Góp Lời cho Im lặng

Lời giới thiệu

20221224

Im lặng, như lời chia tay, tác giả: Cao Huy Thuần, NXB Đà Nẵng, 2022

       Sau nhiều năm không trở lại Huế, tôi có chuyến đi đến thành phố này vào những ngày hè trong dịp kỷ niệm 50 năm biến cố pháp nạn Phật giáo 1963. Sáng hôm đó tôi theo bạn đến lễ chùa Từ Đàm; còn buổi chiều, tôi một mình đi bộ dọc bờ sông Hương, từ chân cầu Trường Tiền, chỗ ngày xưa là trụ sở Đài Phát thanh Huế, nay đặt tượng Phan Bội Châu, về phía bia Quốc học. Những tốp thiếu nhi và nữ sinh ngồi theo vòng tròn ca hát trên bãi cỏ trong một buổi chiều nắng muộn chiếu trên sông những làn sóng bạc và tỏa ánh vàng trên những tàn cây.

       Tự nhiên, lúc ấy, trong tôi vang lên hai câu thơ của Nhã Ca:

Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay

Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay.

        Và câu hát của Trịnh Công Sơn:

Sau cơn bão qua im lặng mặt người

Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay.

        Cũng trong giây phút ấy tôi nhớ đến những người Huế xa xứ từng chứng kiến lịch sử thăng trầm với những bão dông, biến động của Huế, không có được hạnh phúc tận hưởng buổi chiều thanh bình, tĩnh lặng như tôi, một người khách lạ. Giáo sư Cao Huy Thuần là hình ảnh đầu tiên hiện về trong tâm trí tôi lúc ấy, thật tự nhiên, vì mấy hôm trước tôi mới gặp ông ở Bình Dương trong một cuộc hội thảo và vì tôi vừa đọc bài “Thầy tôi” của ông, môt bài báo lý giải những sự kiện bi tráng với nhiều góc khuất của miền đất này mà đứa bé 9 - 10 tuổi như tôi thời đó chỉ nghe vọng lại những tiếng động mơ hồ trong vẻ buồn của tỉnh lỵ Quảng Ngãi, là nơi ông sinh ra rồi rời xa để về Huế khi vừa chín tuổi.

        Phải mấy năm sau, tuổi niên thiếu khờ dại của tôi mới tìm cách kết nối với tuổi thanh niên bùng nổ của thế hệ Cao Huy Thuầntất nhiên chỉ là gián cách qua những lời kể trong đời hay trong sách báo. Tôi cố gắng tìm lời giải đáp cho những niềm tin xả thân của những người “chết mới được ra lời” và xác định khoảng cách giữa “ngọn lửa tình thương” với “bạo động của lịch sử”.

        Tôi tìm đọc lại những bài báo của Cao Huy Thuần trong mục “Chén thuốc đắng” trên báo Lập Trường, những lời sôi động, cuộn trào của một thế hệ đã qua vẫn còn ít nhiều xa cách. Hình như tôi gặp ông, càng gần gũi hơn trong sự đồng cảm, khi đến với Nắng và hoaKhi tựa gối khi cúi đầuChuyện tròNhật ký Sen trắngSợi tơ nhệnSen thơm nắng hạ quê mình… Cũng dễ hiểu thôi, vì người “tình nhân” đọc những “tình thư” của ông bây giở đã đến cái tuổi cần có nhiều khoảng lặng hơn là những tiếng hò reo.

        Kinh Thánh viết: “Khởi thủy là Lời”. Ngôi Lời giảng về Nước Trời bằng những dụ ngôn. Goethe nói: “Khởi thủy là Hành động”. Cao Huy Thuần đã dùng Lời để hành động, hành động bằng Lời. Nhưng, như ông nói, Lời với Im lặng là hai mặt của một thực thể. Lời cất lên từ sâu thẳm của Im lặng và Im lặng là nền tảng của Lời. “Im lặng, không phải là không nói, mà là không nói bằng lời. Thượng Đế nói bằng đám mây, bằng gió nhẹ, bằng hơi thở, bằng dấu hiệu. Tuyệt đỉnh: Thượng Đế nói nhiều nhất khi không nói” (Cao Huy Thuần). Cũng như sách Trang Tử: “Suốt đời nói mà chưa từng nói, suốt đời không nói mà chưa từng không nói”. Còn theo Kinh Lăng Già thì “Không thuyết mới là Phật thuyết”.

        Học đạo cũng như học văn, là học cách tu dưỡng, cách nói năng, học nghệ thuật ngôn từ, mà cũng là học nghệ thuật lắng nghe và im lặng. Đôi khi chỉ cần một cái mỉm cười hay một cái nhếch mép, bĩu môi cũng đủ tỏ một thái độ. Cuốn sách này nhắc đến giai thoại Thiền “Niêm hoa vi tiếu”. Truyện kể rằng Đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở Hội Linh Sơn, được đại chúng dâng hoa, Ngài cầm đưa ra một cành hoa trước mắt mọi người, không ai phản hồi gì, chỉ mình Ma Ha Ca Diếp nở một nụ cười, nhờ đó Ma Ha Ca Diếp được Như Lai truyền tâm ấn. Tác phẩm nghệ thuật là những lời hay ý đẹp đến với ta như bông hoa kia làm nở trên môi ta một nụ cười. Nụ cười trong im lặng, nhưng là im lặng của hiện hữu, vì đó là im lặng của hiệp nhất và hòa hợp.

        Thời trẻ đọc Jean-Paul Sartre, tôi hoang mang quá đỗi. Hư vô là gì? Hư vô là mặt trái của Hữu thể hay là sự hủy diệt của Hữu thể? Im lặng có đồng nghĩa với Hư vô? Hay Im lặng là đối chứng của Hiện hữu? Tôi đang ở đâu và sẽ về đâu giữa Hiện hữu và Hư vô? Tôi, “kẻ bị nhìn”, là ai giữa muôn người, giữa “địa ngục” của những kẻ khác? Tôi thật sự muốn quên những câu hỏi siêu hình ấy. Sau này, Cao Huy Thuần lại đặt những câu hỏi tiếp tục làm tôi ám ảnh: “Tôi là tôi vì tôi nhìn tôi như thế hay tôi là tôi vì như thế người khác nhìn tôi? Nếu tôi nhìn tôi qua cái nhìn của người khác, phải chăng có người khác giữa tôi với tôi? Câu hỏi ấy chảy máu trong lòng người ở xa. Tôi xa tôi rồi chăng?” (Diễn từ nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh, 2007). Nhưng “tôi xa tôi” rồi cũng lại về gần nếu tâm thức tôi luôn luôn hòa kết với đất mẹ.

         Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà. Phải chăng những cuốn sách triết luận và tùy bút của ông cũng là để chuẩn bị cho cuốn Im lặng – như lời chia tay này?

        Trong một lá thư gần đây, Giáo sư Cao Huy Thuần tâm sự: “Như một cái hoa, tôi đã im lặng nở. Như một cái hoa, tôi nghĩ sẽ im lặng tàn. Từ đó, trong im lặng và cô đơn, cùng với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng, điểm hẹn với im lặng cuối cùng, tôi tìm chút vui với thơ văn để viết về im lặng. Thực sự không cốt để làm gì, chỉ để sống qua ngày với mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, vô tích sự. Mơ mộng hơn một chút, tôi nghĩ về im lặng của cánh hoa rụng: trong im lặng, chắc nó cũng biết chia tay với bao nhiêu cánh bướm. Tôi cũng phải chia tay với bao nhiêu bạn bè. Và như vậy, tôi viết về im lặng trong thơ văn, như một lá thư mỏng, như một lời chia tay…” (Trích thư 04-10-2022).

         Phải chăng tuổi tác và sức khỏe làm cho Cao Huy Thuần bi quan và yếm thế? Lời trong văn Cao Huy Thuần từng an ủi, khích lệ, nâng đỡ những người đọc ông, trong đó có tôi. Năm năm trước, Giải thưởng Phan Châu Trinh đã vinh danh những thành tựu và đóng góp của ông về văn hóa – giáo dục. Mới năm ngoái đây thôi, 22 người bạn của ông từ khắp các miền đất đã tụ hội trong một cuốn sách để mừng sinh nhật ông. Vậy là ông đâu có cô đơn.

         Làm nghề văn, tôi luôn nhớ câu này của Tô Đông Pha mà Lê Quý Đôn dẫn lại trong Vân Đài Loại Ngữ: “Ý hết mà lời dừng, ấy là lời đúng mực trong thiên hạ, song lời dừng mà ý chưa hết thì càng hay hơn nữa”. Nhiều khi tôi không biết làm thế nào để thực hành yêu cầu quá khó khăn đó của Tô Đông Pha. Thành ra, tôi hay viết dài lời, vì nghĩ ngày rộng tháng dài.

        Trong cuốn sách này, qua cách nói hàm súc mà âm vang, Cao Huy Thuần nhắn gửi chúng ta: hãy hướng về mặt trăng thay vì chăm chăm nhìn vào ngón tay, hãy biết cách im lặng và dừng lời đúng lúc, không phải để ra đi, mà để ngồi lại tiếp tục cùng lắng nghe và giao cảm với mọi người.

        Cao Huy Thuần nói rằng tất cả những bài viết của ông đều là những lá thư tình, thư tình cho quê hương, cho bạn bè, cho những người trẻ đang đến và sắp đến trên quê hương này. 12 chương sách này cũng là 12 lá thư tình.

Lặng im

Lặng im thì mới nghe

Nhựa đong đầy các nhánh

Như hồn anh đầy em.

(Chế Lan Viên)

         Giờ là lúc tôi phải dừng lại để bạn đọc lắng nghe Cao Huy Thuần.

         Lắng nghe trong im lặng.

         Im lặng để nghe ông và nghe chính lòng ta.

 

Huỳnh Như Phương

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60752506
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7130
9281
60752506

Thành viên trực tuyến

Đang có 181 khách và không thành viên đang online

Danh mục website