Abe Kobo: Một phong cách Hiện thực huyền ảo mang tính toàn cầu

          Lê Ngọc Phương (*)

1.      Abe Kobo và những sáng tác mang biểu hiện của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo

Theo Phạm Vũ Thịnh: “Trước Murakami Haruki trên 20 năm, Abe Kobo đã được biết đến như một tác gia Nhật Bản nổi tiếng quốc tế về các tác phẩm vượt khỏi mỹ quan truyền thống Nhật Bản, sáng tạo mới mẻ, dùng nhiều ẩn dụ, ngụ ngôn, nhiều hình tượng cụ thể hay siêu thực để diễn tả nội tâm và tiềm thức của con người bị tha hoá, vong ngã trong xã hội đô thị càng ngày càng tiện lợi và máy móc” [1]. Quả thật, như Phạm Vũ Thịnh từng nhận xét, bên cạnh những yếu tố thuộc về hiện thực, sáng tác của Abe Kobo chứa đựng rất nhiều chi tiết ngụ ngôn, nhiều hình tượng kỳ ảo, “phi thực”. Chính vì vậy, nhiều học giả thế giới thường xếp ông vào chủ nghĩa siêu thực hoặc nhóm văn chương khoa học viễn tưởng. Theo quan điểm của chúng tôi, sáng tác của Abe Kobo mang nhiều biểu hiện của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo, một trào lưu có sức lan tỏa lớn mạnh trên nhiều khu vực vào nửa sau thế kỷ XX.

Trước hết, về Abe Kobo 安部 公房. Ông tên thật là Abe Kimifusa (Kobo là âm Hán-Nhật của chữ Kimifusa 公房), (1924-1993) – là nhà văn thuộc thế hệ hậu chiến, là một trong những đỉnh cao nhất trong văn chương Nhật Bản hiện đại. Ngoài viết văn, ông còn là kịch tác gia, đạo diễn phim và là nhà ngôn ngữ học. Abe Kobo sinh ra ở Tokyo, nhưng lớn lên ở Mãn Châu, sau đó về Nhật Bản theo học và tốt nghiệp y khoa, đại học Tokyo năm 1948. Sau khi nước Nhật bại trận và cha của ông chết, ông sống cuộc đời nghèo túng nhưng vẫn nỗ lực viết văn và bỏ tiền túi in tác phẩm của mình. Abe Kobo đã không theo đuổi nghề y như cha và như những gì ông đã được đào tạo ở trường đại học, trái lại ông quyết định lập nghiệp bằng văn chương.

Abe Kobo sáng tác từ năm 1943 nhưng những sáng tác đầu tay của ông đến năm 1947 mới công bố rộng rãi, có thể kể đến: Mumei Shishu (Tập thơ không tên, 1947) và Owarishi michi no shirube ni (Trên cột mốc ở đường cùng, 1948), Dendrocacalia (Cây dendrocacalia, 1949). Đặc biệt, tác phẩm Akai Mayu (Cái kén đỏ, 1950) giúp ông đoạt giải thưởng văn học hậu chiến. Sự nghiệp của ông, có thể nói đã được đánh dấu son huy hoàng bằng truyện Kabe—Esu Karuma shi no hanzai (Bức tường—Tội của S. Karma, 1951), khi tác phẩm này đã giành được giải thưởng văn học Akutagawa. Danh giá đã về tay Abe Kobo khi ông mới có 27 tuổi. Sau đó là một loạt tác phẩm mà Abe Kobo liên tục sáng tác như Daishikan Hyôki (Thời kỳ băng hà thứ tư, 1959), Suna no onna (Người đàn bà trong cồn cát, 1962), Tanin no kao (Gương mặt kẻ khác, 1964)… Hầu hết các tác phẩm này đều mới lạ và gây nên tranh cãi trên văn đàn. Abe Kobo cũng sáng tác khá nhiều kịch. Ngoài các vở kịch như Doreigari (Săn nô lệ, 1955), Yuurei wa koko ni iru (Đây có ma, 1958), sau này Abe Kobo còn viết Hako-otoko (Người hộp, 1973), Hakobune sakuramaru (Chiếc thuyền lợp mái tránh lụt tên gọi anh đào, 1984)…

Thế nhưng, phải công nhận rằng, tác phẩm đánh dấu sự thành công vang dội của Abe Kobo trên văn đàn là tiểu thuyết Suna no onna (bản Anh ngữ: Woman in the Dunes) xuất bản năm 1962. Tác phẩm này nhận được giải thưởng văn học Yomiuri đã giúp ông được biết không chỉ trên văn đàn Nhật Bản mà cả văn đàn thế giới. Tiểu thuyết sau này được dịch ra nhiều thứ tiếng, đoạt giải thưởng Văn học Nước ngoài của Pháp, được quay thành phim và nhận giải thưởng ở Đại hội Phim ảnh Cannes năm 1963. Những thành công này góp phần làm tên tuổi Abe Kobo đến với người hâm mộ trên khắp thế giới. Ông có lẽ là một trong những nhà văn Nhật Bản sớm vượt ra khỏi phạm vi đất nước hoa anh đào và nổi tiếng ở phương Tây. Cũng nhờ sự phổ biến rộng khắp này, Abe Kobo càng củng cố lòng tin, tiếp tục theo đuổi phong cách hiện đại hóa, những yếu tố toàn cầu trong sáng tác của mình.

Trong toàn bộ sự nghiệp của Abe Kobo, có thể thấy ông ứng dụng nhiều tư tưởng nghệ thuật và thủ pháp tự sự của phương Tây. Trên thực tế, chính Abe Kobo cũng phát biểu: ông gần gũi với các nhà văn phương Tây hơn là các nhà văn Nhật Bản, trong đó ông thường yêu thích yếu tố kỳ ảo, kinh dị của Edgar Allan Poe, kịch phi lý của Samuen Beckett hay tiểu thuyết tâm lý – triết học của Dostoievsky. Đặc biệt, nhà văn ông yêu thích nhất có lẽ là Franz Kafka. Giống như nhà văn Gabriel Garcia Marquez khi đọc Franz Kafka, Abe Kobo ở tại Nhật Bản cũng sửng sốt và bất ngờ trước con đường văn chương thênh thang mà Franz Kafka đã gợi mở. Phong cách triết lý thâm trầm, sâu sắc, những chủ đề chạm đến sự hiện sinh của con người, đặc biệt là lối văn đan xen giữa hiện thực và huyền ảo của nhà văn Tiệp Khắc đã tác động không nhỏ đến Abe Kobo. Những tác phẩm như Dendrocacalia (Cây dendrocacalia, 1949), Akai mayu (Cái kén đỏ, 1950), Maho no choku (Viên phấn phù thuỷ, 1950) hay tác phẩm Kabe—Esu Karuma shi no hanzai (Bức tường—Tội của S. Karma, 1951) đều lấy cảm hứng về sự “hoá thân”, sự biến dạng trong những tác phẩm kinh điển của Kafka.

Lấy ví dụ truyện ngắn Viên phấn phù thủy để thấy sự biểu hiện của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo ở Abe Kobo. Truyện ngắn này của Abe Kobo kể về nhân vật người họa sĩ nghèo Aragon trong cơn đói cùng cực đã phát hiện một viên phấn đỏ trong căn phòng tồi tàn và trống rỗng của mình. Anh ta dùng viên phấn vẽ bậy bạ trên tường hình ảnh quả táo, miếng bánh mì bơ, cốc café… Vì đói, anh ta lim dim buồn ngủ. Khi mở mắt ra Aragon phát hiện xung quanh đầy những táo, bánh mì, bơ đường, thìa, dao, đĩa lót… giống như những gì anh vẽ. Sau khi ngạc nhiên cực độ, Aragon đã ăn lấy ăn để mấy thứ đó. Anh phát hiện ra viên phấn đỏ này có thể làm thay đổi vận mệnh của mình. Anh ta vẽ tiếp chiếc giường và chợp mắt trên chiếc giường êm ái đó. Tuy nhiên, sáng hôm sau tỉnh dậy, anh thấy dường như mình rơi từ chiếc giường xuống với bả vai đau ê ẩm. Và xung quanh là dao, nĩa, cốc café, vỏ táo bừa bộn… Niềm hân hoan chẳng qua chỉ là giấc mộng đêm qua. Aragon thấy cơn đói càng dữ dội hơn. Chiều tối hôm sau, Aragon vẽ lên tường những thứ giống hôm qua và quyết tâm chờ đợi phép thuật diễn ra. Mặt trời lặn, màn đêm buông xuống, sương mù hiện ra và từng món đồ ăn bắt đầu xuất hiện. Sợ phép màu sẽ tan biến trước ánh sáng của ban ngày, sáng hôm sau Aragon vội vàng đi mua cái mền len, các tấm giấy dán kín các cửa sổ. Và ở trong căn phòng kín mít đó, anh ta đã thiết kế nên thế giới bao la vô cực của riêng mình. Suốt bốn tuần, anh đã vẽ đủ những hình ảnh, những núi, sông rồi vẽ một Eva thực đẹp dựa trên hình ảnh hoa hậu Nhật Bản in trên tờ báo. Nàng Eva quả thực bước ra từ cánh cửa bí ẩn trên tường và rồi khi biết mình chỉ là sản phẩm từ viên phấn của anh chàng họa sĩ, nàng đã uy hiếp anh ta để quay trở lại thế giới ban đầu của mình. Aragon đã không kiềm lòng được, anh ta đuổi theo người đẹp và bước chân qua cánh cửa chói chang kỳ lạ đó. Và thời khắc đó, anh ta đã bị dán vào bức tường của chính mình. Khi hàng xóm phát hiện ra, Aragon đã không còn nữa. Anh ta đã trở thành một tranh vẽ nằm chồng lên hình ảnh Eva trên tường. Một giọt nước mắt rơi ra từ con mắt của bức tranh mà Aragon đã biến thành. Đâu đó người ta nghe thấy tiếng thì thầm: “Kẻ tạo lại thế giới không phải là viên phấn”…

Truyện ngắn Viên phấn phù thủy ngay từ tựa đề rõ đã mang những yếu tố huyền ảo. Những gì viên phấn thần kỳ tạo ra phải chăng là một thế giới khác, hay chúng chỉ là ảo giác của người họa sĩ trong cơn đói vật chất và đói cả những tác phẩm của mình? Aragon đã chết giữa những điều phi phàm kỳ diệu hay thực ra là chết giữa lý tưởng nghệ thuật của mình với mong muốn được sáng tạo nên một thế giới hoàn hảo? Chi tiết huyền ảo về viên phấn thần kỳ được sử dụng nhằm chuyển tải thông điệp về bi kịch của người nghệ sĩ trong đời sống phàm tục và khát vọng sáng tạo của anh ta. Câu chuyện đặt ra những vấn đề của thực và mơ, vấn đề của đời sống và nghệ thuật…

Không chỉ tác phẩm Viên phấn phù thủy, nhiều sáng tác của Abe Kobo cũng chứa đầy yếu tố lạ lùng này. Chẳng hạn tác phẩm Daiyon kampyōki (Inter Ice Age 4 / Thời kỳ băng hà thứ tư) lấy bối cảnh viễn tưởng về đất nước Nhật bị chìm ngập dưới nước tan chảy từ băng sơn Bắc cực, nơi đó, con người tìm cách thích ứng với hoạn nạn bằng cách sáng tạo nên những thiết bị và những người máy sống được trong biển nước mênh mông. Hay tác phẩm Kangaruu no-to (Kangaroo Notebook / Sổ tay Kangaroo, 1991) kể chuyện một tư chức đột nhiên thấy có mầm cây mọc ra từ chân mình. Ông ta nhập viện viện và được điều đến căn phòng với chiếc giường bệnh kỳ diệu. Trên chiếc giường đó, ông ta được đưa đến nhiều nơi chốn siêu thực, nhưng đây không phải là một thế giới thần tiên của Alice mà là mê cung xã hội khắc nghiệt trong đó con người bị cô lập và đánh mất bản ngã.

Trong quãng đời sáng tác của mình, Abe Kobo đã thử nghiệm nhiều lối viết khác nhau. Dẫu vậy, chiếm phần không nhỏ trong sáng tác của Abe Kobo vẫn là những yếu tố vừa thực vừa ảo, vừa có thật, vừa viễn tưởng, cũng giống như sự tồn tại vừa hợp lý, vừa phi lý của thân phận con người. Trên tinh thần của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo, chi tiết “phi thực” trong tác phẩm Abe Kobo quả thực không hoàn toàn cổ tích, không kỳ ảo đến mức độ khó tin. Chúng thường dựa trên căn cứ khách quan của hiện thực, đồng thời vẫn cuốn hút người đọc vì sự diệu kỳ. Chúng khiến người lưỡng lự trước sự tin hay không tin ở câu chuyện. Chúng tôi gọi đó là biểu hiện của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo xuất hiện trong sáng tác của Abe Kobo.

Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo vốn được xem như thành tựu của văn học châu Mỹ Latinh, trải dài từ thập niên 40 cho đến thập niên 60 – 70 của thế kỷ qua. Những thời điểm chín muồi nhất của Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh được đánh dấu bởi thế hệ tiên phong và thế hệ bùng nổ (trào lưu Boom) với những tên tuổi như: Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez, Carlos Fuentes hay Julio Cortazar… Trên thực tế cùng thời điểm đó, ở phương Đông, đặc biệt là Nhật Bản cũng xuất hiện những nhà văn sử dụng thủ pháp đan bện thực và ảo, tạo nên cảm giác về sự mơ hồ bí ẩn, sự lưỡng lự trong đoán định của người đọc. Hiện tượng văn học này như một hệ quả chung của thế kỷ XX, thế kỷ có quá nhiều thay đổi: chiến tranh thế giới, sự sống mong manh và niềm tin bị mai một, tất cả đã khiến cho chất cảm tính và sự lưỡng lự, mơ hồ bắt đầu trội lên và thống lĩnh đời sống lẫn nghệ thuật. Ý thức và lý tính của con người đứng trước sự vỡ mộng và sụp đổ. Chất huyền ảo thay thế cho tinh thần duy lý đang đến hồi suy vong.

Bắt đầu từ thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, tính mơ hồ, “siêu thực” đã lan tỏa trên các sáng tác phương Tây lẫn phương Đông. Ở Nhật, tác phẩm mang yếu tố huyền ảo của Akutagawa, Y. Kawabata, Abe Kobo có thể nói là đồng thời, thậm chí một vài tác phẩm Nhật theo phong cách “phi hiện thực” còn xuất hiện trước cả thế hệ đỉnh cao (trào lưu Boom) của Mỹ Latinh. Chỉ có điều, sáng tác của các nhà văn Nhật không tạo thành một trào lưu mạnh mẽ, không xuất hiện đồng loạt trên văn đàn. Các nhà văn Nhật cũng không tập hợp dưới một ngọn cờ, không thành lập tuyên ngôn. Ngoài lối viết thực - ảo, họ còn tiếp thu các thủ pháp khác nhau để làm mới văn chương nước nhà.

Mặc dù không đặt tên trường phái và tuyên ngôn, điểm chung của những cây bút này (từ Akutagawa, Y. Kawabata, Abe Kobo đến Kenzaburo Oe, H. Murakami, Y. Banana…) vẫn là sự thể hiện một lối viết mơ hồ nằm giữa các ranh giới khiến người đọc lưỡng lự và hồ nghi: liệu câu chuyện là thực hay là ảo? Tình tiết lấp lửng, cái kết bỏ ngỏ và cách kể chuyện kiệm lời của tác giả khiến người đọc rơi vào tình thế phân vân. Những đặc điểm này là biểu hiện của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo. Tuy nhiên, mỗi khu vực mỗi khác, Hiện thực huyền ảo Nhật Bản vừa có những nét tương đồng vừa có những nét khác biệt với Hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latinh.

Trong số các nhà văn Nhật Bản hiện đại, có lẽ Abe Kobo và Murakami Haruki là những đại diện sử dụng thường xuyên nhất lối viết pha lẫn giữa hiện thực và huyền ảo. Sinh thời, Abe Kobo không tự gọi mình là nhà văn Hiện thực huyền ảo bởi thuật ngữ này chưa thông dụng vào thời điểm đó. Đáng nói là, ở những tác phẩm mang khuynh hướng Hiện thực huyền ảo của Abe Kobo, tính hiện đại mạnh hơn tính truyền thống, tính nhân loại đậm hơn tính dân tộc. Ngay trong những sáng tác mang đặc trưng của Hiện thực huyền ảo, Abe Kobo đã ý thức tách mình ra khỏi văn học cổ điển Nhật Bản. Trong lối hành văn cũng vậy, Abe Kobo thích lối văn khô khan nhưng hàm súc và khoa học. Ông không mang lối viết tinh tế đầy biểu tượng, thấm đẫm tình cảm và lý tưởng thẩm mỹ như những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn bấy giờ. Có lẽ lối hành văn này giúp Abe Kobo là một trong những tác gia Nhật được dịch rộng rãi ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Abe Kobo là một phong cách trẻ trung, những yếu tố vượt thoát truyền thống văn học của dân tộc.

2.      Những yếu tố hiện đại, mang tính toàn cầu trong phong cách Hiện thực huyền ảo của Abe Kobo

2.1.            Chất huyền ảo lấy cảm hứng từ thành tựu khoa học

Abe Kobo và hầu như đa số những nhà văn Nhật Bản, xuất thân là thành phần trí thức có trình độ cao, tốt nghiệp ở những trường đại học danh giá nhất của cả nước. Đặc biệt Abe Kobo được đào tạo từ đại học Y khoa, nên ông không xa lạ với những thành tựu của khoa học và y học. Có nhận xét rằng: “tiểu thuyết và kịch bản của Abe Kobo được xây dựng trên những quan sát tinh tế đặc trưng của một y sĩ giải phẫu, chữ nghĩa uyên bác của một nhà khoa học, và biểu hiện độc đáo” [2]

Rất nhiều tác phẩm của Abe Kobo cho thấy sự áp dụng những thành tựu khoa học. Với tiểu thuyết Khuôn mặt người khác, Kobo Abe đã sáng tạo nên một câu chuyện thực được đan cài với những chi tiết vừa huyền ảo, vừa thuyết phục. Câu chuyện kể về nhân vật là người đàn ông không có tên, là chủ nhiệm một phòng nghiên cứu hóa chất cao phân tử tại một viện khoa học. Trong lúc thí nghiệm đã xảy ra vụ nổ oxy lỏng, khuôn mặt anh bị hủy hoại với những sẹo lồi trông rất ghê tởm. May mắn là anh không bị ảnh hưởng đến mắt nhờ đeo kiếng. Bề ngoài, anh cố giữ được vẻ bình thản với khuôn mặt bị biến dạng, nhưng tất cả chỉ là sự giả tạo cố che giấu sự đau đớn và tuyệt vọng bên trong. Trong anh luôn bùng nổ những cơn bão của tâm trạng dằn vặt, suy tư dữ dội, luôn đau khổ và mặc cảm, hoài nghi ở thái độ mọi người đối với bộ mặt kỳ dị của mình. Anh nghi ngờ cả sự gần gũi chăm sóc của người vợ vẫn chung sống cùng anh sau khi anh bị tai nạn.  Đứng trước biến cố đó, anh đã âm thầm tìm cách nghiên cứu và đã chế tạo thành công một bộ mặt nạ hoàn toàn giống mặt người, có khả năng biểu cảm linh hoạt như gương mặt thật. Anh giữ bí mật sự việc và nuôi dưỡng ý định dùng bộ mặt nạ thử thách tình yêu của vợ mình. Nhưng sự thực là khi sử dụng bộ mặt nạ thay cho khuôn mặt tàn tật của mình, anh nhận thấy mình đã biến thành một người khác. Mọi hành động, suy nghĩ, nói năng và cả đến nhu cầu tình cảm, sinh lý… đều thuộc về một người khác, một “khuôn mặt người khác”. Thế nhưng, nếu lột bỏ mặt nạ ra, anh phải trở về với diện mạo tàn tật của mình. Và anh đã mắc kẹt giữa điều đó.

Với “khuôn mặt người khác”, anh đã cố tình quyến rũ bằng được vợ mình để rồi sau đó, anh lại vô cùng đau khổ tin chắc rằng nàng đã bị “con người khác” ấy làm cho sa ngã. Mối quan hệ giữa anh và vợ ngày càng rơi vào bi kịch. Anh quyết định để cho vợ mình biết sự thật. Người vợ, sau khi đọc hết những dòng ghi chép kinh khủng của anh, đã bỏ ra đi. Nàng để lại một lá thư, trong đó nàng viết rằng: bộ mặt nạ ấy chính là bộ mặt thật của anh, còn bộ mặt anh vẫn có chỉ là mặt nạ mà thôi. Nàng không thể chịu đựng nổi màn kịch giả dối, một vở kịch hài hước và một con người chỉ biết có bản thân mình như anh.

Tác phẩm kết thúc để lại sự day dứt ở người đọc: liệu cô vợ có biết được sự thực trước khi xem ghi chép của người chồng không? Cô ta không nhận ra chồng mình, hay cố tình giả vờ không nhận ra? Liệu người chồng có trở lại thành chính mình, hay anh ta tiếp tục sống với chiếc mặt nạ ấy? Chỉ biết tác phẩm kết thúc, anh chỉ còn lại một mình, vô cùng cô độc và bất lực trong nỗi phẫn uất cùng cực đối với cả xã hội và cuộc sống đang vây quanh mình…

Câu chuyện lấy cảm hứng từ đời sống hiện đại của con người. Chính những thí nghiệm khoa học hiện đại đã lấy đi gương mặt nguyên thủy của anh. Và rồi, cũng chính sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mang đến một diện mạo mới cho anh, mang đến cho anh một sự sống mới, đồng thời là một số phận mới. Tình tiết người chồng sáng chế được một chiếc mặt nạ hoàn hảo y như thật là yếu tố không thực, xuất phát từ thành tựu khoa học mà Abe Kobo có dịp tiếp cận. Nếu không từng quan tâm đến khoa học, có lẽ ông sẽ khó nảy ra cái tứ của tiểu thuyết này.

Không chỉ tác phẩm Khuôn mặt người khác, Abe Kobo còn có nhiều sáng tác khác mang yếu tố khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn tác phẩm Daiyon kampyōki (Inter Ice Age 4 / Thời kỳ băng hà thứ tư, 1959) đã nói ở trên. Tác phẩm được đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí Sekai (Thế giới) từ 1958 đến 1959 cũng thể hiện yếu tố huyền ảo như thế. Truyện có bối cảnh nước Nhật bị đe doạ chìm ngập dưới nước tan chảy từ băng sơn Bắc cực, nhân vật chính khai phát một chương trình máy tính dự đoán việc chế tạo những đứa trẻ có cơ thể được thiết kế thay đổi cho thích ứng với đời sống trong nước biển. Mặc dù là người sáng tạo ra chương trình này, nhưng ông chống đối việc đứa con sắp sinh của mình bị chọn vào kế hoạch thay đổi cấu tạo ấy. Câu chuyện đặt ra vấn đề về sự phát triển khoa học và đạo đức, tâm lý con người. Trong một xã hội hiện đại, nơi mà thành tựu khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, liệu nhân tính con người có bị thoái hóa, liệu con người có bị biến thành một thứ chương trình, một thứ máy móc trong xã hội hiện đại?

Trong một tác phẩm khác, Hako otoko (The Box Man/ Người đàn ông trong hộp giấy, 1974), Abe Kobo kể về nhân vật chính không có tên gọi, đã từ bỏ nhân dạng/căn cước của mình, rời khỏi sinh hoạt thường ngày và bắt đầu sống trong một hộp giấy bìa cứng rộng lớn. Anh ta quan sát thế giới quái kỳ ở Tokyo qua lỗ dòm cắt trên hộp giấy mà anh ta đội lên đầu. Đây cũng một tác phẩm đặt ra vấn đề nhân tính của con người trong xã hội kỹ trị.

Không chỉ miêu tả sâu sắc những hình tượng con người – vật hóa trong xã hội công nghệ cao, Abe Kobo còn áp dụng tinh thần khoa học trong khi phân tích tâm lý nhân vật. Là một y sĩ, Abe Kobo giải thích những vấn đề từ góc độ tâm sinh lý, ý thức và tiềm thức. Ông nhuần nhuyễn với lối kể chuyện bằng dòng ý thức. Ông chuyển tải tâm lý con người bằng những những ẩn dụ, ngụ ngôn, bằng những dạng thức chuyển hoá (hay “hoá thân”, “biến hình”). Trong hình thức của sự ẩn dụ hay ngụ ngôn, Abe Kobo gửi gắm những tâm lý ẩn khuất của con người vốn được chôn kín dưới tầng ý thức. Ông chú trọng đến ảnh hưởng của tiềm thức và vô thức trên hành vi của con người. Trong truyện ngắn Kake (Đánh cuộc), Abe Kobo viết: “Nói gì đi nữa, những quảng cáo kích thích vào tiềm thức người ta thì có tác dụng mạnh nhất. Để được như thế, sáng kiến quảng cáo cũng phải nảy sinh từ vô thức mới có được sức thuyết phục”. Nhờ tôn trọng đời sống vô thức, Abe Kobo đã đào sâu vào tâm linh con người và sớm sáng tạo những tác phẩm thành công.

2.2.            Đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh phổ quát

Con người bị tha hóa trong xã hội tư bản là đề tài quen thuộc trong sáng tác của Abe Kobo. Có thể nói, văn học Nhật Bản thế kỷ XX vốn chia ra nhiều dòng chảy khác nhau. Dòng chảy truyền thống có Mishima Yukio, Akutagawa Ryunosuke, Tanizaki Junichiro, Kawabata Yasunari… mang khuynh hướng tìm về cái đẹp truyền thống để khám phá bản ngã mình và thế giới. Trong khi đó, dòng chảy hiện đại có Abe Kobo, Oe Kenzaburo, Ibuse Masuji… thường miêu tả những thảm kịch con người bằng quan niệm nghệ thuật mới mẻ.

Trước nhà văn Kenzaburo, từ thập niên 50, Abe Kobo đã trăn trở vô hạn trước chủ đề này. Abe Kobo qua những tác phẩm như Con thuyền Sakura, Người đàn bà trong cồn cát đã khắc họa sự phi lý của thân phận người qua hình tượng căn hầm trú ẩn bom nguyên tử hạt nhân hay qua một hố cát cô đơn ngăn cách với thế giới… Đề tài của Abe Kobo thường là sự cô lập, tha hoá của con người. Áp lực của tha nhân, của cộng đồng và của đời sống kỹ trị đã khiến con người vong thân, đánh mất căn cước bản ngã, và trở nên bất lực trong việc giao tiếp với người khác. Xã hội vì thế trở nên vô cảm, quái gỡ, kỳ dị. Cá nhân con người hoặc là chạy trốn khỏi xã hội đó, hoặc là tự giam hãm mình lại trong cái hộp kín, ngăn cách với thế giới bên ngoài.

Những sáng tác của Abe Kobo thường đặt nhân vật vào mê cung hoặc trong không gian bó hẹp. Chẳng hạn tác phẩm như Người đàn bà trong cồn cát, Bản đồ cháy rụi, Người đàn ông trong chiếc hộp cũng không ít chi tiết huyền ảo khắc họa bản chất của cuộc hiện sinh. Những chi tiết này nhằm thể hiện sự hiện sinh phi lý và nhọc nhằn của con người. Thế nhưng, Abe Kobo cũng nhìn thấy rằng, phi lý và nhọc nhằn là sự ý nghĩa của cuộc đời này.

Khoét sâu vào những vô lý của cuộc sinh tồn, phong cách hiện thực huyền ảo của Abe Kobo thường được so sánh với Franz Kafka trong văn học thế kỷ XX. Tác phẩm của Abe Kobo tạc nên một nhân gian thu nhỏ trong đó con người đủ đầy những bất hạnh lẫn hạnh phúc. Nơi đó, con người đã đến không chủ đích, nhưng rồi, họ đã lựa chọn sự ở lại, chấp nhận và sống với số phận của mình.

Ngoài ra, Abe Kobo còn đặt ra vấn đề của bản sắc, căn cước, nhân tính của con người. Chẳng hạn, trong Khuôn mặt người khác, nhân vật chính muốn dùng chiếc mặt nạ để khôi phục lại sự tự tin, giành lại chính bản thân mình. Thế nhưng trong quá trình đó, anh đã đánh mất con người thật và từ đó đánh mất tình yêu và hạnh phúc. Anh đối mặt với sự cô lập và tha hóa vong thân! Từ vấn đề bản ngã và tha nhân nơi con người, Abe Kobo mở rộng đến vấn đề bản sắc của quốc gia, châu lục. Sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và huyền ảo đã giúp Abe Kobo chuyển tải thông điệp lớn lao về nhân sinh và dân tộc.

Có thể thấy, văn chương thế kỷ XX mang đầy yếu tố huyền ảo - “phi thực”, thế nhưng, tính chất này đã biến đổi và phân hoá theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Theo Lê Nguyên Long, thế kỉ XX có ít nhất hai khuynh hướng lớn, dựa trên mức độ đậm đặc khác nhau của “cái-không-thực”. Khuynh hướng thứ nhất “phát huy tối đa trí tưởng tượng để phục vụ đối tượng độc giả là trẻ em nói riêng và những độc giả của thời đại kĩ trị nói chung” [3]. Khuynh hướng này đáp ứng nhu cầu giải trí thuần tuý, thoát khỏi thế giới thực hàng ngày đầy bận rộn và căng thẳng với các tác phẩm như The Lord of the Rings, Harry Potter, Eragon – cậu bé cưỡi rồng, Chạng vạng… Ở khuynh hướng này, cái kỳ ảo đã đi đến ranh giới của sự tưởng tượng rất phóng túng. Ngược lại, khuynh hướng thứ hai “tiết giảm tính chất tưởng tượng bay bổng kì diệu, đồng thời kết hợp cái kì ảo với cái phi lí, cái phi thực, khai thác tính chất triết học của cái kỳ ảo” [4]. Với khuynh hướng này, những hư ảo kết hợp thực tại nhằm phản ánh sự bí ẩn không thể cắt nghĩa nổi trong chính sự hiện sinh của con người. F. Kafka, J. Joyce, Thomas Mann, L. Borges, G. Marquez, Murakami, M. Bulgakov, V. Pelevin,… chính là những bậc thầy. Và ở Nhật Bản, Abe Kobo là một đại diện của khuynh hướng Hiện thực huyền ảo mang tính triết học trên.

Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô đã viết về Kobo Abe như sau: “Kobo Abe, nhà văn hiện đại Nhật Bản. Đề tài quen thuộc của ông là mối quan hệ ghẻ lạnh giữa cá nhân và xã hội ở xã hội tư bản, trong đó, cá nhân luôn là một thực thể tồn tại đối lập và xa lánh xã hội, hoài nghi xã hội và hoài nghi, phủ nhận ngay cả sự tồn tại của bản thân mình. Tác phẩm Kobo Abe mang nặng màu sắc triết lý, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực với viễn tưởng và hấp dẫn bởi sự phân tích tâm lý tinh tế, sự mổ xẻ tài tình các khía cạnh phức tạp của nội tâm nhân vật và trình bày chúng dưới dạng những hình tượng văn học phong phú, giàu sức thuyết phục. Các tình tiết được miêu tả tưởng chừng nhỏ nhặt, cụ thể, nhưng hàm chứa một ý nghĩa xã hội rộng lớn. Và, qua những bi kịch cá nhân, là các vấn đề xã hội không kém phần quan trọng, bức bách” [5]

Trong phong cách sáng tác độc đáo của Abe Kobo, nổi bật nhất là tư tưởng và những triết lý sâu sắc về sự tồn tại mỏng manh phi lý của con người giữa đời sống hiện đại, sự xa lạ với chính mình và với tha nhân. Ở giữa sự phi lý, kỳ dị đó, thân phận con người được miêu tả giống như một quá trình không có khởi đầu và kết thúc, không còn tồn tại không gian và thời gian. Ở đó con người cảm nhận rõ nét nỗi cô độc, lạc loài.

2.3.            Lối hành văn hiện đại

Hầu hết các câu chuyện của Abe Kobo đều được kể với một lối tự sự có vẻ khô khan và dung dị nhưng chứa đựng sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi sự sâu sắc của trí tuệ, tính suy tư triết lý xuyên suốt những trang viết của ông. Các tiểu thuyết và truyện ngắn của Abe Kobo đều mổ xẻ khía cạnh tâm hồn con người với những chuyển biến cực kỳ tinh tế và cho thấy trạng thái sống động của tinh thần con người. Nhờ đó, tác giả đặt ra nhiều điều đáng suy tư đối với người đọc.

Có thể thấy, Abe Kobo là một trường hợp đối ngược với Yasunari Kawabata. Trong khi Kawabata là đại diện tiêu biểu của dòng văn học truyền thống, mang trong mình truyền thống Nhật Bản ở tư tưởng thẩm mỹ lẫn lối viết tinh tế ảo diệu thì Abe Kobo thuộc dòng chảy hiện đại, lựa chọn sự thoát ly, sự tách khỏi văn chương cổ điển của nước nhà. Sáng tác của Abe Kobo gần gũi với Rilke, Kafka và Poe. Ông yêu chuộng sự chặt chẽ trong cấu trúc tự sự. Ông yêu chuộng lối hành văn với ngôn ngữ khô khan nhưng chính xác. Điều đó tương phản với thị hiếu thẩm mỹ lúc bấy giờ. Cho nên, Abe Kobo không phải lúc nào cũng được yêu thích ở Nhật Bản.

Người ta vẫn xem Abe Kobo là một “nhà văn quốc tế” (dẫu ông không thích lối nhận định này). Quả thật là tác phẩm của Abe Kobo không mang nhiều bóng dáng của hoa anh đào và cũng không mấy liên quan đến Fuji trắng tuyết. Tính cách nhân vật của ông cũng không hoàn toàn “thuần Nhật”. Nhân vật của ông là cư dân của những thành phố hiện đại, của các xứ công nghiệp phát triển nói chung. Với tư tưởng triết lý tiềm tàng trong câu văn và cách viết mới mẻ, Abe Kobo dẫn dắt văn học Nhật Bản đến với công chúng thế giới. Người ta thường so sánh Abe Kobo với Franz Kafka và Samuel Beckett. Tác phẩm của Abe Kobo được dịch sang ngôn ngữ khác nhiều hơn các nhà văn Nhật khác, dù hoạt động văn học của ông chỉ bắt đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là ở khả năng toàn cầu hóa và hiện đại hóa của Abe Kobo.

Abe Kobo đã dẫn lối các nhà văn Nhật Bản sau này tiếp tục hòa nhập vào con đường văn chương nhân loại.

____________________                                                                               

 

[1], [2] Phạm Vũ Thịnh, Abe Kobo: Tác gia Nhật Bản đương đại, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=FC1E58C519A66783A1F0DF7DD128254D?action=viewArtwork&artworkId=7714

[3], [4] Lê Nguyên Long, “Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 9 - 2006, trang 40, 44

[5] Trích theo http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/4745/khuon-mat-nguoi-khac

                                                                                                             



(* ) ThS – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

Thông tin truy cập

60521312
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2805
10018
60521312

Thành viên trực tuyến

Đang có 170 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website