K.VH-Từ khi thành lập đến nay, Khoa Ngữ văn trước đây, nay là Khoa Văn học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, luôn coi trọng việc nghiên cứu và giảng dạy Lý luận văn học. Trong giai đoạn đầu, chuyên ngành Lý luận văn học trực thuộc Bộ môn Văn học Việt Nam và Lý luận văn học. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ là người đặt nền móng cho việc xây dựng chuyên ngành này.
Từ năm 2007, do nhu cầu phát triển của khoa, chuyên ngành Lý luận văn học được tách ra để thành lập Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học, với nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận và phê bình văn học ở bậc cử nhân, đồng thời đào tạo chuyên ngành Lý luận văn học ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Bộ môn cũng được sự cộng tác của nhiều giáo sư, học giả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giảng dạy, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn và chấm luận văn, luận án.
Trong ý thức và thực hành của Khoa Văn học, Lý luận văn học không tách rời mà gắn bó mật thiết với phê bình và lịch sử văn học; những vấn đề lý thuyết luôn được đúc kết từ thực tiễn văn học và góp phần soi sáng, lý giải thực tiễn. Lý luận văn học có sức sống là lý luận vận động và phát triển trên nền tảng của đời sống văn học Việt Nam và thế giới, phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện đại.
Chính vì vậy, nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành này không chỉ là nhiệm vụ của bộ môn Lý luận và Phê bình văn học mà còn của các bộ môn khác trong khoa: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài và Văn học so sánh, Văn học dân gian, Hán Nôm, Nghệ thuật học. Chính sự hợp tác chặt chẽ này giúp cho việc nghiên cứu và giảng dạy không rơi vào phiến diện, cực đoan mà từng bước đạt đến sự linh hoạt trong vận dụng.
Trên tinh thần đó, những thành tựu của Khoa Văn học được ghi nhận qua những giáo trình, chuyên khảo và các hội thảo khoa học về văn học so sánh, về thi pháp tác phẩm và thể loại, về tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam và Đông Á, về phong cách các tác gia văn học Việt Nam và thế giới, về hoạt động nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học dân tộc từ cổ điển đến hiện đại, về ảnh hưởng của các lý thuyết và trường phái văn học nước ngoài vào Việt Nam,...
Bên cạnh những vấn đề lý luận văn học cơ bản, các giảng viên trong khoa cũng đầu tư nghiên cứu cập nhật một số lý thuyết nhằm góp phần đổi mới nghiên cứu văn học: Phê bình mới, Phê bình phân tâm học, Phê bình hiện tượng luận, Phê bình cấu trúc và giải cấu trúc, Phê bình ký hiệu học, Phê bình phản hồi - độc giả, Phê bình nữ quyền, Phê bình hậu thực dân, Phê bình sinh thái luận, Lý thuyết diễn ngôn,…
Chương trình Cà phê học thuật nhân văn số 01/2024, “Giao lưu ra mắt sách: Lý luận – phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” phản ánh những nỗ lực của Khoa Văn học trên con đường nghiên cứu Lý luận văn học trong quan hệ chặt chẽ với đời sống xã hội và văn hoá Việt Nam thời Đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ những góc nhìn khác nhau, các tác giả là giảng viên của khoa góp phần nhỏ bé của mình làm đa dạng và phong phú sinh hoạt học thuật trong nhà trường hiện nay. Tuy có một số bài viết từng công bố trên các tạp chí khoa học, nhưng đây là lần đầu tiên tất cả được đưa vào trong cấu trúc một cuốn sách với tên gọi chung Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng.
Trong ý nghĩa khiêm tốn của nó, cuốn sách này lưu lại một kỷ niệm về sự hợp tác của các giảng viên trong khoa, chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 50 năm hoạt động của Khoa Văn học (1975 – 2025).
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả, khách mời:
- GS.TS Huỳnh Như Phương, giảng viên Khoa văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;
- PGS. TS Nguyễn Hữu Hiếu, giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;
- PGS. TS Trần Thị Phương Phương, giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời gian: 8:30, ngày 14/04/2024 (Chủ nhật)
- Địa điểm: Phòng họp D201-D202, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.
BTC trân trọng kính mời Quý thầy/cô, các anh/chị học viên, sinh viên quan tâm đến tham dự.
Link đăng ký tham dự chương trình: