Nhớ lại những ngày chép thơ Đinh Hùng

Nổi bật nhất trong thơ Đinh Hùng là về tình yêu, về người yêu. Người yêu trong thế giới mầu nhiệm, huyền ảo và người yêu trong thế giới thực đều được vẽ ra với trí tưởng tượng siêu việt, với biểu hiện độc đáo, tân kỳ.

Trước khi đi Nhật du học đầu tháng 4.1968, tôi có khoảng nửa năm học ở Văn khoa thuộc Đại học Sài Gòn. Nhưng do một ngẫu nhiên có tính cách định mệnh và do vài lý do khác, tôi hầu như chỉ tham dự vài buổi giảng của vài giáo sư và không còn giữ sách vở, tư liệu gì cho thấy mình là một sinh viên Văn khoa thời đó, ngoài tập vở chép thơ Đinh Hùng. Bút tích ghi ở cuối mỗi bài thơ cho thấy hầu hết chép ở thư viện Văn khoa Sài Gòn.

Sau khi học xong trung học ở miền Trung, mùa thu 1967 tôi vào Sài Gòn xin ghi danh học Văn khoa, dự định sau một năm lấy chứng chỉ dự bị để thi vào Đại học Sư phạm Sài Gòn, mục tiêu trở thành thầy giáo dạy văn ở một trường trung học đệ nhị cấp (cấp III bây giờ). Nhưng rồi không có tâm trí và thì giờ để học tập nghiêm chỉnh. Tháng đầu ở Sài Gòn phải lo chuyện đi làm thêm. Tìm được một chân dạy văn và sử ở một trường tư trung học đệ nhất cấp (cấp II) là lo chuẩn bị các bài giảng.

Thế rồi một buổi chiều, buổi chiều định mệnh, ngẫu nhiên đi xe đạp trên đường Lê Thánh Tôn, ngang qua Bộ Quốc gia Giáo dục tôi thấy nhiều người đứng xem thông cáo. Dừng xe xem thử mới biết Đại sứ quán Nhật sắp tổ chức kỳ thi tuyển sinh viên nhận học bổng sang Nhật du học. Thấy mình có đủ tiêu chuẩn nêu trong thông cáo nên về làm đơn xin dự thi. Chuẩn bị thi, thi đỗ là lo chuẩn bị đi Nhật, trước khi đi du học về miền Trung thăm nhà gặp biến cố Tết Mậu Thân kẹt ở Đà Nẵng gần ba tuần... Kết cuộc hầu như không có thì giờ cho việc học ở Văn khoa.

Những ngày có thì giờ đến Văn khoa nếu không có lớp học các môn đã đăng ký, tôi thường vào thư viện mượn sách đọc hoặc mượn các thi tập chép những bài thơ mình ưa thích. Thơ chép vào cuốn sổ khổ A5 giấy tốt và dày gần 300 trang. Sau hơn nửa thế kỷ, hiện nay nhiều trang bị đứt rời khỏi vị trí cũ nhưng chữ viết của mọi trang trong cuốn sổ không bị hoen ố, vẫn đọc được rất rõ. Có bài thơ ngắn nằm gọn trong một trang, có bài thơ dài đến 4-5 trang. Những bài thơ tôi cho là hay của Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa... được chép lại ở đây. Nhưng mỗi tác giả này chỉ được chọn một hoặc hai bài thơ, còn tuyệt đại đa số là thơ Đinh Hùng. Đinh Hùng chiếm tới hơn phân nửa số trang trong cuốn sổ chép thơ của tôi.

20240626

Giáo sư Trần Văn Thọ thăm lại Văn khoa Sài Gòn. Cây bồ đề ở sân trường vẫn như xưa. Ảnh do Giáo sư văn học Huỳnh Như Phương chụp trong lúc hướng dẫn tác giả thăm lại trường xưa, 12.4.2023.


Bây giờ tôi không nhớ tại sao thơ Đinh Hùng lại chiếm một vị trí rất đặc biệt như vậy. Có thể một phần chịu ảnh hưởng từ bài giảng của GS. Phạm Việt Tuyền ở Văn khoa. Ông bình thơ và nói nhiều về Đinh Hùng, một nhà thơ mà sau này tôi biết là vừa mất (ngày 24.8.1967) vài tháng trước khi tôi bắt đầu học ở Văn khoa. Cũng có thể tôi tìm thấy thơ Đinh Hùng rất tân kỳ về ý tưởng, về vần điệu, tứ thơ và thể thơ mà mình có ấn tượng mạnh và đồng cảm.   

Đinh Hùng sinh năm 1920 tại Hà Nội, làm thơ, viết báo từ thời còn rất trẻ. Ông thuộc nhà thơ thời tiền chiến. Mới hai mươi tuổi đã kết thân với Thạch Lam, hơn Đinh Hùng cả 10 tuổi, người ở cùng khu ngoại ô Yên Phụ. Qua Thạch Lam, Đinh Hùng có nhiều dịp uống rượu, trò chuyện với các bậc đàn anh trên văn đàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ... Năm 1954, Đinh Hùng cùng gia đình di cư vào Nam và ngay sau đó giữ chuyên mục Tao Đàn cho Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông bị bệnh ung thư và mất ở tuổi 47. 

Đám ma tôi (Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1943) là tập thơ đầu tay của Đinh Hùng nhưng ít người biết. Đinh Hùng nổi tiếng với hai tập thơ Mê hồn ca và Đường vào tình sửMê hồn ca phát hành năm 1954 (NXB Tiếng Phương Hồng) gồm những bài thơ ông viết trong thập niên 1940 và đầu những năm 1950. Đường vào tình sử được Nam Chi xuất bản năm 1961. Tiếng ca bộ lạc là tập thơ cuối cùng do Lửa Thiêng xuất bản 1972, sau khi Đinh Hùng mất. Ngoài ra Đinh Hùng còn có hai tập bút ký: Ngày đó có em: Những bóng dáng đàn bà trong đời Bích Khê (Giao Điểm xuất bản năm 1967, NXB Văn Học tái bản năm 2018) và Đốt lò hương cũ (gồm những bài Đinh Hùng viết chủ yếu để phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn ở mục Tao Đàn do ông phụ trách; sau khi ông mất NXB Lửa Thiêng phát hành năm 1971 và NXB Đà Nẵng tái bản 2018 với lời bạt của Phạm Xuân Nguyên).

Thơ Đinh Hùng trong cuốn sổ tôi chép phần lớn đọc từ tập Đường vào tình sử và một số ít hơn từ Mê hồn ca. Gần đây có dịp đọc hai tập bút ký nói trên và bài bình luận của Phạm Việt Tuyền (trong tập Tôi đọc thơ, Phong trào Văn hóa xuất bản 1973) tôi biết thêm nhiều giai thoại về Đinh Hùng và hiểu thơ ông nhiều hơn.

Thơ Đinh Hùng xoay quanh các chủ đề tình yêu, kỷ niệm, nhớ cố hương, ca tụng nghệ thuật, thiên nhiên... Nét độc đáo chung nhất có lẽ là ngoài những bài thơ đưa người đọc vào thế giới ảo huyền, nhiệm mầu, phần lớn là những tình ca gây cho ta thấy lâng lâng trong kích thước hoành tráng của không gian và cái sâu thẳm, cái vô cùng tận của thời gian. Ngay cả trong bài thơ cảm xúc, tự hào, ngưỡng mộ hai nữ anh hùng dân tộc, Đinh Hùng chẳng những cho ta theo cánh chim huyền diệu bay ngược vào quá khứ hai ngàn năm mà còn kêu gọi đất trời cùng ta chứng kiến một kỳ tích oai hùng: 

Ngàn năm, ôi bóng Trưng Vương!
Cánh chim huyền diệu đưa đường về xưa
Nước non còn đẹp dáng thơ:
Bàn tay Nương Tử ngọn cờ Châu Phong
Hỡi non cao, biển muôn trùng
Còn say hương phấn má hồng Mê Linh?
(Hương phấn Mê Linh)

Bài thơ sầu tha hương, nhớ quê, luyến tiếc thời thơ ấu cũng gây cảm xúc lâng lâng, sâu lắng về quá khứ nhưng kéo tầm mắt ta ra một không gian rộng lớn:

Sầu lên Bến Cát rưng rưng
Mây Trường Sơn lại vượt rừng tới đâu?
Người đi đồi sắn, nương dâu
Buồn quan san một con tàu về xa
Nhớ xuân từ độ còn hoa
Nhớ em từ độ thướt tha suối thề
Xa trời lưu lạc hồn quê
Có phai xin để ngày về hãy phai
Viễn phương mái tóc bay dài
Nghiêng vai sương lạnh thương hoài vầng trăng
(Mái tóc viễn phương)

Nổi bật nhất trong thơ Đinh Hùng là về tình yêu, về người yêu. Người yêu trong thế giới mầu nhiệm, huyền ảo và người yêu trong thế giới thực đều được vẽ ra với trí tưởng tượng siêu việt, với biểu hiện độc đáo, tân kỳ. Hầu hết những nhà thơ lớn viết về tình yêu thường có trải nghiệm về một thời với những người con gái họ đã từng yêu. Những người con gái đó được thể hiện như thế nào trong thơ Đinh Hùng? Đọc tập bút ký Ngày đó có em, ta biết được quan niệm của Đinh Hùng về vấn đề này.

Tiêu đề phụ của tập ký là Những bóng dáng đàn bà trong đời Bích Khê. Bích Khê là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Nhiều người bình luận thơ Hàn Mặc Tử thường nhắc đến Mộng Cầm, Thương Thương, Mai Đình, những cô gái, những người đàn bà đã để lại dấu ấn trong cuộc đời và trong thơ của thi sĩ vắn số. Đinh Hùng cũng làm chuyện tương tự là bình luận thơ Bích Khê qua việc phân tích bóng dáng của những người con gái đã đi qua cuộc đời thi sĩ này.

Tác giả chép bài thơ của Đinh Hùng tại thư viện Văn khoa Sài Gòn ngày 5.1.1968 (toàn bài dài 
4 trang trong cuốn sổ chép thơ)


Trong phần “Thay lời giới thiệu” của tập ký, Đinh Hùng viết: “... những trang giai nhân đó cũng là một phần linh hồn của nhà thơ..., họ đã hóa thân trở nên những hình tượng, những ý niệm, những khuôn mặt điển hình..., bóng dáng của họ từ đó đi vào tình sử... Những con người phàm tục một thời từng được thi nhân hoán thai, đoạt cốt để làm thành những công chúa, hoàng hậu, nữ vương của ân tình trọn kiếp; mà cũng có thể là hồ ly, ma nữ, yêu tinh..." .

Như vậy theo Đinh Hùng, các nhà thơ đã biến hóa những người con gái đi qua đời họ bằng hai mẫu hình hài trái ngược. Thơ của chính Đinh Hùng cũng vậy. Hình ảnh nàng thơ trong Mê hồn ca là hồ ly, ma nữ, yêu tinh, còn trong Đường vào tình sử phảng phất bóng dáng công chúa, hoàng hậu, nữ vương.

Đây là tâm cảm đầy huyền bí của Đinh Hùng đối với người yêu đã mất:

Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
Em mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa
Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ,
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn.
...
Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?
Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết trinh!
Mê em, ta thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm…
(Gửi người dưới mộ)

Đinh Hùng đã đi vào mộ huyệt để tìm người mình yêu. Trên thực tế, năm 20 tuổi Đinh Hùng có người yêu tên Liên mất vì bệnh phổi. Có lẽ tình yêu tha thiết đã làm nhà thơ tưởng tượng về thế giới bên kia và mơ gặp lại người mình yêu ở đó. Về bài thơ này, Phạm Việt Tuyền trong Tôi đọc thơ có nhận xét là “tử thần đã mạnh mà tình yêu càng mạnh hơn”. Tin tưởng có thế giới bên kia cũng được Đinh Hùng bộc lộ trong tập bút ký Đốt lò hương cũ. Trong bài tưởng niệm Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản, Đinh Hùng viết: “Ba nhà thơ tiền bối của chúng ta bước vào thiên cổ chính là để sống vĩnh cửu trong không - thời gian và sống tự do phơi phới ngoài vật lý... Không cần chúng ta cầu nguyện, hương hồn các vị cũng đã lâng lâng bay lên những vùng trời siêu thoát...”. 

Riêng tôi thì thích mẫu hình tiên nữ, công chúa hơn là người ở cõi chết trong thơ Đinh Hùng. Có lẽ vì thế mà trong tập vở chép thơ, tôi chỉ chọn vài bài trong Mê hồn ca, còn lại là thơ trong Đường vào tình sử.

Người yêu là nàng tiên tận nghìn xưa nhập vào ánh trăng chuyển bước đến thư phòng, nhưng người yêu chợt đến rồi chợt đi, chỉ còn là mộng:

Em tự nghìn xưa chuyển bước về,
Thuyền trao sóng mắt dẫn trăng đi,
Những dòng chữ lạ buồn không nói
Nét lửa bay dài giấc ngủ mê
(Gặp em huyền diệu I)

Em đến vầng trăng bỗng tỏa hương,
Quen nhau, ngờ chuyện rất hoang đường
Trang thư xõa tóc cười e lệ,
Nét chữ thu gầy, vóc ngậm sương
...
Trắng nuốt tâm linh vạt áo sầu
Canh gà chưa rụng đã xa nhau
Thương cho xác bướm hai lần mộng
Đành hẹn bài thơ gửi kiếp sau
(Gặp em huyền diệu II)

Tình yêu trong thơ Đinh Hùng đắm đuối say mê, đẹp như thơ và trong như mộng, đầy thương nhớ và cảm hoài sâu lắng cùng với dĩ vãng và trải dài theo không gian xa: 

Vầng trăng vừa ngả bóng chung đôi
Em đã xa như dĩ vãng rồi
Tình cũng quan san từ đáy mắt
Một hàng mi lặng, mấy trùng khơi
Nghe động bàn chân nắng tỏa hương,
Mong manh từng gợn sóng còn vương
Em đi, nửa gối hoa tàn mộng
Thương nhớ bay cùng mây viễn phương
        (Bao giờ em lấy chồng)

Mộng ơi! Thuyền có trao đầu sóng,
Xin nở tươi mầu hoa đại dương,
Biển biếc, cù lao dài ánh mắt,
Ngàn khơi, mơ bóng nguyệt hoang đường
(Buồn Á Đông xưa)

Hôm qua gặp người yêu, hôm nay người yêu không đến, có cách diễn tả nào tâm tình của người mong đợi hay hơn bốn câu thơ toàn vần bằng đầy nghệ thuật này?

Em đến, trăng rằm xanh bóng mây
Em đi, trăng hờn cong nét mày
Chiều qua, má hồng còn thơ ngây
Chiều nay, hàng mi sương xuống đầy
(Hờn giận)

Thơ Đinh Hùng gồm nhiều bài theo thể lục bát và thất ngôn nhưng không ít bài theo thể thơ mới, tự do biến hóa số chữ, số câu. Có nhiều bài đọc như văn xuôi mà vẫn hay, vẫn rất thơ. Chẳng hạn những đoạn thơ trong bài rất dài Đường vào tình sử:

Trên đường ta đi
Những đóa hoa nở mặt trời xích đạo
Những làn hương mang giông tố bình sa
Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách
...
Phơi phới thuyền ta vượt bến
Từ đêm hồng thủy ra đi
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thùy
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
...
Một bài thơ
Có tiếng thở dài đôi hồn tình tự
Vần điệu dìu nhau đi trong giấc mơ
Sông núi trập trùng lượn theo nét chữ
Những chữ thương yêu
Những chữ đợi chờ
Đẹp như
Dáng em e lệ chiều xưa.
....
Anh gặp em anh từ thuở nào?
Mênh mang sóng mắt
Ngờ biển dâu.
Núi non nhìn ta vừa nghiêng đầu
Hình như hội ngộ 
Từ ngàn thâu
Ta tỉnh hay mơ? Chiều nay trăng khép
Hàng mi sầu
Hay tà dương thu
Mưa rơi mau?
Em ơi! Vệt nắng phù kiều uốn mình ô thước,
Ta, suốt đời ngư phủ,
Thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh.

...

Những ngày ở Văn khoa Sài Gòn nửa thế kỷ trước tôi đã đắm chìm trong thế giới thơ Đinh Hùng. Tập vở chép thơ trở thành vật gia bảo đặt ở chỗ trang trọng nhất trong thư phòng ở Tokyo. 

Trần Văn Thọ

Nguồn: Người đô thị, ngày 06.02.2024.

Thông tin truy cập

63524421
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21391
13883
63524421

Thành viên trực tuyến

Đang có 179 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website