Sự lưỡng lự

Nhận xét về Gustave Flaubert, Xavier Darcos trong Lịch sử văn học Pháp (Phan Quang Định dịch, NXB. Văn hóa thông tin, 1997) đại ý cho rằng ngay từ thiếu thời, nhà văn này đã là con người của “nỗi bứt rứt tồn sinh”, của những giằng xé không dứt “giữa nỗi ưu sầu và lý tưởng”. Các sáng tác của Flaubert, theo Darcos, vì vậy cũng mang đậm tính “lưỡng đối”, vừa “không ngừng thăm dò thực tại”, lại “vừa phơi trần tính phù phiếm xuẩn ngốc của nó” (tr.427). Tính chất này, theo tôi, phủ rộng trên nhiều phương diện của văn chương Flaubert. Song trong bài viết này, tôi muốn nói riêng đến Giáo dục tình cảm, mà cụ thể hơn là về Frédéric Moreau, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này.

Không khác mấy so với các nhân vật của Balzac, Stendhal hay nhiều nhà văn hiện thực chủ nghĩa cùng thời, Frédéric của Flaubert cũng có những mục đích sống rất cụ thể rõ ràng, và những mục đích của anh, nhìn chung, cũng xoay quanh những vấn đề rất quen thuộc như tiền tài, tình yêu, danh vọng,… Nhưng vấn đề là, khác với lão Goriot của Balzac suốt đời, thậm chí cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn luôn sống chết với khao khát thượng lưu, khác với chàng Julien Sorel trong Đỏ và đen của Stendhal tìm mọi cách, làm mọi thứ để vươn đến một địa vị cao hơn trong xã hội, thậm chí dám cầm súng bắn trọng thương người đàn bà đã làm mình vuột mất cơ hội thăng tiến, Frédéric của Flaubert không đi đến cùng những mục đích của đời mình.

Anh liên tục dao động giữa những đối tượng yêu: một lần đi tàu từ Paris về quê nhà Nogent, Frédéric vô tình gặp phu nhân Marie Arnoux, vợ một chủ tòa báo lớn về nghệ thuật ở thủ đô, và ngay lập tức yêu đơn phương bà; tuy nhiên, khi phải rời Paris về quê vì cạn tiền, rất nhanh, anh dần quên bà Arnoux để tiếp cận một thiếu nữ nông thôn, nàng Louise Roque, và bắt đầu nảy sinh tình cảm; nhưng rồi khi hay tin mình được hưởng thừa kế từ người cậu ruột, anh bỏ quê trở lại thủ đô, lao đi khắp phố xá Paris để tìm Marie Arnoux; sau, có một khoảng thời gian dài anh lại là tình nhân của nàng Rosanette;… Có lúc anh muốn về quê cưới Louise Roque; có lúc anh tìm cách đến thăm phu nhân Arnoux, bất chấp hôn bà say đắm; nhưng rồi có lúc anh lại ước mong trở thành người tình của bà Dambreuse.

Con đường học hành sự nghiệp của Frédéric cũng đầy những khúc rẽ bất ngờ: anh theo học trường Luật, tham vọng gia nhập chính giới và có được địa vị cao trong xã hội, nhưng rồi với ham mê nghệ thuật, đôi khi anh dành mọi sự quan tâm của mình cho âm nhạc, mỹ thuật, cũng có lúc lại muốn thử viết kịch, viết tiểu thuyết, thậm chí là một công trình lịch sử mỹ học; có khi anh trở thành một người nổi tiếng với những bài diễn thuyết, những luận bàn chính trị sâu sắc, song rồi có lúc anh chỉ mải miết loay hoay với những người đàn bà đi qua đời mình. Nói khác đi, cuộc đời Frédéric Moreau là một chuỗi dài những ngày vần xoay trong lưỡng lự và những rối rắm trong chọn lựa.

Pierre Bourdieu, trong Quy tắc của nghệ thuật (Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Phương Ngọc dịch, NXB. Tri thức, 2018), cũng có nhận xét tương tự khi cho rằng Frédéric “thiếu cái mà giới tư sản gọi là ‘tính nghiêm túc’, có nghĩa là khả năng xử thế theo khuôn mẫu” (tr.36), hay nói rõ hơn, anh liên tục “dao động giữa các chiến lược loại trừ nhau” (tr.47). Thậm chí, theo Bourdieu, những người đàn bà đi qua đời Frédéric có thể được xem như là những biểu trưng cho các trường lực trong xã hội (như chính trị, kinh tế, nghệ thuật,…), và con đường tình ái phức tạp, đổi thay một cách chóng mặt của anh, vì thế, thực ra cũng là một biểu hiện rõ nét của việc anh không có một chiến lược xã hội cụ thể, rõ ràng và vững vàng.

Lý giải điều này từ góc nhìn xã hội học văn học, Bourdieu cho rằng chính vì Giáo dục tình cảm về thực chất là một cuốn tiểu thuyết tự truyện, nên hình tượng Frédéric Moreau phần nhiều có mối liên hệ mật thiết với cuộc đời Flaubert. Nói cách khác, Flaubert đã tái hiện con người do dự, lưỡng lự của mình qua nhân vật Frédéric. Tuy vậy, theo Bourdieu, Flaubert hơn nhân vật Frédéric của mình ở chỗ ông đã nghệ thuật hóa, tiểu thuyết hóa chính sự do dự đó: hành động viết này là minh chứng cho thấy thay vì lưỡng lự một cách thụ động và tự phát như nhân vật Frédéric của mình, Flaubert xiển dương một thái độ lưỡng lự “chủ động” trước cuộc đời, hướng đến “sự phá hủy những sự quyết định, những sự cưỡng bức và những giới hạn, những thứ cấu thành nên sự tồn tại xã hội”, nghĩa là chống lại tình thế “phụ thuộc, nắm giữ và bị nắm giữ, tóm lại thuộc về các nhóm” (tr.61). Để chứng minh, Bourdieu dẫn lại chính lời Flaubert viết trong thư gửi cho Louise Colet, rằng nhờ có nghệ thuật mà với ông, “ít ra mọi thứ đều tự do, trong thế giới các hư cấu. Người ta thỏa mãn với mọi thứ, làm mọi thứ, người ta vừa là vua vừa là dân, vừa chủ động vừa thụ động, vừa là nạn nhân vừa là cha cố” (tr.60). Nói gọn, theo Bourdieu, vì nhận thấy con người của xã hội thực tế chỉ biết lao theo những kiểu mẫu công thức, những tham vọng, mục tiêu, lựa chọn hoàn toàn cố định và khô cứng, Flaubert đã sáng tạo nên các nhân vật kiểu Frédéric, đã trình hiện trong các tác phẩm của mình hình tượng những con người đầy do dự, dềnh dàng, không kiên quyết như một phản ứng, một nỗ lực đi ngược lại thực tế ấy.

Tuy nhiên, hãy thử nhìn đặc điểm này của tiểu thuyết Flaubert từ một góc độ khác, mà cụ thể là từ mục đích sáng tạo của chính nhà văn. Trong bức thư gửi nữ văn sĩ George Sand vào tháng 12 năm 1875, Flaubert cho rằng mình không viết tiểu thuyết để phê bình hay châm biếm một cái gì, và rằng trong khi sáng tác, ông khước từ cả những nhân vật anh hùng, những nhân vật được ngợi ca, lấy làm hình mẫu luân lý, lẫn những “con quái vật”, những kẻ xấu xa bị chế giễu và lên án. Thay vào đó, ông chỉ muốn “đi vào tâm hồn sự vật” (aller dans l'âme des choses), khao khát vươn đến những sự thật thẳm sâu, hay nói theo đúng lời ông, những “khái quát hóa vĩ đại nhất” (généralités les plus grandes) về nhân sinh và thế giới. Việc Flaubert thường xuyên khắc họa hình tượng những con người dềnh dàng, bất quyết giữa những lựa chọn, từ Emma Bovary đến Frédéric Moreau, theo tôi, có thể được xem như một nỗ lực hiện thực hóa tham vọng ấy: bằng tiểu thuyết, Flaubert thực sự đã đi rất sâu vào tâm hồn nhân loại để bắt gặp và khắc họa hết sức thành công một trong những đặc tính căn cốt nhất của sinh loài phức tạp này – lưỡng lự.

 

Khó có thể phủ nhận rằng ai trong số chúng ta cũng có lúc phải đối diện với những tình thế phân vân, do dự, khó xử vì chỉ có thể chọn một trong vô vàn lựa chọn, mà lựa chọn nào cũng có phần hợp lý và đáng cân nhắc.

Có người mắc kẹt trong những giằng xé khủng khiếp giữa luân lý, lòng thương và niềm kính tín tôn giáo như nhân vật tổ phụ Abraham trong Kinh Thánh, người rơi vào tình huống phải lựa chọn hoặc hiến tế đứa con trai Isaac để thể hiện lòng tuân phục vô điều kiện đối với Chúa trời, hoặc thương con, giữ lại mạng sống cho con nhưng phải chống đối lời Chúa, chấp nhận từ bỏ tư cách một tín hữu trung thành tuyệt đối.

Có người – như anh chàng sinh viên mà Sartre từng nhắc đến trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản – hoang mang không biết nên lựa chọn nhập cuộc, bất chấp mọi chết chóc, lên đường ra trận để hoàn thành trách nhiệm của một công dân đối với quốc gia, hay bỏ qua những hô hào nghĩa vụ, lựa chọn ở lại quê nhà, chăm sóc người mẹ già yếu đã sống hơn nửa đời trong đau khổ, chỉ còn anh là nguồn an ủi.

Có người vừa muốn dấn mình vào hoạn lộ để ra tài giúp nước, không đành ẩn dật an thân chốn núi rừng, song vừa muốn thoát khỏi con đường danh lợi ấy vì nhìn thấy trước mắt bao nhiêu nhiễu nhương, tai ách, khổ nạn, cho nên thấy đời mình không khác gì đang đi trên một bãi cát dài, mà đi một bước lại như lùi một bước (“nhất bộ nhất hồi khước”), như Cao Bá Quát từng diễn tả về thảm trạng của chính ông trong Sa hành đoản ca.

Cũng có người, như anh chàng bán khung tranh trong Có một người nằm trên mái nhà của Phan Triều Hải, lại rơi vào cuộc giằng co giữa một bên là niềm vui thích (có vẻ rất viển vông) được nhìn ngắm bầu trời đêm và những vì sao, niềm khao khát được thấy mình thấu nhập vào bản hòa điệu kỳ vĩ và bất tận của vũ trụ, với một bên là những vụn vặt thường ngày (thường được cho là “thực tế” hơn), những tính toán so đo, những cục cằn vô minh của một thế giới người phần lớn chỉ biết chui rúc bên dưới những nóc nhà chật.

Thậm chí, nếu quan sát một cách kỹ lưỡng hơn, sẽ thấy không chỉ những chuyện trọng đại to tát trong đời, những thứ có liên quan đến đạo nghĩa, đức tin, trách vụ,… mới khiến ta lưỡng lự. Trên thực tế, có những việc rất nhỏ, diễn ra lặp đi lặp lại hàng ngày như chuyện ăn gì, mặc gì, dậy sớm hay muộn,… đôi khi cũng có thể khiến ta rơi vào trạng thái do dự phân vân dù nhiều dù ít. Và cũng giống như chàng Frédéric Moreau của Flaubert, tôi tin hẳn ai trong số chúng ta, dù là người quyết đoán kiên định nhất, cũng sẽ có lúc do dự, dùng dằng cân nhắc về việc nên chọn học trường gì, làm nghề gì, chọn đi theo tiếng gọi của sở thích cá nhân, khuôn mình vào các chuẩn tắc xã hội hay chạy theo những hào nhoáng của vật chất; ta sẽ chọn yêu ai, thân thiết với ai; ta sẽ chọn xuất hiện trước xã hội và trên các diễn đàn công cộng thế nào;…

Sartre từng có một tuyên ngôn nổi danh: “Con người bị kết án phải tự do”. Tự do ở đây, như tôi hiểu, không phải là có thể mặc sức làm mọi thứ một cách thỏa thích không cần suy nghĩ, mà là luôn luôn được lựa chọn và luôn phải tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình. Nhưng chính bởi điều này mà theo Sartre, con người đã “bị kết án” phải tự do, “bị kết án” vì người ta không tự tạo ra chính mình, không tự đưa mình vào thế giới này, một thế giới mà ở đó họ luôn phải lựa chọn và âu lo trước việc lựa chọn gần như đã trở thành bản mệnh. Nhiều người có thể sẽ phản biện ngay rằng, thật ra thì có lắm lúc ta đâu có quyền chọn lựa: thời cuộc, đạo đức, quy tắc xã hội,… luôn buộc lấy ta, lấy mất sự tự do chọn lựa của ta. Thuyết hiện sinh của Sartre cực lực phủ nhận điều ấy, và những lập luận của ông, theo tôi, không phải là không có lý.

Con người sống trên đời, theo Sartre, thực ra chưa bao giờ phải rơi vào tình thế chỉ có một lựa chọn duy nhất. Đối diện với bất kỳ một tình huống nào, người ta sẽ luôn thấy có những hướng giải quyết khác nhau bày ra trước mắt. Chính vì vậy, khi cho rằng cái này cái kia ngăn trở mình không được chọn con đường a, lối đi b, họ thực ra đang nguỵ tín (mauvaise foi): chính họ, chứ không phải ai khác, đã chủ động chọn xem những thứ ấy là trở lực, ràng buộc, đã tự mình ưu tiên cho một lựa chọn nào đó, sau biết bao lần cân nhắc đắn đo. Nói tóm lại, theo Sartre, con người từ thẳm sâu, nhại lời Aristotle, đã là một sinh vật lựa chọn, không bao giờ thoát khỏi việc phải đối mặt với những lựa chọn. Mà rõ ràng, đã lựa chọn là không tránh khỏi do dự phân vân, thậm chí giằng xé: trong cách nhìn này, Sartre theo tôi đã gián tiếp công nhận sự lưỡng lự như một đặc điểm người mang tính phổ quát.

Cái dùng dằng phức tạp rất bản chất này của con người, theo quan sát của tôi, trở thành một đề tài lớn và xuyên suốt trong rất nhiều kinh điển của văn chương thế giới, dù hình như không được nhiều người nhắc đến và bàn luận. Thử kiểm kê lại những tác phẩm được liệt vào hàng văn chương lớn của nhân loại, dễ thấy sự lưỡng lự không chỉ được khắc họa, mổ xẻ, phân tích trong Giáo dục tình cảm của Flaubert như đã kể, mà còn hiện diện trong những Medea của Euripides, Genji Monogatari của phu nhân Murasaki, Hamlet của Shakespeare, Le Cid của Corneille, Andromaque của Racine, Julie hay nàng Héloïse mới của Jean-Jacques Rousseau, Tội ác và hình phạt của Dostoievsky, Con đường không đi của Robert Frost,… Truyện Kiều của Nguyễn Du, theo tôi, cũng có thể được xem như một kiệt tác về sự lưỡng lự.

Không khó nhận thấy ở Thúy Kiều, nhân vật chính của truyện thơ này, nhiều chi tiết cho thấy những nghịch biện, dùng dằng, phân vân rất đáng chú ý trong lựa chọn, tâm lý và tính cách của nàng. Tôi thử đưa ra một vài thí dụ.

Trước hết, hãy bàn về mối quan hệ giữa Kiều với Thúc Sinh. Kiều có yêu Thúc Sinh không? Đúng như Bùi Giáng từng nhận xét, nói Kiều có yêu cũng đúng, mà không yêu cũng đúng. Nàng có yêu, thậm chí là yêu say đắm (“ngày xuân càng gió càng nồng”, “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”). Điều này cũng dễ hiểu: Kiều không yêu Thúc Sinh làm sao được khi đang nhục nhằn chốn thanh lâu, vừa trải qua bao nhiêu sóng gió thì lại được một chàng khách du thuộc “nòi thư hương” chăm sóc, yêu thương, trân trọng, thậm chí có ý lấy nàng làm thiếp, cứu nàng khỏi cảnh khổ? Nhưng nói nàng vì ân nghĩa ấy mà yêu Thúc Sinh đến mức dám hy sinh mọi thứ thì cũng không đúng. Mà bằng chứng là, khi nghe Thúc Sinh có ý muốn thành hôn, nàng bày tỏ không biết bao nhiêu lưỡng lự: nào là nghi ngờ sự tồn tại của tình yêu vĩnh cửu (“Bình khang nấn ná bấy lâu/ Yêu hoa yêu được một màu điểm trang/ Rồi ra lạt phấn phai hương/ Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?”), lo sợ người vợ cả “giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”, rồi lại cũng băn khoăn không biết cha mẹ Thúc Sinh “lượng trên trông xuống biết lòng có thương?”.

Ở một đoạn khác, khi người của Hồ Tôn Hiến đến khuyên Kiều dụ hàng Từ Hải, nàng lại nhanh chóng rơi vào lưỡng lự. Từ Hải – người đã có công cứu chuộc nàng, giúp nàng báo ân báo oán – có ý không chịu thần phục triều đình vì “hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”, vì lâu nay đã quen “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Và Kiều không phải là người không hiểu ý phu quân: nàng từng rất ủng hộ chàng, từng ước mong “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”, thậm chí được Từ xem là “tri kỷ”. Tuy vậy, trước lời dụ hàng, nàng lại cân nhắc rất nhiều, nhất là vì Hồ Tôn Hiến đã sai người mua chuộc nàng bằng “hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân”, mà nàng thì “thật dạ tin người”, “lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu”. Thứ nữa, hãy xem dòng suy nghĩ của Kiều: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân/ Bằng nay chịu tiếng vương thần/ Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!/ Công tư vẹn cả hai bề/ Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương/ Cũng ngôi mệnh phụ đường đường/ Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha/ Trên vì nước dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu hai là đắc trung/ Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng/ E dè sóng vỗ hãi hùng nước sa”. Dễ thấy, Kiều có yêu kính Từ Hải và rất thấu hiểu chí tang bồng muôn hướng của chồng, nhưng nàng cũng vị kỷ, nàng cũng nghĩ cho mình, cũng khao khát cho riêng mình một tương lai yên ả, nàng cũng nghĩ về địa vị, danh vọng, nghĩ về những điều mà theo nàng là có lợi cả đôi đàng, dù những suy tư ấy rõ ràng là đầy ảo tưởng và ngụy biện.

Chưa kể, Kiều liên tục dao động trong cách đối diện với số mệnh. Có nhiều khi nàng thấy mình là một nạn nhân bất lực trước ý trời: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”, hay “Biết thân chạy chẳng khỏi trời/ Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”. Tuy nhiên, có lúc nàng lại cho thấy mình vô cùng chủ động, thậm chí có thể cầm cương số mệnh. Đúng như Nguyên Sa từng phân tích trong tiểu luận nổi tiếng Nguyễn Du, trên những nẻo đường tự do[1], Kiều dù được Đạm Tiên báo mộng về số kiếp đoạn trường, song nàng đã phớt lờ mọi thứ, thậm chí là sự can ngăn quyết liệt từ phía gia đình hay nguy cơ đánh mất tình yêu với chàng Kim, để quyết chí bán mình chuộc cha, mạnh dạn cho rằng: “Thà rằng tiếc một thân con/ Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây”. Bên cạnh đó, cũng theo Nguyên Sa, chính vì đã suy tư một cách chủ động và toàn diện về mọi hệ quả có thể có từ quyết định bán mình, nên Kiều đã không chịu nên duyên cầm sắt với Kim Trọng trong ngày tái hợp, bởi xem đó là hành động của kẻ “công nhận làm một quân cờ của định mệnh, một lá bài của cuốn sổ đoạn trường” (tr.52).

Dễ thấy, hiện lên từ những thí dụ trên đây là hình ảnh một nàng Kiều đầy phức tạp và khó hiểu. Ta có thể kết luận gì về Kiều? Một kỹ nữ dù sống chốn thanh lâu vẫn giữ tròn phẩm hạnh? Một tài hoa đau khổ luôn bị số mệnh dập vùi? Hay một con người hiện sinh bất chấp mọi ràng buộc để giành đoạt hạnh phúc cho mình? Theo tôi, rất khó để có một kết luận nào thật sự rốt ráo và thỏa đáng. Bởi rõ ràng nàng Kiều mà ta thấy vừa rất thanh cao, tài hoa, hiểu biết, trọng tình nghĩa, nhưng cũng lại vừa ích kỷ, thực dụng, thậm chí tham lam, nhỏ nhen. Nàng không ngừng giằng xé âu lo trước những lựa chọn giữa tình yêu, đạo đức, danh vọng, địa vị, quyền lợi. Nàng có những lúc vô cùng yếu đuối, chỉ biết trách đất than trời, nhưng cũng có lúc hiên ngang chối từ số mệnh.

Nàng Kiều của Nguyễn Du, vì lẽ ấy, theo tôi, không truyền giảng, xiển dương, không phải là đại diện hay kiểu mẫu cho bất kỳ một cái nhìn, một lý thuyết, một lẽ sống cụ thể rõ ràng nào. Nàng cứ là nàng, một con người bình thường, giản dị mà cũng thẳm sâu, phức tạp, khó đoán như tất cả chúng ta, với những dùng dằng do dự, những băn khoăn bất quyết, những nghịch kiến mâu thuẫn hiện diện thường trực trong từng giây phút.

Nhưng cũng chính vì là một con người, thực thụ là một con người với sự lưỡng lự như một căn bản mà Kiều luôn là một bí mật thi vị và đầy hấp lực đối với tất cả chúng ta, thậm chí là với bản thân nàng, và với cả Nguyễn Du – người đã xây đắp nên nàng. Văn chương lớn, theo tôi, chính là như thế: nó không phải là thế giới của những con rối.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 991, tháng 6/2022

 


[1] Đăng lần đầu trên tạp chí Sáng tạo (Sài Gòn), số 15, tháng 12/1957

Thông tin truy cập

60531787
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13280
10018
60531787

Thành viên trực tuyến

Đang có 342 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website