Từ phê bình sinh thái đến phê bình sinh thái trong văn học thiếu nhi: Khảo sát bước đầu văn học thiếu nhi khu vực châu Á

Dựa trên nền tảng lý thuyết về phê bình sinh thái, bài viết tìm kiếm sự liên hệ giữa phê bình sinh thái và văn học thiếu nhi, qua đó, gửi thông điệp về bảo vệ môi trường; khẳng định vai trò của văn học thiếu nhi trong việc thúc đẩy những chương trình hành động nhằm bảo vệ môi sinh.

20240419 5

Sự tương đồng về mặt chức năng giữa phê bình sinh thái và văn học thiếu nhi nằm ở việc cả hai phương pháp tiếp cận này đều hướng đến việc nâng cao ý thức của độc giả đối với các vấn đề môi sinh cấp bách đang diễn ra hiện nay như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sa mạc hoá và các vấn đề khác. Vai trò của văn học thiếu nhi đã được Greta Gaard, chuyên gia về nữ quyền sinh thái, nhấn mạnh khi cho rằng văn học thiếu nhi chuẩn bị cho trẻ em khả năng kháng cự lại sự phát triển mang tính huỷ diệt về văn hoá, kinh tế và môi trường1. Đứng trước một tương lai bất định, văn học thiếu nhi trở thành một không gian thuận lợi để nuôi dưỡng nhận thức về phê bình sinh thái cho trẻ em và cả người trưởng thành. Thông điệp về việc hãy quan tâm và chăm sóc Mẹ thiên nhiên được truyền tải và lĩnh hội ở nơi đâu, nếu như không phải trong văn học thiếu nhi, nơi vốn được nhiều học giả coi là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm nhận thức về sinh thái trong trái tim và khối óc trẻ thơ2.

    Trong bài viết này, bắt đầu bằng việc giới thiệu về phê bình sinh thái, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm sự liên hệ giữa phê bình sinh thái và văn học thiếu nhi; nói cách khác, văn học thiếu nhi đóng vai trò gì trong việc nâng cao nhận thức về môi sinh cũng như sự tương tác giữa các loài. Chúng tôi cũng giới thiệu sơ lược một số tác phẩm văn học thiếu nhi khu vực châu Á, được lược dịch từ nghiên cứu People and Nature in Asian Stories: Reading and Writing Materials for Eco Education của Novita Dewi, nhằm đưa đến cái nhìn toàn cảnh về cách thức môi trường được tái hiện trong văn học thiếu nhi. Chúng tôi lập luận rằng bất chấp những thông điệp về bảo vệ môi trường thể hiện qua các tác phẩm này, vai trò của văn học thiếu nhi trong việc thúc đẩy các chương trình hành động nhằm bảo vệ môi sinh vẫn chưa được giải quyết triệt để.

    1. Từ phê bình sinh thái đến phê bình sinh thái trong văn học thiếu nhi

    Thuật ngữ phê bình sinh thái xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu luận Literature and Ecology: An Experiment in Ecocriticism của William Rueckert vào năm 1978 và trở nên phổ biến trong cuộc họp của Hiệp hội Văn học phương Tây vào năm 1989, khi Cheryll Glotfelty sử dụng thuật ngữ này để tiếp cận những văn bản tự nhiên. Trong tuyển tập Ecocriticism Reader, Cheryll Glotfelty định nghĩa: “Phê bình sinh thái nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật chất. Giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ ý thức về giới, và phê bình Marxist áp dụng nhận thức về phương thức sản xuất và giai cấp kinh tế trong việc đọc văn bản, phê bình sinh thái áp dụng cách tiếp cận lấy trái đất làm trung tâm để nghiên cứu văn học”3.

    Việc thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường (ASLE) vào năm 1992, sự ra đời của tạp chí chuyên về môi trường ISLE: Interdisciplinary Studies in Literature and Environment vào năm 1993 và việc xuất bản tuyển tập The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology vào năm 1996 có thể coi là những cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của phê bình sinh thái. Những mục tiêu ra đời của phê bình sinh thái ban đầu dường như khá đơn giản: tạo một diễn đàn về mặt học thuật cho giới học giả nghiên cứu, thảo luận các tác phẩm văn học về môi trường; nghiên cứu sự trình hiện của thiên nhiên và môi trường trong văn chương, qua đó nhìn thấy sự tương tác giữa thiên nhiên và văn hoá; tiến hành các hoạt động học thuật như một cách ứng phó với các vấn đề về môi trường và môi sinh4.

    Ở giai đoạn phát triển ban đầu, phê bình sinh thái dường như là cuộc chơi của tầng lớp học giả da trắng trung lưu, những người đồng thời cũng là những nhà hoạt động vì môi trường mà phê bình sinh thái trở thành một hình mẫu tiêu biểu của tinh thần bảo vệ môi trường trong bối cảnh học thuật và tri thức. Các giai đoạn phát triển sau này của phê bình sinh thái cho thấy có một sự chuyển hướng trong đội ngũ nghiên cứu và cách thức tiếp cận. Các văn bản về môi trường dần bộc lộ ý thức sâu sắc về sự khác biệt giới và giai cấp. Giới học giả không chỉ xoay quanh nam giới trung lưu da trắng, tức những đối tượng lợi thế trong xã hội, mà đa dạng về tầng lớp và giới, chẳng hạn như sinh viên, người da màu và đặc biệt là sự tham dự của phụ nữ. Một số công trình nghiên cứu nổi bật trong giai đoạn này có thể kể đến như Ecocomposition: Theoretical and Pedagogical Practices (2001) của Christian R. Weisser và Sid Dobrin, Natural Discourse: Toward Ecocomposition (2002) của Dobrin and Weisser, Literature and the Environment: A Reader on Nature and Culture (1999) của Anderson, Slovic và O’Grady.

    Hiệp hội Diversity Caucus được thành lập tại hội nghị ASLE tại Kalamazoo vào năm 1999 có thể xem là động thái tích cực nhằm khuyến khích sự hiện diện và tham dự của tầng lớp học giả nghiên cứu về môi trường từng thuộc vào những nhóm thiểu số. Tuy những thành viên sáng lập của Hiệp hội xuất thân từ những nhóm đặc quyền trong xã hội, họ dù sao vẫn là thành phần tích cực chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cam kết đa dạng hoá lĩnh vực học thuật này5. Điều này không chỉ giúp đa dạng hoá lực lượng sáng tác mà còn dẫn đến những thay đổi căn bản về mặt thể loại trong nghiên cứu về phê bình sinh thái, cụ thể là việc chuyển hướng từ tiểu luận sang thơ ca, tiểu thuyết, khoa học viễn tưởng, thậm chí là các hình thức truyền thông khác như phỏng vấn hay xã luận.

    Dẫu tất cả nỗ lực nhằm giới thiệu và đa dạng hoá nghiên cứu về phê bình sinh thái, đại đa số các văn bản viết về môi trường đều hướng đến độc giả trưởng thành. Số chuyên đề “Green Worlds: Nature and Ecology” trên Tạp chí The Lion and The Unicorn (Suzanne Rahn chủ biên) vào năm 1995 và một số chuyên đề khác là “Ecology and the Child” trên Tạp chí Children’s Literature Association Quarterly (Winter 1994-1995) có thể xem là những động thái đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng về đối tượng độc giả. Đồng thời, một loạt tiểu luận của ISLE vào năm 1996 thảo luận về cuốn sách thiếu nhi The Lorax6 của Dr. Seuss cũng dấy lên những bận tâm về tự sự môi trường trong văn học thiếu nhi. Mười năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu của thế kỷ XXI, các chương sách và tiểu luận tập trung vào vấn đề sinh thái trong văn học thiếu nhi, đặc biệt là sự ra đời của ấn phẩm Wild Things: Children’s Culture and Ecocriticism của Sid I. Dobrin and Kenneth B. Kidd, đánh dấu sự ra mắt chính thức của lĩnh vực nghiên cứu này.

    Cốt lõi của hướng tiếp cận phê bình sinh thái đối với văn học là ý tưởng về ảnh hưởng của văn học và những tạo tác văn hoá đối với cách chúng ta tưởng tượng về tự nhiên, điều góp phần hình thành nên những công dân sinh thái7. Những ý tưởng mà chúng ta có được hình thành bởi mối quan hệ của chúng ta với môi trường tự nhiên8. Hiểu biết này đồng thời giúp chúng ta nhận ra rằng bên cạnh lý trí thì cảm xúc và trực giác cũng quan trọng trong việc đưa ra quyết định9.

    Trước ý thức về vai trò quan trọng của môi trường đối với sự hình thành nhân cách, câu hỏi được đặt ra là liệu một tác phẩm văn học có thể tác động đến cách thức trẻ em hình dung và suy tưởng về thiên nhiên, qua đó là góp phần hình thành nên công dân sinh thái hay không. Quan điểm lấy sinh thái làm trung tâm (ecocentric) bác bỏ ý kiến cho rằng thiên nhiên “tồn tại để phục vụ nhu cầu và lợi ích của con người”10. Ngược lại, nó ngụ ý rằng tất cả các sinh thể đều được kết nối với nhau, do đó những gì ảnh hưởng đến vật nào đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả. Việc trở thành một công dân sinh thái ngụ ý nhận thức về sự kết nối lẫn nhau này, cùng với “ý chí làm sáng tỏ dấu ấn của chúng ta trong một thế giới nơi tất cả thiên nhiên đều có ý nghĩa sống còn”11.

    Tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng cảm thụ của trẻ em, đặc biệt là giai đoạn niên thiếu. Lovlie (2013) cho rằng “tất cả các hình mẫu thực sự về vị giác đều có trong thiên nhiên” (trích trong Goga, Nina et al.). Những trải nghiệm về cảnh quan cũng giúp trẻ em phát triển sự nhạy cảm, bởi nếu một đứa trẻ “không lang thang trên những đồng bằng khô cằn, nếu cát cháy không làm nó bỏng chân, nếu cái sột soạt thô ráp của những viên đá phơi dưới ánh mặt trời không khiến nó bức bối, thì làm sao nó có thể tận hưởng không khí mát mẻ của một buổi sớm mai?”12. Cách hiểu này đồng thời cũng đặt lại vấn đề về việc nên tuân theo tình cảm hay lý trí. Lựa chọn đúng lẽ ra là con người nên vận dụng ý thức và sự nhạy cảm trước khi dùng lý trí để suy xét mọi việc.

    Vai trò định hình nhân cách được Massey và Bradford (2011) khẳng định trong cách thức các tác giả nhìn nhận giá trị của văn học thiếu nhi viết về đề tài môi trường. Các tác giả định nghĩa bộ phận văn học này là “những văn bản hệ thống hóa các vấn đề sinh thái đương đại-phản ánh những chương trình nghị sự toàn cầu đang thay đổi và dự đoán các khả năng trong tương lai. Một trong những chức năng chính của văn học là xã hội hóa giới trẻ để biến chúng trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm và khả năng thấu cảm trong tương lai bằng cách định vị độc giả là những công dân sinh thái”13. Dựa vào định nghĩa này, các tác giả đã phân tích những tác phẩm văn học dành cho trẻ em gần đây (bao gồm cả phim ảnh và phi hư cấu) xoay quanh “cách thức văn bản về môi trường tìm cách định vị trẻ em”14. Quan điểm của họ là “nếu độc giả chấp nhận các vị trí chủ thể được đặt ra trong các văn bản môi trường, họ có thể thừa nhận thế giới quan mà các văn bản đó đề xuất; nghĩa là, những hiểu biết của độc giả về công dân sinh thái có thể được xây dựng khi họ tương tác với các văn bản”15.

    Sư phạm sinh thái, một nhánh của phê bình sinh thái, được xem là có mối quan hệ gần gũi và phần nào lý giải mối liên hệ giữa phê bình sinh thái và văn học thiếu nhi. Về cơ bản, sư phạm sinh thái (ecopedagogy) nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hợp lưu giữa công bằng xã hội, công bằng sinh thái và công bằng giữa các loài như là trọng tâm của việc thực hành toàn diện và khai phóng (inclusive and liberatory praxis). Richard Kahn chỉ ra ba mục tiêu của sư phạm sinh thái, bao gồm: “(1) nâng cao hiểu biết về vùng sinh học, sự tương tác giữa các hệ sinh thái địa phương, khu vực và toàn cầu; (2) nghiên cứu sinh thái văn hoá, cụ thể là tìm hiểu các nền văn hoá bền vững lẫn không bền vững, các chiến lược chống lại sự đồng hoá, củng cố cộng đồng, phát triển các công nghệ phù hợp và tổ chức tri thức tập thể; (3) phê phán các tác động phản sinh thái của chủ nghĩa tư bản công nghiệp, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và văn hoá thống trị, đi cùng với đó là tổ chức và vận động mọi người tham gia vào các hình thức chính trị sinh thái phù hợp và xây dựng phong trào”16. Mục tiêu thứ ba của sư phạm sinh thái về cơ bản chia sẻ động lực được những nhà phê bình sinh thái xem xét khi nghiên cứu về văn học thiếu nhi. Kamala Platt định nghĩa văn học thiếu nhi về công bằng môi trường như “những câu chuyện dành cho thiếu nhi xem xét mối tương quan giữa các vấn đề về quyền con người và công bằng xã hội với các vấn đề sinh thái, làm thế nào suy thoái môi trường ảnh hưởng đến các cộng đồng người, và làm thế nào các cộng đồng người duy trì mối quan hệ cộng sinh với môi trường sống trên trái đất của họ”17.

    Văn học nói chung phải được xem như tác nhân mang tính biểu cảm (expressive agent) cho sự thay đổi xã hội. Bởi văn bản được nhìn nhận là nhân tố góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của môi trường và công bằng xã hội, văn học thiếu nhi, đặc biệt nhánh văn học thiếu nhi về công bằng môi trường, trong chừng mực nào đó có thể cung cấp những liều thuốc giải độc cho logic của sự thống trị. Những câu chuyện về kết nối và tương trợ lẫn nhau giữa các loài, giữa con người, tự nhiên và toàn nhân loại có thể giải huyền thoại về cái tôi riêng biệt và lạ hoá mà logic thống trị thường nhấn mạnh. Tương tự, nếu logic thống trị nhấn mạnh đến hệ thống phân cấp thì những câu chuyện kể lại đề cao tình trạng vô chính phủ, sự hiện diện đa dạng của con người-loài vật-tự nhiên trong một xã hội dân chủ, tự do. Giải được hai logic thống trị này về cơ bản sẽ giải quyết tình trạng bị áp bức, tức trạng thái thứ ba của logic thống trị18.

    Việc nhìn nhận văn học trẻ em như một thành tố quan trọng giữa sự hợp lưu của sư phạm sinh thái, nữ quyền sinh thái và phê bình sinh thái cho thấy triển vọng của văn học thiếu nhi trong việc cung cấp một liều thuốc giải cho tình trạng xa lạ hoá và khuyến khích độc giả dấn thân, hướng đến dân chủ sinh thái và công bằng xã hội. Cụ thể, văn học thiếu nhi được kỳ vọng giải quyết ba vấn đề cơ bản về môi trường và sinh thái.

    Thứ nhất, văn bản giải quyết câu hỏi bản thể luận “tôi là ai” như thế nào? Bản sắc con người được xây dựng tương hỗ hay đối lập với thiên nhiên, động vật và các nền văn hóa/ bản sắc đa dạng của con người? Nói cách khác, làm thế nào để văn bản cung cấp liều thuốc giải độc cho bước đầu tiên trong logic thống trị?19.

    Như Clare Bradford đã lập luận, vì nhiều cuốn sách về môi trường dành cho trẻ em tuy rất mạnh trong việc chỉ ra các cuộc khủng hoảng về môi sinh nhưng lại không thúc đẩy các chương trình chính trị hoặc hành động tập thể để giải quyết các khủng hoảng được đặt ra20, các nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề thứ hai khi tiếp cận văn học thiếu nhi. Cụ thể, câu chuyện đó giới thiệu vấn đề công bằng sinh thái như thế nào? Kết truyện có đưa ra một chiến lược thích hợp để giải quyết vấn đề đặt ra trong truyện, bác bỏ hệ thống phân cấp để ủng hộ cộng đồng và dân chủ tham gia (participatory democracy) hay không? Nhân vật trẻ em có bị bỏ lại để một mình giải quyết các vấn đề công bằng sinh thái do người lớn tạo ra lúc ban đầu hay không?21.

    Thứ ba, văn bản thừa nhận bản chất của những trung gian nào? Thiên nhiên có phải là đối tượng được cứu bởi nhân vật trẻ em anh hùng? Có phải thiên nhiên đóng vai như một thiếu nữ bị gặp nạn, một người mẹ hi sinh hết mình, hay thiên nhiên mang tính chủ thể và có quyền tự quyết của nó?22

    Viết, đọc và nghiên cứu văn học thiếu nhi dưới lăng kính của phê bình sinh thái mở ra nhiều triển vọng cho bộ phận văn học này thay vì đóng khung nó như một thể loại chỉ dành cho độc giả nhỏ tuổi. Ba câu hỏi lớn trên đây cho thấy vai trò quan trọng của văn học thiếu nhi trong việc góp phần giải quyết các vấn đề sinh thái xã hội, khắc phục ô nhiễm môi trường, xác lập lý tưởng sống lành mạnh, dung hoà với tự nhiên và duy trì ổn định xã hội. Những câu hỏi này đồng thời có thể xem như những định hướng trong nghiên cứu văn học trẻ em dưới góc nhìn sinh thái nhằm cho thấy mối quan hệ tương tác giữa môi trường văn hoá tinh thần và sáng tạo văn chương. Khảo sát sơ lược dưới đây về một số truyện viết cho thiếu nhi ở khu vực châu Á một mặt giới thiệu cách thức thiên nhiên được thể hiện trong văn học thiếu nhi, mặt khác lại bộc lộ những vấn đề trong cách thức con người đối diện và định vị bản thân giữa môi trường xung quanh.

    2. Khảo sát bước đầu một số truyện viết về thiếu nhi của châu Á

    Nghiên cứu của Novita Dewi, People and Nature in Asian Stories: Reading and Writing Materials for Eco Education, về một số tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi có thể cung cấp một cái nhìn sơ lược về tình hình văn học thiếu nhi tại một số nước châu Á23. Sử dụng lăng kính của phê bình sinh thái và hậu thuộc địa, Dewi cho thấy những chủ đề xuất hiện phổ biến trong văn học thiếu nhi bao gồm sự cạn kiệt của trái đất và tài nguyên thiên nhiên, lòng tham của con người và sự bảo tồn và lưu giữ trí khôn của nhân loại. Dù không thể phủ nhận vai trò của những tác phẩm này trong việc duy trì và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, những chủ đề được tìm thấy trong những tác phẩm đồng thời cũng cho thấy vai trò trung tâm của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên và muôn loài. Cụ thể, văn học thiếu nhi vẫn bộc lộ cung cách trịch thượng mà con người định vị về chính mình trong mối tương quan với sinh thái.

    Là một phần của một dự án lớn hơn, bài báo của Dewi chọn lọc một số truyện ngắn, truyện ngụ ngôn, truyện dân gian, bài hát hay bài thơ miêu tả về thiên nhiên và con người làm đối tượng nghiên cứu. Các tác phẩm này được trích ra từ tuyển tập CeritaCerita Pelestarian Lingkungan: Cerita Rakyat dari Berbagai Penjuru Dunia (2003). Cuốn sách là bản dịch tiếng Indonesia từ tác phẩm Earth Care-World Folktales to Take About của MacDonald, được xuất bản lần đầu vào năm 1992 và thường được sử dụng trong giáo trình giáo dục sinh thái trên thế giới (Dewi, 41). Nghiên cứu của Dewi tập trung vào 13 câu chuyện, bao gồm The Farmer and His Crops (Hmong), Hold Tight and Stick Tight (Japan), The New Lake (China), Fox Rulesthe Stream (Thailand), The Mosquito Extermination Project (India); Gecko Cannot Sleep (Bali), Avvaiyar’s Rest (Tamil Nadu), Hidden Divinity (India), Love the Weeds (Iran), The Useless Tree (China), Sharing the Wine (China), In Your Hands (India), The Tamarind Tree (Thailand) và Don’t Throw Stones from Not Yours to Yours (Israel). Năm chủ đề chính được Dewi tổng kết qua khảo sát bao gồm chăm sóc môi trường, tác động của hành vi con người đối với thiên nhiên, mối liên hê tương hỗ của đời sống tự nhiên, giá trị của vạn vật trên trái đất và lòng tham của con người.

    Chủ đề đầu tiên, việc quan tâm và nuôi dưỡng môi trường tự nhiên, được tìm thấy trong hai câu chuyện The Farmer and His Crops”  In Your Hands. Cả hai câu chuyện này đều chứa đựng những bài học đạo đức, mặc dù câu chuyện thứ hai mang màu sắc tôn giáo rõ ràng hơn. The Farmer and His Crops lý giải vì sao thời gian thu hoạch vụ mùa ngắn thông qua việc chỉ trích thói lười biếng của một người nông dân. Nhân vật chính được cho là lười biếng đến nỗi anh ta thậm chí không muốn thu hoạch mùa vụ trên cánh đồng của mình. Ngô và lúa đành tự nguyện tìm đến nhà người nông dân và thất vọng nhận ra chẳng có kho thóc nào đang chờ đợi chúng cả. Thất vọng, ngô và lúa đành quay ngược lên đồi và kể từ đó, người nông dân phải vất vả lên đồi mới có thể thu hoạch được mùa vụ. Ở câu chuyện thứ hai, một thanh niên láu cá tìm cách lừa một nhà thông thái bằng cách hỏi xem con chim trên tay ông còn sống hay đã chết. Nhìn thấy mưu mẹo của gã thanh niên kia, nhà thông thái trả lời nếu ta bảo con chim ấy còn sống, người sẽ giết chúng đi trong khi chỉ thả ra nếu ta bảo rằng con chim ấy đã chết. Tính chất ngụ ngôn phản ánh qua câu chuyện, ta gặt hái những gì ta bắt gặp, đồng thời cũng cho thấy cách thức con người đối xử với môi trường xung quanh. Dưới góc nhìn của phê bình sinh thái, nhân vật con người trong hai câu chuyện trên luôn cho thấy vị trí chủ đạo, nắm quyền và kiểm soát môi trường. Thiên nhiên chỉ được xem là nguồn dự trữ thực phẩm và phục vụ cho lợi ích con người.

    Hai câu chuyện ngụ ngôn Sharing the Wine và Don’t Throw Stonesfrom Not Yoursto Yours mang đến những bài học về hậu quả của thói ích kỷ và keo kiệt. Trong Sharing the Wine, môt bữa tiệc rượu đã kết thúc bằng một bữa tiệc nước lã dưới ánh trăng bởi mỗi một vị khách tham dự đã lén lút đổ một vò nước lã vào thùng, chắc mẩm sẽ không ai phát hiện nếu chỉ một chút nước bị hoà tan với rượu. Tương tự, Don’t Throw Stonesfrom Not Yours to Yours chỉ trích thói ích kỷ của nhân vật nam chính. Một người đàn ông giàu có liên tục ném những viên đá xấu xí trong sân nhà mình ra ngoài đường và tảng lờ tất cả những phàn nàn của hàng xóm xung quanh. Đến một ngày, nhân vật chính bị phá sản và cay đắng nếm trải những phiền toái từ đống đất đá mà ông đã thải ra trước đây. Bài học nhãn tiền từ hai câu chuyện này cho thấy hành vi của cá nhân có thể ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh như thế nào. Thêm vào đó, con người một lần nữa thể hiện sự thống trị và đô hộ thiên nhiên thông qua cách thức câu chuyện kể chỉ xoay quanh nhân vật là con người.

    Ngược với câu chuyện được kể lại bên trên, hai câu chuyện thiếu nhi Gecko Cannot Sleep và Mosquito Extermination Project lại truyền tải thông điệp về cuộc sống thuận hoà giữa muôn loài. Điều đáng chú ý là muôn loài ở đây không bao gồm con người. Cảm thấy bị phiền toái bởi đom đóm cứ nhấp nháy suốt đêm, một con tắc kè bèn đến gặp trưởng thôn để phàn nàn. Bất ngờ là tại đây Tắc Kè đã được các loài vật khác khuyên bảo về vai trò của các loài vật khác nhau trong cuộc sống, hiểu ra và về nhà. Đom đóm nhấp nháy soi đường để dân làng không dẫm phải hố Trâu. Trâu lấy đất lấp đường rồi nước Mưa rửa sạch. Nhưng Mưa vẫn sẽ đến để Ao không cạn khô. Bởi nếu Ao cạn khô thì Muỗi không sinh sôi nảy nở và Tắc Kè không còn gì để ăn. Thông qua việc mô tả sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sinh thể, hai câu chuyện trên truyền tải thông điệp về sự kết nối giữa vạn vật, và sự vắng mặt của bất kỳ một sinh vật nào cũng có thể làm xáo trộn chuỗi sự sống trên trái đất. Những giá trị phổ quát này phần nào cho thấy những câu chuyện thiếu nhi có thể chia sẻ những thông điệp chung với những câu chuyện sinh thái toàn cầu.

    Ba câu chuyện Love the Weeds, The Useless Tree, và The New Lake lại mang đến thông điệp nhẹ nhàng hơn,rằng trên thế gian này, không có vật gì là không có giá trị. Thoạt nhìn, hai câu chuyện đầu tiên tưởng chừng chỉ xoay quanh thế giới loài người bởi trong cả hai truyện, con người chủ động vứt bỏ những thứ bị cho là vô dụng. Những thứ được cho là vô dụng ấy có thể là cây cỏ hay đồ vật không còn giá trị sử dụng. Tương tự, The New Lake kể về một hoạch định sai lầm của Thủ tướng Trung Quốc trong quá trình xây dựng thành phố. Dự định lấp hồ để có đất xây dựng nhà cửa, ông trao đổi với vị phó thủ tướng và ngỡ ngàng nhận ra người này có dự định đào một cái hố tương tự chính xác bằng cái hồ mà thủ tướng muốn lấp. Trong khi đó, hai câu chuyện Avvaiyar’s Rest và Hidden Divinity đều nói về sự thiêng liêng của thiên nhiên được Chúa tạo ra cũng như sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện Laudato si còn nhấn mạnh những người không yêu quý thiên nhiên thì không thể yêu thương đồng loại, cũng như yêu mến Chúa.

    Lòng tham có sức mạnh huỷ diệt là thông điệp cuối cùng mà hai câu chuyện dân gian từ Nhật Bản và Thái Lan muốn truyền tải. Truyện dân gian Nhật Bản Hold Tight and Stick Tight, gửi gắm một bài học muôn thuở rằng người lương thiện sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng còn những kẻ tham lam rồi sẽ bị trừng trị. Nhân vật người lương thiện được mách là hãy giữ chặt cây thông thần kỳ mà từ đó nhựa của nó biến thành vàng. Ngược lại, nhân vật kẻ tham lam ôm cùng một cái cây nhưng chỉ nhận lại toàn nhựa thông lan tràn khắp cơ thể. Trong hai câu chuyện dân gian của Thái Lan, lòng tham trở thành một thói xấu cố hữu của cả loài vật lẫn con người, thúc đẩy các nhân vật lao vào những cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Câu chuyện đầu tiên Fox Rules the Stream, kể về cuộc chiến giữa các loài động vật lớn nhỏ. Bởi tính háu ăn, một con cáo ranh mãnh đã sử dụng sức mạnh của mình huy động những con vật lớn hơn như trăn và voi bắt nạt những con vật nhỏ hơn nhằm chiếm hữu dòng suối mà cáo đang sinh sống. Cuối cùng, nhờ khả năng của thỏ mà những con vật nhỏ hơn cùng nhau đoàn kết lại và chiến thắng những con vật lớn hơn. Trong câu chuyện thứ hai The Tanmadrin Tree, hai người bạn lên đường nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn và hẹn ngày gặp lại sau 5 năm. Người thứ nhất thành công nhờ đức tính kiên trì và tiết kiệm. Người thứ hai, ngược lại, lại thất bại vì chỉ biết tiêu xài hoang phí. Sau 5 năm gặp lại, người thứ nhất nhường cho người thứ hai một căn nhà nhỏ với cây me sau vườn. Vẫn chứng nào tật nấy, người thứ hai không chịu làm lụng mà tiếp tục nuông chiều bản thân bằng cách bứt lá me để cho vào bữa ăn khiến cây me mỗi lúc một cằn cỗi. Cuối cùng, người thứ nhất một lần nữa giúp đỡ và giảng giải khiến cho người thứ hai hiểu ra lòng tham của bản thân khi luôn muốn được thêm một chút nữa.

    Dewi chuyển chủ đề của cuộc thảo luận sang một số truyện thiếu nhi được đăng trên Sunday Kompas, những truyện được cho là góp phần gia tăng nhận thức về môi trường sinh thái đối với độc giả. Hai truyện ngắn Growing Mangrove và Warisan Mbah Amat nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cứu trái đất cho thế hệ mai sau bởi thiên nhiên không trường tồn mãi mãi. Trong câu chuyện Putri Alor, nhân vật nữ chính, một cô gái nhỏ, thường xuyên chơi đùa với loài rùa xanh trên đảo Alor và ý thức rõ ràng tầm quan trọng của việc bảo tồn chúng. Hành động này ban đầu không được những người lớn hưởng ứng nhưng họ dần nhận ra kho báu nằm trong chính những sinh vật thông thường hiện diện trong cuộc sống của họ.

    Nói chung, những chủ đề của văn học thiếu nhi được tìm thấy trong nghiên cứu của Dewi không phải là những chủ đề xa lạ. Tuy những câu chuyện này không giải quyếtrốtráo ba câu hỏi quan trọng về chức năng của văn học thiếu nhi đối với tiến bộ xã hội, chúng dù sao cũng góp phần minh hoạ mối quan hệ tương hỗ thay vì mang tính thứ bậc giữa con người, loài vật và tự nhiên xung quanh. Hơn thế nữa, việc thể hiện những nội dung phổ quát trong văn học thiếu nhi không quan trọng bằng cách thức những đề tài ấy được thể hiện như thế nào. Những nghiên cứu trường hợp về văn học thiếu nhi dưới góc nhìn phê bình sinh thái thậm chí được McDowell xem là khởi đầu quan trọng để nghiên cứu về tính đa thanh và tính đối thoại trong văn chương, hai khái niệm được mượn từ cách hiểu của Bakhtin. Việc tập trung vào cách thức nhà văn thể hiện sự tương tác giữa những “tiếng nói” của con người và phi con người trong tự nhiên giúp chúng ta “nhận ra rằng tất cả các yếu tố trong mạng lưới khổng lồ của tự nhiên đều có giá trị và cái mà chúng ta có thể gọi là “những tiếng nói” không có nghĩa là chúng ta có thể dịch tiếng nói đó sang ngôn ngữ của con người. Thách thức là làm thế nào ý thức được các giá trị đạo đức và thái độ mà ngôn ngữ văn học phản ánh, vì thứ ngôn ngữ này cũng “mang những bằng chứng về các giá trị xã hội” (chữ dùng của McDowell 1996, tr. 373) ở vào thời của nó”24. Việc phân tích sự tương tác giữa những “tiếng nói” khác nhau qua những cuộc hội ngộ văn chương giữa con người, động vật và môi trường xung quanh có thể giúp khám phá những quan điểm đạo đức khác nhau liên quan đến giá trị của mỗi loài bởi mỗi cuộc “gặp gỡ”, theo khái niệm “không-thời gian” (chronotope) của Bakhtin, là “nơi những nút thắt tự sự được buộc lại và cởi ra”25.

    3. Kết luận

    Bằng cách truy vấn về tính chủ thể hay khách thể của đối tượng loài vật trong văn học thiếu nhi, nhánh nghiên cứu về phê bình sinh thái trong văn học thiếu nhi cho thấy sự tương đồng và kề cận trong mối quan hệ giữa trẻ em và loài vật. Hướng nghiên cứu này cũng đặt nền tảng quan trọng để “khám phá những giao điểm về mối quan hệ giữa các loài hay nghiên cứu về loài vật, văn học môi trường (và công bằng môi trường) dành cho trẻ em, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái và sư phạm sinh thái”26. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng tìm hiểu sự giao thoa giữa văn học thiếu nhi và phê bình sinh thái, đồng thời giới thiệu một số các tác phẩm văn học thiếu nhi ở khu vực châu Á nhằm hình dung sự tương tác giữa các loài và cách thức con người định vị cá nhân trong mạng lưới đa loài ấy. Các lý thuyết về văn học thiếu nhi dưới góc nhìn phê bình sinh thái đồng thời cũng cho thấy vai trò của văn học thiếu nhi với tư cách là hoạt động sáng tạo trong việc thúc đẩy ý thức về tính tương tác giữa các loài, tinh thần hoà hợp với thiên nhiên, thừa nhận hậu quả của việc thay đổi môi sinh và tham gia tích cực vào việc thay đổi môi trường sống.

Trần Tịnh Vy

Nguồn: Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật, ngày 28.02.2024.

Tài liệu tham khảo:
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 602.04-2021.08
1. Bakhtin,M.M.(1981),The Dialogic Imagination. Four Essays, University of Texas Press, Austin.
2. Bradford, Clare (2003), “The sky is falling: Children as environmental subjects in contemporary picture books”, trong Roderick McGillis,Children’s Literature and the Fin de Sie’cle, Greenwood Publishing Group, Inc, Westport, 111-120.
3. Dewi, Novita (2017), “People and Nature in Asian Stories: Reading and Writing Materials for Eco Education”, K@ta, vol. 19, no. 1, Jun. 2017, 39-46, doi:10.9744/kata.19.1.39-46.
4. Elnady, Abdulgawad (2018), “The Intersection between Ecocriticism and Chilren’s Literature: The Case of AbdelTawad Youssef”, HERMS, Vol.7, Issue No.2, 9-44.
5. Gaard, Greta (2009), “Children’s environmental literature: from ecocriticism to ecopedagogy”, Neohelicon 36, 321-334, https://doi.org/10.1007/s11059-009-0003-7).
6. Glotfelty, Cheryll, and Fromm, Harold (1996), The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press, Chicago.
7. Goga, Nina et al. (2018), Ecocritical Prespectives on Children’s Texts and Cultures: Nordic Dialogues, Palgrave Macmillan, Basingstoke.
8. Khaneman, D. (2011), Thinking, Fast and Slow, Farrar, Strous and Ferroux, New York.
9. Lidström, S., & Garrard, G.(2014), “Images Adequate to Our Predicament. Ecology, EnvironmentandEcopoetics”,Environmental Humanities, 5, 35-53.
10. Løvlie, L. (2013), “Rousseau i våre hjerter”, Studier i Pedagogisk Filoso . Årgang 2. Nr. 1, 1-20.
11. Massey, G., & Bradford, C. (2011), “Children as Ecocitizens: Ecocriticism and Environmental Texts”,trong K.Mallan & C. Bradford, Contemporary Children’s Literature and Film: Engaging with Theory, PalgraveMacmillan, Basingstoke, 109-126.
12. McDowell, M. J. (1996), “The Bakhtinian Road to Ecological Insight”, trong C. Glotfelty& H. Frommeds.,The Ecocriticism Reader. Landmarksin Literary Ecology, The University of Georgia Press, Athens and London, 371-391.
13. Nyrnes, Aslaug (2018), “The Nordic Winter Pastoral: A Heritage of Romanticism”, trong Nina Goga et all, Ecocritical Prespectives on Children’s Texts and Cultures: Nordic Dialogues, Palgrave Macmillan, Basingstoke, 75-90.
14. Platt, Kamala (2004), “Environmental justice children’s literature: Depicting, defending, and celebrating trees and birds, colors and people”, trong S. I. Dobrin & K. Kidd, Wild things: Children’s culture and ecocriticism, Wayne State University Press, Detroit, 183-184.

Chú thích:
1, 4, 5, 16, 18, 19, 21, 22, 26 Gaard, Greta (2009), “Children’s environmental literature: from ecocriticism to ecopedagogy”, Neohelicon 36, tr. 334, 322, 324, 326, 327, 327, 328, 330, 325, https://doi.org/10.1007/s11059-009-0003-7).
2 Elnady, Abdulgawad (2018), “The Intersection between Ecocriticism and Chilren’s Literature: The Case of Abdel-Tawad Youssef”, HERMS, Vol.7, Issue No.2, 9-44, tr. 11.
3 Glotfelty, Cheryll, and Fromm, Harold (1996), The Ecocriticism Reader: Landmarksin Literary Ecology, University of Georgia Press, Chicago, tr. xviii.
6 The Lorax là tác phẩm văn học thiếu nhi do Dr. Seuss viết và xuất bản vào năm 1971. Câu chuyện xoay quanh lòng tham của con người dẫn đến nguy cơ huỷ hoại môi trường tự nhiên và nỗ lực bảo vệ môi trường của nhân vật chính The Lorax. Truyện độc đáo không chỉ thông điệp mà nó mang đến mà còn bởi cách thức nhà văn sử dụng nhân cách hoá để tạo nên các nhân vật đại diện cho các thành phần liên quan, bao gồm ngành công nghiệp (Once-ler), môi trường (cây Truffula) và nhà hoạt động môi trường (Lorax).
7, 10, 13, 14, 15 Massey, G., & Bradford, C. (2011), “Children as Ecocitizens: Ecocriticism and Environmental Texts”, trong K. Mallan & C. Bradford, Contemporary Children’s Literature and Film: Engaging with Theory, Palgrave Macmillan, Basingstoke, 109-126, tr. 110, 109, 109, 110.
8, 11 Lidström, S., & Garrard, G. (2014), “Images Adequate to Our Predicament. Ecology, Environment and Ecopoetics”, Environmental Humanities, 5, 35-53, tr. 43, 42.
9 Khaneman, D. (2011), Thinking, Fast and Slow, Farrar, Strous and Ferroux, New York.
12 Nyrnes, Aslaug (2018), “The Nordic Winter Pastoral: A Heritage of Romanticism”, trong Nina Goga et all, Ecocritical Prespectives on Children’s Texts and CulturesNordic Dialogues, Palgrave Macmillan, Basingstoke, 75-90, tr. 79.
17 Platt, Kamala (2004), “Environmental justice children’s literature: Depicting, defending, and celebrating trees and birds, colors and people”, trong S. I. Dobrin & K. Kidd, Wild things: Children’s culture and ecocriticism, Wayne State University Press, Detroit, 183-184, tr. 186.
20 Bradford, Clare (2003), “The sky is falling: Children as environmental subjects in contemporary picture books”, trong Roderick McGillis, Children’s Literature and the Fin de Sie’cle, Greenwood Publishing Group, Inc, Westport, 111-120, tr. 116.
23 Dewi, Novita. “People and Nature in Asian Stories: Reading and Writing Materials for Eco Education.” K@ta, vol. 19, no. 1, Jun. 2017, pp. 39-46, doi:10.9744/kata.19.1.39-46.
24 Goga, Nina et al. (2018), Ecocritical Prespectives on Children’s Texts and Cultures: Nordic Dialogues, Palgrave Macmillan, Basingstoke, tr. 62.
25 Bakhtin, M. M. (1981), The Dialogic Imagination. Four Essays, University of Texas Press,Austin, tr. 250.

Thông tin truy cập

63004684
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11158
17565
63004684

Thành viên trực tuyến

Đang có 315 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website