Đổi mới giáo dục đại học: lực đẩy và cấu trúc

20200304

Năm 2019 trôi qua với nhiều sự kiện trong giáo dục đại học (GDĐH) cho thấy sự đổi mới đang diễn ra cùng với những lúng túng và lưỡng lự.

       So với giáo dục phổ thông, có lẽ GDĐH năm qua ít có điểm nóng và sự kiện gây tranh cãi hơn, tuy những hiện tượng vi phạm quy chế đào tạo và thi cử cũng làm dư luận lo âu. Việc thay đổi chủ đầu tư dẫn tới thay đổi nhân sự ở một số trường ĐH dân lập bước đầu giải quyết những xung đột về lợi ích và tái lập sự ổn định trong khu vực GD này.

Trong tình hình đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019 là một nỗ lực đưa nền GDĐH nước ta đi dần vào thế ổn định và phát triển, góp phần tạo ra lực đẩy cho sự đổi mới. Đồng thời cũng có thể xem đó như là một cái “chân thắng” cần thiết kiềm hãm những “đổi mới” giả hiệu, lợi dụng khe hở của luật pháp để “phá rào” tùy tiện.

       Đổi mới GDĐH hiện nay là một quá trình diễn ra từ trên xuống, kết hợp với sự vận động từ dưới lên. Không có đổi mới GDĐH đích thực nếu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không thay đổi cung cách quản lý, vừa đảm bảo kỷ cương, vừa mở rộng không gian sáng tạo cho các đơn vị trực thuộc. Cần có những quy định cụ thể và hiệu quả hơn để giao quyền tự chủ cho các ĐH về học thuật, nhân sự và tài chính. Trong điều kiện đó, thanh tra GD thường xuyên, nghiêm túc là một biện pháp để ngăn ngừa những lạm dụng và vi phạm.

       Việc đổi mới từ trên xuống chỉ có ý nghĩa khi cộng hưởng với sự đổi mới từ dưới lên. Trên các diễn đàn GD lâu nay người ta thường chú ý đến những chủ trương ở cấp vĩ mô mà ít ghi nhận những kinh nghiệm đổi mới từ các cơ sở. Kết quả kiểm định GDĐH thường được công bố đạt chuẩn này chuẩn kia mà ít khi phổ biến những sáng tạo về quản lý từ cấp trường, cấp khoa, trong khi đây mới là nơi triển khai các chính sách về GD và kiểm nghiệm kết quả trên thực tế. Để thực hiện “dân chủ ở cơ sở”, chúng tôi mạo muội đề nghị ngành GDĐH áp dụng lại cách bầu cử trưởng khoa một cách dân chủ, trực tiếp, bỏ phiếu kín và công khai kết quả như đã thực hiện vào những năm 1990, coi trọng tiêu chuẩn nhưng không quá câu nệ vào “quy hoạch” vốn dễ là rào cản cho sự phát hiện những nhân tố mới. Thục tế cho thấy một trưởng khoa được tập thể tin cậy chọn lựa sẽ có đủ uy tín và vị thế để chủ động thực hiện chủ trương đổi mới ngay trong đơn vị mình. Đây cũng là cách giải quyết bài toán tập trung và dân chủ trong GDĐH: tập trung đến mức nào và mở rộng dân chủ đến mức nào để GD không phải là một hệ thống xơ cứng mà luôn vận động, thích ứng với thời đại.

      Gắn liền với quá trình đổi mới là tác động ngoại tại và nội tại của hệ thống GDĐH. Những nhân tố tác động từ bên ngoài như thị trường lao động, áp lực của dư luận xã hội, sự đánh giá của các cơ quan kiểm định, sự cọ xát với GDĐH khu vực và thế giới, sự cạnh tranh của các trường ĐH có đầu tư của nước ngoài… bắt buộc nhà trường phải thay đổi. Những tác động này chỉ phát huy một cách tích cực trong sự khơi dậy nội lực của chính hệ thống, để những những sáng kiến được đề xuất từ giới tinh hoa ở ĐH có thể được áp dụng. 

      Từ đó, một vấn đề đặt ra trong những năm 2020 sắp tới là chiến lược tái cấu trúc hệ thống GDĐH. Trong hai thập niên qua nhiều trường ĐH công lập và dân lập được cho ra đời khá ồ ạt, tỉnh nào cũng có trường ĐH, hệ thống GDĐH phình ra khó kiểm soát nổi. Có một điều mâu thuẫn là trường ĐH ngoài công lập nhiều (60 trường, chiếm tỉ lệ khoảng 25%), nhưng ngành nghề đào tạo trùng lặp, đa số giảng viên xuất phát từ nguồn ĐH công lập và tỉ lệ tuyển sinh không tương xứng (khoảng 16% tổng số sinh viên trên cả nước, còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 30 - 40% đến năm 2020). 

      Đồng thời, tổ chức hệ thống GDĐH công lập cũng chưa phải đã hợp lý. Mối quan hệ giữa hai ĐH quốc gia, các ĐH vùng và các trường ĐH chưa tạo ra sự liên thông để phát huy sức mạnh của toàn hệ thống. Giữa các trường ĐH và các Viện nghiên cứu vẫn còn ranh giới không dễ vượt qua để hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo.

      Tình hình đó đòi hỏi sự sắp xếp lại cấu trúc bản đồ ĐH với một tư tưởng chỉ đạo nhất quán và một kế hoạch chi tiết. Việc sắp xếp này cần có lộ trình chuẩn bị và phải tìm ra mô hình thích hợp cho từng loại hình ĐH. Không nên chần chừ trong đổi mới mà cũng không được tạo ra sự đứt gãy với những gì đã làm được thời gian qua.

      Mô hình Trường ĐH An Giang trở thành thành viên của ĐHQG-HCM là một thử nghiệm đáng giá tuy chưa có tiền lệ. Nếu mô hình này thành công sẽ là một gợi ý quan trọng để áp dụng việc sát nhập một số trường ĐH nhỏ, phân tán, vào những ĐH lớn có kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu. Điều này hiện trông chờ vào sự chỉ đạo của ĐHQG-HCM, lãnh đạo tỉnh An Giang và nhất là vào nỗ lực của cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH An Giang.

      Lực đẩy sẽ làm thay đổi cấu trúc GDĐH theo hướng tiến bộ với điều kiện cấu trúc phải tự đổi mới để không ngăn cản tác động tích cực của các lực đẩy từ mọi phía.

Huỳnh Như Phương

(Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM)

* Bài đã đăng trong Báo cáo thường niên/ Annual Report, ĐHQG TP. HCM, 2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60782202
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1703
24669
60782202

Thành viên trực tuyến

Đang có 494 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website