Văn hoá ứng xử người Việt thể hiện qua tình yêu Kim - Kiều (Truyện Kiều của Nguyễn Du)

 PGS.TS Lê Thu Yến

Tóm tắt

        Bài viết đặt ra vấn đề ứng xử văn hóa theo truyền thống thông qua mối tình cụ thể là tình yêu Kim – Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có kết hợp phân tích so sánh chi tiết giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện để thấy những nét ứng xử khác biệt giữa 2 tác phẩm. Đó cũng là nét đẹp nhân văn tạo nên sức sống lâu bền của tác phẩm.

 

Summary

 

         The article talks about the matter of cultural conduct of tradition through Kim-Kieu’s love in The story of Kieu of Nguyen Du. By combining, analysing and comparing the details of The story of Kieu and The story of Kim Van Kieu. We saw that there are different conducts between the two works. This also is humanistic beauty that makes a long-lasting vitality for the work.

 

        Tự thuở nào tình yêu đã lên tiếng, đã mời gọi, đã ru lòng người bằng bao cung bậc bổng trầm. Có một mối tình đẹp đi qua cuộc đời đó là vạn phúc, đó là hương hoa, đó là thơ dâng trào, đó là nhạc vút cao…Ai chưa nếm trải chưa phải là người sâu sắc tình đời. Nguyễn Du đã mang một trái tim yêu đi suốt cuộc đời để gieo rắc nỗi sầu cho nhân thế, để cắt cứa thêm lòng đau, để dài thêm nhung nhớ nhưng cũng để cho khúc hát tình yêu tuyệt vời tiếp tục vút cao, vang xa…

 

        Như một người đi trước thời đại, Nguyễn Du không nói chuyện cao đạo, không theo khuôn lồng chật hẹp của Nho giáo phong kiến, ông một mình vẽ ra một chân trời mới, một hướng bay mới. Chân trời mới ấy, hướng bay mới ấy cũng lênh đênh, gập ghềnh, cũng khúc khuỷu nhục vinh, cũng cay đắng tình đời…nhưng quan trọng là con đường ấy đi đến yêu thương và ở đó có những con người với những ứng xử sâu sắc, với những nghĩ suy cao thượng, với những cảm xúc nhiệt thành. Kết thúc của tình yêu có thể buồn, có thể không hạnh phúc nhưng tình yêu dẫn con người đến hạnh phúc, đến cách sống cao đẹp ở đời. Có lẽ đó cũng là nét đẹp ngàn đời của truyền thống văn hóa Việt mà thế giới ngày nay dù có hiện đại đến đâu cũng không thể xóa nổi.

 

        Buổi đầu hội ngộ của tình yêu lứa đôi thường là những hình ảnh thăng hoa trong thơ ca. Ca dao xưa đã mời gọi tình yêu bằng những lời lẽ hết sức trang trọng, hết sức tin yêu:

                      -     Cô kia đứng ở bên sông

                     Muốn sang anh ngã cành hồng cho sang

Mời gọi và bày tỏ cảm xúc của mình

                      -      Người về em vẫn trông theo

      Trông nước nuớc chảy, trông bèo bèo trôi

        -      Nhìn em chẳng dám nhìn lâu
      Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.

Táo bạo, hóm hỉnh, duyên dáng để tiến tới một dự định nào đó: 

        -    Yêu nhau một cái lá đa
      Nửa nằm nửa đắp hơn nhà năm gian.
        -     Tình cờ anh gặp em đây
      Như cá gặp nước như mây gặp rồng.

      Mây gặp rồng mây lồng cuồn cuộn
      Cá gặp nước con ngược con xuôi.
               Chồng nam vợ Bắc anh ơi!
      Sao anh chẳng lấy một người như em ?

         Tình yêu trong Truyện Kiều cũng có cái dịu dàng đằm thắm : “Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa/ Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha” nhưng cũng có cái mãnh liệt táo bạo “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường/ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, có cái ngập ngừng e thẹn “Thưa rằng đừng lấy làm chơi”, nhưng cũng có cái hồn nhiên bản năng “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, rồi cũng có cái khôn ngoan giữ gìn “Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh/ Còn thân còn một đền bồi có khi”…

 

         Tình yêu trong Kim Vân Kiều truyện nghiêm chỉnh và khắt khe hơn. Mọi vấn đề đặt ra dường như đã được định sẵn, khuôn sẵn, nhân vật chỉ cần phát ngôn theo định hướng đó mà thôi. Tuy nhiên cũng có những chỗ dường như mâu thuẫn trong xây dựng tính cách nhân vật. Ví dụ một số chi tiết: Kiều lớn tiếng trách cứ Kim Trọng khi chàng “lách mình qua khe núi giả ôm gọn Thúy Kiều” cho bõ những ngày tơ tưởng tưởng tơ, nhưng lại tự nhiên khóc nức nở “nằm ngả vào lòng chàng” khi tâm sự với chàng về phận bạc, về việc trời xanh ghét ghen tài sắc… Nằm ngả vào lòng chàng trai mới quen e rằng không phải là điệu bộ, cử chỉ của một cô gái gia phong, nề nếp. Và cô cũng không ngần ngại chìu chuộng một kẻ không ra gì như Sở Khanh “trai tham gái luyến dắt nhau lên giường cùng vào giấc mộng mây mưa say tỉnh”. Với chi tiết này dễ khiến người đọc thấy tâm lý “không còn gì để mất” của Kiều, và như thế thì phải xem lại tư cách cô gái “Tường đông ong bướm đi về mặc ai”. Còn với Thúc Sinh, một khi nàng đã có quá nhiều kinh nghiệm trong chốn lầu xanh thì “ân ái đêm đó chắc sẽ mặn nồng”. Và ở đoạn cuối khi Kim Kiều hội ngộ, chúng ta cũng thấy mâu thuẫn lộ ra khi Thanh Tâm tài nhân đã để cho  Kiều đồng ý (hay nói cách khác là không phản ứng) khi Kim “khẽ tay nới rộng đai lụa, cởi hộ áo là, đỡ nàng vô màn uyên ương, bàn tay xoa xát tới chỗ tình nồng, dần dần tỏ ý tham hương tiếc nhụy” rồi sau đó lại căng thẳng với chàng, lên giọng đạo đức về chữ trinh. Lạ thật, người Việt chắc không hành xử như vậy.

          Cũng không phải chỉ trong Kim Vân Kiều truyện mà trong những tác phẩm khác của Trung Quốc như Kim Bình Mai (quan hệ giữa Tây Môn Khánh với Phan Kim Liên và nhiều phụ nữ khác..), Hồng lâu mộng (chuyện tình của chàng Bảo Ngọc với cô gái, chuyện Vương Hy Phượng và Giả Thụy…), Liêu trai chí dị (truyện Thanh Phượng, Truyện Hoa cô Tử), Tiễn đăng tân thoại (Chiếc đèn Mẫu đơn, lầu Liên Phượng, Cô gái áo xanh, Chiếc thoa vàng hình chim phượng…), Tái sanh duyên (quan hệ giữa Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Tô Yến Tuyết, cử chỉ dâm loạn của 2 bà thiếp Nhu nương và Đức Thơ của Khương Nhược Sơn vốn là cha nuôi của Lệ Minh Đường tức Mạnh Lệ Quân đang giả trai)… Quan hệ nam nữ trong những tác phẩm này hầu như rất cởi mở, rất thoáng theo nghĩa quá tự do không có giới hạn, nhất là không cần gìn giữ. Có vẻ như những mối quan hệ này không phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người Việt. Văn học Việt Nam ta ảnh hưởng văn học Trung Quốc nhiều nhưng những gì thuộc về truyền thống, về bản sắc thì người dân Việt vẫn cố gắng duy trì hay nói khác hơn cái gì thuộc về tâm thức thì khó có sự thay đổi. Chính điều đó làm nên sự khác biệt về lối suy nghĩ, cách thể hiện, thói quen hành động… nói chung là ứng xử văn hóa giữa hai dân tộc. Tất nhiên sự khác biệt này phải nhìn lâu mới thấy, nó chỉ là những lằn ranh vô cùng mong manh, có nghiền ngẫm kỹ mới thấu hết được.

        Ngay từ buổi bình minh của chế độ phong kiến, có quá nhiều những điều cấm kỵ, những điều ràng buộc nhưng người ta vẫn có cách để thể hiện tình yêu

                    Thụy khởi khải song phi

                    Bất tri xuân dĩ qui

                    Nhất song bạch hồ điệp

                    Phách phách sấn hoa phi (Xuân hiểu – Trần Nhân Tông)

(Ngủ dậy mở cửa sổ ra xem/ Không biết xuân đã về rồi/ Một đôi bươm bướm trắng/ Vỗ cánh bay sấn tới cành hoa)

         Cảnh gợi tình hay lòng người đang đuổi theo giấc mơ tình yêu sóng đôi. Bươm bướm đang vờn hoa hay hoa đang làm nền cho không gian thêm đầy thi hứng để đón bướm đa tình? Người đọc cũng sẽ mở lòng ra để đón nhận khung cảnh tự tình và say sưa dõi theo lứa đôi đang tình tự. Cái chính ở đây là cách bộc lộ tình yêu nhẹ nhàng, sâu lắng, kín đáo…qua lớp rào chắn ngôn ngữ bác học

         Nguyễn Trãi, một ông quan mẫu mực nghiêm chỉnh cũng không tránh khỏi có lúc để lòng mình xao động vì một tàu lá chuối non.

                   Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

                   Đầy buồng lạ mầu thâu đêm

                   Tình thư một bức phong còn kín

                   Gió nơi đâu gượng mở xem  (Cây chuối)

Nhưng cái xao động kia nấp dưới cây lá, nấp dưới sự chuyển động của gió, của xuân. Tàu lá chuối non kia sẽ mãi mãi chỉ là lá chuối non nếu không có ai viết lên nó bức thư tình còn tươi nguyên nét mực và gió cũng sẽ mãi chỉ là gió nếu không có động tác gượng nhẹ sẽ sàng nhón giở từng chút một cái bức thư tình e ấp thẹn thùng kia. Cho nên tàu lá chuối non tơ và chàng gió thanh lịch tạo điều kiện cho người đọc tưởng tượng thêm. Và Nguyễn Trãi ngoài những điều ai cũng biết: một nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao tài tình… ông còn là một khách đa tình. Và con người đa tình ấy không phải ai cũng dễ nhận biết vì những lời thơ đã được che chắn cẩn thận bằng những hình ảnh ví von, ẩn dụ…thanh thoát, mang nét đẹp thẩm mỹ Việt.

 

         Nguyễn Du cũng vậy, dù tư tưởng hết sức mới, ông đã đi trước thời đại một cách đáng kính phục nhưng ông vẫn để cho nhân vật của mình thể hiện những tư tưởng mới đó dưới hình thức kín đáo, tế nhị chứ không hề quá lố hay kệch cỡm đến mức thô vụng

 

        Trong buổi đi chơi thanh minh, Kim, Kiều đã gặp nhau và tiếng sét ái tình đã đánh trúng họ, nhưng ánh mắt của người quốc sắc cũng chỉ dám nhìn theo hút bóng kẻ thiên tài dù “Tình trong như đã …” chứ không hề có một cử chỉ kém tao nhã hoặc một lời nói bóng gió xa xôi nào.

 

        Trong lần Kiều sang nhà Kim tình tự, hai người đã có những kiểu cách ứng xử phù hợp. Chàng Kim xem trong âu yếm có chiều lả lơi thì cũng là một điều tự nhiên, bởi lẽ chàng Kim nếu không “xiêu xiêu” thì người ta có thể tưởng nhầm chàng có “vấn đề” trong hoàn cảnh “Dải là hương lộn bình gương bóng lồng” đầy gợi tình như thế. Và Kiều, với cách Kiều nói trước đây “Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”, “Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa” thì không thể nào Kiều không can ngăn chàng Kim dù nàng cũng yêu chàng xôn xao quấn quýt, cháy bỏng không kém. Nhưng quan trọng là những lời ngăn đón ấy lại là những lời hết sức chân tình chứ không phải là những lời rao giảng đạo đức cứng nhắc như cô Kiều của Thanh Tâm tài nhân. Và điều đó cũng phù hợp với cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử theo truyền thống của dân tộc Việt. Chuyện hệ trọng cả đời người không dễ gì đổi trao mà không đắn đo suy tính. Tự ngàn xưa người Việt đã suy nghĩ như vậy, làm như vậy thì các thế hệ sau cũng được truyền dạy như vậy.

         Kiều được xây dựng như một mẫu người yêu đương tự do, nhưng không phải tự do quá trớn. Bước chân của nàng đến với tình yêu rất hồn nhiên, rất mạnh bạo nhưng như đã nói nàng rất biết giữ gìn. Việc giữ gìn ấy người con gái nào cũng phải biết, với một nàng Kiều luôn có ý thức càng thấy rõ hơn ai hết. Cho nên dù Kiều mạnh bạo vượt rào sang nhà người yêu nhưng ai cũng nễ phục nàng khi nàng biết nói những lời từ chối mà  không làm chạm tự ái chàng Kim.

 

         Nỗi nhớ nhung trong tình yêu cũng là một điều đáng quan tâm. Người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm hơn ai hết ngân nga tiếng lòng chờ mong,  hoài vọng, trăn trở, xót xa, ai oán…để gửi hết tâm tư vào hình ảnh của người chồng thương yêu đang ở ngoài xa vạn dặm đồng thời cũng trút hết nỗi niềm khát khao cháy bỏng vào cuộc đời đầy biến động đang có khả năng gây ra những đau thương, mất mát, chia lìa…cho hạnh phúc của cô. Người cung nữ trong Cung oán ngâm cũng mong chờ đấng quân vương, người tình trong mộng của nàng một lần trở lại để cùng với nàng hát khúc tương phùng nối tiếp cái quá khứ vàng son một thuở “Bóng dương lộng bóng trà mi trập trùng” dù đó là điều khó có thể trở thành hiện thực. Những cung bậc nhớ thương ấy nào dễ gì được bày tỏ trong xã hội phong kiến khi mà đạo đức Nho giáo dạy phụ nữ phải phu xướng phụ tùy, phải cử án tề mi

Nỗi nhớ của người bình dân có phần mạnh mẽ và cụ thể hơn

                          -      Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

                         Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai

                          -      Anh đi đường ấy xa xa

                          Để ai ôm bóng trăng tà năm canh

                           -      Nước non một gánh chung tình

                          Nhớ ai ai có nhớ mình chăng ta

                           -      Gió sao gió mát sau lưng

                          Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này

                           -      Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

                          Như đứng đống lửa như ngồi đống than

                           -      Đêm qua ba bốn lần mơ

                          Chiêm bao thì thấy dậy sờ chiếu không

Nguyễn Trãi cũng thể hiện nỗi nhớ bằng những lời thơ nồng nàn, không kém phần cồn cào da diết.

                          Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng

                          Đầm ấm mà thương kẻ lạnh lùng

                          Ngoài ấy dầu còn áo lẻ

                          Cả lòng mượn lấy đắp cho cùng (

         Trong tình yêu Kim, Kiều, những đoạn Kiều nhớ nhà suốt mười lăm năm lưu lạc làm mủi lòng người đọc. Kiều nhớ gia đình, nhớ người thân và nhất là không lúc nào nguôi quên hình bóng người con trai “Hài văn lần bước dặm xanh. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao” của buổi đầu. Tự bao giờ trái tim yêu của Kiều đã khắc ghi hình ảnh ấy.

                                  Nhớ lời nguyện ước ba sinh

                           Xa xôi ai có thấu tình chăng ai…

                                …Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

                           Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Lời thơ đơn giản tưởng chỉ là nỗi nhớ nhưng vọng từ trong sâu thẳm là một nỗi niềm  khao khát dâng trào.

 

         Kim Trọng cũng thế, chàng chẳng đã là người tình tri âm tri kỷ của nàng Kiều đó sao? Nỗi nhớ của chàng về người yêu đã ra đi biền biệt suốt mười mấy năm trời cũng có kém gì nàng. Sống với Thúy Vân mà chưa lúc nào chàng nguôi quên Kiều (Đây cũng là chỗ mà người đời thương Vân và nói nhiều đến cảnh đồng sàng dị mộng trong cuộc sống vợ chồng của Vân)

                                  Nỗi nàng nhớ đến bao giờ

                            Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng

                                  Có khi vắng vẻ thư phòng

                            Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa

                                  Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ

                            Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm

                                  Dường như bên nóc bên thềm

                            Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng

Đây là nỗi nhớ của chồng đối với vợ, của tình nhân đối với tình nhân, của người “Đã quen thuộc nết càng dan díu tình”. Cho nên chàng nhìn đâu cũng thấy nàng “bên nóc, bên thềm”, “bóng xiêm mơ màng” lúc ẩn lúc hiện. Càng xa càng nhớ, “Tương kiến thời nan biệt dịệc nan” (càng khó gặp nhau càng khó biệt nhau- lời thơ của Lý Thương Ẩn). Và cũng không chỉ là nỗi nhớ của tình yêu trai gái mà còn trắc ẩn một niềm thương nhân thế: thương nàng phải bước lưu ly, thương nàng chịu nhiều oan khuất, thương nàng bèo nước nổi trôi…“Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu li/ Xót thương chiếc lá bơ vơ/ Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng”. Cũng chính vì thế dù yêu Kiều đến đâu, tha thiết muốn gắn bó vợ chồng với nàng đến đâu, Kim cũng sẵn mối tương giao để chìu theo ý nguyện của nàng, làm yên lòng nàng, khi thấy nàng đã quyết tâm đem tình cầm sắt đổi duyên cầm kỳ. Yêu không có nghĩa là cùng sống chung trong một mái nhà, cùng ăn, cùng ngủ…mới là yêu. Những toan tính thấp hèn không thể có mặt trong tình yêu, lại càng không được đem những tham vọng riêng tư để chiếm hữu người mình yêu. Yêu là cho chứ đâu phải chỉ có nhận? Trong Kim Bình Mai, Liêu trai chí dị, Hồng lâu mộng của Trung Quốc…hầu như vắng bóng tình yêu kiểu này, ở đấy chỉ toàn là những chiếm hữu về mặt thân xác, những khát vọng nhục cảm…Có lẽ do thị hiếu thẩm mỹ của từng địa phương chăng?

 

 

         Tính cao thượng trong tình yêu cũng là một đặc tính nổi trội trong ứng xử của người Việt. Tình yêu trọn vẹn là đủ đầy cả hai yếu tố vật chất lẫn tinh thần nhưng đôi khi điều đáng quý trọng lại nằm trong cách hành xử của con người chứ không phải ở xác thân vật chất. Điều này được Nguyễn Du thể hiện rõ qua hình ảnh lý tưởng Kim, Kiều.

         Kim hoàn toàn xem nhẹ chữ trinh của lễ giáo phong kiến, chàng nghĩ chữ trinh có ba bảy đường và chỉ riêng lòng hiếu cũng đủ để thay thế chữ trinh rồi. Huống chi dân gian ta từng nói:

                          Nàng nói với ta nàng còn son

                         Ta đi qua cửa thấy con nàng bò….

Chàng trai trong câu ca dao mới đáng yêu làm sao khi có hành động mà chắc gì chàng quân tử thắm nhuần đạo đức phong kiến nào dám làm

                              Con nàng những trấu cùng tro

                          Ta đi lấy nước tắm cho con mình (Ca dao)

Và cũng trong dân gian, có một quan niệm rất lạ và rất mới có lẽ xuất phát từ cái tâm bao la, bồ tát

                               Giữa đường nhặt cánh hoa rơi

                            Hai tay nâng lấy cũ người mới ta  (Ca dao)

Suốt từ khi gặp lại nàng Kiều, người đọc chưa thấy bất cứ một lời trách móc nào của chàng Kim về chuyện quá khứ của nàng (trừ lúc trách nàng quên lời thề, hay không còn yêu chàng nữa: Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu…). Chàng chỉ muốn dang rộng tay đón người cũ chứ chưa bao giờ có ý coi khinh nàng

                                Hoa tàn mà lại thêm tươi

                            Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa

Bởi lẽ Kim theo cách của dân gian mà nhìn nhận sự việc: “Mà trong lẽ phải có người có ta”. Đó chính là lẽ phải của người dân Việt. Lẽ phải đó có khi trùng khít với lễ giáo phong kiến nhưng thực ra nó thuộc về truyền thống văn hóa Việt. Thế nào là lẽ phải? Lẽ phải dựa trên nguyên tắc làm người, thiện ác, tốt xấu, phải trái phân minh và đã thành chân lý “Nói phải củ cải cũng nghe”. Đồng ý là trong Kim Vân Kiều truyện chàng Kim cũng nói những lời này nhưng đó chỉ để biện hộ và cốt làm nổi bật một cô Kiều “không phải là hạng yếm khăn, mà là một người trong đám hào kiệt”. Nguyễn Du không hề có ý định để Kiều nổi bật theo hướng này.

 

        Hồi kết cuộc “Tình nhân lại gặp tình nhân…”, Kiều lặng lẽ “Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa” là để đắn đo thuyết phục Kim lần cuối nên ngay trong cách nói, thái độ, dáng vẻ…vẫn thấy nàng luyến lưu thực sự “Mười lăm năm mới bây giờ là đây/ Tình duyên ấy hợp tan này/ Dưới đèn tỏ dạng má đào thêm xuân”… Yêu nhau từ mười lăm năm trước đến bây giờ mới thấy đây, bây giờ mới được tự do cận kề, tay trong tay, mắt chìm trong mắt. Không gian ấy là không gian hạnh phúc. Trái hạnh phúc đang treo trước mắt chờ đón Kiều, có lẽ nào Kiều không còn chút tình cảm với Kim? Có lẽ nào “Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặt đã ưa nâu sòng/ Sự đời đã tắt lửa lòng…”? Chẳng qua đó chỉ là cách nói. Còn nhiều lắm, đong đầy hơn bao giờ hết, Kiều đã già đâu để phải đi tu? Nhưng cũng chính vì thế mà Kiều buộc mình phải từ chối. Còn đâu nữa cái thời xuân sắc, còn đâu nữa cái trong ngọc trắng ngà, còn đâu nữa buổi đầu e ấp, thân xác nàng bây giờ đã là “hoa dưới đất, hương cuối mùa”, còn yêu nhau nữa “là thù đấy thôi” là “người yêu ta xấu với người”…Đó là điều  “buồn cả ruột, dơ cả đời”, và “hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi”…? Cho nên tại sao không giữ gìn một chút gì còn sót lại?

 

         Những cảm xúc ngất ngây buổi đầu, những xao xuyến cứ buộc vào xao xuyến khi ánh mắt chạm nhau, lời thề trăm năm có vầng trăng chứng giám, sự trân trọng dấu yêu nắng giữ mưa gìn… Quá khứ vàng son ấy sao nỡ vùi lấp nó bằng một thân xác hoa tàn? Kiều xót xa lắm, đau đớn lắm, đau đến đứt ruột khi phải chôn chặt trái tim yêu tận đáy lòng để cầm cho vững một chút trinh còn sót lại. Đó là bi kịch sâu thẳm nhất nhưng cũng là đáng trân trọng nhất. Sự tin yêu, thấu hiểu nhau, kính trọng nhau đặt vào đúng cái tâm cao thượng của nàng Kiều. Nàng chối từ hạnh phúc, chìm ngập trong niềm đau chất ngất nhưng người đọc nâng niu nàng như báu vật bởi vì nàng chính là hiện thân của hạnh phúc, nàng đã chỉ ra hạnh phúc cho bao người. Nguyễn Du cũng đứt từng khúc ruột khi để cho nàng Kiều trở thành cái bóng suốt đời đi bên cạnh hạnh phúc của Kim và Vân nhưng ông không thể làm khác được. Muốn nâng cao giá trị nàng Kiều ông đành phải để cho nàng đi theo cái tâm cao thượng và đó cũng là con đường tự nhiên nhất, hợp lý nhất theo lối ứng xử của người Việt.

 

        Trong con mắt của mọi người trong gia đình, Kiều là người biết nghĩ, biết hy sinh và cái hy sinh này quá lớn. Bán mình không chỉ mười lăm năm mà là cả cuộc đời và đó là nỗi đoạn trường mà Kiều phải theo cho đến hết kiếp. Trong con mắt người đọc chúng ta, cái tên Đoạn trường tân thanh mà tác giả cố tình đặt cho đứa con tinh thần của mình quả là đã chuyển tải được hết điều mà Nguyễn Du muốn gửi gắm. Người đã từng bênh vực cho Dương Quý phi mà mắng cả triều đình “…như phỗng đứng” (Dương phi cố lý), đã từng xót xa cho người phụ nữ vọng phu hóa đá phải “một mình đứng trên đầu núi hàng nghìn năm, để muôn kiếp không biết tới giấc mộng mây mưa…”(Vọng phu thạch) thì không thể bằng lòng để cho người con gái đa tình, đa sầu, đa cảm, hiếu nghĩa đủ đường kia phải chôn đời mình giữa tiếng mõ hồi kinh khi khép lại Truyện Kiều. Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều theo kết thúc của Thanh Tâm tài nhân nhưng đằng sau trái tim đau đời của ông hình ảnh một nàng Kiều nhan sắc chưa bao giờ nhạt phai và tiếng khóc của nàng Kiều cũng chưa bao giờ dứt. Hậu thế vẫn dõi theo nàng. Cánh cửa phòng thu khép lại rồi nhưng lối thiên thai thuở nọ vẫn còn kia, am nhỏ vẫn mỗi ngày vọng về tiếng chuông sâu thẳm nhưng con đường tu chắc gì đón được bước chân hăm hở say mê yêu đời (xăm xăm, thoăn thoắt) thuở nào, đàn đã cuốn dây rồi đấy nhưng âm thanh réo rắt của buổi đầu trao nhau làm sao dứt được, duyên đôi lứa  đã thành duyên bạn bầy rồi đấy nhưng khối tình đã tan được chưa?... Trong khi đó “Thừa gia chẳng hết nàng Vân”. Tất cả mọi thứ đều thuộc về Vân, chồng là chồng của Vân, con là con của Vân, hạnh phúc còn nguyên đó là hạnh phúc của Vân… Kiều có còn gì đâu ngoài tâm hồn mong manh, vật vờ như khói, như sương… khác gì Đạm Tiên?

 

         Thương cảm nàng Kiều người đọc cũng đau đứt ruột cùng Nguyễn Du. Thương mà cảm, cảm để rồi bái phục. Bái phục sự cao thượng cũng như cách ứng xử tuyệt vời của nàng Kiều. Bái phục Nguyễn Du cái tài “dĩ tâm truyền tâm”, tài lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt người đời, tài tạc tượng Kiều trong mắt bao thế hệ. Người đời khóc thương Kiều, tương giao tương cảm cùng Nguyễn Du cũng chính bởi Nguyễn Du đã từ lòng dân tộc mà xây dựng nên Kiều, khóc Kiều bằng chính con tim, khối óc, bằng cách ứng xử truyền đời của dân tộc.

 

                                                                                   10-8-2011

Tài liệu tham khảo

Truyện Kiều đối chiếu - Phạm Đan Quế, NXB Giáo Dục, năm 2003.

Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc bộ qua một số ca dao tục ngữ - Trần Thúy Anh , NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004

Tâm lí học ứng xử - Lê Thị Bừng, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998

Văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt Nam – Lê Văn Quán, NXB Trẻ, 2007                

 

Thông tin truy cập

62496539
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10243
20575
62496539

Thành viên trực tuyến

Đang có 341 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website