Giá trị độc bản Thiền tông bản hạnh trong kho tàng mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang

Lê Thị Thanh Tâm(*)

TÓM TẮT

Thiền tông bản hạnh (do Thiền sư Chân Nguyên biên soạn) là một tác phẩm thiền học có giá trị về nhiều mặt; đồng thời là mộc bản duy nhất có mặt ở Việt Nam trong kho tàng Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang. Tác phẩm được viết vào đầu thế kỷ XVIII, bao hàm nhiều vấn đề về tôn giáo, triết học, lịch sử và văn học. Tác phẩm đánh dấu sự hồi sinh của dòng Thiền Trúc Lâm sau những thăng trầm của xã hội, để lại những kiến giải đặc biệt về vị thế và tâm linh các hoàng đế đầu đời Trần, tái tạo lịch sử chân dung tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, xác lập những giá trị cốt lõi về tính chất triết học-tôn giáo của thiền phái.

 

1. Thiền tông bản hạnh: sự hiện diện trở lại của Thiền Trúc Lâm trong dòng lịch sử trung đại

Văn bản tác phẩm Thiền tông bản hạnh do thiền sư Chân Nguyên biên soạn hiện còn tồn hai bản Nôm. Trong những nghiên cứu mới nhất của tác giả Hoàng Thị Ngọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)(1), văn bản gốc (khắc in năm 1745) được xác định gồm 1 tác phẩm viết bằng thơ lục bát dài 798 câu (tính cả những bài kệ và trích ngữ lục chữ Hán được giữ nguyên văn) có tên Yên Tử Sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông truyền tâm quốc ngữ hạnh và 3 tác phẩm khác do thiền sư sưu tầm từ các sách đời trước bao gồm:

- Cư trần lạc đạo phú (Trần Nhân Tông)

- Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Trần Nhân Tông)

- Vịnh Hoa Yên tự phú (Huyền Quang)

Cuốn sách còn có bài Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ (Những bài kệ về nhân duyên thấu suốt đạo) cũng do chính tác giả viết.

Bài viết này tập trung giới thiệu Thiền tông bản hạnh với tư cách là tác phẩm do chính thiền sư Chân Nguyên viết, tức tác phẩm Yên Tử Sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông truyền tâm quốc ngữ hạnh (từ đây gọi tắt là Thiền tông bản hạnh).

Tác phẩm được chia làm 6 phần chính:

1) Lời mào

2) Cỗi gốc Thiền tông

3) Chuyện Trần Thái Tông

4) Chuyện Trần Thánh Tông

5) Chuyện Trần Nhân Tông

6) Dòng Thiền Trúc Lâm

Căn cứ vào nội dung tác phẩm, có thể thấy thiền sư Chân Nguyên biên soạn tác phẩm này dựa trên các cứ liệu từ đời trước như: Khóa hư lục (Trần Thái Tông), Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục (thiền sư Chân Nghiêm).

Việc Thiền tông bản hạnh xuất hiện và được khắc bản nhiều lần, tồn tại và mất đi trong lịch sử, cuối cùng sót lại hy hữu (một mộc bản duy nhất) trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang chứng tỏ tác phẩm này chứa đựng một giá trị đặc biệt không dễ bỏ qua trong các nghiên cứu về thiền học.

Thiền tông bản hạnh được hoàn thành vào thời điểm cách xa thời thịnh trị Phật giáo Đại Việt khoảng 200 năm, khi tư tưởng thiền và lối hành thiền truyền thống đã suy yếu nặng nề nhìn từ vai trò lãnh tụ tinh thần và rường cột, học phong triều đình. Sách Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi) viết: “đạo Phật đạo Lão ngày càng kém sút. Dưới chính quyền của Quý Ly, các sư mô mà nhất là bọn tráng đinh học làm sư, đều phải tạm ra đi lính cứu quốc (1381) vì buổi ấy nước nhà mắc phải cái nạn giặc Chàm (…) Năm 1396, có lệnh bắt các tăng đạo chưa đầy 50 tuổi đều phải hoàn bản tục” (trang 384). Suốt từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII, xã hội Đại Việt, do nhiều biến động chính trị, đã mặc nhiên chịu ảnh hưởng của Tống Nho (nền đạo học hướng đến độc tôn chân lý), cơ tầng văn hóa thay đổi trên nhiều phương diện: thay đổi quan điểm chọn lựa lực lượng lãnh đạo, thay đổi pháp độ, thay đổi văn hóa “đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục của phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương, không kể hết” (lời vua Nghệ Tông, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, tr. 484). Hậu quả nặng nề từ cuộc đô hộ nhà Minh và chính sách đồng hóa tôn giáo thâm độc của chúng phần nào xóa đi dấu ấn một nền thiền học lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, có nội lực văn hóa cao. Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập, thực chất, là sự cộng hợp và dung hòa ở mức độ nhuần nhuyễn nhất tinh hoa các dòng thiền trước đó, dựa chắc trên nền tảng thiền học Đông Á, gắn kết sâu sắc truyền thống thực tiễn và bản sắc tín ngưỡng của dân tộc Đại Việt. Khi “thần thái” ấy chưa kịp tạo thành một “quốc tính” thì thể chế đã yếu suy do mất nước. Đại cục lịch sử thay đổi, kéo theo những thay đổi cơ bản về sự hoán đổi đức tin nơi triều chính, từ chỗ thần quyền tương đắc vương quyền đến chỗ thần quyền bị lên án và bị khuất phục bởi vương quyền (theo một nghĩa nào đó).

Theo phân tích của Nguyễn Lang, sự “suy đồi” của Phật giáo từ thế kỷ XV đến XVII có cả qui luật thịnh suy của đời (thịnh quá hóa suy, tăng sĩ đông đến mức không thể kiểm soát), việc khảo thí bằng văn chương Nho giáo có nhiều ép uổng đối với người đi tu, cái cực đoan của khoa cử, hậu quả việc chính trị hóa tôn giáo theo hướng “bảo hộ” chức tước cho người tu hành (việc nhà vua sắc phong: quốc sư, đại sa môn… cho các thiền sư).

Sự suy vi của Phật giáo thuộc về sự thật lịch sử, nhưng bên trong sự suy vi ấy còn rất nhiều vấn đề phức tạp. Nhận định này của Trần Ngọc Vương trong Văn học Việt Nam – dòng riêng giữa nguồn chung rất đáng chú ý: “Phật giáo với tư cách là một học thuyết triết học – tôn giáo giữ vai trò ý thức hệ đã biến mất từ Trần mạt – Hồ, lại bị chính quyền thời Minh “xua đuổi” khỏi đời sống học thuật và sinh hoạt trí thức, nhưng với tư cách là tôn giáo – tín ngưỡng, nó vẫn còn sức sống” (trang 95). Thiền tông bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên trong kết cấu “kể hạnh” đã tước bỏ đi rất nhiều phiền toái của xã hội đương thời để thắp lên ngọn đuốc thiền học đã nhuốm lụi tàn và âm ỉ suốt 2 thế kỷ. Chọn cách “kể hạnh” và hòa vào giọng “quần chúng” là hình thức khả dĩ nhất mà thiền sư Chân Nguyên làm được để góp vào cuộc “chấn hưng” Phật giáo cuối thế kỷ XVII. Cái “sức sống” được nói đến trong trích dẫn trên chính là sự ẩn tàng của Phật giáo trong tâm thức người Việt. Sức sống đó sẽ nuôi dưỡng những phát ngôn thiền học đang chờ đợi “nhân duyên thời tiết” để lên tiếng.

Lịch sử Thiền học Việt Nam cho thấy sự trỗi dậy (chấn hưng) của Phật giáo Đại Việt từ khoảng đầu thế kỷ XVIII có một khuôn mặt khác với thời hoàng kim Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Một sự trỗi dậy được ghi nhận như là sự trưởng thành của hệ thống triết luận hơn là hệ thống tăng đồ, kinh luật và chùa tháp. Không có gì lạ khi Thiền tông bản hạnh ra đời thì sau đó, năm 1796, tại phường Bích Câu, Thăng Long, Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm đã hoàn tất một tác phẩm trứ danh Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh – một luận thuyết tôn giáo-triết học, một phát ngôn mỹ học thiền vô cùng giá trị. Xu thế làm sống lại thanh danh và ký ức một dòng thiền lớn của dân tộc là nhu cầu tâm linh rõ ràng của những trí thức tăng lữ, đồng thời cũng là xu thế chấn hưng tất yếu của một thiền phong đồ sộ bị lãng quên “trên bề mặt” của cuộc biến động xã hội.

2. Tầm vóc Thiền Đại Việt qua nghệ thuật kể chuyện chọn lọc của thiền sư Chân Nguyên  

Căn cứ vào các văn bản lịch sử, có thể thấy Thiền tông bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên đã có một sự chọn lọc rất riêng biệt, có chủ ý. Trước hết, tác giả đã chọn giới thiệu kỹ lưỡng chân dung 3 vị hoàng đế đầu đời Trần:

- Trần Thái Tông được xem là “Đế vương học đạo” với những tâm nguyện và hành trạng cao quý: “lòng muốn tu đạo để hòa độ thân – Bề trên báo được tứ ân – Bề dưới chữa khỏi trầm luân tam đồ”; “quyết học đạo mầu phát túc siêu phương”, “Thân người ảo hóa được thì bao lâu”, “chốc mòng đạo Bụt lại toan sự lòng”, “Kim cương thường tụng lẽ màu tinh thông”,…

- Trần Thánh Tông được mô tả là một ông vua đức độ, giàu đạo tâm (“lại toan học đạo tu thân phát lòng”, “du thủy du sơn tu hành”, “trì trai thế phát tụng kinh đêm ngày”,…). Phần này viết khá ít so với dung lượng dành cho vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.

- Trần Nhân Tông, nhân vật chính của Thiền tông bản hạnh, được mô tả chi tiết từ giấc mơ sinh Phật đến phong thái, tâm lượng, cốt cách và vai trò vĩ đại trong việc hình thành Thiền Trúc Lâm (“Thái tử lòng muốn tu hành -nhìn xem phú quý tâm tình dửng dưng”, sống trong nhung lụa mà “lòng hằng chở nhớ tông phong nhà thiền”, “ngày thì xem trị, đêm thì tụng kinh”, nhấn mạnh vai trò Tuệ Trung thượng sĩ trong việc chỉ giáo “Nghe Tuệ Trung thốt, ngộ đà viên thông”, ngày lên Yên Tử thì “trăm đường rũ hết lòng hòa tiếc chi”,…)

Về vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông, thiền sư Chân Nguyên nhắc đến dưới chiếc bóng của các đồ đệ ưu tú của thiền phái Trúc Lâm, đồng thời khắc họa súc tích tinh thần tu đạo của hai vị vua này trong dòng chảy thiền tông từ đầu đời Trần.

Một chi tiết lịch sử về cuộc gặp gỡ với thiền sư Trung Hoa cũng được tác giả lưu ý và mô tả “đến nơi đến chốn”: câu chuyện sư Tống Đức Thành đến tham vấn vua Trần Thái Tông. Đây là câu kết luận của thiền sư Chân Nguyên: Tống quốc khiêm nhượng nước ta thánh hiền. Tuy là kể lại chuyện xưa nhưng cách chọn ra một ví dụ để kể hạnh như thế hoàn toàn không ngẫu nhiên. Ở đây, có thể hiểu: ý thức dân tộc gắn liền với ý thức tự tôn tông phái, tầm của dân tộc gắn với tầm đức tin.

Từ việc sư Tống Đức Thành đến tham vấn thiền mà chuyển thành quan hệ “Tống quốc” và “nước ta”, rồi khẳng định thái độ “khiêm nhượng” của “Tống quốc” trước một quốc gia “thánh hiền” như Đại Việt, tác giả Thiền tông bản hạnh đã đưa một vấn đề tôn giáo trở thành vấn đề danh dự quốc tế. Trong trường hợp này, thiền sư Chân Nguyên chứng tỏ một nhãn quan thiền học tỉnh táo; là môn đệ của Lâm Tế - một trong những đại sư tạo ra dòng thiền có uy thế nhất trong Thiền tông Ngũ gia Trung Hoa (Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Pháp Nhãn, Vân Môn) nhưng ngài vẫn khảng khái chỉ ra uy danh của Thiền Trúc Lâm như một ngọn đuốc lớn của trời Nam.

3. Thiền tông bản hạnh và sự tái tạo chân dung tinh thần thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử

Chân dung thiền phái Trúc Lâm được hình dung qua các cánh cửa tri thức như sau:

- Nền tảng Phật giáo Ấn Độ: tác giả điểm qua tên tuổi các nhân vật quan trọng sau: Thích Ca, Ca Diếp, A Nan.

- Nền tảng Phật giáo Thiền tông Trung Hoa: tác giả nhắc đến các vị tổ thiền Bồ Đề Đạt Ma, Tuệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng; Lịch sử thiền tông Trung Hoa được thiền sư Chân Nguyên viết bằng một ngôn ngữ súc tích, tinh tế và nhiều cảm hứng. Đặc biệt, phần giải thích công án Thế tôn niêm hoa – Ca Diếp vi tiếu cho thấy rõ nội lực thiền học mãnh liệt của tác giả. Các bộ kinh Đại thừa được nhắc đến trong Thiền tông bản hạnh Kinh Bát nhã, Kinh Kim cươngKinh Lăng già. Đây cũng là những bộ kinh “vi diệu” bậc nhất trong kho tàng Luận của Phật giáo.

- Những lãnh tụ tinh thần làm nên bản sắc thiền Trúc Lâm: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, thiền sư Viên Chứng, Đại Đăng quốc sư, Tuệ Trung thượng sĩ, Pháp Loa, Bảo Sát, Huyền Quang.

Lịch sử Thiền Trúc Lâm thường được hình dung theo lược đồ sau:

Hiện Quang

Thái Tông -> Đạo Viên

Thánh Tông -> Đại Đăng

Tiêu Diêu (Dao)

Huệ Tuệ

Tuệ Trung - > Trúc Lâm

Pháp Loa

Huyền Quang

An Tâm

Tĩnh lự Phù Vân

Vô Trước

Quốc Nhất

Viên Minh

Đạo Huệ

Viên Ngộ

Tổng Trì

Khuê Thám

Sơn Đằng

Hương Sơn

Trí Dung

Tuệ Quang

Chân Trú

Vô Phiền

(Danh mục này dựa vào nguồn: bản đồ II: 23 vị Tổ sư đầu của Thiền phái Yên Tử, trang 207, quyển 1, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000).

Theo tinh thần của “phả hệ” Thiền Trúc Lâm nói trên, chúng ta thấy thiền sư Chân Nguyên đã chọn lọc theo hướng “Trần triều” và chỉ chọn những vị thiền sư có ảnh hưởng trực tiếp đến sự giác ngộ của các vua. Thiền tông bản hạnh  dường như rất chú tâm đến tính “thể chế”, tính “vương gia lập giáo pháp” hơn “rừng thiền Trúc Lâm” với 23 vị thiền sư được giới tu hành tôn xưng.

Trong tác phẩm này, Chân Nguyên thiền sư bám sát lịch sử triều đại hơn là những huyền thoại về dòng Thiền Trúc Lâm.

- Vai trò cốt tủy của Trần Nhân Tông: vua chính là hạt nhân phát sinh thiền phái, thành tựu đạo pháp, giác ngộ viên mãn và làm tổ thiền Trúc lâm. Vì thế, chuyện về Điều Ngự Giác Hoàng được viết công phu nhất, kéo dài từ câu 429 đến câu 694, gồm các điểm nhấn chính trong cuộc đời Trần Nhân Tông từ lúc sinh hạ, trốn lên Yên Tử, tu tập ngay trong cung đình, lên chùa Vân Yên, đến thời kỳ hoằng pháp sau khi thành đạo, giảng thiền tại chùa Sùng Nghiêm, về Kinh làm chay cho chị, bệnh yếu và qua đời.

Qua kiến giải của thiền sư Chân Nguyên, nền tảng thiền học đời Trần được hiểu là: “năm vua ba tổ đều thì chứng nên”. Và các vua tu là để “Phát lòng tu trước dân gian học cùng”. Việc chọn cả năm vị vua đầu đời Trần để làm linh hồn cho một thiền phái giúp chúng ta nhiều dữ liệu để đánh giá kỹ hơn bản chất thiền Trúc Lâm trong bối cảnh vừa được bảo hộ tối đa từ phía triều đình qua 5 đời hoàng đế, vừa được “dân gian học cùng” với không khí sùng tín lớn mạnh đặc biệt, hiếm có và không bao giờ lặp lại.

Quan niệm về vị thế tổ thiền Trúc Lâm, thiền sư Chân Nguyên viết rất mộc mạc nhưng sâu sắc (dùng danh xưng Phật tổ cho ba vị tổ nước Nam):

Điều Ngự, Pháp Loa, Huyền Quang

Tam vị Phật tổ Nam bang Trần triều

Việc hoằng dương Phật pháp cuối cùng là để:

Trước là độ lấy thân ta

Sau là cứu được mẹ cha tổ huyền

Cách viết nôm na như thế rất dễ đi vào đời sống, nhất là ứng với thể loại kể hạnh, hát kệ, đủ bảo đảm cho Phật giáo một sự tồn tại khác (rộng rãi hơn) sau khi rút khỏi vị thế “quốc giáo”.

Tác giả Thiền tông bản hạnh qua cách kể đã bộc lộ rõ ràng quan điểm: Thiền tông đời Trần là kết quả lịch sử của sự chọn lựa và đức năng tự chủ của người đứng đầu triều đình (tính ra đến năm ông vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông) và đỉnh cao là sự sáng tạo, gìn giữ Thiền Trúc Lâm. Điều đó có nghĩa là : thiền tông, thiền học đời Trần trong mối quy chiếu ảnh hưởng Phật giáo nguyên thủy và ảnh hưởng Thiền tổ sư Trung Hoa là nền tảng cho bản sắc của thiền Đại Việt nói chung, là hạt nhân quan hệ giữa triết học cung đình và tư tưởng dân tộc, giữa tôn giáo và thể chế.

Cách “kể hạnh” của Thiền tông bản hạnh còn cho thấy những dấu hiệu đặc biệt khác:

+ Điểm thứ nhất là trong khi kể lại và bình luận nhiều bậc đại sư thiền, lịch sử thiền Trung Hoa, tác giả luôn gắn hình ảnh Thích Ca trong chiều dài phát triển tôn giáo, Thích Ca như một “gợi niệm” về nền Phật giáo Nam Tông. Theo đó, Đức Thích Ca là một nhân vật lịch sử, một người thầy thực tiễn vẫn còn dấu tích mạnh mẽ trong thiền phong Đại Việt. Như vậy, sự am hiểu và ý thức về đặc trưng, bản chất, nguồn gốc Phật giáo dân tộc ở thiền sư Chân Nguyên là rất rõ ràng. Ý thức ấy giải thích một cách thầm lặng hai nguồn ảnh hưởng Thiền tông Phật giáo ở Đại Việt lúc bấy giờ: một nguồn Tứ niệm xứ thâm sâu có mặt từ đầu Công nguyên và một nguồn là tư tưởng Đại Thừa tràn đến phương Bắc từ thế kỷ thứ VI trở đi (khoảng từ thời nhà Đường, Trung Hoa).

+ Điểm thứ hai là mặc dù có tính chất một diễn ca tôn giáo về Thiền tông (L.T.T.T nhấn mạnh) nhưng tác phẩm lại đậm màu Tịnh độ tông ở các chi tiết như: siêng năng niệm Phật “trì trai thế phát tụng kinh đêm ngày”, “nhà nhà thờ Bụt Nam Mô Di Đà”, “Tây phương cũng được thượng trình – Di Đà tiếp dẫn hóa sinh Liên đài”, “Cửu liên đài thượng khai hoa – Những người niệm Bụt Di Đà Phật danh – Cùng về Cực Lạc hóa sinh – Mình vàng vóc ngọc quang minh làu làu – Tiêu dao khoái lạc chẳng âu – Bất sinh bất diệt ngồi lầu tòa sen”. Tại sao một văn bản có màu sắc tôn vinh Thiền tông nhưng lại dẫn dụ và kết thúc bằng những yếu chỉ của Tịnh độ tông, như vậy có phải là một sự pha trộn tất yếu Phật giáo bác học (có lẽ là Thiền tông) với Phật giáo dân gian (có lẽ là Tịnh độ tông) vào thời điểm nhạy cảm bước sang thế kỷ XVIII? Pha trộn tất yếu hay có chủ ý? Trong bức tranh tôn giáo từ sau thế kỷ XV, chúng ta cần một sự giải thích nào đó kỹ lưỡng hơn về sự pha trộn này.

Thực chất, các tông phái, hoặc các xu thế lớn, hoặc các phương thức tu tập Phật giáo khác nhau đều không lấy sự khác biệt làm vấn đề. Tất cả nằm trong sự tùy thuộc của nhân duyên. Ranh giới giữa Thiền, Tịnh và Mật là tương đối. Tuy nhiên, dường như vẫn có điều gì đó đã thật sự xảy ra trong quá trình chuyển hóa tâm thức tu tập, nhận thức về đức tin, từ chỗ “mê chi cầu Phật hoặc chi cầu Thiền” đến chỗ “bất sinh bất diệt ngồi lầu tòa sen”, từ chỗ “kiến tính thành Phật”, “hưu hướng Như Lai” đến chỗ “cùng về Cực Lạc hóa sinh”, “mình vàng vóc ngọc”… Trong quan niệm này, chúng tôi cho rằng Thiền tông bản hạnh còn là một chứng cứ về sự chuyển đổi các giá trị tu chứng.

4. Giá trị Thiền tông bản hạnh trong mối quan hệ tôn giáo và văn học

Xét về thể loại thơ Nôm lục bát, Thiền Tông bản hạnh chưa phải là tác phẩm tiêu biểu nhất. Được hoàn tất vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XVIII, phẩm chất “quốc ngữ” của tác phẩm này vẫn còn nhiều điểm khá đơn giản, đôi khi quá dân dã so với những trước tác thế tục đương thời có sử dụng các yếu tố nghệ thuật tương tự (thể loại truyện thơ Nôm hoặc diễn ca lịch sử có sử dụng thơ lục bát: Song Tinh Bất Dạ (Nguyễn Hữu Hào), Thiên Nam ngữ lục,... Vẫn biết bản chất Thiền tông bản hạnh là tác phẩm chức năng hơn là tác phẩm nghệ thuật, nhưng ngôn ngữ Nôm của thiền sư Chân Nguyên cũng cần được đánh giá đúng so với giá trị đích thực của nó về lịch sử tông phái.

Vấn đề đáng nói nhất nằm ở thời điểm Thiền tông bản hạnh xuất hiện và sự tôn vinh đích đáng một dòng thiền đã có đủ thời gian để trở thành sức mạnh tâm linh, tinh thần dân tộc qua nhiều thăng trầm nội tại. Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận Nguyễn Lang đã không quá lời khi cho rằng ý nghĩa của thể loại kể hạnh và hát kệ phải đến Thiền tông bản hạnh mới gọi là được hoàn tất.

Nhìn từ bản chất thể loại, Thiền tông bản hạnh trộn lẫn con đường tu học trong những câu chuyện chuyện thế tục, trộn lẫn huyền thoại và lịch sử. Tác phẩm cho thấy hình thức kể hạnh lẫn trong loại hình truyện thơ Nôm có nội dung tôn giáo; hình thức diễn ca lịch sử lẫn trong hình thức truyền đăng. Sự trộn lẫn như vậy kể ra là có một không hai.

Chúng ta biết rằng kể hạnh là loại văn học truyền miệng kể về hành trạng các vị tổ sư Phật giáo. “Văn kể hạnh là văn đặc biệt của nhà chùa: đó là lối văn hát (…) không chuyên chở được hết những thiền ngữ có ý nghĩa quá khó khăn đối với trí óc của người dân thường” (trang 504, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nxb Văn học, HN). Trong khi đó, truyện thơ Nôm kể cả bình dân hay bác học đều chứa đựng ít nhiều yếu tố hàn lâm về thi liệu và ngôn từ nghệ thuật. Việc trộn lẫn hai hình thức này trong cùng một tác phẩm có lẽ đã gợi thêm nhiều suy nghĩ về tư duy thể loại của người nhà chùa khi chấp bút.

Cũng cần lưu ý rằng những “hư cấu” không thuộc về thái độ ghi chép của thiền sư (ví dụ câu thơ “Khí dương đầm ấm dân yên thái hòa” ở phần mào đầu) mà thiên về “thói quen” của thể loại. Truyện thơ Nôm thường bắt đầu bằng không khí kể chuyện kiểu như “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Thời điểm thiền sư Chân Nguyên trước tác Thiền tông bản hạnh, xã hội Đại Việt lâm vào tình trạng cát cứ, vừa trải qua cuộc đảo chính dữ dội (Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê) và nằm trong cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn làm thê thảm trăm họ. Rõ ràng, tác phẩm này không bắt nguồn trực tiếp từ nhu cầu nhận thức lịch sử - xã hội – nhân sinh cụ thể. Vì lẽ ấy, việc đọc lịch sử (hiểu theo nghĩa thời sự) đối với Thiền tông bản hạnh là điều không cần thiết. Nói cách khác, lịch sử thiền tông và lịch sử xã hội-chính trị có một sự gián cách lớn, nhất là ở một tác phẩm mà cảm hứng tôn giáo và cảm hứng văn chương hòa quyện sâu sắc như Thiền tông bản hạnh. Cảm hứng thanh cao, trong sáng, mát mẻ tinh thần như lời thiền sư Chân Nguyên mào đầu là hình thái nội tâm thiền định, một trạng thái phần nào xuất thế, mang nặng dấu ấn tâm linh hơn là một hình thức tư duy hướng đến sự sáng tạo có tính thế tục.

     Với tư cách là mộc bản duy nhất còn lại ở Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền tông bản hạnh xác lập một “ký ức” vô giá về dòng thiền dân tộc, một sự tồn tại độc đáo không lặp lại trong hệ thống thiền tịch Việt Nam nói chung.

Thiền tông bản hạnh đã xuất hiện như một diễn ca tôn giáo nhằm khẳng định sức sống tinh thần của thiền phái Trúc Lâm. Cùng với Thánh đăng lục (Chân Nghiêm), Tam tổ thực lực, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (Ngô Thì Nhậm), tác phẩm Thiền tông bản hạnh đã làm sáng tỏ sự xuất hiện tất yếu của một dòng Thiền Đại Việt trong bối cảnh và chiều dài lịch sử phức tạp, đan xen không ngừng giữa các luồng tư tưởng và xu thế chính trị. Tác phẩm không chỉ có giá trị tôn giáo, lịch sử mà còn cho thấy “tính di sản” của nó trong định dạng “mộc bản” duy nhất tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.

 

Chú thích:

            (1) Tư liệu chú giải dựa vào nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Ngọ: “Vài suy nghĩ về văn bản của Thiền tông bản hạnh”, Thông báo Hán Nôm học 2008, tr. 739-758.

 

Tư liệu tham khảo chính

1.  Nguyễn Đổng Chi (1993), Việt Nam cổ văn học sử, tái bản, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

2.  Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược (2 tập), Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn.

3.  Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tái bản, Nxb Văn học, Hà Nội.

4.  Trần Tuấn Mẫn dịch và chú (2004), Lâm Tế ngữ lục, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

5.  Hoàng Thị Ngọ (2008), “Vài suy nghĩ về văn bản của Thiền tông bản hạnh”, Thông báo Hán Nôm học 2008, tr. 739-758.

6.  Thích Thanh Từ, Thiền tông bản hạnh giảng giải, trang web Thientongvietnam (nguồn: http://thientongvietnam.net/kinhsach- thike/dirs/thientongbanhanh/ThienTongBanHanh.pdf )

7.  Trần Ngọc Vương (1998), Văn học Việt Nam – dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

 



(*) TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa & Du lịch , số 18 (72), tháng 7.2014. 

Thông tin truy cập

64122650
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14596
29843
64122650

Thành viên trực tuyến

Đang có 365 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website