Thơ mới và tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn trong sự tiếp nhận của độc giả trẻ Việt Nam hiện nay

Tham luận đọc tại Hội thảo Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại    

Hà Thanh Vân(*)
Ra đời cách đây vừa tròn 80 năm, Phong trào Thơ mới và những tác phẩm tiểu thuyết của  nhóm Tự lực văn đoàn đã chứng tỏ một sức sống dài lâu trong lòng công chúng Việt Nam. Thời gian trôi qua, có những giá trị được xác định lại, có giá trị được đề cao, cho thấy nghiên cứu về Thơ mới và Tự lực văn đoàn bao giờ cũng có sức thu hút riêng.

            Từ góc nhìn của tiếp nhận văn học, có thể đặt ra vấn đề sự tiếp nhận của công chúng văn học đương đại, đặc biệt là công chúng trẻ đối với Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hiện nay như thế nào. Thế kỷ XX ghi nhận sự ra đời của hàng loạt các lý thuyết nghiên cứu văn học và ảnh hưởng của chúng đều kéo dài xuyên suốt từ thế kỷ XX bước sang cả thế kỷ XIX. Khởi đi từ chủ nghĩa hình thức Nga, trường phái ngữ văn Đức, chủ nghĩa cấu trúc, hậu cấu trúc…, cho đến lý thuyết tiếp nhận văn học, việc nghiên cứu văn học đã có những phương pháp mới, khác với việc phê bình, bình luận văn học theo kiểu cổ điển, trong số đó, lý thuyết tiếp nhận văn học được đánh giá là sự bổ sung quan trọng cho việc xây dựng lịch sử văn học. Các lý thuyết văn học tiếp cận văn chương theo những cách khác nhau và có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung quan trọng không thể chối cãi: tác phẩm văn học là một hiện tượng sử dụng ngôn ngữ trong đó không thể thiếu vai trò của tác giả, độc giả cũng như thực tại, cho dù mỗi yếu tố tham gia ở những mức độ khác nhau. Nhấn mạnh vai trò của độc giả trẻ tuổi trong việc tiếp nhận Thơ mới và Tự lực văn đoàn, chúng tôi đã thực hiện một cuộc điều tra văn học trên quy mô nhỏ qua mạng. Chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu độc giả trẻ tuổi vì đây là lớp công chúng đọc có điều kiện tiếp cận với nhiều dòng văn học cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài, đồng thời cũng là lớp người có điều kiện tiếp cận với nhiều phương tiện thông tin giải trí ngoài văn học. Do vậy, việc họ tiếp nhận Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, hai hiện tượng văn học có tuổi đời gần 100 năm như thế nào sẽ đặt ra nhiều vấn đề thú vị trong tâm lý tiếp nhận.

Chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, kết hợp giữa phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp nghiên cứu văn học. Cụ thể là những phương pháp như sau:

- Sử dụng phương pháp điều tra xã hội học với các cuộc phỏng vấn định lượng và định tính, chọn mẫu điển hình với 300 đối tượng là người đọc ở độ tuổi từ 18 - 30, tỉ lệ giới tính cân bằng, sống tại TPHCM, Hà Nội và 8 tỉnh thành khác là Cần Thơ, Bến Tre, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thái Bình, Yên Bái, Lai Châu. Các địa phương được lựa chọn có ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, cả ở vùng đồng bằng, thành phố biển, vùng miền núi. Nghề nghiệp là học sinh phổ thông, sinh viên, công nhân, viên chức nhà nước, kinh doanh và nghề tự do chiếm tỉ lệ đồng đều nhau, mỗi nghề nghiệp là 50 người.

Đặc biệt, chúng tôi thử nghiệm kiểu phỏng vấn qua mạng dưới hình thức mở một biểu mẫu trên Google Docs (một ứng dụng thực tiễn của nhà cung cấp dịch vụ Google nhằm phục vụ các cuộc điều tra, khảo sát) và trên email để lấy ý kiến của cộng đồng các bạn trẻ với mục đích muốn tìm hiểu xem trong thời đại bùng nổ internet hiện nay, sự tiếp nhận của các bạn đối với những giá trị văn học của một thời đại đã qua là như thế nào.

1. Sự hiểu biết và quan tâm của bạn đọc trẻ tuổi đối với phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

            1.1. Sự hiểu biết và quan tâm chung của bạn đọc trẻ tuổi đối với phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

Theo khảo sát của chúng tôi, các bạn trẻ khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì đều có biết về phong trào Thơ mới thông qua các bài như sau trong chương trình học Ngữ văn lớp 11:

-         Khái quát về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945

-         Học các bài thơ: Vội vàng của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

-         Đọc thêm các bài thơ: Tương tư của Nguyễn Bính, Chiều xuân của Anh Thơ

-         Học Một thời đại trong thi ca trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân.

Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không được học trong chương trình trung học phổ thông, ngoài trừ phần học về tác giả Thạch Lam với truyện ngắn Hai đứa trẻ. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 có nói Thạch Lam là nhà văn thuộc nhóm Tự lực văn đoàn và không giải thích gì thêm.

Trước đó, trong chương trình học Ngữ văn năm lớp 8, có đề cập đến hai bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ và Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Do vậy, với câu hỏi riêng có biết gì về phong trào Thơ mới có đến 93% các bạn trẻ trả lời rằng có biết. Số 7% không biết tập trung vào các bạn trẻ làm nghề công nhân hoặc nghề tự do. Chúng tôi cho rằng sở dĩ có tỉ lệ cao 93% này là do các bạn trẻ đã được học về Thơ mới trong nhà trường phổ thông. Trong số có biết về phong trào Thơ mới thì con số học trong nhà trường phổ thông là 78%, 2% là học trong nhà trường đại học do là sinh viên chuyên ngành Ngữ văn. Độc giả trẻ biết Thơ mới qua sách báo là 11% và biết qua mạng internet là 9%. Như vậy dù chiếm một tỉ lệ nhỏ, điều ấy cũng nói lên rằng ở thời hiện đại, với sự bùng nổ thông tin giải trí trên mọi lĩnh vực, Thơ mới vẫn có một vị trí nhất định trong lòng độc giả trẻ thông qua một phương thức tiếp nhận truyền thống là sách báo. Đây là điều đáng ghi nhận trong tình hình văn hóa đọc bị kêu ca là có bước thụt lùi so với trước đây. Nhưng khi được hỏi chung xem có biết cả phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thì số lượng độc giả tụt xuống còn 18%. Điều này chứng tỏ tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không có một sức sống mạnh mẽ như phong trào Thơ mới. Chúng tôi có thể lý giải nguyên nhân là do chương trình dạy Ngữ văn trong nhà trường phổ thông không đề cập đến tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Mặt khác, trên bình diện xã hội, nếu tìm kiếm trên nhà dịch vụ Google thì với từ khóa “thơ mới” thì cho ra con số 119.000.000 kết quả, trong khi với từ khóa “tiểu thuyết Tự lực văn đoàn” thì cho ra con số khiêm tốn hơn nhiều với 2.120.000 kết quả. Điều này cũng cho thấy mức chênh lệch giữa sự phổ biến Thơ mới và tiểu thuyết tự lực văn đoàn trên mạng internet.

15% bạn đọc trẻ tuổi cho rằng có thích Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. 15% cho rằng không thích. Số lượng chỉ thích Thơ mới là 67%, số lượng chỉ thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là 3%. Lý giải cho điều này có lẽ không ngoài quy luật tâm lý về tiếp nhận văn học. Ít nhất là phong trào Thơ mới đã được học trong nhà trường và được biết đến nhiều với đặc trưng dễ thuộc, dễ hiểu, giàu cảm xúc, trong khi đó tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thì ít được phổ biến hơn, do việc xuất bản, truyền bá cũng ít hơn Thơ mới.

1.2. Sự hiểu biết của bạn đọc trẻ tuổi đối với phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thông qua những tác giả và tác phẩm cụ thể

Có thể nhận định ngay rằng yếu tố được học trong nhà trường phổ thông đã chi phối rất nhiều đến việc bạn đọc trẻ tuổi có biết hay không biết gì về những tác giả và tác phẩm cụ thể của phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Bởi lẽ khi được yêu cầu kể tên những nhà thơ mới thì hầu hết độc giả trẻ tuổi đều chọn Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử là những tác giả quen thuộc đối với mình, trong đó nhiều nhất là nhà thơ Xuân Diệu với 86%, sau đó là nhà thơ Nguyễn Bính với 81%. Ở những vị trí thấp hơn lần lượt là Huy Cận (78%), Hàn Mặc Tử (76%), Chế Lan Viên (44%), Thế Lữ (42%), Vũ Đình Liên (41%), Lưu Trọng Lư (38%)… Đặc biệt một nhà thơ mà hiện giờ vẫn còn trong vòng bí ẩn, chưa rõ nhân thân là T.T.KH cũng được nhắc đến với tỉ lệ 25%. Trường hợp của Thế Lữ và Vũ Đình Liên có tỉ lệ % tương đối cao là do trong chương trình Trung học cơ sở năm lớp 8 có học về hai bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ và Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Khi được hỏi về những tác phẩm Thơ mới mà độc giả có biết đến, những câu trả lời cũng tập trung vào những bài học trong nhà trường phổ thông với các bài Vội vàng của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận, Tương tư của Nguyễn Bính, Ông đồ của Vũ Đình Liên, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, đều chiếm tỉ lệ trên 50%. Chứng tỏ đây là những bài Thơ mới quen thuộc nhất với số đông độc giả trẻ tuổi.

Về tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, có thể nói ngay rằng tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ít được biết đến hơn so với Thơ mới. Hai tên tuổi được biết đến nhiều nhất là Nhất Linh (15%), Khái Hưng (14%), sau đó ở một khoảng cách là Hoàng Đạo (3%). Những cuốn tiểu thuyết được biết đến nhiều nhất theo thứ tự lần lượt là Nửa chừng xuân của Khái Hưng (19%), Đoạn tuyệt của Nhất Linh (15%), Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng (12%), Gánh hàng hoa của Khái Hưng (11%). Việc không được học trong nhà trường và chỉ biết đến tiểu thuyết Tự lực văn đoàn quan  qua sách báo và qua mạng, rõ ràng đã có ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận của người đọc trẻ tuổi, khiến cho họ ít biết đến những tác giả và tác phẩm  tiểu thuyết Tư lực văn đoàn so với các nhà thơ của phong trào Thơ mới.

1.3. Đặc trưng tiếp nhận Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của độc giả trẻ dựa trên nhóm tuổi, nghề nghiệp

Chúng tôi tạm các đối tượng khảo sát phân thành hai nhóm tuổi: từ 18 đến 23 tuổi và từ 24 đến 30 tuổi với mặc định rằng nhóm tuổi từ 18 đến 23 chủ yếu là các bạn học sinh phổ thông và sinh viên, còn lứa tuổi từ 24 đến 30 chủ yếu là đã đi làm.

Với nhóm tuổi từ 18 đến 23, họ cũng quan tâm đến Thơ mới nhiều hơn Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Con số thích thơ mới ở lứa tuổi này là 88%, trong khi đó thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn chỉ có 3%. Ở nhóm tuổi từ 24 đến 30, con số này có chênh lệch khác hơn với tỉ lệ thích Thơ mới là 67%, và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là 2%. Có thể thấy, ở độ tuổi nào thì tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng không được quan tâm nhiều lắm, trong khi có xu hướng càng nhiều tuổi hơn, các bạn trẻ lại ít thích Thơ mới hơn. Có lẽ những bài thơ mới được học trong nhà trường phổ thông đã là động lực để các bạn trẻ ham thích và tìm hiểu thêm những bài thơ mới khác. Trong khi đó ở độ tuổi lớn hơn, các bạn trẻ có nhiều mối quan tâm khác hơn là đến một giá trị văn học đã tồn tại cách đây khá lâu.

Riêng đối với đối tượng công nhân và làm nghề tự do, con số quan tâm đến Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn chỉ có 6,5%. Điều này chứng tỏ những giá trị văn chương của Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn vẫn không được phổ cập nhiều ở một tầng lớp nghề nghiệp đặc thù là chủ yếu sử dụng lao động tay chân trong xã hội. Trong khi đó, ở tầng lớp trí thức (học sinh, sinh viên, viên chức nhà nước, kinh doanh) thì mức độ biết đến Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cao hơn hẳn, với tỉ lệ là 61%. Như vậy, sự phân tầng độc giả trong xã hội là rõ rệt trên phương diện tiếp nhận văn học, cụ thể là qua hai hiện tượng văn học: Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.

2. Quan niệm của độc giả trẻ tuổi về phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

                        Chúng tôi có những bảng thống kê dưới đây:

Bảng 1: Mức độ ưa thích Thơ mới của độc giả trẻ tuổi

 

a. Lời thơ hay và có nhiều cảm xúc

91%

b. Âm điệu du dương, dễ nhớ, dễ thuộc

68%

c. Có nhiều tên tuổi lớn

21%

d. Phù hợp tâm trạng

56%

 

 

 

Bảng 2: Mức độ ưa thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của độc giả trẻ tuổi

 

a. Có cốt truyện, nội dung hay

35%

b. Các nhân vật hấp dẫn

20%

c. Phản ánh được cuộc sống của một thời đại đã qua

53%

d. Nêu được những giá trị đạo đức

48%

 

 

 

            Ở bảng 1 (Mức độ ưa thích Thơ mới của độc giả trẻ tuổi), chúng tôi nhận thấy rõ yếu tố lời thơ hay và có nhiều cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất, chiếm tỉ lệ 91% Trong khi đó, không nhiều độc giả quan tâm đến tên tuổi của nhà thơ, chỉ chiếm tỉ lệ 21%. Trong những phỏng vấn sâu (mang tính chất định tính) để làm rõ thêm những vấn đề quanh bảng hỏi, hầu hết các bạn trẻ đều thừa nhận mình có nhớ ít nhiều những câu thơ mới, nhưng lại không quan tâm những câu thơ mới đó là của tác giả nào. Trong khi đó, ở bảng 2 tiểu thuyết Tự lực văn đoàn lại được yêu thích nhờ yếu tố chủ đạo là phản ánh được cuộc sống của một thời đại đã qua, chiếm tỉ lệ 53%. Như vậy, theo đúng quy luật của thể loại, yếu tố cảm xúc của Thơ mới giúp nó “ghi điểm” trong lòng người đọc. Còn đối với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, yếu tố phản ánh cuộc sống đã qua lại là yếu tố chính khiến nó gây ấn tượng với độc giả trẻ tuổi.

            Đáng lưu ý là việc phần lớn độc giả trẻ tuổi không đánh giá cao sức hấp dẫn của nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, chỉ 20% cho rằng nhân vật có sức hấp dẫn. Trong các phỏng vấn định tính, họ đều cho rằng những nhân vật này có phần lên gân thái quá và không có thực ngoài đời sống. Vì vậy khi được hỏi về tên nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, chỉ có 2% bạn trẻ được hỏi nhớ tên các nhân vật, trong đó nhân vật bà Án trong tác phẩm Nửa chừng xuân của Khái Hưng chiếm tỉ lệ 21%, thứ hai là nhân vật Loan trong tác phẩm Đoạn tuyệt của Nhất Linh chiếm tỉ lệ 18%, còn lại những nhân vật khác có tỉ lệ không đáng kể.

            Yếu tố đạo đức trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng được coi trọng, chiếm tỉ lệ 48%. Có lẽ trong ấn tượng của những độc giả trẻ tuổi, ấn tượng về tiểu thuyết Tự lực không phải là những câu chuyện tình yêu, mà là hiện thực đời sống và những vấn đề đạo đức đặt ra trong tác phẩm.

Bảng 3: Mức độ không thích Thơ mới của độc giả trẻ tuổi

 

a. Lời thơ cổ, hình ảnh cũ

86%

b. Có cảm giác sến, ướt át, không thực tế

45%

c. Nhiều bài thơ có nội dung và chủ đề trùng lặp

23%

d. Không phù hợp với cuộc sống hiện đại

40%

 

 

 

Bảng 4: Mức độ không thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của độc giả trẻ tuổi

 

 

 

a. Lời văn cũ kỹ, không hợp thời đại

95%

 

b. Nội dung dở, không thu hút

50%

 

c. Cách dàn dựng cốt truyện, kỹ thuật viết văn vụng về

43%

 

d. Nêu những vấn đề không hợp với thời đại ngày nay

46%

 

 

 

 

 

Ở bảng 3 cho thấy trên một phương diện ngược lại, Thơ mới không được ưa thích do lời thơ cổ, hình ảnh cũ, chiếm tỉ lệ cao nhất là 86%. Chiếm tỉ lệ ít nhất là 23% độc giả trẻ tuổi cho rằng nhiều bài thơ có nội dung và chủ đề trùng lặp. Khá cân bằng với nhau, lần lượt chiếm tỉ lệ 45% và 40% là hai quan niệm cho rằng Thơ mới mang nội dung sến, ướt át, không thực tế và không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tương tự, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn bị chê là lời văn cũ kỹ, không hợp với thời đại, chiếm tỉ lệ đến 95%. Ba yếu tố còn lại (nội dung dở, không thu hút; cách dàn dựng cốt truyện, kỹ thuật viết văn vụng về; nêu những vấn đề không hợp với thời đại ngày nay) đều chiếm tỉ lệ tương đương nhau, lần lượt là 50%, 43%, 46%. Đặc biệt khi phỏng vấn định tính, nhiều bạn đọc trẻ tuổi thống nhất ý kiến cho rằng những vấn đề mà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn nêu ra (chuyện tình yêu, chuyện lễ giáo phong kiến…) đã quá lạc hậu so với thời hiện đại, và đấy là nguyên nhân khiến họ không có hứng thú đối với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn nữa.

3. Một số kết luận từ cuộc điều tra

            3.1. Chưa thể nói là thật khoa học hay chính xác, cũng chưa được triển khai trên một quy mô rộng lớn, do vậy, những con số nêu trên chỉ phản ánh được phần nào hiện tượng tiếp nhận Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của những độc giả trẻ tuổi, sống ở 10 tỉnh thành trên cả nước.

            3.2. Những con số định lượng và nội dung phỏng vấn sâu (phỏng vấn định tính) cho thấy vai trò lớn của nhà trường phổ thông đối với việc hướng sự tiếp nhận cũng như cung cấp một “tầm đón nhận” (chữ dùng của lý thuyết tiếp nhận văn học) phù hợp với số đông độc giả trẻ tuổi. Không phải ngẫu nhiên mà 79% độc giả đồng tình với việc tăng thêm thời lượng giảng dạy Thơ mới trong nhà trường phổ thông, chỉ có 11% phản đối và 10% đề nghị giữ nguyên thời lượng. Ở một mức độ kém hơn, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng được hưởng những ý kiến tích cực khi 48% cho rằng cần dạy tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trong nhà trường, 37% cho rằng không nên và 15% không có ý kiến. Đây là những ý kiến đáng để cho các nhà quản lý giáo dục, các nhà biên soạn sách giáo khoa lưu tâm khi tiến hành chương trình soạn sách giáo khoa ở nhà trường cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

3.3. Cách nhìn nhận của độc giả trẻ tuổi nghĩ về những người cùng thời với mình, tiếp nhận phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn có thể nói là một cái nhìn lạc quan (đối với Thơ mới) và dè dặt, thận trọng (đối với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn) thông qua hai bảng thống kê sau:

 

Bảng 1: Cách nhìn nhận của độc giả trẻ về Thơ mới

 

 

Cách nhìn nhận của độc giả trẻ về Thơ mới

 

 

 

Rất thích

5%

Thích

58%

Thích vừa phải

22%

Không thích

15%

Không quan tâm

0%

 

 

 

Bảng 2: Cách nhìn nhận của độc giả trẻ về tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

 

 

Cách nhìn nhận của độc giả trẻ về tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

 

 

Rất thích

0%

Thích

15%

Thích vừa phải

12%

Không thích

30%

Không quan tâm

43%

 

 

 

Hai bảng thống kê trên cho thấy, khi Thơ mới đã có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng độc giả trẻ tuổi, thì tiểu thuyết Tự lực văn đoàn vẫn là một dấu hỏi lớn về tính phổ cập. Do vậy, việc đẩy mạnh truyền bá, tiến hành giảng dạy, nghiên cứu, đưa tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đến với số đông công chúng trẻ tuổi là điều cần phải nghiêm túc đặt ra.

            3.4. Quy mô của cuộc điều tra này cần phải được tiếp tục tiến hành mở rộng cả về phần định tính và định lượng, để có thể tiến tới một kết luận mang tính khoa học về sự tiếp nhận Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ở độc giả trẻ Việt Nam, những người sẽ còn nhiều năm tháng, nhiều thời gian gắn bó với văn học Việt Nam với tư cách là người đọc hứa hẹn nhiều tiềm năng.

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

 

BẢNG HỎI KHẢO SÁT Ý KIẾN ĐỘC GIẢ TRẺ TUỔI VỀ

PHONG TRÀO THƠ MỚI VÀ TIỂU THUYẾT

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

 

Chúng tôi đang tiến hành một cuộc khảo sát về độc giả trẻ trong sự tiếp nhận phong trào Thơ mới của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Mục đích của bảng phỏng vấn là để phục vụ việc nghiên cứu. Mọi thông tin về người trả lời bảng phỏng vấn đều không được công bố.

Xin các anh (chị) vui lòng trả lời những câu hỏi sau (đánh dấu gạch chéo X vào ô vuông).

1. Anh (chị) có bao giờ nghe đến phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn?

a. Có    c                                                        b. Không c    

c. Chỉ biết Thơ mới c                          d. Chỉ biết tiểu thuyết Tự lực văn đoàn c        

(Nếu trả lời mục a, c, d mời anh (chị) trả lời tiếp câu 2)

2. Anh (chị) biết Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là do:

a. Học trong trường phổ thông c        

b. Học trong trường đại học c

c. Đọc trong sách, báo c        

d. Đọc trên mạng c    

e. Khác c      

3. Anh (chị) có thích Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không?

a. Thích c                                                       b. Không thích c        

c. Chỉ thích Thơ mới c                         d. Chỉ thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn c       

4. Anh chị thích Thơ mới vì (có thể chọn nhiều mục):

a. Lời thơ hay và có nhiều cảm xúc c  

b. Âm điệu du dương, dễ nhớ, dễ thuộc c       

c. Có nhiều tên tuổi lớn c                   

d. Phù hợp tâm trạng c                 

5. Anh (chị) thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn vì (có thể chọn nhiều mục):

a. Có cốt truyện, nội dung hay c   

b. Các nhân vật hấp dẫn c           

c. Phản ánh được cuộc sống của một thời đại đã qua c           

d. Nêu được những giá trị đạo đức c 

6. Anh (chị) không thích Thơ mới vì (có thể chọn nhiều mục):

a. Lời thơ cổ, hình ảnh cũ c          

b. Có cảm giác sến, ướt át, không thực tế c   

c. Nhiều bài thơ có nội dung và chủ đề trùng lặp c      

d. Không phù hợp với cuộc sống hiện đại c    

7. Anh (chị) không thích tiểu thuyết Tự lực văn đoàn vì (có thể chọn nhiều mục):

a. Lời văn cũ kỹ, không hợp thời đại c

b. Nội dung dở, không thu hút c   

c. Cách dàn dựng cốt truyện, kỹ thuật viết văn vụng về c        

d. Nêu những vấn đề không hợp với thời đại ngày nay c          

8. Anh (chị) thích những bài thơ nào của các tác giả Thơ mới, hãy kể tên (có thể chọn nhiều bài).

9. Anh (chị) thích những tác giả nào của Thơ mới, hãy kể tên (có thể chọn nhiều tác giả).

10. Anh (chị) thích những cuốn tiểu thuyết nào của nhóm Tự lực văn đoàn, hãy kể tên (có thể chọn nhiều tiểu thuyết).

11. Anh (chị) thích những tác giả tiểu thuyết nào trong nhóm Tự lực văn đoàn, hãy kể tên (có thể kể nhiều tác giả)

12. Anh (chị) có nhớ tên nhân vật nào trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, hãy kể tên (có thể kể nhiều tên nhân vật).

13. Theo anh (chị), công chúng trẻ tuổi bây giờ có thái độ như thế nào đối với phong trào Thơ mới?

a. Rất thích c                                                                          b. Thích c      

c. Thích vừa phải c                                                                 d. Không thích c        

e. Không quan tâm c                   

14. Theo anh (chị), công chúng trẻ tuổi bây giờ có thái độ như thế nào đối với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn?

a. Rất thích c                                                              b. Thích c      

c. Thích vừa phải c                                                     d. Không thích c        

e. Không quan tâm c                   

15. Theo anh (chị), có nên tăng cường thêm thời lượng giảng dạy Thơ mới trong nhà trường phổ thông hiện nay:

a. Nên c

b. Không nên c

c. Giữ nguyên c

16. Theo anh (chị), có nên bổ sung thêm việc giảng dạy tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trong nhà trường phổ thông hiện nay:

a. Nên c

b. Không nên c

c. Không ý kiến c

Anh (chị) vui lòng cho biết đôi điều về bản thân:

Năm nay anh (chị) bao nhiêu tuổi:

Anh (chị) sống ở tỉnh (thành phố) nào:

Nghề nghiệp hiện nay của anh (chị):

            Xin cảm ơn anh (chị) đã trả lời các câu hỏi.

HTV

_____________

 

Tài liệu tham khảo

1.             G. Endruweit và G.Trommsdorg (2002), Từ điển xã hội học, (Ngụy Hữu Tâm và Nguyễn Hoài Bão dịch từ nguyên bản tiếng Đức), Nxb, Thế giới, Hà Nội.

2.             Vũ Quang Hà (2002), Các lý thuyết xã hội học. 2 tập. Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3.             Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

4.             Thanh Lê (2004), Xã hội học. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5.             Phương Lựu (1999), Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

6.             Phương Lựu (2001), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX. Nxb. Văn học-Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

7.             Nhiều tác giả (2011), Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11. 2 tập. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

8.             Vũ Ngọc Phan (2005). Nhà văn hiện đại. 2 tập. Nxb Văn học, Hà Nội.

9.             Phạm Văn Quyết (2001), Phương pháp nghiên cứu xã hội học. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

10.         Phạm Xuân Thạch (2009), Ba thập niên đầu thế kỷ XX và sự hình thành “trường văn học” ở Việt Nam. In trong tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard-Yenching tài trợ, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

11.         Hoài Thanh – Hoài Chân (2008), Thi nhân Việt Nam. Nxb. Văn học, Hà Nội.

12.         Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lý luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

______________

(*) TS., Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ. 

 

Thông tin truy cập

60515330
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6841
12997
60515330

Thành viên trực tuyến

Đang có 275 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website