

- Không phát hiện được gì. Văn bản như là sự đánh đố.

- Nêu lên ý nghĩa mà không trùng với ý nghĩa đích thực của văn bản.

- Phát hiện ý nghĩa văn bản dưới những hàm ẩn, biểu tượng.

Trạng thái thứ ba là trạng thái lý tưởng, khi đó giữa văn bản và người đọc có sự liên thông. Người đọc đi vào cấu trúc văn bản và cả cấu trúc ngoài văn bản. Tất nhiên không phải tác phẩm văn học nào cũng như thế. Trong Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Iu. Lotman cho rằng “khái niệm văn bản không có tính tuyệt đối. Nó liên quan đến một loạt những cấu trúc tâm lý, lịch sử văn hóa khác kèm theo”. Và khi quan niệm về các cấu trúc ngoài văn bản, tác giả tập trung vào sự phân chia, phân đoạn hoặc lắp ghép cấu tạo tác phẩm. “Chúng ta có thể xem một bài thơ độc lập của chuỗi bài thơ như một văn bản. Như thế quan hệ của nó với chuỗi bài thơ sẽ là quan hệ ngoài văn bản”(3). “Các văn bản được sáng tạo như những tác phẩm độc lập, sau đó lại hoạt động như các thành phần thuộc một văn bản lớn hơn của một tác giả, của một tác giả khác hoặc của tác giả vô danh”(4). Và ông dẫn chứng, minh họa những chương của Evgenhi Onhegin, Vaxili Cherkin được đăng báo, được xuất bản ngắt quãng. Có trường hợp thành phần của văn bản hoạt động như một đơn vị nghệ thuật độc lập và hoàn toàn tự trị. Iu.N. Tynhianov, trích một phần tác phẩm từ David, một trường ca đồ sộ của Kiuhenbeker và công bố nó như một bài thơ độc lập: Tiếng khóc của David về Ionaphan “Bằng cách ấy ông đã sáng tạo ra một tác phẩm xuất sắc, một trong những tượng đài trác tuyệt của thơ trữ tình chính trị Nga nửa đầu thế kỷ XIX”(5). Điều này không xa lạ với thực tế sáng tác và tinh thần tiếp nhận thơ Việt. Rất nhiều những trích đoạn thơ được in báo sau đó lại nằm trong một tổng thể thơ dài, trường ca hoặc có những trích đoạn, chương của thơ dài, trường ca được độc lập đứng trên trang báo, trong sách, trong những tuyển tập có ý nghĩa và giá trị tự thân. Cách mạng tháng Tám (trích từ bài thơ dài cùng tên) của Trần Dần. Đất nước, chương 5 trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Một cuộc hành quân (trích trường ca Từ đêm 19) của Khương Hữu Dụng. Quê hương Việt Nam (trích Bài thơ Hắc Hải) của Nguyễn Đình Thi... Những phân đoạn ấy như những bài thơ hoàn chỉnh có cấu trúc tư tưởng thẩm mỹ hoàn chỉnh, nhiều khi độc giả không chú ý, quên đi nguồn gốc xuất thân của chúng. Vậy thì đấy là văn bản hay bộ phận của văn bản? Có thể từ những cách nhìn khác nhau, tâm thế tiếp nhận khác nhau, người đọc sẽ có những câu trả lời ở những mức độ theo yêu cầu, mục đích đọc. Dù sao quan niệm về văn bản Những linh hồn chết của Gogol cũng là một gợi ý quan trọng. Tập thứ nhất của Những linh hồn chết là một tác phẩm hay một phần tác phẩm? “Đối với Biêlinxki thì điều chủ yếu nhất là làm sao để công chúng tiếp nhận nó như một tác phẩm trọn vẹn và độc lập”. Nhưng với Gogol, tác giả bộ tiểu thuyết thì “trong trường hợp ấy tác phẩm bị làm nghèo đi khá nhiều”(6). Vậy là tính toàn thể thống nhất của tác phẩm với giá trị đích thực của nó là một đại lượng không nên vi phạm, chỉ có thể tiếp nhận những phân mảnh, trích đoạn, chương, trong một ứng xử tạm thời vì những lý do không thuộc văn bản.

Cấu trúc văn bản chặt chẽ hay xộc xệch (cả sự xộc xệch có ý thức) đều có vai trò ý nghĩa. Cấu trúc mà tôi quan niệm là ở cách tổ chức hệ thống ngôn từ làm nên văn bản, tức là toàn bộ những mối quan hệ giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể. Theo nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo thì giáo sư Cao Xuân Huy quan niệm: “Cấu trúc là một thực thể có thể phân tích thành từng yếu tố, trong đó mỗi yếu tố sở dĩ có được cương vị của nó không phải vì một thuộc tính nội tại gì của nó mà vì mối quan hệ của nó với toàn thể cấu trúc và với yếu tố khác cùng với nó làm thành cái cấu trúc ấy và chỉ vì những mối quan hệ ấy mà thôi. Vậy cấu trúc trước hết là một thực thể toàn vẹn chứ không phải là tổng số của những vật rời rạc được cộng lại với nhau mà thành”(7). Nhấn mạnh đến những mối quan hệ trong một thực thể toàn vẹn của cấu trúc là gạt bỏ những gì mang tính lắp ghép, có thể tháo rời hoặc móc nối cơ học. Vậy thì những phân đoạn, những chương, mục, được lẩy ra sử dụng độc lập, có giá trị tự thân, không cần nương tựa (quan hệ) với một “văn bản lớn hơn” là những văn bản đích thực hoàn chỉnh. Vai trò, vị trí của chúng được khẳng định bình đẳng với những gì còn lại. Tất nhiên, ở đây không nên đồng nhất văn bản với một tác phẩm nghệ thuật toàn vẹn. Nếu đặt những văn bản ấy vào hiện trạng và quan hệ với những bộ phận kia chắc chắn ý nghĩa của văn bản sẽ phong phú, đa tầng hơn. Và từ đấy thi pháp học ngôn ngữ quan tâm đến nghệ thuật ngôn từ sẽ tìm đến cá tính sáng tạo của nhà văn trong nghệ thuật ngôn từ, xây dựng hình tượng.

Điều ở đây lưu ý là mối quan hệ giữa văn bản và ngoài văn bản trong sự ứng chiếu cấu trúc văn bản và cấu trúc ngoài văn bản nhằm vào mục đích chung: tạo ra một văn bản nghệ thuật hoàn chỉnh dù lớn hay không lớn về dung lượng. Một bài thơ (dài, ngắn) chằng chịt các mối quan hệ được định hình nhờ những hệ thống ngôn từ, cấu tứ, thanh, vần, nhịp, hình tượng, biểu tượng. Người đọc tiếp nhận bài thơ theo một cấu trúc văn bản ổn định. Giải mã cấu trúc đó sẽ là một phức tạp lý thú. Muốn gì thì trước hết người đọc vẫn phải bám vào văn bản, nhìn tổng thể hoặc đồng thời bóc dần các lớp, các mối quan hệ, tìm ra mã nghệ thuật văn bản. Sự thực thì văn bản chỉ là những ký hiệu (ngôn ngữ) đã lược quy, gạt đi tất cả những quan hệ biểu hiện tư duy hình thành tác phẩm với những tác động tâm sinh lý, ý tưởng của chủ thể sáng tạo. Văn bản chỉ là điểm dừng của một quá trình, kết quả của một quá trình. Trước đó thế nào và sau đó đời sống văn bản thế nào là những quan hệ không thể không tính tới. Quan hệ giữa cấu trúc ngoài văn bản và cấu trúc văn bản không nên / không thể bỏ qua, nếu không nhiều khi sa vào cực đoan võ đoán. Sử dụng thao tác ngôn ngữ học soi vào cấu trúc ngữ âm, ngữ nghĩa đến cấu trúc toàn khối tác phẩm, “quên đi” một cách có ý thức những quan hệ tâm lý, tình cảm, văn hóa... giá trị, ý nghĩa văn bản chỉ được xác định ở trạng thái tĩnh, ở những ký hiệu. Chúng ta hãy đọc bài thơ Gửi... của Puskin (đoạn đầu, đoạn cuối):

                Anh nhớ mãi phút giây kỳ diệu

                Trước mặt anh em bỗng hiện lên

                Như hư ảnh mong manh vụt biến

                Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

                ...

                Quả tim lại rộn ràng náo nức

                Và trái tim sống dậy đủ điều

                Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc

                Cả đời, cả lệ, cả tình yêu

                                                    (Thúy Toàn dịch)

“Giải cấu trúc” văn bản này trên các cấp độ. Văn bản gốc tiếng Nga, tạm để lại những cấu trúc ngữ âm, ngữ pháp, chỉ chú ý cấu trúc ngữ nghĩa (qua bản dịch): Ký ức và hiện tại, vẻ đẹp trắng trong và cuộc đời trần tục, phút giây huyền diệu và đắng cay say đắm. Quá khứ “hư ảnh mong manh”, “thiên thần sắc đẹp”. Hiện hữu đau xót hòa trộn đam mê “Cả đời, cả lệ, cả tình yêu”. Cách bộc lộ cảm xúc: dồn dập các thông báo, mỗi thông báo là một trạng thái tâm hồn. Kết thúc là dồn nấc, quặn thắt. Một cấu trúc văn bản như thế, có liên quan đến cấu trúc ngoài văn bản. Chính cái cấu trúc ngoài văn bản tác động, vận hành tạo nên những từ, ngữ, nhịp điệu, hình ảnh... làm phong phú thêm cấu trúc văn bản. Nói cách khác, cấu trúc ngoài văn bản khơi nguồn cho cấu trúc văn bản. Cuộc gặp gỡ giữa Puskin và nữ bá tước Anna Kern lần đầu (“em bỗng hiện lên”) rồi những năm xa cách với những giao du dễ dãi của Anna Kern cùng người này người khác, mà lần gặp lại, Puskin “lại rộn ràng náo nức”, thì người thiếu phụ kia hấp dẫn, lôi cuốn đến nhường nào! Nếu văn bản đoạn tuyệt với những quan hệ ngoài văn bản và giải mã cấu trúc chỉ nhằm vào một số ký hiệu đã được mã hóa thì có thể đúng, nhưng chưa đủ, có thể nói được cái lý, nhưng nghệ thuật cần chỉ ra, bên cạnh cái lý là cái hay, cái kỳ diệu, hấp dẫn của tư duy sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Trường hợp này, tôi không thể đi vào chữ viết. Chữ Nga và chữ Việt khác nhau. Mỗi loại hình chữ viết có một lối tư duy riêng, một kiểu thức nhận cuộc sống riêng, vì vậy tôi chỉ đụng đến được một khía cạnh nào có thể, nhưng dù sao cũng nói một điều: cần giải mã văn bản nghệ thuật từ nhiều hướng, từ những kiến thức liên ngành. Cùng với văn hóa học, tâm lý học sẽ là một hướng tích cực trợ giúp nhiều cho việc tiếp cận văn bản. Có thể dẫn ra một trích đoạn bài thơ Nhạc sầu của Huy Cận:

                Ai chết đó? Nhạc sầu chi lắm thế!

                Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường

                ...

                Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh!

                Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh,

                Ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt!

                Và người nữa, tiếng gió buồn thê thiết

                Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn.

                Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn

                Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế...

                Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!

                Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương

                Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương

                Tiếng nức nở gửi gió đường quạnh quẽ!

                Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!

Đây chỉ là một văn bản tạm thời tách khỏi tổng thể những mối quan hệ ngoài văn bản. Một văn bản mở. Nói theo Jacques Derrida văn bản không bao giờ có một ý nghĩa xác thực, vậy thì tính không xác thực của văn bản là cơ may cho sự đồng sáng tạo của người đọc. Quan niệm ý nghĩa văn bản thơ là một thể thống nhất, vĩnh viễn, cố định không chịu sự tác động của thời đại của người đọc cần được xem xét lại. Từ một điểm nhìn, một cách đọc, chúng ta nhận ra nhịp điệu đều đều, buồn bã thê lương của văn bản được bảo lãnh bởi những từ ngữ mang ý nghĩa tương ứng. Các cấp độ biểu hiện tăng tiến:

                Buồn - rét mướt - ảo não - đau thương - sầu...

                Chiều mô côi - chiều vĩnh biệt - chiều tận thế.

Gạt ra ngoài ý thức nhà thơ, ý nghĩa tự trị của văn bản tồn tại độc lập. Một số hình ảnh ở đây mang ký hiệu văn hóa. Chúng ta hãy chú ý đến hình ảnh quạ (“Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn”), kèn đám ma (“Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương”). Hai hình ảnh đã trở thành biểu tượng và in đậm vào tâm thức, đời sống cộng đồng. Quạ, gợi đến màu đen màu tang tóc (hàng cờ đen = những bóng quạ). Bóng quạ gợi đến chết chóc, nghĩa địa. Các nghĩa địa thường có “bóng quạ chập chờn”. Nơi có xác chết là điểm tụ tập của quạ. Tiếng quạ kêu buồn, rùng rợn báo hiệu điềm gở. Hình ảnh quạ, lập tức kéo về một hệ quy chiếu làm hiện lên những ký hiệu biểu hiện điều không may. Xét về mặt ngữ nghĩa và giá trị biểu cảm, so với hình ảnh quạ, thì kèn đám ma ở độ cao hơn, não nề, bi ai, đau đớn hơn. Kèn đám ma làm hiện lên dòng người lặng lẽ tiễn đưa người chết đến huyệt mộ theo nghi thức. Tiếng kèn tiếc thương chìm vào nỉ non, than vãn, nức nở. Hai ký hiệu văn hóa làm tăng thêm cái buồn ảo não vốn đã nằm ở văn bản. Người đọc tiếp cận với văn bản cũng đồng thời liên hệ, mở rộng đến văn bản khác. Những năm 60 của thế kỷ XX đã hình thành một thuật ngữ mới liên văn bản (intertextuality). Julia Kristeva, người xây dựng thuật ngữ này khẳng định: văn bản nào cũng chịu sự tác động của một văn bản khác, nó có quá trình và tương tác với hoàn cảnh văn hóa, xã hội. Với ý nghĩa đó, theo tôi, người đọc phải đạt tới một chuẩn nhất định, có đủ độ từ ngữ, khả năng nhận biết các mã văn hóa. Và như vậy những khả năng tiếp nhận khác sẽ xảy ra ở cùng một văn bản khi mà các đối tượng tiếp nhận phân hóa. Tìm hiểu một văn bản, chỉ ra cấu trúc những mối quan hệ giữa các từ, ngữ, hình ảnh, thanh điệu, vần điệu, nhịp điệu, giọng điệu. Văn bản này lại gợi lên những quan hệ ngoài văn bản nhưng nhờ vậy văn bản có ý nghĩa phong phú, tính đa trị, đa năng được mở rộng. Ở đấy tác giả trở nên bị động, “người viết thuê”.

Từ trung tâm ra ngoại vi, văn bản nào cũng có kết nối, trường liên tưởng càng rộng, văn bản càng sâu. Đây là tính theo tác động thuận: văn bản gợi đến văn bản. Theo tôi, vấn đề đặt ra là cần chú ý đến những cấu trúc ngoài văn bản, tác động ngược lại, thúc đẩy, vận hành cấu trúc văn bản. Những cấu trúc này không phải là ghép vào dưới danh nghĩa bộ phận mà là hòa nhập vào làm thay đổi, biến dạng cấu trúc bên trong văn bản. Những mối quan hệ nào sẽ được tính đến. Những ký hiệu ngôn ngữ, văn hóa, tâm lý có tính thẩm mỹ mà bỏ qua, khó nhận ra quá trình và những quan hệ của văn bản.

Trở lại với văn bản Nhạc sầu, một hệ từ ngữ tập trung vào “cái chết”: nhạc buồn, xe tang, ảo não, vĩnh biệt, bóng quạ, hồn người, kèn đám ma, đau thương, nức nở, chiều tận thế... Từ ngữ xuất hiện không phải là tự nó mà chính là nhu cầu gợi lên, ghi lại, mã hóa hiện tượng văn hóa. Những quan hệ bên ngoài, cấu trúc ngoài văn bản, quy định từ ngữ và theo đó là âm thanh, nhịp điệu, câu, đoạn của văn bản, dẫn đến ổn định một văn bản. Chúng ta hãy nghe Huy Cận kể lại: Độ tháng 10 năm 1940, vào những ngày rét, cô con gái hay cô cháu gái chủ nhà ở tầng dưới, chết. Đám tang làm theo kiểu xưa, có mời hàng kèn về thổi những bài nhạc đám ma suốt ngày đêm... Tôi ngồi trên gác nghe nhạc tang buồn không thể nói được. Mỗi câu nhạc len thấm vào từng thớ thịt, thớ da của mình. Rồi đến buổi chiều đưa đám tang đi, tôi cũng có đi đưa đám. Có hai hàng cờ đen do người phu cờ bận toàn đen đi trước, cái xe tang cũng phủ toàn màu đen, mà con ngựa kéo xe tang cũng được phủ tấm vải đen lên mình nó. Người ngồi xe tang điều khiển ngựa cũng bận toàn đồ đen và điệu nhạc đám ma thì buồn xé gan xé ruột, nhất là trong buổi chiều gió lạnh hiu hắt, chân trời xám xịt thì có thể nói là buồn “tận thế”. Trên gác Hàng Than số 40, Huy Cận thuê, ông viết bài thơ Nhạc sầu và in trên báo Ngày nay(8). Như vậy những quan hệ ngoài văn bản này hình thành dưới những ký hiệu. Không ai phủ nhận bài thơ là công trình tạo tác của tác giả, nhưng nếu quên đi những ký hiệu văn hóa, tâm lý thì tác phẩm sẽ hiện ra trong một màu sắc không phải như thế. Nó chỉ còn là điểm dừng của một phác thảo, mọi quá trình biến mất. Tính liên văn bản phụ thuộc vào trình độ, thái độ người đọc, người tiếp nhận. Cùng một văn bản, các đối tượng tiếp nhận sẽ đưa ra những giá trị, ý nghĩa rộng hẹp khác nhau. Điều này không thể tránh khỏi “sự đọc” vượt thoát ý đồ tư tưởng của tác giả như trường hợp đối với thơ Vương An Thạch và thơ Lê Khắc Thiền đã nói ở trên. Nhà thơ cũng tùy thuộc vào nội lực tài năng của mình ký hiệu lại quá trình hình thành văn bản. Tác phẩm nghệ thuật thế nào không phải chỉ là chủ quan mà được khách quan hóa bởi người viết. Trong nghệ thuật, thơ và nhạc luôn nương tựa nhau, nâng đỡ nhau. Nói thơ, đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ, trình diễn thơ thường có nhạc trợ giúp. Nhiều trường hợp nhờ thơ để tạo giai điệu cho nhạc. Nhiều trường hợp nhạc sĩ cũng là “người viết thuê”, ký âm lại những mối quan hệ bên ngoài. Bettôven (1770-1822), nhạc sĩ thiên tài người Đức, sáng tác bản Sônat số 14 (Sônat Ánh trăng) trong một đêm đi dạo và vào thăm cô gái mù vừa chơi rất tuyệt một bản nhạc của ông trong ngôi nhà nhỏ tồi tàn. Ngọn nến đơn độc bỗng nhiên tắt ngấm, qua cửa sổ ánh trăng tràn ngập ngôi nhà. Ánh trăng, những vì sao lấp lánh là nguồn cảm hứng, là những cấu trúc tác động hình thành bản Sônat Ánh trăng ngay trong đêm ấy.

Từ bài Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương gợi ra nhiều ý nghĩa của cấu trúc ngoài văn bản:

                Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu

                Đêm đông, bên song, ngẩn ngơ, kìa ai mong chồng

                Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư

                Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng

                Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió nâng thuyền mây

                Gió reo sầu riêng, gió đau niềm riêng, gió than triền miên

                Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa

                Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương

                Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương

                Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà?(9).

Tác giả ký hiệu một đêm ba mươi Tết phải ở lại Hà Nội, không có tiền về quê ăn Tết cùng gia đình, đêm giao thừa dạo phố, qua Khâm Thiên. “Nghe tiếng chân qua đường, cô gái vội bước ra nhìn, rồi thất vọng quay lại, ghé mình soi vào gương treo cạnh cửa, từ từ đưa cánh tay trần lên vuốt mái tóc”. Tác giả kể tiếp: “Phòng trọ bé nhỏ của tôi chỉ có một cửa sổ. Hai cánh bằng gỗ chỉ khép được kín trong mùa mưa ẩm. Đến mùa heo may như đêm nay qua các khe hở, gió than vãn suốt đêm, lúc vi vi nhẹ nhàng như tiếng sáo, lúc rít lên từng hồi, não nuột, da diết. Đêm ấy tôi trăn trở với ý đồ sáng tác và đã dành hẳn một đoạn giữa điệp khúc cho lời của gió. Trong đó tôi không quên ghi lại hình ảnh cô gái Khâm Thiên tối hôm ấy. Còn những chuyện chinh phu, chinh phụ phong trần tha hương là do chịu ảnh hưởng của sách báo Tự lực văn đoàn”. Thế thì cái đêm giao thừa ấy đã gợi hứng cho ca từ, giai điệu bài hát Đêm đông, nhạc sĩ ghi lại, hoàn chỉnh.

Roland Barthes và Julia Kristeva, học trò của ông, người sáng tạo ra thuật ngữ “liên văn bản” đều nhấn mạnh đến tính đa nghĩa, đa tầng của văn bản, đặt trọng tâm vào độc giả chứ không phải tác giả. Mỗi văn bản là giao điểm của nhiều văn bản từ những trình độ văn hóa, màu sắc văn hóa khác nhau, mỗi văn bản lại dẫn đến những văn bản. Vậy thì trước một văn bản nên như thế nào?

Có ba cách ứng xử:

- Văn bản với giá trị chức năng tự thân ổn định. Ý tưởng của chủ thể sáng tạo trùng hợp với ngôn ngữ thể hiện, diễn ngôn được công nhận là chuẩn mực, văn bản có tính tự trị khép kín.

- Văn bản chỉ là một gợi ý dẫn dụ đến những văn bản khác, văn bản nào cũng là “liên văn bản”.

- Văn bản chỉ là một phác thảo. Những cấu trúc ngoài văn bản, các mối quan hệ ngoài văn bản sẽ cung cấp cho cách hiểu văn bản và làm hiện lên quá trình hình thành văn bản. Từ chủ thể, tác giả trở thành “người viết thuê”.

Cách thứ nhất văn bản nằm ở điểm dừng, điểm chết. Văn bản là duy nhất. Ý nghĩa, giá trị của văn bản nằm ở chính bản thân nó.

Cách thứ hai văn bản là một giao điểm, tỏa đi mọi hướng lan tới vô cùng, phát tán muôn màu ý nghĩa giá trị tác phẩm, từ văn bản đến những văn bản khác như trò chơi Rubic, quên đi vai trò tác giả, đưa đến “Cái chết của tác giả” (tên một bài viết của Roland Barthes).

Cách thứ ba, văn bản là điểm hội tụ, thu hút mọi ký hiệu tạo vóc dáng tác phẩm nghệ thuật. Văn bản bao giờ cũng có một giá trị, ý nghĩa tương đối trong ý tưởng ban đầu và chuyển dịch dần theo những đối tượng tiếp nhận, trạng thái tâm lý xã hội mà nó tồn tại. Chúng ta giữ lại vai trò kiến trúc sư công trình và những cộng sự của tác giả mới thấy được quá trình hình thành tác phẩm nghệ thuật trong quan hệ cấu trúc văn bản và cấu trúc ngoài văn bản. Vấn đề không phải là “ăn chia” mà là cần có cái nhìn công bằng thỏa đáng về tác giả.

Trong thực tế tiếp nhận, người đọc nhiều khi không chú ý, không biết đến những cấu trúc ngoài văn bản đã đưa ra những nhận xét, khái quát thiếu thuyết phục, có khi làm nghèo, làm lệch ý nghĩa giá trị văn bản. Không nên huyền bí hóa, cũng không nên đơn giản hóa quá trình sáng tạo nghệ thuật. Giải mã văn bản làm rõ quan hệ tác giả - tác phẩm - người đọc luôn là cách ứng xử đòi hỏi lý luận văn học hiện đại tiếp tục dành nhiều thời gian1

                                                                           

(1) Chuyện làng văn. Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Hải Hà (đồng chủ biên). Nxb. Giáo dục, H, 2004, tr.305.

(2) Báo Đại đoàn kết. Quý Mùi, 2003.

(3) Iu. Lotman. Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.481.

(4) Iu. Lotman, Sđd, tr.481, 482.

(5), (6) Iu. Lotman, Sđd, tr.483.

(7) Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt. Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. In lần thứ 3, 2003, tr.386.

(8) Huy Cận. Hồi ký song đôi, tập 2. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2003, tr.271.

(9) Tâm đắc, nhiều tác giả. Nxb. Âm nhạc, H, 1995, tr.19-21.

 

Tạp chí Văn học số 9/2009

Nguồn: http://www.vienvanhoc.org.vn

 

*GS.TS. Mã Giang Lân

Khoa Văn học - ĐHKHXH&NV Hà Nội 

Thông tin truy cập

60846721
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6500
13943
60846721

Thành viên trực tuyến

Đang có 430 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website