Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ – Ký ức dân tộc và công việc nghiên cứu hiện nay

Đoàn Lê Giang*

Nam Bộ là mảnh đất mới của đất nước, là nơi lịch sử Hán Nôm bắt đầu muộn nhất, nhưng lại là nơi  chữ Hán kết thúc sớm nhất – ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vì vậy số lượng tư liệu Hán Nôm ở Nam Bộ không thật phong phú. Tuy nhiên do vị trí đặc biệt của Nam Bộ mà tư liệu Hán Nôm trở nên vô cùng quý giá, nó là một phần của ký ức dân tộc ta thời mở cõi và đấu tranh giữ gìn sự thống nhất dân tộc. Ý thức được điều đó mà các cơ quan nghiên cứu,  giảng dạy Hán Nôm và cá nhân các nhà nghiên cứu đứng trên địa bàn đã cố gắng sưu tầm các tư liệu còn sót lại. Hiện nay nhu cầu kiểm điểm, sưu tầm tư liệu Hán Nôm để phục vụ việc bảo tồn vốn văn hóa cổ, đồng thời cũng để phục vụ  giáo dục và phát triển du lịch là rất cấp thiết. Bài viết này trình bày những nét lớn thành tựu đã đạt được và đặt ra một số việc cần tiếp tục trong tương lai.

1. Ký ức dân tộc thời mở cõi và đấu tranh giữ gìn sự thống nhất dân tộc

Cùng với lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển mảnh đất Nam Bộ, văn học Hán Nôm đã có một đội ngũ khá đông với một số lượng tác phẩm khá lớn. Nói đến văn học Hán Nôm Nam Bộ cần chú ý một số điểm sau.

1.1. Nhiều nhóm tác giả khác nhau

Có thể kể ra đây hai nhóm nho sĩ Việt Nam và 3 nhóm nho sĩ gốc Hoa.

  • Võ Trường Toản 武長và nhóm Bình Dương thi xã 平陽詩社

Võ Trường Toản (?-1792) là người thầy đầu tiên của sĩ dân Nam Kỳ, mở ra nguồn đạo học ở khu vực này. Học trò của ông hầu hết là những người Việt di cư từ miền Trung vào Nam Bộ và hậu duệ của họ, một số là những người Hoa Minh Hương. Ông mất năm 1792, được vua Gia Long truy tặng danh hiệu “Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”. Tác phẩm của ông để lại chỉ còn một bài phú bằng chữ Nôm: Hoài cổ phú 懷 古 賦 (cũng gọi Hiếu trung hoài cổ phú), 24 câu. Nhưng đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Hán Nôm Nam Kỳ do nó có giá trị xác lập học phong Nam Kỳ - một học phong chú trọng đạo nghĩa, chú trọng thực học và  học để giúp đời. Ông nổi tiếng là một người thầy uyên thâm, đạo cao đức trọng, đào tạo được nhiều học trò giỏi, trong đó nổi bật là: Lê Quang Định 黎光定 (1759-1813), Ngô Nhơn Tĩnh 吳仁靜 (1761-1813), Trịnh Hoài Đức 鄭懷德 (1765-1825) (Gia Định Tam Gia)…Ba ông đều là những công thần khai quốc, văn võ kiêm toàn của triều đình nhà Nguyễn thời Gia Long. Có thể kể thêm vào nhóm này có Trương Hảo Hiệp張好狭(1795-1851). Trương Hảo Hiệp tuy không phải là thành viên Gia Định tam gia, nhưng thời đại mà ông sống và tác phẩm của ông cũng tương tự như nhóm trên, nên có thể xếp vào nhóm này. Ông quê ở Tân Long (sau này là Chợ Lớn, TP.Hồ Chí Minh), làm quan thời nhà Nguyễn, còn tập thơ đi sứ bằng chữ Hán Mộng Mai Đình thi thảo 夢梅庭詩草.

  • Các nhà nho nửa cuối thế kỷ XIX

Cho đến giữa và nửa cuối TK.XIX, nho học ở Nam Kỳ khá phát triển, nhiều người thi đậu cao như Phan Thanh Giản, Phan Hiển Đạo đậu đến tiến sĩ. Đến giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, các nhà nho Nam Bộ đều tham gia kháng chiến và trở thành linh hồn của các nhóm kháng chiến. Năm 1862 ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị cắt cho Pháp, đến năm 1867 thì toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ bị rơi vào tay Pháp. Từ đó Nho học bị bãi bỏ, thế hệ trí thức Nho giáo lụi tàn dần, họ được nhân dân kính trọng nhưng không còn giữ được vai trò dẫn đạo với nhân dân nữa. Những tác giả tiêu biểu có: Phan Thanh Giản潘清简(1796-1867); Nguyễn Đình Chiểu阮廷炤 (1822-1888); Bùi Hữu Nghĩa 裴有義 (1807-1872); Nguyễn Thông阮通 (1827-1884); cùng hàng chục tác giả văn học Hán Nôm khác như: Phan Văn Trị, Trần Thiện Chánh, Huỳnh Mẫn Đạt, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân, Trương Gia Mô…mà tác phẩm của họ được nhân dân Nam Kỳ yêu mến và truyền tụng cho đến nay.

Bên cạnh đó còn có ba nhóm nho sĩ gốc Hoa nói ở dưới đây.

1.2. Các nhóm nho sĩ gốc Hoa có vai trò quan trọng

  • Chiêu Anh Các 招英閣ở Hà Tiên

Năm 1671 Mạc Cửu鄚 玖 (1655 – 1735) là thương nhân người Hoa, quê ở phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, không chịu thần phục nhà Thanh nên chạy xuống phương Nam, xin khai khẩn vùng đất Mang Khảm 恾 坎 biến nó thành thương cảng Hà Tiên sầm uất. Năm 1708 Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh xứ Hà Tiên. Mạc Cửu mất, con trưởng dòng chính là Mạc Thiên Tích鄚天錫 lên thay. Mạc Thiên Tích鄚天錫 (1718-1780) là bà Bùi Thị Lẫm người Việt, quê ở Đồng Môn, Biên Hoà (sau bà được chúa Nguyễn ban cho họ Nguyễn). Mạc Thiên Tích thay cha cai quản Hà Tiên được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh Đại đô đốc, tước Tông Đức Hầu 琮徳候. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn vùng đất Hà Tiên, biến Hà Tiên thành vùng đất trù phú, văn vật. Mạc Thiên Tích có công lao to lớn trong việc phát triển văn hoá đất Hà Tiên. Năm 1736 ông tổ chức Tao đàn Chiêu Anh Các quy tụ các thi nhân người Hoa và người Việt ngâm vịnh.

  • Người Minh hương 明鄉ở Nam Bộ

Năm 1679 Tổng binh thành Long Môn龍門總兵 tỉnh Quảng Tây là Dương Ngạn Địch楊彥迪và Tổng binh châu Cao, Lôi, Liêm tỉnh Quảng Đông 高雷廉總兵là Trần Thượng Xuyên陳上川đã dẫn hơn 3000 quân trên 50 chiếc thuyền đến cửa biển Đà Nẵng đến xin thần phục chúa Nguyễn, được chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cho vào miền Nam khai khẩn đất hoang. Dương Ngạn Địch 楊彥迪 theo cửa sông Cửu Long vào định cư ở đất Mỹ Tho; Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ ngược sông Đồng Nai 鹿野lên cù lao Phố (Biên Hoà) và Đông Phố 東埔 (Gia Định) định cư ở đấy lo mở mang nghề nông và thương mại. Người Minh hương cố kết với nhau thành các xã có cuộc sống khá thịnh vượng. Năm 1898 ở vùng Phiên Trấn 藩鎮 (tức Sài Gòn-Gia Định) đã hình thành nên làng Minh hương Gia Thạnh 明鄉嘉盛với phong tục tốt đẹp và có ngôi đình Minh Hương Gia Thạnh khá bề thế, nguy nga.

  • Những người Hoa đến di cư vào đời Thanh trở đi

Qua mấy trăm năm sau đó, làn sóng di cư của người Hoa đến Nam Bộ vẫn tiếp tục. Hiện nay tổng số người Hoa ở Việt Nam lên đến gần 1.000.000 người (thống kê năm 2003 là 913.250 người), bao gồm 5 nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hakka, đôi khi còn gọi là tiếng Hẹ), sống rải rác toàn quốc, nhưng tập trung đông nhất ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Di tích văn hóa người Hoa để lại rất phong phú: các miếu thờ Thiên Hậu, Quan Công, Ông Bổn, các hội quán người Hoa ở  rải rác khắp các thành phố, thị trấn.

1.3.Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ còn không nhiều nhưng rất quan trọng

Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ hiện không có nhiều, có thể nguyên nhân ở những điểm sau:

-          Lịch sử Nho học ở Nam Bộ tương đối ngắn so với các vùng khác trong cả nước (2000 năm ở Bắc Bộ, 400 năm ở miền Trung), các nhà khoa bảng không nhiều, Nho học lại kết thúc sớm nhất cả nước;

-          Công tác sưu tầm chưa được tiến hành một cách có hệ thống, có quy mô lớn như ở miền Bắc, miền Trung, nhất là ở Huế, như các chương trình sưu tầm nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, Tổ chức UNESCO…

-          Chiến tranh kéo dài, lũ lụt thường xuyên, khí hậu nóng ẩm khiến cho tư liệu bị mất mát một cách nhanh chóng.    

Tuy nhiên các tư liệu Hán Nôm Nam Bộ rất quan trọng, vì nó ghi lại lịch sử cha ông ta thời mở cõi. Xứ Đồng Nai, Sài Gòn, Tầm Phong Long, Hà Tiên… những ngày đầu gian khó khai phá, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giáo dục ra sao. Nó cũng ghi lại tình cảm, tư tưởng, nhận thức, kinh nghiệm của ông cha ta suốt mấy trăm năm, từ khi mở đất cho đến khi chữ Quốc ngữ Latinh làm thay công việc này. Đồng thời tư liệu Hán Nôm Nam Bộ cũng ghi lại những trang hào hùng và bi tráng trong lịch sử đấu tranh gìn giữ đất nước, chống lại âm mưu chia cắt đất nước của ông cha ta trước khi có chữ Quốc ngữ Latinh.

Những tư liệu ấy tồn tại dưới dạng văn bản ở trong nước và một số thư viện và tủ sách tư nhân ở nước ngoài; nó cũng tồn tại dưới dạng văn khắc: văn bia, câu đối, hoành phi, bài minh trên chuông…ở đình chùa, miếu, hội quán. Nếu không sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu, phổ biến thì không chỉ văn bản có thể mất đi, mà đên cả văn khắc cũng không còn mãi. Chúng ta đã không ít lần chứng kiến nhiều tư liệu quý đã vĩnh viễn mất đi không còn tìm thấy lại được nữa.

 

2. Việc sưu tầm và lưu trữ văn bản Hán Nôm

Ý thức được vai trò quan trọng của tư liệu Hán Nôm ở Nam Bộ, từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm đã được nhiều cơ quan đơn vị lưu ý, như Ban Văn, Trung tâm Hán Nôm Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Thư viện Khoa học xã hội, khoa Ngữ văn (nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ (VH&NN), trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh…Trong đó Bộ môn Hán Nôm, khoa VH&NN có hoạt động sưu tầm nghiên cứu về Hán Nôm Nam Bộ lâu dài nhất, xuyên suốt từ sau 1975 đến hiện nay. Dưới đây chúng tôi xin trình bày một số hoạt động nổi bật của đơn vị này.

2.1.Sưu tầm tư liệu Hán Nôm qua các đợt thực tập thực tế của sinh viên

Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm là công việc được khoa Ngữ văn, nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học KHXH & Nhân văn, ĐHQG TP.HCM tiến hành hàng năm suốt từ mấy chục năm nay. Mỗi một năm có khoảng từ 10 đến 30 sinh viên Hán Nôm đi sưu tầm Hán Nôm ở Nam Bộ, thời gian mỗi đợt thực tập thực tế kéo dài khoảng 15 ngày.

Các tỉnh đã đi sưu tầm gồm hầu hết các tỉnh Nam Bộ, một vài địa phương ở Nam Trung Bộ (như Bình Thuận, Phú Yên).

2.2.Sưu tầm nghiên cứu Hán Nôm qua hợp đồng với các tỉnh

Khoa VH&NN cũng đang tiến hành sưu tầm và nghiên cứu chuyên sâu về Hán Nôm ở 2 địa phương là:

-          Thị xã Hà Tiên theo hợp đồng viết Địa chí Hà Tiên với UBND Thị xã, thời gian từ 2016 đến 2017

-          Tỉnh Đồng Tháp, đề tài Sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm tỉnh Đồng Tháp hợp đồng với Sở Khoa học-Công Nghệ Đồng Tháp, thời gian 2 năm từ 2016 đến 2017.

Cả hai địa phương đều được khoa VH&NN khảo sát tư liệu, sưu tầm sách vở, chụp đối liên, hoành phi và dập bia theo đúng quy cách.

2.3.Sưu tầm tư liệu Hán Nôm qua Đề án Xây dựng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm

Năm 2011-2012 khoa VH&NN được Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư cho Đề án Xây dựng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc trường Đại học KHXH và Nhân văn do khoa VH&NN quản lý.

-          Sưu tầm tư liệu Hán Nôm trên địa bàn Nam Bộ bao gồm văn bia, đối liên ở các đình chùa đền miếu cổ ở Nam Bộ, sao chụp, mua các tư liệu văn bản Hán Nôm còn lưu trữ trong dân

-          Nhân bản tư liệu Hán Nôm ở thư viện trong cả nước: Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia (ở Hà Nội); Thư viện Khoa học xã hội, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.

-          Mua, sao chụp tư liệu Hán Nôm của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

2.4.Phòng Nghiên cứu Hán Nôm – nơi lưu trữ tư liệu Hán Nôm của khoa VH&NN

Đề án Xây dựng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm đã hoàn thành, hiện nay Phòng Nghiên cứu Hán Nôm là nơi lưu trữ tư liệu Hán Nôm phục vụ việc học tập và nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên chuyên ngành Hán Nôm. Phòng được đánh giá là nơi lưu trữ tư liệu Hán Nôm lớn nhất khu vực phía Nam. Trang thiết bị của Phòng khá hiện đại so với các phòng nghiên cứu của đại học, bao gồm một số máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy scan, máy in, máy photocopy, máy chiếu overheat…Tư liệu sưu tầm khá phong phú, bao gồm :

Tư liệu Hán Nôm ở các tỉnh :

-          Sưu tầm từ các địa phương: 166 nhan đề

-          Sưu tầm từ các nhà nghiên cứu: 477 nhan đề

-          Bi ký, mộ chí bi (danh nhân): 70 đơn vị

-          Giấy tờ đất đai:18 bài

Tư liệu Hán Nôm sao chụp từ các thư viện Hán Nôm trong nước :

-          Từ Thư viện Hán Nôm (Hà Nội): 761 Nhan đề

-          Từ Thư viện Quốc gia (Hà Nội): 130 Nhan đề

-          Từ Thư viện Khoa học Xã hội TP.HCM: 179 Nhan đề

-          Từ Thư viện Huệ Quang: 139 Nhan đề

Sách xuất bản ở Đài Loan, Trung Quốc: 1038 nhan đề

Tứ bộ bị yếu:

-       Kinh: 44 nhan đề

-       Sử: 70 nhan đề

-       Tử: 78 nhan đề

-       Tập: 137 nhan đề

Ngoài khoa Văn học và Ngôn ngữ ra, hiện nay Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và Trung tâm Huệ Quang (Phật giáo) cũng có nhiều thành quả về sưu tầm và nghiên cứu Hán Nôm ở TP.Hồ Chí Minh.

 

3. Tình hình dịch thuật và công bố tư liệu Hán Nôm

Việc dịch thuật và công bố tư liệu Hán Nôm hiện nay có 2 nhóm : là các giảng viên trường ĐH KHXH&NV (tập trung ở Bộ môn Hán Nôm và BM Văn học Việt Nam của khoa Văn học và Ngôn ngữ) và các nhà nghiên cứu ngoài trường. Có thể thấy một số nhà nghiên cứu nổi bật dưới đây :

  1. TS. Nguyễn Ngọc Quận : phiên âm và nghiên cứu truyện thơ Nôm Nam Bộ, tập trung vào bộ Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới
  2. TS. Lê Quang Trường : dịch, nghiên cứu sâu về Gia Định tam gia (Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định), Phan Thanh Giản, bi ký Hán Nôm Nam Bộ
  3. ThS. Nguyễn Đông Triều : công bố tư liệu thơ văn, văn khắc Hán Nôm Nam Bộ
  4. ThS. Nguyễn Văn Hoài : phiên âm truyện thơ Nôm, nghiên cứu các truyện TQ có ảnh hưởng đến truyện thơ Nôm Việt Nam, văn khắc Hán Nôm Nam Bộ
  5. PGS.TS Nguyễn Đình Phức : nghiên cứu về văn học người Hoa ở Tp.HCM
  6. TS. Nguyễn Ngọc Thơ : Nghiên cứu về văn khắc đền chùa miếu hội quán người Việt gốc Hoa ở Nam Bộ
  7. TS. Huỳnh Vĩnh Phúc : nghiên cứu về công văn, châu bản triều Nguyễn về Nam Bộ
  8. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê : Nghiên cứu về Trịnh Hoài Đức, văn học Hán Nôm Gia Định
  9. PGS.TS. Đoàn Lê Giang : Nghiên cứu về văn học Hán Nôm Nam Bộ từ mấy chục năm nay, khởi đầu từ Nguyễn Thông, sau đó là Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản... Hiện đang làm chủ nhiệm đề tài Văn học Hán Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ, thời gian thực hiện 2 năm : 2014-2016
  10. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh là chuyên gia hàng đầu về văn học Hán Nôm Nam Bộ, sự nghiệp nghiên cứu của ông suốt từ thập niên 1980 chủ yếu là về lĩnh vực này. Ông đã có hàng trăm bài viết, sách xuất bản về Hán Nôm Nam Bộ. Ông cũng là thành viên chủ chốt của đề tài Văn học Hán Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ nói trên.
  11. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Thị Thanh Xuân… cũng là những người có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu Hán Nôm Nam Bộ vào thế kỷ trước, hiện nay do tuổi cao gần như không tiếp tục nữa.

(Xem phụ lục Thư mục nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu phía sau)

 

4. Tình hình nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm Nam Bộ trong chương trình Hán Nôm ở các trường đại học hiện nay ở Nam Bộ

Ở TP.Hồ Chí Minh có nhiều trường đại học và cơ sở khác dạy Hán Nôm cho sinh viên như một môn cơ sở : trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Văn hiến, trường Đại học Văn hóa, Trường cao cấp Phật học, Trường trung cấp Phật học, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Huệ Quang… Tuy nhiên chỉ có khoa VH&NN là có giảng dạy, nghiên cứu về Hán Nôm, Hán Nôm Nam Bộ một cách bài bản nhất. Hiện Khoa đang có :

-       Bộ môn Hán Nôm với 7 giảng viên (2 đang học tiến sĩ ở Đài Loan)

-       Phòng Nghiên cứu Hán Nôm

-       Ngành Hán Nôm ở đại học, học từ năm 2, mỗi khóa khoảng 30 sinh viên

-       Cao học Hán Nôm, mở từ năm học 2013-2014, mỗi khóa từ 2-5 học viên.

Văn học Hán Nôm Nam Bộ được dạy trong giáo trình Văn học cổ điển Việt Nam 2 (thế kỷ XVIII-XIX).

 

Kết luận

Tư liệu Hán Nôm ở Nam Bộ không thật phong phú như ở miền Bắc và miền Trung, nhưng rất quý, vì nó liên quan đến các nhân vật, lịch sử, văn hóa của vùng đất phía Nam Tổ Quốc, là chứng tích của nền “Khổng học đất Đồng Nai” (từ của Ca Văn Thỉnh) và văn mạch phương Nam “dằng dặc không dứt” (từ dùng của Lê Quý Đôn).

Trước nay có nhiều tư liệu đã bị mất mát, nhưng nhờ cố gắng của nhiều thế hệ nghiên cứu từ Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Đông Hồ, Lê Thọ Xuân, Nguyễn Văn Hầu đến Cao Tự Thanh, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Cẩm Thúy (đã mất), Nguyễn Q.Thắng và các giảng viên khoa VH&NN nên việc sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm Nam Bộ vẫn được tiếp tục và có nhiều thành quả. Công việc vẫn đang được tiếp tục với số người nghiên cứu trẻ càng ngày càng tăng lên.

* Ghi chú : Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII 1.2-2012.26

Nguồn: TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 6 ( 139 ) - 2016

 

PHỤ LỤC

Thư mục Nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Bộ của giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ

(xếp theo abc họ tác giả)

  1. Đoàn Lê Giang: Văn học Hán-Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu, đề tài NAFOSTED, mã số đề tài: VII1.2-2012.26, từ 5.2014 đến 5.2016. Các thành viên tham gia: TS Lê Quang Trường (thư ký), TS. Nguyễn Ngọc Quận,ThS. Nguyễn Văn Hoài, ThS. Nguyễn Đông Triều, TS. Phan Mạnh Hùng.
  2. Đoàn Lê Giang: Tác phẩm Nguyễn Thông, (viết chung với Cao Tự Thanh), Sở VHTT Long An xuất bản, 1984
  3. Đoàn Lê Giang: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, sách nghiên cứu-sưu tập, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học và Nxb.Trẻ, 2001
  4. Đoàn Lê Giang: Bài Tự đề tựa tập Kỳ Xuyên thi sao của Nguyễn Thông, Tạp chí Văn học số 5 năm 1984, tr.138
  5. Đoàn Lê Giang: Quan điểm văn chương của Nguyễn Thông, Báo cáo tại Hội nghị KH về Nguyễn Thông tại Phan Thiết năm 1984, bài đăng trong kỷ yếu hội nghị xb.1984, tr.163
  6. Đoàn Lê Giang: Nho và phi nho trong con người và thơ văn Phan Văn Trị, Báo cáo  tại Hội nghị KH về Phan Văn Trị tại Cần Thơ năm 1985
  7. Đoàn Lê Giang: Góp thêm tư liệu văn chương Bùi Hữu Nghĩa : Câu đối của nhà thơ điếu Nguyễn Hữu Quang, Báo cáo tại Hội nghị KH về Bùi Hữu Nghĩa tại Cần Thơ ngày 20-21 tháng 10 năm 1987, đăng trong kỷ yếu Về nhà thơ-thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, xb.1992, tr.228
  8. Đoàn Lê Giang: Những rạn nứt trong quan niệm văn học trung đại nửa cuối thế kỷ 19, Tập san KHXH & NV của trường  ĐH KHXH & NV TP.HCM số 17 năm 2001, tr.62
  9. Đoàn Lê Giang: Từ di thần triều Minh đến trung thần triều Nguyễn – bước đầu tìm hiểu tâm sự của các nhà thơ Minh hương Nam Bộ Việt Nam從明朝遺臣到阮朝忠臣─試談越南南方的明鄉詩人的心事, tham luận trình bày tại Hội thảo quốc tế “Tư tưởng và văn hoá Khu vực Đông Á - điểm nhìn từ Việt Nam” (Internationnal Conference on East Asia’s Thought and Culture: Focus on Vietnam) tổ chức ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2010 tại Đại học Thành Công/ Cheng Kung (Đài Nam, Đài Loan)
  10. Đoàn Lê Giang: 越南南部汉喃文献:搜集整理与研究的现状和未来Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ Việt Nam: thực trạng và triển vọng sưu tầm, nghiên cứu, tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế Chỉnh lý và nghiên cứu thư tịch Hán văn ngoài Trung Quốc 外域漢籍整理與研究國際學術研討會/ International Symposium on Collating and Researching  Overseas Chinese Classics, do Sở Nghiên cứu lịch sử歷史研究所, Viện KHXH Trung Quốc中國社會科學院tổ chức tại Đại học Sư phạm Tây Nam 西南師範大學, Trùng Khánh重慶, Trung  Quốc中國 từ 5-6 tháng 12 năm 2013
  11. Đoàn Lê Giang: Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và tư tưởng giáo dục của Võ Trường Toản, tr.14-25, Tạp chí Hán Nôm số 5 (120) tháng 11/ 2013
  12. Đoàn Lê Giang: Võ Trường Toản, nhà Dương Minh học Việt Nam, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ (Science & Technology Development Journal) của ĐHQG TP.HCM (ISSN 1859-0128) tập 16,  X3/2013, tr.131-138
  13. Đoàn Lê Giang: Dương Minh học ở Việt Nam – nhìn trong bối cảnh Đông Á, Tham luận trình bày ở Hội thảo Quốc tế Nho học Đông Á : Truyền thống và hiện đại/ Confucianism in East Asia: Tradition And Modernity do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và tập đoàn SUNWAH tổ chức ngày 28-29 tháng 3 năm 2015 tại trường  Đại học KHXH&NV-ĐHQG HN
  1. Đoàn Lê Giang-Nguyễn Hoàng Trung: Sài Gòn thế kỷ XVIII qua ghi chép của thuyền nhân Nhật Bản, Tạp chí Văn hóa và du lịch số 27, tháng 1 năm 2016, mã số: ISSN : 1809-3720, tr.52-61
  2. Lê Quang Trường, Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, đăng trên Thông báo Hán Nôm học Năm 2007, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2008, tr.835- 859.
  3. Lê Quang Trường, Ngô Nhân Tĩnh và tâm sự một Nho thần, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2009, tr.57-73.
  4. Lê Quang Trường, Khảo sát tình hình tư liệu và nghiên cứu về Gia Định tam gia thi, in trong Bình luận văn học, niên giám 2009, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, 2010.
  5. Lê Quang Trường, Quan niệm văn chương của Gia Định tam gia, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 04-2010, tr.126-136.
  6. Lê Quang Trường, Giới thiệu bài tựa tập Gia Định tam gia thi và diện mạo bản khắc tập thơ, Tạp chí Hán Nôm, số 3-2011, tr.73-82.
  7. Lê Quang Trường, Phụng khai tân cảng ký, văn bia ghi việc đào kênh Bảo Định ở Phú Kiết huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, Tạp chí Hán Nôm, số 5-2012, tr.75-80.
  8. Lê Quang Trường, Võ Trường Toản và yếu chỉ giáo dục, Tạp chí Văn hoá du lịch, 2013, tr.
  9. Lê Quang Trường, Lê Quang Định từ chính sử đến những trang thơ, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên giám 2012, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, 2013, tr.163-172.
  10. Lê Quang Trường, Thăm chùa cổ Tiền Giang, đọc những câu đối hay, Tạp chí Văn hoá du lịch, số 10 (64), 3-2013, tr.54-61.
  11. Lê Quang Trường, Đào Trí Phú và hai bài văn bia được phát hiện tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, in trong Thông báo Hán Nôm học 2012, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.779-792.
  12. Lê Quang Trường, Trịnh Hoài Đức và tâm sự nho thần triều Nguyễn trên đường đi sứ Trung Quốc, Báo cáo Hội thảo quốc tế Việt Nam – Trung Quốc: mối quan hệ văn hoá, văn học trong lịch sử, Tp.HCM. 9-2011.
  13. Lê Quang Trường, Văn bia Hán Nôm Nam Bộ
  14. Lê Quang Trường, Thơ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định: Nghiên cứu và dịch thuật
  15. Lê Quang Trường, Nghiên cứu cuộc đời và thơ văn Phan Thanh Giản
  16. Nguyễn Đông Triều (đồng tác giả), Tìm trong di sản văn hoá phương Nam, NXB. Văn hoá – Văn nghệ, 2016
  17. Nguyễn Đông Triều, “Đặc điểm nhân vật truyện Nôm bình dân”, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vùng Nam Bộ, số 10, năm 2005, tr.46-53
  18. Nguyễn Đông Triều, “Nam Kinh Bắc Kinh truyện - Một dị bản sắp được bổ sung vào kho tàng truyện Nôm ở Việt Nam”’, Tạp chí Hán Nôm, số 2, năm 2006, tr.80-83
  19. Nguyễn Đông Triều, Nguyễn Văn Hoài, “Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm ở đình Châu Phú (Châu Đốc – An Giang)”, Tạp chí Hán Nôm, số 6, năm 2006, tr.73-78
  20. Nguyễn Đông Triều, “Về một dị bản truyện Nôm Lâm Sanh tân thơ tìm được ở Tiền Giang”, Tạp chí Hán Nôm, số 1, năm 2011, tr.73-80
  21. Nguyễn Đông Triều, “Võ tướng Nam Bộ Lê Văn Đức và bài Tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn”, Tạp chí Hán Nôm, số 4, năm 2012, tr.69-76
  22. Nguyễn Đông Triều, “Khúc ngâm Viếng bạn bằng chữ Nôm của một nữ sĩ họ Nguyễn (sưu tầm tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang)”, Tạp chí Hán Nôm, số 1, năm 2013, tr.76-83
  23. Nguyễn Đông Triều, “Giới thiệu bài thơ khóc hai chí sĩ Nam Bộ Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng”, Thông báo Hán Nôm học năm 2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế Giới, quý 1 năm 2014, tr.770-778.
  24. Nguyễn Đông Triều, “Hoành phi, đối liên ở Thị xã Gò Công và nội dung của đối liên trong một số ngôi chùa ở vùng đất ấy”, Thông báo Hán Nôm học năm 2013, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tháng 12 năm 2014, tr.927-939.
  25. Nguyễn Đông Triều, “Một văn bản Hán Nôm quý của Cụ Đồ Tư Mậu ở Tiền Giang”, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (123), tháng 5 năm 2014, tr.62-75.
  26. Nguyễn Đông Triều, “Nhân vật nữ trong truyện Nôm và vấn đề tài sắc mệnh”, Tạp chí Đại học Sài Gòn niên san Bình luận văn học 2013-2014, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, quí 3 năm 2014, tr.104-114.
  27. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Di sản văn hóa Hán Nôm đình Bình An (Tuy Phong, Bình Thuận)”, Xưa và Nay, số 451, tháng 9 năm 2014, tr.52-55
  28. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Tư liệu Hán Nôm ở đền thờ Châu Văn Tiếp”, Xưa và Nay, số 452, tháng 10 năm 2014, tr.48-50.
  29. Nguyễn Đông Triều, “Nội tổ của Lê Văn Duyệt và ngôi mộ cổ ở Cái Bè - Tiền Giang”, Xưa và Nay, số 453, tháng 11 năm 2014, tr.57-59.
  30. Nguyễn Đông Triều, Trần Thị Diệu Hiền, “Đối liên và bài thơ thạch khắc chùa Tiên Châu”, Xưa và Nay, số 454, tháng 12 năm 2014, tr.54-55.
  31. Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, “Ba đạo sắc phong cho Nguyễn Cư Trinh ở Công Thần miếu”, Xưa và Nay, số 455, tháng 1 năm 2015, tr.50-51.
  32. Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, “Thơ xuân Phan Thanh Giản”, Xưa và Nay, số 456, tháng 2 năm 2015, tr.63-64.
  33. Nguyễn Đông Triều, Lê Anh Tuấn, “Một số tư liệu Hán Nôm ở Trung Nghĩa từ”, Xưa và Nay, số 457, tháng 3 năm 2015, tr.12-15.
  34. Nguyễn Đông Triều, “Trần Phong sắc”, trong sách Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, NXB. Hồng Đức - Tạp chí Xưa và Nay, quý 2 năm 2015, tr.530-535.
  35. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Vương Hữu Quang và bài thơ đề ở núi Ngô Khê (Hồ Nam, Trung Quốc)”, Xưa và Nay, số 459, tháng 5 năm 2015, tr.50-52
  36. Nguyễn Đông Triều, “Hội quán Minh Hương dấu ấn văn hoá Việt và tư liệu Hán Nôm”, Xưa và Nay, số 459, tháng 5 năm 2015, tr.55-57
  37. Nguyễn Đông Triều, “Tuệ Thành hội quán di tích lịch sử văn hoá của người Hoa ở TPHCM”, Tạp chí khoa học Văn hoá và Du lịch, số 22-23 (76), tháng 3 và tháng 5 năm 2015, tr.47-57
  38. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Giới thiệu một số sách Hán Nôm về giáo dục, gia lễ lưu hành ở Miền Tây Nam Bộ”, Xưa và Nay, số 462, tháng 8 năm 2015, tr.44-47
  39. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Sách Phật giáo viết bằng chữ Nôm ở Miền Tây Nam Bộ”, Xưa và Nay, số 464, tháng 10 năm 2015, tr.62-65
  40. Nguyễn Đông Triều, “Bài văn của Phan Thanh Giản nói về cách yêu hoa”, Thông báo Hán Nôm học 2014, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế giới, 2015, tr.868-874
  41. Nguyễn Đông Triều, “Văn tế Hán Nôm và tinh thần nhân đạo dành cho tầng lớp thấp trong xã hội”, Xưa và Nay, số 469, tháng 3 năm 2016, tr.48-51
  42. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn và khu mộ cổ ở Sa-Đéc - Đồng Tháp”, Xưa và Nay, số 469, tháng 3 năm 2016, tr.22-26
  43. Nguyễn Đông Triều, “Hai ngôi đình ở thôn Long Mỹ xưa”, Tạp chí khoa học quốc tế Văn hoá và Du lịch, số 2&3, tháng 3&5 năm 2016, tr.81-85
  44. Nguyễn Đông Triều, “Chùa Ngọc Hoàng một di tích độc đáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016, tr.45-48
  45. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Di sản Hán Nôm Nhị Phủ hội quán”, trong sách Nam Bộ đất và người, tập 11, NXB. ĐHQG.HCM, 2016
  46. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Thơ đề tháp cốt ở chùa Châu Viên và chùa Châu Nguơn (Châu Đốc-An Giang), trong sách Nam Bộ đất và người, tập 11, NXB. ĐHQG.HCM, 2016
  47. Nguyễn Ngọc Quận, Đặc điểm của chữ Nôm Nam Bộ, đề tài KH cấp trường, chủ nhiệm, nghiệm thu 10/2013
  48. Nguyễn Ngọc Quận, Phiên âm, chú giải và nghiên cứu chữ Nôm trong Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới, cấp ĐHQG, chủ nhiệm,2016-2018
  49. Nguyễn Ngọc Quận, "The Nom characters in the South of Vietnam before early modern period"  (近代以前之越南南部喃字,Chữ Nôm Miền Nam trước thời cận đại), Proceedings of the International Conference on "Vietnam and China: Historical Cultural and Literature Relations - 越南與中國───歷史上的文化和文學關係", pp.112-121, ngày  16-17 tháng 9, 2011, tại ĐH KHXH và NV TP.HCM.
  50. Nguyễn Ngọc Quận - Lê Quang Trường, "Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ qua mấy đợt sưu tầm gần đây của Bộ môn Hán Nôm, khoa Văn học và Ngôn ngữ (Đại học KHXH&NV TP.HCM)", in trong Thông báo Hán Nôm học năm 2012 - Kỷ yếu Hội nghị  "Thông báo Hán Nôm học năm 2012", tr.581-590.
  51. Nguyễn Ngọc Quận - Lý Hồng Phượng, "Kim cổ kỳ quan trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ"
  52. Nguyễn Văn Hoài (chủ nhiệm), Nghiên cứu và phiên dịch đối sánh Hảo cầu truyện Hảo cầu tân truyện, Đề tài NCKH cấp Trường, Số 227/QĐ-XHNV-QLKH-DA, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Từ tháng 04/2012 – 09/2013.
  53. Nguyễn Văn Hoài (chủ nhiệm), Nghiên cứu và phiên dịch đối sánh Định tình nhân Truyện Song Tinh, Đề tài NCKH cấp Trường, Mã số T2014-07/ HĐ-QLKH-DA, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Từ tháng 04/2014 – 04/2015.
  54. Nguyễn Văn Hoài, “Làng xưa Bình Thuỷ-Long Tuyền, một địa chí văn hoá thu nhỏ của đất Cần Thơ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, Nxb KHXH, 2004, Tr. 461-492.
  55. Nguyễn Văn Hoài, “Chùa Nam Nhã”, Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy-Long Tuyền, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 2005, Tr. 114-121.
  56. Nguyễn Văn Hoài - Nguyễn Đông Triều, “Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm ở Đình Châu Phú (Châu Đốc - An Giang)”, Tạp chí Hán Nôm, số 6 - 2006, Tr. 73-78.
  57. Nguyễn Văn Hoài, “Mấy vấn đề văn học thông tục trong thư tịch Hán Nôm Việt Nam”, Bình luận văn học-Niên giám 2009, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010, Tr. 158-179.
  58. Nguyễn Văn Hoài, “Nguyễn Chánh Sắt, người đầu tiên phiên dịch Kim cổ kì quan ở Việt Nam”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên san 2013-2014, Tr. 96-103.
  59. Nguyễn Văn Hoài, “Thi pháp truyện thơ Nôm tài tử giai nhân và một số tiểu loại truyện thơ Nôm khác – nhìn từ góc độ nhân vật, cốt truyện”, Nghiên cứu văn học, số 4 - 2015, Tr. 100-111.
  60. Nguyễn Văn Hoài, “Từ văn học thông tục Trung Quốc nghĩ về truyện thơ Nôm Việt Nam”, Những vấn đề ngữ văn-Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học & Ngôn ngữ, Nxb ĐH Quốc gia TP. HCM, 2015, Tr. 844-857.
  61. Nguyễn Văn Hoài, “Việc truyền nhập, tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc ở Nhật Bản và Việt Nam thời trung đại”, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá, Nxb ĐH Quốc gia TP. HCM, 2015, Tr. 202-223.
  62. Nguyễn Văn Hoài, “Yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam”, Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên san 2015, 13(38) tháng 3-2016, Tr. 122-131.

 


* PGS.TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60758848
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3018
10454
60758848

Thành viên trực tuyến

Đang có 224 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website