Dịch văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh: Hợp lực từ những chân trời

Những cơ duyên lịch sử cho việc dịch văn học Việt Nam ra tiếng Anh

Tuy không phải là một nền văn học lớn trên thế giới, nhưng văn học Việt Nam đã đến với người đọc nước ngoài từ lâu bởi một số hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Văn học Việt Nam đến với thế giới đầu tiên qua con đường Pháp ngữ. Nền giáo dục Pháp ngữ đầu thế kỷ 20 đã tạo nên một thế hệ trí thức người Việt giỏi tiếng Pháp, không chỉ tích cực dịch thuật hai chiều Pháp-Việt mà còn hình thành cả bộ phận văn học Việt Nam Pháp ngữ. Nhiều truyện thơ Nôm Việt Nam đã đến với độc giả phương Tây qua con đường Pháp ngữ từ rất sớm, chẳng hạn Truyện Kiều (1884), Lục Vân Tiên (1889), Ngọc Kiều Lê (1862), Bình Sơn lãnh yến (1927), Lục súc tranh công (1944)... tiếp theo đó là hàng loạt sáng tác của những tác giả hiện đại. Thế nhưng hiện nay, ngôn ngữ chủ yếu mà văn học Việt đang dựa vào để tiếp cận độc giả quốc tế lại là tiếng Anh, và phổ biến nhất lại là các tác phẩm văn học hiện đại. Đây cũng là một điều dễ hiểu vì sự thống trị của ngôn ngữ này trên thế giới và ở cả Việt Nam.

Hoạt động dịch thuật văn học Việt Nam sang tiếng Anh có sự góp sức từ nhiều lực lượng ở cả trong và ngoài nước, hoạt động qua sự se duyên của các tổ chức hoặc thuần tuý dựa trên mối quan hệ và động lực cá nhân. Họ đã làm nên một bức tranh phiên bản tiếng Anh của văn học Việt Nam đa dạng sắc màu và mang nhiều hứa hẹn.

Vai trò của giới xuất bản trong nước

Ngay từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, giới xuất bản ở miền Bắc đã ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong hoạt động quảng bá văn hóa – văn nghệ dân tộc ra thế giới. Họ tự mình tìm kiếm dịch giả, tuyển chọn một số tác phẩm tiêu biểu của văn học đương thời và dịch chúng sang tiếng Anh. Nhà xuất bản Ngoại văn (Foreign Languages Publishing House, tiền thân của Nhà Xuất bản Thế giới hiện nay) đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình quảng bá văn chương Việt Nam ra nước ngoài. Không chỉ chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh, nhà xuất bản Ngoại văn còn dịch sang cả tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và còn cả tiếng Bồ Đào Nha. Điều đó cho thấy khả năng làm việc vô cùng nghiêm túc và tinh thần quảng bá văn chương cực kỳ mạnh mẽ của nhà xuất bản này.

Cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được của Nhà Xuất bản Ngoại văn dịch sang tiếng Anh chính là tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao – Chi Pheo and Other Stories (1961) – do Nguyễn Đình Thi dịch. Sau này, vào năm 1983, tuyển tập này lại được phát hành lần nữa trên thị trường. Đến năm 1963, tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan được nhà xuất bản này dịch sang tiếng Anh với nhan đề Impasse. Vào năm 1978, nhà xuất bản Ngoại văn phát hành tuyển tập thơ của Tố Hữu với phiên bản tiếng Anh – Blood and Flowers: The Path of the Poet To Huu (Selected Poems of To Huu) – do hai dịch giả Elizabeth Hodgkin, Mary Jameson chuyển ngữ. Hoạt động dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh của Nhà Xuất bản Ngoại văn sau đó vẫn tiếp tục được duy trì với sự ra đời của hai bản dịch Dairy of a Cricket (1991) – phiên bản tiếng Anh của Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) – và tuyển tập thơ song ngữ Ký ước mắt đen (Memory of Black Eyes) (2009) của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

20201012

Tiếp nối những bước đi đầu tiên ấy, nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng tích cực tuyển dịch các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh. Tuy nhiên, các tác phẩm chuyển ngữ của nhà xuất bản Hội Nhà văn chỉ nở rộ kể từ sau sự kiện Hội nghị Quốc tế Văn học Việt Nam diễn ra vào tháng 01 năm 2010. Lúc này, nhà xuất bản Hội Nhà văn kết hợp cùng với Hội Nhà văn Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội nghị đến từ nước ngoài để cho ra đời những bản dịch tiếng Anh của các tác giả đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn trước đó, trong đó nhà thơ Mai Văn Phấn có đến tận 5 tập thơ được dịch: Bầu trời không mái che: Firmament Without Roof Cover (Collected Poems) (2012), Out of the Dark (Collected Poems): Buông tay cho trời rạng (2013), Seeds of Night and Day (Collected Poems): Những hạt giống của đêm và ngày (2013), The Selected Poems of Mai Văn Phấn (Tuyển tập thơ tiếng Anh) (2015) và Thời tái chế: Era of Junk (Collected Poems) (2019). Thực ra, Mai Văn Phấn được dịch sang tiếng Anh nhiều thế này cũng là một hiện tượng hiếm hoi của thơ ca Việt Nam hiện đại. Các thi phẩm của ông đều rất kén độc giả đại chúng bởi tinh thần cách tân quá mạnh mẽ nhưng thơ Mai Văn Phấn rất được lòng giới hàn lâm ở Việt Nam. Có lẽ, chính tư tưởng phóng khoáng, cảm quan nghệ thuật hiện đại và lối viết cách tân của mình mà Mai Văn Phấn rất được lòng dịch giả, bởi tư duy nghệ thuật của ông đã thoát khỏi khuôn khổ mòn sáo của giới văn nghệ sĩ trong nước mà hòa vào dòng chảy chung của thơ ca thế giới đương đại. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây cũng có khuynh hướng tuyển chọn một số tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn và dịch chúng sang tiếng Anh để đưa đi dự thi các giải thưởng trong khu vực, từ đó, nâng tầm vị thế văn học Việt như trường hợp của tuyển tập thơ song ngữ Lễ tẩy trần tháng Tư – The Purification Festival in April (2005) của Inrasara.

Khi đời sống kinh tế thay đổi, hoạt động dịch thuật các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh cũng sẽ gặp không ít những thách thức bởi quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường. Nếu trước kia, giới xuất bản trong nước chỉ tập trung quảng bá văn chương Việt Nam mà không cần lo lắng quá nhiều về vấn đề tiêu thụ bởi đã có sự bảo trợ của nhà nước thì ngày nay, các nhà xuất bản nội địa khi tiến hành tuyển dịch một tác phẩm văn chương Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều đến tính thương mại của nó. Có lẽ, chính vì để phục vụ cho thị trường độc giả trong nước trước tiên nên họ chọn những đầu sách best-seller hấp dẫn công chúng hoặc các sáng tác văn học thiếu nhi, với lối dịch đơn giản, cú pháp được sử dụng không quá cồng kềnh, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Các dịch phẩm này được phát hành trong nước đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của độc giả bản địa, tạo nên một môi trường phù hợp để luyện tập và trau dồi ngoại ngữ. Với những bạn trẻ, họ có thể tìm đọc bản tiếng Anh các truyện dài lãng mạn của Dương Thụy như Beloved Oxford (Oxford thương yêu), Paris Through Closed Eyes (Nhắm mắt thấy Paris) hay In the Golden Sun (Cung đường vàng nắng) để luyện tập kỹ năng đọc bằng tiếng Anh của mình. Với các em thiếu nhi, các bậc phụ huynh có thể cho con họ tiếp cận với Dairy of a Cricket (Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài) hay Open the Window, Eyes Closed (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Ngọc Thuần) nhằm tạo niềm hứng thú cho các bé khi học tiếng Anh. Thêm vào đó, trải nghiệm mà độc giả có được từ một phiên bản khác sẽ mới mẻ và thú vị hơn rất nhiều so với việc chỉ tiếp cận văn bản gốc. Với những độc giả có sự nhạy bén về ngôn từ và có vốn từ vựng phong phú ở cả tiếng Anh và tiếng Việt, họ có thể đối chiếu và so sánh về khả năng biểu đạt của ngôn ngữ giữa bản dịch và bản gốc, hiệu quả thẩm mỹ mà văn bản mang lại, chất lượng bản dịch, v.v. Đó đều là những trải nghiệm rất quý báu mà chỉ có người đọc tự trải qua mới có thể đúc kết được. 

Sứ mệnh hữu nghị của Viện William Joiner

Bên cạnh chủ trương, chiến lược của các nhà xuất bản trong nước, văn học Việt Nam hiện đại còn được chuyển ngữ sang tiếng Anh qua ngòi bút của các dịch giả quốc tế, mà phần đông trong số họ đến với văn học Việt Nam thông qua viện William Joiner, một cầu nối văn chương bền bỉ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ suốt mấy mươi năm hậu chiến.

Viện William Joiner là tên gọi tắt của Viện William Joiner Nghiên cứu Chiến tranh và Hậu quả xã hội (The William Joiner Institute for the Study of War and Social Consequences), thuộc Đại học Massachusetts (Boston, Hoa Kỳ) hoạt động với chủ trương đẩy mạnh các nghiên cứu học thuật, các chương trình giao lưu về các vấn đề văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội và nhân văn nhằm xoa dịu những vết thương của chiến tranh và hóa giải hận thù giữa các dân tộc. Tiền thân của nó là Trung tâm William Joiner, thành lập vào tháng 10 năm 1982, được đặt theo tên của một cựu binh người Mỹ gốc Phi từng tham chiến ở Việt Nam. Viện William Joiner đã tiến hành dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh nhằm “nối nhịp cây cầu văn chương giữa hai đất nước từng đối diện với nhau bằng súng đạn” (Nguyệt Hà, 2017). Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, trong khi giới nghiên cứu ở Hoa Kỳ vẫn còn ngần ngại đề cập đến cuộc chiến mà quân đội của họ đã lún sâu ở Việt Nam suốt 20 năm ròng rã thì Viện William Joiner “đã tiên phong và xông xáo mở ra những cánh cửa ẩn chứa nhiều rủi ro: tổ chức một hội nghị quốc tế về chất độc da cam nhằm vạch trần những tác hại khủng khiếp của chất độc da cam lên sức khỏe của con người” (Nguyễn Phan Quế Mai, 2018). Sau một số cuộc gặp gỡ ngập ngừng bước đầu, Viện William Joiner đã bắc được nhịp cầu văn chương Việt-Mỹ. Đã có gần 100 nhà văn, nhà thơ hiện đại Việt Nam, chủ yếu là các nhà văn cựu binh như Lê Lựu, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Duy, v.v, được đến Mỹ để tham gia những buổi hội thảo văn học do Viện William Joiner đứng ra tổ chức. Bên cạnh đó, Viện William Joiner còn tuyển dịch những tác phẩm thơ ca và văn xuôi Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh với hy vọng những nội dung sâu sắc mà văn học phản ánh sẽ giúp cộng đồng độc giả Hoa Kỳ thấu hiểu hơn những vết thương sâu hoắm mà chiến tranh đã gây ra cho dân tộc của dải đất hình chữ S.

Theo thống kê của Nguyệt Hà (2017), tính đến 2017, Viện William Joiner đã xuất bản ít nhất 14 lượt tác phẩm thơ dịch Việt Nam, trong đó nhiều tác phẩm của những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương đại đã đến với Mỹ qua các thành viên, cộng tác viên của William Joiner. Các tác phẩm này cũng xuất hiện ở 40 tạp chí văn chương trên khắp nước Mỹ và đã có những tập sách được in riêng, in chung của tác giả Việt Nam – Mỹ được bạn đọc hai nước đón nhận. Trong đó, công trình thơ đầu tiên được tuyển dịch chính là Poems from Captured Documents (1994) do dịch giả Bruce Weigl và tiến sĩ Thanh Nguyễn cùng nhau chuyển ngữ. Ngay từ lúc ra đời, Poems from Captured Documents thực sự đã tạo nên một cơn chấn động bởi cái nhìn của người Mỹ về dân tộc Việt Nam vẫn còn hết sức hà khắc, thậm chí còn ẩn chứa sự “miệt thị và căm giận” (Nguyễn Phan Quế Mai, 2018). Tuyển tập thơ này đã mang đến cho độc giả Hoa Kỳ những góc nhìn sâu sắc về tâm hồn những người lính Việt: Ẩn sau vẻ ngoài gai góc, anh dũng kia là niềm khắc khoải khôn nguôi về mái ấm gia đình. Đây có lẽ “quyển sách đầu tiên cho người Mỹ thấy rằng những người lính cộng sản cũng là những con người bình thường: họ yêu thơ ca, gia đình, cuộc sống. Họ đau đáu mong đợi hòa bình tung cánh trên dải đất Việt Nam” (Nguyễn Phan Quế Mai, 2018). Sau sự thành công của Poems from Captured Documents (1994), Viện William Joiner tiếp tục giới thiệu những tuyển tập thơ khác của văn học Việt Nam như The Women Carry in River Water (1997), Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, 1948-1993 (1998), Distant Road: Selected Poems of Nguyen Duy (1999), 6 Vietnamese Poets (2002), The Time Tree: Selected Poems of Hữu Thỉnh (2003), Green Rice: Poems by Lam Thi My Da (2005), From a Corner of My Yard (2006), v.v. Trong tổng số 33 tập thơ của văn học Việt Nam hiện đại được dịch sang tiếng Anh mà chúng tôi tìm được, có đến 8 tuyển tập là do đội ngũ dịch giả của Viện William Joiner đảm trách phần dịch thuật và biên tập. Trong đó, tuyển tập Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, 1948-1993 (1998) của bộ ba dịch giả Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung và Bruce Weigl đã giới thiệu được hầu hết những nhà thơ của văn học Việt Nam hiện đại như Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Tạ Hữu Yên, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Nguyễn Quang Thiều, v.v. Những thi phẩm trong Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, 1948-1993 phản ánh được toàn vẹn bức tranh đời sống xã hội và thế giới tinh thần của người Việt trong suốt những năm tháng đau đớn chống Pháp (1945-1954) và Mỹ (1954-1975).

Ở mảng văn xuôi, tiểu thuyết Thời xa vắng (A Time Far Past) của Lê Lựu do bộ ba Ngô Vĩnh Hải, Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen dịch là tác phẩm gây chú ý đầu tiên. Ngay từ khi mới xuất bản, A Time Far Past đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của độc giả ở nước ngoài. Theo Nguyễn Phan Quế Mai (2018), tạp chí phê bình Kirkus Review đã đánh giá tiểu thuyết này đã “miêu tả chân thực về cuộc sống ở Bắc Việt từ những năm 1950 đến những năm 1980, cung cấp những chi tiết hấp dẫn về văn hóa làng xã”, cùng với đó, “bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn tiểu thuyết chi tiết sống động này là tác phẩm hay nhất và hấp dẫn nhất mà chúng ta đã thấy từ phía Bắc Việt Nam.” Một nhân vật đáng chú ý khác liên quan đến William Joiner là biên tập viên Wayne Karlin – một cựu thủy binh lục chiến Hoa Kỳ đã từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam. Tuy rằng các công trình dịch thuật của Wayne Karlin không phải do Viện William Joiner cấp kinh phí thực hiện nhưng vai trò cầu nối của Viện trong trường hợp này là rất quan trọng. Bởi nếu không có những buổi hội thảo và giao lưu, gặp gỡ giữa các cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ mà Viện William Joiner đứng ra tổ chức, Wayne Karlin chưa hẳn đã tiếp cận được những tác phẩm văn học Việt Nam tiểu biểu trong giai đoạn văn học Đổi Mới và đặc biệt, mối thâm tình giữa cựu binh này với nhà văn Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái cũng chưa có cơ duyên được xây dựng. Cuốn sách đầu tiên mà Wayne Karlin biên tập và giới thiệu đến công chúng Hoa Kỳ là tuyển tập truyện ngắn Free Fire Zone: Short Stories by Vietnam Veterans (“Vùng bắn phá tự do: Những truyện ngắn của cựu chiến binh Việt Nam”) (1973) tuy nhiên lại không gây được nhiều tiếng vang lớn trong cộng đồng độc giả Hoa Kỳ. Phải đến khi ông cùng Lê Minh Khuê, Trương Vũ biên tập quyển sách The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writers (tạm dịch: “Phía bên kia góc trời: Văn xuôi hư cấu hậu chiến của những nhà văn Việt Nam và Hoa Kỳ”) (1995) thì cái tên Wayne Karlin mới được biết đến rộng rãi trong giới xuất bản bởi tấm lòng nhiệt huyết với văn chương Việt Nam. Tuyển tập này đã mang đến uy tín cho Wayne Karlin khi đạt giải thưởng Paterson 1998, sau đó không lâu, cựu chiến binh Hoa Kỳ này trở thành một biên tập viên chủ chốt cho series sách “Voices from Vietnam” (Những tiếng nói từ Việt Nam) của nhà xuất bản Curbstone. Mỗi năm, Wayne Karlin lại trở thành nhân vật nối kết – giới thiệu những tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại – cho đội ngũ dịch giả của Curbstone để họ tiến hành chuyển ngữ sang tiếng Anh. Cho đến nay, đã có 8 công trình dịch thuật thuộc series “Voices from Vietnam” do Wayne Karlin biên tập và giới thiệu được xuất bản, bao gồm tiểu thuyết The Stars, the Earth, the River (1997) được dịch từ nguyên tác Những Ngôi sao, Trái đất, Dòng sông (Lê Minh Khuê), Behind the Red Mist (1998) dịch từ nguyên tác Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái), tiểu thuyết Against the Flood (2000) dịch từ Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), tiểu thuyết Past Continuous (2001) dịch từ Thời gian của người (Nguyễn Khải), tuyển tập truyện ngắn Love after War (2003), tuyển tập truyện ngắn The Cemetery of Chua Village and Other Stories (2005) dịch từ tập truyện Nghĩa địa xóm Chùa (Đoàn Lê), tiểu thuyết An Insignificant Family (2009) dịch từ Gia đình bé mọn (Dạ Ngân). Tất cả đều được công chúng Hoa Kỳ đón nhận và có những phản hồi rất tích cực về chất lượng bản dịch.

Vai trò của các dịch giả tự do

Khi quan sát hoạt động dịch và xuất bản văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy bên cạnh nhóm dịch giả liên quan đến hệ thống xuất bản nhà nước với chủ trương quảng bá văn học, văn hóa, và nhóm liên quan đến Viện William Joiner mang tinh thần hữu nghị Việt-Mỹ, vẫn còn có những dịch giả khác không liên quan đến hai nhóm này. Họ có thể là người Việt sống ở trong nước hoặc hải ngoại, hoặc có thể là người nước ngoài chọn dịch tác phẩm vì lý do cá nhân hoặc lý do thuần văn học chứ ít chịu ảnh hưởng bởi các đường lối chính trị, ngoại giao của tập thể hay chiến lược thương mại của một nhà xuất bản. Chúng tôi tạm gọi họ là các dịch giả tự do.

Sau năm 1975, có một lượng lớn người Việt rời khỏi đất nước, sống lưu vong và hình thành, phát triển nên những cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh. Thời gian đầu, họ phải lo bám trụ lại xứ người nên chưa đủ sức để quan tâm nhiều đến các vấn đề văn học nghệ thuật, lại càng ít quan tâm đến việc quảng bá văn học. Đến thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, đời sống văn học Việt Nam hải ngoại khởi sắc hơn nhưng đó cũng là lúc người Việt tha hương thế hệ đầu sau 1975 bắt đầu chứng kiến sự đứt gãy các kết nối văn hóa với thế hệ kế tiếp. Bên cạnh nỗ lực gìn giữ tiếng Việt, những dịch giả Việt Nam ở nước ngoài dần dần lưu tâm đến những tác phẩm xuất sắc của văn chương Việt thời hiện đại, và tìm cách dịch chúng sang tiếng Anh với hy vọng để cho những thế hệ thứ hai, thứ ba của lớp người Việt di dân kể từ sau năm 1975 có thể tìm đọc và lưu giữ những bản sắc văn hóa của tổ tiên. Do đó, việc chuyển ngữ các văn bản văn học Việt Nam sang tiếng Anh không chỉ là một cách giới thiệu văn chương Việt đến bạn đọc quốc tế mà trước hết, nó xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính các dịch giả người Việt nước ngoài. Hoạt động dịch thuật ấy như một cách để những thế hệ người Việt sau này – những thế hệ sinh ra ở nước ngoài và hít thở bầu khí quyển của văn hóa phương Tây, sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ mẹ đẻ – có thể tìm thấy linh hồn mình đâu đó ở những phiên bản tiếng Anh của văn chương Việt. Vì vậy, dịch các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh không còn đơn thuần là tinh thần quảng bá văn chương nữa mà nó đã mở rộng sang ở tinh thần tự tôn dân tộc, giữ lấy những bản sắc riêng của văn hóa quê hương mình. Để rồi từ những bản dịch tiếng Anh ấy, đội ngũ dịch giả người Việt ở nước ngoài mới bắt đầu hướng đến mục đích để cho bạn đọc trong cộng đồng mình đang sinh sống, rồi cả bạn bè quốc tế lắng nghe thanh âm của tâm hồn người Việt trong những năm tháng biến động của lịch sử đất nước.

Có một điều đáng chú ý là hầu hết các dịch giả người Việt định cư ở nước ngoài mà đảm trách phần dịch thuật văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh đều là những người có chuyên môn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cụ thể hơn, họ đều là những giáo sư văn chương ưu tú ở giới học thuật Hoa Kỳ. Chẳng hạn dịch giả Huỳnh Sanh Thông là giáo sư giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam cho người nước ngoài ở Đại học Yale. Dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm, vốn là giảng viên giảng dạy ở Trường Viết văn Nguyễn Du, sau này sang Hoa Kỳ định cư và trở thành giảng viên dạy tiếng Việt ở Đại học California, Berkeley. Dịch giả Thúy Tranviet cũng là một giảng viên cao cấp của Khoa Châu Á học của Đại học Cornell. Với tri thức sâu rộng, khả năng ngôn ngữ Việt – Anh đạt đến kỹ năng điêu luyện cùng những trải nghiệm văn hóa sâu sắc ở cả hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, đội ngũ dịch giả này đã mang đến cho độc giả nước ngoài những bản dịch có chất lượng rất tốt, nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc. Những công trình dịch thuật của họ hầu hết đều được đánh giá rất cao và trở thành những bản dịch chuẩn mực, thậm chí còn được đưa vào giáo trình giảng dạy cho các môn học về Việt Nam của nhiều trường đại học trên thế giới. Ví như tuyển tập thơ ca An Anthology of Vietnamese Poems: From Eleventh through the Twentieth Centuries (2001) của Huỳnh Sanh Thông là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn học Việt Nam ở lĩnh vực thơ ca bởi đã giới thiệu được gần như toàn vẹn bức tranh thơ ca Việt Nam hiện đại trải dài trong suốt thế kỷ XX. Hay như Dumb Luck (2002), phiên bản tiếng Anh của tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, do hai vợ chồng dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman dịch thuật đã tạo nên thành công vang dội cho văn chương Việt Nam ở văn đàn quốc tế. Bản dịch của Số đỏ, vào năm 2003, đã được tạp chí Los Angeles Times đưa vào danh sách một trong những tiểu thuyết nước ngoài hay nhất trong thị trường sách ở Mỹ năm đó. Hay như bản dịch tiếng Anh của phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây (Vũ Trọng Phụng) – The Industry of Marrying European (2003) – do Thúy Tranviet dịch cũng được giới chuyên môn ở Hoa Kỳ đánh giá cao bởi chất lượng dịch thuật. Bản dịch này là một trong những công trình nghiên cứu về văn hóa khu vực Đông Á do Đại học Cornell tài trợ và đã trở thành tác phẩm tiêu biểu cho giới chuyên môn quốc tế khi nghiên cứu về dòng văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX.

Bản dịch Other Moons: Vietnamese Short Stories of the American War and Its Aftermath (2020) mà dịch giả Hà Mạnh Quân hợp tác cùng giáo sư Joseph Babcock (Đại học San Diego) cũng là một tuyển tập truyện ngắn rất đáng đọc khi đã mang đến 20 tác phẩm sâu sắc về ký ức chiến tranh và dư chấn tinh thần sau cuộc chiến. Dịch giả Hà Mạnh Quân là giáo sư ở Đại học Montana và đang đảm nhận vị trí Phó Trưởng khoa Ngữ văn Anh tại đại học này. Hà Mạnh Quân có thời gian dài sống ở Việt Nam và tốt nghiệp thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Đà Lạt vào năm 2000. Sau đó, ông đạt được học bổng du học ở Hoa Kỳ. Sau thời gian học tại Mỹ, Hà Mạnh Quân định cư tại đây. Chính vì vậy, khác với những dịch giả ở trên di cư sang nước ngoài từ thập niên 70 chủ yếu tuyển dịch các tác phẩm văn học Việt Nam trước năm 1945, Hà Mạnh Quân lại chủ trương dịch các sáng tác của văn học chiến tranh cách mạng. Ngay từ khi mới có thông tin xuất bản, quyển sách của Hà Mạnh Quân và Joseph Babcock đã được giới thiệu ở tủ sách đáng mong chờ trong năm 2020 của tạp chí The New York Times

The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Frank Palmos và Phan Thanh Hảo là bản dịch xuất hiện rất sớm và mang dấu ấn cầu nối trong và ngoài nước rất rõ rệt. Ở Hà Nội, Phan Thanh Hảo đã dịch Nỗi buồn chiến tranh không lâu sau khi nó ra đời và gây dư luận ở Việt Nam. Sau khi bản dịch của Phan Thanh Hảo được chuyển đến nhà xuất bản Martin Secker & Warburg, người biên tập mảng sách văn chương của nhà xuất bản lúc đó – Geoffrey Mulligan – đã chuyển cho Frank Palmos với hy vọng bằng những trải nghiệm của một phóng viên chiến trường từng có thời gian làm việc tại Việt Nam, ông có thể hiệu đính bản dịch một cách xác tín nhất dựa trên bản dịch thô của Phan Thanh Hảo. Bằng sự tận tình và tình yêu mến với tác phẩm, Frank Palmos đã lặn lội đến Hà Nội, cùng gặp gỡ Bảo Ninh và Phan Thanh Hảo, kết hợp cùng những trang báo viết về chiến tranh Việt Nam, để đối chiếu từng chi tiết trong bản dịch với nguyên tác. Sau 7 tháng miệt mài, The Sorrow of War được nhà xuất bản Martin Secker & Warburg (Anh) cho ra mắt độc giả, nhanh chóng gây tiếng vang trên văn đàn quốc tế, lọt vào danh sách Sách ngoại văn hay nhất năm 1994 do tờ The Independent bình chọn, và danh sách 50 bản dịch hay nhất của thế kỷ XX do Hiệp hội các tác giả của Vương quốc Anh bình chọn năm 2010.

Greg Lockhart cũng là người dành rất nhiều tình cảm với văn chương Việt Nam hiện đại với các dịch phẩm The General Retires and Other Stories (1992) từ nguyên tác Tướng về hưu và các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, và là đồng dịch giả với Monique Lockhart trong công trình The Light of the Capital: Three Modern Vietnamese Classics (1996). Vốn là một cựu binh từng chinh chiến ở chiến trường Việt Nam, sau khi giải ngũ, Greg Lockhart trở thành một nhà sử học và đồng thời là một tác giả cho ra đời những tiểu luận nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam và bi kịch của những quân nhân Australia khi tham chiến ở vùng đất này. Ký ức về Việt Nam trong những tháng ngày chiến đầu cứ đeo bám Greg Lockhart. Chính vì vậy, đến một lúc, Greg Lockhart cũng muốn làm một điều gì đó cho đất nước và con người Việt Nam. Và thế là ông đã tự mình chuyển ngữ các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh như một cách để thể hiện tình yêu mến của mình với quốc gia này. Ngay sau khi phát hành, phiên bản tiếng Anh của Tướng về hưu do Greg Lockhart đảm trách dịch thuật đã khiến cộng đồng độc giả quốc tế hết sức bất ngờ bởi một Nguyễn Huy Thiệp rất sâu sắc, hiện đại và ngay thẳng của nền văn học Việt Nam sau Đổi Mới. Chính nhờ Greg Lockhart, kể từ sau năm 1992, thế giới biết đến một Nguyễn Huy Thiệp. Chính nhờ Greg Lockhart và Monique Lockhart, thế giới cũng biết đến những Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Nguyên Hồng với những trang phóng sự và hồi ký đầy chân thực của những nhà văn Việt Nam trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ XX.

Ngoài ra, văn học Việt Nam hiện đại cũng rất ghi nhận sự đóng góp của các dịch giả nước ngoài thuộc lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm. Ví như Paul Hoover – một giáo sư của chuyên ngành sáng tác của Đại học bang San Francisco. Bên cạnh công việc giảng dạy, Paul Hoover còn là một nhà thơ có tiếng của Hoa Kỳ. Với những ưu thế của một nhà thơ bản ngữ, Paul Hoover sau này đã trở thành một dịch giả rất có tài khi phần lớn công trình dịch thuật của ông đều liên quan đến lĩnh vực thơ ca. Những tuyển tập thơ dịch nổi tiếng nhất của Paul Hoover chính là Black Dog, Black Night: Contemporary Vietnamese Poetry (2008) mà ông cùng Nguyen Do chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay một tuyển tập khác được dịch từ các thi phẩm của Nguyễn Trãi, Beyond the Court Gate: Selected Poems of Nguyen Trai (tạm dịch: “Bên ngoài hoàng cung: Một số thi phẩm tuyển chọn của Nguyễn Trãi”) (Counterpath Press, 2010). Hay đó là một Aileen Y. Palmer – một nhà thơ, một chính trị gia và một dịch giả. Từng có thời gian tham gia Đảng Cộng sản Australia, Aileen Palmer có một cảm tình đặc biệt với những nhà thơ cộng sản và đã chuyển ngữ những thi phẩm của Hồ Chí Minh và Tố Hữu ngay từ những thập niên 1960, chẳng hạn như tuyển tập The Prison Dairy of Ho Chi Minh (Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Bantam Books, 1967). Tuy nhiên, do không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nguyên tác tiếng Việt, hầu hết các bản dịch về Tố Hữu của Aileen Palmer đều được chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Pháp trước đó. Riêng trong bản dịch The Prison Dairy of Ho Chi Minh (1967), Aileen Palmer trình bày bằng cả ba ngôn ngữ Anh – Việt – Hoa để độc giả có thể đối chiếu và so sánh. Hay một dịch giả khác là Steve Bradbury, một giáo sư của trường Đại học Quốc lập Trung ương ở Đài Loan (National Central Unversity in Taiwan). Tuyển tập Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh (2004) mà Steve Bradbury là dịch giả đã tuyển dịch 49 bài thơ từ nguyên tác Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) để giới thiệu đến độc giả quốc tế. Công trình này được dịch từ nguyên tác tiếng Hoa, có sự tham khảo với bản dịch tiếng Pháp, nên được người đọc đánh giá cao ở sự công phu và tỉ mỉ trong dịch thuật.

Có thể thấy, nhờ những nỗ lực bền bỉ của đội ngũ dịch giả trong nước và nước ngoài, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đã được giới thiệu ra quốc tế, giúp thế giới hiểu thêm về một nền văn học có truyền thống, có bề dày, và trên hết là có thành tựu, thậm chí là những đỉnh cao. Đó là công lao rất lớn của các dịch giả đối với văn học nước nhà.

Nguyễn Bảo Châu và Trương Công Bảo Thư (SV khóa 2017, chuyên ngành Văn học)

TS. Nguyễn Thị Phương Thuý (GVHD)

Bài viết thực hiện trong khuôn khổ đề tài "Khảo sát tình hình dịch văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh" - NCKH SV cấp trường năm 2019-2020

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 947, tr. 90-97.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62535317
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14690
16893
62535317

Thành viên trực tuyến

Đang có 220 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website