Cơ sở khoa học đằng sau những câu chuyện thần thoại trong Odysseus

20180324 hy lap


Cuộc hành trình của Odysseus phải vượt qua quái vật 6 đầu Scylla và xoáy nước Charybdis.


Sử thi Odyssey của Homer kể về hành trình trở về của Odysseus sau chiến thắng ở thành Troy. Tuy là câu chuyện hư cấu nhưng theo các chuyên gia, nó có thể cho chúng ta những cái nhìn sâu sắc, có giá trị về hiện thực cuộc sống thời cổ đại, bao gồm cả các loài động thực vật thời đó.


Hành trình trở về của người anh hùng Odysseus là mười năm đằng đẵng đi qua bao hòn đảo, phải đối mặt với những vị thần hung dữ, những con quái vật khát máu, những tiên nữ đầy cám dỗ với vô số bùa chú mê hoặc. Đây là một câu chuyện kinh điển đã thu hút các học giả kể từ lần đầu được xuất bản vào thế kỷ 8 trước Công Nguyên. Bằng những phương pháp khoa học thực sự, các nhà nghiên cứu đã soi đi lật lại từng câu chữ trong văn bản để tìm ý nghĩa và giải thích những chi tiết nổi bật nhất của câu chuyện. Một vài trường hợp nghiên cứu cho thấy những sinh vật được kể trong câu chuyện hư cấu này có thể đã thực sự tồn tại ở thời cổ đại.

Lotus eaters (Những kẻ ăn sen)

Một trong những sai lầm có tính bước ngoặt sớm trong truyện là khi những cơn gió bắc lớn kéo Odysseus lệch khỏi lộ trình và lạc đến vùng đất của những kẻ ăn sen (lotus eaters: theo truyền thuyết của Homer thì những người này luôn trong trạng thái mộng mị, quên quên nhớ nhớ, đờ đẫn do ăn quả của cây sen). Khi những thủy thủ trong đoàn quá say mê thứ quả đặc sản này, họ quên luôn việc phải trở về nhà và Odysseus đã phải kéo họ về lại thuyền. Có một số giả thuyết cho rằng loài sen này có thể là một loại rượu vang mạnh hoặc thuốc phiện.

Một giả thuyết khác lại cho rằng đó là quả của loài cây có tên khoa học là Diospyros lotus- có nghĩa là ‘quả của các vị chúa’. Quả này tròn, có màu vàng và mọng nước, có vị lai giữa mận và chà là, bởi vậy người ta thường gọi nó là ‘mận chà là’. Nhưng liệu một loại quả ngon có đủ níu chân những thủy thủ của Odysseus mãi mãi? Một ứng cử viên thuyết phục hơn được chuyên gia Mark Griffiths chỉ ra trong cuốn The Lotus Quest có tên gọi Ziziphus lotus, một loại táo tàu nổi tiếng với đặc tính kích thích thần kinh.

Cả hai loại quả nói trên đều được biết đến ở Vườn Thực vật Hoàng gia Kew tại London, nhưng các chuyên gia còn đưa ra một ứng cử viên khác là loài hoa súng (Nymphaea sp.) mọc dọc sông Nile. Loại cây này thường được mô tả trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại và loài màu xanh (N. caerulea) đặc biệt được biết đến như một chất ma tuý.Việc tiêu thụ loại cây này sẽ dẫn đến một trạng thái lãnh đạm bình yên và bị cấm tại một số nước châu Âu ngày nay. Tuy nhiên, liệu tiếng tăm của loài cây này có đủ để đến tai Homer ở bờ bên kia của Địa Trung Hải không thì vẫn đang là một vấn đề được tranh luận.

Cyclops (Khổng lồ một mắt)

Khi đang tìm kiếm lương thực trên một hòn đảo khác, Odysseus và một số thủy thủ trong đoàn đã chạm trán Polyphemus, một tên khổng lồ ăn thịt người. Một vài thủy thủ đã bỏ mạng trước khi Odysseus có thể chọc mù mắt duy nhất của con quái vật bằng một cái cọc.

Trong tự nhiên, rất hiếm động vật có xương sống mà chỉ có một mắt. Ở loài động vật có vú, cyclopia được miêu tả là một rối loạn bẩm sinh khi các ổ mắt không phát triển thành hai hốc mắt riêng biệt được. Do các biến chứng đi kèm đối với não, mũi và hệ hô hấp mà hiếm có sinh vật nào mắc phải rối loạn này lại có thể sống sót.  

Để lý giải yếu tố ‘khổng lồ’ của loài cyclop thần thoại, nhà sử học Adriene Mayor thuộc Đại học Stanford cho rằng những hoá thạch của các loài sinh vật cổ đại có thể là nguồn cảm hứng cho Homer. Là nông dân, những người Hi Lạp cổ đại chắc hẳn đã phải đi khai phá các vùng đất và khám phá ra những điều lạ kỳ.Ví dụ như hộp sọ của loài voi lùn và voi ma mút với hốc mũi to có thể bị lầm tưởng là hốc mắt duy nhất của một con quái thú. Mayor cho biết, trong các hang động trên các hòn đảo có chứa những hoá thạch khác lạ của những con voi ma mút lùn, xung quanh chồng chất xương của loài động vật có vú mà người đời xưa cho là xương của những nạn nhân của quái vật khổng lồ một mắt.

Adrian Lister, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London, khẳng định rằng hoá thạch của loài voi lùn đã được tìm thấy trên rất nhiều hòn đảo ở Địa Trung Hải. Ông giải thích rằng những con voi cổ đại Palaeoloxodon antiquus có trọng lượng 10 tấn, cao 4 mét đã di chuyển từ đất liền ra đảo những khi mực nước biển xuống thấp. Khi đã bị cô lập ở đảo, chúng phải thích ứng với không gian chật hẹp và lượng thức ăn ít hơn để tồn tại, bởi vậy chúng trở thành loài voi lùn.

Phép thuật của Circe

Khi bị cuốn vào cuộc gặp gỡ với nàng phù thủy Circe, các thủy thủ đoàn bị nàng chuốc rượu, dùng phép thuật biến họ thành heo và nhốt lại. May mắn thay, Odysseus được bảo vệ khỏi phép thuật của Circe nhờ ăn một loại thảo mộc thiêng được gọi là moly.

Các nhà thực vật học cho rằng jimson weed (cây cà độc dược, tên khoa học là Datura stramonium) chính là nguyên liệu mà Circe đã cho vào rượu để chuốc say thủy thủ đoàn, khiến họ cư xử kì lạ. Loài cây này cùng họ với cà độc dược belladonna/deadly nightshade, có chứa các chất độc alcaloid chặn các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Nếu nuốt phải, nó sẽ gây ra ảo giác, mê sảng và mất trí nhớ bởi não bộ không thể truyền và nhận thông tin được nữa.

Homer miêu tả khá chi tiết về cây moly với rễ màu đen và hoa trắng.Tuy nhiên, sự kết hợp này không phải là hiếm gặp trong các loài cây, bởi vậy đã có rất nhiều bàn luận xung quanh danh tính của cây moly này. Dựa vào khả năng vô hiệu hoá thuốc độc mà Circe sử dụng, các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể là hoa giọt tuyết snowdrop (Galanthusnivalis) bởi loài hoa này mọc ở vùng Địa Trung Hải và chứa chất galantamine, có khả năng chống lại sự ngộ độc stramonium. Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu loài hoa này từ những năm 1950 và ngày nay, hoa giọt tuyết được sử dụng trong điều trị bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ bởi nó có khả năng cân bằng các chất hoá học trong não bộ.

Scylla

Các thuỷ thủ lại tiếp tục phải đối mặt với một kẻ thù khủng khiếp hơn nữa khi họ đi qua một eo biển hẹp, đó chính là Scylla - một con quái vật nhiều đầu hung dữ. Homer miêu tả con quái vật sống trong hang này có 12 chân, sáu cổ với sáu cái đầu, mỗi cái nhe ba bộ nanh ăn thịt người hung ác.Theo thời gian, hình tượng Scylla bị đúc kết thành một với kraken- loài thuỷ quái khổng lồ nhiều xúc tu được cho là sống ngoài khơi Na-Uy. Nhưng hai quái vật này không thể là một được, bởi loài mực khổng lồ rất hiếm thấy ở vùng biển Địa Trung Hải, hơn nữa Scylla sống trong một cái hang trên một vách đá- không phải là nơi cư trú của một thuỷ quái.

Polycephaly là một thuật ngữ sinh học chỉ hội chứng sinh vật có hai hoặc nhiều đầu. Tuy hội chứng này hiếm gặp ở người, nó phổ biến hơn ở các loài bò sát. Thương tổn ở phôi được cho là tác nhân khiến tế bào sao chép tạo nên hai đầu, hoặc hợp nhất khiến hai phôi song sinh trở nên dính với nhau một phần.

Aristotle đã ghi chép về một con rắn hai đầu vào năm 350 trước Công Nguyên, và bằng chứng lâu đời nhất còn tồn tại là một hoá thạch phôi thằn lằn từ kỷ Phấn Trắng tại Trung Quốc. Mặc dù động vật hoang dã mắc hội chứng này thường khó có thể sống sót lâu trong tự nhiên, khả năng là Homer đã được nghe kể về nó, hoặc thậm chí tận mắt chứng kiến.

Ngoài ra còn có bằng chứng về việc sử dụng rắn như một vũ khí sinh học trong thời cổ đại. Có ít nhất một ghi chép lịch sử về việc rắn được thả ra trong trận thuỷ chiến mà tướng Hannibal người xứ Carthargo (Tunisi ngày nay) chống lại Eumenes. Nhà động vật học Gianni Insacco thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Milan cho rằng người Hy Lạp cổ đại có thể cũng đã sử dụng chiến thuật này. Ông thuộc nhóm nghiên cứu đã tìm lại được loài trăn Javelin sand boa ở Sicily, được cho là đã được người Hy Lạp cổ mang đến hòn đảo này để phục vụ tế lễ và sử dụng trong quân sự.

Tuy không có một loài sinh vật nào giống quái vật Scylla được biết đến trong thực tế, Homer đã khéo léo kết hợp nỗi sợ hãi của con người trước những biến dị sinh học khác thường và nỗi sợ hãi các loài rắn rết để sáng tạo nên một con quái vật đáng ghê sợ.

Charybdis

Đã nói đến Scylla thì không thể không nhắc đến Charybdis, một quái vật khác phục ngay đối diện Scylla ở bên kia eo biển để chặn đường Odysseus và đoàn thủy thủ. Con quái vật này là một xoáy nước khổng lồ hút hết nước biển và nuốt chửng tất cả tàu bè trong đó. Vào thế kỷ 19, Charybdis được đánh dấu trên biểu đồ hàng hải ngoài đầu đông bắc đảo Sicily trên Eo biển Messina. Là một lối đi hẹp giữa đảo Sicily và bán đảo Ý, khu vực này nổi tiếng với gió lớn và dòng chảy mạnh.

Nhưng điều gây khó khăn lớn nhất cho các thủy thủ là hoạt động thủy triều ở eo biển này. Thủy triều trên biển Tyrrhenus ở phía bắc eo biển lại lệch pha so với thủy triều ở biển Ionia ở phía nam. Điều này dẫn đến những dòng chảy xoáy dữ dội tại nơi hai biển giao nhau.

Ngoài ra, một dải núi ngầm dưới Eo biển Messina cũng góp phần làm các dòng xoáy dữ dội hơn, bởi các dòng hải lưu kéo nước lạnh từ dưới đáy lên bề mặt biển. Tuỳ thuộc vào hoạt động thủy triều, triều dâng có thể xuất hiện cùng với các xoáy nước, còn được gọi là những xoáy nước trục đứng. Theo các nhà hải dương học, một trong những xoáy nước lớn nhất hình thành ngoài khơi mũi Capo del Faro, nơi Charybdis được đánh dấu theo lịch sử.

Đàn bò của thần Mặt trời

Odysseus và đoàn thủy thủ cuối cùng cũng đặt chân đến hòn đảo Thrinacia, nơi thần Mặt trời chăn thả đàn gia súc của mình. Khi lương thực sắp cạn kiệt, đoàn thủy thủ ngu xuẩn đã săn bắt những con vật thiêng này.

Các học giả cho rằng hòn đảo này có thể chính là Sicily ngày nay. Theo nhà sử học Jeremy McInernery thuộc Đại học Pennsylvania, có bằng chứng về cả bò thuần hoá và họ hàng hoang dã của chúng là loài bò rừng cổ đại auroch (tên khoa học là Bos primigenius) ở các khu vực thời kỳ đồ đá ở đây.Trong hai loài này thì bò auroch hoang dã nổi bật hơn: nó cao 1.5m (tính đến phần cao nhất trên lưng) và chắc chắn có ‘trán rộng’, ‘sừng cong’ lớn như miêu tả của Homer. Ngoài ra, bò có giá trị rất cao trong thời Hy Lạp cổ đại.

McInerney cho biết, rất nhiều bằng chứng cho thấy vào thời kì Đồ sắt, bò được trả giá rất cao bởi nó cho thịt, sức kéo và cả các sản phẩm phụ như da và mỡ. Trước khi hệ thống tiền tệ xuất hiện ở Hy Lạp vào thế kỷ 6, gia súc là thước đo sự giàu có chủ yếu. Cũng như các xã hội mục đồng khác, người Hy Lạp đề cao gia súc, bởi vậy mà việc trộm cắp gia súc được nhấn mạnh trong sử thi này.

Tội đánh cắp gia súc của Mặt trời bị trừng trị tàn bạo: sấm sét của Zeus phá tan các con tàu và thuỷ thủ, chỉ duy nhất Odysseus còn sống sót để kể lại câu chuyện sử thi của mình, câu chuyện mà ngày nay chúng ta vẫn đang học hỏi được rất nhiều.

Khánh Minh dịch từ: http://www.bbc.com/earth/story/20161220-the-strange-inspirations-behind-greek-myths

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 23.3.2018.

Thông tin truy cập

60515221
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6732
12997
60515221

Thành viên trực tuyến

Đang có 235 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website