Bài văn khóc thầy của các nhà văn Quốc ngữ tiên phong

Trương Vĩnh Ký (1837-1898) 

Nền văn học Quốc ngữ La tinh khởi đi từ thế hệ trí thức thứ nhất nửa cuối thế kỷ XIX với: Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), Trương Minh Ký (1855-1900), Diệp Văn Cương (?-1929), Nguyễn Trọng Quản (1865-1911). Các cây bút tiên phong đã trở thành cầu nối giữa văn học trung đại và văn học hiện đại. Họ là những người từng du học ở nước ngoài về, đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hoá và có điểm chung là tấm lòng tha thiết đối với sự tiến bộ của dân tộc. Trong đó, Trương Vĩnh Ký được xem là người thầy chung của thế hệ nhà văn Quốc ngữ thời kỳ đầu ở Nam Bộ. Trong các môn sinh của Trương Vĩnh Ký, những người có công hiến nổi bật có thể kể: Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản. Lúc ông qua đời, các học trò đã làm bài văn khóc thầy hết sức cảm động:

Thương thay thầy ta là Quan lớn Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký

Nhớ thầy xưa:

Nên đấng thông minh; thật trang văn phú.

Sang dường ấy, trọng dường ấy, ngó công danh trong mắt như không; kiêu chẳng hề, lẫn chẳng hề, xem tánh hạnh trong đời ít có.

Việc chữ nghĩa nhọc lòng biên đặt, lắm thuở công phu; dạy học hành ra sức vun trồng, nhiều lời khuyên dỗ.

Ôi!

Tưởng còn lâu hưởng lộc trời; nay đã sớm lìa cõi thụ.

Bướm Trang Sinh một giấc, mình cỡi chốn vĩ cơ; hạt Đình Lịnh trăm năm, hồn nương nơi vân vụ.

Người tuy mất mà danh chẳng mất, tiếng hãy còn đây; Coi sách thầy mà học ý thầy, hình như thầy đó;

Hỡi ôi! Tiếc thay! Hỡi ôi! Thương thay!

Môn sanh:

Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản đồng bái.

4 Septembre, 1898 (1).

 

Bài văn tế viết bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện khá sớm trong lịch sử văn học Quốc ngữ La tinh, ngắn gọn, lời lẽ giản dị và chất đầy sự biết ơn công lao của thầy Trương Vĩnh Ký. Qua lời của các môn sinh, sự nghiệp và những cống hiến của Trương Vĩnh Ký thể hiện qua hai hai lĩnh vực: giáo dục (dạy học hành ra sức vun trồng, nhiều lời khuyên dỗ) và văn hoá (việc chữ nghĩa nhọc lòng biên đặt, lắm thuở công phu). Hai lĩnh vực này trong sự nghiệp Trương Vĩnh Ký thực ra có mối quan hệ mật thiết: làm giáo dục qua việc phổ biến văn hoá và làm văn hoá thông qua phát triển giáo dục.

Trong vai trò là một nhà giáo dục, Trương Vĩnh Ký được biết đến với vai trò góp phần thành lập trường Hậu bổ (Collège de Administrateur Stagiaires) và trường Thông ngôn (Collège des Interprètes). Ông còn soạn giáo trình và trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học trò. Trong số những người thụ giáo ông, Trương Minh Ngôn vì đặc biệt kính trọng và ngưỡng mộ thầy nên đã đổi tên thành Trương Minh Ký và lấy tên tự là Thế Tải (tên tự của Trương Vĩnh Ký là Sĩ Tải). Có lẽ vì thế, trong số các môn sinh của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký là người có sự chuyên tâm nghiên cứu các lĩnh vực văn hoá mà ông đã khơi nguồn. Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản cũng là thế hệ du học thời kỳ đầu ở Nam Bộ. Họ từng sang học ở Lycée d’Alger (Bắc Phi). Về nước, họ đều theo nghiệp của Trương Vĩnh Ký khi tham gia môi trường giáo dục. Trương Minh Ký trở thành giáo viên trường Chasseloup Laubat, trường Thông Ngôn và trường Sĩ hoạn tại Sài Gòn. Rồi Nguyễn Trọng Quản, học trò và con rể Trương Vĩnh Ký, được bổ làm Giám đốc trường Sơ học Sài Gòn (1890-1900). Diệp Văn Cương dạy học ở trường Chasseloup Laubat, rồi dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh. Ông sáng lập và điều hành tờ báo tư nhân đầu tiên của người Việt: Phan Yên báo. Cho đến về cuối đời ông vẫn gắn với nghề dạy học. Có thể thấy, với tư cách là nhà giáo, Trương Vĩnh Ký không chỉ truyền thụ kiến thức, mà quan trọng hơn là đã truyền cảm hứng, niềm tin vào văn hoá dân tộc cho các học trò của mình. Ông đã góp phần đào tạo một thế hệ trí thức mới ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX.

Là nhà văn hoá, Trương Vĩnh Ký đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Công việc chủ yếu của ông là dịch thuật, biên khảo, làm báo và truyền bá chữ Quốc ngữ, là bước chuẩn bị quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền văn học mới. Trong lĩnh vực dịch thuật, phiên âm và chú giải, Trương Vĩnh Ký là người mở đầu và dẫn đầu. Ông am hiểu và có một sức bao quát sâu rộng ở nhiều lĩnh vực: Lịch sử - địa lý; ngôn ngữ học; dịch Hán Việt, Pháp Việt; sưu tầm phiên âm truyện Nôm bình dân và văn học cổ điển Việt Nam; nghiên cứu các bộ môn khoa học xã hội khác. Đặc biệt, Trương Vĩnh Ký có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Gia Định báo (1865) - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ghi dấu hình thành kiểu loại hình liên minh văn - báo thời cận, hiện đại đại ở nước ta. Và có thể nói, trải qua bao vinh nhục của nghề thông ngôn, Trương Vĩnh Ký vẫn trọn tình với sách.

Tiếp nối công việc của Trương Vĩnh Ký, các nhà văn Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản đã chú ý tập trung vào việc phiên âm, chú giải, xuất bản các tác phẩm văn học của quá khứ, đồng thời dịch các tác phẩm văn học nước ngoài ra chữ Quốc ngữ La tinh, tiến hành thể nghiệm bằng cách sáng tác văn chương. Có thể thấy, trong quá trình dịch thuật và biên soạn họ đã có ý thức đại chúng hoá những tác phẩm bác học, kinh điển của Trung Hoa thông qua hình thức sử dụng ngôn ngữ đời sống, đậm chất khẩu ngữ, tiếp nối chủ trương về “tiếng An Nam ròng” của Trương Vĩnh Ký. Với các tác phẩm phương Tây, họ đã cố gắng “địa phương hoá”, “dân tộc hoá” làm cho tác phẩm gần hơn với tâm lý, tư tưởng của người Việt. Ý hướng này nhằm đưa tri thức văn hoá đến với đại chúng. Quá trình đại chúng hoá nội dung ấn phẩm dịch thuật, biên soạn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hoá chữ Quốc ngữ. Đó là mục đích quan trọng mà các nhà văn quốc ngữ tiên phong hướng tới. Về mặt thử nghiệm sáng tác, Nguyễn Trọng Quản đã cắm cột mốc đầu tiên và đặt nền móng cho tiểu thuyết hiện đại theo lối phương Tây ở cả phương diện nội dung và hình thức: truyện Thầy Lazarô Phiền (1887). Cuốn tiểu thuyết này có ảnh hưởng đáng kể đối với các nhà văn đến sau. Hiện đại hóa văn học, xét ở một phương diện nào đó đã góp phần hiện đại hóa xã hội. Nơi lời đề tặng Truyện Thầy Lazarô Phiền cho các bạn đồng môn, Nguyễn Trọng Quản cũng đã cho thấy một mong muốn hiện đại hóa xã hội Việt Nam, thể hiện một ước mơ hết sức chân thành và cảm động: “Các bạn còn nhớ chăng trên những lối đi ấy, miệng phì phà điếu thuốc bị cấm, chúng ta vừa sánh bước vừa thốt ra thành lời niềm mơ ước cho xứ Nam Kì thân yêu của chúng ta nột tương lai chói rạng ánh sáng, tiến bộ và văn minh! Này các bạn! mong rằng tác phẩm mà tôi khiêm tốn mà tôi đề tặng các bạn đây là khởi điểm của sự thực hiện mơ ước ngày trước”(2).

Tấm lòng tôn sư trọng đạo được thể hiện qua bài văn khóc thầy của các nhà văn Quốc ngữ tiên phong. Qua đó, chúng ta hiểu vì sao họ lại kiên trì, tiếp tục ý hướng của thầy. Có lẽ, điều quan trọng nơi Trương Vĩnh Ký là ông đã truyền được cho học trò tinh thần tự nhiệm, một phẩm chất quan trọng của trí thức hiện đại, và niềm tin vào sự trường tồn bất diệt của văn hoá dân tộc.

Trương Vĩnh Ký đã mở ra học phong cho trí thức Nam Kỳ thời cận hiện đại sau học phong Nho học của Võ Trường Toản.

_____________

(1) Văn bản của bài văn tế được sưu tập trong: Đặng Thúc Liêng: Trương Vĩnh Ký hành trạng, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn 1927; được dẫn lại trong: Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.44.

(2) Nguyễn Văn Trung: Những áng văn chương Quốc ngữ đầu tiên – Thầy Phiền của Nguyễn Trọng Quản, (tài liệu in ronéo), Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 874, ngày 20-11-2014

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60521421
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2914
10018
60521421

Thành viên trực tuyến

Đang có 185 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website