Khi Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) bước lên thi đàn Việt Nam vào năm 1972 là lúc tác phẩm thơ đầu tay của anh - Chiến tranh Việt Nam và tôi được nhà xuất bản Đồng Dao công bố. Rồi đến Ở đời như một nhà thơ Đông Phương được in và phát hành nhiều lần vào các năm 1995, 2005, 2022... và tập Nguyễn Bắc Sơn - tác phẩm và dư luận được nhà xuất bản Hội nhà văn in 2019 với tuyệt đại bộ phận thơ của anh. Như một lời xác nhận chân thành. Gia tài thơ thật khiêm tốn ấy đã thể hiện thầm lặng một tiếng nói riêng có trong nền thơ hiện đại.
Người ta hay nói đến thơ Nguyễn Bắc Sơn nổi bật hơn cả bởi nội dung phản chiến bộc trực và đầy chất ngang tàng của một người trong cuộc, một người lính nhận rõ sự phi lý và đáng xấu hổ của cuộc chiến tranh mà vào thời điểm năm 1972 khi người Mỹ đã muốn rút lui trong danh dự vẫn tiềm ẩn tính chất ác liệt của nó như sắp đến hồi kết liễu giống như mọi cuộc chiến tranh thì tiếng nói phản chiến trong thơ Nguyễn Bắc Sơn khách quan đã thêm một lý giải cho sự bại trận của quân lực Việt Nam cộng hòa. Thơ của người lính cậu vô vi nhớ nhà đầy chất lính tráng, bày tỏ đau đớn và cay đắng về đời lính phá phách vùi đầu vào nỗi sầu cùng gái điếm và đốt tiền cho ly rượu cặn... Nói vậy quả không sai. Bởi vì chỉ có hơn hai chục bài thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi có tới 13 lần anh nói đến rượu: Hành quân rượu, Say rượu. Rượu đế Nùng. Thiếu rượu anh hùng nhát gan, Thiếu rượu hoang mang nhớ nhà, Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu, Dăm đồng rượu đáng, Đời mình như rượu còn ly cặn, Tình bạn nồng nàn như rượu, Lên núi Ta Dơn uống rượu, v.v.
Nhưng đó chỉ là cái phần ngầu bọt đầy bộc trực nhất của thơ Nguyễn Bắc Sơn. Điều mà làm nên thi sỹ Nguyễn Bắc Sơn căn bản không phải ở đó. Chìm sâu trong thơ anh và cũng là điều đáng trân trọng nhất của thơ Nguyễn Bắc Sơn là hồn thơ chân thành mộc mạc ở đó vang lên khẩn thiết khát vọng hòa bình và tình yêu thương quê hương xứ sở.
Đọc Chiến tranh Việt Nam và tôi, người ta tìm thấy ký ức về một chàng niên thiếu khát khao đi tìm tri thức trước khi phải đi làm lính cậu. Bức bích họa về một thành phố ban mai mô tả thật dung dị tuổi học trò. Trong túi quần của cậu học trò tiểu học có con dế than mùi nồng nàn đất ướt và Nguyễn Bắc Sơn nhắc nhở con dế đó Gáy lên đi ta, gáy rung rinh làm rụng những lá me non... Những năm tuổi trẻ điên mê thi ca và triết học.
Đến thư viện chàng vội vàng trở lại
Chồng sách cao chôn mất nửa đời người
... Những thiên đường không tường tuổi mê chơi
Và người đó lặng lẽ gối lên chồng sách nhỏ, ngủ âm thần như chiếc bóng mùa đông. Bài thơ Những điều cần nói khi thôi học 1963, có ý nghĩa thật sâu sắc. Nguyễn Bắc Sơn không chỉ cảnh báo nền giáo dục đương thời ở miền Nam lúc đó mà còn là sự nhắc nhở cho bất kỳ sự giáo dục nào nếu nó giả dối từ những người thầy dạy.
Các giáo sư dạy cho lũ học trò
Những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy.
Thơ Nguyễn Bắc Sơn chân thành giản dị đến mức ta tin lòng ngay thẳng của anh. Khi chưa phải làm lính, anh tự nhận như một kẻ nhàn du, bạn bè chia xa, ta khề khà cùng sách vở.
Những phần hay nhất trong Chiến tranh Việt Nam và tôi là những dòng thơ trữ tình lãng mạn mang phong vị của thi ca tiền chiến (1930-1945) và vương vấn sự trầm buồn của thơ Đường đã mang đến những câu thơ nhiều xúc cảm về khát vọng hòa bình của người lính Việt Nam cộng hòa chán ghét chiến tranh. Ở đây Nguyễn Bắc Sơn có những câu thơ kỳ lạ về nỗi nhớ nhà. Khi anh qua cầu sông Lũy nhìn quanh quất thấy nước đỏ cầu đen chợt dâng lên nỗi nhớ nhà của người lính trận. Có lẽ sau đây là một trong số ít câu thơ hay nhất của Nguyễn Bắc Sơn; Hay đến nỗi trong giới thi nhân hiện thời có nhiều người nhớ bằng các dị bản khác nhau. Nó hay như một câu thơ cổ kiểu như Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, bởi vì nó không có một biện pháp tu từ nào thật phức tạp, nó giản dị như đời sống muôn thuở về nỗi nhớ nhà của chiến binh ngoài mặt trận. Nó phản đối chiến tranh bằng tiếng thở dài và không biết đến bao giờ cuộc chiến mới kết thúc.
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà
Và có lúc Nguyễn Bắc Sơn mơ thấy hòa bình như một điều rất xa xôi khó thành hiện thực trong nỗi sợ hãi phải lìa đời.
Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé
Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam.
Với Nguyễn Bắc Sơn yêu hòa bình là từ bỏ chiến tranh, rũ bỏ áo trận và hư vinh hão huyền để trở về cuộc sống hoàn lương, với đời sống của một đời người bắt đầu làm lại. Bài thơ Tiệc tầy trần cho người sống sót là một trong bài thơ hay nói về người lính Việt Nam cộng hòa mong muốn trở về nhà với không khí không kèm phần kiêu bạc và thức tỉnh
Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin già từ vũ khí huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết.
Bài thơ Chân dung Nguyễn Bắc Sơn không phải chủ ý nói về người lính mà hướng tới nói về lẽ sống.
Hạnh phúc về như nước lấp con sông
... Nối vòng tay, vòng tay lớn Việt Nam
và khi đó anh mơ anh được tặng quà bằng hữu là những chồng sách quý và hơn thế nữa bằng ý nghĩa sinh tử của đất nước này.
Trong gói quà
Có núi có sông
Có rừng có biển
Có một Việt Nam
Quằn quại trong cơn đau.
Viết cho các con tôi, Nguyễn Bắc Sơn nhắn nhủ như là một lời trăng trối của một người lính yêu hòa bình, một nhà thơ yêu hòa bình.
Hãy tìm trang nhục sử Việt Nam
Để thấu hiểu vì sao ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than.
Chiến tranh Việt Nam và tôi xoay quanh như xoáy lốc chủ đề về phản chiến và thiền. Sau 1975, Thiền càng được phô diễn như là con đường hoàn lương của anh như chính anh tâm niệm. Thiền của Nguyễn Bắc Sơn không bị lụy mà chan chứa tình đời. Ở đây thi sỹ có nhiều câu thơ sâu lắng, giàu sức biểu cảm. Đó là tiếng chuông của ni cô trong ngôi chùa cổ đánh thức anh đang ở cõi sương mù.
Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ
Mà sao lạnh điếng coi sương mù.
Anh dường như mình cũng mộng hoàn lương mà nhận biết vẻ đẹp đòng đưa xa lắc quê nhà.
Quê nhà xa tít và xa tắp
Nước non hương cháy chẳng chịu về.
Người lính ấy trở về trên nẻo hoàn lương nhận ra Hoa quỳnh vàng lạnh PlayKu. Lại có lúc đi tìm hoa Cúc mà chẳng được như một giấc mộng đi lạc mất đường.
Tháng giêng có kẻ đi tìm Cúc
Nhưng cõi đời không có Cúc hoa
Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lộn nẻo bao la.
Tôi trân trọng những đoạn thơ Thiền của Nguyễn Bắc Sơn sau chiến tranh. Nó diễn tả cảm động con đường hoàn lương trắc trở biết chừng nào. Ở đây có sự tĩnh tâm của một tâm hồn thi sỹ lúc ẩn dật trong vườn đào, khi bỏ phố về rừng, về ta với ta, giỡn trăng rọi sáng gốc cây già, nghe gió bụi phù du thổi qua đời người lính thất trận từ chiến tranh về với hòa bình. Trong hoài niệm đêm trăng thanh vắng đến mức nghe được đêm nghe chim bỏ tổ nằm bay đi mà lòng vẫn một hai tin ở cuộc đời.
Một ngàn năm, một vạn năm
Vẫn còn mây trắng bóng trăng nụ cười
Dường như cái chất lính của người thi sỹ đã níu kéo anh trở lại không làm một thuyền nhân mà vẫn lãng đãng với giai nhân.
Thi sỹ cuối đời cười lãng đãng
Giai nhân xuân sắc bỏ xuân thì.
Cái đích của người lính thiền để hoàn lương là đến với tình yêu giữa con người với con người như một người thường. Thơ tình tháng chạp và Mùa thu đi ngang qua cây phong du nói lên điều đó. Cái tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối ở lại giữa đời trong cõi trăm năm.
Tất cả sẽ qua đi điều gì còn ở lại
Một đóa hoa quỳnh trong cõi trăm năm.
Thơ viết sau năm 1975 của Nguyễn Bắc Sơn dường như phảng phất nhiều hơn tiết tấu và phong vận thể thơ 8 chữ và 7 chữ của thi ca tiền chiến.
Cuộc chiến tranh Việt Nam thấm thoát đã đi qua 50 năm. Sông Bến Hải và vĩ tuyến 17 không chỉ chảy chia ngang đất nước mà còn chảy chia ngang hàng vạn gia đình Việt Nam. Gia đình Nguyễn Bắc Sơn là một trong số đau thương đó. Cha anh tập kết ra Bắc và trở về giải phóng quê hương ngay trên mảnh đất cằn cỗi, nắng gió và bụi cát với những cái tên quá nhiều ẩn ức trong thơ Nguyễn Bắc Sơn. Sông Lũy. Ma Lâm. Phù Cát. Tà Dơn. Sông Mao. Cha con họ đã đoàn tụ sau bao năm xa cách mà số phận đã đặt họ chĩa súng vào nhau. Cuộc chiến tranh giữa cha và con này không có kẻ thắng người thua; chỉ có nhân dân chiến thắng, hòa bình chiến thắng. Cha con Nguyễn Bắc Sơn trở về quê hương đoàn tụ để lợp lại mái nhà sum họp. Có lẽ đó cũng là một cội nguồn sâu sa vì sao thơ phản chiến của anh đầy trắc ẩn lo âu và hướng tới hòa bình tha thiết đến thế.
Cũng vì lẽ đó, thi sỹ Nguyễn Bắc Sơn đã sớm tìm gặp những nhà thơ miền Bắc theo bước hành quân vào Nam tháng 3, tháng tư 1975. Ngày 18/4/1975 Phan Thiết giải phóng, ngày 22/4/1975 Nguyễn Bắc Sơn đã phát biểu chào mừng Ủy ban quân quản và gặp nhà thơ Anh Ngọc ở đó. Anh Ngọc đeo súng lục nhưng không có đạn. Một cuộc đoàn viên sớm nhất giữa hai thi sỹ ở hai miền và họ đều là lính. Họ đã như hai người bạn chan hòa niềm vui hạnh ngộ. Tháng 6/1975. Nhà thơ Bằng Việt gặp Nguyễn Bắc Sơn tại Sài Gòn. Họ đón nhau về nhà như những người thân. Nguyễn Bắc Sơn đã mời Bằng Việt về nhà người em họ ở trên cồn cát nổi giữa sông Nhà Bè, Sài Gòn. Bằng Việt nói với tôi: Bắc Sơn là một người rất dễ mến, rất yêu thơ ca, có kiến văn khá rộng bao gồm cả văn học phương Tây. Dường như Bắc Sơn còn mặc cảm tự ti và anh có kế hoạch lên Tây Nguyên làm rẫy kiếm sống. Bắc Sơn là một người khiêm nhường lặng lẽ, giàu hoài bão. Tháng 7/1975 trên cồn cát Nhà Bè ấy Bằng Việt làm bài thơ: Về xóm nhỏ trên cồn đọc cho Bắc Sơn nghe ở chính cái ngôi nhà lá tiệm tùng trên sông ấy, trong đó có câu: Đời trở lại hiền hòa trên mặt đất thong dong. Chao ôi! phải mất bao nhiêu năm chiến tranh mới có được điều ấy. Bao nhiêu số phận con người đã chìm nổi hàng triệu cách khác nhau như cha con Nguyễn Bắc Sơn. Không ở đâu như ở đất nước này con người đã hiểu quá rõ cái giá của chiến tranh. Cái giá của hòa bình.
Các nhà thơ miền Nam như Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Du Tử Lê, v,v. đã được các bạn văn và giới học giả trân trọng giới thiệu như là cuộc trở về đoàn tụ của gia đình văn nghệ Việt Nam. Cái gì cần bỏ qua thì lịch sử đã bỏ qua rồi. Mặc dù tầm vóc và phong cách của từng người trong số họ rất khác nhau, nhưng thơ Nguyễn Bắc Sơn là một tiếng nói khác biệt nghĩ nên cần được giới thiệu như là một tác giả thơ trong giai đoạn đầy thử thách của đất nước. Các bài thơ như Thảo khấu. Mật khu Lê Hồng Phong. Nhắc đến Ma Lâm. Tiệc tẩy trần của người sống sót. Tha lỗi cho ta. Những điều cần nói khi thôi học 1963, v.v. có thể tuyển vào thơ niềm Nam 1954-1975.
Có người liên tưởng thơ Quang Dũng là thơ bi hùng. Thơ Bắc Sơn là thơ bi hài. Tôi không nghĩ như thế. Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn đôi khi tôi nhớ đến cái ngạo nghễ của Cao Bá Quát và 3 con người ấy mặc dù ở những thời vận rất khác nhau và tài phận của họ càng khác nhau không thể so sánh được. Nhưng tôi nghĩ cả ba người ấy có một điểm gặp nhau là yêu thiết tha đất nước núi sông liền một dải Việt Nam mà tất cả chúng ta được sống và mưu cầu hạnh phúc ở đó, như câu thơ chữ hán Cao Chu Thần đã viết trong bài Từ biệt ông lang trung bộ lại Phạm Đôn Thận hồi nửa đầu thế kỷ 19.
Minh thần khước vọng giang kiều lộ
Nam lĩnh vân liền bắc lĩnh vân
Nghĩa là:
Sáng mai lại ngóng trông về phía đường cách sông cách cầu
Sẽ thấy mây núi nam liền với mây núi bắc.
Khuất Bình Nguyên
Hà Nội tháng 11-2024
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật số 47, ngày 21/11/2024.