Nhà phê bình và chiếc roi ngựa

Năm 1948, nhân bàn đến phê bình luận chiến, trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đồng chí Trường Chinh có nêu lên rằng : "Không có phê bình, không có luận chiến phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”(1). Đây là một ý kiến nhằm nhấn mạnh một phương diện của phê bình văn nghệ. Nhưng từ  ý kiến này đã không ít người có lúc, có khi xem đó là toàn bộ mục đích và nhiệm vụ mà phê bình văn nghệ hướng tới. Thế là trong một thời gian dài, công việc của một số nhà phê bình hoặc là tự mình, hoặc là do đưa đẩy đã trở thành “cái roi ngựa” đối với sáng tác. Cái roi ấy cũng đã có khi làm cho con ngựa “lồng” lên, nhưng cũng có khi làm cho con ngựa “quỵ” xuống. Cái roi ấy cũng đã có lúc vung lên vun vút, nhất là những khi cho rằng trong sáng tác có sai lầm về tư tưởng, đường lối. Chính ở cái tư thế cầm roi này mà nhiều nhà phê bình đã được mệnh danh là “người gác cổng”, “người thổi còi” trong văn nghệ. Công việc của những người phê bình dạng này thường là chú mục vào những biểu hiện sai lầm và phê phán những sai lầm đó trong sáng tác văn nghệ. Một công việc phê bình như vậy rất gần với chính trị. Cho nên trong một tập sách do NXB Sự thật ấn hành có người đã gọi đây là phê bình “nặng tính chất  tuyên huấn” (2). Quan hệ giữa người phê bình với người sáng tác đôi khi cũng không được mặn nồng cho lắm. Nhà phê bình đã có lúc, có khi không nhận được mấy thiện cảm từ phía người sáng tác. Kể ra cũng phải thôi, có con ngựa nào lại thiện cảm với người cầm roi lúc nào cũng nhăm nhăm chực quất. Lại nữa, với vai trò cầm roi này, người phê bình tự nhiên được đặt vào cái thế “cầm cương”, “hướng dẫn”, “chỉ đạo” đối với người sáng tác. Trong khi đó trong quan niệm của không ít người sáng tác lại xem người phê bình là “kẻ ăn theo”, không có mình thì không có phê bình ! Văn nhân tương khinh. Thành thử sự không ăn ý giữa sáng tác và phê bình dường như càng được tăng lên. Thậm chí nghe nói có nhà văn trước khi mất còn di chúc lại rằng cấm nhà phê bình nọ kia không được đi đưa đám mình, không được chôn mình cạnh các nhà phê bình v.v... và v.v...
Công bằng mà nói sáng tác cũng cần phê bình làm nhiệm vụ của cái roi để quất mạnh vào những yếu kém của nó. Nhưng biến toàn bộ công việc của phê bình văn nghệ thành “phê bình cầm roi” thì thật phiếm diện và sai lầm. Nhà phê bình mà cứ nhăm nhăm cái roi trong tay thì rất dễ thô bạo. Điều này có lẽ không cần phải chứng minh. Nhưng ngay đến nhà sáng tác, nếu có một khi nào đó được cầm roi thì cũng dễ dàng thô bạo như ai chứ không cứ chỉ nhà phê bình. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã có lần chỉ ra là có nhiều người sáng tác khi “cầm roi” phê bình đồng nghiệp mình, như phê bình Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, phê bình sáng tác của Vũ Trọng Phụng, hay phê bình sáng tác của một vài cây bút trẻ gần đây cũng tỏ ra “khắt khe, thậm chí thô bạo hơn cả những nhà phê bình thô bạo nhất” (3).
Vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây là : nhiệm vụ chủ yếu của nhà phê bình văn nghệ không phải và không nên là “cơ chế cầm roi”. Dẫu có lúc, có khi trong phê bình phải ra roi, song dù sao đi nữa đó cũng không phải là công việc chính yếu của phê bình văn nghệ.
Sáng tạo văn học nghệ thuật là sáng tạo ra cái đẹp, sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ. Phê bình văn nghệ là phê bình cái đẹp, tức là ở đây phải chỉ ra được cái đẹp và phân tích những khía cạnh chưa hoàn thiện. Thái độ đối với cái đẹp là trân trọng. Lê Quý Đôn trong Vân dài loại ngữ đã cho chúng ta một lời khuyên rất sâu sắc rằng : “Văn chương lá của chung thiên hạ, phân tích thì được chứ không nên chê mắng” (4). Còn nhà thơ Puskin, người được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga” cũng nhận xét : “Ở dâu không có tình yêu nghệ thuật thì ở đó không có phê bình”. Chế Lan Viên cũng có lần viết : “Phê bình có thể thấy xa, chỉ vì nó được hứng cảm bởi hồn thơ. Không có thơ trong hồn, anh chỉ có thể thốt lên những câu càu nhàu, chửi rủa chứ đâu có phải phê bình”. Nhà phê bình chỉ chực để chê mắng, để bắt bẻ thì đâu còn kịp thấy cái hay của tác phẩm nữa để phê bình.
Cho nên theo tôi, nhiệm vụ đầu tiên của nhà phê bình là phải chỉ ra được cái hay, cái đẹp của sáng tác. Suốt một đời phê bình văn học của mình, Hoài Thanh dường như chỉ đi tìm cái hay, cái đẹp của văn chương để ngợi ca. Cũng có khi ông phê phán, nhưng nếu có phê phán đi nữa, thì cũng là để làm nổi rõ hơn cái hay, cái đẹp. Thi nhân Việt Nam của ông dù trải qua bao phen gió dập sóng dồi vẫn được người đời kính trọng và được xem như lá một tác phẩm phê bình văn học hay nhất của văn học Việt Nam hiện đại có lẽ chính ở chỗ ông đã chỉ ra được cái hay, cái độc đáo của từng nhà thơ trong phong trào Thơ mới. Tôi nghiệm ra rằng những nhà phê bình văn học của ta còn lại được thì hầu hết là những người ở mức độ khác nhau, bằng sự nhạy cảm, bằng kiến văn của mình để chỉ ra được cái hay, cái giỏi của từng tác giả, từng tác phẩm, chứ không phải những người “chê mắng” giỏi. Không phải ngẫu nhiên mà Trương Chính cho rằng người phê bình cũng như là người đệm đàn. Còn Hoàng Ngọc Hiến khi trả lời câu hỏi “Viết phê bình để làm gì ?” đã không ngần ngại cho rằng : “Tôi viết phê bình để làm sáng giá và sang giá những tác phẩm mà tôi tâm đắc”. Ông còn nói thêm : “Không có sự tâm đắc này phê bình văn học hướng về mục đích ngoài văn học” (5). Để đạt được sự tâm đắc, sự hiểu thấu tác phẩm văn nghệ thì trong quan hệ phê bình, người phê bình phải là người tri âm với sáng tác. Nhà phê bình là bè bạn, là người nói chuyện thông minh với người sáng tác. Ở thế kỷ XIX, nhà phê bình Pháp Xanhtơ Bơrơ (Saint Beuve) đã có lần nhận xét rằng : “Nền phê bình chân chính của Pari được tiến hành bằng những cuộc trò chuyện”. Lịch sử phê bình văn nghệ nhân loại cũng đã để lại không ít những bài phê bình nổi tiếng lại là những lúc thư bạn bè gửi cho nhau. Ở đâu đó có người lo lắng rằng khi phê bình và sáng tác là bè bạn thì dễ trở thành “cánh hẩu” mà thiếu sự khách quan, dễ thể tất cho nhau, dễ đề cao nhau một cách vô cớ. Thực tế đã có nhiều trường hợp như vậy thật. Nhưng đó là cái lỗi và trách nhiệm của những người phê bình và sáng tác cụ thể nào đó, chứ không phải cái lỗi của quan hệ tri âm giữa nhà phê bình và sáng tác. Đã tri âm thì không chỉ biết chỉ ra những cái hay mà còn phải biết vạch ra những cái dở. Nếu nhà phê bình mà không tri âm được với sáng tác thì thật khó mà chỉ ra được cái hay đã đành mà cũng rất khó vạch ra đúng cái dở. Bởi lẽ văn là người, là tiếng nói từ trái tim, không chia sẻ được thì cũng khó mà hiểu thấu. Lưu Hiệp đã viết rất hay trong Văn tâm điêu long rằng : “Người làm văn tình cảm rung động mà phát ra lời, người xem văn phải rẽ văn mà thâm nhập vào tình cảm”. Nếu không có được sự tâm đắc, sự đồng cảm, sự rung động của tri âm, tri kỷ thì thật khó mà xem văn, nói chi nhập được vào hồn văn người khác. Không làm được tri âm với người sáng tác thì người phê bình trở nên thừa. Điều này cắt nghĩa tại sao có nhiều nhà văn không thích phê bình. Trong quan hệ đời thường có thể ghét nhau, không thích nhau, nhưng trong quan hệ phê bình văn nghệ mà không tri âm được thì không phê bình được. Hoài Thanh có lần nói : “Liệu thơ không hợp với mình, không viết được thì tôi không viết. Xin nói rõ thêm : không hợp không nhất thiết là không hay. Thơ hay cũng có thể không hợp” (6).
Công việc của nhà phê bình dĩ nhiên phải vượt lên trên sự bình phẩm thông thường. Nhà phê bình cũng đồng thời là nhà văn, cũng là người sáng tạo, chứ không phải là người “ăn theo”, dù “ăn theo” một cách sang trọng. Một bài phê bình hay cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Nó cũng ghi đậm dấu ấn của cá tính sáng tạo. Người ta biết đến Thơ Đường, Thủy Hử là những tuyệt tác, nhưng cũng biết đến những lời bình của Kim Thánh Thán về Thơ Đường, về Thủy Hử là những lời thần diệu. Người đọc đọc phê bình cũng say mê như đọc tác phẩm vậy nếu đây là những lời hay và đúng. Và nhà phê bình về phương diện này cũng được xem như là những nghệ sĩ sáng tạo. Ở ta có nhiều nhà phê bình được gọi là nhà văn dù trong sự nghiệp của họ chẳng có sáng tác nào đáng kể mà chủ yếu là các bài phê bình như trường hợp của Hoài Thanh, Đặng Thanh Mai, Vũ Ngọc Phan... Phê bình cũng là văn học. Đúng như B.Burxốp đã nhận xét : "Chỉ có loại phê bình đồng thời là văn học mới có khả năng hiểu thấu văn học mà trước hết là bản chất cá tính sáng tạo của nhà văn".
Phê bình văn nghệ là một khoa học, phê bình văn nghệ cũng là một nghệ thuật. Nếu nhà phê bình chỉ biết cầm roi không thôi thì chính mình đã làm nghèo nàn và đơn giản hóa một công việc đầy tinh tế và nghệ thuật.


Tháng 9. 1991.
Tạp chí Cửa Việt số 12, 1992.

___________________
Chú thích các trích dẫn :
 (1) TRƯỜNG CHINH - Về văn hóa và nghệ thuật, tập 1, NXB Văn học, 1985, tr. 116.
(2) HÀ MINH ĐỨC (chủ biên) – Mấy vấn đề về lý luận văn nghệ trong sự nghiệp đổi mới, NXB Sự thật, 1991, tr. 150.
(3) Như trên (2)
(4) NHIỀU TÁC GIẢ – Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, 1982, tr. 94.
(5) HOÀNG NGỌC HIẾN – Viết phê bình để làm gì ? Văn nghệ số 36. 1991.
(6) HOÀI THANH – Một đôi điều tâm sự trên câu chuyện bình thơ, Tạp chí Văn học số 6. 1973.

Thông tin truy cập

62497168
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10872
20575
62497168

Thành viên trực tuyến

Đang có 347 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website