Chợ Tết Ba Tri

Chợ quê vào những ngày giáp Tết là một bức tranh văn hóa sinh động, nhộn nhịp với bao điều thú vị. Hình ảnh buổi chợ quê những ngày này vẫn in sâu trong ký ức bao thế hệ con người Việt Nam, vẫy gọi họ trở về với quê hương, nguồn cội. Còn với tôi, hình ảnh chợ Ba Tri vào những ngày giáp Tết, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thì không thể nào quên được và bỗng dưng nơi ấy lại làm bùng lên nỗi nhớ quê đến nôn nao lạ lùng trong tôi giữa phố thị Sài Gòn vào những ngày gần Tết ồn ào, vội vã.

Ba Tri là một vùng quê xa, nằm giáp biển của tỉnh Bến Tre. Cho đến giờ, tôi còn nhớ rõ những hình ảnh thân thuộc của chợ Tết Ba Tri chừng 20-30 năm về trước. Chợ Tết nơi đây bắt đầu nhộn nhịp, rôm rả hẳn lên từ ngày 20 âm lịch tháng Chạp.  Người dân từ các xã trong huyện nườm nượp đổ xô về đây mua sắm Tết. Họ mua đủ mọi thứ, từ vật dụng, quần áo, giày dép cho đến nhang đèn, bánh mứt, trà rượu để cúng kiếng và ăn uống trong ba ngày Tết. Sau ngày đưa ông Táo, chợ càng đông dần, người ta chen nhau đi chợ Tết từ sáng sớm cho đến tối mịt. Đáng nhớ nhất là những cửa hàng bán quần áo và những sạp bánh trà ở trong nhà lồng chợ Ba Tri chật ních, nhộn nhịp cảnh kẻ bán người mua. Nhưng có lẽ vẫn không thể sánh bằng những tiệm vàng ở gần nhà tôi lúc nào cũng đông nghịt khách. Ba Tri vốn là xứ biển, nên được thiên nhiên ưu đãi một nguồn tôm cá dồi dào. Vì vậy, vào dịp cuối năm, khi ghe đã vào bờ xong xuôi, các chủ ghe mới đi chợ Tết. Ngoài việc mua sắm đồ Tết, họ còn mua thêm vàng để tích lũy trong nhà. Dân làm nghề biển vốn trước giờ khá giả hơn các ngành nghề khác. Mẹ tôi nói rằng năm nào nghề biển thất bát thì cuối năm chợ quê eo sèo hẳn. Đó là điều mà không ai muốn. Tuy nhiên, đến trưa ngày ba mươi Tết, chợ Ba Tri vắng vẻ hẳn, hoàn toàn khác với những ngày trước đó. Lúc này, người ta đã cất hết hàng hóa và chợ cũng được dọn dẹp sạch sẽ như khoác lên mình bộ quần áo mới để kịp đón xuân về giữa một miền quê yên ả, thanh bình.

            Có hai hình ảnh mà đến giờ tôi không thể nào quên được mỗi khi nhớ về chợ quê những ngày cuối năm. Đó là sạp bánh mứt của một cô giáo cũ và cảnh một bà mẹ trẻ kĩu kịt đôi quang gánh trên vai sau một buổi chợ Tết. Ở gần phía nhà lồng chợ Ba Tri có một sạp bánh mứt mà mẹ tôi hay ghé mua mỗi năm và cũng để ủng hộ cho cô giáo của tôi. Thời đó, thầy cô giáo ở quê còn khó khăn, ngày Tết chỉ nhận được vài bọc đường, muối hoặc thêm chai nước tương, nước mắm từ nhà trường là nhiều lắm. Cô giáo tôi, vốn sẵn tính đảm đang và khéo léo, đã bày sạp bán bánh mứt ngoài chợ để có tiền sắm sửa Tết trong nhà. Bánh mứt do chính tay cô làm lúc nào cũng được mẹ tôi, một người vốn cẩn thận chuyện bếp núc, tấm tắc khen ngon và sạch sẽ. Hay theo mẹ ra chợ, nên tôi còn nhớ như in trên sạp có bày món mứt chùm ruột ngọt lịm đỏ sẫm, món mứt gừng vừa dẻo vừa cay, món mứt khoai ngọt bùi, món mứt dừa trắng tinh béo ngậy và ngon nhất là món mứt cà vừa dẻo vừa lạ mắt.  Cô còn bày thêm bánh in, bánh đậu xanh được bọc gọn gàng với đủ màu sắc trông rất đẹp bên cạnh những hộp trà được gói cẩn thận trong giấy đỏ. Sạp của cô ngồi bán nhỏ nhắn, được làm bằng tre và lúc nào cũng đông khách, toàn là phụ huynh mua ủng hộ nên chỉ đến ngày 28 Tết là hết hàng. Lúc này, cô giáo tôi mới bắt đầu chuẩn bị Tết cho gia đình. Do nhà tôi nằm ngay chợ, bận bịu mua bán quanh năm, nên anh em tôi, sau khi nghỉ học, lại tất bật phụ việc kinh doanh cho gia đình. Vì thế, tôi có dịp quan sát kĩ hình ảnh những người dân quê đi chợ Tết như thế nào. Và cho đến giờ, tôi thật không thể quên được, trong khung cảnh giữa chợ Tết đông đúc, vào một buổi sáng sớm, khí trời còn lành lạnh, hình ảnh một người phụ nữ còn trẻ đầu đội khăn, khuôn mặt cháy sạm, gánh trên vai đôi gánh với tiếng kêu kĩu cà kĩu kịt, một gánh thì lỉnh kỉnh toàn đồ sắm Tết cho gia đình, còn gánh kia là đứa con trai nhỏ của chị. Chị vừa gánh một lúc vừa lấy khăn lau mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt, còn thằng bé ngồi trong thúng có đôi mắt tròn, nhìn quanh nhìn quẩn cảnh chợ Tết rộn ràng, thỉnh thoảng miệng lại nở nụ cười tròn xoe. Chị đi một đoạn thì buông đôi gánh xuống nghỉ mệt, lấy chiếc nón lá úp trong trong thúng quạt nhanh rồi tiếp tục nâng gánh lên vai đi tiếp. Có lẽ con đường về nhà của chị xa lắm, tận ở ngoài miệt gảnh nên mới hối hả đi chợ sớm đến vậy.

            Chợ Tết Ba Tri còn là nơi tập trung những sản vật của ruộng đồng, vườn tược trù phú. Ở con lộ phía trước nhà tôi, vào những ngày giáp Tết, cứ độ ba giờ sáng trở đi thì nhộn nhịp cùng với tiếng kêu gọi í ới của những mua bán hàng bông. Người nông dân từ ở ngoài gảnh, trong giồng mang những thứ mà họ trồng được như củ hành tím, cải xanh, ớt, củ cải trắng, ngò om, hành lá...đến đây bán cho thương lái thu mua rồi đem đi nơi khác tiêu thụ. Trái cây bày bán đủ loại ngoài chợ như dừa xiêm, mảng cầu, đu đủ, xoài,... được chở từ miệt vườn Giồng Trôm, Châu Thành về chợ Ba Tri để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân địa phương. Nhớ nhất là những gánh hoa vạn thọ, cúc, mồng gà,...rực rỡ nhiều màu sắc vừa được người trồng nhổ vào buổi sớm mai để kịp mang đến chợ, nếu nhìn kỹ thì trên những cánh hoa này vẫn còn lấm tấm những hạt sương. Họ bày hoa ở một góc đường bên hông chợ, nơi có đông người qua lại, nên lúc nào cũng đắt khách. Còn ở phía cuối chợ Ba Tri, những chiếc ghe chở đầy dưa hấu được mua từ miệt Gò Công chuẩn bị chuyển dưa lên chợ để phục vụ bán Tết. Tôi thích nhất là cảnh một người đàn ông cởi trần trùi trụi đứng dưới ghe tung lên từng quả dưa tròn lẳng và một người khác thì đứng trên bờ đưa hai tay nhanh chóng bắt lại trong tiếng trầm trồ của người xem, và chẳng mấy chốc mà dưa đã được chất đầy vào cái sọt lớn. Đặc biệt, vào chiều 29 Tết, nhiều người mang những cành hoa mai chi chít nụ mà họ vừa chặt trong vườn nhà để mang ra chợ bán, kiếm thêm chút tiền trang trải trong nhà ba ngày Tết. Lúc này, người ta đổ xô ra chợ để chọn một cành mai đẹp mang về chưng trong nhà. Từ chiều cho đến tối, toàn bộ phía trước nhà lồng chợ là cảnh tượng một rừng mai nhấp nhô cao quá đầu người. Và trong làn gió biển thổi lồng lộng, người đi chợ Tết còn cảm nhận được hương thơm của hoa mai đang tỏa nhẹ theo gió làm cho lòng người thêm phấn chấn, nô nức đón không khí xuân đang về trên khắp nẻo đường quê.

            Chợ Ba Tri vào những ngày giáp Tết gần đây đã thay đổi, khác với khi xưa nhiều lắm. Một người bạn thân của tôi hiện đang sống ở chợ đã nói rằng chợ Tết chừng 15 năm nay chỉ đông vào mấy ngày cuối cùng của năm, tức ngày 28, 29 và 30 âm lịch. Thậm chí, cho đến tận tối ba mươi, người ta vẫn còn tranh thủ đi mua sắm Tết cho gia đình. Bạn giải thích rằng có lẽ trong thời buổi khó khăn này ai cũng phải tất bật lo toan cuộc sống nên thời gian chuẩn bị Tết không còn nhiều và dài như trước kia. Năm nọ, trên chuyến xe đò hối hả về quê sum họp với gia đình ngày cuối năm, một thanh niên độ chừng tuổi đôi mươi, mới đi làm công nhân ở Sài Gòn được 3 năm, ngồi cạnh tôi cho biết số tiền thưởng và lương tháng cuối cùng của năm được em dành dụm mang về để phụ giúp gia đình ăn Tết. Em kể rằng mấy năm nay nhà làm ruộng không có dư, nên cả nhà đợi em về mới có thể ra chợ sắm sửa một cái Tết đạm bạc cho gia đình.   

            Hình ảnh chợ Tết Ba Tri của những ngày xưa thật đẹp với nhiều kỉ niệm làm tôi không thể nào quên, nhất là mỗi dịp Tết đến. Nó đã làm sống lại trong tôi những hồi ức sống động về quê hương và gia đình mình.  

 Nguồn: báo Giác Ngộ Xuân Bính Thân 2016

Thông tin truy cập

62536150
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15523
16893
62536150

Thành viên trực tuyến

Đang có 197 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website