Kỷ niệm Immanuel Kant 300 năm

20240807 4Immanuel Kant (1724-1804). Chân dung năm 1768

Ngày 22 tháng 4, năm 2024 đánh dấu sự kiện quan trọng: kỷ niệm đúng 300 năm nhà triết học khai sáng vĩ đại Immanuel Kant. Tôi xin phép trình bày một số ý tưởng của ông từ sự hiểu biết khiêm tốn của tôi.

Từ thời Trung cổ cho đến thế kỷ 17, các nhà thần học đã thống trị tư tưởng trí thức châu Âu. Các trưởng lão trong Giáo hội giải thích các hiện tượng tự nhiên phù hợp với học thuyết tôn giáo. Nhưng rồi dần dần một thiên hà các nhà khoa học xuất hiện: Francis Bacon và Nicolaus Copernicus, Galilei, Kepler và Newton, với những ý tưởng táo bạo muốn tìm những lời giải thích hợp lý cho các sự kiện tự nhiên rối rắm trên trời. Họ áp dụng phương pháp khoa học mới để khám phá các quy luật tự nhiên, soi sáng bầu trời, bất chấp hiểm nguy chờ đợi họ. Thế rồi khoa học hiện đại cuối cùng ra đời không thể tranh cãi được. Thành tựu vĩ đại của họ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào khai sáng châu Âu sau đó, trong niềm tin rằng, phương pháp khoa học cũng có thể soi sáng những vấn đề rối rắm ở dưới đất. Nhà triết học Ernst Cassirer, một người chịu ảnh hưởng lớn của Kant, đã khắc họa bức tượng khoa học như sau:

Khoa học là bước cuối cùng trong sự phát triển tinh thần của con người và nó có thể được coi là thành tựu cao nhất và đặc trưng nhất của văn hóa nhân loại. Nó là một sản phẩm rất muộn và tinh tế, không thể phát triển ngoại trừ dưới những điều kiện đặc biệt. […] Chiến thắng của khoa học dường như đã trọn vẹn và không thể tranh cãi. Không có sức mạnh thứ hai nào trong thế giới hiện đại của chúng ta có thể so sánh được với sức mạnh của tư tưởng khoa học. Nó được coi là đỉnh cao và hoàn thiện của mọi hoạt động của con người, chương cuối cùng trong lịch sử nhân loại và là chủ đề quan trọng nhất của triết lý con người.” (Ernst Cassirer)

Tác phẩm đầu tay của Immanuel Kant trước khi trở thành nhà triết học có chủ đề về vũ trụ học và vât lý vũ trụ: “Lịch sử Tự nhiên phổ quát và Lý thuyết của Bầu trời” (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels” năm 1755. Cũng tương tự, Adam Smith trước khi trở thành nhà triết học đạo đức học và nhà kinh tế chính trị học, đã có bài nghiên cứu sâu rộng về Lịch sử thiên văn học. Nói chung, bầu trời và khoa học Newton, nói như Kant,  đã “chiếm ngự tâm tư” của các nhà khoa học, triết học, khai sáng thời bấy giờ.

[1]

Thời đại của phê phán

Immanuel Kant diễn tả sự biến đổi Copernic này trong tác phẩm đầu tay ông, Phê phán lý tính thuần túy, như một nhu cầu giông bão và thôi thúc, Sturm und Drang:

Thời đại của chúng ta là thời đại đích thực của sự phê phán mà mọi thứ đều phải phục tùng. Tôn giáo qua sự thánh thiện của nó, và lập pháp qua sự uy nghiêm của nó thường muốn trốn tránh nó. Nhưng rồi, họ chỉ khơi dậy sự nghi ngờ chống lại chính họ và không thể nào đòi hỏi sự tôn trọng chân thật mà lý tính chỉ dành cho những gì có thể chịu được sự giám sát tự do và công khai của chúng. (Phê phán lý tính thuần túy)

Cần xác định lại cái gì là nhận thức, cái gì chỉ là một ý kiến (Meinung), hay quan niệm (Konzept). Phê phán giúp phân biệt giữa cái đúng, có giá trị, và cái sai, hoặc không chính đáng: Cái gì có thể được chứng minh, đứng vững trước phê phán của lý tính, mới được tôn trọng và chấp nhận cho đến khi có cái gì mới thay thế.

Kant nói, “Điều này là chắc chắn: bất cứ ai đã từng nếm trải phê phán sẽ luôn chán ghét tất cả những lời giáo điều mà trước đây anh ta chấp nhận vì cần thiết, vì lý tính của anh ta cần một cái gì đó và không thể tìm thấy điều gì tốt hơn cho anh ta.” Ông nói tiếp: “Mối tương quan giữa phê phán với siêu hình học kinh viện, là cũng giống như mối quan hệ giữa hóa học đối với thuật giả kim, hay như thiên văn học với chiêm tinh học bói toán.” (Prolegomena)

Tại sao con người phải đi tìm nhận thức đúng đắn? Theo Pythagoras, nếu không có sức mạnh của khoa học, mọi thứ sẽ vẫn mù mờ và rối rắm, và chúng ta sẽ không sống trong một thế giới sự thật, mà trong một thế giới của sự lừa dối và ảo tưởng. Chỉ có bằng khoa học, chúng ta mới tìm thấy một thế giới có thể hiểu được.

Phê phán lý tính thuần túy của Kant là tác phẩm đầu tiên sau mười hai năm nghiên cứu và được xuất bản năm 1781 có danh từ “phê phán” (Kritik, critique), thể hiện tinh thần phê phán toàn diện của Kant dựa trên khoa học, phê phán cả chính nó là lý tính, cũng như phê phán siêu hình học, không phải để loại bỏ cái này, mà để xây dựng nó lại mới trên nền tảng khoa học. Kritik, kết hợp với Vernunft, Lý tính, đã gây ấn tượng mạnh mẽ, và tạo ra một “trào lưu” sau đó của các tác phẩm bắt đầu bằng Kritik. Bản thân Kant sẽ có thêm các quyển Phê phán lý tính thực hành (1788) và Phê phán năng lực phán đoán (1790). Tiếp theo là Phê phán mọi sự mặc khải, Kritik aller Offenbarung, của Fichte năm 1792. Quyển Tư bản luận của Marx cũng có phụ đề Phê phán kinh tế chính trị. Danh mục của Thư viện Quốc gia Đức hiện có hơn 20.000 ấn phẩm với từ “phê phán” trong tiêu đề.

[2]

Khai sáng là gì?

Một tiểu luận rất nổi tiếng của Kant có tên Was ist Aufklärung? – Khai sáng là gì? – nhằm trả lời cho cùng câu hỏi được nhóm khai sáng Berlin đặt ra trên tạp chí Berlinische Zeitschrift. Tuy nó được công bố tháng 12 năm 1784, tức là lúc gần cuối thế kỷ ánh sáng, nhưng đã khắc họa được bản chất của Khai sáng một cách sắc nét và toàn diện:

Khai sáng là sự thoát ra (giải phóng) của con người khỏi sự chưa trưởng thành tự chuốc lấy của mình. Sự chưa trưởng thành là sự bất lực sử dụng trí năng của mình mà không có sự dẫn dắt của một người khác. Lười biếng và hèn nhát là những nguyên nhân tại sao một bộ phận rất lớn con người vẫn muốn không trưởng thành suốt đời, sau khi họ được tự nhiên giải phóng khỏi sự dẫn dắt từ bên ngoài; và đó là lý do tại sao người khác dễ dàng giả đóng vai làm người giám hộ của họ. Không trưởng thành đối với họ là một điều thoải mái. (Hết trích dẫn)

Vì thế khẩu hiệu của ông là „Sapere aude!“, nghĩa là „Hãy dám biết!“, và ông kêu gọi „Hãy can đảm sử dụng trí tuệ của chính bạn“, „Habe den Mut, dich deines eigenen Verstandes zu bedienen!“

Kant tin rằng Khai sáng cần tự do như con người cần khí trời: „Con người tự lao động để đưa mình dần ra khỏi tình trạng thô thiển, nếu người ta không cố ý ngăn cản một cách giả tạo để giữ họ lại trong đó.“ Đó là lộ trình phát triển tất yếu của con người. „Một công chúng có thể tự khai sáng, đó là điều có thể; vâng, nếu người ta chỉ để cho họ tự do, thì khai sáng gần như là điều không thể tránh khỏi.” và “Khai sáng không đòi hỏi gì khác hơn là tự do”, là loại theo ông ‘vô hại’. Chúng ta biết, Kant là công chức nhà nước, là giáo sư ở Đại học Königsberg, nhưng suốt đời ông truyền bá cho khai sáng.

Đối với Kant, để thay đổi tư duy đã bám rễ lâu đời vào truyền thống, cải cách thực ra thích hợp hơn cách mạng:

Bằng một cuộc cách mạng, một chế độ chuyên chính cá nhân có thể biến mất, cũng như sự áp bức có tính hám lợi hay tham quyền, nhưng không bao giờ có một cuộc cải cách đích thực về lề lối tư duy. Những định kiến mới sẽ phục vụ những nguyên tắc chủ đạo của đám đông không suy nghĩ, cũng giống như những cái cũ đã từng làm. (Hết trích dẫn)

Định kiến sẽ dễ dàng sinh sôi nảy nở, có thể còn tồi tệ hơn, nếu cách mạng không đi kèm với cải cách lề lối tư duy phù hợp.

Trước sự bùng nổ của thế giới tri thức ở thế kỷ 18, Kant „bình tĩnh“ suy nghĩ như một nhà triết học, không chạy theo số lượng kiến thức, mà đối với Kant, Khai sáng quan trọng nằm ở chỗ „biết tự suy tư“ (selbst nachzudenken), nằm ở „phương châm biết tự tư duy mọi lúc“ (jederzeit selbst zu denken). Khai sáng không dạy chân lý có sẵn, mà dạy tư duy thế nào để khám phá chân lý. Khai sáng là một phần trong triết lý giáo dục quan trọng của Kant, để làm con người trở thành người, và có tính tự chủ. Kant cho rằng, điều mà sinh viên học ở ông không phải là triết học, Philosophie, mà luận bàn về triết học, philosophieren. Lối giáo dục này là sự tiếp nối lối giáo dục khai phóng của các đại học Trung cổ, ở đó, sinh viên thi tốt nghiệp không phải trả bài mà phải tranh luận với các thầy hướng dẫn. (Xin xem thêm quan điểm giáo dục của Kant mà tôi không thể trình bày ở đây, nhưng trong số Kỷ yếu Immanuel Kant sắp tới)

[3]

Khai sáng và Phồn vinh

Người ta tự hỏi: Khai sáng cuối cùng để làm gì? Để ý thức, và tự chọn lựa con đường đi tìm hạnh phúc của mình mà không bị cản trở. “Đi tìm hạnh phúc”, pursuit of happiness, là tiếng gọi của công chúng và của các nhà khai sáng ở thế kỷ 18. Đó là khẩu hiệu nhiều nhà khai sáng đưa ra, từ Francis Bacon, Leibniz, Thomas Jefferson, John Locke đến Turgot và Adam Smith. Hạnh phúc bây giờ và ở đây, đó là mệnh lệnh, không phải chờ đến kiếp sau, bất chấp những khiếm khuyết của con người, và của cuộc sống trần thế. Turgot, nhà kinh tế học và chính khách Pháp, đã phát biểu tại Sorbonne năm 1750 như sau: “Tự nhiên đã ban cho toàn thể nhân loại quyền được hạnh phúc: nhu cầu, đam mê và một lý tính, là sức mạnh mà tự nhiên đã trao cho nhân loại để đạt được mục tiêu này.”

Thế kỷ 18 đang sống trong không khí cuộc cách mạng công nghiệp Anh sôi sục tạo nên sự bứt phá kinh tế và quyền lực. Trong khi đó, Adam Smith cũng đưa ra mô hình kinh tế chính trị toàn diện để tạo phồn vinh cho đông đảo dân chúng trên quy mô quốc gia và thế giới. Nó nằm ở tự do hoạt động trao đổi và sản xuất hàng hóa của các cá nhân, sự không can thiệp của nhà nước hay các nhóm lợi ích vào sự vận hành của thị trường, sự “phân công lao động”, tức là công nghiệp, như động lực mạnh mẽ để gia tăng năng suất và đổi mới sáng tạo, để tăng cường thương mại; sự công nhận quyền tư hữu chính đáng và sự bảo vệ nó bằng luật pháp. Thế giới bước vào giai đoạn thương mại và sản xuất công nghiệp. Cá nhân và quốc gia thức tỉnh đi tìm lại hạnh phúc của mình đã mất.

Học giả kinh tế Joel Mokyr viết trong quyển From Poverty to Prosperity (Từ nghèo khổ đến phồn vinh) về mối tương quan, correlation, giữa khai sáng và phồn vinh như sau:

Nếu bạn nhìn vào các quốc gia nơi khai sáng đã có tác động, họ là những quốc gia thành lập câu lạc bộ phồn vinh năm 1914. Họ là những quốc gia vào thời điểm đó đã được công nghiệp hóa, đô thị hóa, tinh vi về mặt công nghệ. Và những quốc gia nơi khai sáng đã không thành công, thì ở đó quá trình này đã đi một con đường rất khác. Một số đã thành công, như Tây Ban Nha; một số thì không, như Montenegro, Serbia hay Bulgaria. Lúc nào đó thì họ có thể, nhưng vấn đề là, nếu bạn nhìn vào Scandinavia hoặc Hòa Lan hay Thụy Sĩ, những nơi Khai sáng đã một lần thành công, bằng cách này hay cách khác, và đến năm 1914, họ đã trở nên những quốc gia giàu có.

[4]

Triết học nhận thức luận

Trong triết học nhận thức luận, câu hỏi sau đây đóng một vai trò vô cùng quan trọng: Tư duy thuần túy có thể cung cấp tri thức gì một cách độc lập với kinh nghiệm giác quan? Có kiến thức nào như vậy hay không? Nếu không thì mối quan hệ chính xác giữa tri thức của chúng ta và nguyên liệu thô được cung cấp bởi các cảm giác-giác quan là gì? Trong buổi bình minh của triết học, người ta thường tin rằng có thể nhận thức được mọi thứ bằng suy tưởng thuần túy. Nhưng đó là một ảo tưởng. Đối cực của ảo tưởng quý phái này là ảo tưởng bình dân hơn về chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, theo đó mọi thứ “là” như chúng được chúng ta cảm nhận thông qua các giác quan của chúng ta.

Con người có một khao khát mãnh liệt tri thức chắc chắn. Nhưng David Hume đã phá tan niềm hy vọng: Nguyên liệu thô của giác quan, nguồn kiến thức duy nhất của chúng ta, thông qua thói quen, có thể dẫn chúng ta đến niềm tin và kỳ vọng, chứ không phải đến tri thức và càng không dẫn đến hiểu biết về các mối quan hệ có tính quy luật. Chính chủ nghĩa hoài nghi này của Hume đã kéo Kant ra khỏi “giấc ngủ giáo điều”, như ông thừa nhận. Nhưng Kant đi tiếp:

Do đó, nếu chúng ta có tri ​​thức được bảo đảm là chắc chắn thì tri ​​thức đó phải được xây dựng trên nền tảng của chính lý tính (Vernunft, reason). Có thể nói, những loại tri ​​thức này và một số loại kiến ​​thức khác là một phần của công cụ tư duy và do đó trước đây không cần phải thu lượm được từ dữ liệu giác quan (tức chúng là tri ​​thức “tiên nghiệm”, a priori). Điều đó đúng một phần, nhưng Einstein cho rằng, điều sau đây có vẻ đúng trong nhận xét của Kant, là trong khi tư duy, chúng ta sử dụng, với một sự “chính đáng” nhất định, một số khái niệm mà người ta không thể tiếp cận được từ các chất liệu của trải nghiệm giác quan, nếu nhìn sự việc từ quan điểm logic.

Einstein khẳng định: rằng các khái niệm nảy sinh trong suy nghĩ của chúng ta – khi được nhìn một cách logic – đều là những sáng tạo tự do (freie Schöpfung) của tư duy mà không thể thu hoạch được một cách quy nạp từ kinh nghiệm giác quan.

Một điều nguy hiểm là, một khi đã chấp nhận Hume, người ta dễ dàng loại bỏ ra khỏi tư duy tất cả những khái niệm và mệnh đề nào không thể suy ra từ nguyên liệu thô giác quan và xem chúng như những loại “siêu hình”. Einstein nhận xét, “Hume không chỉ thúc đẩy triết học một cách quyết định mà còn – dù không phải lỗi của ông ta – đã tạo ra nguy cơ cho triết học ở chỗ, sau sự phê phán của ông, một ‘nỗi sợ hãi chết người về siêu hình học’ đã phát sinh và đã trở thành một căn bệnh hiểm nghèo cho triết học duy nghiệm đương đại; căn bệnh này là phần đối lập với loại triết lý trên mây trước đó, vốn tin rằng nó có thể xem thường và bỏ qua những gì giác quan cung cấp.” (Xin xem đầy đủ trong một bài sắp tới trên rosetta.vn)

[5]

Kết luận

Immanuel Kant là nhà triết học ảnh hưởng rất lớn lên thế giới, đặc biệt lên nước Đức trong thế kỷ 19, giai đoạn dựng nước sau khi bị Napoleon đánh bại vào đầu năm 1806. Các trí thức, công chức nhà nước, giới khoa học Đức, đều là những môn đệ của Kant. Chính giới công chức khai sáng này đã giúp Phổ lội ngược dòng để trở thành một cường quốc châu Âu cuối thế kỷ 19. Ý tưởng Đại học Berlin, mô hình đại học nghiên cứu Đức và được trao cho W. Humboldt thành lập năm 1810, nhằm “lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những tổn thất vật chất”, là công trình của giới công chức khai sáng, các nhà tân nhân văn và giới triết học Đức, không phải của những nhà giáo dục. Einstein cũng từng đọc Kant ở tuổi 14, và đọc nhiều lần cho đến khi ông hiểu ra. (Xem sách Nước Đức Thế kỷ XIXEinstein, và sách Đại Học)

Nếu ai hỏi, Việt Nam là đất nước được khai sáng hay chưa, như người ta từng hỏi Kant rằng thời đại của ông có phải là thời đại được khai sáng hay chưa, thì tôi xin phép có ý kiến như sau: Việt Nam đang sống trong một vùng có nhiều khai sáng phương Tây lẫn châu Á rất phong phú và mời gọi, đang có một số hạt giống khai sáng nhất định trong xã hội, nhưng thực sự chưa có một critical mass, một khối lượng đáng kể của giới tinh hoa khai sáng mà một cuộc chấn hưng đất nước đòi hỏi phải có nếu muốn thành công.

Muốn có khai sáng, cần phải có óc tò mò và tinh thần tự học, cần có văn hóa đọc và nghiên cứu phát triển, và tự sử dụng cái đầu của mình. Một quyển sách khai sáng hay mà hiện nay bán ra chỉ được vài nghìn bản, so với hàng vạn bản trong thời Tokugawa, hàng trăm nghìn, hay có khi tới hàng triệu bản trong thời Minh Trị Duy Tân với dân số lúc đó chỉ khoảng 1/3 dân số VN hôm nay, thì không thể đạt được mức độ Khai sáng cần thiết để đất nước có thể gọi là được khai sáng và hành động đổi mới thông minh. Đó là điều bứt bách. Tri thức là sức mạnh, Francis Bacon nói bốn thế kỷ trước. Khai sáng gắn liền với cuộc canh tân để đạt phồn vinh. Chúng ta không thể để mình bàng quang và xa lạ với tri thức để rồi mơ về một sự phồn vinh. Kinh tế thế giới từ rất lâu là kinh tế tri thức. Tri thức, “Sapere aude” phải là động cơ của chấn hưng, như người Nhật từng làm một cách mẫu mực mà nếu không có, chúng ta giống như người đi tìm hạnh phúc trong bóng tối.

Ngọn lửa Aufklärung của Kant vẫn còn cháy, và rất thời sự giữa một thế giới hỗn loạn của fake news và sự tuyên truyền vì lợi ích ích kỷ mà chà đạp lên lý tính. Nếu nhà triết học Đức Jürgen Habermas, một Kantianer chịu ảnh hưởng lớn của Kant, đã chỉ ra rằng người ta cần phải giữ vững Dự án Khai sáng của Kant sau những biến động tồi tệ nhất của thế kỷ 20, thì hôm nay thế giới lại càng phải làm như thế. Những đóng góp mang tính đột phá của Kant cho thời kỳ Khai sáng, những suy ngẫm của ông về đạo đức, sự giải phóng con người, nhận thức luận và luật pháp quốc tế vẫn được coi là những điểm tham chiếu cho các cuộc tranh luận mang tính định hướng ngày nay. Việt Nam lại càng có nhiều lý do để học hỏi.

 

Nguyễn Xuân Xanh

Tham luận được trình bày tại Hội thảo Kỷ niệm 300 Năm Immanuel Kant và Thời đại khai sáng - Con người, ảnh hưởng và di sản, tổ chức ngày 19.7.2024 tại trường Đại học Văn Lang, đăng lại tại website của tác giả, ngày 21.7.2024.

Thông tin truy cập

62497160
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10864
20575
62497160

Thành viên trực tuyến

Đang có 352 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website