Quan niệm về vô thường trong thơ từ thế (jisei no shi) của thiền sư Nhật Bản thời Kamakura và thơ thị tịch của thiền sư Việt Nam thời Lý - Trần

NGÔ TRÀ MI(*)

“Vô thường” là một khái niệm quan trọng, một trong tam pháp ấn (vô thường, vô ngã, Niết bàn) của Phật giáo, quy định cách nhìn của Phật giáo về sự hiện hữu. Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia thuộc khu vực Đông Á, chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Phật giáo, trong văn hoá, đời sống cũng như văn học. Khái niệm vô thường đã trở thành chìa khoá để lý giải nhiều hiện tượng văn học và mỹ học. Từ triết lý Phật giáo, khi bước vào văn chương, vô thường thường gắn liền với những chung cuộc, với sự tàn phai, tận diệt, với cái chết, vì đi đến tận cùng của sự đổi thay chính là cái chết. Đường ranh này của kiếp sống là cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ phương Đông. Đặc biệt, ở Đông Á, có hẳn một dòng thơ được sáng tác trước khi tác giả từ trần như là di ngôn và cũng là nơi gửi gắm chí bình sinh của người viết. Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm đến hiện tượng làm thơ trước khi viên tịch của các thiền sư Nhật Bản và Việt Nam. Cụ thể, thơ từ thế của các thiền sư Nhật Bản thời Kamakura (1185-1333) và thơ thị tịch của các thiền sư Việt Nam thời Lý - Trần (1009-1400) sẽ được đọc dưới cảm quan vô thường.

1.      Quan niệm vô thường trong văn học Nhật Bản, Việt Nam cổ điển

Vô thường (Sankrit: Anitya, Pali: Anicca, chữ Hán: 無常, tiếng Anh: Impernamence) là “ấn” đầu tiên trong Tam pháp ấn, ba phạm trù quan trọng trong nhận thức luận của Phật giáo về thế giới: Vô thường, Vô ngã, Niết bàn. Từ điển Phật học Huệ Quang định nghĩa về vô thường như sau: “Vô thường: Không thường trụ. Tất cả các pháp hữu vi sinh diệt đổi dời không thường trụ. Tất cả các pháp hữu vi đều do duyên sanh, nương theo 4 tướng sanh, trụ, dị, diệt; sanh diệt trong từng sát na, xưa không có mà nay có, nay có mà về sau không; nên gọi chung là vô thường…”(1) Theo từ điển Phật học của Damien Keown: ”mọi trạng thái đều luôn đổi thay và mọi vật đều bị huỷ hoại theo thời gian”(2).

     Vô thường là nguyên lý căn bản của Phật giáo trong cái nhìn về thế giới và cũng là con đường tu chứng của hành giả Phật giáo. Mọi sự vật, hiện tượng từ vật chất đến ý thức, từ hữu hình đến vô hình đều luôn biến dịch, không thường trụ. Đó là chân lý của sự hiện hữu. Từ nhận thức luận này, Phật giáo đề xuất tri kiến vô thường, nghĩa là một người muốn thoát khổ đau, vốn xuất phát từ nhận thức sai lầm cho rằng thế giới là thường hằng, thì phải biết an vui trong sự đổi thay của mọi sự. Khi có tri kiến vô thường, hành giả không còn tham đắm vào cõi thế gian sinh diệt nữa, thì sẽ dứt sạch tham, sân, si, đạt tâm giải thoát, không còn tái sanh vào cõi luân hồi trầm luân nữa.

1.1 Mujôkan (無常観- vô thường quan) trong văn hoá và văn học Nhật

Từ khế kỷ VI, Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ con đường Triều Tiên và Trung Hoa, triết lý vô thường cũng theo đó thể nhập tín ngưỡng, đời sống và văn hoá Nhật. Không chỉ dừng lại ở sự hiểu vô thường như những gì kinh điển Phật giáo triển khai, mujôkan đã thực sự có một đời sống riêng trong văn hoá Nhật, trở thành cội nguồn của nhiều quan niệm về nhân sinh và mỹ học Nhật Bản.

Ngay từ thời Heian với nền văn hoá vương triều, vốn hình thành từ những tâm hồn nhạy cảm, cái đẹp đã được cảm nhận trong sự thoáng chốc, phù du. Hoa rơi, sương sa, trăng lạnh, tuyết tan, nhan sắc chớm tàn… đã trở thành những hình ảnh của cái đẹp. Tình yêu thiên nhiên của người Nhật, từ sự cảm nhận về vô thường ấy, mà thường gắn với những cái chưa thành hình, không thành hình, không màu sắc, hay những sắc màu của tàn phai. Những tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ này như Truyện Genji (Genjimonogatari), thơ của Ono no Komachi, Izumi Shikibu… đều thể hiện cảm thức vô thường. Thời Kamakura, thời hưng thịnh của Thiền tông, sự nhận thức bản chất hư huyễn của đời sống càng ảnh hưởng đậm nét trong văn hoá Nhật, từ hoa đạo, nghệ thuật vườn cảnh… cho đến văn chương.

Nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản Nishio Minoru đã đề xuất phân loại vô thường quan thành hai phạm trù nhỏ hơn là: vô thường vịnh thán (詠嘆的な無常観) và vô thường tự giác (自覚的な無常観). Theo đó, Vô thường vịnh thán: Vì cõi thế vô thường, mọi sự sinh rồi diệt, khiến lòng người buồn thương; Vô thường tự giác: Vì cõi thế vô thường, ta nhận thức được vô thường là quy luật, thì ta sẽ khắc phục được sự buồn thương theo kiểu vô thường vịnh thán. (3) Đề xuất này của Nishio Minoru được nhiều người trong giới nghiên cứu văn học Nhật Bản chấp nhận và sử dụng.

 

Như vậy, từ vô thường trong triết lý Phật giáo đến vô thường quan trong văn hoá và văn chương Nhật đã phái sinh thêm sắc thái mới. Đó là sự cộng vào của cảm xúc, của tình cảm con người trên hành trình nhận chân nguyên lý vô thường của đời sống. Sự cộng vào này là tiếng lòng của con người, nơi đó văn chương cất tiếng.

1.2  Vô thường trong văn hoá và văn học Việt Nam

Phật giáo có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, ngay từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Phật giáo Ấn Độ đã được truyền sang Giao Chỉ, và đến thời Bắc thuộc thì Phật giáo Trung Hoa truyền vào càng mạnh mẽ. Quan niệm về vô thường đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ, văn hoá và ảnh hưởng nhiều đến văn chương, nghệ thuật.

Dòng văn học thành văn đầu tiên của Việt Nam, dòng văn học mang đậm màu sắc Phật giáo có không ít tác phẩm mang cảm quan vô thường của các Thiền sư, vua chúa, trí thức… Họ đều là người thâm nhập triết lý Phật giáo, trên nhãn quan đó mà chiêm nghiệm thế giới và nhân sinh. Cảm thức vô thường vẫn còn theo tâm thức Việt Nam đến tận thời hiện đại. Đọc Tản Đà, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện… ta đều thấy ẩn hiện bóng dáng của sự cảm nghiệm vô thường.

Như thế, cảm quan vô thường đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Cũng như đối với văn học Nhật Bản, đây có thể là chìa khoá quan trọng để cảm hiểu và đọc được những chiều sâu trong văn chương Việt.

2.      Thơ từ thế và thơ thị tịch của các thiền sư Nhật Bản và Việt Nam dưới cảm quan vô thường

2.1 Truyền thống làm thơ trước khi viên tịch của các Thiền sư

Thiền tông khởi phát từ Trung Hoa vào thế kỷ VI, là sự tiếp nối và đơm hoa khi hạt giống Thiền nguyên thuỷ Phật giáo Ấn Độ gặp mảnh đất màu mỡ của triết lý Lão Trang Trung Hoa. Từ đấy, Thiền tông truyền khắp các xứ Đông Á, và trở thành một trong những dòng mạch chính của văn hoá và tín ngưỡng. Bên cạnh niềm tin vào thế giới Tịnh Độ nơi có Đức Phật A-di-đà phóng quang tiếp độ người tín tâm sau khi chết của đại đa số quần chúng, các Thiền giả đối diện với cái chết như là một lần ngộ ra chân lý vô thường, và cũng là một cơ hội để chứng đắc. Thiền tông đề cao sự tự lực, quán sát nội tâm để đạt đến giác ngộ. Khoảnh khắc đứng giữa hai bờ sinh tử là khoảnh khắc trọng đại, ở đó Thiền giả có thể ngộ được bản tánh chân như. Vì thế, giờ khắc viên tịch là giờ khắc tối quan trọng trong hành trình của một Thiền giả. Lịch sử còn ghi lại nhiều cái chết phi thường của các vị Thiền sư, khi mà họ đã ngộ được bản tâm, làm chủ được sinh tử. Eisei (1141-1215), một trong những Thiền sư đặt nền móng cho Thiền tông Nhật Bản, đã có một cái chết kì lạ. Ngài tự biết ngày mình viên tịch, và đã đi về Kyoto để “chỉ cho mọi người biết chết là như thế nào”. Về kinh đô, ngài gặp một đám đông và đến ngồi giữa họ trong tư thế hoa sen, Thiền định rồi chết. Nhưng các đệ tử của ngài phàn nàn rằng sao thầy lại mất đột ngột như vậy, thế là ngài sống lại. Năm ngày sau, ngài mất cũng trong tư thế ngồi Thiền(4). Các Thiền sư được kể đến trong Thiền uyển tập anh của Việt Nam, hành trạng cuộc đời, đặc biệt là cái chết của họ đều có những điểm dị thường. Thiền sư Từ Đạo Hạnh trước khi mất còn để lại bài kệ như một lời sấm truyền về việc tái sinh của mình sau đó. Hầu hết cái chết của các Thiền sư trong Thiền uyển tập anh đều diễn ra trong tư thế ngồi thiền, rồi sau đó, đệ tử hoả táng xác thân, thu được nhiều xá lợi, có vị còn lưu lại nhục thân bất chấp thời gian và binh lửa.

Truyền thống làm thơ trước khi tịch của các Thiền sư khởi phát từ Trung Hoa và trở nên phổ biến ở các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và Việt Nam. Để lại thơ là một phương cách các Thiền sư ghi lại sự chứng đắc của mình với giáo pháp và cũng là điều răn dạy cuối cùng với đệ tử. Không phải Thiền sư nào cũng có thơ thị tịch, nhưng hầu hết các Thiền sư đều để lại một bài thơ để lưu lại với đời. Trong các công trình nghiên cứu về thơ từ thế của Thiền sư Nhật, nhiều nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng liệu các bài từ thế có phải được làm ngay trước cái chết của các Thiền sư. Ngay từ thế kỷ 15, trong công trình Nomori no Kagami, tác giả đã viết rằng: “Tôi không biết ở Trung Hoa thế nào, nhưng ở đất nước chúng ta Thiền sư đều làm thơ từ thế. Họ hầu hết làm thơ trong khi vẫn còn khoẻ mạnh và lúc chết thì giả vờ sáng tác ngay tức thời. Một số bài không có giá trị gì cả, số khác lại là những bài thơ đáng giá”(5).

Ở Việt Nam, hành trạng của các Thiền sư Lý Trần, chủ yếu được thuật lại trong Thiền uyển tập anh đều có nhiều chi tiết dị thường, phi thường; và liệu thơ thị tịch của các thiền sư Việt Nam được làm ngay khi đối diện với cái chết, hay làm trước đó có thể vẫn là một vấn đề tồn nghi.

Truyền thống làm thơ từ thế, thị tịch trước khi viên tịch của các Thiền sư Nhật Bản và Việt Nam là một hiện tượng văn hoá thú vị và độc đáo. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm điểm giao nhau giữa hai nền văn học vốn ưu tư về cái chết là Nhật Bản và Việt Nam. Và điểm giao nhau đó chính là thơ làm trước khi từ trần. Ở Việt Nam, cùng với văn hoá Thiền tông, các nhà sư thường làm thơ trước khi mất để căn dặn đệ tử và tỏ sở ngộ về đạo của mình. Các bài thơ này thường không có tên và thường được người đời sau gọi là “thị tịch” (bảo trước khi chết). Hiện tượng văn học này hoàn toàn tương ứng với từ thế của các thiền sư Nhật Bản. Chính vì thế, chúng tôi chọn đọc cả hai dòng thơ này, và khoanh vùng trong thời Kamakura (1185-1333) và thời Lý-Trần (1009-1400), cả hai thời đại Thiền tông đều cực thịnh ở Nhật Bản và Việt Nam, để từ đó nhìn thấy được các điểm tương đồng và khác biệt của cùng một hiện tượng văn hoá ở hai quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo này.

3.2 Nhận diện vô thường - sự gặp nhau của các thiền sư Nhật Bản và Việt Nam khi đối diện cái chết

Như trên đã trình bày, vô thường là nguyên lý căn bản trong nhận thức luận Phật giáo. Thế giới hư huyễn, vạn vật đều như bóng mây, có đó rồi mất đó. Con người cũng vô thường, trong từng sát na đều chứa đựng chu trình sinh diệt. Hơn đâu hết, cái chết là thời khắc biểu hiện rõ nhất tính chất vô thường của đời sống. Các Thiền sư, mà cứu cánh cuộc đời là giác ngộ và giải thoát, đã thường xuyên quán niệm vô thường trong hành trình tu học của mình. Đến thời khắc đối diện sinh tử, vô thường lại một lần nữa trình hiện trước mắt như là chân lý của đời sống mà thiền sư trực nhận được.

Nếu phân loại vô thường như nhà nghiên cứu Nishio Minoru, thì hầu hết thơ của các thiền sư, cả Nhật Bản và Việt Nam đều mang cảm quan “vô thường tự giác”, nghĩa là nhận diện vô thường như một lẽ tự nhiên, là bản chất của đời sống. Thơ của các Thiền sư rất hiếm khi gợn cảm xúc buồn thương, tiếc nuối, dù chỉ là cái buồn man mác của cảm thức mono no aware. Ta sẽ không thể bắt gặp cảm quan vô thường theo kiểu “Hoa đào ơi/Nhan sắc phai rồi/ Hư ảo mà thôi/ Tôi nhìn thăm thẳm/ Mưa trên đời tôi” của Ono no Komachi (Nhật Chiêu dịch); cũng sẽ không gặp nỗi buồn “bãi biển nương dâu” theo kiểu “Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư/ Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” trong Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du. Cảm quan vô thường trong thơ của các thiền sư nhẹ nhàng, khinh khoái, hiển bày sự tàn phai, đổi thay của sự vật như vốn dĩ nó phải là như thế. Đọc thơ của Thiền sư, dù là viết về vô thường, nhưng lòng người không bị dẫn dụ theo cái “tưởng” bên ngoài hiện tượng, bởi cái nhìn của Thiền sư là cái nhìn trực nhận, cái nhìn “như thị”.

Thi ảnh được sử dụng để diễn đạt cái thấy vô thường của các Thiền sư rất phong phú. Những thi ảnh đó phần nào thể hiện đặc điểm riêng của hai nền văn học. Trong bài kệ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), vòng luân hồi của sinh-diệt, sự vô thường của tự nhiên và nhân sinh được hiển lộ bằng hình ảnh hoa rụng, hoa nở, tóc người bạc theo tháng năm:

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai…”(6)

Vô thường với thiền sư không chỉ là tàn phai, tận diệt, mà còn cả khai sinh, tươi mới. Mỗi sự biến dịch đều là biểu hiện của vô thường. Thiền sư Mumon Gensen (1322-1390), trong bài từ thế của mình cũng viết về vô thường như thế:

“Đời như đám sương sa

Hiện ra từ hang núi

Chết thì

Như trăng trôi

Trên bầu trời vô tận

Ai mải miết truy tầm

Ý nghĩa nào chân thực

Chẳng khác gì lừa kia

Bị buộc thân vào cọc” (7)

Sống và chết đều chỉ là sương sa, là trăng trôi, thoáng ẩn, thoáng hiện, hợp rồi tan, tan rồi hợp. Vì thế thiền sư mới khuyên đệ tử đừng chạy theo hình tướng trăng trôi, sương sa vô thường đó mà quên mất đổi thay chính là bản chất. Nếu thế, thì chẳng khác nào con lừa bị cột vào cái cọc, đời đời không vượt qua khỏi ải tử sinh.

Thiền sư Kaso Sodon (1351-1428), thầy của thiền sư Ikkyu (Nhất Hưu), thì lại nhìn sự vô thường của kiếp sống như một giọt nước đông lại giữa ngày giá lạnh trong bài từ thế của mình:

“Giọt nước đông lại ngay

Bảy bảy năm cuộc đời

Đổi thay trong ngọn gió

Dòng nước từ lửa ra”.

Giọt nước đông lại, và bảy bảy năm cuộc đời! Thế nhưng, khi nước và lửa, tử và sinh được nhìn thấu triệt trong ngọn gió của sự giác ngộ, thì sự vô thường của giọt nước kia chẳng thể khiến lòng người xao động, tiếc nuối.

Lẽ sinh- tử, tử- sinh, thường vướng bận thế gian, hoặc khiến con người hoang mang sợ hãi, hoặc khiến họ tìm cách sống vội sống gấp để trốn chạy, đối với các Thiền sư lại nhẹ như không. Trần Thánh Tông (1240-1290), vị vua thứ hai đời nhà Trần, khi đối diện với cái chết, đã xuất khẩu thành những vần thơ bất hủ như sau:

“Sinh như trước sam,

Tử như thoát khố

Tự cổ cập kim

Cánh vô dị lộ”

(Sống như mặc áo

Chết như cởi quần

Xưa nay vô cùng.

Không đường nào khác - Nhật Chiêu dịch) (8)

Sinh và tử chẳng khác nào mặc áo và cởi quần. Biết thân này là vô thường, thì cái chết cũng chỉ là một sự thay đổi cái vỏ này để khoác vào cái vỏ khác. Sinh tử vốn cam go nhưng lại nhẹ nhàng, có phần trào tiếu trong con mắt của người ngộ đạo. Thiền sư Kozan Ichikyo (1283-1360) thì lại viết thế này về sinh tử:

“Tay trắng đến thế gian

Chân trần rời cõi thế

Sự đến và sự đi

Xảy ra chừng đơn giản

Sao lại từng vấn vương!”

Kozan làm bài thơ này vào buổi sáng của ngày ông viên tịch. Lẽ vô thường, sự có-không, sinh-tử thiền sư đều hiểu hết, nhưng khi đối diện với cái chết, rõ ràng cũng đôi chút vấn vương, sự vấn vương rất người, không phải của một bậc đã hoàn toàn giác ngộ, mà của người đang đi về phía ánh sáng ấy, đang trên hành trình từ mê sang ngộ.

Cũng với tâm tình ấy, bài từ thế của Thiền sư Doyu (1200-1256) đầy băn khoăn:

“Năm sáu năm đời tôi

Không phép mầu xuất hiện

Chư Phật cùng chư Thánh!

Tôi tự hỏi trong tâm

Nếu giờ này hôm nay,

Tôi lìa xa thế giới

Sẽ không có gì cả

Ngày qua lại ngày

Mặt trời có mọc ở đằng Đông?”

Những câu hỏi và băn khoăn của Doyo chính tự thân nó đã hàm ẩn câu trả lời. Chẳng có phép mầu nào cả, ngoài lý lẽ vận hành của tự nhiên. Mặt trời mọc ở phương Đông, có sinh rồi có diệt!

Các Thiền sư Nhật Bản và Việt Nam, trên cái nền chung của giáo lý Phật giáo, đã thể hiện trong những bài thơ từ thế và thị tịch của mình sự thấu triệt bản chất vô thường của đời sống. Sự nhận diện này là bước khởi đầu trong hành trình giác ngộ của các thiền sư.

3.3 Siêu việt vô thường - cách Thiền sư ứng xử với cái chết

Mọi hiển bày ở cõi thế đều là ảo mộng, là giọt sương, là bóng chớp, là trăng trôi, là sương phủ… Trong khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sinh tử, Thiền sư lại càng thâm ngộ chân lý đó. Không chỉ là nhìn nhận sự biến ảo, thiền sư còn siêu việt vô thường, nhận ra sự thường hằng của chân tính, của Bản lai diện mục. Thiền sư Đào Thuần Chân (?-1101), trong bài kệ trước khi mất dạy đệ tử là Bản Tịch, đã trực nhận “chân tính”:

“Chân tính thường vô tính

Hà tằng hữu sinh diệt

Thân thị sinh diệt pháp

Pháp tính vị tằng diệt”

(Chân tính thường không tính

Sinh diệt có bao giờ

Thân là nguồn sinh diệt

Pháp tính vẫn như xưa – Đỗ Văn Hỷ dịch) (9)

Cũng như thiền sư Mãn Giác buông hai câu cuối trong bài Cáo tật thị chúng:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai)

 Nhành mai của thiền sư là nhành mai bất diệt của Pháp tính. Sự rơi rụng, đâm bông của cõi thế vô thường cứ vần xoay luân chuyển, còn nhành mai kia là nhành mai đã vượt thoát sinh tử, đã siêu việt vô thường. Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) gọi pháp tính này là “liên phát lô trung” (sen trong lò lửa), dù bị nung nhưng vẫn thường tươi.Thiền sư Bảo Giác (?-1173) thì ví chân tính với “thuỷ thuỷ tâm nguyệt dẫn tâm nghi” (như bóng trăng nằm dưới đáy đại dương).

Thiền sư Zoso Royo (1195-1276), sau 84 năm học Phật, cuối cùng thấy rằng mình chưa từng tới nơi đây, không ta, cũng không người. Trong cái đêm đứng giữa hai bờ sinh tử ấy, thiền sư chỉ thấy trăng chiếu, chỉ nghe gió hát trên cành thông, chỉ nghe bản nhiên tĩnh tịch từ cõi chân như gọi về. Còn lại, pháp thế gian, là không, là hư huyễn, là bất nhị. Zoso đã gặp Trúc Lâm Điều Ngự, đã gặp Ngộ Ấn, gặp Mãn Giác… nơi cõi không, nơi Phật tánh, nơi Niết bàn.

     Các Thiền sư, trong phút giây đối diện với sự nghiệt ngã nhất của vô thường là cái chết, lại điềm nhiên, tĩnh tại vì các vị đã vượt lên trên vô thường, đã nhìn vạn pháp trong cái nhìn vô sai biệt.

Kết luận

Làm thơ trước khi chết là một hiện tượng văn hoá, văn học độc đáo ở Đông Á, đặc biệt là ở Nhật Bản. Riêng với trường hợp của các Thiền sư, sinh hoạt Thiền môn của Thiền sư Nhật Bản và Việt Nam đã gặp nhau, hầu hết các Thiền sư trước khi viên tịch đều để lại thơ tỏ sở ngộ của mình và căn dặn đệ tử, Nhật Bản gọi là Jisei (từ thế), Việt Nam gọi là thơ thị tịch.

Trong bài viết này, chúng tôi đã khảo sát từ cảm quan vô thường thơ của các Thiền sư hai nước dưới thời Kamakura (1185-1333) và thời Lý- Trần (1009-1400), thời đại Thiền tông phát triển rực rỡ và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, văn hoá của nhiều tầng lớp trong xã hội. Thiền tông khởi đi từ Trung Hoa, mặc dù văn hoá bản địa của mỗi nước tiếp biến văn hoá Thiền tông theo những cách khác nhau, song với những nhận thức luận căn bản như vô thường, vô ngã, tánh không… thì hầu như Thiền Việt Nam hay Thiền Nhật Bản đều gặp nhau trong chỗ tinh yếu nhất. Chính vì thế, qua khảo sát các bài thơ từ thế và thị tịch của các Thiền sư, ta thấy cảm quan vô thường về thế giới, về cái chết của họ dường như không sai biệt. Có khác chăng, chính là cách thể hiện, là thi ảnh mà thiền sư sử dụng để diễn đạt tư tưởng về vô thường. Đặt thơ của các thiền sư Nhật Bản và Việt Nam gần như cùng thời đại cạnh nhau, ta có thêm một minh chứng cho sự đồng quy của những nền văn hoá có cùng một khởi phát. Tìm về cội nguồn và phái sinh của những hiện tượng văn hoá đồng quy này là một hướng nghiên cứu hứa hẹn nhiều điều thú vị.

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­_________________________

(1)   Thích Minh Cảnh (chủ biên): Từ điển Phật học Huệ Quang tập 7, Nxb. Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2010, tr 6116-6117

(2)   Damien Keown: Dictionary of Buddhism, Oxford University Press, 2003, pg.15

(3)   Sekiguchi Tadao: Nihon Bungaku Kenkyu ni okeru Mujoukan nitsuite, Niho Bunka Kenkyu 44, 1-14, 15-2-2005.

(4), (5), Yoel Hoffmann: Japanese Death Poems Written by Zen Monks and Haiku Poets on the Verge of Death, Tuttle Publishing, Boston, USA, 2086, pg. 66, 75, 75.

(6)  Nhiều tác giả, Thơ văn Lý Trần tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 298-299.

 (7) Japanese Death Poems Written by Zen Monks and Haiku Poets on the Verge of Death. Tất cả các bài từ thế trong bài viết này đều do tác giả bài viết dịch từ bản tiếng Anh.

 (8) Nhật Chiêu, Vần thơ sinh tử của Vô Nhị Thượng Nhân, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, số 8, 2008.

(9)  Nhiều tác giả, Thơ văn Lý Trần tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 316.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5.2014, tr. 77-87 

 



(*) ThS. – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH và NV – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Thông tin truy cập

60517891
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9402
12997
60517891

Thành viên trực tuyến

Đang có 263 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website