Mộng – Niềm tin tâm linh trong văn học trung đại

 (Lê Thu Yến, Đàm Anh Thư, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

Đi sâu vào khai thác chiếm lĩnh đời sống tâm linh cùng những trạng thái tâm lý tinh thần đầy bí ẩn của con người là điều mà văn học mọi thời kỳ đều quan tâm. Với văn học trung đại, đời sống tâm linh đã mang giá trị tự thân. Thông qua các tác phẩm truyện kể, truyện thơ, văn tế, phú…(có thể giai đoạn sơ kì nó còn mang tính chất ghi chép theo lối văn chép sử, hay sưu tầm từ truyện dân gian…), đời sống tâm linh xuất hiện một cách tự nhiên từ những hiện tượng kì lạ xảy ra trong thiên nhiên cho đến các hình thức phong thủy, cầu cúng, điềm báo, báo ứng, thần thánh, ma quỷ… Và giữa vô số chi tiết kỳ ảo tồn tại trong văn học trung đại ấy, chiêm bao mộng mị nổi bật lên như một yếu tố đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ giấc mộng không chỉ mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới tâm linh của người Việt mà còn tạo nên một vùng không gian hư ảo để con người tự do bộc lộ những khát khao, mộng tưởng mà lúc tỉnh thức họ không cách nào thực hiện được.  

Có thể nói, mộng cùng những hình ảnh, biểu tượng bí ẩn xuất hiện trong giấc mộng từ xưa đến nay luôn là một câu hỏi lớn đối với nhân loại. Người Ai Cập cổ đại tin rằng mộng có giá trị tiên báo đặc biệt: “Thượng đế đã sáng tạo ra những giấc mơ để chỉ đường cho loài người, một khi họ không có khả năng nhìn thấy tương lai”(1) vì thế hình tượng mộng mị luôn được đoán giải một cách cẩn thận bởi các giáo sĩ, thầy tu ở những ngôi đền thiêng liêng. Người Hy Lạp xưa, giống như người Ai Cập, cũng tin vào tính chất dự báo của mộng mị. Nhưng bên cạnh giấc mộng tiên tri, còn có giấc mộng giả, giấc mộng vô nghĩa, thậm chí là ác mộng. Cho nên, người Hy Lạp cần nhiều hơn một vị thần để chịu trách nhiệm riêng cho từng loại giấc mộng. Những vị thần này được gọi chung dưới cái tên Oneiro, trú ngụ ở Erebos thuộc về âm cung và đến với loài người bằng cách đi qua hai cánh cửa: cánh cửa bằng sừng dành cho các giấc mộng thực, cánh cửa bằng ngà dành cho những giấc mộng giả. Như vậy, nguồn gốc của giấc mộng cũng được người Hy Lạp quy cho sức mạnh của thần linh, hay cụ thể hơn, cho sự tiếp xúc giữa thần linh và linh hồn con người.

Tham khảo thêm về một số tộc người cổ xưa như người Bantou ở vùng Kasai (thung lũng Congo), chúng ta bắt gặp quan niệm “hồn lìa khỏi xác khi người ta ngủ”. “Những chiêm mộng mà nó báo lại trong các chuyến du hành, được truyền cho nó bởi linh hồn những người đã chết trò chuyện với nó. Khi con người ngất đi, nhập đồng hoặc thôi miên, hồn cũng lìa khỏi xác, nhưng đi xa hơn, có khi đến tận xứ sở của các thần linh và báo cho chủ nhân biết về điều đó sau khi tỉnh giấc.” (2). Ví dụ này một lần nữa cung cấp cho chúng ta bằng chứng sống động về niềm tin tưởng có tính phổ quát của nhân loại vào sự tồn tại của linh hồn và tính chất kỳ diệu của những giấc mộng. Từ Đông sang Tây mỗi dân tộc có thể có những câu chuyện khác nhau về chiêm bao mộng mị nhưng dựa trên sự tồn tại của linh hồn và thần linh để lý giải về nguồn gốc, ý nghĩa giấc mộng là xu hướng chung của loài người. Và mộng trong văn học trung đại Việt Nam cũng được bao phủ bởi niềm tin tương tự. 

Giấc mộng, có lúc còn được gọi là cơn mơ, cơn mê, chiêm bao, mộng mị, xuất hiện khi con người chìm vào giấc ngủ hay ở trạng thái như mê man như ngủ. Ngô Tử Văn trong truyện Tản Viên từ phán sự lục sau khi đốt đền của tên tướng giặc họ Thôi, đến tối sốt cao, thấy tên tướng giặc đến mắng chửi, dọa nạt chàng đòi trả đền:

“Đốt xong về nhà, chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét. Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô dõng dạc, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng, quần áo, rất giống người phương Bắc, tự xưng là cư sĩ, đến đòi làm trả lại tòa đền như cũ, và nói…” (Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ)

Thúy Kiều hai lần tìm đến cái chết, hai lần được cứu, trong cơn mê đều gặp gỡ Đạm Tiên. Nếu những nhân vật trong vai trò con người như vãi Giác Duyên cứu lấy phần thân xác của Kiều thì Đạm Tiên dưới hình dáng hồn ma bóng quế mờ ảo đã cứu lấy phần tâm của nàng thông qua hình thức thấm đẫm chất kỳ ảo: báo mộng:

Nào hay chưa hết trần duyên,

Trong mê dường đã đứng bên một nàng.

hay

Mơ màng phách quế hồn mai,

Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.

                        (Truyện Kiều Nguyễn Du)

Theo quan niệm của người Việt, nguyên nhân của những cơn sốt, mê, mơ màng này đều do hồn phách lìa khỏi thân xác. Thoát khỏi sự ràng buộc của cơ thể, và rộng hơn, khỏi thế giới vật chất hữu hình, linh hồn có thể di chuyển giữa các chiều không gian. Những con người khi còn thức bị núi sông ngăn trở thì trong giấc ngủ, linh hồn của họ lại tìm gặp nhau như Nguyễn Đề hướng về Quỳnh Châu thăm người em trai cùng mẹ là Tố Như:

Nhất niên tiêu biệt ưng vô kỷ,

Lưỡng địa tương tư lượng bất thù.

Hình ảnh tuy đao, đàm tiếu cận,

Mộng hồn dạ dạ hướng Quỳnh Châu.

                      (Ký đồn hoài đệ Thanh Hiên Tố Như tử Nguyễn Đề)

Dịch nghĩa:

Xa nhau mới một năm chẳng đáng là bao,

Nhưng tình nhớ thương dù ở hai nơi cũng không đổi khác.

Hình bóng tuy xa, vẫn gần nhau trong tiếng cười giọng nói,

Đêm đêm mộng hồn vẫn hướng về Quỳnh Châu.

                        (Gửi em trai cùng mẹ là Thanh Hiên, tự Tố Như)

hay người vợ vốn “bình sinh không biết đường” của Nguyễn Du đã vượt qua “núi Tam Điệp nhiều hổ báo”, “sông Lam lắm thuồng luồng” để đến tìm chồng nơi bến sông mộng tưởng:

Thệ thuỷ nhật dạ lưu

Du tử hành vị quy

Kinh niên bất tương kiến.

Hà dĩ uý tương ti (tư)

Mộng trung phân minh kiến

Tầm ngã giang chi mi

                        (Kí mộng – Nguyễn Du)

Dịch nghĩa:            

Dòng nước ngày đêm chảy, không trở lại

Du tử đi xa mãi chưa về

Bao năm rồi không gặp nhau

Biết lấy gì an ủi nỗi nhớ mong?

Nay trong mộng không thấy rõ

Tìm ta ở bến sông

                        (Gửi mộng)

Trong thế giới kỳ ảo của chiêm bao, không chỉ linh hồn của những người đang sống có khả năng phiêu du qua những khoảng cách địa lý diệu vợi tương phùng cùng nhau mà từ cõi âm và cõi trời, ma quỷ, thần thánh cũng có thể vượt qua ranh giới chia cắt giữa các thế giới để gặp gỡ, trò chuyện với linh hồn người trần. Nói cách khác, giấc mơ đã tạo nên con đường kết nối tương thông giữa con người với thế giới ma quỷ, thần linh. Những lực lượng siêu nhiên đó với phép thuật và khả năng thấu suốt tương lai mà người phàm không có khi xuất hiện trong giấcthường mang đến cho loài người lời hứa hẹn về sự phù trợ hay các điềm báo. Trong các tập truyện ký trung đại, kiểu giấc mơ này rất phổ biến. Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp), Việt sử diễn âm (Khuyết danh), Thiên Nam minh giám (Khuyết danh)..., từ đầu đến cuối, trang nào nói về sự hiển linh của các bậc thần nhân đất Việt. Với lòng tự hào cao độ về nền văn hiến của dân tộc, các tác giả trung đại đã dùng ngòi bút của mình nhiệt thành ghi chép lại câu chuyện về nhữngnhân vật kiệt linh, khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau” (Tựa Việt điện u linh). Báo mộng – cách thức mà anh linh những bậc anh hùng, liệt nữ thường sử dụng để nối kết với người trần – trở thành minh chứng thuyết phục về sự hiển linh của họ. Chẳng hạn, “vào thời Lý Nam Đế, quân Lâm Ấp cướp phá đất Nhật Nam, nhà vua đêm nằm mộng thấy một người đàn bà đội mũ trận, mặc áo giáp, tự xưng họ tên, xin theo quân đi đánh giặc.” (Lệ Hải Bà Vương kýTân đính hiệu bình Việt điện u linh tập – Gia Cát thị). Người phụ nữ ấy chính là Lệ Hải Bà vương Triệu Thị Trinh năm xưa từng khiến giặc Ngô khiếp sợ. Đến lúc Ngô Vương lập quốc, chống cự với giặc phương Bắc, “một ông già đầu bạc, mũ áo nghiêm trang đẹp đẽ, quạt lông gậy trúc” báo mộng cho nhà vua, tự xin “đem vạn đội thần binh mai phục ở chỗ hiểm yếu, Chúa công mau tiến quân chống giặc đi, tức khắc có sức âm trợ, không nên lo ngại” (Bố Cái đại vương –  Việt điện u linh). Quân Tống xâm lược nước ta, hai bên giao tranh chưa rõ thắng bại, vua Lê Đại Hành nằm mộng được thần Trương Hống, Trương Hát đến bái kiến:

Tháng bảy có Tống binh sang

Toàn những tướng mạnh binh cường ba muôn

Đến thành Phù Lỗ đóng vây

Quân ta quân nó đôi bên ngất trời

Chưa phân thắng phụ về ai

Ngày rằm tháng chạp vua nằm chiêm bao

Thấy đôi thần nhân bãi nào

Trương Hống Trương Hát bước vào quỳ thưa…

                            (Việt sử diễn âm – Khuyết danh)

Bấy nhiêu câu chuyện đã chứng tỏ anh linh các bậc tiền nhân không biết bao lần phù trợ đất nước vượt qua cơn nguy khốn từ thiên tai như hạn hán:

“Vua Lý Anh Tông, gặp thời hạn hán, sai Tĩnh Giới thiền sư làm lễ cầu mưa, thì được mưa, trời mát mẻ. Vua mừng lắm, nằm ngủ bỗng mộng thấy hai người đàn bà, mặt phù dung, mày dương liễu, áo xanh váy đỏ, mũ đỏ, thắt đai, cưỡi ngựa sắt, theo mưa mà đến yết kiến. Vua lấy làm lạ bèn hỏi. Đáp rằng:

- Chúng tôi là hai chị em họ Trưng, vâng mệnh Thượng đế ra làm mưa.”

đến nhân họa như nạn ngoại xâm:

Một phen gối bính thừa lương

Thần đem ảnh tới long sàng tâu vua

Rằng đấng trượng phu giúp nước

Nguyện thánh cung cầu được ở tay

                        (Thiên Nam minh giám – Khuyết danh)

Sự tương trợ của thần linh có tác động đến vận mệnh dân tộc nên người nằm mộng cũng phải là bậc vua chúa, tướng lĩnh đang nắm giữ trọng trách to lớn của quốc gia. Ngoài ra, ở phạm vi hẹp hơn, thần thánh có thể bước vào giấc mộng của một người chỉ vì giúp đỡ cho riêng bản thân người ấy. Đối với nho sĩ, sự phù trợ của thần thánh chủ yếu thể hiện qua việc giúp đỡ những chàng học trò cửa Khổng sân Trình này đạt được nguyện vọng khoa bảng đề danh. Thậm chí, để nho sĩ lấy được công danh, thần linh trong Mộng lạ Trần Bá Kiên còn có khả năng biến họ từ tối dạ thành thông minh, sáng láng:

Trần Bá Kiên, người Vân Canh, dung mạo đẹp đẽ từ tấm bé. Cha là Văn Độ trực tiếp dạy bảo học hành cho, song khổ là con chẳng nhớ được mấy. Một đêm, Kiên nằm mộng thấy mình ra chơi ở ngôi văn chỉ hàng xã, nơi tế lễ các bậc tiền hiền. Bỗng thấy một người cầm dao nhọn, rạch thẳng vào bụng mình, moi hết ruột, dạ dày, đem thả xuống suối cho nước rửa sạch, xong lại xếp vào bụng khâu lại như cũ. Từ đó về sau, Kiên mới học hành sáng láng, kiến thức mở mang, hơn mười tuổi mà các sách về cử nghiệp đều thông suốt.”

               (Thính văn dị lục – Khuyết danh)

Đối lập với chiêm bao có tính chất phù trợ là những giấc mộng nhằm mục đích trừng phạt hoặc cảnh báo về sự trừng phạt. Sau khi mất, bà Triệu hiện lên trong mộng của tên tướng giặc Lục Dận, “nghiến răng chau mày, chửi không hết lời” (Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập). Cao Biền định làm phép trấn yểm long mạch ở nước ta, đến đêm, hắn nằm mộng thấy thần Long Đỗ “người cao chín thước, mắt sáng như điện, tiếng nói như sấm, ngồi trên cao” mà giật mình kinh sợ (Lĩnh Nam chích quái). Chúa Trịnh Sâm mộng thấy thái tử Duy Vỹ “đầu đội khăn hồng, mình vận áo đỏ, tay cầm một chiếc mái chèo, vạch màn ra rồi đứng đầu giường trừng mắt nhìn mình” (Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái). Ấy là thái tử đến báo oán. Tuy nhiên, ẩn sau sự đối lập của hai mục đích tương trợ hay trừng phạt vẫn là một niềm tin có tính nhất quán của dân gian về sự linh diệu của những giấc mộng. 

Một hiện tượng khác biểu hiện tính chất thần dị của giấc mộng là mộng thấy điềm báo. Có khi, những sự việc sắp xảy ra được truyền đạt khá trực tiếp và dễ hiểu đến người nằm mộng, chẳng hạn Thiền sư Khuông Việt mơ thấy Sóc Thiên vương báo việc giặc giã (Lĩnh Nam chích quái); ông Trần Văn Vĩ vừa chợp mắt thì có người con gái đẹp đến trêu chọc, đồng thời cho ông biết về sự sụp đổ của nhà Lê (truyện Con ma Đồng XuânTang thương ngẫu lục). Nhưng bên cạnh đó, có những điều tiên báo được ẩn giấu sau những hình ảnh hoặc từ ngữ khó hiểu, đòi hỏi con người phải biết cách giải mộng. Mộng được thần cho chữ, tặng thơ thì phải căn cứ vào cách chiết tự, hiện tượng đồng âm mới giải đoán được ý trời. Truyện Cụ Thái Tể (Tang thương ngẫu lục) ghi lại việc ông Đàm Nhị được thần báo mộng tặng một bài thơ:

Ngôn đàm ngọc nhĩ, mộng tường minh

Đệ nhất khai khoa, đệ nhất danh.

Phụ quý, tử quý, tôn hựu quý

Tử tôn thế thế xuất công khanh.

Dịch nghĩa:

Đàm Nhị chiêm bao đã tỏ tường;

Tên đỗ thứ nhất ở khoa thi thứ nhất.

Cha quý, con quý, cháu cũng quý,

Con cháu nối đời làm đến công khanh

Ở câu thơ đầu tiên, hai chữ Ngôn (言) Đàm (覃) chắp lại thành chữ Đàm (譚); hai chữ Ngọc (玉) Nhĩ (耳) chắp lại thành chữ Nhị (珥), tức là tên ông Đàm Nhị. Theo đúng như lời thơ của thần linh, về sau, con cháu của ông Đàm Nhị đều vinh hiển.

Quan sát kết cấu của truyện trung đại, có thể thấy giấc mơ mang điềm báo về nguồn gốc hoặc sự ra đời kỳ lạ là một motif quen thuộc. Trong các truyện thơ như Trinh thử, Phan Trần, Nhị độ mai (đều khuyết danh), điềm báo “xà huỷ hùng bi”, nghĩa là cha mẹ mơ thấy rắn (huỷ xà) thì sẽ sinh con gái, mơ thấy gấu (hùng bi) thì sẽ sinh con trai, liên tiếp được nói đến: “Cưỡi rồng ta đã băng nguyền Ứng điềm hùng huỷ vầy đoàn gái trai” (Trinh thử), “Ứng điềm xà huỷ hùng bi Hai nhà chính thất một kì thụ thai” (Phan Trần), “Hiếm hoi mới được mộng xà Vân Tiên một gái mặt hoa khuynh thành” (Nhị độ mai). Mơ thấy rồng (Thạch Sanh), ngọc (Hương Lãm Mai đế ký - Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập), mặt trời (Tổ gia thực lục Tam tổ thực lục) được giải là điềm sinh con quý. Quý phi Ngọc Hoan (Hoàng Lê nhất thống chí) từng nằm mơ thấy một vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng, khi hỏi Khê Trung Hầu mới biết đó là điềm sinh thánh, là chúa Trịnh Tông sau này. Hoàng hậu nước Nam Việt chiêm bao thấy vị sao sa, sau hạ sinh được một nàng công chúa xinh đẹp (Hoàng trừu – Khuyết danh). Không gian của những giấc mộng ấy thường được bao bọc bằng những gì đẹp nhất, đặc biệt nhất tương xứng cho sự ra đời của những bậc vua chúa. Công thức quen thuộc thường thấy là hương thơm toả ra sực nức, ánh sáng chiếu rọi rực rỡ như ánh hào quang...Trong Việt Lãm xuân thu (Khuyết danh), sự ra đời của vua Lý Thái Tổ được kể lại rằng: Có một vị sư nằm chiêm bao thấy Long thần đến báo dọn chùa cho sạch để nghênh đón Hoàng đế; được hai tháng sau thì trong chùa xuất hiện hương thơm nức, chỗ tam quan thì sáng rực cả lên; ở đó có một bà mẹ hạ sinh được đứa con trai, hai bên tay có dấu son với bốn chữ “sơn hà xã tắc”. Sự xuất hiện của công chúa Ba con vua Trang vương cũng được bao phủ trong một không gian đặc biệt như thế, trong cung phủ đầy hương thơm và ánh sáng, khác hẳn với sự chào đời của hai người chị trước “Trong cung nức những hương trời – Hào quang sáng khắp mọi nơi bảo đài – Lòng vua xiết bao vui vầy – Kì này khác hẳn hai kì năm xưa” (Bà chúa Ba – Khuyết danh).

Như vậy, số mệnh con người căn bản được định sẵn từ trước khi sinh ra. Những hình ảnh mà người mẹ nhìn thấy lúc chiêm bao báo trước tương lai của đứa con sắp chào đời. Muốn biết về con đường công danh mai sau, nho sinh có thể cầu mộng chờ thần linh chỉ dẫn. Những ai có thân phận tôn quý thì bất kể là đi đến đâu vẫn được người ta chuẩn bị đón tiếp một cách chu đáo bởi lẽ thần linh đã mượn giấc mộng để báo trước về sự xuất hiện của họ. Hoàng Lê nhất thống chí kể lại rằng: dưới triều vua Lê Hiển Tông, thái tử Lê Duy Vỹ bị hãm hại, một người đàn bà trong cung bế các con của Thái tử chạy trốn về phía Hà Tây, vào ngủ nhờ nhà một người dân ở làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Người dân này đêm trước đã mơ thấy có người bảo rằng: “Mày phải quét nhà cửa sân đường cho sạch sẽ, Thiên tử và Thái hậu sắp sửa tới nơi”. Câu chuyện trên là một trong nhiều dẫn chứng cho thấy thần linh vẫn đang dõi theo mọi diễn biến xảy ra nơi trần thế. Và khi chủ động báo mộng, quỷ thần đã tạo nên “kênh” giao tiếp với người trần, đồng thời ban cho loài người một tặng vật vô giá: khả năng biết trước tương lai.

Thế nhưng, không phải các tác giả trung đại đều hoàn toàn tin rằng những điều mà giấc mộng tiên báo chắc chắn sẽ xảy ra trong hiện thực. Trong số những tác phẩm được khảo sát, Hoàng Lê nhất thống chí từng nhắc đến một giấc mộng tiên báo sai. Bấy giờ, chúa Trịnh Sâm bệnh nặng, thế tử Trịnh Tông “liền mơ thấy mình mặc áo chầu chàm, đội mũ chữ đinh, đứng ở phủ đường.” Thế tử đoán rằng “mơ như vậy là điềm có tang, trong cung nay mai chắc sẽ có biến. Sau đó, bệnh của chúa Trịnh Sâm lại khỏi, trái với giấc mơ của thế tử. Tuy chỉ duy nhất giấc mộng này của Trịnh Tông là không linh nghiệm song việc nó xuất hiện giữa một tác phẩm đầy dẫy những giấc mơ và điềm báo như Hoàng lê nhất thống chí, chúng ta không thể không lưu tâm. Sự lung lay trong niềm tin về tính chất thần thánh của những bậc thiên tử phải chăng chứng tỏ những bức tượng linh thiêng xưa nay vốn đặt trên bệ thờ cao không với tới đang được kéo xuống trần thế? Một cách vô tình, tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí đã bày ra trước mắt người đọc một ông vua mất đi quyền năng kết nối với trời, hay nói cách khác, một bức tượng thần đang dần mất linh để rồi nhìn xuyên qua nó chúng ta nhận thấy cả một thời đại đang biến đổi mạnh mẽ cùng sự trưởng thành của ý thức con người về giá trị của cá nhân trong mối quan hệ với những chức phận mà Nho giáo quy định cho họ. 

Từ tác động không nhỏ của giấc mộng đối với thế giới hiện thực, không khó lý giải vì sao người trung đại khi gặp khó khăn, cần đến sự trợ giúp của thần linh, họ thường sử dụng phương pháp cầu đảo, cầu mộng. Có phải lực lượng siêu nhiên (thần thánh, ma quỷ) với sức mạnh hơn hẳn con người có đủ quyền năng để giải quyết tất cả mọi việc? Tuy phần lớn các câu chuyện thời trung đại đều được xây dựng theo hướng lực lượng siêu nhiên tương trợ con người, nhưng cũng có những lúc chiều hướng này lại được đảo ngược. Nghĩa là, ở đây, quỷ, thần báo mộng nhằm nhờ cậy đến bàn tay giúp đỡ của người trần. Theo Hải khẩu linh từ (Truyền kỳ tân phả - Đoàn Thị Điểm), nàng Bích Châu – cung phi của vua Trần Duệ Tông – báo mộng xin vua Lê Thánh Tông giải nỗi oan khuất:

Vua băn khoăn không ngủ, ngồi xem sách. Gần lúc gà gáy, vua tựa án rồng chợp mắt thiu thiu ngủ, bỗng thấy một người con gái nhan sắc rất đẹp từ dưới nước hiện lên vừa lạy vừa khóc...

Hoặc trong truyện Tháp báo ân (Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh), người con gái họ Nguyễn chẳng may mất sớm vì mong người cô yêu thương đạt được công danh đã hiện lên trong giấc mơ của quan chấm thi, nài nỉ, cầu xin:

Đến kinh, chàng cùng mấy bạn đồng khoa đi chào quan chấm trường. Khi từ biệt, ông lưu riêng chàng lại hỏi:

- Chẳng hay quý thất họ gì?

- Thưa, tôi vẫn phòng không.

- Vậy đã từng có tang vợ bao giờ chưa?

- Thưa, chưa bao giờ.

Ông cứ luôn miệng: “Lạ thật! Lạ thật!”. Chàng hỏi nguyên cớ, ông cho biết:

- Lúc đầu chấm quyển thi của anh, ta xếp quyển anh vào loại hỏng, định đánh trượt. Khi vừa ngả lưng thiu thiu, bỗng thấy một người đàn bà cầm quyển ấy đến lại mà thưa: Đây là quyển của chồng thiếp, xin được rủ lòng thương rộng lấy cho”. Tỉnh ra, thấy quyển của anh đã đặt ở trước mặt. Duyệt lại, càng thấy mấy chỗ sai sót không thể lấy được. Nằm xuống lại mộng y như trước, lời cầu xin của người ấy càng tha thiết. Hỏi họ tên thì xưng con gái họ Nguyễn ở Bình Quân. Trong mộng ta đã nghiệp dĩ hứa giúp đỡ cho, nên khi tỉnh dậy cũng thương tình lấy thêm quyển anh. Anh mà đỗ là nhờ có sự can thiệp của quỷ thần đó.

Rõ ràng dù có nhiều phép thuật nhưng các lực lượng siêu nhiên không thể trực tiếp thay đổi một số sự việc, đặc biệt là những sự việc diễn ra ở cõi trần. Để giải được oan tình hoặc nhận sắc phong, những linh hồn đã khuất cần nhờ đến sức mạnh của con người, nhất là quyền lực của thiên tử – người thay trời cai quản mọi việc ở nhân gian. Điều này càng giúp chúng ta hình dung rõ hơn cách nhìn nhận của người xưa về ranh giới giữa đôi bờ thực – mộng, cũng như về sự thâm nhập lẫn nhau giữa trần gian và các thế giới siêu nhiên.

Quả thật, cuộc du hành của các linh hồn đã mang đến cho văn học trung đại nét hấp dẫn rất riêng. Giữa không khí dường như thực mà lại dường như mộng, thật khó tách bạch giữa đâu là hiện thực, đâu là ảo ảnh. Vua Lê Thánh Tông “đêm khuya mộng thấy hai người con gái rất đẹp đội một phong thư đến kêu oan với ngài, lúc tỉnh dậy “trông lên án, quả có phong thư” (Bài ký một giấc mộng Thánh Tông di thảo(3)), ấy là mộng biến thành hiện thực. Viên quan họ Hoàng trong Xương Giang yêu quái lục chiêm bao bị bắt đến đền Phong Châu, “sau mấy năm nhân đi việc quan đến Tam Giang, vào nghỉ ở đền Phong Châu, thấy đền đài, tượng thần và cái hành lang trụt đổ, đúng như trong chiêm bao trông thấy, mới biết chính dạo trước mình bị đòi đến đây” (Truyền kỳ mạn lục), ấy lại là hiện thực hòa vào mộng. Riêng câu chuyện Từ Thức lấy vợ tiên trong Từ Thức tiên hôn lục (Truyền kỳ mạn lục) dù chẳng phải kể việc trong mộng nhưng sự tan biến của cõi tiên ở trên mây cùng với cảnh biến đổi vô thường ở nhân gian không khỏi khiến người đọc cảm nhận được nhân sinh như mộng, “có không lờ mờ”. Những mối gắn kết này được miêu tả ảo diệu đến nỗi đường biên vốn đã rất mỏng manh giữa thực và mộng bây giờ lại càng mơ hồ, khó nhận thấy. Trong chiêm bao, con người có lúc bay bổng lên tận trời, có lúc lặn sâu xuống đáy biển, tự do phiêu lưu đến những miền đất xa xôi, thần bí để rồi khi tỉnh giấc, những trải nghiệm mà họ có được từ chuyến đi ấy vẫn vẹn nguyên, chân thật. Âm ty theo miêu tả của Tản Viên từ phán sự lục thì “hơi lạnh thấu xương, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ hình dáng nanh ác” (Truyền kỳ mạn lục) gây nên ấn tượng đáng sợ, trong khi cõi trời, tiên cảnh, thủy cung lại là những nơi tập trung vẻ đẹp tráng lệ nhất. Nếu tin rằng tiên cảnh là khoảng không gian tốt đẹp nằm ngoài cõi thế thì Hoa quốc, nơi Chu sinh lạc bước, với “cung điện bằng vàng, cột son chạm trổ, sân đầy pha lê, bậc thềm tô rồng, bình phong vẽ phượng, mái nhà lát bằng ngói bạc, giữa nhà rủ một tấm rèm châu” (Duyên lạ Hoa quốcThánh Tông di thảo), hay vương phủ, nơi trú ẩn của linh hồn Tiên quận chúa sau khi nàng đã mất, với “lâu đài cùng kẻ hầu người hạ”,đàn sáo vang dậy” chính là bồng lai tiên cảnh (Tiên quận chúaTang thương ngẫu lục). Đặc biệt, đây còn là những không gian thấm đẫm không khí yêu đương lãng mạn. Ở nước Hoa, Chu sinh nên duyên với công chúa Mộng Trang, còn nơi vương phủ, Tiên quận chúa và thái tử Duy Vỹ “buông màn cùng nhau âu yếm”. Những linh hồn đã gặp gỡ và yêu nhau trong mộng. Mộng tan, nhưng tình yêu còn lưu luyến đọng lại ở hơi thở nồng nàn men rượu, trong mùi hương phảng phất trên tà áo. Bấy giờ mộng không còn là mộng, không phải thế giới huyễn hoặc. Trong mộng, con người nếm trải cuộc sống chân thật như khi họ đang tỉnh thức, có điều, cuộc sống này diễn ra ở một không gian khác với không gian trần thế mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những lời hứa hẹn trăm năm, những mê luyến yêu đương nồng cháy bình thường bị ngăn cấm trong lễ giáo khắc nghiệt được người ta biến thành chân thực trong cõi mộng. Như vậy nếu có cái nhìn đậm chất triết học Lão Trang xem “cuộc phù thế trăm năm đều như mộng” (Du Côn Sơn – Nguyễn Phi Khanh) thì đối lập lại trong văn học trung đại còn tồn tại quan niệm xem giấc mộng như là một hiện thực mà ở đó các nhân vật được quyền tự do theo đuổi cuộc sống thần tiên như họ mong muốn. Lúc này chiêm bao đâu chỉ thể hiện niềm tin tâm linh mà nó còn là đôi cánh nâng đỡ cho khát vọng hạnh phúc chính đáng của con người.

Như vậy chiêm bao từ trong giấc ngủ của con người là thực. Những gì hiện ra trong giấc chiêm bao có thể là ảo, có thể là không thực nhưng bản thân giấc chiêm bao là thực. Văn học trung đại đã mang vào tác phẩm của mình những giấc chiêm bao, có chiêm bao thấy điều dữ nhưng cũng có chiêm bao thấy điều lành và quan trọng là những điều lành điều dữ ấy đều ứng vào cuộc đời thật của những nhân vật. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta cầu mộng và mong muốn được ứng mộng. Việc cầu mộng, chờ ứng mộng được họ thực hiện một cách thành kính ở những đền, miếu linh thiêng. Đời vua Lý Anh Tông, trời đại hạn, vua đến đền Hai Bà Trưng “lập đàn cầu đảo” (Hai bà Trinh Linh phu nhân họ TrưngLNCQ). Đời vua Lý Nhân Tông, hai con sông Thần Phù và Tô Lịch chảy lấn vào góc thành, cho lấp nhiều lần nhưng không được, vua phải thắp hương cầu khấn và lệnh cho viên quan họ Tăng “nằm ở đàn tràng, chờ ứng mộng” (Truyện lấp sông Thần Phù và Tô LịchLNCQ). Không chỉ cầu mộng, chờ ứng mộng, với người xưa lời hứa trong mộng không thể làm trái, việc trong mộng cần được tra xét. Vị quan chủ khảo trong truyện Tháp báo ân phải lấy đỗ thêm bài của chàng nho sinh, nhà vua trong truyện Phương Hoa ra đề thi thử tài Cảnh Yên theo lời thần đã báo mộng: “Ba bài văn sách ra liền/ Thử xem tài cán của viên thế nào/ Kẻo mà có sứ thiên tào/ Đêm qua trẫm thấy chiêm bao nhỡn tiền”, chẳng phải họ đều vì cùng một nguyên nhân, một niềm tin đó sao?

Tạo nên xung quanh nhân vật bức màn huyền bí của mộng mị, các tác giả đã thực sự tạo cho văn chương những huyền thoại có sức sống khỏe khoắn, lâu bền, đồng thời giúp người đọc thâm nhập, khám phá thế giới tâm linh, đời sống tâm linh thường trực, bí ẩn một cách dễ dàng. Những giấc mộng, điềm báo, sự linh ứng của việc cầu mộng, khả năng thông linh của người trần với thế giới siêu trần có thật hay không, khoa học cũng như con người ngày nay có xu hướng phủ nhận. Nhưng trong tư duy của người xưa, đó vẫn luôn là những điều thiêng liêng huyền bí mà sự lí giải của nó thật khó đạt được sự đồng thuận. Chỉ biết rằng ở đó luôn có niềm tin vào lẽ huyền nhiệm bí ẩn của thần linh, lẽ thâm diệu cao xa của trời đất. Văn học quan tâm đến nó không phải nhằm mục đích tuyên truyền mê tín dị đoan để thuyết phục cho niềm tin vào tính có thật của thế giới thần thiêng hay chứng minh cho những quan niệm định mệnh, nhân quả… mà những “mơ hồ nghệ thuật” ấy hẳn sẽ điều chỉnh phần nào quan điểm duy ý chí, tư tưởng vô thần của nhiều người. Hơn hết đó là sự khái quát cuộc sống từ nhiều “tọa độ” mà “tọa độ trung tâm” vẫn là một đời sống tâm linh làm nên diện mạo văn hóa tâm linh của người Việt trong nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn học trung đại nói riêng. Sức cuốn hút của các yếu tố ấy sẽ là điểm tựa cho người đọc các thế hệ tìm về với linh khí núi sông, hồn thiêng giống nòi, với nền văn hóa tín ngưỡng dân tộc giàu bản sắc và cũng là nguồn mạch cho nhiều sáng tác văn học mang tính kì ảo, huyền thoại ở các giai đoạn sau.

LTY-ĐAT.

 

Tài liệu tham khảo

1. Phan Kế Bính (2006), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn học.

2. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Phạm Vĩnh Cư… dịch (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du.

3. Ngô Lập Chi, Trần Văn Giáp dịch (1962), Truyền kỳ tân phả, Tủ sách Trường Đại học Tổng hợp, 1962.

4. Đỗ Kiên Cường (2002), Tâm linh dưới góc nhìn khoa học, Nxb. Thanh niên.

5. Nguyễn Du (1986), Truyện Kiều, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội.

6. Đinh Xuân Dũng (2004), Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, Nxb. Chính trị quốc gia.

7. Nguyễn Đăng Duy (2002), Văn hóa tâm linh, Nxb. Văn hóa thông tin.

8. Nguyễn Dữ (2001), Truyền kỳ mạn lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Kiều Thu Hoạch (2005), Tổng hợp văn học dân gian người Việt, tập 12, Truyện Nôm bình dân, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

10. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (2001), Tang thương ngẫu lục, Nxb. Văn học.

11. Đinh Gia Khánh – Trịnh Đình Rư, Trần Nghĩa  (dịch) (2008), Việt điện u linh tập, Nam Ông mộng lục, Truyền kỳ mạn lục, Nxb. Văn học.

12. Diêu Vĩ Quân (chủ biên) (1996), Bí ẩn của chiêm mộng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

13. Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch (2006), Hoàng Lê nhất thống nhất (Ngô gia văn phái), Nxb. Văn học.

____________________________

(1) (2) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Phạm Vĩnh Cư… dịch, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.164, 165.

 (3) Thánh Tông di thảo gồm 19 truyện, được viết bằng chữ Hán, do vua Lê thánh Tông khởi thảo. Trong quá trình lưu truyền, một số truyện có thể là do người đời sau thêm vào.

 

 

 

Thông tin truy cập

60772191
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16361
10454
60772191

Thành viên trực tuyến

Đang có 763 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website