Nếp nhà thời mở cửa

      Trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng, trước giây phút từ trần, cụ Tú Lãm thì thầm dặn dò hai con của mình là Mai và Huy: “Lẽ tất nhiên, ai cũng phải chết. Các con không nên buồn. Lúc nào cũng phải vui thì mới đủ can đảm, đủ nghị lực mà sống ở đời. Hai con nên theo gương cha. Cha vui đến giờ cuối cùng. Cha hy vọng thế nào các con cũng làm vẻ vang cha, cho linh hồn cha ở nơi chín suối. Cha hy vọng thế nào em Huy cũng được thành tài và trở nên một người hữu dụng cho xã hội. Cha mất đi còn của cải gì để lại cho hai con. Cha chỉ có ba thứ gia bảo này ông cha để lại cho cha, nay cha truyền lại cho hai con mà thôi. Là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc”.

      Là thành viên sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng chắc chắn chia sẻ quan niệm của trường phái văn học này: “Theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự” (Mười điều tâm niệm). Tác phẩm của ông, cũng như của Nhất Linh, Hoàng Đạo…, là tiếng nói nghệ thuật phê phán chế độ đại gia đình, đấu tranh cho tự do yêu đương và hôn nhân, cho quyền lựa chọn hạnh phúc của người phụ nữ.

     Thế nhưng, qua hình tượng nghệ thuật, tác phẩm của Khái Hưng cũng cho thấy rằng quan niệm đó không có gì mâu thuẫn với những giá trị tích cực của gia đình Việt Nam, với những “gia bảo” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã làm nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều đó có thể gọi là nếp nhà Việt Nam.

     Trong xã hội nông nghiệp, cái nhà và nếp sống của người Việt gắn liền với văn hóa làng xã. Một mặt, những nét bảo thủ của tư duy tiểu nông và tâm lý con người bị vây bọc, che khuất giữa bốn lũy tre làng làm cho nếp nhà khó đổi mới trong một thế giới có phần tù đọng. Mặt khác, nếp nhà lại góp phần bảo tồn căn cốt của văn hóa làng xã, họ tộc mà “phép vua” cứng nhắc, khắc nghiệt nhiều khi không lay chuyển được. Lịch sử từng chứng kiến những thế lực đàn áp từ bên ngoài, khi tìm cách phá giềng mối của gia đình, làng xã, đã bị sức mạnh tiềm ẩn bên trong từng ngôi nhà liên kết với nhau để chống trả, khiến nó bị chặn lại ngay ở cổng làng.

Trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, nếp nhà bị rung chấn trước làn sóng xâm thực của văn minh đô thị. Ngày trước ông bà chúng ta từng lo âu, thậm chí hoảng hốt trước làn sóng hiện đại hóa. Người thiếu nữ trong thơ Nguyễn Bính chỉ mới ra tỉnh có một ngày, mang về một chút đổi thay, đã khiến người trai làng khổ tâm, hờn dỗi. Ngày nay bao nhiêu người con gái bỏ làng đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… và mang về những đứa con hai dòng máu trước con mắt ngỡ ngàng của các chàng trai hàng ngày vùi đầu trên chiếu nhậu. Họ đã “mất bao nhiêu người tình” trong cuộc “toàn cầu hóa” dị thường này.

Trong âm thầm, một bộ phận tuổi trẻ đang bứt ra khỏi sợi dây liên kết về tinh thần và nới dần khoảng cách với các thế hệ trước không phải chỉ vì họ đi xa tìm kế mưu sinh, mà vì họ có blog, có facebook để kết nối với một thế giới khác do những quy luật khác điều chỉnh. Toàn cầu hóa đang biến không ít người trẻ trở thành những “người xa lạ”, theo nghĩa hoàn toàn trung tính - nghĩa là chưa định giá là tích cực hay tiêu cực - ngay trên quê hương mình. Không phải quá lời, khi có người nói một cách hình ảnh rằng toàn cầu hóa đang đi vào phòng riêng của từng gia đình.

 Chủ nghĩa cá nhân cực đoan bị lên án không phải vì nó đề cao cá nhân, mà vì nó nó đối lập cá nhân với cộng đồng, đối lập cái riêng với cái chung, một người với mọi người. Trong triết thuyết hiện sinh, nếu có quan niệm xem “địa ngục chính là kẻ khác”, “sống trên đời là chịu đựng sự ngộ nhận”, thì cũng có chủ trương “sống là sống với”, “cá nhân phải hiệp thông với tha nhân”. Dường như là mâu thuẫn và khó hiểu, trong thực tế, chính một số người ra rả kêu gọi bài trừ chủ nghĩa cá nhân lại đang tìm cách thâu tóm mọi lợi quyền về cho cá nhân họ hay cho một nhóm lợi ích nhất định.

Dù sao, trong một gia đình bao giờ cũng có những điểm tương đồng và dị biệt giữa các thành viên. Giữ nếp nhà chính là phát huy cái chung tích cực để thắt chặt sợi dây liên lạc giữa những cá thể. Đôi khi mỗi thành viên phải giảm trừ cái riêng của mình để giữ nếp sống chung của gia đình. Đứng trước những xung đột không mong muốn, cả gia đình cần thảo luận trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau nhằm đi đến một giải pháp mà không thành viên nào cảm thấy mình phải hy sinh hay bị thiệt thòi. Chẳng hạn, ở thành phố hiện nay, đến ngày Tết các bậc cha mẹ luôn mong ước con cháu sum vầy, đoàn tụ; trong khi những người trẻ lại thích tranh thủ kỳ nghỉ dài để đi du lịch, trốn khách khứa. Cách giải quyết hợp tình hợp lý nhất là người trẻ nên dành đêm giao thừa và ngày đầu năm để họp mặt gia đình, chúc Tết ông bà, cha mẹ và khởi hành du lịch sau đó.

Ngược lại, những người cao niên không nên áp đặt quan niệm và lối sống của mình cho con cháu. Thế hệ đến sau có những vấn đề của họ mà những người đi trước, dù có nhiều trải nghiệm hơn, cũng không thể nào giải quyết thay họ được. Thậm chí, sự vấp ngã cũng là cần thiết cho hành trình dài lâu của họ trên cuộc đời này, như ông bà cha mẹ họ đã từng vấp ngã vậy thôi. Trong một số trường hợp, con cái phản ứng lại  cha mẹ không phải vì trong thâm tâm họ phủ nhận ý kiến đúng đắn của bậc sinh thành mà vì họ không chấp nhận thái độ gia trưởng đã không còn phù hợp với thời nay nữa.

Lâu nay một số người hay nói đến nguy cơ của thời mở cửa là hễ mở cửa thì gió mát và gió độc, hương thơm và rác rưởi cùng ùa vào nhà, làm như mở cửa là chuyện bất đắc dĩ. Người ta quên rằng một căn nhà mà đóng cửa kín mít thì người ở sẽ thiếu oxy, ngộp thở, có thể chết. Vấn đề không phải là mở cửa mà là mở cửa về hướng nào, về hướng ánh sáng của văn minh nhân loại hay về hướng bóng tối, hoàng hôn.

Thiết nghĩ, nguy cơ chủ yếu làm xói mòn nếp nhà hài hòa và truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc Việt Nam hiện nay không phải do mở cửa, hội nhập mà là do sự khủng hoảng về niềm tin khiến sợi dây liên lạc giữa các thế hệ bị đứt gãy. Để kết nối sợi dây này, cần phải dựng lại niềm tin từ những tấm gương trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nếp nhà chỉ được củng cố vững chắc khi giềng mối xã hội được củng cố; ngược lại nếp nhà được vun đắp thì dân tộc, đất nước có nền tảng vững vàng để đối phó với những biến động và thử thách.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc và Đời sống, số Xuân Kỷ Hợi 2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60755371
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9995
9281
60755371

Thành viên trực tuyến

Đang có 261 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website