Đặc điểm sáng tác của truyện thơ Thái Lan

 (Đào Thị Diễm Trang, Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 - 2015)

      DẪN NHẬP

           Từ khoảng thế kỷ XVII trở đi, truyện thơ trở thành thể loại văn học chủ đạo tại khu vực Đông Nam Á. Nguyễn Tấn Đắc nhận định: “Đến những thế kỷ XVII, XVIII, XIX, nền văn học viết truyền thống đạt đến đỉnh cao của nó. Ở Việt Nam xuất hiện Truyện Kiều và hàng loạt tác phẩm khác. Ở Lào có Xỉn Xay và nhiều truyện thơ. Ở Thái có Khủn Cháng Khủn Phẻng, Aphaymani. Ở Inđônexia có hàng loạt Hikayat, Sjair.”[1]. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là truyện thơ Thái Lan đã bắt kịp dòng chảy văn học của khu vực và phát triển mạnh qua rất nhiều thành tựu như: Ramakien, Inao, Phra Lo, Sang Thong, Chanthakhorop (Mora), Krai Thong, Nàng Kaeo mặt ngựa,  Khun Chang Khun Phaen, Phra Abhai Mani… Để có được các tác phẩm truyện thơ này, công lao của các vị vua Thái Lan thời kì Chakri là không hề nhỏ. Ý thức gầy dựng lại nền văn học của vương quốc sau cuộc binh biến với người Miến Điện năm 1767 đã khiến các vị vua Rama và lực lượng thi sĩ cung đình dốc sức sáng tạo nên các tác phẩm truyện thơ. Về phương diện nội dung, truyện thơ Thái Lan được sáng tác tựa trên ba yếu tố: thứ nhất, tiếp biến sử thi, kịch thơ, thơ Ấn Độ; thứ hai, tận dụng lại nội dung của nguồn truyện cổ bản địa; thứ ba, sử dụng các đề tài lịch sử xã hội. Bài viết này giới thiệu hai trong số các đặc điểm sáng tác của truyện thơ Thái Lan: đặc điểm của đội ngũ sáng tác và đặc điểm của nội dung sáng tác.

1. Đặc điểm của đội ngũ sáng tác

Truyền thống say mê văn chương của cung đình Thái Lan bắt đầu từ thời có chữ viết (thế kỷ XIII) cho đến thời hưng vượng và hậu chiến. Ramkhamhaeng là vị vua đã có công sáng lập bảng chữ cái bằng tiếng Thái và bản thân ông cũng là người đặt nền móng cho văn học viết Thái Lan với thể loại văn bia. Trước khi có bảng chữ cái tiếng dân tộc, người dân Thái Lan ở phương Bắc sử dụng chữ viết Trung Quốc, Môn – Miến và Ấn Độ, còn những người ở phương Nam lại kế thừa chữ viết của Lào và Khmer. Các vị vua sau Ramkhamhaeng như Lithai, Narai, Rama I, Rama II, Rama III… đều chủ trương sáng tác và có các hội thi sĩ hoàng cung. Sáng tác ở cung đình Thái Lan không nằm ngoài các mục đích làm giàu nền văn học – văn hoá, truyền bá, lưu giữ và biểu diễn.

           Các vị vua và nhà thơ cung đình có công đáng kể trong việc sáng tác truyện thơ Thái Lan là Narai, Siprat, Rama I, Rama II, Sunthorn Phu... Đặc biệt, những truyện thơ nổi tiếng hàng đầu Thái Lan đều ra đời vào thời kỳ vua Rama II. Ở đây, chúng tôi điểm qua các vị vua và các quan cung đình đã có công lớn trong việc sáng tác truyện thơ:

Thời Ayutthaya:

           Boromatrailokkanat (1448 – 1488) là vị vua khởi đầu cho chủ trương nhuận sắc các tác phẩm văn học Phật giáo Ấn Độ, cụ thể là Jataka. Bộ sách Maha Jataka của ngài được viết bằng tiếng Pali, thuật lại các kiếp của Đức Phật, trong đó, nổi bật nhất là kiếp kế cuối của Đức Phật. Kiếp này được Boromatrailokkanat đặt là Đại kiếp. Về sau, truyện thơ này trở thành một tác phẩm độc lập, thường được biết với tên Vessantara Jataka. Một sáng tác khác được xem như của vua Boromatrailokkanat là Phra Lo.

           Narai (1656 – 1688): Thời đại của vua Narai luôn được các nhà nghiên cứu văn học và nhân dân Thái Lan thừa nhận là thời vàng của thi ca hay thời thi ca trăm hoa đua nở. Bản thân nhà vua vừa là một nhà thơ xuất sắc vừa là chủ soái trong các phong trào sáng tác. Hàng loạt nhà thơ tài năng xuất hiện vào thời vua Narai: Phra Maharajkru (sư phụ của Narai), Phya Horathibotdi, Siprat, Phra Si Mahosot, Khun Tepkawi, Khun Prom Montri, Khun Si Kawiraj và đặc biệt là một số nhà thơ nữ tại cung đình. Những truyện thơ quan trọng của Narai là: Samuthakhot, Palee dạy em trai, Tosarot dạy Rama. Riêng tác phẩm Phra Lo vẫn chưa phân định được tác giả, vì đến nay giới nghiên cứu vẫn có hai luồng ý kiến, một cho rằng Phra Lo là sáng tác của vua Boromatrailokkanat (1448 – 1488), một cho rằng của Narai.

Thời Rattanakosin:

           Rama I (1782 – 1809) có vai trò quan trọng trong việc phục dựng các giá trị văn học Thái Lan sau cuộc tàn phá của người Miến Điện năm 1767. Ngoài một số tác phẩm phục vụ chính trị như tập nirat thuật lại cuộc chiến đấu với người Miến Điện tại Tadindaeng và một bộ luật hoàng gia, các tác phẩm khác của Rama I vẫn đi theo khuynh hướng truyền thống, cụ thể là: dựa vào nội dung văn học Phật giáo (Tripitaka, Jataka) để nhuận sắc lại; cho người đi ghi chép, sưu tầm lại các tác phẩm bị thất lạc; viết lại một số truyện thơ có giá trị như Ramakien, Kaki, Inao... một cách độc lập hoặc phối hợp cùng hội thi sĩ cung đình. Đóng góp mang tính bước ngoặt dưới thời Rama I là việc ông ủng hộ sáng tác và dịch văn xuôi.

           Rama II (1767 – 1824) có lẽ là vị vua nổi danh nhất thời Rattanakosin về tài năng văn chương và tâm sức dành cho văn chương. Những tác phẩm truyện thơ xuất sắc nhất của Thái Lan đã ra đời vào thời vua Rama II như: Inao, Sang Thong, Krai Thong, Khun Chang Khun Phaen, Phra Abhai Mani… Đóng góp lớn nhất của Rama II là việc kết nối sáng tác thơ ca với nghệ thuật biểu diễn cung đình, khiến hai loại hình này gần như thành một thể thống nhất. Những  truyện thơ ông viết đều được diễn xướng bằng các hình thức khon, lakhon, nang, hát…

           Sunthorn Phu (1786 – 1856) là viên ngọc sáng, niềm tự hào của văn chương Thái Lan. Ông là nhà thơ hiếm hoi sống qua bốn triều đại, từ Rama I đến Rama IV, nếm trải đủ vinh quang lẫn cay đắng. Nếu so sánh cuộc đời Sunthorn Phu với Nguyễn Du, chúng ta có thể thấy một số điểm tương đồng thú vị như: cùng là những đại thi hào dân tộc, cùng lăn lóc thăng trầm chốn hoàng cung, cùng viết thể loại truyện thơ và đạt đến đỉnh cao của thể loại này, cùng có những tác phẩm thuộc loại “hành” (tiếng Thái là nirat) trên đường đi sứ hoặc ngao du, cùng được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới… Hai truyện thơ nổi tiếng nhất của Sunthorn Phu là Khun Chang Khun Phaen (viết chung) và Phra Abhai Mani (viết độc lập).

           Đặc điểm nổi bật của các vị vua Thái Lan là: dù ở triều đại nào, họ luôn quan tâm đến việc xây dựng nền văn học quốc gia, xem sáng tác như một nhiệm vụ xuyên suốt của triều đình, có hệ thống và kế hoạch hẳn hoi. Điều này làm ta liên tưởng đến văn học thời Đường ở Trung Quốc hoặc thời Lý – Trần ở Việt Nam. Việc sáng tạo văn chương với họ không chỉ là một thú tiêu khiển khi nhàn nhã mà còn mang mục đích truyền bá tôn giáo, chính trị và giáo dục đạo đức cho dân chúng. Ngoài việc sáng tác, các vị vua Thái Lan còn quan tâm đến việc dịch văn học. Nếu như việc dịch các văn phẩm Ấn Độ là nguyên nhân quan trọng khiến cho văn học Thái Lan đi một chặng đường dài bằng đôi chân thơ suốt hơn bảy trăm năm thì việc dịch Tam quốc diễn nghĩa (Sam Kok, thời Rama I) đã mở đầu cho trào lưu viết văn xuôi ở Thái. Dù Sam Kok còn cố gắng lưu giữ nhịp kể êm tai nhưng tác phẩm đã được nhận định là tác phẩm đầu tiên “dịch bằng văn xuôi chứ không phải bằng thơ” [2]. Dù vậy, mãi đến giữa thế kỷ XIX, văn xuôi Thái Lan mới phát triển khi công nghệ in sách xuất hiện vào triều vua Rama III.

           Một điểm đáng chú ý khác của văn chương cung đình Thái là sự kế thừa, tiếp nối những giá trị văn học của người đi trước hết sức đậm nét. Những tác phẩm có giá trị, được cả nước ưa chuộng trước đây sẽ được nhà vua của triều đại mới quan tâm, lên kế hoạch cho bản thân và hội thi sĩ cung đình viết đi viết lại với nhiều thể loại, thể thơ khác nhau. Cũng vì tính chất này mà văn chương Thái mang dấu ấn tập thể rõ nét. Điều này khiến văn học Thái rất khác với văn học viết Việt Nam và nhiều nền văn học khác trên thế giới, vốn mang dấu ấn cá nhân và hiếm có một tác phẩm nào của người đi trước được người đi sau khai thác lại.

           Nhờ hoạt động sáng tác được xem trọng, các thể thơ và thể loại văn học nghệ thuật đậm tính dân tộc lần lượt ra đời và phát triển dưới triều đại của các vị vua Thái. Sáng tác để phục vụ biểu diễn là một trong những mục tiêu quan trọng thời Rattanakosin. Do đó, cùng với truyện thơ, các loại hình nghệ thuật khác cũng phát triển như nang (rối), khon (ca kịch mặt nạ), lakhon (vũ kịch)… Chúng phối hợp, đan xen qua lại với truyện thơ. Có những truyện thơ sau khi được sử dụng để biểu diễn lại được thêm thắt một bài hát hay những bài thơ nhỏ, và ngược lại, khi được tái diễn, nhiều vở diễn lại có thêm thoại là lời thơ. Những thể loại thịnh hành trong văn học nghệ thuật Thái là nirat, sepha, lilit, phleng yao (thể loại văn học); nang, lakhon, khon (thể loại biểu diễn)… Về thể thơ, các thể tiêu biểu và được sử dụng với tần số cao là khlong, rai, kap, chan, klon...

           Vì thể loại, thể thơ khá phong phú và nhiều tác phẩm được viết đi viết lại nên tên của truyện thơ Thái thường đi kèm với thể loại, thể thơ, ví dụ Khlong Kamsuan Siprat, Nirat London, Lilit Phra Lo… Mỗi một tên gọi tác phẩm đính kèm thể loại, thể thơ gợi cho độc giả, khán giả hình dung ra những đời sống khác nhau của cùng một cốt truyện. Vì lẽ đó, dù cốt truyện có vay mượn hay bắt nguồn từ truyện xưa tích cũ, truyện thơ Thái Lan vẫn hấp dẫn và mang màu sắc mới lạ. Cái mới không nằm ở nội dung mà ở phương thức thể hiện. Do vậy, khi tìm hiểu văn học Thái Lan, chúng ta cần phải quan tâm đến thể loại để phân biệt những văn bản của những thời kỳ khác nhau, thậm chí cùng một thời kỳ. Như vậy, có thể khẳng định rằng, đóng góp lớn nhất của truyện thơ Thái Lan hay văn chương Thái Lan cho văn học thế giới không nằm ở nội dung mà ở hình thức thể hiện. Quan tâm và chăm chút cho các sáng tạo mới là thử thách và là trọng trách của các thi gia Thái Lan.

           Về cốt truyện và nhân vật, dù là vay mượn hay tự sáng tạo, các truyện thơ Thái Lan đều cho thấy sự liên quan mật thiết đến yếu tố cung đình. Nhiều truyện thơ phản ánh các cuộc chiến tranh bảo vệ bờ cõi, chiến công của các tướng lĩnh và sự anh minh của nhà vua (Khun Chang Khun Phaen, Phra Abhai Mani…). Vai trò của nhà vua vừa giống vua trong truyện cổ tích vừa phản ánh sự quyền lực tối cao của họ trong thực tế của vương quốc Thái Lan. Nhân vật vua Phanwasa trong Khun Chang Khun Phaen chính là hình ảnh của vua Rama II. Những đoạn miêu tả nhà vua đều rất trang trọng và giàu hình tượng. “Đức vua oai phong lẫm liệt cai trị cả vương quốc đã xuất hiện. Trước ngài, mọi thứ đều phải thuần phục, và tất cả những nước chư hầu đều phải cúi đầu bày tỏ sự tôn kính với ngài trong khiếp sợ.”[3]

           Bên cạnh đó, dù trắc trở hay hạnh phúc, các chuyện tình trong truyện thơ Thái Lan đều liên quan đến tầng lớp quý tộc cung đình. Những tác phẩm như Inao, Phra Lo, Phra Abhai Mani, Chanthakhorop... đều có nhân vật chính là vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa… Khun Chang Khun Phaen được xem là dân dã nhất trong các truyện thơ Thái Lan nhưng hai nhân vật chính là Khun Phaen và Khun Chang đều có nguồn gốc xuất thân từ những gia đình quan lại. Riêng Khun Phaen còn có một quá trình làm quan cho triều đình, ra trận đánh giặc ngoại xâm… Các rắc rối của Khun Phaen cũng như hậu duệ của nhân vật này đều liên quan mật thiết đến triều đình.

Nhìn chung, thành phần chủ yếu trong lực lượng sáng tác truyện thơ Thái Lan là trí thức cung đình và các nhà sư. Vì vậy, truyện thơ Thái Lan khá đồng nhất về mục đích sáng tác: truyền bá tôn giáo, chữ viết và đạo đức cho dân chúng, phổ biến các quy chuẩn triều đình và bổ sung đề tài cho nghệ thuật biểu diễn. Để có được thành tựu truyện thơ dày dặn như thế, ngoài tài năng, ý thức đối với văn chương của tầng lớp tri thức Thái, cần phải kể đến điều kiện chính trị vô cùng thuận lợi. Trong hơn bảy thế kỷ, người Thái hầu như chỉ phải đối đầu với hai cuộc xâm lược của người Miến Điện vào thời kỳ Ayutthaya. Cuộc xâm lược lần thứ nhất diễn ra vào năm 1569, khiến vương quốc này rơi vào ách đô hộ của Miến Điện gần 20 năm. Hoàng tử Naresuan nhân cơ hội chiến tranh nổ ra ở chính quốc Miến Điện đã tuyên bố độc lập, lên ngôi vua vào năm 1590 và đuổi hết kẻ thù ra khỏi Ayutthaya trong ba năm. Cuộc xâm lược thứ hai là vào năm 1767 như đã nêu trên. Ngoài ra, vương quốc Thái Lan hầu như không gặp một trở ngại nào trong quan hệ ngoại giao và giữ vững được độc lập trong hơn bảy thế kỷ.

 

2. Đặc điểm của nội dung sáng tác

2.1. Các truyện thơ Thái Lan có nguồn gốc văn học Ấn Độ

           Ngay từ đầu thiên niên kỷ, người Ấn Độ đã tìm đến khu vực Đông Nam Á và tác động sâu sắc tới khu vực này ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, diễn xướng, văn chương… “Trong khoảng mười thế kỷ đầu sau công nguyên, làn sóng văn hóa Ấn Độ tràn tới Đông Nam Á hết đợt này đến đợt khác” [4]. Bằng con đường hòa bình và tâm linh, người Ấn đã truyền tải một di sản văn hóa đồ sộ đến khu vực Đông Nam Á. Nhiều hiện tượng tôn giáo, văn hoá và nghệ thuật của Ấn Độ khi lan toả tới Đông Nam Á đã phát triển sâu đậm và tồn tại bền vững đến ngày nay. Điều này phù hợp với lý thuyết của trường phái Truyền bá luận Tây Âu vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trường phái này có một xác tín là “các nền văn hóa đều có nguồn gốc từ một trung tâm văn hóa nào đó (nhất tâm khuếch tán)” [5]. Ngoài ra, các hiện tượng tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật Ấn Độ bén rễ ăn sâu tại Đông Nam Á còn tương thích với lý thuyết “trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu không gian văn hóa” của các nhà nghiên cứu Nga Xô Viết thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu này ví von nền văn hóa trung tâm như một hòn đá được ném xuống nước và lan tỏa ra những vòng tròn. “Nơi hòn đá tiếp xúc với nước thì sóng nước dày hơn, cao hơn, càng ra xa thì càng thưa hơn, sóng thấp hơn, và cuối cùng nó tĩnh lặng trên mặt nước” [6]. Và chính sự kém sôi động của những vòng tròn xa hòn đá đã tạo nên một sự bền vững hay còn gọi là hiện tượng “hoá thạch ngoại biên” của văn hóa.

           Về phương diện văn học, quá trình bản địa hóa các tác phẩm văn học Ấn Độ diễn ra hết sức mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, có hai con đường truyền bá văn học Ấn Độ sang khu vực Đông Nam Á: con đường cung đình và con đường dân gian. Con đường cung đình giúp cho văn bản văn học bản địa hóa định hình và phát triển hoàn thiện; còn con đường dân gian lại làm cho các tác phẩm Ấn Độ có diện mạo mới mẻ, phong phú, sống động tại Đông Nam Á. Sử thi và truyện cổ Ấn Độ là hai thể loại được cư dân Đông Nam Á ưa chuộng và tiếp nhận mạnh mẽ.

2.1.1. Các truyện thơ Thái Lan có nguồn gốc sử thi Ấn Độ

           Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều có những tác phẩm bản địa hóa từ các sử thi đồ sộ như Mahabharata, Ramayana… Với dung lượng vừa phải, nội dung cô đọng và phù hợp với tâm lý cư dân Đông Nam Á, Ramayana trở thành tác phẩm được ưa chuộng bậc nhất tại khu vực này. Cho đến nay, Valmiki vẫn được xem là tác giả của Ramayana, song lai lịch của vị đạo sĩ này giống một giai thoại hơn là hiện thực. “Những điều ta có được về ông chủ yếu là qua truyền tụng và phần ghi chép trong khúc ca thứ nhất của sử thi – khúc ca Bala[7]. Thêm vào đó, vương quốc Kosala, kinh đô Ayodhya và truyền thuyết hoàng tử Rama hành quân về phương Nam diệt quỷ Ravana cứu công chúa Sita cũng đã tồn tại từ cuối thời Veda (tức khoảng năm 800 trước công nguyên), trong khi Valmiki viết Ramayana vào khoảng thế kỷ IV trước công nguyên. Như vậy, Ramayana được truyền miệng ở Ấn Độ từ trước khi có văn bản bằng tiếng Sankrit xen lẫn Pali những bốn thế kỷ. Do đó, về cơ bản, Ramayana vẫn là một tác phẩm dân gian. Sau này, khi Ramayana đến Đông Nam Á, người dân ở khu vực này cũng tiếp thu nó với nhiều loại thể khác nhau. Riêng tại Thái Lan, các dạng thức Ramayana vô cùng phong phú: phù điêu, nang (rối), truyện kể dân gian, truyện thơ cung đình, lakhon (vũ kịch), khon (kịch hát sử dụng mặt nạ), bài hát... Kinh đô của Thái Lan mang tên là Ayutthaya – nghĩa là “kinh đô của Rama” – trong suốt bốn thế kỷ (XIV – XVIII). Các vị vua Thái Lan thời kỳ Rattanakosin (từ năm 1782 đến nay) trở đi đều lấy hiệu là Rama và vị vua Thái Lan đương thời là Rama IX.

           Theo Đỗ Thu Hà, tác giả của công trình Sử thi Ramayana Ấn Độ ở một số nước Đông Nam Á, Ramayana không di chuyển trực tiếp từ từ Ấn Độ sang Thái Lan mà bằng con đường gián tiếp. “Ramayana tới Inđônêxia, tới Cămpuchia và từ hai nước này, Ramayana đã tiếp biến sang Thái Lan” [8]. Cũng theo khảo sát của Đỗ Thu Hà, tác phẩm này đã có mặt ở Thái Lan từ thế kỷ IX – X với hình thức phù điêu và “trước khi được phác họa trên đá thì Ramayana đã tồn tại trong văn hóa tinh thần của người dân để trở thành cảm xúc nghệ thuật” [9].

Truyện thơ được “Thái Lan hóa” từ Ramayana có tên là Ramakien (hoặc Ramakian). Theo Văn học Thái Lan sơ khảo của nhà nghiên cứu Nga Kornev và một số tài liệu khác, Ramakien đã xuất hiện từ thời Ayutthaya (thế kỷ XIV – XVIII). Tác phẩm được xem là “thành tựu của dân tộc Thái”, “là sách thiêng của người Thái, là một bộ phận cơ hữu của tục thờ devaraji và vì thế cấm biểu diễn tác phẩm này ngoài phạm vi hoàng cung. Còn ngay trong cung điện thì nội dung của Ramakien được chuyển biên và kể lại qua các thiên trường ca và kịch nói, kịch câm đeo mặt nạ và kịch múa cổ điển” [10]. Tuy nhiên, cuộc binh biến giữa người Thái và Miến Điện (năm 1767) đã tàn phá hoàng cung và nhiều công trình vĩ đại khác của kinh đô Ayutthaya. Hầu như toàn bộ kinh sách có giá trị của Thái Lan đều bị thiêu rụi hoặc tản mác. Ngay trong những ngày đầu tái thiết đất nước thời kỳ Thonburi, vua Taksin (1767 – 1782) đã hạ lệnh cho người đi tìm và ghi lại tất cả các dị bản của Ramakien. Ông là người đầu tiên viết lại truyện thơ Ramakien và chuyển thể thành lakhon (vũ kịch) gồm bốn chương. Do mải mê chinh phạt và ban hành những luật lệ hết sức hà khắc, Taksin không được lòng thuộc hạ. Ông bị họ truất ngôi và chém đầu vào năm 1782. Viên tướng của Taskin là Chao Phraya Chakri trở thành vị vua mới, xưng là Rama I, dời đô về Bangkok và xây dựng thủ đô theo hình mẫu của Ayutthaya cũ. Dưới thời Rattanakosin, vua Rama I đã chủ trương xây dựng lại nền văn học. Nhà vua lập hội thi sĩ cung đình, cho người đi khắp nơi sưu tầm, thu thập các tài liệu văn học. Đích thân nhà vua đã soạn thảo văn bản Ramakien gồm 117 tập. “Mục đích chính của ngài rõ ràng là để đưa vào trong câu chuyện những lễ nghi và truyền thống nhà nước thuộc về hoàng cung mà phần lớn những sách vở có ghi chép đã mất đi từ sau cuộc chiến tranh tàn phá với Miến Điện” [11]. Nhà vua còn cho họa sĩ vẽ các bức tranh tường với các chủ đề từ Ramakien trong ngôi chùa Phật Ngọc Lục Bảo của hoàng cung. Nối tiếp truyền thống này, vua Rama II cũng đã viết lại Ramakien. Thi phẩm của ông dài 36 tập với nhiều tình tiết mới lạ, ngôn ngữ giàu chất thơ và nhạc điệu, vừa là truyện thơ vừa là kịch bản cho khon, lakhon và “đã trở thành một kiệt tác của nền văn học Thái Lan với những câu thơ tuyệt diệu và phong cách viết giàu hình ảnh, âm điệu” [12].

           Truyện thơ Ramakien vẫn giữ đầy đủ khung sườn của Ramayana, lưu lại hệ thống nhân vật và các mắc xích quan trọng như: cuộc lưu đày vào rừng, giết quỷ cứu người đẹp, thử lửa… Tuy nhiên, các vị vua Thái và thi sĩ cung đình đã có những thay đổi cơ bản như sau:

           Thứ nhất, thay đổi tên nhiều nhân vật, địa danh. Chẳng hạn như:

           Rama à Ram, Sita à Sida, Lakshmana à Lak, Ravana à Thosakan, Hanuman à Wanon, Brahma à Phra Brom Shiva à Phra Isuan, Vishnu à Narai,  Garuda à Krut...[13]:

           Thứ hai, biến đổi một số bối cảnh và tình tiết cho phù hợp với sự tiếp thu của người bản xứ. Chẳng hạn như trong trận giao đấu giữa Thotsakan và đội quân khỉ, nhiều tình tiết chiến đấu đã được giảm nhẹ để không gây cảm giác sợ hãi cho người đọc, và cũng để phù hợp với diễn xuất sân khấu.

           Thứ ba, cốt truyện dần có sự chuyển hóa về ý thức tôn giáo. Các tư tưởng Bà la môn dần thay thế bằng tư tưởng Phật giáo.

           Thứ tư, sử dụng các thể thơ dân tộc và sáng tác gắn liền với biểu diễn.

           Với lòng yêu thích và nỗ lực không ngừng trong việc kiến tạo văn chương, đa số các văn bản Ramakien tại Thái Lan đều được giới nghiên cứu trong và ngoài Thái Lan đánh giá cao.

2.1.2. Các truyện thơ Thái Lan có nguồn gốc văn học Phật giáo Ấn Độ

           Một nguồn du nhập đáng kể khác của văn học Ấn Độ vào Thái Lan là văn học Phật giáo. Thông qua quá trình truyền giáo, các tăng lữ Ấn Độ đã mang một khối lượng lớn kinh sách từ quê hương mình sang Thái Lan. Khi hệ thống chữ viết hình thành ở Thái Lan từ thế kỷ XIII, các nhà sư trong chùa đã tiến hành dịch sang tiếng Thái Lan một loạt bài văn tôn giáo từ tiếng Sankrit hoặc Pali. Việc dịch thuật vừa có vai trò giáo huấn, truyền bá Phật giáo cho dân chúng vừa góp phần làm phong phú cho nền thơ văn nước nhà. Bên cạnh đó, các vị vua Thái Lan đều là những tín đồ đạo Phật hoặc đã từng có thời gian đi tu nên rất quan tâm đến mảng văn học có đề tài Phật giáo. Có thể kể đến một số tác phẩm văn học Phật giáo Thái Lan nổi tiếng như: Tray Phum, Mahachat, Vessantara Jataka… Đặc điểm chung của các tác phẩm này là: nội dung ít nhiều vay mượn từ các văn phẩm Phật giáo Ấn Độ, nhất là Jataka, thường xuyên sử dụng kiểu truyện khung và hình thức ngôn ngữ Pali, về sau mới dùng ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, các vị vua và hội thi ca cung đình có khuynh hướng chọn những truyện cổ Phật giáo từ Jataka mang nội dung lôi cuốn, sinh động để sáng tạo lại như: tình yêu nam nữ, những chuyến phiêu lưu, sự phản trắc của phụ nữ… Do đó, dù là truyện thơ Phật giáo nhưng đề tài vẫn thu hút sự quan tâm của người đọc, thậm chí có những trường đoạn táo bạo. Một số truyện thơ Phật giáo Thái Lan lấy nguồn đề tài từ Jataka có thể kể đến là: Chanthakhorop, Kaki, Sang Thong, Samuthakhot, Sua Ko

 Sangthong hay Hoàng tử Ốc Vàng được truyền miệng rộng rãi ở Thái trước khi được vua Rama II viết lại và cho dựng thành vũ kịch. Sau này, tác phẩm còn được giảng dạy ở bậc phổ thông trong nhà trường Thái Lan. Sangthong là con của vua Yosavimal và hoàng hậu Chantra. Không may, khi vừa ra đời, Sangthong đã ở trong hình hài của một con ốc. Hai mẹ con chàng bị cho là điềm xấu, bị trục xuất khỏi hoàng cung và trôi dạt tới một túp lều của đôi vợ chồng già tận rừng sâu. Trải qua nhiều hoạn nạn và chiến công, Sangthong được cha ruột nhận lại và mời chàng trở về cung.

Kaki là tác phẩm có nhân vật nữ chính mang tính cách khác thường, phi truyền thống. Nàng Kaki đã là vợ của vua Bromatat nhưng lại mê đắm người bạn thường chơi cờ với chồng nàng là hoàng tử ở núi Sin Pli. Hoàng tử hóa thành chim Garuda, giấu nàng vào đôi cánh và đưa về cung điện ở Sin Pli. Hai người ái ân với nhau suốt cả tuần lễ. Vua Bromatat sai quân sư đi tìm hoàng hậu Kaki. Vị quân sư khôn ngoan biến thành côn trùng, nấp vào cánh Garuda và đến được Sin Pli. Đợi khi Garuda đi khỏi, vị quân sư biến thành người và tán tỉnh Kaki. Nàng Kaki chấp thuận tình cảm của quân sư và giấu hắn trong cung điện suốt tuần. Khi hoàng tử bay đến cung vua Bromatat để chơi cờ như thường lệ, vị quân sư lại nấp vào cánh Garuda. Hắn về đến hoàng cung và thuật lại sự thân mật của Kaki và hoàng tử cho nhà vua nghe. Trong lần chơi cờ tiếp đó giữa vua và hoàng tử, vị quân sư vừa đánh đàn vừa hát lại câu chuyện của Kaki ở Sin Pli. Hoàng tử xấu hổ vội đem nàng Kaki trả lại cho vua Bromatat. Kaki bị đặt lên một chiếc mảng thả trôi ra biển. Chiếc mảng trôi ngang thuyền của một thương gia giàu có. Kaki được cứu thoát và trở thành vợ của nhà buôn. Thuyền gặp sóng lớn vỡ tan. Đôi vợ chồng thoát nạn lên bờ lại gặp một toán cướp. Kaki bị buộc lấy tên tướng cướp. Nàng trốn vào rừng và gặp hoàng tử Totsavong, được chàng đưa về vương quốc và trở thành vợ hoàng tử. Trong khi đó, vua Bromata buồn rầu qua đời và để lại vương quốc cho vị quân sư. Hắn lên ngôi và lấy hiệu là Prom Bromata. Được tin nàng Kaki vẫn còn sống, Prom Bromata dẫn quân đến vương quốc của Totsavong đòi lại người đẹp. Hoàng tử Totsavong thua trận, buộc phải trả lại nàng Kaki. Từ đó, Prom Bromata và Kaki sống hạnh phúc bên nhau.

           Truyện Kaki là một hiện tượng lạ vì đã không dừng lại ở cái kết nàng Kaki bị thả trôi ra biển như trong Jataka. Rõ ràng, yếu tố giáo huấn không được chú trọng ở truyện này; trái lại, truyện nhấn mạnh yếu tố dục vọng, tự do bộc lộ bản năng. Về điểm này, truyện Kaki có vẻ tự nhiên chủ nghĩa hơn hẳn các truyện thơ khác của Thái Lan. Bởi lẽ, trong Chanthakhorop, nàng Mora xinh đẹp nhưng vô ơn và phản trắc đã bị trừng phạt bằng cách bị hóa vượn; hay như nàng Wanthong trong Khun Chang Khun Phaen cũng đã bị nhà vua khép vào tội chết vì sự thiếu quyết đoán của nàng trong việc chọn lựa một trong hai người đàn ông.

           Khi tìm hiểu văn học các nước lân cận Thái Lan như Campuchia, Lào, Mã Lai, chúng tôi nhận thấy nhiều thi phẩm ở các nước này trùng tên và nội dung với các truyện thơ Thái Lan. Có thể lý giải điều này bằng hai lý do: các tác phẩm này đều bắt nguồn từ Jataka; hoặc có sự lan truyền, ảnh hưởng qua lại giữa các quốc gia này vì biên giới địa lý rất gần gũi và ngôn ngữ có nhiều nét tương đồng. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là Jataka đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo văn học ở nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Thái… Với những đất nước theo Phật giáo, những câu chuyện mang tính chất luân hồi nhân quả, giáo dục con người lánh dữ làm lành luôn có vị trí quan trọng và tạo sự thích thú trong lòng người tiếp nhận. Thêm vào đó, người dân ở các nước này dù ở giai đoạn nào của cuộc đời hoặc đang làm gì thì cũng luôn gắn bó cuộc đời mình với ngôi chùa, vì vậy mà luôn quan tâm đến các truyện tích Phật giáo. Phya Anuman Rajadhon nhận xét “Ngay cả những chuyện tình lãng mạn mà nhân vật chủ yếu là quân vương và ái hậu, người khổng lồ và các bậc thần nhân đều hấp thụ dưỡng khí từ các huyền thoại Phật giáo và Hindu giáo”[14].

           Ngoài RamayanaJataka, các tác phẩm quan trọng khác của Ấn Độ cũng đã du nhập vào Thái Lan như Panchatantra, Hai mươi đêm hỏi đáp, 25 truyện Vetala… và được sáng tạo lại với các thể thơ hoặc dạng văn vần. Bên cạnh dấu ấn của Ấn Độ, một vài truyện thơ của Thái Lan có nguồn gốc từ Java. Tiêu biểu là Inao, tác phẩm phỏng theo câu chuyện nổi tiếng về các cuộc phiêu lưu của vị vua Java là Pandji vào thế kỷ XIII. Tương truyền, hai nữ tỳ gốc Mã Lai kể lại cho hai chị em công chúa Thái Lan thời Ayutthaya nghe. Hai công chúa viết lại câu chuyện nhưng bằng hai bản độc lập, một bản tên là Dalang còn bản kia là Inao. Sau này, vua Rama I gộp hai tác phẩm này thành truyện thơ Inao. Dù có mối giao lưu, ảnh hưởng với các nguồn văn học láng giềng nhưng tác động của văn học Ấn Độ vào truyện thơ Thái vẫn sâu đậm hơn cả. Các truyện thơ Thái Lan chịu ảnh hưởng Ấn Độ chủ yếu là cốt truyện, cách viết (sử dụng các biện pháp miêu tả nhân vật, phong cảnh kiểu Ấn Độ). Thời gian đầu, khi mới tiếp nhận và làm mới các tác phẩm Ấn Độ, nhiều truyện thơ Thái Lan còn chịu ảnh hưởng ngôn ngữ và thậm chí cả thể thơ. Chẳng hạn như Samuthakhot được viết theo thể thơ chanda của Ấn Độ.

2.2. Các truyện thơ Thái Lan có nguồn gốc truyện kể dân gian Thái Lan

           Bên cạnh các truyện thơ có nguồn gốc văn học dân gian Ấn Độ, một khối lượng đáng kể các truyện thơ của Thái Lan đều bắt nguồn từ truyện cổ dân gian hoặc từ những câu chuyện có thật trong lịch sử, đời sống và được lưu truyền từ xa xưa ở Thái Lan. Một số truyện thơ có nguồn gốc từ truyện dân gian Thái Lan có thể kể đến là Phra Lo, Manee Pichai, Khun Chang Khun Phaen, Phra Aphai Mani

Khun Chang Khun Phaen là trường hợp điển hình của việc sưu tầm và cốt truyện dân gian của Thái Lan để sáng tác truyện thơ. Truyện không phải là một sáng tạo mới mẻ của các thi sĩ cung đình mà nó có nguồn gốc từ một truyện cũ, tích cũ. Hiện thực lịch sử được phản ánh trong tác phẩm không phải là hiện thực lịch sử mà tác phẩm ra đời. Về cơ bản, đó vẫn chỉ là cái “thực tại cổ tích” (thuật ngữ của V.Ia.Propp trong Folklore và thực tại)[15] mà thôi. Khi sáng tạo Khun Chang Khun Phaen cung đình, các thi sĩ cung đình vẫn giữ nguyên những đặc điểm của bản kể dân gian. Hệ thống nhân vật chính của tác phẩm (Khun Phaen, Wanthong và Khun Chang) có tương đối đầy đủ những đặc trưng của nhân vật truyện cổ tích với hai phe đối lập là thiện và ác, người bị hại và kẻ làm hại, người xinh đẹp và kẻ xấu xí. Một số nhân vật trong Khun Chang Khun Phaen còn ở dạng loại tính hơn cá tính, mang khuynh hướng lý tưởng hóa hơn là hiện thực. Tác phẩm là sự tập trung cao độ các motif của truyện cổ tích: hai người đàn ông tranh nhau một người phụ nữ đẹp, tranh công và lường gạt, thử thách đi vào lửa… Có thể nói, Khun Chang Khun Phaen cung đình là sự tái hiện trung thành cốt truyện Khun Chang Khun Phaen dân gian. Tự thân tác phẩm đã mang đầy đủ các đặc điểm của truyện kể dân gian. Thêm vào đó, nếu như cho rằng truyện thơ cũng là một hiện tượng văn hóa dân gian với đầy đủ những đặc trưng của nó thì với vị trí như một cuốn bách khoa thư của văn hóa Thái Lan, Khun Chang Khun Phaen càng có cơ sở để khẳng định thuộc thể loại này. Khác với Khun Chang Khun Phaen, vốn có cốt truyện từ truyện kể dân gian Thái, Phra Abhai Mani là sáng tạo riêng của Sunthorn Phu. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, yếu tố dân gian vẫn thể hiện rất rõ nét như cây sáo thần, đạo sĩ, người khổng lồ, các cuộc phiêu lưu…

           Đa số các truyện thơ Thái Lan có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian bản địa đều trung thành với các motif dân gian: hạt trầu bay hay miếng trầu ma thuật (Phra Lo, Khun Chang Khun Phaen), con vật hay đồ vật thần kì (gà trống hoang dã, ngựa Si Mok, sáo thần, gươm Fa Fuen), những cuộc phiêu lưu của nhân vật tài năng (Khun Chang Khun Phaen, Phra Abhai Mani)… Các motif dân gian tồn tại bền vững trong quá trình sáng tạo các truyện thơ Thái và không hề có khuynh hướng nhạt đi. Đây là nét độc đáo của truyện thơ Thái Lan. Bởi, chỉ cần so sánh với truyện thơ Việt Nam, chúng ta thấy khuynh hướng thần kỳ dần nhạt đi ở thời kỳ sau, thay vào đó là cảm hứng thế sự và các vấn đề lịch sử xã hội.

           Một điểm rất cơ bản nữa của truyện thơ Thái Lan có nguồn gốc từ cốt truyện dân gian là văn hóa bản địa rất rõ nét (bùa chú, kurmanthong (thiên linh cái), hồn, khí hậu, phong tục tập quán...). Đặc biệt, sự giao thoa giữa văn hóa bản địa và văn hóa Ấn Độ khiến cho tác phẩm có những nét hết sức đặc biệt. Chẳng hạn như trong Khun Chang Khun Phaen, tôn giáo chủ đạo là Phật giáo Tiểu thừa nhưng tác phẩm vẫn xuất hiện các vị thần của Bà La Môn giáo như Indra, Vishnu.

           Như vậy, nói truyện thơ Thái Lan mang đặc điểm dân gian là vì hầu hết các truyện thơ Thái Lan đều bắt nguồn từ văn học dân gian Ấn Độ hoặc truyện kể dân gian bản địa hay các sự kiện có thật trong đời sống được truyền tụng qua nhiều thế kỷ. Nguồn đề tài từ văn học dân gian luôn là lựa chọn ưu tiên của thi nhân qua các thời kỳ văn học tại Thái Lan. Nếu phải kể tên những truyện thơ nổi tiếng nhất của Thái Lan thì cũng đồng nghĩa với việc đề cập đến những câu chuyện dân gian tiêu biểu của vương quốc này.

           Có thể nói, yếu tố dân gian là linh hồn của nền văn học truyền thống Thái Lan. Trong đó, các truyện tích Phật giáo và những câu chuyện thần kỳ, lãng mạn là những đặc trưng nổi bật trong các truyện thơ Thái Lan. Không phải vô lý mà nhà nghiên cứu văn học Thái Rajadhon đã nhận định rằng văn học truyền thống Thái Lan có nền tảng chính là tôn giáo nhưng đồng thời lại là những câu chuyện hết sức lãng mạn. Những câu chuyện này không hề đối lập với tôn giáo mà “chúng là những câu chuyện về các lực lượng siêu nhiên và những chuyến lãng du, hầu hết nhân vật là các vị anh hùng thần thánh, dựa trên một phần cảm hứng từ những chuyện tình lãng mạn nổi tiếng của Ấn Độ như Shakuntala và một phần là những câu chuyện có nguồn gốc dân gian của Thái”[16].

           Về cốt truyện và nhân vật, dù là vay mượn hay tự sáng tạo, các truyện thơ Thái Lan đều cho thấy sự liên quan mật thiết đến yếu tố cung đình. Nhiều truyện thơ phản ánh các cuộc chiến tranh bảo vệ bờ cõi, chiến công của các tướng lĩnh và sự anh minh của nhà vua (Khun Chang Khun Phaen, Phra Abhai Mani…). Vai trò của nhà vua vừa giống vua trong truyện cổ tích vừa phản ánh sự quyền lực tối cao của họ trong thực tế của vương quốc Thái Lan. Nhân vật vua Phanwasa trong Khun Chang Khun Phaen chính là hình ảnh của vua Rama II. Những đoạn miêu tả nhà vua đều rất trang trọng và giàu hình tượng. “Đức vua oai phong lẫm liệt cai trị cả vương quốc đã xuất hiện. Trước ngài, mọi thứ đều phải thuần phục, và tất cả những nước chư hầu đều phải cúi đầu bày tỏ sự tôn kính với ngài trong khiếp sợ.”[17]

           Bên cạnh đó, dù trắc trở hay hạnh phúc, các chuyện tình trong truyện thơ Thái Lan đều liên quan đến tầng lớp quý tộc cung đình. Những tác phẩm như Inao, Phra Lo, Phra Abhai Mani, Chanthakhorop... đều có nhân vật chính là vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa… Khun Chang Khun Phaen được xem là dân dã nhất trong các truyện thơ Thái Lan nhưng hai nhân vật chính là Khun Phaen và Khun Chang đều có nguồn gốc xuất thân từ những gia đình quan lại. Riêng Khun Phaen còn có một quá trình làm quan cho triều đình, ra trận đánh giặc ngoại xâm… Các rắc rối của Khun Phaen cũng như hậu duệ của nhân vật này đều liên quan mật thiết đến triều đình.

KẾT LUẬN

           Hầu hết những truyện thơ nổi bật của Thái Lan đều bắt nguồn từ cốt truyện dân gian, vốn được vay mượn của Ấn Độ và một số quốc gia lân cận. Bên cạnh đó, sự quan tâm hết mực của các vị vua Thái trong việc sáng tác văn học đã góp phần cho truyện thơ Thái phát triển. Chính vì tính chủ động trong sáng tác của cung đình Thái Lan nên truyện thơ Thái Lan cũng mang màu sắc cung đình rõ nét, từ nhân vật, cốt truyện đến hình thức diễn xướng.

           Trong suốt bảy thế kỉ, người Thái sống trong các giai điệu uyển chuyển của thi ca. “Thơ ca đóng vai trò chủ đạo, ngay cả kịch cũng viết bằng thơ, ngay cả những đoạn văn xuôi quan trọng đều được viết bằng thơ, ngay cả các Jataka, Panchatantra, Arthasastra, những chính luật triết học tôn giáo cũng viết bằng thơ”[18]. Không khí thơ ca tràn ngập không chỉ trên trang sách mà còn trên tường, những khu bảo tồn bảo tàng tại Thái Lan như vườn Phra Lo, vườn Khun Chang Khun Phaen, vườn Kraithong... Tại chùa Phật Ngọc Lục bảo và nhiều đền thờ khác ở Thái Lan, việc thờ cúng các nhân vật trong truyện thơ Thái Lan như Ram, Lak, Inao, Khun Phaen, Buakhli… rất phổ biến. Sự sùng tín thi ca, sự chuyên chú sáng tác cùng khả năng thi phú của các thi sĩ cung đình đã làm nên những thời kỳ vàng son của truyện thơ Thái Lan.

 



[*] ThS., GV- Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM

 

 



[1] Nguyễn Tấn Đắc: Văn học các nước Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 12.

[2] Kornev: Văn học Thái Lan sơ khảo, Moskva (bản đánh máy tiếng Việt của Viện Khoa học Xã hội Hà Nội), 1971, tr. 105.

[3] Chris Paker – Pasuk Phongpaichit: The tale of Khun Chang Khun Phaen, Silkworm Books, (Bangkok), Thailand, 2010.

[4] Đức Ninh: Nghiên cứu văn học Đông Nam Á, N. KHXH, Hà Nội, 2004, tr. 33.

[5] Robert Winthrop: Dictionary of Concepts in Cultural Anthropology, N. Greenwood, New York, 1991, tr. 83.

[6] Ngô Đức Thịnh: “Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, 2007.

[7] Lê Nguyên Cẩn: Vanmiki, N. Đại học Sư phạm, TP.HCM, 2006.

[8] Đỗ Thu Hà: Sử thi Ramayana Ấn Độ ở một số nước Đông Nam Á, N. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 176.

[9] Đỗ Thu Hà: tlđd, tr. 177.

[10] Kornev: tlđd, tr. 92.

[11] Phya Anuman Rajadhon: Essay on Thai folklore, Thai Inter-Religious Commission for Development, (Bangkok), Thailand, 1998, tr. 73

[12] Đỗ Thu Hà: tlđd, tr. 185.

[13] Rama I: The story of Ramakien from the Mural Paintings along the galleries of the temple of the Emerald Buddha, Sangdad, (Bangkok), Thailand, 2005.

[14] Phya Anuman Rajadhon, tlđd, tr. 66.

[15] V.Ia.Propp: Tuyển tập V.Ia.Propp, tập 1, N.Văn hóa Dân tộc, 2003, tr. 142.

[16] Phya Anuman Rajadhon, tlđd, tr. 67

[17] : Chris Paker – Pasuk Phongpaichit: tlđd.

[18] Đức Ninh: tlđd, tr. 560.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63939811
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
388
11707
63939811

Thành viên trực tuyến

Đang có 472 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website