Nhà nghiên cứu, nhà thơ mang tên dòng sông Mã

Trong những nhà giáo - nhà nghiên cứu được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2023, trên lĩnh vực văn học, có giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Lê Văn Lân, giảng viên cao cấp của Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

20240118

         Là người Thanh Hóa, Lê Văn Lân được biết đến dưới bút hiệu đặt theo tên dòng sông quê hương: Mã Giang Lân. Bút hiệu này đứng trên chín tập thơ và 18 tập sách nghiên cứu, lý luận, phê bình, nay đã được tập hợp trong Mã Giang Lân - Tuyển tập gồm bốn cuốn, dày 2.880 trang.

         Là chuyên gia về lý luận văn học và lịch sử văn học Việt Nam, Mã Giang Lân tập trung nghiên cứu lý thuyết thơ và thơ Việt Nam hiện đại. Những công trình tiêu biểu của ông về mặt này là Nhà thơ Việt Nam hiện đại (viết chung), Thơ - những cuộc đời, Sức bền của thơ (viết chung), Thơ Việt Nam 1954 - 1975, Tìm hiểu thơ, Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Thơ hiện đại Việt Nam - những lời bình, Thơ - hình thành và tiếp nhận, Những cấu trúc của thơ, Chiến tranh cách mạng và thơ ca. Ngoài ra ông còn tuyển chọn, biên soạn những tập thơ của Tế Hanh, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh và chủ biên tập 22, 23 bộ Tổng tập văn học Việt Nam. Hai công trình khác mở rộng đối tượng khảo sát và có sức khái quát là Văn học hiện đại Việt Nam: vấn đề, tác giả; Những cuộc tranh luận văn học nửa đầu thế kỷ XX.

        Bàn về thơ, Mã Giang Lân quan niệm: “Có một mối quan hệ kỳ diệu giữa thơ và tuổi trẻ. Thơ là sáng tạo, làm thơ là một hành động sáng tạo. Và tuổi trẻ đồng nghĩa với tuổi sáng tạo, hành động sáng tạo. Hạnh phúc cho những ai giữ được thanh xuân cho đến già, không để cho tâm hồn mình nguội lạnh đi, khô cằn đi. Muốn thế, cách hữu hiệu là hòa mình vào cuộc sống nên thơ, tham gia vào hoạt động sáng tạo thơ. […] Tìm hiểu thơ là tìm hiểu cái hay cái đẹp của thơ, tìm hiểu cái hồn, cái dáng của nó, từ đó nhận diện, cảm thụ và có thể sáng tác thơ tùy theo hoàn cảnh, năng lực của mình”. (Tìm hiểu thơ, NXB Thanh Niên, 1997, tr. 7-8).

        Trong công trình Những cấu trúc của thơ, Mã Giang Lân nhìn thơ từ một góc độ khác: “Muốn nghiên cứu thơ, chúng ta phải nghiên cứu ngôn ngữ, vì thơ là một hình thức đặc biệt của ngôn ngữ. Nhưng không nên quan niệm nghiên cứu thơ là một nhánh của ngôn ngữ học. Thơ không phải là phòng thí nghiệm của ngôn ngữ học mà rộng hơn nó còn chứa đựng nhiều yếu tố, nhiều năng lượng khác để các ngành khoa học khác hướng tới”. (Những cấu trúc của thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 3).

         Trong ý hướng nghiên cứu đó, Mã Giang Lân đi tìm đặc trưng thể loại và phong cách các nhà thơ từ cấu trúc của văn bản thơ. Ông kết hợp cách tiếp cận nội tại với cách tiếp cận ngoại tại, nhờ vậy những nhận định, đánh giá của ông thường hài hòa, cân đối mà không rơi vào phiến diện hay cực đoan. Nhờ hòa mình vào đời sống văn học, lại là người sáng tác, nên ông có những mối quan hệ thân tình với các thế hệ nhà thơ, am hiểu lao động và tâm lý sáng tạo của họ. Có thể nói ông là người tri âm của Yến Lan, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Ngô Văn Phú… và nhất là Tế Hanh. Nhưng hình như ngòi bút phê bình của ông hợp với những phong cách hiền hòa, thanh nhã hơn là những phong cách dữ dội, sắc sảo.

         Mã Giang Lân viết về Tế Hanh thật thuyết phục: “Tế Hanh tinh tế rút lấy cái thần, cái hồn của thiên nhiên để bộc lộ cảm xúc đa dạng, phong phú của trái tim mình. Đồng thời ông gửi vảo thiên nhiên cả cuộc sống tâm hồn mình khiến cho cảnh vật không chỉ có hình sắc mà chứa chất biết bao tiếng nói tự bên trong. Vốn là người yêu cái đẹp, suốt cuộc đời Tế Hanh luôn đi tìm và chắt chiu cái đẹp, từ vẻ đẹp thanh cao đến vẻ đẹp bình dị của cuộc đời, của thiên nhiên”. (Những cấu trúc của thơ, Sđd, tr. 238).

        Nói về khía cạnh tâm linh trong thơ Hoàng Cầm, Mã Giang Lân viết: “Hoàng Cầm linh thiêng hóa, tôn giáo hóa một vùng văn hóa đã phôi pha. Thế giới thơ Về Kinh Bắc lặng lẽ, âm thầm, mê hoặc. Thời gian, không gian mờ ảo, nhạt nhòa mà có khả năng hóa giải những đau buồn, đem đến một niềm tin dù còn xa vời vô vọng”. (Thơ và đời sống tâm linh, Tạp chí Thơ, số 12/2015).

        Đi vào thế giới phong phú và vi diệu của thơ, Mã Giang Lân tâm sự: “Thơ như cuộc đời, có khi nhận ra được, có khi lẩn khuất đâu đâu, có lúc hiểu được, có lúc mờ ảo khó nắm bắt, khó lý giải. Mỗi lần đọc, suy nghĩ, vô tình lại phát hiện ra thêm nét mới lung linh của nó. Mấy ai tự nhận là mình đọc và cảm được đúng, được đầy đủ vẻ đẹp của thơ, nhất là những bài thơ hay, thường có những hình ảnh, câu chữ đa nghĩa hàm chứa nhiều thông báo thẩm mỹ”. (Mã Giang Lân: Tuyển tập, Tập 1, NXB Văn học, 2017, tr. 5). Đó là kinh nghiệm rút tỉa từ một đời lao động học thuật và sáng tạo nghệ thuật.

         Con đường sáng tác thơ ca của Mã Giang Lân khởi đi từ truyền thống với những bài thơ mang phong cách trữ tình - sử thi, đặc biệt những tác phẩm viết về sông Mã và cầu Hàm Rồng trong chiến tranh: Nơi nghìn đời “long mã tranh châu”/ rồng uốn mình chồm tới/ ngựa quất đuôi dựng bờm tung vó/ Hòn Ngọc bên sông đứng giữa trời/ dưới dòng sông những tảng đá mồ côi/ những tảng đá như răng rồng lởm chởm/ những hang huyệt ngoằn ngoèo uốn lượn/ con cá măng phục sẵn chờ mồi/ đàn cá trôi thơ dại nhởn nhơ bơi/ cá anh vũ quây quần trong hang đá… (Hàm Rồng, trường ca).  

         Ông ưa chuộng thơ lục bát, đồng thời từng bước đổi mới thể thơ, ngôn ngữ thơ, tìm cách thay đổi nhịp điệu thơ bằng cách cài đặt những từ láy khi gieo vần ở câu tám chữ:

                            Mới sớm nắng lại trưa mưa

                     bạn bè sau trước đã lưa thưa dần

                            lối mòn khỏa hết dấu chân

                     người đi chẳng biết có bần thần không

                            người sau chỉ thấy mênh mông

                     một hoang vắng với một bồng bềnh xa.

                                                                   (Buồn)

           Ở đây, hình như nỗi sầu thiên cổ trong thơ Trần Tử Ngang, Bà Huyện Thanh Quan, Huy Cận được khúc xạ dung dị, nhẹ nhàng hơn mà cũng đời thường hơn.

           Đến những tập thơ gần đây, Mã Giang Lân đưa chất văn xuôi của cuộc sống hiện đại vào thơ một cách tự nhiên: Bảy người lên xe/ đi hướng nào không ai biết/ xe cứ chạy qua mưa phùn giá buốt/ người ta chất lên xe đủ thứ nợ đời/ la hét qua đi động/ Có con đường lồng lộng/ có con đường âm âm chui dưới gầm đường/ phía trước mờ mờ sương/ phía sau bao người giơ tay xương xẩu/ chẳng biết điều tốt hay xấu/ xe cứ đi mải mê theo ánh sánh lung linh/ hình như chiều sắp hết/ hình như chiếc cầu dài nhất/ đang bay/ Bàn nhau lảo đảo một ngày/ cứ ngồi im sẽ về nơi cũ. (Ngày đông chí).

          Những bài thơ như thế, chủ yếu trong ba tập thơ Những lớp sóng ngôn từ (2013), Phía sau tưởng tượng (2017) và Ngẫm nghĩ chiều (2021) cho thấy cảm hứng, tình điệu và giọng thơ của một tâm hồn đã thấu hiểu lẽ đời, thể hiện trong những tìm tòi nghệ thuật giúp thơ đến gần hơn với tâm cảm của người cùng thời.

          Huỳnh Như Phương

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60897668
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21524
18331
60897668

Thành viên trực tuyến

Đang có 658 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website