Hai tác phẩm mới của văn học Nhật Bản ra mắt độc giả Việt Nam

Hai tập sách văn học Nhật Bản của nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Nam Trân (Đào Hữu Dũng) mới ra mắt ở Việt Nam, đó là tập thơ Bách nhân nhất thủ - Thiên nhiên và luyến ái trong cổ thi Nhật Bản (2021), Tuyển tập Mori Ogai (2020), cả hai đều do Công ty Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn in ấn và phát hành.

20210705 2

Mori Ogai là đại tác gia Nhật Bản thời cận đại, ông là một trí thức khai sáng, trí thức Bách khoa như tinh thần của thời đại ông. Ông là một bác sĩ, tốt nghiệp khoa y danh giá nhất Nhật Bản và Đức thời bấy giờ; ông là dịch giả dịch Goethe, Schiller, Ibsen, Hauptmann ở Nhật Bản; ông là nhà thơ; và nổi tiếng nhất là nhà văn - nhà văn hàng đầu thời Minh Trị, tề danh với Natsume Soseki. Tác phẩm của ông cũng như của các tác gia lớn khác không cũ bao giờ, mỗi thời đều có thể tìm thấy cái hay riêng.

20210705

Bách nhân nhất thủ - Thiên nhiên và luyến ái trong cổ thi Nhật Bản, nguyên bản tập thơ được hoàn thành 800 năm trước bởi ông hoàng thơ ca và mỹ học Nhật Bản Fujiwara no Teika (cũng đọc Fujiwara no Sadaie, 1183-1333). Tiêu chí tuyển chọn của ông rất khắt khe: 100 nhà thơ mỗi người một bài, từ trong 800 năm thơ ca Nhật Bản trước đó. Tuyển thơ của ông được yêu thích đến độ người Nhật cho đến nay vẫn còn chơi "đánh thơ" từ bộ bài chép 100 bài thơ do ông bình chọn.

Đọc tập sách này ta bắt gặp những bài thơ thật hay, thật quen thuộc.

Như thơ của Komachi, nữ thi sĩ tương truyền là đẹp nhất và đa tình nhất trong làng thi ca Nhật Bản cổ kim, với bài thơ sâu sắc và buồn thảm về hoa anh đào-nhan sắc-cuộc đời:

Mưa xuân dài luống trông,

Anh đào nhạt sắc hồng,

Dung nhan mình sớm úa,

Vì hay buồn mông lung.

Như là thơ Abe no Nakamaro diễn tả nỗi nhớ quê nhà da diết:

Nhìn lên bầu trời lạ,

Vầng trăng quê người ta,

Có là trăng làng cũ,

Chiều núi Mikasa.

Ông là bạn của Lý Bạch, là người Nhật đầu tiên lưu lạc đến Việt Nam từ hơn 1000 năm trước, do bị bão cuốn.

Hay bài thơ của Sarumaru Dayuu về mùa thu vàng, lá phong xào xạc và chú nai gọi bạn:

Bước ai trong núi vắng

Rẽ lá phong lao xao

Khi nghe nai gọi bạn

Thu ơi buồn làm sao!

Cho đến nay người Việt vẫn không thôi thắc mắc: Khi làm bài thơ Tiếng thu hay nhất trong đời thơ của mình, Lưu Trọng Lư đã từng đọc Daiyuu chưa?

Em không nghe rừng thu

Lá thu rơi xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?

Bách nhân nhất thủ trước từng được các dịch giả Nhật Chiêu dịch trong Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1867, Trần Thị Chung Toàn dịch thành sách riêng, lần này GS Nguyễn Nam Trân dịch chú bình cẩn thận, lại đưa cả bản Hán dịch và Anh dịch vào để tham khảo.

Dịch COVID đang hoành hành ở Việt Nam, ở Nhật Bản và ở nhiều nước khác trên thế giới. Đại dịch nhắc cho chúng ta sống chậm một chút, hưởng thụ ít đi một chút, để nghĩ về cuộc sống và thế giới này, mọi thứ mới mong manh làm sao! May mà có thiên nhiên đẹp, may mà có tình người và cũng may mà có văn chương. Đọc văn để chúng ta cảm nhận đời sống thật buồn mà thật đẹp!

Đoàn Lê Giang

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60515531
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7042
12997
60515531

Thành viên trực tuyến

Đang có 194 khách và không thành viên đang online

Danh mục website