Tính dân dã của địa danh Nam Bộ

                                                                                                            (Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 930, 10-6-2016, tr.7-9 và tr.74-76)

1. Một đặc trưng khá nổi rõ của địa danh Nam Bộ là tính dân dã. Tính dân dã được thể hiện do nhiều nguyên nhân. Chúng ta có thể khái quát các nguyên nhân sau.

2.1. Nhiều danh từ chung trở thành địa danh

   Trong địa danh Nam Bộ có khá nhiều đơn vị bắt nguồn từ danh từ chung:

2.1.1. Tên các giao lộ trở thành địa danh

-Ngã ba: kênh Ngã Ba, sông Ngã Ba (tp.HCM,AG, KG)*. Ở Trung Bộ, Bắc Bộ chỉ có từ Hán Việt đồng nghĩa: Tam Kỳ (thị xã của tỉnh Quảng Nam), Tam Kỳ (xã của huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).

-Ngã tư: rạch Ngã Tư, sông Ngã Tư Nhỏ (VL), rạch Ngã Tư, khu vực Ngã Tư (tp.HCM). Ở Bắc Bộ chỉ có từ Hán Việt đồng nghĩa: Tứ Kỳ (huyện của tỉnh Hải Dương), Tứ Kỳ (thị trấn của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).

-Ngã năm: chợ Ngã Năm (ST), chợ Ngã Năm (tp.HCM), quận Ngã Năm (Ba Xuyên-ST), huyện Ngã Năm (ST), thị trấn Ngã Năm (ST),…

-Ngã sáu: thị trấn Ngã Sáu (HG), khu Ngã Sáu (Chợ Lớn), khu Ngã Sáu (Sài Gòn) (tp.HCM).

-Ngã bảy: chợ nổi Ngã Bảy (HG), phường Ngã Bảy (HG), sông Ngã Bảy,  khu Ngã Bảy (tp.HCM),

   Một số từ tổ chỉ thứ tự cũng dùng làm địa danh:

-Thứ ba:kênh, thị trấn Thứ Ba ở tỉnh Kiên Giang.

-Thứ bảy: kênh Thứ Bảy ở tỉnh Kiên Giang.

-Thứ mười một: chợ, thị trấn Thứ Mười Một ở tỉnh Kiên Giang.

2.1.2. Tên các địa hình trở thành địa danh

-Búng: chỗ nước sâu và xoáy ở giữa dòng, có thể làm lật tàu thuyền: địa điểm Búng (BD), ấp Búng Lớn, ấp Búng Nhỏ (AG).

-Bưng: vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác: rỏng Bưng, vùng Bưng Sáu Xã (tp.HCM), khu di chỉ KCH Bưng Bạc (BR-VT), giồng Bưng Lớn (TV),..

-Cù lao: khoảng đất ở giữa sông rạch hoặc biển: khu vực Cù Lao (tp.HCM).

-Đầm: khoảng trũng to và sâu ở giữa đồng để giữ nước: vũng Đầm (BR-VT),

-Hàn: chỗ có đá hoặc cây chắn ngang sông rạch: cầu Hàn (tp.HCM). Hàn ở đây do con người bít dưới lòng cầu cho khỏi lở móng cầu.

      2.1.3.Tên các công trình xây dựng trở thành địa danh:

-Bảo:đồn binh cố định, được xây dựng kiên cố: cù lao Bảo (BT).

-Bót: đồn lính hoặc cảnh sát (gốc Pháp poste; đồn lính): cầu Bót (tp.HCM) [LTH-NĐT].

-Chợ: phường Chợ (ở quận 6, Sài Gòn trước ngày 30-4-1975), nhiều ấp Chợ (tp.HCM).

-Chùa: nhà thờ Phật: rạch Chùa (4 rạch ở VL), xóm Chùa (tp.HCM).

-Dinh: núi/sông Dinh (BR-VT); khu Bạch Dinh (BR-VT).

-Đa khoa: cầu Đa Khoa (gần Bệnh viện Đa khoa, huyện Nhà Bè, tp. HCM) [LTH-NĐT].

-Đập: công trình bằng đất đá hoặc bê-tông để ngăn dòng nước và tạo ra sự dâng nước: rạch Đập (VL),…

-Đình: nhà công cộng của làng thời trước, dùng làm nơi thờ thành hoàng và họp việc làng (thường là nhà to, rộng nhất làng): rạch Đình (3 địa danh ở VL).

-Ga: trạm xe lửa (gốc Pháp gare): cầu Ga, chợ Ga, ngã tư Ga (tp.HCM).

-Lăng: công trình xây dựng làm nơi cất giữ di hài của vua chúa (ngày xưa) hoặc của một vĩ nhân (ngày nay) [HP]: rạch Lăng (VL), cầu Rạch Lăng (tp.HCM).

-Miếu/miễu: nơi thờ thần thánh (hoặc những nhân vật đã được thần thánh hóa); đền thờ nhỏ [HP]: rạch Miễu (TG, BT), cù lao Miếu Nổi (tp.HCM),

-Nhà bè: nhà xây trên cái bè: huyện Nhà Bè (tp.HCM).

-Nhà bàn: nhà có nhiều bàn để ngồi ăn: núi Nhà Bàn (Côn Đảo, BR-VT)

-Nhà mát: nhà xây để hóng mát: phường Nhà Mát (BL).

-Nhà rồng: ngôi nhà có đặt hai con rồng trên nóc: bến Nhà Rồng (tp. HCM).

-Nhà thờ: nơi thờ chúa Jesus để giáo dân đến làm lễ: rạch Nhà Thờ (VL), cầu Nhà Thờ (BT), kênh Nhà Thờ (BT, TV, VL),…

-Nhà việc: nơi làm việc của các viên chức xã ấp dưới thời phong kiến: xóm/ấp/ngã ba Nhà Việc (BL,BT,VT,tp.HCM). Cũng gọi là Nhà Vuông, Nhà Làng.

-Xã tây: trụ sở cơ quan hành chính của một tỉnh dưới thời Pháp thuộc: chợ Xã Tây (ở Chợ Lớn, tp.HCM).

2.1.4. Tên các chức danh trở thành địa danh

-Bang biện:chức phụ việc. Có bang biện tỉnh vụ, bang biện phủ vụ, huyện vụ; bang biện đội, bang biện tổng,v.v.” [HTC]: cầu Bang Biện (ĐT).

-Điều bát: chức quan võ lo việc điều khiển binh lính: chợ Điều Bát (VL).

-Điều khiển: dinh của quan trấn thủ cai quản cả phủ Gia Định, tức Nam Bộ ngày nay: chợ Điều Khiển - dinh xây năm 1731, gần chợ, nay ở vào khoảng từ ngã sáu Sài Gòn đến đường Cống Quỳnh, quận 1, tp. HCM. Chợ bị bỏ khi người Pháp quy hoạch thành phố.

-Đốc công: viên chức hướng dẫn và quản lý người lao động: ngã ba Đốc Công (tp.HCM).

-Huyện hàm: chức tri huyện mang tính danh dự, không có thực quyền dưới thời Pháp thuộc, có tiền có thể mua chức này: kênh Huyện Hàm (VL).

-Hương chánh: đồng nghĩa với hương sư, hương giáo: rạch Hương Chánh (TG).

-Hương lễ: chức coi về lễ phép trong làng: cầu Hương Lễ (TG).

-Hương sư: thầy làng, cũng gọi hương chánh, hương giáo: rạch/cầu Hương Sư (BT).

-Lục sự: viên chức lo việc lập và giữ giấy tờ, sổ sách ở tòa án thời thực dân Pháp” [HP]: kênh Lục Sự (ĐT).

-Phó xã: người giúp việc cho xã trưởng: kênh Phó Xã (ĐT).

-Quan chánh bố: cũng gọi Quan Bố Chánh, là “quan thứ hai trong tỉnh tóm ba việc dân, việc binh lương thuế khóa” [HTC]: kênh Quan Chánh Bố (TV).

-Quan hai: cách gọi trung úy Phạm Quan Đức, người chỉ huy đào kênh dưới thời Pháp thuộc [TĐVL]: cầu và kênh Quan Hai (VL).

-Quản vệ: đồng nghĩa với quản cơ, “chức quan hay (cai quản) 500 binh” [HTC]: cầu Quản Vệ (VL).

-Tham tướng: chức quan võ chỉ huy một địa khu hay một lộ, một dinh quân; địa vị dưới Tổng binh và Phó tổng binh: rạch/cầu/chợ Tham Tướng (tp. CT).

-Thủ ngữ/thủ ngự: “chức quan giữ cửa biển. Đồn thủ tại cửa biển” [HTC]. Thủ Ngự là “quan chức trông coi một thủ, nhỏ hơn Tuần ty, giữ việc thu thuế. Đặt năm Minh Mạng thứ 13” [ĐVN]: bến phà Thủ Ngữ (BT); cầu và rạch Thủ Ngữ (TG).

2.1.5. Tên các đồ dùng

-Bè: “khối hình tấm gồm nhiều cây (tre, nứa, gỗ,v.v.) được kết lại, tạo thành vật nổi ổn định để chuyển đi hoặc dùng làm phương tiện vận chuyển trên sông nước” [HP]: huyện Cái Bè (TG).

-Chẹt: “một loại ghe có mui, mũi bằng để xe cộ có thể chạy xuống” [HCT]: sông Chẹt (ĐT).

-Xáng: thường gọi là chiếc sà-lan, trên đó người ta đặt cái máy đào kênh, vét bùn. Kinh xáng là con kinh do xáng đào. Ở Nam Bộ có nhiều con kinh đào mang tên này [LVĐ]: kênh ở các tỉnh TV, VL, tp.HCM,...Xáng gốc Pháp chaland,

2.2. Rút gọn những ngữ/câu thành địa danh rất độc đáo

-Cánh đồng nơi lính tập nhảy dù: căn cứ Đồng Dù (tp.HCM).

-Khu đất không cày được mà chỉ dùng cuốc: Đất Cuốc (BD).

-Nhiều cây gáo mọc trên giồng đất: kênh, xã, khu du lịch Gáo Giồng (ĐT).

-Khu tràm có nhiều chim sinh sống: thị trấn Tràm Chim (Tam Nông, ĐT).

-Nhà giã cỏ bàng: thị trấn Nhà Bàng (AG).

-Nhà hội: nhà tụ hội để lo việc tế tự: lộ Nhà Hội (CM).

-Nhà đèn: nhà máy cung cấp điện cho các ngọn đèn: khu Nhà Đèn (tp.HCM).

   Riêng từ nước đã được nhiều từ xác định về nghĩa để nói lên đặc trưng của dòng nước ở đó:

Nước Đụclà cầu ở tỉnh Tiền Giang, là rừng ở tỉnh Vĩnh Long và là sông ở tỉnh Hậu Giang. Nước đục vì nước nhiễm màu của lá cây chìm trong nước.

Nước Lênlà rạch ở thành phố Hồ Chí Minh, do hiện tượng thủy triều lên xuống.

Nước Mặnlà kênh nối sông Cần Giuộc với sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Nước Mặn vì nước biển xâm nhập vào dòng sông.

Nước Mụclà rạch ở tỉnh Long An. Nước Mục vì xưa kia nơi đây lá cây rừng rụng nhiều trôi về làm nghẽn lối đi của ghe xuồng.

Nước Ngọtlà đèo ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi núi vươn ra biển. Nước ở dòng sông cạnh đèo lẽ ra phải mặn vì gần biển nhưng lại ngọt.

Nước Sôilà vịnh ở tỉnh Cà Mau. Nước Sôi có lẽ do ở nước xoáy tại đây giống như nước sôi.

Nước Tronglà sông ở tỉnh Hậu Giang. Vì nước trong dòng sông trong hơn nước chung quanh.

Nước Xoáylà ấp của tỉnh Vĩnh Long. Nước Xoáy vì “khi nước ròng thì nước ở rạch Ông Nam và Ông Cớ đổ ra rất nhiều với nước vàm Tân Khai hình thành nên nước xoáy rất mạnh và nguy hiểm” [TĐVL]. Nước Xoáy còn là rạch ở tỉnh Đồng Tháp. Nước Xoáy là chỗ nước xoáy tròn giữa dòng. Người Khmer cũng gọi như thế Prêk Tưk Vil “rạch nước xoáy” [TVK, TVC].

   Và từ đường có nhiều cách cấu tạo rất đa dạng và phong phú:

-Đường nước ghe xuồng thường đi lại: kênh Đường Xuồng (CM, ST, TV, VL).

-Đường giống như do lưỡi cày xới lên: rạch/cầu Đường Cày (VL), rạch Đường Cày Lớn (VL).

-Đường dùng cuốc để đào kênh, lấy đất đắp lên: kênh Đường Cuốc (CM).

-Đường nước có nhiều cá phèn: kênh Đường Phèn (VL).

-Đường thủy chảy qua khu cầm giữ gia súc lúc nông nhàn: rạch Đường Cầm (ĐT).

-Đường nước thường dùng ghe kéo hàng hóa: rạch Đường Kéo (CM).

-Đường rất thẳng: chợ Đường Thét (ĐT). Người Nam Bộ thường nói thẳng thét “rất thẳng”.

-Đường nước thường chở củi:  rạch Đường Củi (CM), cầu Đường Củi Lớn, cầu Đường Củi Nhỏ (TG).

-Đường nước do  voi thường đi lại tạo thành:  mương Đường Voi (ĐT).

-Đường nước trâu thường đi lại: rạch Đường Trâu (CM, KG, TG, TV, VL), kênh/rạch Đường Trâu Lớn, Đường Trâu Nhỏ (KG, TV).

2.3. Nhiều từ ngữ có ngữ âm nôm na vẫn được dùng làm địa danh

   Vùng Lái Thiêu (BD), huyện Giồng Trôm (BT), huyện Gò Quao (KG), ngã ba Chuồng Chó (BT), ngã năm Chuồng Chó (nay là ngã năm Gò Vấp, tp.HCM), chợ Chuồng Bò (sau 30-4-1975 đổi tên thành chợ Phường 12, quận 10, tp.HCM), ngã ba Chú Ía (tp.HCM), chợ Cây Quéo (tp.HCM), khu Bà Quẹo, khu Bà Hom, rạch Bàu Hói, chợ Gãy (ĐT), địa điểm Gãy Cờ Đen (ĐT), kênh Chết Chém (ĐT), rạch Trẹm (TV), sông Trèm Trẹm (KG), ấp Chủ Chọt (BL), đảo Cổ Tron (KG), ấp/cầu/kênh Chòi Mòi (BL, CM, ĐT, VL), huyện Lấp Vò (ĐT), hồ Gia Hoét (BR-VT), kênh Già Giách (VL), cầu Am Lôi Thôi (AG), vùng Ba Vát (BT), chợ Ba Kè (BT), tổng An Thít (Cần Giờ, tp. HCM), thành phố Bà Rịa (BR-VT), tỉnh Bà Chợ (Bà Rịa + Chợ Lớn), sông/cầu Ba Càng (VL), cầu Ba Cẳng (tp.HCM), huyện Càng Long (VL), kênh Ba Cụt (VL), mương Ba Hon (AG), cầu Bảy Nhạo (tp.HCM), đường Ba Khía (ĐT), dốc Ba Lơn (BP), cầu Ba Nanh (BR-VT), rạch Ba Rài (TG), rạch Ba Rẹt (ST), sông Ba Thắc (BL), mương Bà Cọc (AG), giồng Bà Dam (TV), ao Bà Om (TV), rạch Bà Hét (BT), núi Bà Kéc (ĐN), núi Bà Khẹt (AG), rạch Bà Ngợt (VL), rạch Cái Mơn (BT), quận Cái Răng (tp. CT), khúc sông Eo Lói (VL), hang Tức Dụp, thị xã Sa Đéc, huyện Bù Đốp, Gia Mập, huyện Cần Giuộc, huyện Cần Đước, ngã ba Chó Tru (tp.HCM), rạch Xoài Mút (TG), kinh Xoài Cà Lâm (TG), địa điểm Đồng Chó Ngáp (BL, ĐT), kinh Trời Đánh (CM), xã Quê Mỹ Thạnh (LA), rạch Tám Khùi (VL),…

   Sở dĩ những địa danh có ngữ âm rất nôm na nhưng vẫn tồn tại lâu dài vì những lý do sau đây:

   -Trình độ văn hóa của cư dân Nam Bộ ngày xưa nói chung chưa được cao lắm nên ngôn ngữ của họ giản dị, dễ hiểu, cụ thể, ít có từ trừu tượng: cầu Ba Cẳng, ngã ba Chuồng Chó, đường Ba Khía, Chòi Mòi,…

   -Nhiều địa danh do chính người bình dân đặt nên dễ được quần chúng chấp nhận và sử dụng lâu dài.

   -Một số địa danh có nguồn gốc của các dân tộc thiểu số nên ngữ âm lạ lẫm với người Việt nói chung:

   +gốc Khmer: huyện Lấp Vò, rạch Gòi, quận Cái Răng, hang Tức Dụp, Ba Vát, Sa Đéc, Cần Giuộc, Cần Đước,...

   +Gốc Chăm: Bà Rịa, cầu Gọ, cầu Chà Và,…

   +Gốc Stiêng: Bù Đốp, Bù Gia Mập,…

   +Gốc Hoa: ngã ba Chú Ía

2.4. Nhiều địa danh có cấu tạo không hợp chuẩn ngữ nguyên

   Theo cách kết hợp từ ghép của tiếng Việt, các thành tố phải cùng một ngôn ngữ. Nhưng trong địa danh Nam Bộ có nhiều địa danh có cấu tạo chệch chuẩn.

   -Từ thuần Việt + từ Hán Việt: huyện Long Đất (sau 30-4-1975 đã bị thay đổi), xã Phú Riềng (BP),

   -Từ thuần Việt + từ tiếng Anh: xóm Đường Rầy (tp.HCM) – rầy <rail (đường xe lửa).

   -Từ thuần Việt + từ gốc Pháp: ngã ba Cua Heo (ĐN) - cua <courbe (khúc ngoặt trên đường đi của xe cộ, tàu bè” [HP].

   -Từ thuần Việt + từ Khmer: rạch Gòi Lớn, rạch Gòi Bé (AG), kênh Xóm Thum (ST).

2.5. Tên nhiều tổ chức, đoàn thể trở thành địa danh

-Nhà nước: kênh Nhà Nước (BL,CM).

-Quốc hội: kênh Quốc Hội (ST).

-Bộ đội:suối Bộ Đội (ĐN).

-Công an: kênh Công An (BL).

-Dân quân: kênh Dân Quân (BL, ST).

-Huyện đội: kênh Huyện Đội (BL).

-Liên ngành: ba ngành kiểm lâm, kiểm dịch động vật và kiểm soát biên giới [DTT]: ngã ba Liên Ngành (BP).

-Phụ nữ: kênh Phụ Nữ (BT), tắt Phụ Nữ (tp.HCM).

-Thanh niên: kênh Thanh Niên (BL).

-Tỉnh đội: rừng Tỉnh Đội (AG).

-Tuổi trẻ: kênh Tuổi Trẻ (VL).

2.6. Nhiều hình ảnh dung dị được dùng làm địa danh

-Tư thế của con người: kênh Chổng Khu (AG), tắt Chàng Hảng (tp.HCM): ngã ba có hai nhánh tẽ ra như người đứng giạng háng.

-Bộ phận của con người: ấp Vú Nàng; cầu, rạch Nách Ông Tường (BL),

-Bộ phận của y phục: ngã ba Ống Quần (BT): ngã ba có hai nhánh tẽ ra như hai ống quần.

3. Tính dân dã của địa danh Nam Bộ thể hiện khá rõ. Điều này khiến những người ở địa phương khác mới đến Nam Bộ vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Tất cả những hiện tượng trên làm cho địa danh Nam Bộ khác hẳn địa danh Trung Bộ và Bắc Bộ.

BẢNG VIẾT TẮT TÊN 19 TỈNH, THÀNH PHỐ Ở NAM BỘ

     AG              An Giang        HG              Hậu Giang
     BD              Bình Dương    tp.HCM thành phố Hồ Chí Minh
     BL              Bạc Liêu        KG              Kiên Giang
     BP              Bình Phước        LA              Long An
   BR-VT         Bà Rịa – Vũng Tàu        ST              Sóc Trăng
     BT              Bến Tre        TG              Tiền Giang
     CM              Cà Mau        TN              Tây Ninh
  tp.CT          thành phố Cần Thơ        TV              Trà Vinh
      ĐN              Đồng Nai        VL              Vĩnh Long
      ĐT              Đồng Tháp    

                                      

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Phê (cb) [HP], Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2000.
  2. Huỳnh Tịnh Của [HTC], Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
  3. Lê Trung Hoa (cb)-Nguyễn Đình Tư [LTH-NĐT], Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003.
  4. Lê Văn Đức [LVĐ], Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.
  5. Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải [TVK-TVC] dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.
  6. Từ điển Vĩnh Long [TĐVL], bản thảo.

TÓM TẮT

            Tính dân dã của địa danh Nam Bộ khá nổi rõ. Đặc trưng này do các nguyên nhân sau đây: nhiều danh từ chung trở thành địa danh; rút gọn những ngữ/câu thành địa danh rất độc đáo; nhiều từ ngữ có ngữ âm nôm na vẫn được dùng làm địa danh; nhiều địa danh có cấu tạo không hợp chuẩn ngữ nguyên; tên nhiều tổ chức, đoàn thể trở thành địa danh; nhiều hình ảnh dung dị được dùng làm địa danh. Tất cả những hiện tượng trên làm cho địa danh Nam Bộ khác hẳn địa danh Trung Bộ và Bắc Bộ.

            Từ khóa: tính dân dã, danh từ chung, hình ảnh dung dị

 

ABSTRACT

                                                            The folk-way of Southern toponymy

The folk-way of Southern toponymy which is fairly well-defined is characterized for the following reasons: many common nouns, reduced phrases and sentences and simply phonetic words become toponyms; many toponyms are not formed typically etymologically; names of organizations and delegations and many simple images are used as toponyms. The above phenomena make Southern toponyms quite different from Central and Northern ones.

Keywords:the folk-way, many common nouns, many simple images

Thông tin truy cập

60735686
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9077
8619
60735686

Thành viên trực tuyến

Đang có 230 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website