Tư tưởng và văn học của Phan Bội Châu thời kì ở Huế

                        GS. Imai Akio

                        Đại học Ngoại ngữ Tokyo

Mở đầu

 Nhân kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật-Việt, trong năm 2013 này nhiều hoạt động đã diễn ra để kỉ niệm sự kiện này. Đáng chú ý là vào tháng 9 qua, đài truyền hình Nhật Bản đã phát sóng bộ phim truyền hình dài 2 tiếng có nhan đề “Người cộng sự” (Partner)- kể về cuộc đời của Phan Bội Châu. Đây có lẽ là lần đầu tiên một bộ phim về danh nhân Việt Nam lên sóng truyền hình ở Nhật Bản. Trong phim, mối giao lưu thâm tình giữa Phan Bội Châu thời kì phong trào Đông Du với những người Nhật Bản hỗ trợ cho phong trào được miêu tả một cách đầy xúc động. Nhưng có lẽ người Nhật chúng tôi cần phải ghi nhớ cả chi tiết: Phan Bội Châu dù vẫn mang nặng lòng tri ân đối với những  người Nhật giúp đỡ nhưng đã dần chuyển sang phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc của Nhật Bản từ sau hiệp định đình chiến Nhật-Pháp năm 1907 đến Đại chiến thế giới lần II.


 Từ trước đến nay, trong nghiên cứu về Phan Bội Châu thì giai đoạn ở Huế từ sau khi Phan bị bắt tại Thượng Hải (năm 1925) rồi bị đưa về quản thúc ở Huế đến khi mất (năm 1940) dường như ít được chú ý hơn cả. Ở Nhật Bản, thậm chí hầu như không có bài viết nào về Phan Bội Châu thời kì này. Lí do có thể vì Phan Bội Châu trong thời kì này đã rút lui khỏi tuyến đầu của cuộc đấu tranh và chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong lịch sử phong trào cách mạng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây lại là thời kì rất đáng được lưu tâm bởi nó là giai đoạn cực kì phong phú về mặt tư tưởng và văn học cũng như là thời kì tập hợp các luồng tư tưởng và văn học Kim Cổ Đông Tây từ góc nhìn toàn cầu của Phan Bội Châu. Nhà nghiên cứu số 1 về Phan Bội Châu là Chương Thâu đã tóm tắt về tương tưởng của Phan Bội Châu thời kì này như sau: 1) tiếp tục tố cáo áp bức bóc lột và tội ác của đế quốc phong kiến; 2) ca ngợi chủ nghĩa xã hội, tỏ rõ tình cảm đối với những người cộng sản và vô cùng ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc([1]). Nhận định này tuy hợp lí nhưng phần bàn về vai trò của Nho giáo của Phan Bội Châu thì vẫn còn nhiều điểm khá mơ hồ. Trong bài viết này, chúng tôi muốn thử tái đánh giá lại tư tưởng và văn học của Phan Bội Châu trong thời kì ở Huế từ cơ sở quan điểm cho rằng: bằng việc tiếp xúc với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Phan Bội Châu đã tiến bước hơn trong việc giải thích lại Nho giáo.

 

Trong khu vực văn hóa Đông Á


 Theo thống kê của Trần Anh Vinh và Chương Thâu, trong gần 15 năm ở Huế, Phan Bội Châu đã viết khoảng 800 tác phẩm, tức là gấp hơn 4 lần so với giai đoạn 43 năm trước đó. Những tác phẩm thời kì này không những nhiều về số lượng mà cũng rất đa dạng về thể loại. Trong đó nhiều nhất là thơ và đại bộ phận là thơ thất ngôn. Từ các giai đoạn trước, Phan Bội Châu cũng đã viết nhiều thơ chữ Hán, phú, lục,..tức là các thể văn truyền thống nhằm cố gắng gìn giữ mối liên hệ với văn hóa chữ Hán và vùng văn hóa chữ Hán. Phan Bội Châu không đồng tình với phong trào “Thơ mới” thập niên 1930. Ông đứng về phía các trí thức Nho học giống mình như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng để phản đối cuộc vận động đề cao Kim Vân Kiều và kêu gọi chấn hưng Quốc học quốc văn của Phạm Quỳnh, cũng như không đề xướng “quốc túy” như Phạm Quỳnh. Và ông cũng khác Nguyễn An Ninh với quyết tâm đoạn tuyệt với văn hóa và nền học vấn cũ từ Trung Quốc để đề cao “văn hóa dân tộc”. Ở phương diện đó, có thể nói tư tưởng của Phan Bội Châu mang tính phổ quát về văn hóa hơn. Giáo sư Chương Thâu đánh giá tư tưởng Phan Bội Châu từ sau thời kì phong trào Đông Du (19051909) đã bắt đầu mở rộng ra “văn hóa khu vực”([2]). Nhưng có lẽ khái niệm “văn hóa khu vực” này mới dừng lại chỉ vùng văn hóa Đông Á gắn liền với văn hóa chữ Hán và Nho giáo mà thôi. Mặt khác, nhiều tác phẩm trong thời kì ở Huế của Phan Bội Châu được viết bằng chữ quốc ngữ. Từ năm 1927, Phan Bội Châu còn bắt đầu sáng tác “thơ bình dân”- là thể loại dùng ngôn ngữ nói và có chủ đề chính là cuộc sống của tầng lớp “bình dân”. Như vậy, có thể đánh giá rằng văn học của Phan Bội Châu đang dần được dân tộc hóa và bình dân hóa.


Sự quan tâm đối với tư tưởng xã hội chủ nghĩa 

Trong thời kì ở Huế này, khắp khu vực Đông Á và Đông Nam Á chủ nghĩa quốc gia (nationalism) và chủ nghĩa xã hội lên cao, kéo theo sự thành lập liên tiếp các đảng Cộng sản ở các nước (Đảng cộng sản Indonesia vào năm 1920; Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1921; Đảng cộng sản Đông Dương, Đảng cộng sản Malaya, Đảng cộng sản Philippnes cùng năm 1930; Đảng cộng sản Miến Điện năm 1939). Phan Bội Châu cũng đã chính thức đóng góp vào 2 luồng tư tưởng quan trọng này trong thời đại mình. Từ lúc phong trào Đông Du, vấn đề lớn nhất trong tư tưởng của Phan Bội Châu là việc kiến tạo và đoàn kết “quốc dân”. Cụ thể, đề tài này được thể hiện tập trung qua các tác phẩm Nam quốc dân tu tri 男国民須知 (năm 1926),  Nữ quốc dân tu tri 女国民須知 (năm 1926),  Cao đẳng quốc dân 高等国民 (năm 1928) v.v.. Cách hiểu khái niệm “quốc dân” dù không có khác biệt lớn so với thời kì phong trào Đông Du, nhưng khác ở điểm: Phan Bội Châu thời kì này đã tiếp nhận “chủ nghĩa xã hội” như một tư tưởng vượt trên “chủ nghĩa gia đình”, “chủ nghĩa quốc gia” và “chủ nghĩa tư bản”, cũng như đã nhận thấy cả mặt tiêu cực của “chủ nghĩa quốc gia”. Điều này cũng tương đồng với quan điểm coi xu thế luân lý mang tính thời đại là chuyển từ luân lý gia đình đến luân lý quốc gia và luân lý xã hội của Phan Chu Trinh trong “Đạo đức và luân lý Đông Tây ” (năm 1925).

Trong Phan Bội Châu niên biểu 潘佩珠年表, Phan Bội Châu đã tự nhận ông bắt đầu có hứng thú với chủ nghĩa xã hội khi đọc cuốn Nga La Tư chân tướng điều tra ký 俄羅斯真相調査記 của một tác giả Nhật và nhờ đó biết về cuộc cách mạng Nga (vào khoảng năm 1918?) (Về tác giả của quyển sách này, nhiều sách xuất bản tại Việt Nam cho rằng đó là Fuse Tatsuji nhưng có lẽ đây là sự nhầm lẫn) ([3]). Còn trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội ước chừng được viết ngay trước hoặc sau năm 1928 khi ở Huế, Phan Bội Châu đã công nhận học thuyết của Marx là “chủ nghĩa xã hội chân chính” và là lí tưởng tuyệt vời nhất của cả nhân loại. Tuy nhiên, ông lại cho rằng “chủ nghĩa hư vô” và “chủ nghĩa vô chính phủ” cũng là chủ nghĩa xã hội; cũng như mối quan hệ giữa Marx và Tôn Trung Sơn, quan hệ giữa Khổng tửMạnh tử, và Marx chỉ phát triển thêm tư tưởng đại đồng của Khổng tử mà thôi. Ở phần cuối của tác phẩm Chủ nghĩa xã hội, Phan Bội Châu còn trích dịch lại phần đúc rút về “đại đồng” trong Lễ ký như sau: “Đại đồng, nói tóm lại, là đạo lí tối cao của công ”.

 Như vậy, rõ ràng Phan Bội Châu có mối quan tâm sâu sắc đến chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong thời kì ở Huế này, ngoài vấn đề dân tộc, ông còn viết nhiều thơ lấy đề tài là người lao động nghèo để đề cập đến các vấn đề cách biệt giàu nghèo và vấn đề giai cấp (như trong thơ Thuốc chữa dân nghèo - năm 1927). Với việc chọn những con người nghèo khổ là nhân vật chính trong sáng tác văn chương, có thể nói rằng Phan Bội Châu đã đi trước trào lưu văn học hiện thực phê phán của Nguyễn Công Hoan. Tiêu biểu cho các sáng tác thể hiện sự quan tâm đến những người lao động là 10 bài thơ trong Vịnh Tết đăng tải trên tờ Tiếng Dân vào năm 1936. Các bài thơ này đã mô tả cnh đón Tết của 10 tầng lớp trong xã hội đương thời gồm: nông dân, công nhân, người buôn bán, cu li, phu xe, học sinh, sư tăng, quan lại,… Nếu như trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử (năm 1906) của giai đoạn trước, ta đã có thể thấy hình ảnh xã hội Việt Nam thông qua làng quê bị vắt kiệt bởi sưu thuế thực dân thì ở đây lại cái nhìn đã được mở rộng đến các tầng lớp xã hội nơi đô thị. Tuy vậy, chủ nghĩa xã hội mà Phan Bội Châu hiểu, như Chương Thâu đã chỉ rõ: vẫn khác với chủ nghĩa xã hội mang tính khoa học của Marx Lê-nin và là thứ chủ nghĩa xã hội mang đậm khuynh hướng đạo đức chủ nghĩa ([4]).

Tái giải thích Nho giáo


 Từ cuối thập niên 1920, Phan Bội Châu đã chấp bút 2 quyển sách nghiên cứu liên quan chủ yếu đến Nho học là Khổng học đăng 孔学燈 (năm 1929) và Chu dịch quốc văn diễn giải 周易国文演解 (năm 1930). Có thể nghĩ đây là sự “trở về” với Nho học. Song thật sự thì đó không đơn thuần chỉ là sự “quay lại” mà còn là sự tái bàn luận tư tưởng Nho học của bản thân Phan Bội Châu sau khi đã hấp thu các luồng tư tưởng Đông Tây kim cổ. Theo cách lập luận này thì mục đích của Khổng học đăng: thứ nhất là nhằm bảo vệ nhân tâm thế đạo, thứ hai là điều hòa giữa học thức cũ (triết học Châu Á) và học vấn mới (học vấn của thế giới hiện đại).    

 Từ nửa sau thập kỉ 1920 đến nửa đầu thập kỉ 1930, trên diễn đàn Việt Nam, các cuộc bàn luận xoay quanh Nho giáo đặc biệt sôi nổi. Trong đó tiêu biểu nhất là bài viết Ảnh hưởng của Nho giáo ở nước ta của Phan Khôi đăng trên báo Thần chung晨鐘 (năm 1929) và quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim (năm 1930), cùng những tranh luận giữa 2 nhân vật này về các tác phẩm đó. Phan Khôi chịu ảnh hưởng mạnh từ Hồ Thích胡適của Trung Quốc khi cho rằng tầm ảnh hưởng của Khổng giáo có hại cho sự thiết lập “tân văn hóa” và “văn hóa phương Tây ” (gồm khoa học và chủ nghĩa dân chủ) nên chủ trương cần loại bỏ ảnh hưởng xấu này. Còn Trần Trọng Kim thì kêu gọi sử dụng triết học Pháp (đặc biệt là của Bergson) để hiện đại hóa và tái cơ cấu để Nho giáo trở nên thích hợp với thể chế quân chủ lập hiến đặt trong khuôn khổ chế độ thực dân. Khổng học đăng của Phan Bội Châu được viết gần như cùng thời với các cuộc tranh luận nói trên. Sau đây, chúng tôi muốn thử làm rõ vài đặc điểm của Khổng học đăng của Phan Bội Châu thông qua việc so sánh một số luận điểm của cả ba học giả.

 

 (1) Chủ nghĩa dân chủ và Nho giáo


 Phan Khôi cho rằng đạo Khổng vốn đề cao tôn quân-trung quân nên không thích hợp cho thể chế dân chủ hiện đại. Trần Trọng Kim lại cho rằng “quân quyền” cũng chính là chủ quyền quốc gia, nên nếu người dân trung thành với “quân quyền” thì chính thể mới vững chắc. Theo đó, tư tưởng “trung quân” ngày nay vẫn còn mang ý nghĩa và đạo Khổng Mạnh vẫn còn nhiều ích lợi bất chấp loại thể chế là gì. Riêng Phan Bội Châu lại cho rằng trong tư tưởng Nho giáo đã bao hàm các yếu tố của “chủ nghĩa dân chủ”. Ông đặc biệt đề cao “chủ nghĩa trọng dân” của Mạnh Tử. Điều này có nhiều điểm tương đồng với thuyết “Dân chủ đại đồng” của Khang Hữu Vi 康有為 nhưng Phan Bội Châu lại phê phán tư tưởng bảo hoàng trong đó. Ông tán đồng với ý kiến của Đàm Tự Đồng 譚嗣同 không thừa nhận quan hệ quân-thần mà coi Dân chủ cộng hòa là thiên ý và nguyện vọng của người dân và cho rằng chủ nghĩa tôn quân không phải là luân lí của Khổng giáo.



(2)  Khoa học và Nho giáo


  Phan Khôi cho rằng Khổng giáo trái với khoa học, chủ trương chính trị dựa trên “cảm hóa
感化” của đạo Khổngthuyết Minh đức tân dân明徳新民)mang tính phản khoa học vì không thể coi chính trị chỉ như một là phần mở rộng của việc tu thân mà cần phải học tập các chuyên ngành về lĩnh vực chính trị-xã hội. Trần Trọng Kim cho rằng Nho giáo ở nghĩa rộng là triết học có phương pháp nhất quán và tính hệ thống nên không hề vi phạm tính khoa học. Trần Trọng Kim cho rằng đó là phương pháp chủ yếu dựa vào  “trực giác” 直覚và hệ thống là chủ nghĩa “thiên địa vạn vật nhất thể” (天地万物一体). Về phần mình, Phan Bội Châu đặt vấn đề cần hài hòa hai cái học mới và cũ, tuy không cho rằng Nho giáo hoàn toàn trái ngược với khoa học nhưng cũng không mấy chú ý đến phương pháp luận học thuật như Trần Trọng Kim. Phan Bội Châu cho rằng thuyết dân quyền và học thuyết chủ nghĩa xã hội của Tây phương vốn đã được bao gồm trong học thuyết của Khổng tử, Mạnh tử và ra sức lập luận rằng học thuyết của phương Đông không hề thua kém học thuyết Tây phương. Bàn về “Minh đức tân dân”, Trần Trọng Kim và Phan Bội Châu đều lựa chọn dùng “thân dân” thay vì “tân dân”, mượn cách nói của Phan Khôi, tức là hiểu chính trị như một phần mở rộng của tu thân.


(3) Hữu thần hay vô thần?


 Phan Khôi cho rằng Khổng Tử là nhà lí luận vô thần, Trần Trọng Kim lại cho rằng là hữu thần. Trần Trọng Kim lấy thuyết “Thiên nhân tương quan” 天人相関 làm minh chứng cho mặt tôn giáo của đạo Nho. Phan Bội Châu thì không phán định Nho giáo là vô thần, đồng thời cũng có cách nghĩ khác với thuyết “Thiên nhân tương quan”. Ông cho rằng “quỉ thần” của Khổng học chỉ là thiên lý, nếu trong tâm của ta có sự chân thànhthì nơi đó cũng sẽ cóthần, nói khác đi “thành” chính là “quỉ thần”, mà “quỉ thần” cũng là “thành”. Ở điểm này, Phan Bội Châu đánh giá cao thuyết phi mệnh(非命)của Tuân Tử 荀子. Phan Bội Châu lựa chọn cách nhìn coi trọng tính chủ thể của con người. Ngay trong tác phẩm thời kì đầu là “Tạp ký” 雑記, ông từng viết: “Tại sao người ta không nghĩ rằng chính cái tâm của bản thân mình là thần thánh?... Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, giết giặc cứu dân, những người biết giữ lấy những điều đó trong tâm mình thì đều đã chính là “thần” rồi. Không cần cầu đến thần thánh bên ngoài nữa.”[5]

 
 (4) Kinh tế và Nho giáo


 Phan Khôi dẫn chứng thái độ xem thường thực nghiệp như một ví dụ cho ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo. Phan Bội Châu lại ca ngợi “Chủ nghĩa kinh tế bình dân (平民経済主義)” (phân điền, phân công) của Mạnh Tử như là nguồn cội của chủ nghĩa xã hội. Ông tổng kết lại: chính trị cần thực hiện “thứ, phú, giáo” (庶、富、教) và trong chính trị cần lưu ý đến “quân (bình), hòa, an” (均、和、安). Phan Bội Châu đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường chú ý vào “hoạn bất quân” (患不均) và “quân vô bần” (均無貧) để xây dựng “Xã hội bình quân”.

Xét về mặt chính trị, Khổng học đăng mang tư tưởng của chủ nghĩa cộng hòa nhưng là chủ nghĩa dân bản Nho giáo- khác với chủ nghĩa dân chủ tư sản. Chính trị được xem xét từ góc độ “cảm hóa” (感化). Về mặt kinh tế, tác phẩm ủng hộ chế độ công hữu chứ không phải chế độ tư hữu và coi trọng chủ nghĩa bình quân, bình đẳng. Tuy Phan Bội Châu không tuyên bố rõ là vô thần nhưng thực chất lí luận của ông cũng gần với vô thần luận. Tổng kết lại, có thể nói rằng tác phẩm là sự tìm kiếm các tư tưởng của chủ nghĩa dân chủ cộng hòa, chủ nghĩa xã hội trong các học thuyết Nho giáo mà chủ yếu là của Mạnh tử và Đàm Tự Đồng; và nỗ lực tích hợp các tư tưởng này vào đạo Khổng.

Lời kết


 Phan Bội Châu trong thời kì ở Huế từng chủ trương kết hợp giữa tư tưởng Nho giáo với tư tưởng mới, tiên tiến đương thời là Chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội của Phan Bội Châu tuy còn có điểm hạn chế của lối tư duy Nho học nhưng đó không hẳn là do cá nhân ông mà cũng chính là điểm chung được chia sẻ bởi nhiều học giả Nho giáo đương thời-do chính ông là đại diện. 



([1]), (2), (4) Chương Thâu: Phan Bội Châu (1867-1940) Nhà yêu nước – Nhà văn hóa, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 2012, tr. 142-168, 325, 299.

 

([3]) Điểm này xin tham khảo bài viết của Imai Akio: Thời gian lưu tại Nhật vá quá trình hình hành tư tưởng Phan Bội Châu. Tạp chí Đông Nam Á của Đại học Ngoại ngữ Tokyo, số 11-2006, tr. 80-86 (Tiếng Nhật).

 

([5]) Dịch lại từ phần trích tiếng Nhật của GS.Imai.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5.2014, tr. 11-17 

Thông tin truy cập

60832098
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5820
9068
60832098

Thành viên trực tuyến

Đang có 392 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website