Bước đầu so sánh KIM NGƯ TRUYỆN của K.Bakin và TRUYỆN KIỀU của Nguyễn Du

Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cuốn truyện thuộc loại “yên phấn tiểu thuyết” (tiểu thuyết về kỹ nữ), cùng với nhiều quyển tiểu thuyết khác như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng, hay ít nổi tiếng hơn như: Nhị độ mai, Định tình nhân, Ngọc Kiều Lê…đã từ Trung Quốc xuất khẩu sang các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Sang Việt Nam, nhờ bàn tay thiên tài của Nguyễn Du sáng tạo lại mà thành kiệt tác Truyện Kiều. Truyện Kiều vang danh trên thế giới, từ đó đã khiến cho học giả các nước tìm đến Kim Vân Kiều truyện và mới phát hiện ra Kim Vân Kiều ở Nhật Bản[2]Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân truyền đến Nhật Bản vào giữa thế kỷ 18, ngay sau đó Nishida Korenori[3] (? - 1765) đã dịch nó ra tiếng Nhật với nhan đề Thông tục Kim Kiều truyện, và đầu thế kỷ 19 nhà văn tài danh Kyokutei Bakin (1767-1848) đã phóng tác Kim Vân Kiều truyện thành Phong tục Kim ngư truyện - một tác phẩm được yêu thích vào thời EdoTrong bài viết này chúng tôi tìm hiểu sâu tác phẩm Kim ngư truyện và so sánh nó với Truyện Kiều của Nguyễn Du để thấy được đặc điểm và giá trị của hai tác phẩm.

 1. KYOKUTEI BAKIN VÀ VĂN BẢN KIM NGƯ TRUYỆN

20200423 2

1.1. Kyokutei Bakin 

Kyokutei Bakin 曲亭馬琴(1767 - 1848)  sinh ở Fukagawa, Edo (Tokyo hiện nay), vốn tên là Takizawa Okikuni 滝沢興国, sau đổi tên là Toku 解, là nhà văn của thể loại Yomihon (độc bản, truyện có kèm theo tranh). Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp samurai nhưng lâu không có người kế tục. Năm 24 tuổi (1750) ông đến gặp nhà văn nổi tiếng Edo là Santo Kyoden xin làm môn đệ để học viết loại truyện tranh dành cho người lớn (gọi là sách bìa vàng/hoàng biểu chỉ). Năm 27 tuổi (1753) ông kết hôn với con gái một gia đình thương gia, hai người có với nhau bốn con: một trai ba gái. Thời gian sau, công việc buôn bán thất bát, ông quyết tâm đi theo con đường cầm bút, và trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Năm 1807 ông cho ra mắt bộ truyện nổi tiếng Chuyện lạ Giương cung như vành trăng 椿説弓張月(Thung thuyết cung trương nguyệtChinsetsu yumiharizuki)[4]. Với bộ truyện này tên tuổi của Bakin trở nên sáng chói, sánh ngang với Kyoden - thầy của ông. Năm 1814 ông bắt đầu cho ra mắt bộ truyện đồ sộ Truyện tám chú chó trung thành của nhà Satomi ở Nanso 南総里見八犬伝 (Nam Tổng Lý Kiến bát khuyển truyện/Nanso Satomi hakkenden), thường được gọi tắt là Bát khuyển truyện/ Truyện tám chú chó(Hakkenden)Với  98 tập, 106 quyển, và mất 28 năm để hoàn thành (từ 1814 đến 1842), Bát khuyển truyện trở thành tác phẩm đồ sộ nhất của Bakin, đồng thời cũng  là của văn học Nhật Bản. Bộ truyện này đã đưa tên tuổi Bakin trở thành nhà văn đứng đầu của văn học thời Edo hậu kỷ.

Cuối đời Bakin bị mù, rồi con trai chết, vợ cũng qua đời, bất hạnh chồng lên bất hạnh. Không thể tự mình viết truyện được, Bakin phải nhờ cô con dâu là Omichi chép lại những điều ông đọc theo kiểu “khẩu thuật bút ký” cho đến khi bộ Bát khuyển truyện chấm dứt. Ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1848, thọ 82 tuổi, trong khi còn viết dở hai tác phẩm: Khuynh thành thủy hử truyện và Cận thế thuyết mỹ thiếu niên lục. Mộ của ông hiện nay ở chùa Jinkoji 深光寺ở quận Bunkyo, Tokyo.

Kyokutei Bakin là nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản sống thuần túy bằng nhuận bút. Ông để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ “sách chất cao hơn người” với hơn 30 quyển bao gồm 3 thể loại: độc bản (truyện nhiều chữ ít tranh), hoàng biểu chỉ (truyện tranh dành cho người lớn), tùy bút, trong đó có không ít những tác phẩm chịu ảnh hưởng, hay phóng tác các tiểu thuyết Trung Quốc. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là:

Tân biên Thủy hử họa truyện, Tam thất toàn truyện Nam Kha mộng, Khai quyển kinh kỳ hiệp khách truyện, Phong tục Kim ngư truyện, Tân biên Kim Bình Mai, Khuynh thành Thủy hử truyện, Cận thế thuyết mỹ thiếu niên lục…Trong đó nổi tiếng nhất là bộ Chuyện lạ Giương cung như vành trăng 椿説弓張月(Thung thuyết cung trương nguyệtChinsetsu yumiharizuki) và Truyện tám chú chó trung thành của nhà Satomi ở Nanso 南総里見八犬伝 (Nam Tổng Lý Kiến bát khuyển truyện/Nanso Satomi hakkenden)Truyện Phong tục Kim ngư truyện đương thời được yêu thích, ngày nay được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc quan tâm đến nó vì nó phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện, một tác phẩm được nói đến nhiều sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng thế giới.

1.2. Văn bản Kim ngư truyện

Phong tục Kim ngư truyện (gọi tắt là Kim ngư truyện), tức Truyện cá vàng (phong tục) được Bakin sáng tác vào khoảng năm 1828 - 1829 và cho xuất bản một năm sau đó: năm 1829 - 1830. Theo như trang bìa Quyển 3 (Thượng biên) sẽ nói ở dưới đây, có lẽ Bakin đã phóng tác ra tác phẩm này từ Thông tục Kim Kiều truyện do Nishida Korenori (? - 1765), xuất bản vào năm 1763, chứ không phải trực tiếp từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Lời tự đề tựa cuốn Kim ngư truyện xuất bản năm Văn chính thứ 12 (1829) cũng khẳng định như thế:

“Nhà xuất bản Cẩm Lâm (Sâm?)[5] Đường mới đây đề nghị tôi làm cuốn sách này vì rằng cuốn Kim Vân Kiều truyện do người Thanh (Trung Quốc) viết thì có bản dịch thông tục ra đời vào năm Quý mùi Bảo Lịch triều đình nhà Tokugawa (năm 1763), và xem thì tốt nhưng chưa lưu hành trong giới đàn bà trẻ con, bởi vì bản dịch tiếng Nhật không hay, bị gò ép vào bản gốc chữ Hán, chưa có nét đặc sắc của mình. Bảo tôi cứ phỏng theo bản dịch này mà viết lại thành bản mới có nội dung về xứ này cũng như cuốn Khuynh thành Thủy hử của tôi, muốn nhờ tôi khắc gỗ làm sách, và muốn tôi nhận lời, vì lời nói đó có lý có lẽ nên tôi làm ra cuốn sách này”[6].

Về văn bản Kim ngư truyện, hiện nay có 2 loại văn bản: bản cổ thời Edo và bản in chữ rời từ thời Minh Trị trở đi. 

1.2.1. Kim ngư truyện - bản cổ thời Edo

Bản cổ thời Edo có 3 truyền bản:

(1) Kim ngư truyện - bản viết tay của Bakin ở Đông Dương văn khố

Đây là bản viết tay, hình ảnh do chính Bakin vẽ, tuy nhiên bên trong đề là Utagawa Kuniyasu vẽ. Có lẽ đây là bản thảo Bakin đưa cho nhà in khắc ván, để làm mẫu cho Utagawa Kuniyasu (1794-1832), họa sĩ của nhà in, vẽ lại. Nét vẽ của Kuniyasu trong các bản in rất khác bản vẽ tay này. Đây là tư liệu thuộc loại “Quý trọng bản”, chỉ được xem tại chỗ, muốn sao chụp phải được Thư viện xét duyệt và chỉ được chụp cho một chút. Bản lưu ở Đông dương văn khố thứ tự nhầm các quyển, có lẽ là do nhân viên thư viện đã ghi chép sai từ thời Minh Trị hàng trăm năm trước. Chúng tôi đã sắp xếp lại như sau.

Phần Thượng biên: xuất bản Kỷ sửu 1829

Quyển 1:

Trang bìa viết: Phong tục Kim ngư truyện, Thượng biên, Kỷ sửu (1829) tân bản, Bakin tác, toàn bát sách, Thượng trật, Nhất chi quyển. Bản nguyên nguyện nhân: Moriya Jihee (風俗金魚傳、上編, 己丑新版、馬琴作, 全八冊、上帙、壱之卷, 板元願人、森屋次兵衛).

Trang 1: Phong tục Kim ngư truyện, Thượng biên hữu tự, Thượng hạ nhị thiên (風俗金魚傳、上編有序, 上下二篇). Văn Chính thập nhị niên Kỷ sửu (1829) chính nguyệt cát nhật tân bản (文政十二年己丑正月吉日新版).

Cuối sách: Văn Chính thập nhất Mậu tý niên (1828) tứ nguyệt thập nhất nhật bản văn thư họa đăng hạ cảo liễu. Đồng niên đồng nguyệt chấp thất nhật tự tự. Trước Tác Đường cảo bản. Bút Phúc Nghiên Thọ, Đại Cát Lợi Thị (文政十一戌子年四月十一日本文書画燈下稿了。同年同月廿七日自叙。著作堂稿了。筆福硯寿、大吉利市/ Ngày 11 tháng 4 năm Mậu tý Văn Chính 13 (1828) bản thảo viết chữ và vẽ tranh xong dưới đèn. Cũng tháng này năm này viết xong lời tựa. Hoàn thành bản thảo ở Trước Tác Đường. Phúc Nghiên Thọ và Đại Cát Lợi Thị viết chữ).

Quyển 2, 3: Tương tự như trên, cũng được Moriya xuất bản vào năm 1829 (Kỷ sửu (1829) tân bản). Tuy nhiên trang bìa trong Quyển 3 có chi tiết đáng lưu ý:

Kyokutei Bakin trước (馬琴著). Bản thiên bát cục hợp tứ sách mỗi trật các nhị sách. Nguyên bản Đường Sơn chi Kim Kiều truyện wo Hòa giải (本篇八局合四冊毎帙各二冊・原本唐山の金翹傳を和解). Utagawa Kuniyasu họa, Edo Bakurocho Nichome Moriya Jihee bản(歌川国安画、江戸馬喰町二町目森屋次兵衛板/ K.Bakin sáng tác. Thiên này 8 cuộc hợp 4 sách, mỗi hộp có 2 sách. Nguyên bản là bản dịch ra tiếng Nhật từ Kim Kiều truyện của Đường Sơn).

Quyển 4, 5, 6, 7, 8: tương tự như trên, cũng được Moriya xuất bản vào năm 1829 (Kỷ sửu (1829) tân bản). Bìa quyển 7 có ghi: Bá Nhạc đệ nhị phường giả thư hành, Cẩm Sâm Đường tân. (伯楽第二坊賈書行、錦森堂梓/Bá Nhạc đệ nhị phường phát hành, Cẩm Sâm Đường giữ bản khắc ván)

Phần Hạ biên:  xuất bản Canh dần 1830

Từ Quyển 1 đến Quyển 8: Đều ghi Moriyaxuất bản là 1830 (Canh dần (1830) cảo bản).

Trang cuối cùng của tập cuối cùng - Hạ biên bát (tập 8 phần Hạ), đề: Văn Chính thập tam Canh dần niên, hạ ngũ nhị thập tứ cảo liễu. Trước Tác Đường thủ cảo. Bút Phúc Nghiên Thọ, Đại Cát Lợi Thị (文政十三更寅年夏五二十四稿了。著作堂手稿。筆福硯寿、大吉利市/ Ngày 24 tháng 5 mùa hè  năm Canh dần Văn Chính 13 (1830) bản thảo làm xong. Trước Tác Đường lưu bản thủ bút. Phúc Nghiên Thọ và Đại Cát Lợi Thị viết chữ)

(2) Kim ngư truyện- bản nhà in Moriya xuất bản thứ nhất:

Sách do Utagawa Kuniyasu vẽ tranh, MoriyaJihee xuất bản, Văn chính 12-13 (1829-1830). Đây có lẽ là bản khắc in đầu tiên theo bản thảo thủ bút của Bakin (lưu ở Đông dương văn khố đã nói ở trên). Bản này không đề nhà phát hành. Bản Kim ngư truyện xuất bản lần thứ nhất này hiện đang lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản, có lẽ chỉ còn phần Thượng biên 8 quyển. Thư mục đề: Phong tục Kim ngư truyện, Thượng biên bát quyển, Kyokutei Bakin trước, Utagawa Kuniyasu họa, Moriya Jihee 1829 ( 風俗金魚傳、上編8卷, 曲亭馬琴著、歌川国安画, 森屋次兵衛1829). Văn bản thực tế thì đã mất trang đầu, bắt đầu từ bài tựa của Bakin viết vào tháng giêng mùa xuân năm Kỷ sửu Văn Chánh thứ 12 (1829), và chỉ đến quyển 8 Thượng biên là hết.

(3) Kim ngư truyện - bản nhà Moriya tái bản, nhà Daikokuya phát hành:

Tái bản thành 5 quyển, in trong 3 năm Đinh dậu, Mậu tuất và Kỷ hợi (1837, 1838, 1839). Bản này hiện lưu ở Thư viện Quốc hội Nhật Bản, Thư viện Đại học Waseda và nhiều thư viện khác.

Quyển 1:

Trang bìa 1 ghi: Phong tục Kim ngư truyện, sơ biên. Kyokutei Bakin trước, Utagawa Kuniyasu họa. Tùng lai quốc sắc chiêu nhân đố; Nhất thính thiên công đoạn tống gia (從來國色招人妬、一聴天公断送咱).

Bìa trong: Phong tục Kim ngư truyện, sơ biên, quyển chi thượng. Kyokutei Bakin trước, Utagawa Kuniyasu họa. Đông đô địa bản vấn ốc, Moriya Jihee, Bakurocho Nichome; Daikokuya Heikichi, Ryokoku Yoshikawa-cho(風俗金魚傳、初編, 卷之上、曲亭馬琴著、歌川国安画。東都地本問屋、森屋次兵衛、馬喰町二町目;大黒屋 平吉、両國 吉川著). Có lời tựa của Bakin đề mùa xuân năm Đinh dậu (1837).

Quyển 2: Bìa 1: Phong tục Kim ngư truyện, nhị biên, thượng.

Bìa trong ghi rõ hơn: Phong tục Kim ngư truyện, đệ nhị biên. Đinh dậu (1837) mạnh xuân phát hành. Quyển chi thượng. Bản nguyên Cẩm Lâm Đường/Kinrindo, Tùng Thọ Đường/Shojudo (風俗金魚傳、第二編, 丁酉 孟春発行。巻之上、版元錦林堂、松壽堂).

Quyển 3: Tam biên.Có lời tựa của Bakin viết vào “Mậu tuất (1838) chi sơ xuân”

Quyển 4: Tứ biên. Không có ghi chép gì về năm xuất bản.

Quyển 5: Ngũ biên. Có lời tựa của Bakin viết vào mùa xuân năm Kỷ hợi (1839).

Nghiên cứu các văn bản trên có thể thấy rằng:

- Kyokutei Bakin đã viết Phong tục Kim ngư truyện từ  năm Mậu tý 1828 đến 24 tháng 5 năm Canh dần 1830 (Xem Kim ngư truyện - bản Đông dương văn khố ở trên), và xuất bản vào 2 năm Kỷ sửu 1829 và Canh dần 1830[7].

- Ông đã phóng tác từ bản dịch tiếng Nhật Thông tục Kim Kiều truyện do Nishida Korenori dịch (xuất bản 1763), (xem Lời tựa bản Văn Chính 1829 và quyển 3 bản Đông dương văn khố ở trên).

- Bakin đã nhiều lần viết lời tựa cho các lần xuất bản và tái bản tác phẩm của mình, đó là các lời tựa vào năm: Kỷ sửu 1829 (Quyển 1, in lần thứ nhất), Đinh dậu 1837 (Quyển 1, tái bản), Mậu tuất 1838 (Quyển 3, tái bản), Kỷ hợi 1839 (Quyển 5, tái bản).

1.2.2. Phong tục Kim ngư truyện - các bản in thời Minh Trị về sau

Hiện nay Thư viện Quốc hội Nhật Bản đang lưu giữ tất các các bản in Kim ngư truyện từ Minh Trị trở lại đây. Hiện tổng cộng có 3 bản in: bản 1886, 1888 và 1900.

1.4.1. Bản 1886 của Nhà xuất bản Jiyukaku

Trang bìa ghi: Phong tục Kim ngư truyện, Kyokutei Bakin trước, Ogata Gekko尾形月耕họa. NXB Jiyukaku 自由閣, 1886, sách dày 183 trang.

1.4.2. Bản 1888 của Nhà xuất bản Tokyoya

Lần đầu tiên tác phẩm của Bakin được xuất bản thành tổng tập, đó là bộ Kyokutei Bakin/ Khúc Đình Mã Cầm ông tùng thư, Nomura Ginjiro 野村銀次郎biên tập, Đông Kinh Ốc/ Tokyoya東京屋tàng bản, Tokyo, 1888 (Minh Trị thứ 21).

          Một năm sau, năm 1889, cuốn sách này lại được Ngân Hoa Đường/Ginkado 銀花堂tái bản.

1.4.3. Bản 1900 - 1901 và 1998 của Nhà xuất bản Bác Văn quán

Phong tục Kim ngư truyện, bản thứ ba in phía sau Khuynh thành Thủy hử truyện (Biên thứ 26), Bác Văn quán/Hakubunkan 博文館xuất bản, Tokyo, 1900-1901. Sách nằm trong bộ Tục Đế quốc văn khố.

Bản này đã được tách riêng ra và in vào năm 1998. 

Nói tóm lại văn bản Phong tục Kim ngư truyện đến nay còn khá đủ và phong phú, cả bản thủ bút của tác giả, bản in bằng ván gỗ lần đầu, tái bản và bản in lại bằng chữ chì theo kiểu phương Tây từ Minh Trị trở lại đây. Nghiên cứu những văn bản này có thể biết được nhiều thông tin chính xác về việc xuất bản, cũng như đính chính được nhiều thông tin sai lệch trước đây. Văn bản Kim ngư truyện không phải là vấn đề khó khăn, mà khó khăn lớn nhất ở đây là các bản đều ở dạng cổ ngữ, tức là ngôn ngữ thời Edo, chưa từng được chú giải và tân dịch, nên rất khó khăn cho người Nhật hiện đại thưởng thức và cho người nước ngoài dịch ra ngôn ngữ của mình.

2. KIM NGƯ TRUYỆN VÀ TRUYỆN KIỀU

2.1. Nhân vật Kim ngư truyện và Truyện Kiều

STT Nhân vật Truyện Kiều Nhân vật Kim ngư truyện
Vương Ông 王翁 Funao Rinzo船尾麟蔵Thuyền Vĩ Lân Tàng
Vương Bà 王婆 Mikusa水草Thủy Thảo
Thúy Kiều 翠翹, Hoa Nô花奴, Trạc Tuyền濯泉 Uwoko 魚子Ngư Tử, Momijiba 楓葉Phong Diệp, Netori 音取・寝鳥Âm Thủ, Tẩm Điểu,  Takusen澤泉Trạch Tuyền, Myoryu 妙龍Diệu Long
Vương Quan王観 Hirejiro鰭二郎Kỳ Nhị Lang
Thúy Vân翠雲 Otowo乙魚Ất Ngư
Đạm Tiên淡仙 JigokuTaiyu地獄Địa Ngục Thái Phu
Kim Trọng金重 Niwai Kinjuro庭井金重郎Đình Tỉnh Kim Trọng Lang
Mã Giám Sinh馬監生 Mawashiro廻四郎Hồi Tứ Lang
Tú Bà秀婆 Nadeushi撫牛Phủ Ngưu
Sở Khanh楚卿 Kobata Konoshiro小幡此四郎Tiểu Phiên Thử Tứ Lang
Thúc Sinh/ Kỳ Tâm束生/ 其心 SuzunashiTsukataro錫梨束太郎Tích Lê Thúc Thái Lang
Hoạn Bà宦婆 Hakarai計井Kế Tỉnh
Hoạn Thư宦姐 Unohashi鵜橋Đề Kiều
Giác Duyên覺縁  Kakuen覺縁Giác Duyên
Bạc Bà薄婆 Kasegi加勢木Gia Thế Mộc
Bạc Hạnh薄倖 Agakeya Mozuhachi足懸屋鵙八Túc Huyền Ốc Quyết Bát
Từ Hải徐海 Shimonotaro下野太郎Hạ Dã Thái Lang / Ujigami Daijin氏神大尽Thị Thần Đại Tận/Taro Ujitake (太郎氏武Thái Lang Thị Vũ)
Hồ Tôn Hiến胡宗憲 Ogigayatsu Tomoogi扇谷朝興Phiến Cốc Triều Hưng
Quan thuyết hàng và Thổ quan Furuno BenyaHisatomo  布留弁弥Bố Lưu Biện Di

 Nhận xét:

- Nhân vật chuyển thành tên Nhật Bản, cho thấy tính bản địa hóa cao độ. Trong nhiều trường hợp tên nhân vật không còn thể hiện tính cách nhân vật rõ như trong Kim Vân Kiều truyện, như: Mã Giám Sinh (Giám sinh họ Mã/trâu ngựa) thành Hồi Tứ Lang, Hoạn Thư (con gái nhà quan) thành Đề Kiều. Điều này cho thấy tính chất tiểu thuyết, tính hiện thực dường như đã được chú ý hơn. 

- Nhân vật gọn hơn: nhập Quan thuyết hàng và Thổ quan thành một nhân vật nên kết cấu chặt chẽ hơn.

- Bỏ nhân vật tư tưởng: Tam Hợp Đạo Cô, nhập chung với Kakuen/Giác Duyên, cho thấy tác phẩm chú trọng ở cốt truyện, ở hành động hơn là tư tưởng.

2.2. Địa danh Kim ngư truyện và Truyện Kiều

STT Địa danh trong Truyện Kiều Địa danh trong Kim ngư truyện
Địa danh Ý nghĩa Địa danh Ý nghĩa

 Bắc Kinh

北京

Kinh đô, quê Thúy Kiều Làng Namba 難波村xứ Tsu津 Thuộc tỉnh Mie, gần Kyoto, Osaka

Nam Kinh

南京

Hai Kinh: Bắc Kinh, Nam Kinh Naniwa 難波 Osaka hiện nay

 Liêu Dương

遼陽

Thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi Kim Trọng về hộ tang chú Kamakura鎌倉 Thành phố lớn, trung tâm của Mạc phủ

 Châu Thai/ Thai Châu

台州

Thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi Bạc Hạnh lừa bán Thúy Kiều, và là nơi Từ Hải gặp Kiều  Ôiso大磯, Kamakura鎌倉 Thị trấn sầm uất trên tuyến đường phía đông Nhật Bản, gần Kamakura

 Lâm Tri

臨淄

Thành phố cảng thuộc Sơn Đông, nơi cha con Thúc Sinh buôn bán, Thúc Sinh gặp Kiều ở lầu xanh Tú Bà.

Akamagaseki

赤間ヶ関

(Nagato 長門)

Thành phố cảng thương mại ven biển phía nam Nhật Bản

 Lâm Thanh

臨清

Thuộc tỉnh Sơn Đông, nơi Mã Giám Sinh nói dối là nhà  mình

Ako 赤穂

(Harima 播磨)

Thuộc tỉnh Hyogo, không phải là thành phố buôn bán sầm uất

 Vô Tích

無錫

Thuộc tỉnh Giang Tô, quê nhà của Thúc Sinh, nơi Hoạn Thư ở Ako 赤穂

 Hàng Châu

杭州

Thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, bên sông Tiền Đường  Choshi 銚子 Thị trấn ven biển, cửa sông Hitachi Tonegawa thuộc tỉnh Ibaraki 茨城県

 Sông Tiền Đường

銭塘江

Nơi Thúy Kiều nhảy xuống sông tự tử 常陸利根川Sông Hitachi Tonegawa, đoạn gần thị trấn Itako潮來   Thị trấn ven sông Hitachi Tonegawa thuộc tỉnh Ibaraki 茨城県, gần Choshi 銚子

Nhận xét:

- Không gian trong truyện đã được chuyển sang Nhật Bản triệt để

- Tác giả đã cố gắng tìm những thành phố, thị trấn, địa điểm có vị trí và tính chất tương ứng với các địa danh Trung Quốc trong Kim Vân Kiều truyện.

- Một số địa danh đã được hợp nhất lại cho gọn gàng, tập trung, đỡ rườm rà, khó nhớ như trong nguyên tác.

2.3. Cốt truyện Kim ngư truyện

Ở làng Namba xứ Tsu có người võ sĩ vô chủ tên là Thuyền Vĩ Lân Tàng/Funao Rinzo làm nghề bán cá vàng. Vợ là Mikusa/Thủy Thảo, hai vợ chồng sinh ra ba người con: Con gái đầu là Ngư Tử/ Uwoko, 18 tuổi xinh đẹp, đàn hay, viết chữ đẹp, lại có tài văn thơ. Kế đến là cậu con trai tên là Kỳ Nhị Lang/Hirejio 17 tuổi, chăm học văn luyện võ. Cô út là Ất Ngư/ Otowo, 15 tuổi, dung mạo xinh đẹp, tính tình hiền hậu, lại khéo tay mọi việc. Ông Lân Tàng nuôi nhiều cá nhưng ông thích nhất là con cá Lan Đào. Có một người khách thích con cá vàng này, nằng nặc đòi mua cho bằng được, dù đắt đến giá nào. Ông Lân Tàng bán đi rồi mà cứ tiếc mãi, ông có linh cảm là sẽ mất đứa con đầu mà ông nhất mực yêu quý.  

Vào mùa xuân, chùa Tennoji mở hộp tượng Phật cho mọi người đến chiêm bái. Ba chị em đi lễ chùa trở về thì nhìn thấy mộ một người kỹ nữ nổi tiếng là xinh đẹp nhưng bất hạnh là Địa Ngục Thái Phu/Jigoku Tayu. Vừa lúc ấy có một chàng thanh niên chừng 20 tuổi đi lại, đó chính là Đình Tỉnh Kim Trọng Lang/Kinjuro, bạn của Kỳ Nhị Lang. Hai người vương vấn, tương tư. Trên đường về ba chị em gặp hồn ma nàng Địa Ngục Thái Phu hiển linh. Tối đến nàng Địa Ngục báo mộng cho Ngư Tử biết cuộc đời sẽ đau khổ vì quả báo kiếp trước.

Kim Trọng Lang tìm cách thuê nhà gần nhà Ngư Tử và gặp được nàng nhờ cái thoa cài đầu của nàng bỏ quên. Hai bên trao kỷ vật làm tin. Sau đó có một buổi tối hai người có dịp gặp nhau tâm tình.

Gặp cảnh gia biến, Ngư Tử quyết bán mình cho Hồi Tứ Lang/Mawashiro để lấy vàng cứu chuộc cha và em. Ngư Tử đêm đến trằn trọc không ngủ được, nàng trao duyên lại cho em. Không ngờ Ngư Tử bị vợ chồng Hồi Tứ Lang lừa vào lầu xanh, nàng quyết liệt chống lại Phủ Ngưu/Nadeushi không chịu tiếp khách. Phủ Ngưu đành phải hoãn binh, cho nàng ra gần chùa Diệu Quang tĩnh dưỡng và đợi tìm người tử tế mà gả cho. Nhưng sau đó Ngư Tử đã mắc vào kế của Thử Tứ Lang/Konoshiro, đi trốn cùng hắn, bị Hồi Tứ Lang cùng gia nhân đuổi theo bắt được. Mụ Phủ Ngưu đánh Ngư Tử thừa sống thiếu chết, cuối cùng Ngư Tử đành chấp nhận làm kỹ nữ.

Một thời gian sau Ngư Tử gặpThúc Thái Lang/ Tsukataro là con trai của một hào thương, quê ở Ako, nhưng mở cửa hàng bán đồ tơ lụa Trung Quốc ở Akama. Hào thương có công hiến tiền của giúp lãnh chúa nên được phép đổi họ và mang kiếm. Vợ của Thúc Thái Lang là Đề Kiều/ Unohashi con gái lãnh chúa xứ Ako, trước kia đem lòng yêu Thúc Thái Lang nên được cha mẹ hai bên tác hợp cho. Thúc Thái Lang say mê Ngư Tử đã tìm cách chuộc nàng ra, ở với nhau một thời gian. Đề Kiều biết chuyện,  đã sai người lừa bắt Ngư Tử về làm hầu nữ và hành hạ nàng đủ điều. Thúc Thái Lang trở về, kinh ngạc gặp lại Ngư Tử. Đề Kiều bắt Ngư Tử hầu rượu vợ chồng mình. Ngư Tử vô cùng đau khổ nói muốn đi tu, Đề Kiều đồng ý, cho ra Trì Phật Đường chép kinh. Ngư Tử trốn khỏi Trì Phật Đường, đến ẩn thân ở am của ni sư Giác Duyên/ Kakuen. Sau lại bị bà già Gia Thế Mộc/Kasegi - người mà sư Giác Duyên gửi gắm nuôi Ngư Tử, cùng với cháu lừa bán Ngư Tử vào lầu xanh ở gần Kamakura.

Trong lầu xanh ở Kamakura, Ngư Tử gặp một võ sĩ lang thang là Hạ Dã Thái Lang/Shimonotaro. Hạ Dã Thái Lang đem lòng yêu quý Ngư Tử ngay từ đầu, đã hứa chuộc Ngư Tử ra làm vợ. Chàng vừa ra khỏi lầu xanh thì gặp ngay một đám du thủ du thực đòi đánh để bắt chàng phải hủy bỏ việc chuộc Ngư Tử ra. Chàng đánh tan bọn vô lại. Nào ngờ đó là kế của Ngư Tử thử lòng chàng. Ngư Tử nhân đó kể hết gian nan, đau khổ của cuộc đời mình. Được ít lâu Hạ Dã Thái Lang lên đường. Ba năm sau chàng chiến thắng trở lại đón Ngư Tử. Chàng cho người bắt hết tất cả những kẻ gây khổ đau cho Ngư Tử, cũng như đưa về những người đã giúp nàng về báo ân báo oán. Ngư Tử ngồi sau cánh cửa để cùng Hạ Dã Thái Lang xét xử. Hạ Dã Thái Lang quyết định hình phạt như bọn chúng đã thề. Ngư Tử can ngăn không nên gây điều ác, hãy tha tính mạng cho chúng, Nhưng Hạ Dã Thái Lang quyết không nghe vì chàng cho rằng thưởng phạt là chuyện lớn của quốc gia. Mụ Phủ Ngưu (Tú Bà), Hồi Tứ Lang (Mã Giám Sinh), Thử Tứ Lang (Sở Khanh), bà mối (em gái Gia Thế Mộc/Bạc Bà), Thế Gia Mộc (Bạc Bà), Quyết Bát (Bạc Hạnh), Ưng, Khuyển… bị giết chết bằng những hình phạt tàn khốc. Hạ Dã Thái Lang cho đánh Kế Tỉnh (Hoạn Bà), và định cho đánh Đề Kiều (Hoạn Thư) đến chết, thì Ngư Tử ngăn lại vì dẫu sao Đề Kiều cũng là vợ của chồng cũ, hay ghen cũng là bình thường, đồng thời thuộc dòng dõi cao sang nên xin tha. Mụ quản gia cũng xin chịu hình phạt thay chủ nên Hạ Dã Thái Lang cũng nguôi. Hạ Dã Thái Lang trách mắng Thúc Thái Lang (Thúc Sinh), nhưng cũng thưởng công cho chàng này 100 lượng vàng. Kế Tỉnh (Hoạn Bà) trở về nhà, đau đớn và chết ngay trên thuyền. Đề Kiều đau khổ, một năm sau thì chết. Thúc Thái Lang sau lấy vợ khác sống yên ổn. Mụ quản gia mang vàng được tặng đi mua đất làm nhà, nhận con nuôi, sống hạnh phúc tuổi già. Ngư Tử khuyên Hạ Dã Thái Lang bãi binh đầu hàng để nàng về quê với gia đình.

Phiến Cốc Triều Hưng/Tomoogicử Bố Lưu Biện Di/Furuno Benya làm quan thuyết hàng, cho  mang lễ vật cùng với hai thể nữ. Ngư Tử nhiều lần khuyên Hạ Dã Thái Lang ra hàng nhưng chàng không chịu. Chàng bắt hai thể nữ đàn hát và hầu rượu. Ngư Tử khuyên can, chàng phải hòa để giữ lấy lãnh thổ, chứ đam mê tửu sắc thế này thì có ngày mất mạng. Hạ Dã Thái Lang nghĩ Ngư Tử ghen với hai thể nữ, nên lời nói không đáng tin. Hạ Dã Thái Lang và quân lính tiệc tùng say sưa suốt ngày, việc canh phòng trễ nải. Phiến Cốc Triều Hưng quyết định tấn công Kamakura. Đêm đến ông ta cho mấy nghìn quân lính bất ngờ đánh vào. Quan quân của Hạ Dã Thái Lang chen nhau bỏ chạy. Hạ Dã Thái Lang say quá không biết gì. Ngư Tử lay mãi không dậy, bèn phải lấy bát nước hắt vào mặt chồng mới khiến chàng tỉnh. Ngư Tử mang giáp trụ đến cho chồng. Hạ Dã Thái Lang một mình nghênh địch, nhưng bị bao vây bốn phía, bị trúng rất nhiều mũi tên mà chết đứng. Ngư Tử ra nhận xác chồng, khóc lóc kể lể một hồi thì cái xác ngã xuống. Bố Lưu Biện Di chặt lấy thủ cấp Hạ Dã Thái Lang, bắt trói Ngư Tử trình cho Triều Hưng. Triều Hưng đánh giá cao công trạng của Bố Lưu Biện Di nên phong thưởng đất đai và cho cưới Ngư Tử. Triều Hưng sau đó bị hồn Hạ Dã Thái Lang ám mà bị bệnh, mấy năm sau thì chết. Ngư Tử theo Bố Lưu Biện Di về nơi đất mới, nàng lấy cớ bệnh nên không chăn gối với hắn. Bố Lưu Biện Di đến an ủi vợ, hai người uống rượu. Bất ngờ Ngư Tử rút kiếm của Bố Lưu Biện Di chém đứt đầu hắn để trả thù  cho chồng, rồi nhảy xuống sông Hitachi Tonegawa trầm mình.

Xác trôi đến chỗ ông chài, được ni Giác Duyên vớt lên, nhấn bụng cho ộc nước ra, rồi đổ thuốc cứu sống. Giác Duyên nói hết tiền thân hậu vận của nàng cho nàng nghe. Ông chài có công cứu Ngư Tử được Giác Duyên ban thưởng chữ, sau đó chuyên niệm Phật mà có cuộc sống như ý. Ngư Tử xin theo Giác Duyên để học đạo, được cho pháp danh là Diệu Long/ Myoryu. Có đêm nằm mơ gặp lại nàng Địa Ngục, được nàng báo mộng cho biết nghiệp báo đã được trả xong.    

Trở lại chuyện Kim Trọng Lang, chàng theo lời trao duyên của Ngư Tử mà cưới Ất Ngư. Đám cưới  do vị quan là cha nuôi của Ngư Tử đứng ra làm chủ hôn. Kim Trọng Lang và Kỳ Nhị Lang có công cứu được con trai tướng quân Ashikaga Yoshiharu khỏi bị nhóm tàn quân của Hạ Dã Thái Lang giả làm gấu và sói đến hại, nhờ thế mà được Tướng quân phong thưởng hậu hĩnh và cho làm gia thần, thị vệ cho con trai tướng quân. Hai người được Tướng quân phái đến làm lễ tham bái tổ tiên ở Itako, gặp trời mưa phải vào am trú ẩn, nhờ thế mà tình cờ gặp lại Ngư Tử đang tu ở đấy. Cả nhà đoàn tụ. Sau Kỳ Nhị Lang cưới con gái ông quan thanh liêm là bố nuôi của Ngư Tử, sinh đủ cả trai gái. Kim Trọng Lang cũng có 2 trai 2 gái với Ất Ngư. Kim Trọng Lang và Kì Nhị Lang lên Kyoto làm việc, họ xây một thảo am đón Ngư Tử về tu. Ban đêm Ngư Tử được ni Giác Duyên hiện về báo cho hay kiếp trước nàng là một con cá vàng lớn phạm tội ăn rất nhiều cá con, nên bị nghiệp báo. Nói xong Giác Duyên hiện nguyên hình là Quan Âm Bồ Tát cưỡi một con cá vàng lớn bay đi. Sau Ngư Tử trở thành một ni sư danh tiếng, và nàng chỉ giao thiệp với nữ nhân mà thôi.

3. THAY LỜI KẾT

3.1. So vớiTruyện Kiều của Nguyễn Du thì Kim ngư truyện của K.Bakin có nhiều thay đổi thêm thắt so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Không gian thay đổi từ Trung Quốc sang Nhật Bản, hoàn cảnh lịch sử cũng thay đổi từ thời Gia Tĩnh triều Minh (thế kỷ 16) sang thời Muromachi (thế kỷ 14-16), con người cũng thay đổi, tất cả chuyển sang tên họ người Nhật… Vậy là Kim ngư truyện trở nên gần gũi, thân thiết hơn với người Nhật. Thế nhưng Kim ngư truyện dẫu có được người Nhật yêu thích nhưng cũng không thể nào sánh được với việc người Việt thích Truyện Kiều, tại sao vậy?

3.2. Nội dung truyện cũng có nhiều thay đổi. Có nhân vật bị bỏ đi, hai ba nhân vật ghép lại một, như Tam Hợp Đạo Cô bị bỏ đi, nhưng hợp nhất với ni sư Giác Duyên; Quan thuyết hàng và thổ quan nhập lại thành Bố Lưu Biện Di. Tính cách nàng Ngư Tử khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn, có tính chất võ sĩ đạo hơn; cuộc đấu tay đôi giữa Hạ Dã Thái Lang (Từ Hải) và Phiến Cốc Triều Hưng (Hồ Tôn Hiến) gay cấn hơn, giống với tiểu thuyết lịch sử, truyện quân ký Nhật Bản hơn. Số phận các nhân vật được giải quyết chu đáo hơn Truyện Kiều, không chỉ các nhân vật quan trọng, ngay cả các nhân vật phụ như Mụ quản gia, ông chài vớt Ngư Tử lên… cũng được Bakin giải quyết. Nội dung truyện, tính cách nhân vật “Nhật Bản hóa” cao độ như thế, nhưng sao người Nhật lại không yêu thích Kim ngư truyện bằng người Việt yêu thích Truyện Kiều, tác phẩm Kim ngư truyện không trở thành một tác phẩm mang tính Nhật Bản sâu sắc như Truyện Kiều với văn hóa, tính cách, thậm chí vận mệnh của người Việt Nam.

3.3. Về phương diện nghệ thuật tự sự, K.Bakin là nhà văn kể chuyện có tài. Kim ngư truyện có nhiều thay đổi, sáng tạo. Kim ngư truyện ngắn gọn, súc tích hơn, hấp dẫn hơn với nhiều tình tiết mới so với Truyện KiềuKim ngư truyện kể chuyện hợp lý hơn, chi tiết đời thường rất cụ thể, sinh động. Giọng điệu tự sự của Kim ngư truyện nhiều chỗ có tính hài hước, hóm hỉnh, rất thú vị. Thế nhưng Kim ngư truyện lại không có đời sống lâu dài như Truyện Kiều, không gian của nó không vượt qua được Nhật Bản, thậm chí nó có thể bị quên lãng giống như Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nếu không có Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Như vậy vấn đề không phải là sự thay đổi bề ngoài mà chính là thay đổi bên trong, hiện thực bề  ngoài không quan trọng bằng hiện thực tâm lý. Giáo sư Takeuchi Yonosuke khi dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật đã nhận xét tác phẩm của Nguyễn Du đã “hoán cốt đoạt thai” nghĩa là thay đổi hoàn toàn tinh thần của Kim Vân Kiều truyện([8]). Truyện Kiều đã không kể một câu chuyện có tính “khuyến thiện trừng ác” mà là câu chuyện của tình nghĩa - tình nghĩa cái căn cốt của tâm hồn Việt Nam; Truyện Kiều đã không chú trọng ở hiện thực bên ngoài, hiện thực đời thường mà chú trọng ở hiện thực tâm lý; Truyện Kiều đã không chỉ kể câu chuyện về một con người, một gia đình, mà là câu chuyện về phận người - thân phận con người; Truyện Kiều đã không lựa chọn sự hấp dẫn câu chuyện bằng tài kể chuyện linh hoạt, hóm hỉnh mà sáng tạo ra một tuyệt tác nghệ thuật ngôn từ mà từng câu từng chữ đều làm lay động sâu xa trái tim người đọc. Đó là sự khác nhau giữa “thợ người” và “thợ trời”, giữa một nhà văn tài năng với một thiên tài, giữa một tác phẩm của một thời và kiệt tác của muôn thủa.

Tháng 12 năm 2015

Đoàn Lê Giang

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1 năm 2016

Tài liệu tham khảo

1. Tư liệu về Phong tục Kim ngư truyện trong Đông dương văn khố, Thư viện Quốc hội Nhật Bản (đã nói trong bài)

2. Kawaguchi Kenichi川口健一, 阮攸と馬琴―二つの作品をめぐって(Những vấn đề xung quanh tác phẩm Nguyễn Du và Bakin)日本語・日本学研究(tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và tiếng Nhật, vol.3 (2013), 東京外国語大学国際日本研究センター(Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo), p.199-213

3. Takeuchi Yonosuke 竹内 与之助dịchvà giới thiệu, 金雲翹Kim Vân Kiều, 講談社Kodansha xuất bản, Tokyo, 1975

4. Viện Văn học, Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du, 250 năm nhìn lại, NXB. KHXH, HN, 2015


[1] PGS.TS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM

[2] Người đầu tiên tìm đến Kim ngư truyện từ mối liên hệ với Truyện Kiều là GS. Hatakenaka Toshirôvới bài viết: Kim Vân Kiều và văn học thời Edo江戸文学と金雲翹, hoàn thành vào khoảng năm 1959-1960, sau đó được Gs.Takeuchi in ở phần sau bản dịch Kim Vân Kiều của mình (Kodanshaxb., Tokyo, 1975)

[3] Tên nhà văn này chữ Hán viết: 西田維則, trước đây chúng tôi từng đọc là Nishida Isoku (Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật BảnKiến thức ngày naysố Xuân 1996, Tạp chí Văn họcsố 12 năm 1999). Qua tìm hiểu gần đây, chúng tôi xin đính chính: đọc lại là Nishida Korenori chính xác hơn.

[4] Thung thuyết椿説cũng viết là Trân thuyết  珍説: chuyện lạ.

[5] Theo bản Phong tục Kim ngư truyện, bản thứ ba in phía sau Khuynh thành Thủy hử truyện (Biên thứ 26), Bác Văn quán/ Hakubunkan 博文館xuất bản, Tokyo, 1900 -  1901 (sách nằm trong bộ Tục Đế quốc văn khố, sau này được tách riêng ra và in vào năm 1998), thì đề là “Cẩm Lâm Đường 錦林堂”. Viết vậy là lầm, vì bản gốc bài tựa này thời Edo viết là Cẩm Sâm Đường 錦森堂, trang bìa Quyển ba, trang cuối Quyển bảy cũng đề rõ là Cẩm Sâm Đường 錦森堂như vậy.

[6] Kawaguchi Kenichi dịch, trong Truyện Kiều từ góc độ so sánh Đông Á (Viện Văn học, Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du, 250 năm nhìn lại, NXB. KHXH, HN, 2015)

[7] GS Kawaguchi (tài liệu đã dẫn), có viết Bakin viết Phong tục Kim ngư truyện có 5 quyển , quyển 1 ấn hành vào năm Văn chính thứ 12 (1829) và quyển 5 ấn hành vào năm Thiên Bảo thứ 10 (1839). Có lẽ có sự lầm lẫn giữa bản in lần thứ nhất và tái bản. Thực ra in thành 5 quyển là lần tái bản, còn lần xuất bản đầu tiên sách được chia ra thành 16 quyển (Thượng biên 8 quyển, Hạ biên 8 quyển), và xuất bản lần đầu trong 2 năm Kỷ sửu 1829, Canh dần 1830. Bakin viết tác phẩm này 2 năm trước đó, tức Văn chính 11 Mậu tý 1828 và Văn chính 12 Kỷ sửu 1829.

[8] Lời giới thiệu Kim Vân KiềuTakeuchi Yonosuke 竹内 与之助dịch, Kodansha 講談社xuất bản, Tokyo, 1975

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60536549
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18042
10018
60536549

Thành viên trực tuyến

Đang có 343 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website