Thơ văn Lý – Trần – Nghĩ về “tư cách trí thức” (1) của GS. Nguyễn Huệ Chi

Thơ văn Lý – Trần là bộ sách đồ sộ gồm 3 tập: tập 1 (1977), tập 2 quyển thượng (1988), tập 3 (1978), dày 2.419 trang, bao gồm 914 đơn vị văn bản. Đây là bộ tuyển tập thơ văn Việt Nam tính từ khi Ngô Quyền dựng nước (938) cho đến sát trước khi Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh (1418), trải qua 5 thế kỉ, 7 triều đại: Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần.

Thơ văn Lý – Trần là một công trình nổi tiếng của ngành nghiên cứu văn học và theo như lời của GS. Nguyễn Huệ Chi trong video trả lời phỏng vấn của Văn Việt, “là một trong những công trình nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2). Bộ sách là một công trình tập thể, có sự đóng góp của nhiều người nhưng với tư cách là người chủ chốt, có công lao chính, Thơ văn Lý – Trần đã đem lại danh tiếng cho vị giáo sư này. Nguyễn Huệ Chi được đánh giá cao không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đây là những “tiết lộ” của ông:

“Xin được tiết lộ thêm, trong suốt thời gian làm bộ sách, tôi được cả Viện đánh giá rất cao, là Chiến sĩ thi đua toàn UBKHXH trong rất nhiều năm (Viện Văn học chỉ có mình tôi), sau khi Tập I in ra lại được Công đoàn toàn ngành Khoa học xã hội biểu dương là một công trình khoa học nổi bật, bắt phải đi trao đổi kinh nghiệm đây đó, rồi lại được Chi bộ nhất trí kết nạp vào Đảng”, “Sau này, khi bộ sách đã in ra và nổi tiếng, tôi chịu nhiều hệ lụy về sự nổi tiếng ấy…” (3).


Phụ lục ảnh: Bút tích cụ Đào Phương Bình, người cùng cụ Nguyễn Đức Vân biên soạn 
bộ Thơ văn Lý – Trần từ 1960 đến 1967, tư liệu do Kiều Mai Sơn cung cấp.

Nhưng thực sự là thế nào? Có việc khuất tất hay tranh cướp kết quả, công sức lao động của người khác trong Thơ văn Lý – Trần? Thậm chí có người còn nói “Vụ Thơ văn Lý – Trần, có thể coi là đại án văn chương của thế kỉ XX, trong đấy nhân vật chính là GS. Huệ Chi!”.

Đây là lời của GS. Nguyễn Văn Hoàn kể cho nhà báo Kiều Mai Sơn, ngày 20-4-2014:

“Còn bộ Thơ văn Lý – Trần thì nhiều người làm. Sau này ông Huệ Chi có hơi lạm dụng công của mình ở trong đó. Ví dụ như những bài nghiên cứu đầu thì những ý chính và chỉ đạo là Huệ Chi chịu khó nghe và ghi chép của cụ Đặng Thai Mai với cụ Vân rồi viết thành bài. Rồi việc dịch thì chính tay tôi đưa cho nhóm Huệ Chi mà làm chưa xong thì trong đó nhiều cụ làm lắm. Sau khi Huệ Chi trình bản thảo lên để đưa in thì những bản gốc cậu hủy đi. Cái này tôi không nắm vững cụ Vân dịch bao nhiêu bài, cụ Đào Phương Bình dịch bao nhiêu bài nhưng công dịch phải nói đến 2 người, nếu hai người đó không dịch thì cũng tổ chức đưa những cụ khác dịch. Trong Thơ văn Lý – Trần quyển 1, 2 quyển sau này Trần Nghĩa làm nhiều. Còn quyển đầu cụ Vân cụ Bình làm nhiều. Sau dần dần biến thành cuốn của Huệ Chi. Thành ra Việt kiều bên Pháp cứ coi trọng Huệ Chi, coi như là nhà Hán học… Chuyện đấy cũng khó làm chi li mà cũng chả cần làm chi li. Sau đó ông Chú có cãi cọ và viết thành bài trên mạng…” (3).

Tôi được nghe không ít người kể về việc Nguyễn Huệ Chi lèm nhèm, cướp công của cụ Nguyễn Đức Vân trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần. Tuy nhiên, tôi sẽ không sử dụng những câu chuyện qua lại đó mà chỉ sử dụng thuần túy logic và những tài liệu đã được công bố, những bằng cứ có trong tay để minh chứng cho những phát biểu của mình. Những nguồn thông tin không chính thức, những trao đổi qua lại mang tính riêng tư giữa Nguyễn Huệ Chi và người khác mà có người cóp lại cho cũng sẽ không được sử dụng tại đây.

Bộ tuyển tập đồ sộ này có 914 đơn vị tác phẩm (tập I: 136 đơn vị; tập II, quyển thượng gồm 363 đơn vị; tập III: 415 đơn vị)(4). Cụ Nguyễn Đức Vân (1900-1974) ngày còn sống có kể cho con cháu phần cụ đã làm được 600 đơn vị văn bản, tức cỡ 600/914=65,6% số đơn vị văn bản. Tuy nhiên, trong bộ sách 3 tập in ra này “phần cụ Vân chỉ là 34 đơn vị rưỡi trong đó tập I là 9 rưỡi trên 136, tập II (Quyển thượng) là 6 trên 363, tập III là 19 trên 415. Trong 3 tập, hai tập I và III in trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến tập II (Quyển thượng) in sau vào năm 1988 (lúc này cụ Vân đã qua đời 14 năm) thì không còn tên trong nhóm biên soạn nữa” (4). Như vậy, từ 65,6% phần cụ Nguyễn Đức Vân chỉ còn lại 3,77%! Bạn có thấy sự chênh lệch đó là không bình thường?

Cụ Nguyễn Đức Vân là người hiền lành đức độ và rất khiêm nhường. Đây là những trích đoạn trong bài “Nguyễn Đức Vân: một người xứ Nghệ” của GS. Nguyễn Đình Chú, con rể cụ Vân:

“Học giả Đặng Thai Mai, sư phụ của tôi, đã nói với tôi: “Ông Vân của chú là người trung hậu, làm việc nghiêm túc và giỏi”. Còn học giả Cao Xuân Huy (hồi ở cùng nhà với tôi) thì cũng hai lần nói với tôi: “Anh có một nhạc phụ tuyệt vời”. Chẳng bằng cấp gì cả mà xem ra cử tú cũng khó bằng” (4).

“Bấy giờ, có nhóm dịch thuật Hồng Lâu Mộng do cụ Phó bảng Bùi Kỷ làm trưởng nhóm, nhưng vừa khởi công chút ít thì cụ Bùi Kỷ qua đời. Công việc do đó gặp khó khăn bởi các vị khoa bảng tham gia dịch thuật tuy là bậc thầy về kinh truyện, nhưng lại không mấy thông thạo ngoại thư (8), nhất là với ngôn ngữ của tiểu thuyết đồ sộ Hồng Lâu Mộng. Cụ Vân đã hầu đỡ các cụ trong việc khắc phục khó khăn ngoài phần dịch riêng của mình. Khi đem in, nhà xuất bản có ý định ghi tên cụ Vân là người hiệu đính. Nhưng Cụ nhất định từ chối với lời lẽ: tôi chỉ là phận học trò các cụ, đâu dám, làm thế là hỗn” (4).

Để hiểu rõ thêm về con người cụ Nguyễn Đức Vân bạn có thể đọc bài viết nói trên, hay bài “Tưởng nhớ cụ Nguyễn Đức Vân (1900-1974): Nhà Hán học uyên thâm xứ Nghệ” của PGS.TS. Nguyễn Công Lý (5), hoặc đơn giản sử dụng công cụ google để tìm kiếm các bài viết, phim truyền hình nói về cụ.

Tuy nhiên, những điều viết trên chỉ mang tính tham khảo. Chúng ta sẽ xem xét bằng các luận cứ khác, khách quan hơn.

Trong lời nói đầu (trang 5-6) quyển 1 (1977) ghi rõ: “Năm 1960, tổ Hán Nôm của Viện được giao nhiệm vụ sưu tập và phiên dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ thời Hồ đổ về trước, trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu bi kí còn nằm rải rác ở các đình chùa trên miền Bắc. Các đồng chí Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, cán bộ trong tổ, đã trực tiếp tiến hành công việc đó. Nhờ nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, lại có sự giúp đỡ tận tình của những anh em khác trong tổ, nên công việc đã tiến hành tương đối thuận lợi; mỗi năm, mỗi năm khối lượng thơ văn tập hợp được một phong phú dần. Đến năm 1965 thì việc sưu tập cũng như việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành” (6).

Những điều ghi trên phù hợp và chứng tỏ điều cụ Vân kể lại với con cháu là đúng: phần cụ đã làm là 600 đơn vị văn bản. Năm 1965, “việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành”. Mãi đến tháng 11-1968, Nguyễn Huệ Chi mới được GS. Đặng Thai Mai giao nhiệm vụ nhóm trưởng, năm 1969-1970 hai nhóm biên soạn mới được thành lập. Vậy tại sao phần của cụ Vân từ 65,6% chỉ còn lại 3,77%?

Trả lời cho câu hỏi này như thế nào?

Theo cách giải thích của con cháu thì sau khi cụ Vân mất (năm 1974), toàn bộ bản thảo cụ nộp cho Viện Văn học đã bị sang tên người khác. Đây là đoạn đối thoại qua điện thoại giữa GS. Nguyễn Đình Chú và Nguyễn Huệ Chi được ghi lại trong bài “Cuộc đối đáp chung quanh công trình Thơ văn Lý – Trần” (7):

“… Cuộc thứ hai (cách một ngày sau) NHC:

Alô! anh Chú à.

NÐC: Vâng, tôi đây!

NHC: Hôm qua, tôi đã đến Viện Văn lục lạo những văn bản của cụ Vân. Nhưng cô Lan và cô Yến nói tất cả đã phôtô đưa anh rồi.

NÐC: Ðúng thế! Trước khi viết bài về cụ Vân, tôi và cả nhà tôi đã đến xin phôtô tất cả những gì mà cụ Vân đã dịch ở Viện để lưu niệm cho con cháu lâu dài thì tình hình là thế này. Những gì do Thư viện bảo quản thì cơ bản còn đủ cả. Còn phần do Ban cổ cận của ông bảo quản thì chỉ còn lại rất ít [10] . Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì, thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân. [11]

NHC: Hồi bấy giờ, cụ Nam Trân cũng làm thế. 

NÐC: Tôi chả biết cụ Nam Trân có làm hay không, chỉ biết ông làm thế…”.

Bài viết được đăng trên Talawas từ tháng 10-2008, chỉ ra những chứng cứ với những cáo buộc nặng nề, công bố công khai. Từ đó đến nay đã 10 năm, Nguyễn Huệ Chi không có một lời cải chính chính thức, đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những cáo buộc này. Thay vào đó, ở những chỗ không chính thức ông đưa ra những cách trả lời vòng vo, ngụy biện, bất nhất. Và hơn nữa, Nguyễn Huệ Chi vẫn quanh đi quẩn lại tự khoe mình tài giỏi, làm việc có phương pháp (2) (3). 

Một trong những lí lẽ mà Nguyễn Huệ Chi dùng để lấp liếm cho việc làm không hay của mình là đổ cho năng lực hạn chế của cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:

“Lúc ấy tôi có hỏi sao không đưa nguyên bản thảo của hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình ra in luôn, thì anh Hoàn nói: Còn lủng củng lắm chưa in được, còn cụ Mai nói: Chỉ nên coi đây là bản phác thảo của hai cụ, các bạn trẻ có nhiệm vụ biên soạn hoàn chỉnh thành một bộ sách hẳn hoi. Rút kinh nghiệm năm 1964 tôi (cụ Mai) đã đồng ý gửi một bản thảo của hai cụ Vân và Bình dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi sang NXB Văn học chỗ anh Như Phong, nhưng rồi bị anh ấy trả lại, sau phải nhờ anh Trần Thanh Mại chần từng chữ, làm lại rất khổ công mới in được”.

GS. Đặng Thai Mai và Nguyễn Văn Hoàn đã thành người thiên cổ nên không còn có điều kiện để hỏi lại đúng sai thế nào? Nhưng thiết nghĩ những gì mà cụ Nguyễn Đức Vân đã làm được sẽ nói lên năng lực của cụ. Xin liệt kê một số trong rất nhiều công trình mà cụ đã dịch hoặc tham gia dịch: Hồng Lâu Mộng – bộ tiểu thuyết đồ sộ của Tào Tuyết Cẩn (dịch cùng Bùi Kỷ và một số người khác), Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (dịch cùng Nguyễn Khắc Hanh), Tùy Viên thi thoại – bộ sách lý luận văn học nổi tiếng của Viên Mai (với cả nghìn trang dịch viết tay), Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô gia văn phái (dịch cùng Kiều Thu Hoạch), cùng với Nguyễn Sĩ Lâm và Nguyễn Văn Hoàn chú giải truyện Kiều, dịch Trung Quốc tư tưởng sử của Dương Vinh Quốc, Tuyển tập Dân ca Trung Quốc… và rất nhiều tác phẩm khác. Không phải tự dưng mà các học giả GS. Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy đã có những đánh giá cao về cụ Nguyễn Đức Vân như đã trích ở trên. Thiết nghĩ, những kết quả dịch thuật và những lời đánh giá của các học giả hàng đầu của Việt Nam nói trên cũng đủ cho ta thấy năng lực của cụ Vân, cái năng lực mà không dễ mấy người có được.

Nếu lỡ làm điều khuất tất thì việc ngụy biện, chống chế còn có thể hiểu và thông cảm phần nào. Nhưng để lấp liếm bằng cách hạ thấp người khác, thiết nghĩ là cách xử sự không nên có của một người mang danh trí thức!

Tôi sẽ đưa ra một luận cứ nữa để cho thấy cái lí do mà Nguyễn Huệ Chi đưa ra để biện minh cho hành động của mình là hoàn toàn vớ vẩn.

Không phải dân nghiên cứu văn học hay thậm chí làm việc trong ngành Khoa học xã hội, nhưng cũng dễ thấy Thơ văn Lý – Trần sẽ bao gồm các loại công việc: tìm kiếm – sưu tầm, chọn lọc, dịch nghĩa, chú giải, dịch thơ, khảo đính, khảo luận, index. Công đoạn nào cũng quan trọng, để có chất lượng tốt đều đòi hỏi người làm phải mất nhiều công sức và có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, Thơ văn Lý – Trần có những đặc thù riêng mà các bộ tuyển tập hay các công trình khác không có. Chỉ cần ngẫm một chút ta sẽ thấy vai trò quan trọng cốt lõi của 2 công đoạn: tìm kiếm – sưu tầm và dịch nghĩa, mà thiếu chúng thì sẽ không có bộ tuyển tập này.

Tìm kiếm – sưu tầm quan trọng vì sự khó khăn, phức tạp của nó. Đây là một giai đoạn lịch sử đã trôi qua 5 thế kỉ rưỡi (tính đến năm 1960 khi tổ Hán Nôm bắt đầu tiến hành sưu tầm và phiên dịch), kéo dài 5 thế kỉ, trải qua 7 triều đại với rất nhiều biến động lịch sử. Số lượng tác phẩm là vô cùng nhiều nhưng lại thất tán và tản mát, biến dạng rất nhiều. Để tìm kiếm – sưu tầm lại chúng không chỉ đơn thuần là vào thư viện hay kho lưu trữ tra cứu mà còn phải đi các đền chùa ở miền Bắc, tìm kiếm các văn bia, tư liệu còn lưu truyền…

Ngay tại trang 9, trong lời nói đầu của Thơ văn Lý – Trần cũng đã ghi rõ:

“đã trải qua gần 600 năm lịch sử – lại là sáu trăm năm đầy những biến thiên dữ dội – cho nên bộ mặt của nó chắc chắn từng bị sứt mẻ và biến dạng rất nhiều; ngay những phần hiện ít có vấn đề nhất cũng chưa thể nói là còn nguyên vẹn. Khôi phục cho được cái đường nét, cái hình dáng đích thực của những tài liệu còn lại đó cũng như làm sống lại những tài liệu tưởng chừng đã mất, là việc cần phải làm, song cũng là việc vô cùng khó khăn phức tạp” (7).

Và đây là lời của GS. Nguyễn Đình Chú, con rể cụ Vân:

“… riêng về cụ Vân thì trong mấy năm đó, ngoài chuyện gắn bó với các thư viện, đặc biệt là Thư viện Khoa học (vốn là thư viện Viễn Đông bác cổ), với một chiếc xe đạp cọc cạch, đã đi hết chùa này đình khác ở nhiều nơi trên miền Bắc để sưu tầm, sao chép những gì liên quan đến thơ văn Lý – Trần. Và nhiều ngày Chủ nhật, đã từ nội thành ra nhà tôi lúc này còn thuộc ngoại thành, để vừa thăm con cháu vừa tranh thủ làm việc dịch thuật” (4).

Mục đích đầu tiên và cốt lõi của Thơ văn Lý – Trần theo tôi hiểu là khôi phục, nhận diện lại bức tranh văn học của thời kì đó, hay nói cách khác như Nguyễn Huệ Chi “dựng lên bộ mặt văn chương của cả một thời đại bao gồm 6 thế kỷ dưới một tên chung: Lý – Trần (X – đầu XV)” (3). Những mục tiêu khác như nghiên cứu, đánh giá, phân tích, phê bình… sẽ chỉ là những cái tiếp theo. Tìm kiếm được thông tin, tư liệu nhưng không giải nghĩa, đọc hiểu được văn bản thì lấy cái gì để làm tiếp? Nên nhớ đây là các văn tự cổ, văn bia, cổ văn và là văn bút, ngoại thư, khó hơn rất nhiều so với sử bút. Đọc hiểu được thứ cổ văn với văn bút này không hề đơn giản! Học Trung văn 3 năm không chuyên, cho dù được hạng ưu như Nguyễn Huệ Chi vẫn khoe, đọc và dịch nghĩa được những văn bản cổ này có lẽ là điều không tưởng, trừ phi ông có một tài năng xuất chúng đặc biệt.

“NÐC: Ðiều thứ 4 tôi phải nói thẳng với ông là trong bài viết tranh cãi giữa ông với ông Nguyễn Văn Hoàn từ chuyện về bác Trần Thanh Mại, ông bác ý kiến ông Hoàn cho là trước khi có lớp Ðại học Hán văn ở Viện Văn học, trong số cán bộ trẻ chỉ có ông Kiều Thu Hoạch là người đọc được cổ văn. Ông cãi lại mà nhận mình đã biết. Ấy là ông nói với ai, chứ với tôi là không xong rồi. Bởi lẽ: Ông nói là ông đã học Trung văn 3 năm ở khoa Văn, Ðại học Tổng hợp thì tôi xin nói rằng: Tôi biết 3 năm không chuyên đó, các ông học được tới đâu, và cho dù có qua chuyên Trung 4 năm, 5 năm trong nước hay ở Trung Quốc thì vẫn chưa thể dịch được cổ văn đâu. Ông còn nói là ở thời gian đó (quãng 1960 – 1965), trong khi làm sách về Nguyễn Trãi, ông đã tìm đọc Ðại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục những đoạn nói về Nguyễn Trãi để đối chiếu. Ừ thì tôi cứ cho là ông đọc được các thứ đó, nhưng đó cũng chỉ là mấy dòng. Vả chăng, ông còn phải biết rằng trong cổ văn, giữa sử bút và văn bút vẫn có khoảng cách khá rõ. Với sử bút, cú pháp và từ vựng nói chung là đơn giản, dễ đọc chứ với văn bút, cổ văn thì không dễ gì dịch đâu.

NHC: (Im lặng)” (7).

Đọc đến đây, chắc bạn đọc cũng đã hình dung về công sức và mức độ (tỷ trọng) đóng góp của cụ Nguyễn Đức Vân (và Đào Phương Bình) vào công trình Thơ văn Lý – Trần. Vậy thì nguyên cớ gì mà phần của cụ Vân từ 65,6% chỉ còn lại 3,77% và “Trong 3 tập , hai tập I và III in trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến tập II (Quyển thượng) in sau vào năm 1989 (lúc này cụ Vân đã qua đời 15 năm) thì không còn tên trong nhóm biên soạn nữa”(7)?

Và hơn nữa, còn có sự cố tình xóa bỏ dần vai trò cũng như đóng góp của các cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình. Như trên đã nói, hai cụ bắt đầu tiến hành từ năm 1960 và đến năm 1965 đã bước đầu hoàn thành việc sưu tập và biên dịch. Thế nhưng, ngày 5-9-2007, trong nghiệm thu đề cương công trình “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” do Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên thì phạm vi công việc đã bị thu hẹp lại một cách đáng kể, chỉ còn lại các tác phẩm đã in từ trước. Tức là những tìm kiếm – sưu tầm (và biên dịch) các tác phẩm, văn bia thất tán, tản mác tại các đình chùa khắp nơi trên miền Bắc không còn được tính đến:

“Viện Văn học đã giao cho nhóm cụ Nguyễn Đức Vân – Tổ Hán văn, các cụ chỉ tuyển trên cơ sở các tác phẩm đã in từ trước, từ thế kỷ X – XV nên không được thông qua” (8).

Tiếp theo, trong thuyết minh đề tài “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” cũng do Nguyễn Huệ Chi chủ biên thì vai trò của hai cụ Vân và Bình hoàn toàn bị gạt bỏ. Trong phần “Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ” của bản đề cương ghi rõ:

“Việc sưu tầm, nghiên cứu được đặt ra từ 1968…” (9).

Tức là chỉ tính từ khi Nguyễn Huệ Chi được giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng còn trước đó coi như không có.

Tôi sẽ để bạn đọc tự đánh giá, liệu có chuyện cố tình muốn chiếm đoạt công sức, kết quả lao động của người khác hay chỉ là sơ suất như Nguyễn Huệ Chi trả lời GS. Nguyễn Đình Chú qua điện thoại:

“NHC: Tôi sơ suất – xin lỗi.

NÐC: Huệ Chi mà cũng sơ suất thế à?

NHC: Ðược rồi, rồi đây tôi sẽ đưa tên các cụ lên đầu” (7).

Còn một trong những lí do nữa mà Nguyễn Huệ Chi dùng để biện minh là cụ Vân chỉ dịch nghĩa mà không dịch thơ. Như đã nói ở trên, với bộ tuyển tập này, theo tôi việc dịch thơ chỉ là thứ yếu. Thứ nhất, cái khó là ở chỗ hiểu được văn bản và dịch nghĩa. Không dịch được nghĩa đừng nói đến chuyện dịch thơ. Ngược lại, khi đã có người dịch nghĩa cho rồi, người dịch được thơ chắc không phải hiếm. Thiếu gì trường hợp người dịch thơ mà không biết tiếng nước ngoài, chỉ cần người khác dịch nghĩa hộ. Thứ hai, với số lượng tác phẩm đồ sộ và mục đích của bộ tuyển tập là tái hiện, khôi phục lại bức tranh văn học của giai đoạn lịch sử chứ không phải mục đích chính là dịch thơ sao cho hay. Cái cớ không dịch thơ chỉ là lí do vớ vẩn. Đấy là chưa nói đến chuyện những điều mà Nguyễn Huệ Chi nói đã chắc gì đúng. Và chắc gì Nguyễn Huệ Chi đã dịch hay và đúng hơn cụ Vân? Hay chỉ là xào xáo rồi sang tên?:

“Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì, thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân.
NHC: Hồi bấy giờ, cụ Nam Trân cũng làm thế.

NÐC: Tôi chả biết cụ Nam Trân có làm hay không, chỉ biết ông làm thế” (7).

Còn có thể kể tiếp nhiều điều bất nhất khác để chứng minh sự khuất tất của GS. Nguyễn Huệ Chi nhưng bài viết kể cũng đã dài và mọi chuyện cũng đã rõ, để bạn đọc tự đánh giá và rút ra kết luận.

Trong comment cuối cùng tại stt “trích Nhật kí KMS” (3), GS. Nguyễn Huệ Chi có đề nghị nhà báo Kiều Mai Sơn cho phép khi tái bản Thơ văn Lý – Trần sẽ đưa đoạn nhật kí nói trên của GS. Nguyễn Văn Hoàn và có nói đến “tư cách trí thức” của GS. Hoàn. Chắc mọi người sẽ đồng ý với tôi, người trí thức có tư cách phải là người trung thực, không giả khoa học, không đạo văn và đặc biệt là không trộm cướp công sức lao động của người khác.

Tư cách trí thức không phải nơi đầu môi chót lưỡi!

Với những điều được trình bày ở trên liệu GS. Nguyễn Huệ Chi có đủ tư cách để nói về tư cách trí thức? Tôi nghĩ là không!

Moscow, 4-5-2018

Boristo Nguyen

______________

(1) “Tư cách trí thức” – chữ của Nguyễn Huệ Chi trong comment trả lời stt Trích Nhật kí KMS đăng trên fb Son Kieu Mai, 5-5-2017.
(2) Video: Văn Việt trò chuyện cùng Nhà nghiên cứu, GS. Nguyễn Huệ Chi, youtube, 20-2-2018.
(3) Kiều Mai Sơn. Trích Nhật kí KMS đăng trên fb Son Mai Kieu ngày 5-5-2017, các comments của Nguyễn Huệ Chi. 
(4) Nguyễn Đình Chú. Nguyễn Đức Vân: một “Người xứ Nghệ. Văn hóa Nghệ An, 26-2-2010.
(5) Nguyễn Công Lý. Tưởng nhớ cụ Nguyễn Đức Vân (1900-1974): Nhà Hán học uyên thâm xứ Nghệ. Chuyên san KHXH&NV Nghệ An, số 9/2012. Bài viết này đã được bổ sung thêm từ bài Tưởng nhớ nhà Hán học Nguyễn Đức Vân, công bố trên Tạp chí Hán Nôm, số 3 (44) – 2000.
(6) Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nhà xuất bản KHXH, 1977.
(7) Nguyễn Đình Chú. Cuộc đối đáp chung quanh công trình Thơ văn Lý – Trần. Talawas, 22-10-2008.
(8) Nghiệm thu đề cương công trình “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” do GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên tại NXB Hà Nội, 5-9-2007.
(9) Đề cương biên soạn “Tuyển tập thơ văn Lý – Trần” thuộc tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, chủ biên: GS. Nguyễn Huệ Chi.

Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 502, ngày 14/6/2018

Thông tin truy cập

60514814
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6325
12997
60514814

Thành viên trực tuyến

Đang có 216 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website