Dấu ấn Thiên Chúa giáo trong văn xuôi Mỹ Latin hiện đại

20170802. VH Mylatin

1. Cuộc hôn phối của Mỹ Latin và nhà thờ Thiên Chúa giáo

Tân thế giới là giấc mơ của không chỉ Châu Âu mà còn của cả nhà thờ Thiên Chúa giáo. Thế kỷ XVI, các nhánh Cơ Đốc giáo như Luther, Calvin, Thanh giáo và nhiều nhóm Phúc Âm khác xuất hiện; cảm nhận rõ rệt một sự phân ly thần học có thể làm lung lay thế quyền, triều đình Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã chơi trò may rủi và cược hết vào nhà thờ Công giáo La Mã ở thuộc địa. Bắt đầu bằng Đường ranh giới 1493, Giáo hoàng Alexander VI đã đạt được thỏa thuận với vương triều Iberia - cấm tất cả các nhánh tôn giáo khác truyền đến Tân thế giới ngoài hệ thống thừa sai của mình (thanh tra Moscote xuất hiện ở làng Macondo trong Trăm năm cô đơn cùng với cha xứ). Cùng cách đó, tôn giáo đa thần cổ xưa của các nền văn minh Inca, Maya, Aztec bị xóa sổ bằng vũ lực để dọn đường cho công cuộc cải đạo. Kết quả là những tàn dư tín ngưỡng cổ đại cũng phải tìm đường hoà vào thành một bộ phận trong cấu trúc chung của nhà thờ Công giáo La Mã - nay không còn là hệ thống tín điều ngoại lai mà đã là niềm tin và hệ hình đạo đức, tin thần yêu nước của dân cư Mỹ Latin.

Thiên Chúa giáo ở Mỹ Latin là trường hợp hoá thạch ngoại biên điển hình của trung tâm Châu Âu. Thiên Chúa giáo trầm tĩnh ở phương Tây đã trở nên sống động hơn bao giờ hết ở vùng đất mới: Ở Mỹ Latin, nhà thờ được trang hoàng rực rỡ hơn, các tượng thánh được khoác phục trang lộng lẫy hơn, các cuộc rước tượng thánh trở nên hoành tráng, náo nhiệt và nhiều cảm xúc hơn. Lòng kính sợ Thiên Chúa kết hợp với tín ngưỡng Châu Phi trở thành một tình yêu nồng nàn dành cho hệ thống các thánh mà đặc biệt nhất là Đức Mẹ - người mẹ bao dung và cũng là cầu nối đưa những người dân bản xứ đa thần, những đứa con lai cô đơn và những người da trắng ly hương đến với một sức mạnh tinh thần phổ quát kết nối họ cùng nỗ lực để biến giấc mơ thành hiện thực. Niềm tin thần học này đưa cư dân Mỹ Latin đến một thực tại nơi người ta xem nhẹ những phương tiện vật chất bên ngoài mà hướng đến đạo đức và giá trị tinh thần tựa như những tổ tiên xa xưa của họ từng sinh sống trên mảnh đất này.

Văn học Mỹ Latin, vì thế, mang đậm dấu ấn Thiên Chúa giáo. Không kể đến các bức thư gửi về Châu Âu của những kẻ khám phá và nhà truyền giáo thì văn học Mỹ Latin cũng tìm thấy đỉnh cao của mình dưới mái vòm nhà thờ, nơi ấy cất lên tiếng của Nàng Thơ Thứ Mười, là Phượng hoàng của Châu Mỹ: sơ Juana Inés de la Cruz (1651-1695) với những bài thơ phổ thánh vịnh thánh ca. Kịch tác gia nổi tiếng người Peru Juan de Espinosa Medrano (1632-1688) không ngẫu nhiên được biết đến qua kịch truyền giáo: El hijo pródigo (Đứa con hoang đàng). Olavo Bilac (1865-1918) với tuyên ngôn nghệ thuật của mình cũng: “Rời xa những con đường gió bụi khô cằn, Tìm chốn nương tựa nơi tu viện nhà Chúa…”. Thần học Thiên Chúa giáo trở thành nguồn mạch chảy qua những trang thơ Gabriela Mistral, ghé vào Hàng hiên Đức Chúa với câu chuyện Ngài tổng thống của Miguel Angel Asturias, rồi bùng lên với Vụ nổ trong nhà thờ của Julio Alejo Carpentier… kết tinh với tên tuổi Gabriel Garcia Marquez – người giới thiệu Mỹ Latin đến với thế giới bằng tác phẩm Trăm năm cô đơn.

Có thể nói Trăm năm cô đơn được dệt nên bằng những sợi chỉ rút ra từ Kinh Thánh. Toàn bộ câu chuyện của dòng họ Buendia cùng làng Macondo như một bản thu nhỏ lịch sử loài người từ Sáng Thế Ký đến Sách Khải Huyền. Không gian Macondo biệt lập và được tìm thấy như một thị kiến từ giấc mơ, làng mang dấu khởi nguyên và chung cục bằng trận hồng thủy – mưa lớn. José Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán như Adam và Eva vì “nếm trái cấm” bị nguyền rủa nên phải rời bỏ vườn Eden và bắt đầu hành trình gian khổ với sự giúp đỡ của Melquiades (tư tế Melchizedek)… Trăm năm cô đơn vĩ đại không chỉ ở bản thân nó mà quan trọng hơn là tiếng nói của châu lục, của Mỹ Latin trước gắn kết lịch sử và lựa chọn định mệnh của đời sống và văn học.

 

2. Chú ngựa hoang Mỹ Latin và Lỗ Kim nước trời

Đắm trong thần học Thiên Chúa giáo nhưng Mỹ Latin đã chọn cho mình riêng một con đường, đó là Thần học Giải phóng.

2.1. Thần học Giải Phóng

Ra đời như một phản biện trật tự cũ, Thần học Giải Phóng (cũng như Thần học Hy Vọng, Thần học Phát Triển) là kết quả tất yếu của thời đại và châu lục. Hiện thực Mỹ Latin 1960-1970 đầy biến động và mâu thuẫn sâu sắc trên nhiều bình diện xã hội, tư tưởng: mâu thuẫn giàu nghèo, tăng lữ nghiêng về thiểu số thượng lưu tách xa quần chúng, đời sống nhân dân cơ cực, âm hưởng nước Nga Xô Viết, triết học Marxist… tất cả thúc đẩy hình thành một nhánh thần học quan tâm đến người nghèo và chiêm nghiệm Phúc Âm theo tinh thần giải phóng như Leonardo Boff và Gustavo Gutierrez đề xuất. Manh nha từ những hội thảo 1969, “Thần học Giải Phóng” chính thức được giới thiệu trong Teologia de la Liberación của Gutierrez dựa trên hai điểm: Thượng đế yêu thương mọi người một cách công bằng và không đòi hỏi. Người nghèo được đặc biệt yêu thương. Ông phân biệt ba dạng nghèo nàn: nghèo nàn vật chất, nghèo nàn tinh thần và nghèo nàn tự nguyện; tương ứng có ba loại giải phóng: giải phóng chính trị; nhân loại, tâm lý và giải phóng tội lỗi. Cụ thể, các nhà thần học Giải Phóng muốn đưa Kinh Thánh vào cuộc đời, muốn chống lại bất công xã hội như một sứ mệnh hiện thực hoá tình yêu thượng đế và tha nhân.

Hình mẫu tiêu biểu nhất cho Thần học Giải Phóng trong văn học là những ngài đại tá của G.G.Marquez. Đại tá Aureliano Buendia trong Trăm năm cô đơn là biểu tượng của nỗ lực phi thường và thất bại ngậm ngùi trong mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, giữa khát khao và khả năng, giữa lý thuyết và thực tế. Tác phẩm mở ra với cái nhìn xuyên hai khung thời gian âm hưởng câu đầu tiên trong Sáng Thế Ký gắn với Aureliano Buendia - vị cứu tinh, được mọi người ca tụng như huyền thoại và mang bóng dáng Jesus Christ từ dáng nằm trên giường giang rộng hai tay đến dấu thập tro trên trán 17 đứa con. Quan trọng hơn hết, ông đứng về phía Đảng Tự Do chống lại chính quyền Bảo Thủ lũng đoạn, phát động 32 cuộc chiến, thoát khỏi 14 cuộc mưu sát, 73 cuộc phục kích và từ thiếu niên đến khi về già ông gắn liền với những con cá nhỏ như dấu chỉ riêng mình.

Bên cạnh đó, ngài đại tá già trong Không ai viết thư cho ngài đại tá là góc nhìn cận cảnh về mối quan tâm đến người nghèo khó trong hành trình chờ Đấng Mesiah. Dễ ngộ nhận ngài đại tá già gàn bướng với quá khứ và danh dự nếu không được soi chiếu dưới ánh sáng Thần học Giải Phóng. Ngài cương quyết không bán con gà như nỗ lực kiên trì đấu tranh đòi quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần trong thế giới tao loạn này. Ngày Khải Huyền được thúc đẩy cộng hưởng từ phía người đọc, về hy vọng liên kết con gà và người con trai gợi lên sức mạnh mơ hồ trong lòng lão.

2.2. Hình tượng người phụ nữ - Đức mẹ Galdalupe

Không chỉ vạch riêng một con đường thần học, Mỹ Latin đã chọn một hình tượng đặc biệt gắn liền với khu vực: Đức mẹ Galdalupe. Trong khi văn hoá Mỹ gắn với hình ảnh Moses - vị cha già dẫn dắt dân tộc tìm tự do và khai sinh luật pháp thì huyền thoại dấu lạ Nuestra Señora de Guadalupe năm 1951 đã dẫn dắt người dân bản xứ Juan Diego đến với Thiên Chúa giáo thông qua dấu chỉ là những hoa hồng Castilian trên đỉnh đồi cằn cỗi; để năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là bổn mạng của toàn châu Mỹ, Nữ vương Châu Mỹ Latin. Carlos Fuentes có lần đã nói rằng: “Bạn chỉ thực sự được coi là một người Mexico khi bạn tin vào Đức Trinh Nữ Guadalupe”. Từ nhà thờ, hình ảnh Đức Mẹ Galdalupe tổng hợp nhiều đặc điểm bản địa đã đi vào văn học, tạo nên nhiều hình tượng đặc sắc về cổ mẫu mẹ trong văn xuôi Mỹ Latin hiện đại.

Như một motif phổ quát lặp đi lặp lại trong tâm thức nhân loại, hình ảnh người phụ nữ/mẹ mang một ý nghĩa thiêng liêng và vai trò quan trọng. Đó là người thúc đẩy và kết nối hiện tại với quá khứ bằng hành trình của đứa con đi tìm cha - Pedro Paramo - theo nguyện vọng của mẹ mình là Dolores Preciado. Bí mật được mở ra bằng lời kể của những người phụ nữ đã chết làm rõ về cuộc đời Paramo và cô gái tên Susana với tâm hồn trong sáng. Để rồi sau đó Susana đã hoá thân thành Remedios, một hình mẫu cho cái đẹp thánh thiện và thoát tục. Nàng không thuộc về thế giới này, nàng gắn liền với sự khêu gợi, ham muốn và cái chết; cuối cùng nàng bay lên trời với một tấm chăn. Hình ảnh này không khỏi gợi lại phép lạ thăng thiên được chia sẻ bởi thần thoại Hy Lạp, Ấn Độ và Do Thái nhưng gần gũi nhất phải kể đến là Thiên Chúa giáo với tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời do Giáo hoàng Pio XII định tín năm 1950. Người phụ nữ trong văn học Mỹ Latin bảo lưu truyền thống và là chứng nhân cho những thăng trầm lịch sử, là người cảm nghiệm được mọi biến cố siêu nhiên xảy ra trong cuộc đời những đứa con mình và thời đại, từ góc độ này thì Úrsula Iguarán rất gần với hình ảnh Đức Bà Maria trong Kinh Thánh. Không gắn kết đến hình ảnh Đức mẹ Galdalupe thì khó có thể lý giải vì sao chỉ có bà Petra (Biển của thời đã mất) ngửi thấy mùi hoa hồng, sau đó Tobias thấy bà trẻ lại hơn 30 tuổi với dòng hoa tươi trên khắp thế giới vây quanh… Hoa hồng như một dấu lạ và không còn hương hoa hồng tức là bị nguyền rủa - vị cha xứ trong truyện ngắn này của Marquez đã khẳng định như vậy. Đến đây tư tưởng Thiên Chúa giáo gắn với yếu tố huyền ảo trong văn học Mỹ Latin hiện đại.

2.3. Yếu tố huyền ảo và thần học Thiên Chúa giáo

Văn học Mỹ Latin tạo nên sự chú ý tầm thế giới với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, hệ thống yếu tố huyền ảo này thường có quy chiếu đến thần học Thiên Chúa giáo.

Tiểu thuyết Pedro Paramo gợi ý hành trình của Juan đến Comala như con đường mà người trần đi vào luyện ngục. Không mang hình dáng ngọn núi của Dante, Comala với địa hình thấp và không khí nóng bức không thấy ánh sáng ban ngày, văng vẳng tiếng kêu trong mưa và những hình thù kỳ lạ. Tại đây những sự việc quá khứ hiện lên trước mắt nhân vật thông qua tiếng nói của những người chết cùng với những trăn trở về sự an nghỉ, về thiên đường, về bầu trời… Khác với không gian huyền ẩn của Joan Rulfo, G.G.Marquez để cho người ta bắt gặp một Cụ già với đôi cánh khổng lồ và những nhận định của mọi người về cụ. Với đôi cánh, ban đầu ông lão được xem như một thiên thần gắn với số mệnh đứa con nhỏ của Pelayo và Elisenda.

            Vận dụng hệ thống yếu tố huyền ảo, các nhà văn Mỹ Latin tiếp nhận thần học Thiên Chúa giáo từ góc nhìn hậu hiện đại khi lộn trái các huyền thoại này. Ngôi làng Comala chứng kiến cái đẹp bị tiêu vong trong tay cái xấu và ác như sự thắng thế của hỗn mang với trật tự, của bóng tối với ánh sáng. Người ta cư xử với ông lão như một con vật sau khi ông không đáp nổi một tràng tiếng Latin - ngôn ngữ thần học. Hiện thực ngoại cỡ Mỹ Latin mong chờ một chuyển biến hiện thực hơn là những lý luận cao siêu, các thế lực siêu nhiên thần học nếu không giúp đỡ được họ (hoặc khi đã hết giá trị) thì lập tức bị ngược đãi và loại trừ… Người ta mong Jesus Christ như mong một nhà cách mạng, một lãnh tụ thực sự (không khác mấy so với ngày xưa dân Do Thái mong Jesus Christ chứng minh sức mạnh của mình trước nhà cầm quyền La Mã), nhưng nhà thờ Công giáo La Mã từ chối điều đó; Tin Lành ngày một lớn mạnh, các tôn giáo khác như Phật, Hồi giáo bắt đầu có ảnh hưởng; khuynh hướng chính trị cánh tả thắng thế, mâu thuẫn quyền lợi với Giáo hội… Tình hình có vẻ như Mỹ Latin đã và đang chọn cho mình một con đường mà có người bạn đồng hành là nhà thờ Công giáo La Mã không phải là điều kiện tiên quyết. Họ vẫn tin Thượng Đế nhưng lại khăng khăng đòi cho mình phần thưởng thế gian chứ không đợi nước trời. Tự sâu thẳm trong những trang văn xuôi hiện đại người ta thấy rõ cương quyết đó: một ngày khải huyền cho Mỹ Latin.

 

3. Ngày khải huyền cho Mỹ Latin

Cảm quan khải huyền là kết quả của hàng loạt những trải nghiệm và mong mỏi đổi thay từ lâu vẫn khắc khoải trong tâm thức Mỹ Latin. Đời sống khủng hoảng trầm trọng càng thúc đẩy khát khao chuyển biến, Mỹ Latin tự mình hình thành tâm chấn khải huyền nhằm thoát khỏi sự bấp bênh, bạo loạn, tội ác được M.Asturias miêu tả trong Ngài Tổng thống hay là cái tàn tạ u tối chết dần trong Pedro Paramo (Joan Rulfo). Từ lâu người Mỹ Latin đã thiếu một niềm tin vào thực tế và con người, từ chính trường đến xã hội… Đây chính là bi kịch mà Moacyr Jaime Scliar đẩy nhân mã Guedali vào trong cuộc tìm kiếm bản ngã. Người ta còn tin chăng là một ngày chung cục cho tất cả: ngày khải huyền.

Khải huyền là mối quan tâm chung của nhân loại. Từ xa con người đã sợ hãi thời gian và viễn tượng sau hết của nó. Sách Khải Huyền của thánh John đã miêu tả ngày phán xét này trong một thị kiến đầy hình ảnh tượng trưng của mình; sự kiện được nhắc đến như đã xảy ra dù được định vị trong tương lai với những tai hoạ: châu chấu, diêm sinh, binh đoàn, rồng lửa… đã trở thành nguyên mẫu cho G.G.Marquez cấu trúc nhân vật Melquiades và miếng da dê tựa như quyển sách có 7 ấn niêm trong sách Khải Huyền. Niềm tin này cũng được Phật giáo chia sẻ bằng chu kỳ bốn kiếp khi nghiệp chúng sinh hết, bảy mặt trời sẽ hiện ra đốt cháy hết các phong luân, thủy luân, lớp mặt đất bằng vàng, núi Tu Di, bốn châu, cung điện của Phạm Ma cho tới tận Đệ nhất Thiền thiên [5,87]. Những tổ tiên cư dân Mỹ Latin đặc biệt quan tâm đến hình ảnh ngày cuối cùng ngay khi tiếp xúc với Thiên Chúa giáo bởi họ chiêm nghiệm rõ điều này qua những đền đài hoang phế Maya, cuộc thảm sát người Inca… Hình ảnh đấng uy quyền sẽ bất ngờ ngự đến phán xét và chấm dứt hiện thực tối tăm trở thành một niềm tin sâu xa trong dân chúng đến nỗi không ít lần bị các nhà độc tài dùng để ngụy trang. Mỹ Latin có hẳn một nhóm sáng tác đề cập đến hình ảnh đặc trưng này trong văn học mà những ngài tổng thống của M.Asturias, ngài đại tá của Marquez là tiêu biểu.

Theo dòng suy tưởng này, các nhà văn Mỹ Latin khéo léo tổng hợp tư tưởng siêu hình học và hiện thực chúng bằng những hình tượng và yếu tố thẩm mỹ riêng. Không ở đâu người ta thấy sự tàn bạo của hủy diệt và niềm chất ngất say mê một viễn cảnh Khải Huyền như Mỹ Latin, nơi sức thu hút mãnh liệt đến nỗi tập trung tất cả các khuynh hướng khải huyền từ chính trị, đến xã hội, sang văn học… hợp tạo nên một Thuyết Mạt Thế hiện đại và đẩy ý nghĩa những quyển tiểu thuyết thành tiếng vang thần học: Susana trước khi chết đã nghe tiếng bản lề trái đất đã khô kêu lạo xạo…; mặt đất đổ nát đang ở trước mặt, thời gian ngừng trôi trước mắt Pedro Paramo. Hàng hiên Đức Chúa bị phá hủy và trong cơn mê loạn, Don Benjamin với những câu đồng dao vô nghĩa đã bảo cả tỉnh cũng sẽ bị phá hủy (Ngài tổng thống).

            Khải huyền cũng có thể dự cảm như số phận của thần học Thiên Chúa giáo trong văn xuôi Mỹ Latin hiện đại. Hoàn cảnh xã hội và thời đại thúc đẩy những nỗ lực tìm lại quá khứ tiền Columbus của Mỹ Latin, các lớp tín ngưỡng cổ xưa không cần phải ngụy trang dưới lớp áo thần học mà công khai những nghi thức, cảm quan thông qua huyền thoại Maya trong sáng tác của M.Asturias. Văn hoá Phi châu từ lâu vẫn lẩn quất như một mạch ngầm nay được nhận diện trong sáng tác G.G.Marquez. Cánh cửa thế giới mở rộng, tư duy đông tây gặp nhau trong Công viên những lối đi rẽ nhánh của Borges với những mê cung văn chương và cuộc đời. Trước những sức ép mới mẻ và quyến rũ ấy, tư tưởng thẩm mỹ Thiên Chúa giáo phải tìm ra một con đường để gắn với tương lai Mỹ Latin. Sự chọn lựa này mang tính lịch sử và không khỏi đầy trăn trở; Paulo Coelho đã làm một thử nghiệm với Nhà giả kim và Alberto Ruy Sanchez đến gần Mật tông (Đôi môi của nước) trong hoàn cảnh ấy.

Con đường người ta đi tìm là chứng ngộ chân lý phổ quát vượt lên mọi thành lũy tôn giáo và hiện thực - ấy là bài học mà Santiago mang đến. Đó là hành trình quy về linh hồn thế giới, linh hồn Thượng đế trong sự hoà hợp cả Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo…  được hướng dẫn bởi nhà đại tư tế của Thiên Chúa là Melchizedek - vua sứ Salem - trực tiếp với hai viên đá Urim và Thummim. Từ đó những giấc mơ mang sức mạnh sáng tạo và sự hoà hợp trở thành bản chất của tâm linh, trong ánh sáng này ước ao hành hương đến Mecca của anh chàng bán đồ pha lê hay tình yêu với Fatima của chàng chăn cừu không còn dành riêng cho tín đồ Hồi giáo mà trở thành một kinh nghiệm chung cho nhân loại.

            Tóm lại, mối quan hệ giữa Thiên Chúa giáo và văn xuôi Mỹ Latin hiện đại là một quá trình theo nghĩa bao hàm sự vận động từ cả hai phía. Tư tưởng thần học và văn học tựa như hai ngọn đèn soi chiếu lẫn nhau và sáng tỏ đời sống tinh thần Trung - Nam Mỹ trong những biến động mà thế giới vẫn đang chứng kiến. Theo đó, văn xuôi Mỹ Latin phát huy vai trò dự báo của mình hoà vào nỗ lực tìm kiếm một hướng đi cho con người, đất nước và khu vực này vẫn trong ánh sáng của Thiên Chúa giáo nhưng đã dưới một viễn tượng khác.

NTT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Eckert, Ken (2011) “Christian Purgatory and Redemption in Juan Rulfo’s Pedro Páramo”. Asian Journal of Latin American Studies (2011) quyển 24, số 4: 73-83.

2.   Jose-Maria Vigil (2007), Getting the Poor Down From the Cross: A Christology of Liberation, Internacional Theological Commission of EATWOT, ISBN: 978-9962-00-232-1

3.   Jung, C. G (1969).  Four Archetypes.  Princeton: Princeton UP.

4.   Lourdes Elena Morales – Gudmundsson (1994), “Biblical Justice and the Military Hero in two novels of G.G.Marquez”. Postcolonial Literature and the Biblical Call for Justice, Susan V. Gallagher (edit) University Press of Mississippi.

5.         Phạm Hữu Dung (2011), Cõi ta bà – thế giới quan Phật giáo, HN: Nxb Văn Hoá Thông Tin.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013

Thông tin truy cập

60537893
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19386
10018
60537893

Thành viên trực tuyến

Đang có 624 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website