Diện mạo văn hóa cộng đồng người Hoa ở Cà Mau

 

Tóm tắt:

            Bài viết này tập trung giới thiệu diện mạo văn hóa cộng đồng người Hoa ở Cà Mau. Nhìn chung, thông qua các hình thức văn hóa tiêu biểu: Tổ chức cộng đồng và gia đình, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa nghệ thuật đã cho thấy cộng đồng người Hoa ở Cà Mau vừa bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống vừa tiếp nhận nhiều yếu tố mới để góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa của mình.

   Từ khóa: Văn hóa, người Hoa, văn hóa người Hoa, Cà Mau.

I. Đặt vấn đề

          Theo thống kê dân số và nhà ở năm 2010, người Hoa ở Cà Mau có 8.911 người, đứng hàng thứ 4 ở Đồng bằng Sông Cửu Long và sau các tỉnh Sóc Trăng (64.910 người), Kiên Giang (29.850 người), Bạc Liêu (20.082 người), Cần Thơ (14.199 người) [1]. Trong cộng đồng người Hoa Cà Mau, nhóm ngôn ngữ Triều Châu có số lượng đông nhất so với các nhóm Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam, Hakka. Hiện tại, họ sinh sống ở các địa phương trong tỉnh, nhưng nhiều nhất là ở thành phố Cà Mau [2] Người Hoa ở Cà Mau là một bộ phận gắn liền với cộng đồng người Hoa ở Nam bộ. Họ giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp khai phá vùng cực Nam của tổ quốc trong quá khứ và cũng như quá trình phát triển kinh tế-xã hội ngày nay. Qua những đổi thay của lịch sử, ngày nay người Hoa ở Cà Mau vẫn là một cộng đồng đoàn kết, bảo lưu được văn hóa truyền thống của mình với nhiều giá trị độc đáo và tiêu biểu. Vì vậy, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Hoa ở Cà Mau là góp phần vào việc nhận diện bức tranh văn hóa người Hoa ở Nam bộ.

II. Các hình thức văn hóa tiêu biểu của cộng đồng người Hoa ở Cà Mau  

  II.1. Tổ chức cộng đồng và dòng họ

             Người Hoa dù đi bất cứ  nơi nào vẫn luôn đoàn kết và gắn bó hết sức chặt chẽ. Do vậy, việc tổ chức thành một cộng đồng được người Hoa luôn được chú trọng vì đây là cơ sở gắn kết họ, tương trợ giúp đỡ trong  những lúc đau yếu, khó khăn, giữ mối liên lạc với quê hương bản quán. Tổ chức cộng đồng của người Hoa ở Cà Mau  trước 1975 gọi là bang, hội. Bang, hội là nơi tập hợp của những người có cùng huyết thống, tông tộc, quê quán lại với nhau để tiện sinh hoạt, liên lạc và giúp đỡ. Ngày nay, dại diện cho cộng đồng người Hoa ở Cà Mau là Hội Tương tế người Hoa có trụ sở ở Miếu Quan Đế (đường Hoàng Diệu, phường 2, thành phố Cà Mau). Ngoài ra, đối với nhom Triều Châu có trụ sở tại Thiên Hậu Cung (đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cà Mau), nhom Phúc Kiến hoạt động tại Phước Đức Miếu (khóm 4, phường 9, thành phố Cà Mau), còn các nhom ngon ngu  khác thì hoạt động chung  trong Hội Tương tế người Hoa ở Miếu Quan Đế. Hội Tương tế người Hoa là một tổ chức rộng rãi của người Hoa, đứng đầu là hội trưởng và hội phó, dưới là các ban thư ký, ban tổng vụ, ban giao tế, ban tài vụ và có thêm ban cố vấn tham mưu để hoạt động cho hiệu quả. Tổ chức này còn phụ trách các cơ sở khác của người Hoa trên địa bàn tỉnh Cà Mau gồm: Nhom Triều Châu, Nhom Phúc Kiến, Nhom Hẹ (Sùng Chính), Nhom Hải Nam, Nhom Quảng Đông, Chùa Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, Miếu Quan Đế, Giác Thiền Tự, Hội Thể dục thể thao Kim Thanh, Đồng Tâm Cổ nhạc xã, Ngũ nghĩa đường, Trường Hoa văn, Hội Ái hữu học sinh Hoa Văn, Hội Tông thân họ Quách, họ Mã, họ Ngô, Miếu Phước Đức, Miếu Thiên Hậu (xã Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), Miếu Thiên Hậu (thị trấn Thới Bình), Miếu Thiên Hậu (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước), Miếu Thiên Hậu (thị trấn Đầm Dơi).

           Trong số các nhom thì nhom Triều Châu hoạt động mạnh nhất vì đây là nhóm ngôn ngữ có mặt nhiều nhất ở Cà Mau . Những người Triều Châu sẽ bầu ra các vị có uy tín trong cộng đổng để điều hành hoạt động chung của họ. Tập hợp những người này gọi là Lý sự hội, gồm 32 người, trong đó có 10 người có nhiệm vụ thường trực, đứng đầu là Lý sự trưởng (còn gọi là trưởng bang), cứ 4 năm thì bầu lại lý sự hội mới. Trên Lý sự hội là Ban cố vấn bao gồm 5 vị cao tuổi hoặc từng tham gia thường trực lý sự hội. Dưới Ban cố vấn và Lý sự hội có: Trực lý, Đổng sự hội, Ban Quản lý Triều Châu Nghĩa Từ. Trực lý bao gồm 10 người, được lý sự hội mời tham gia và có nhiệm vụ luân phiên phụ trách cúng kiến, tế lễ hàng năm ở Thiên Hậu Cung. Đổng sự hội có nhiệm vụ phụ trách giáo dục cho cộng đồng, mà cụ thể là Trường Tiểu học Nguyễn Tạo và việc dạy tiếng Hoa cho con em người Hoa ở thành phố Cà Mau. Ban Quản lý Triều Châu Nghĩa Từ phụ trách nghĩa trang của cộng đồng thuộc phường 8, thành phố Cà Mau. Đối với nhom Phúc Kiến thì đơn giản hơn, bao gồm các hội trưởng và hội phó, thư ký, ủy viên. Đặc biệt, trong tổ chức mỗi bang lại có thêm đại diện của các bang khác, tổ chức khác cùng tham gia.

            Ở Cà Mau có khá nhiều dòng họ người Hoa định cư lâu đời. Theo một số người Hoa ở đây cho biết có hơn 40 họ, tiêu biểu như sau: Quách, Lâm, Trần, Khổng, Mã, Ngô, Thái, Lý, Chung, Khưu, Bành, Trương, Triệu, Dương, Giang, Cao, Lưu, Chương, Ngụy, Tô, Nghiêm, Hồng, Tăng, Hứa, Vỹ, Phùng, Đào, Ông, Khổng, …Ngày nay, con cháu hay những người Hoa cao tuổi vẫn còn nhớ được nguyên quán của mình. Họ Mã có gốc từ 4 thôn: Hạ Gia, Hòa Bình, Tân Xuân, Thành Tuyền thuộc Thành Điền trấn, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Họ Quách có gốc từ 15 thôn thuộc huyện Triều Dương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Họ Hồng có quê ở thôn Cờ Bắc, huyện Triều Dương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Họ Trần xuất phát từ thôn Thanh Sử, huyện Phổ Ninh, tỉnh Quảng Đông. Họ Khổng có quê quán tại thôn Hòa Bình, huyện Sơn Đầu, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Những người mang họ Khổng ở Cà Mau đều cho mình thuộc con cháu của Khổng Tử. Đặc biệt, theo Đặng Văn Thắng cho biết, con cháu thuộc dòng dõi họ Mạc ở Hà Tiên hiện nay còn khá đông ở Cà Mau, trên dưới 2000 người, họ sống tập trung ở huyện Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Ngọc Hiển,…Theo gia phả của dòng họ này, các ông Mạc Bá Trực, Mạc Bá Thiện, Mạc Bá Triện từ Kiên Giang sang đây định cư vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nay thuộc địa phận huyện Cái Nước [3] Từ đó, dòng họ Mạc được tiếp tục phát triển ở vùng đất Cà Mau chứ không phải ở Kiên Giang. Đây là dòng họ có nguồn gốc từ lớp người Minh hương đầu tiên sang Việt Nam và định cư ở đây lâu đời. 

            Trong các dòng họ ở Cà Mau thì  họ Quách, họ Mã, họ Ngô đã tổ chức được hội tông thân nhằm tập hợp lại những người cùng họ để sinh hoạt. Hội Tông thân họ Quách được thành lập vào năm 1991, có nhà từ đường ở đường Lý Thái Tôn thuộc  phường 2, thành phố Cà Mau. Ở phía ngoài cửa chính của nhà từ đường này có 2 câu đối:   

                        “ Phân dương thế trạch qui nguyên bổn

                             Quách thị tông từ hiệp đại gia”

 Hội tông thân này sẽ bầu ra ban quản trị có nhiệm kỳ 4 năm, đứng đầu là Hội trưởng. Ngoài ra còn có ban cố vấn phụ giúp cho ban quản trị. Dòng họ này không chỉ sống tập trung ở thành phố Cà Mau mà còn có nhiều chi nhánh ở các nơi khác như: Sông Đốc, Cái Keo, Vàm Đầm, Tắc Vân,… Trong những ngày giỗ hay họp hội, các chi nhánh họ sẽ cử đại diện về nhà từ đường họ Quách tham dự. Trong nhà từ đường, họ Quách thờ Quách Tử Nghi và xem là ông tổ của mình. Quách Tử Nghi là một vị tướng đời Đường (618-905) có công dẹp loạn An Lộc Sơn. Ngoài ra, họ còn thờ Bắc Đế (Huyền Thiên Đại đế) để phù hộ cho người trong dòng họ. Ngoài các ngày rằm hay mồng một hàng tháng, họ Quách còn tổ chức cúng giỗ tổ, tức Quách Tử Nghi vào ngày 12/12 âm lịch, tổ chức cúng vía Bắc Đế vào hai ngày trong năm: Mùng 3/3 và mùng 9/9 âm lịch. Nếu ngày vía Bắc Đế cúng chay thì ngày cúng giỗ tổ được cúng mặn. Đây là ngày họp mặt của những người trong họ lại với nhau, ai đi đâu xa và dù ở đâu cũng phải hướng về. Để tổ chức ngày cúng này, mọi người trong họ cùng đóng góp dù ít hay nhiều. Lễ vật cúng gồm 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, gồm: Heo quay, cá chẻm, trái cây ngũ quả, bánh bò, bánh bao, … Riêng món bánh bò không được thiếu vì nó biểu hiện cho sự sung túc của dòng họ. Hội Tông thân họ Mã được thành lập vào năm 2002, có nhà từ đường nằm gần kề bên nhà từ đường họ Quách. Họ Mã có mặt ở Cà Mau gần 200 năm với tên người sáng nghiệp là ông Mã Đạt ( hay còn gọi là bang Tắc). Ngày nay, dòng họ này có trên 100 hộ gia đình sinh sống khá đông tại thành phố Cà Mau và các chi nhánh khác ở các huyện: Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Thới Bình, Đầm Dơi, Cái Nước. Ngoài ra, còn có Hội Tông Thân Họ Ngô được thành lập năm 2003, với nhà từ  đường đặt tại đường số 4, khóm 8, phường 5, thành phố Cà Mau. Điều cần lưu ý, Hội tông thân họ Ngô không chỉ tập hợp những người Hoa mà còn có cả những người Việt mang họ Ngô. Theo gia phả của dòng họ này, đó là những người thuộc dòng dõi Ngô Văn Nghi- một viên tướng của Nguyễn Tri Phương. Sau khi ông này tử trận ở Cổ Cò (Sóc Trăng), bà Nguyễn Thị Dá-vợ ông đến huyện Đầm Dơi sinh sống, con cái tiếp tục phần hương hỏa cho đến nay gần 7 đời, trên dưới 1000 người [4]. Mặt khác, dòng họ này có mối quan hệ với tổ chức họ Ngô Việt Nam.

Như vậy, tổ chức các hội tông thân này là tổ chức dòng họ có tính đoàn kết và rộng khắp trên địa bàn Cà Mau, mang tính tiêu biểu của tổ chức dòng họ người Hoa. Tổ chức các hội tông thân đáp ứng nhu cầu tương tế, giúp đỡ những người trong họ không may gặp khó khăn, bệnh hoạn, tang ma,…Đây là biểu hiện của sự đoàn kết trong cộng đồng người Hoa ở vùng đất mới, không chỉ dừng lại ở phạm vi bang, hội mà còn đến tổ chức các dòng họ khác nhau.

II. 2. Phong tục tập quán của người Hoa ở Cà Mau

         Cho đến ngày nay, người Hoa ở Cà Mau còn giữ lại được khá nhiều phong tục tập quán của cộng đồng mình. Điều này được thể hiện trong các nghi thức như: tang ma, cưới hỏi, mừng thọ, đầy tháng, sinh nhật và ăn uống. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu. Trong lễ đầy tháng và sinh nhật, tùy vào hoàn cảnh mà tổ chức lớn hay nhỏ nhưng tựu trung phải có cúng tạ ơn. Người giàu có thường tạ lễ heo quay ở Thiên Hậu cung hoặc miếu Quan Đế nếu sinh được con trai. Một số người khác tạ ơn bằng cách cúng trái cây, bánh trái ở các ngôi miếu này. Ở nhà thì làm lễ cúng gia tiên và trong nhà trong cửa, cúng mẹ sanh mẹ độ,…với lễ vật: Hương hoa, trái cây, bánh, thức ăn, chè,…Nếu có mời khách thì gia đình phải nấu nhiều món đãi. Có gia đình mang đến nhà hàng để đãi khách khứa, họ hàng cho thuận tiện. Ngoài những quà tặng, thường có bao lì xì màu đỏ và những lời chúc tốt lành cho đứa bé. Khách ra về thường có trứng gà nhuộm đỏ với ý nghĩa báo hỷ. Người Hoa Triều Châu thường có lệ sau khi sinh 4 tháng mới làm lễ ”Mẹ tròn con vuông”, tức lễ đầy tháng. Riêng đối với con trai trong gia đình, khi đến 15 tuổi, cha mẹ sẽ tổ chức cho lễ “Xuất hoa viên” với ý nghĩa đã trưởng thành. Tục này ngày nay còn rất ít.

       Lễ cưới của người Hoa Cà Mau cũng được tổ chức long trọng. Ngày nay, thanh niên người Hoa tự do kết hôn, không phân biệt cưới gả trong hay ngoài cộng đồng. Người Hoa kết hôn với người Khmer, người Việt là phổ biến, đặc biệt ở vùng nông thôn. Ở thành phố Cà Mau,  một số gia đình đãi khách ở nhà hàng sau khi làm lễ xong ở nhà. Lễ vật trong ngày hỏi, ngày cưới của họ thật đa dạng, phong phú. Người Hoa Triều Châu ở đây thường có lễ vật gồm: Heo quay, bánh pía, trái cây, trà rượu,…Lễ vật được đặt trong mâm quả khi đến nhà gái. Ở đám hỏi, gia đình thường phải có bánh pía, mè dẻo, kẹo đậu phộng, bánh dẻo, bánh cốm,….được gói trong giấy đỏ để biếu hỉ cho bà con, họ hàng mang về. Ở vùng nông thôn, đám cưới rước dâu thường di chuyển bằng đường sông tạo nên không khí nhộn nhịp, một biểu hiện rõ rệt của tính sông nước trong phong tục tập quán các cộng đồng dân tộc ở đây. Sau khi đón dâu về nhà, thường có tục đặt lò than hoặc rơm ngay ngạch cửa cho cô dâu bước qua. Người Hoa còn tục tặng một chiếc mền đỏ, có dán chữ “Song hỷ” bên ngoài để cầu chúc hạnh phúc trăm năm cho cô dâu chú rễ. Ngày nay, ở đây còn rất ít hiện tượng chăng dây, thách cưới. Trước 1975, tục thách cưới heo quay nặng trên 1 tạ (60kg) của nhà gái để chia cho bà con vẫn còn phổ biến. Một số người Hoa theo đạo Công giáo, Tin Lành  thì đến nhà thờ làm lễ.

       Lễ mừng thọ cho ông bà vẫn được người Hoa ở đây tổ chức đều đặn nhằm báo hiếu và thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu. Trong ngày mừng thọ, con cháu cầu chúc cho ông bà cha mẹ được sống lâu để bảo ban con cháu. Theo quan niệm, họ tổ chức mừng thọ các cụ vào tuổi : 61, 71, 81, 91,… Người Hoa vẫn còn giữ tục tặng cho các cụ một cái mền đỏ, bên ngoài có ghi chữ « Thọ ». Đặc biệt, họ còn có món mì thọ đặc biệt để dâng lên cho các cụ. Sợi mì với đặc điểm thật dài để cầu thọ cho các cụ khi ăn. Ngoài ra, còn có bánh đào (bánh thọ) với màu phơn phớt hồng để mừng cho các cụ. Nếu tổ chức lớn thì thường mời bè bạn, các cụ cao tuổi, đại diện bang hội đến tham dự. Theo truyền thống, quà mừng thọ của người Hoa Triều Châu  thường có mì Tiều và miếng thịt heo sống được buộc vải đỏ, cùng 4 trứng hột gà có dán giấy đỏ để biếu các cụ.

         Lễ tang được tổ chức chu đáo vì theo quan niệm của người Hoa: “Nghĩa tử là nghĩa tận “ . Tùy vào các nhóm ngôn ngữ khác nhau mà người Hoa có cách thể hiện và tang phục trong tang lễ mang sự khác biệt. Theo truyền thống của người Hoa Triều Châu thì từng người con sẽ bón cơm và đường cho người mất trước khi tẩm liệm. Trong đám tang của nhóm này có lễ Qua cầu-một nghi thức con cháu tiễn đưa người mất về nơi chín  suối mà các nhóm ngôn ngữ khác không có. Tang gia khá giả thường rước các nhóm chuyên làm lễ từ Sóc Trăng hoặc thành phố Hồ Chí Minh về đây thực hiện. Ngoài ra, gia đình còn thỉnh Ban Pháp sự  Giác Thiền Tự về tụng kinh cầu siêu cho vong linh người mất. Ở vùng nông thôn thì thỉnh nhà sư ở các chùa người Việt đến tụng kinh. Đặc biệt, con cháu tế ông bà, cha mẹ một tấm Vãng hiếu tử và để treo trong nhà. Riêng con rễ thường hay tế cha, mẹ vợ bằng một con heo quay để trả nghĩa. Trong khi đưa tang, người Hoa còn có tấm triệu màu đỏ được đặt trên bàn triệu đi đầu đám tang. Một số đám còn có trường hợp đứa cháu đức tôn người mất ngồi trên bàn triệu. Khi hạ huyệt, họ của người mất ghi trên lá triệu được gỡ ra. Ở thành phố Cà Mau, người mất thường được chôn cất tại Triều Châu Nghĩa Từ. Ở các nơi khác thì chôn trên đất gia đình, đất công,... Trong tang lễ, đại diện của bang luôn có mặt để hướng dẫn và phụ giúp gia đình người mất. Nếu gia đình nào khó khăn thì bang sẽ đứng ra quyên góp trong cộng đồng để phụ giúp tang lễ.

       Ẩm thực của người Hoa ở Cà Mau thật phong phú đa dạng, vừa kết hợp được nét ẩm thực truyền thống với những sản vật của vùng sông nước, biển cả như : Tôm, cua, cá, mực, sò, nghêu,...Món ăn của người Hoa thường  gắn ăn uống với phúc đức và sức khoẻ: “ Dĩ thực vi tiên”, có độ đạm từ động vật cao, nhiều dầu mỡ, chuộng vị béo và ngọt [5] Tuỳ vào thời tiết, thể trạng cơ thể, sức khoẻ mà có các loại thức ăn khác nhau để phù hợp. Các món ăn sáng của người Hoa thường là: Hủ tiếu, mì hoành thánh, xá xíu, cháo,… được bày bán ở chợ, khu phố hằng ngày. Người Hoa thường ăn cháo trắng với củ cải muối, hột vịt muối, cà na đen. Đặc biệt, cháo trắng nếu dùng với đường thẻ nhập từ Nam Vang hoặc món chao Tiều được làm từ đậu hủ ngâm tương thì rất ngon. Trong bữa cơm gia đình thường không thể thiếu món thịt kho Tàu, xương hay chân giò hầm thuốc bắc, gà tiềm, lạp xưởng, cơm chiên,… Trong lúc gia đình có giỗ chạp, tiệc tùng, cưới hỏi thì cũng là lúc mọi người có dịp thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, ngon miệng, bổ dưỡng của người Hoa với rất nhiều món ăn truyền thống của họ như: Đồ nguội (bát bửu), súp giò heo, cơm chiên Dương Châu, mì xào, gà tiềm, heo quay, vịt quay,… được ướp, tẩm gia vị hết sức độc đáo. Họ còn có các món hải sản cũng độc đáo như : Cá chẻm nấu môn, mai cua bát bửu, tôm rang nước dừa hoặc hấp, cua rang me, ...Nguyên liệu chế biến cho các món ăn này thường là các vị thuốc Bắc, bào ngư, vi cá, yến xào, tóc tiên, nấm đông cô, hột vịt muối, hột vịt Bắc Thảo,…Ngoài ra, trong ẩm thực người Hoa có rất nhiều các món ngọt như: Chè bạch quả, hạt sen, chè hột gà, chè ỷ, bánh bông lan, bánh dẻo, bánh bột da, bánh đào, bánh nhân cốm, bánh trung thu, bánh Pía, mè láo,…được dùng trong các ngày có tiệc, lễ. Thức uống thì thường là rượu thuốc (ngâm thuốc Bắc) uống vào sẽ cân bằng cơ thể, tráng dương, được dùng trong bữa ăn hàng ngày, lễ tiệc. Ngoài ra, người Hoa còn uống các loại trà dùng nóng như: Trà hoa cúc, trà sâm, trà gừng… nhằm giải nhiệt, mát gan, tiêu hoá tốt. Có khá nhiều quán ăn của người Hoa ở thành phố Cà Mau, nhưng nổi tiếng và lâu đời là Quán Triều Thành với nhiều món ăn khác nhau, ngon nhất là món chân giò hầm thuốc Bắc rất công phu, khéo léo. Người Hoa còn đến đây ăn món chả giò Tiều. Nhân chả giò được gói với tàu hủ ky, sau đó cắt nhỏ ra để chiên, dùng với tương ớt thì rất ngon. Ngòai ra, còn có món chân gà xào gân heo, nai,…và nhiều thức ăn độc đáo  khác.

II.3. Tín ngưỡng và tôn giáo của người Hoa ở Cà Mau

          Nói đến tín ngưỡng và tôn giáo chính là nói đến những hoạt động văn hóa tinh thần của người Hoa ở Cà Mau. Người Hoa ở Cà Mau có 2 hình thức tín ngưỡng trong gia đình và ở cộng đồng. Trong gia đình, người Hoa dành nơi trang trọng nhất để thờ cúng tổ tiên của mình. Ở một số gia đình khá giả, bàn thờ được trang trí các bộ tam sự, ngũ sự trông thật lộng lẫy. Hàng năm, họ thường tổ chức lễ giỗ cúng tổ tiên với sự có mặt của họ hàng, bè bạn, đồng hương. Vào ngày thanh minh hằng năm, con cháu tổ chức cúng thanh minh, dọn dẹp mộ phần cho ông bà mình. Người Hoa tổ chức cúng thanh minh rất lớn tại Triều Châu Nghĩa Từ với lễ vật : Gà, vịt, heo quay, trái cây, hương hoa,…. Mặt khác, ở trong nhà, người Hoa còn thờ Quan Công, Tử Vi,Cửu Thiên, Quan Âm, Phật Thích Ca,…. Họ còn thờ Thần Tài và Thổ Địa, Táo Quân. Đây là những vị thần có chức năng cai quản gia đình, ban tài lộc, may mắn cho gia đình. Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa thường có dạng một ngôi miếu nhỏ, được đặt dưới đất, ở một góc dễ nhìn nơi phòng khách, giữa là một tấm tranh kiếng màu đỏ, và có ghi nhiều dòng chữ Hán như sau (từ bên phải qua): “Vật hoa thiên bửu nhật, Ngũ phương ngũ thổ long thần, Tiền chủ hậu chủ tài thần, Nhân kiệt địa linh thời, Tiên cô tiên hữu nam chư thần vị “. Hai bên là tượng của hai ông Thần Tài, Thổ Địa với nhiều kiểu dáng khác nhau. Phía sau nhà là bàn thờ ông Táo đặt ở khu vực bếp, có bài vị giữa là dòng chữ : “Định phước đăng quân” . Đối với Quan Âm, Bà Mẹ sanh, Phật Thích Ca,… được thờ trên cao. Riêng Thần Tử Vi được thờ phía trước cửa nhà để trấn trạch, trừ tà ma, xui rủi. Những ngày rằm, mùng một, họ cúng trái cây, hương hoa nhằm cầu nguyện thần thánh độ trị cho gia đình. Đặc biệt, với người Hoa Triều Châu ở đây, họ tiễn ông Táo về chầu trời ngày 24 âm lịch hàng năm. Ở phía ngoài sân hoặc trên sân thượng nhà, người Hoa còn đặt thêm một bàn thờ Thiên, bài vị ghi chữ Hán: “Thiên Quan Tấn Phước”.

     Ở Cà Mau, hiện có 3 ngôi miếu lớn của người Hoa và nhiều miếu nhỏ ở nơi khác. Những vị thần chủ được thờ trong các miếu Hoa gồm : Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Công, Phước Đức Chính Thần. Ngoài ra,  trong những miếu này còn có : Bà Hỏa, Thành Hoàng Bổn cảnh, Thần Hổ, Na Tra,... được thờ phối tự. Đây là những vị thần thuộc phạm vi tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa ở Cà Mau. Bà Thiên Hậu được cộng đồng người Hoa thờ cúng phổ biến nhất. Hiện có rất nhiều nơi có miếu thờ Thiên Hậu với tên gọi Thiên Hậu Cung như : Thành phố Cà Mau, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Thới Bình,…Người Hoa ở đây, sau khi định cư sang Califonia ( Mỹ),  cũng đã lập miếu thờ Thiên Hậu riêng cho mình. Bà Thiên Hậu là tên gọi tắc của Thiên Hậu Thánh Mẫu. Bà được thờ vừa là một thần biển đã phù hộ người Hoa đến đây lập nghiệp vừa phù hộ họ làm ăn, sinh sống ở vùng đất mới. Tương truyền, bà là một cô gái họ Lâm, tên là Mặc, còn gọi là Lâm Mặc Nương ( 960-989), quê ở Eo My Châu, huyện Phổ Điền, tỉnh Phúc Kiến, thuộc đời nhà Tống (960-1127). Từ nhỏ, bà đã biết đoán được hậu vận, dùng thần thông cứu người bị nạn, đặc biệt là những người đi biển. Sau khi mất, bà thường linh ứng, được người dân thờ cúng khắp mọi nơi, và là vị nữ thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Dân gian Trung Quốc còn gọi Bà là Má tổ hay Mã tổ. Qua các triều đại phong kiến, bà được phong tặng nhiều danh hiệu khác nhau. Đặc biệt, vào năm thứ 12 đời vua Khang Hy nhà Thanh (1644-1912), bà được phong làm Thiên Hậu Thánh Mẫu [6] Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường, quê ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một nhân vật có thật thời Tam Quốc (211-264). Quan Công được xem là một con người « Vạn cổ nhất nhân », văn võ toàn tài, trung nghĩa, có tiết tháo của người quân tử, phù hợp với đặc điểm văn hóa Trung Quốc. Qua các triều đại phong kiến, Ông được tôn vinh và cho thờ cúng khắp mọi nơi, tước vị được phong cao nhất là Hiệp Thiên Đại Đế. Theo quan niệm của người Trung Quốc, Quan Công được tôn làm Võ thánh cùng với Khổng Tử là Văn thánh. Ngoài tên gọi Quan Công, Ông còn được được gọi là Quan Tu Mi, Quan Lão Gia, Quan Thánh Đế Quân,…[7]. Đối với cộng đồng người Hoa ở Cà Mau, tín ngưỡng thờ Quan Công và Thiên Hậu có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Người Hoa và cả người Việt đến đây cúng bái thường xuyên, cầu tài lộc, bình an, sức khỏe, xin xăm để đoán vận kiết hung,….hết sức tin tưởng và thành kính. Ngoài ra, họ thường hay đến Miếu Quan Đế và Thiên Hậu Cung để xin bùa về treo trong nhà để cầu bình an, trừ tà ma, xui rủi, làm ăn phát tài phát lộc. Lá bùa của Miếu Quan Đế là một tờ giấy màu vàng, có ghi chữ: “Lệnh Hiệp Thiên Đại Đế an trấn bình an”, lá bùa ở Thiên Hậu Cung có ghi chữ: “Ngọc ấn Thiên Hậu Thánh Mẫu sắc lệnh linh phủ trấn chúng sanh tha bình an” . Mặt khác, họ còn thỉnh lá bùa ở Chùa Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm: “Lý Đạo Minh Tổ Sư an trấn bình an”, và gọi chung cả 3 lá bùa này là bùa Tam Thánh. Tín ngưỡng thờ Phước Đức Chính Thần (Ông Bổn) cũng được người Hoa tôn kính. Đây còn là vị thần bảo hộ cho khu vực đất đai nơi người Hoa sinh sống. Trước năm 1975, người Hoa ở Cà Mau còn phổ biến tục xin xăm thuốc ở ban thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh trong Thiên Hậu Cung, số của từng quẻ xăm ứng với một thang thuốc Bắc, và sau khi xin xong, họ mang ra cửa hàng thuốc Bắc để bốc thuốc về uống. Miếu của người Hoa ở Cà Mau có qui mô lớn nhất là 2 ngôi miếu : Thiên Hậu Cung (Chùa Bà Mã Châu) và Miếu Quan Đế. Thiên Hậu Cung hiện tọa lạc tại  đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cà Mau. Phía trước miếu là con sông Gành Hào chảy ngang. Ngôi miếu được lập năm 1882, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng tranh. Năm 1903,  miếu được người Hoa Triều Châu địa phương xây cất lại theo kiểu dáng, nguyên trạng như ngày nay. Đây còn là hội quán của người Hoa Triều Châu ở Cà Mau. Về mặt kiến trúc, ngôi miếu được xây dựng theo kiểu truyền thống hình chữ « Khẩu » theo bố cục nội công ngoại quốc. Về đại thể, ngôi miếu bao gồm : Cổng, sân, cửa, tiền điện, trung điện, sân thiên tĩnh, hậu điện. Ngôi miếu được trang trí đắp nổi hình Phước Lộc Thọ, Bát Tiên, hình phong cảnh, thanh long, bạch hổ,....ở phía ngoài hoặc trên nóc. Phía ngoài cửa còn có đá sa thạch được mang từ Trung Quốc sang. Miếu còn lưu giữ khá nhiều hoành phi, câu đối, lư hương có niên đại lâu đời, cụ thể là bức hoành có niên đại từ thời Quang Tự (1899) ở gian tiền điện. Các cột, kèo, trống được sơn phết màu đỏ là màu truyền thống của người Hoa tạo nên một không gian trầm mặc, uy nghiêm. Mặt khác, còn có lồng đèn, bát bửu,...được trang trí trong miếu. Ngoài ra, người Hoa còn thờ Ông Bổn (Phước Đức Chính thần) bên trái và Thành Hoàng Bổn Cảnh bên phải. Phía dưới ban thờ Thiên hậu là ban thờ Thần Hổ. Phía ngoài sân là miếu thờ Hỏa Đức Nương Nương. Có lẽ vì người Hoa ở đây sinh sống tập trung nơi chợ búa đông đúc nên họ phải thờ bà Hỏa để tránh cháy nổ. Hàng năm, người Hoa tổ chức lễ vía Thiên Hậu vào ngày 23/3 âm lịch, ngoài ra còn có các ngày khác : Mùng 3 tết, rằm tháng giêng, rằm tháng 7,... Đây là một lễ hội lớn của người Hoa ở Cà Mau. Trong các ngày lễ, người Hoa có các hoạt động như : Hát Tiều, múa bóng, múa lân, đấu thầu lồng đèn ( rằm tháng giêng), phát gạo (rằm tháng 7),… Người đi cúng bái với nhiều lễ vật phong phú nhằm cầu mong được phù hộ độ trì. Không chỉ có người Hoa mà còn có người Việt, người Khmer cũng tham dự. Ngoài ra, Thiên Hậu Cung tại thị trấn Thới Bình có sự độc đáo hơn. Ở phía ngoài sân có ngôi miếu nhỏ thờ Neak Tà-vị thần của người Khmer với những hòn đá được bọc vải đỏ. Hàng năm, cứ đến lệ cúng kỳ yên Đình Thới Bình (21/2 âm lịch), ban khánh tiết đình cử chức sắc, học trò lễ, và có kèn trống theo cùng sang miếu rước lư hương, thỉnh Bà Thiên Hậu về đình cùng với Thần Thành Hoàng chứng lễ cho dân làng. Và sau đó, Bà sẽ được thỉnh trở về miếu sau khi lễ kỳ yên kết thúc. Ở Thới Bình, người Việt cũng tham gia đóng góp xây dựng và trùng tu Miếu Thiên Hậu. Mặt khác, trong  Đình Thới Bình có thờ một số người Hoa họ Vương làm Tiền Hiền. Người Hoa cũng tham gia đóng góp, tu sửa đình thần hay tham gia lễ cúng kỳ yên hàng năm.  Điều này đã thể hiện rõ nét sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc Việt-Hoa-Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

       Miếu Quan Đế hiện tọa lạc tại đường Hoàng Diệu, phường 2, thành phố Cà Mau. Ngôi miếu được thành lập vào khoảng năm 1950, ban đầu ở tại Triều Châu Nghĩa Từ. Năm 1973, ngôi miếu được dời về đây và được xây dựng có kiến trúc dạng 1 trệt 1 lầu nhằm phù hợp với không gian phố xá. Năm 2004, người Hoa đã đóng góp trùng tu lại ngôi miếu thêm phần khang trang, qui mô hơn. Ở tầng trệt ngôi miếu là văn phòng làm việc của Hôi Tương tế người Hoa, nhà khách, nhà bếp. Ngoài ra, ở đây còn có thêm Ngũ nghĩa đường gồm: Xe tang, trống kèn, đạo tỳ,…để phục vụ  đám tang cho bà con người Hoa lẫn người Việt ở thành phố Cà Mau. Phía tầng trên của ngôi miếu là phần chánh điện khá lớn và rộng rãi. Ở gian giữa là ban thờ Quan Công, có tượng Quan Công ngồi giữa, theo đúng qui cách : Râu năm chòm dài, đầu đội mũ kim hoa, mình mặc áo giáp trụ, khoác áo bào xanh, trông rất uy nghiêm, hai bên là Châu Xương tay cầm Thanh Long đao và Quan Bình cầm Hiệp Thiên ấn. Phối tự với Quan Công là Phước Đức Chính Thần và Na Tra, ngựa Xích Thố cùng Mã Đầu Tướng Quân. Phía ngoài sân là ban thờ Thiên Phụ Địa Mẫu. Chánh điện miếu được trang trí hoành phi, câu đối, chuông, trống , bát bửu, lộng, tranh ảnh, nhang vòng, lồng đèn,… tạo nên không khí trang nghiêm nhưng không kém phần sang trọng. Miếu Phước Đức (Chùa Ông Bổn) của người Hoa Phúc Kiến thì nhỏ hơn Thiên Hậu Cung và Miếu Quan Đế. Ngôi miếu này tọa lạc bên rạch Gập thuộc  khóm 4, phường 9, thành phố Cà Mau. Ngôi miếu có kiểu dáng tứ trụ, giống như ngôi miếu của người Việt. Ban thờ giữa ngôi miếu là Phước Đức Công Công, hai bên là Tả Ban và Hữu Ban, và có thờ thêm Tiền Hiền, phía ngoài sân là ban thờ Bà Hỏa. Hằng năm, người Hoa Phước Kiến tổ chức lễ cúng vào ngày 29/3 âm lịch. Ngoài ra, trước năm 1975, người Hoa Hải Nam còn một ngôi miếu thờ Cô Hồn, tức nơi thờ 108 vị bị gặp nạn trên biển. Ngôi miếu này khá lớn, nằm gần bến tàu thuộc phường 1, thành phố Cà Mau ngày nay. Sau năm 1975, Miếu Cô Hồn không còn nữa.

        Hiện  phần lớn người Hoa ở Cà Mau theo Phật giáo, ngoài ra còn một số ít theo Công giáo và Tin Lành. Giác Thiền Tự là một ngôi chùa Hoa nằm tại đường Phạm Hồng Thám, phường 4, thành phố Cà Mau Ngôi chùa này được thành lập năm 1962, do Sư cô Thích Nữ Duy Trinh- một người Quảng làm trụ trì đầu tiên. Sau khi sư cô viên tịch, chùa do một số nữ cư sĩ tiếp tục kế thừa, do đó chùa còn có tên gọi khác là chùa bà Xẩm. Năm 2001, Giác Thiền Tự được trùng tu khá qui mô, có kiểu dáng 1 trệt 1 lầu, khá khang trang và hiện đại.Phụ trách chùa là một ban quản trị gồm 40 người, đứng đầu là hội trưởng, hội phó, dưới là các ban pháp sự, ban tài chánh, ban tổng vụ, ban giao tế, ban từ thiện. Chánh điện chùa ở lầu một khá lớn với nhiều ban thờ khác nhau. Giữa là ban thờ Phật A-Di-Đà có Vi Đà Hộ Pháp và Già Lam Bồ Tát đứng chầu hầu, hai bên là  ban thờ Quan Âm và Dược Sư. Trong chánh điện còn có tượng Thập Bát La Hán được thờ dọc theo 2 bên. Ban pháp sự phụ trách tụng kinh, cúng kiến hàng ngày cho chùa và tang ma trong  cộng đồng người Hoa. Họ thường tụng các kinh như: Phổ Môn, Lăng Nghiêm, Sám Hối, Di Đà, Địa Tạng,…Ngoài ra, ban này còn phụ trách cúng cho cả chùa Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Chùa tổ chức 2 lễ cúng lớn hằng năm, lễ cầu an vào ngày 7,8,9/ tháng giêng và lễ cầu siêu, thí thực vào ngày 21, 22, 23/tháng 7 âm lịch cho người Hoa và người Việt. Ngoài ra, người Hoa còn có cơ sở tôn giáo khác là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm do các cư sĩ theo đạo Phật người Hoa Triều Châu thành lập. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm hiện tọa lạc tại đường Ngô Quyền, phường 2, thành phố Cà Mau. Ngôi chùa này thành lập vào năm 1961, nằm trong Triều Châu Nghĩa Từ. Năm 1963, ngôi chùa được dời về địa chỉ hiện nay, và được trùng tu khá đồ sộ vào tháng 2/2007 với một kết cấu khá lớn, gồm 3 tầng: 1 tầng trệt, 1 tầng lửng, 1 lầu. Tầng trệt là nơi làm việc của ban quản trị, tầng lửng là nơi thờ Cửu Huyền Thất Tổ, riêng tầng một là chánh điện chùa. Ở chánh điện, ban thờ giữa thờ Phật Thích Ca, chầu hầu 2 bên là Già Lam và Vi Đà Hộ Pháp. Điều hành hoạt động của chùa là một ban quản trị có tổ chức giống Giác Thiền Tự. Hằng năm, chùa tổ chức 3 lễ cúng lớn vào mùng 1/ 3 âm lịch (cúng Cửu huyền Thất tổ), vào ngày 9 đến 13/7 âm lịch (cúng cầu siêu, phát gạo,…) và ngày mùng 8/8 âm lịch (vía Lý Đạo Minh Tổ Sư). Riêng vào lệ cúng cầu siêu, chùa sẽ phát thiệp mời để đăng ký danh sách cho cộng đồng và sẽ thiết lập đàn cúng cầu siêu, thí thực ở phía trước chùa với tượng Phật Thích Ca, Địa Tạng Vương Bồ Tát và Tiêu Diện Đại sĩ,….

      Ngoài ra, người Hoa còn theo đạo Công giáo và Tin Lành. Người Hoa theo đạo Công giáo khoảng chừng 20 hộ gia đình. Vào khoảng năm 1954-1955, một số người Hoa nghèo đến định cư ở địa phận Nhà thờ Bảo Lộc (nay thuộc phường 6, thành phố Cà Mau) của một người Bắc Công giáo di cư vào đây. Sau đó, nhóm người Hoa này đã chuyển sang đạo Công giáo. Có một bộ phận ít người Hoa theo đạo Tin Lành ở thành phố Cà Mau. Họ sinh hoạt tại Chi hội Tin lành ở đường Nguyễn Trãi, phường 9 và Chi hội Tắc Vân thuộc ấp 2, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau.

II.4. Văn hóa nghệ thuật

       Hoạt động văn hóa nghệ thuật của người Hoa khá sôi nổi ngay từ trước năm 1975 và trong khoảng thời gian gần đây. Vì người Hoa ở Cà Mau phần lớn là người Triều Châu cho nên hoạt động của Đồng Tâm Cổ nhạc xã chủ yếu là hát các tuồng Tàu bằng tiếng Triều Châu. Ngoài ra còn có đội ca để hát phụ vụ cho cộng đồng. Hằng năm, Cổ nhạc xã Đồng Tâm sẽ tổ chức hát phục vụ cho lễ cúng ở Thiên Hậu Cung vào ngày 23/3 âm lịch, thu hút khá nhiều người tham gia. Những tuồng hát được trích diễn là các tuồng: Quách Hải Thọ chúc thọ, Lữ Mông Chánh ứng thi, Kết nghĩa vườn đào,…với nội dung giáo dục trung, hiếu, nhân, nghĩa. Các diễn viên là con em người Hoa thích tham gia hoạt động văn nghệ, được thường xuyên luyện tập. Người Hoa Cà Mau còn có đội múa sư khá nổi tiếng. Múa sư của người Hoa Triều Châu còn được gọi là Bắc sư để phân biệt với Nam sư là múa lân Đội múa sư chủ yếu gồm một số thanh niên người Hoa hoạt động vào các ngày lễ cúng ở Thiên Hậu Cung, Miếu Quan Đế, Miếu Phước Đức,…Ngoài ra, đội này còn tham gia múa trong những ngày tết, ngày khai trương đầu năm, tạo một không khí vui tươi, rộn rã  cho cộng đồng người Hoa lẫn người Việt. Trong lễ cúng ở Thiên Hậu Cung, múa sư thường được ghép diễn chung với các tuồng hát trên sân khấu để tránh nhàm chán cho người xem.

  III. Kết luận

 Qua nhiều thăng trầm của thời gian, cộng đồng người Hoa ở Cà Mau vẫn còn bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống riêng cho mình ở nhiều phương diện khác nhau. Làm được điều này chính là do họ có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của mình để không bị mai một nơi đất khách quê người. Vì vậy, ngày nay, trong bức tranh văn hóa Cà Mau, văn hóa cộng đồng người Hoa vẫn còn nhiều nét riêng, độc đáo và làm cho bức tranh này nhiều màu sắc trong tính thống nhất mà đa dạng. Đặc biệt, trong cộng đồng người Hoa ở đây, văn hóa của nhóm ngôn ngữ Triều Châu giữ vai trò chủ đạo và là nét văn hóa chính, đậm nét hơn các nhóm khác.  Mặt khác, cộng đồng người Hoa Cà Mau đã biết thích nghi với môi trường tự nhiên để sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là việc tiếp thu các giá trị văn hóa mới, thông qua quá trình giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác,  đã làm cho đời sống văn hóa của họ không ngừng phát triển, phong phú và độc đáo.

 

CHÚ THÍCH:

[1]: Dẫn theo:  Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Văn hóa văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, trang 85.  

[2]: Theo số liệu thống kê dân tộc thiểu số ở Cà Mau tính đến 12/2006 do Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh Cà Mau cung cấp thì ở Thành phố Cà Mau có 1.538 hộ và 6.921 người Hoa.

[3]: Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ đất và người (tập 8), Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, trang 34-35.

[4]: Gia phả họ Ngô ở Cà Mau do Hội tông thân họ Ngô Cà Mau cung cấp cho nhóm tác giả vào năm 2006.

[5]: Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,2004, trang 142.

[6]: Hội Folklore Châu Á, Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb.Thế Giới, Hà Nội,  2006, trang 355.

[7]: Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ đất và người (tập 6), , Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, trang 564-565.

[8]: Trần Hồng Liên (chủ biên), Văn hóa người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, trang 140.

 

 

                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Hội Folklore Châu Á, Giá trị và tính đa dạng của Folklore Châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb.Thế Giới, Hà Nội,  2006.

2.      Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ đất và người (tập 6), , Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008

3.      Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nam bộ đất và người (tập 8), Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.

4.      Trần Hồng Liên (chủ biên), Văn hóa người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

5.      Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Văn hóa văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013.

6.      Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,2004.

 

 

Thông tin truy cập

64123516
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
114
15348
64123516

Thành viên trực tuyến

Đang có 406 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website