Hoài Thanh, tri âm của thi nhân

Hoai ThanhLịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX không thể không nhắc đến Hoài Thanh. Người ta nhắc đến ông không phải vì ông đã từng giữ những trọng trách quan trọng trong giới văn nghệ. Người ta nhắc đến ông cũng không chỉ vì hồi nào ông đã góp phần làm cho văn đàn sôi động hẳn lên vì cuộc tranh luận “nghệ thuật vì nghệ thuật”. Người ta nhắc đến ông là nhắc đến một nhà văn, một nhà phê bình văn học, một tri âm của thi nhân, một tri âm của thơ ca. Mà quả đúng như vậy, những gì ông viết cách đây ngót nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị. Những gì ông viết về Thơ mới vẫn chưa ai vượt qua. Chúng ta cảm ơn ông, cả phong trào Thơ mới biết ơn ông. Nếu phong trào Thơ mới ra đời vào năm 1932, thì chỉ 10 năm sau đó (1942) ông đã làm công việc của một người tổng kết. Và lạ lùng thay những tổng kết có tính chất tức thời của ông cho đến bây giờ vẫn nguyên vẹn ý nghĩa của nó.

Tưởng cũng nên nhắc lại một chút rằng Thi nhân Việt Nam mà ông viết chung với Hoài Chân cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Có một thời người ta không thừa nhận nó, bởi vì nó dám khen cái “thứ” thơ buồn. Rồi ngay đến ông, tác giả của nó, cũng hơn một lần chối bỏ nó. Hồi ấy Thơ mới gần như bị phủ định. Một cuốn sách viết về nó cũng không có lẽ gì mà tồn tại. Hoài Thanh đã không vượt ra được ngoài cái hoàn cảnh “gặp thời thế thế thời phải thế” ấy. Năm 1964 ông viết : “Tất nhiên cuốn sách chúng tôi đã tác hại nhiều. Nhất là chúng tôi đã nói những điều sai lầm ấy với một giọng chân thành thiết tha”, và “Chắc chắn cuốn Thi nhân Việt Nam đã làm vướng chân một số anh chị em tìm đường cứu nước”. Rồi ông cao giọng cảnh tỉnh những ai đó còn say mê Thi nhân Việt Nam : “Đối với tiếng nói Thi nhân Việt Nam thiết tưởng cũng phải đề phòng”. Kể ra nói như vậy là hết, tưởng không phải nói gì thêm nữa. Thế rồi miền Nam giải phóng. Vào Nam, Hoài Thanh thấy Thi nhân Việt Nam vẫn được mến mộ của đông đảo bạn đọc, nhất là giới học sinh sinh viên. Sự mến mộ này khiến ông không yên lòng. Và một lần ông lại “nói thêm” để phê phán Thi nhân Việt Nam. Ấy là vào 1977. Lần này ông viết nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng không kém phần quyết liệt : “Ngày nay hòa bình đã lập lại, hoàn cảnh đã đổi khác. Trong hoàn cảnh mới, nên chăng nhìn lại Thi nhân Việt Nam một cách khác ? Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục trân trọng phần hay, phần đẹp trong Thơ mới như ta vẫn trân trọng trước đây. Nhưng phần ấy không phải là phần chính”. Năm năm sau khi viết những dòng này thì ông mất (3. 1982). Không biết trong Di bút ông có viết gì khác không, chứ căn cứ vào những gì ông đã viết, đã công bố, kể cả trong tuyển tập in sau này ông mất, thì cho đến khi về nơi chín suối, ông vẫn xem Thi nhân Việt Nam là lỗi lầm của một thời.

Rồi những năm 80 ngọn gió đổi mới đã đưa lại những cách nhìn khác đối với những giá trị cũ. Thơ mới được đánh giá lại công bằng hơn, khách quan hơn. Và dĩ nhiên Thi nhân Việt Nam cũng được đánh giá lại, nhìn nhận lại. Năm 1988, Hội nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã cùng với NXB Văn học in lại Thi nhân Việt Nam trong tủ sách Tinh hoa văn học. Rồi năm sau đó, NXB Văn học lại tái bản lần nữa... Trong Lời cuối sách cho bản in 1988, GS Lê Đình Kỵ chính thức định vị lại cho Thi nhân Việt Nam sau bao thăng trầm : “Cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân trước sau ý kiến hầu như thống nhất, coi đó là tác phẩm hay nhất đã viết về Thơ mới”.

Thế là qua bao thăng trầm của thế sự, Thi nhân Việt Nam cuối cùng đã được trả về đúng vị trí của nó, đúng giá trị của nó. Đó là cuốn sách hay nhất viết về Thơ mới, và cũng là một trong những cuốn sách hay nhất của phê bình văn học Việt Nam.

Để đạt được thành công đó, trước hết phải nói đến tài năng cảm thụ văn học của tác giả. Chính tài năng này đã khiến cho Hoài Thanh cảm thụ được những cái hay nhất của Thơ mới. Và chính tài năng này đã đưa ông trở thành tri âm của thi nhân, của thi ca. Sinh thời Hoài Thanh rất ngại người ta gọi mình là nhà phê bình. Trong mấy lời Nhỏ toThi nhân Việt Nam, ông đã từng tâm sự : “Cuốn sách này ra đời, cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình nghe sao nó khó chịu quá. Nhưng phê ? Sao lại phê ? Hoài Thanh không muốn làm nhà phê bình với thi nhân mà ông muốn cùng họ chia sẻ những tâm sự buồn vui trong thơ ca. Ông từng nói rằng : “Thích một bài thơ thực chất là thích một con người đồng điệu”, “Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở đi sâu vào một tâm hồn”. Hay nói khác đi, muốn hiểu được thơ người khác thì phải là một tri âm với nhà thơ. Cho nên đọc những gì ông viết ra, chúng ta thấy không chỉ là một sự thấu hiểu rất mực về văn chương, mà còn là sự hiểu thấu rất mực về tâm hồn. Những câu thơ ông trích, ông bình đều rất đúng với tâm trạng, tình cảm, suy tư mà thi nhân gởi gắm trong đó. Hãy đọc lời ông bình về thơ Anh Thơ : “Chỉ ít bông hoa mướp, một lũ chuồn chuồn mà Anh Thơ gợi nên cả cái không khí thu : in cuối cuốn

Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác

Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.”

Hay đọc nỗi lòng ông chia sẻ cùng Bàng Bá Lân : “Tả cảnh trưa hè trong một gian nhà tranh tịch mịch, người viết :

Bụi nằm lâu chán xà nhà

Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu

Mười bốn chữ, chữ nào cũng mang nặng một chút hồn ! Thiết tưởng người ta không thể đi vào cảnh vật xứ quê hơn nữa”. Hay ông mơ màng cùng Xuân Diệu : “Xuân Diệu có hai câu thơ thiệt hay :

Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang, nắng trở chiều

Chính là hai câu thơ tả cảnh. Nhưng cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất đi một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”. Hầu như không có lời bình nào lại không chứng tỏ sự hiểu thấu tấc lòng thi nhân của ông. Ông không chỉ tìm đúng, hiểu đúng những câu thơ hay của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ mà ông cũng chắt chiu từng câu thơ hay của Lan Sơn, Thức Tề, của Thu Hồng, Nguyễn Vỹ... Nếu không có sự tri âm sẽ không có được sự cảm nhận ấy.

Đặc biệt Hoài Thanh hiểu rất đúng, cảm nhận rất chính xác hồn thơ của từng người. Với ai ông cũng chỉ ra rất đúng nét riêng của họ. 45 gương mặt thi nhân trong Thi nhân Việt Nam không một ai lẫn vào ai, dù họ là người đã nổi tiếng hay chỉ mới dăm ba bài hay thậm chí mới chỉ có một vài câu đọc được. Chẳng hạn, ông vẽ chân dung thơ Mộng Tuyết : "Hoặc nhẹ nhàng, hoặc hí hởn, hoặc hàm súc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tuồng chi là lời một thiếu nữ, khi tự  tình, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn : người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tư của một tâm hồn, trong tay dường như đang nắm cả một niềm ân ái”. Hoặc ông nói về cái đặc sắc của văn Xuân Diệu : “Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn tựa trẻ con học nói, hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu văn phải lung lay”. Hoài Thanh hiểu thi sĩ đến độ với mỗi người ông chỉ cần dùng vài chữ thôi là đã thâu tóm được cái thần thái của họ. Ông viết : “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.”.

Để tri âm được với thi nhân, Hoài Thanh đưa lên đầu tiêu chuẩn khách quan trong việc đánh giá thơ. Ông không vì yêu người mà khen thơ, cũng không vì ghét người mà chê thơ. Câu thơ có cái hay cái dở riêng của nó. Ông viết : “Trong các nhà thơ cũng nhiều người tôi gặp giữa đời. Có người thơ tuyệt đẹp mà đối với tôi lại toàn cử  chỉ rất mực xấu xa. Họ phủ phàng, họ nhỏ nhen... Trái lại có những nhà thơ tử  tế với tôi vô cùng mà thơ của học tôi chỉ thích...có hạn. Nếu bảo rằng tôi không ái ngại người này, không khinh ghét người kia thì không thực. Nhưng ái ngại hay khinh ghét, khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ”. Sau này cũng có lần ông tâm sự : “Trong lĩnh vực thơ văn yêu quý nhau là một chuyện, yêu quý thơ văn nhau lại là một chuyện khác”. Chính quan niệm này đã giúp cho ông thẩm định đúng, hiểu đúng cái hay dở của thơ từng người, tránh được sự nể nang, cũng như quy chụp trong đánh giá. Chính vì lẽ đó nên dù trong phê bình Hoài Thanh tuy nghiêng về nói cái hay, cái đẹp của thơ mà gần như chưa bao giờ ông rơi vào sự “bốc thơm” một cách vô lý. Với ông tiêu chuẩn cao nhất là cái hay, cái đẹp. Ai đó đã từng trách ông phê bình nặng về “duy mỹ” nghĩ cũng thật vô lý. Ô hay phê bình thơ là phê bình cái hay cái đẹp mà không duy mỹ thì còn “duy” cái gì cơ chứ ?

Hoài Thanh cũng cho rằng muốn phê bình được thơ thì phải tìm thơ hợp với mình. Ông viết : “Liệu thơ không hợp với mình, không thể viết được, thì tôi không viết. Xin nói rõ thêm : không hợp không nhất thiết là không hay. Thơ hay cũng có thể không hợp”. Hoài Thanh rất nhiều lần nhắc đến chữ “tạng” của mình. Ông cho tìm được thơ hợp với “tạng” mình rất quan trọng. Đó không chỉ là một thái độ cẩn trọng, mà chứng tỏ sự am hiểu rất mực về văn chương, khác hẳn kiểu nhà phê bình thấy cái gì cũng có thể  “nhảy” vào được. Đó cũng là lý do giải thích sự gặt hái thành công của Hoài Thanh trong phê bình văn học.

Ngày xưa, Lưu Hiệp, một nhà lý luận văn học Trung Quốc cổ trong tác phẩm Văn tâm điêu long nổi tiếng đã từng viết : “Tri âm thực khó thay, âm đã khó tri, người tri khó gặp, gặp kẻ tri âm, nghìn năm có một.” Trong cuộc đời cũng như trong văn chương gặp được kẻ tri âm kể ra cũng khó. May mắn cho phong trào Thơ mới, ngay từ buổi đầu đã gặp người tri âm, cho nên chỉ 10 năm sau khi xuất hiện đã có được một cuốn như Thi nhân Việt Nam.

 

 

TP. Hồ Chí Minh, 3.1992.

 

Kiến thức ngày nay số 1992

 

Thông tin truy cập

62981251
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5290
18300
62981251

Thành viên trực tuyến

Đang có 244 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website