Komatsu Kiyoshi và Cuộc tái ngộ

Phan Mạnh Hùng(*)

Giao lưu văn học Việt - Nhật thông qua hoạt động dịch thuật được hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ, có chiều sâu trong thế kỷ XX và cho đến hôm nay. Trước 1945 văn học Nhật Bản được độc giả Việt Nam biết đến đầu tiên thông qua tác phẩm của các trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, sau đó là những bản dịch thơ, truyện ngắn của các nhà văn như Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Phạm Văn Ký, Nguyễn Giang. Văn học Việt Nam được độc giả biết đến qua bản dịch Truyện Kiều của nhà văn Komatsu Kiyoshi (Toho xb, Tokyo, 1942). Điều thú vị là việc Komatsu Kiyoshi dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật xuất phát từ một gợi ý và giúp đỡ tài liệu của nhà thơ Nguyễn Giang. Sau đó chính Nguyễn Giang đã dịch tác phẩm Cuộc tái ngộ của Komatsu Kiyoshi ra tiếng Việt. Trường hợp Komatsu Kiyoshi và Nguyễn Giang có thể xem như khởi đầu của quá trình giao lưu văn học Việt - Nhật qua dịch thuật.

 

1. Komatsu Kiyoshi và những “duyên nợ” của ông với Việt Nam

Komatsu Kiyoshi (1) sinh ngày 13 tháng 6 năm 1900 tại Kobe, Nhật Bản. Năm 1921 ông sang Pháp học về hội hoạ. Về sau do quen biết André Malraux, ông đã hướng sự quan tâm sang địa hạt văn học và trở thành dịch giả nổi tiếng về văn học Pháp. Năm 1931, ông về Nhật dịch và giới thiệu tác phẩm của A. Malraux và A. Gide đồng thời tích cực giới thiệu chủ nghĩa hành động Pháp cho độc giả Nhật Bản. Năm 1937, Komatsu trở lại Pháp với tư cách là phóng viên nhật báo Hôchi Shinbun tại châu Âu, cộng tác với các báo lớn ở Nhật, làm biên tập viên cho tạp san Nichi - Futsu Bunka (Văn hoá Nhật - Pháp) ở Paris. Vào thời gian này, ông gặp lại Malraux và lần đầu tiên gặp André Gide. Komatsu đã dịch tác phẩm Retour de L´ URSS (Từ Liên Xô trở về) của Gide sang tiếng Nhật (Xb.1937). Giữa năm 1940 (2), khi Paris có nguy cơ bị Đức Quốc xã chiếm đóng, ông đã trở về Nhật và công bố tập nhật ký Chinmoku no senshi - Senjika no Pari (Những chiến sĩ trầm mặc - nhật ký Paris thời chiến). Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Komatsu bị nhà chức trách Nhật bắt giam một thời gian vì có lập trường chống phát xít. Sau đó, ông qua Đông Dương và ở lại Việt Nam một thời gian. Năm 1946, Komatsu trở về Nhật và mất năm 1962.

Komatsu Kiyoshi được biết đến là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Pháp và là một dịch giả nổi tiếng. Ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp ra tiếng Nhật. Tiêu biểu có các tác phẩm Les Conquérants, La voie royale, Le Temps du mépris, La Condition Humaine của Andre’ Malraux,… Theo tài liệu của Vĩnh Sính: “mô hình của nhân vật “kyo” - nhân vật chính trong tác phẩm La Condition Humaine (Điều kiện con người) của Malraux - chính là Komatsu Kiyoshi, chứ không phải là Chu Ân Lai như một số người lầm tưởng. (…) Mô hình thật sự là một nhà văn trẻ tuổi người Nhật; ở Paris vào năm 1922 người đó đã là bạn của Hồ Chí Minh (lúc đó có tên là Nguyễn Ái Quốc), và sau này là bạn của Malraux: anh tên là Kyo Komatsu.”(3).

Komatsu Kiyoshi là trí thức Nhật Bản có nhiều “duyên nợ” với Việt Nam. Trong thời gian du học ở Pháp, Komatsu là bạn thân của nhà thơ Nguyễn Giang (1910-1969). Ông từng nghe Nguyễn Ái Quốc (1890-1969) diễn thuyết về những vấn đề thuộc địa(4). Năm 1941, trước khi đến Đông Dương, Komatsu đã có một số cuộc gặp gỡ với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) lúc này đang sống lưu vong ở Nhật. Việc tiếp xúc với các trí thức yêu nước của Việt Nam đã để lại cho Komatsu nhiều ấn tượng tốt đẹp, đặc biệt là với Nguyễn Ái Quốc.

Đinh Mạnh Thoại, người đã từng 7 tháng làm thư ký cho Komatsu ở Sài Gòn đã kể lại kỷ niệm về cuộc trò chuyện giữa ông Thoại và Komatsu vào một buổi tối ở sảnh vila số II phố Colombert, Sài Gòn (nay là Thái Văn Lung). Trong cuộc trò chuyện đó Komatsu đã nhắc đến nhiều trí thức Việt Nam như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Giang, Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Ngọc Thạch, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ. Komatsu đã nhắc đến Nguyễn Ái Quốc với lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Khi Komatsu hỏi ông Thoại có biết Nguyễn Ái Quốc là ai không, ông Thoại biết ít quá về Nguyễn Ái Quốc nên chỉ ấp úng cho qua chuyện. Bất ngờ Komatsu đứng bật dậy “vươn mình qua bàn mây. Hai tay ông đập mạnh vào vai tôi (Đinh Mạnh Thoại - PMH). Giọng cáu kỉnh, ông dằn từng tiếng: Ông là đứa con nít. Là lycéen (học sinh trung học) trường bảo hộ, vào đời, ông có vợ, lại là người Việt Nam nữa, vậy mà ông không rõ lắm về Nguyễn Ái Quốc? Ông thật đáng thương và đáng trách! (…) Nguyễn Ái Quốc là bậc đại tài đã cống hiến vô cùng lớn lao cho dân tộc ông. Bản thân tôi khâm phục và lúc nào cũng nhớ đến ông Nguyễn Ái Quốc! (…) Đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn nhớ nhà văn Nhật Bản Kyoshi Komatsu và buổi tối hôm ấy. Nhớ như in nét mặt ông, vụt cáu kỉnh xong lại nguôi. Nhớ rành rọt những lời ông nói, có cái gì thật chân thành từ đáy lòng thốt ra. Lúc bấy giờ, chỉ có hai người. Sảnh vila rợp bóng cây và nhập nhoà ánh sáng.”(5).

Năm 1942, Komatsu Kiyoshi đến Việt Nam với tư cách là cố vấn Viện văn hoá Nhật. Đây là thời gian ông tiếp xúc với nhiều trí thức thuộc những khuynh hướng chính trị khác nhau ở Việt Nam. Theo David G. Marr: “Komatsu Kiyoshi đã đến Đông Dương với tư cách là người của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ông là người tích cực ủng hộ phong trào chống chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa phát xít, từng nói chuyện với nhiều trí thức Việt Nam về việc người Nhật sẽ thay thế vai trò người Pháp và ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, Komatsu đã không nhận được sự ủng hộ của họ.”(6) Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Komatsu Kiyoshi tiếp tục có những hoạt động ủng hộ Việt Nam trong một số vấn đề về ngoại giao. Christopher E. Goscha cho biết: “Sau khi Việt Nam giành chính quyền, tháng 11-1945 Komatsu đến Hà Nội và thành lập ‘Uỷ ban quốc tế chi viện và ủng hộ nước Việt Nam DCCH’.”(7) Komatsu đã điều hành Uỷ ban này cùng với sự cộng tác của Komaki Oomiya, Solovieff, Allen, và một người Mỹ chưa rõ tên cùng vài trí thức người Việt. Nhiệm vụ chính của tổ chức “Uỷ ban quốc tế ủng hộ nước Việt Nam DCCH” là giúp Việt Nam về mặt ngoại giao trong lúc chính quyền mới thành lập, chưa nhận được sự công nhận của nước ngoài.

Trước khi là người của Bộ Ngoại giao Nhật, mùa xuân năm 1941, Komatsu Kiyoshi đi du lịch Việt Nam và tình cờ gặp lại Nguyễn Giang sau 10 năm xa cách, nhờ đó mà có được bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), thân phụ nhà thơ Nguyễn Giang. Komatsu đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật. Đó là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật lần đầu tiên có tên là Kim Vân Kiều do Nxb Đông Bảo xuất bản năm 1942 (Chiêu Hoà thứ 17). (8) Bản dịch Truyện Kiều của Komatsu Kiyoshi dựa trên 3 bản tiếng Pháp: bản in sách và bản “đối dịch” (bản dịch sát nghĩa mà Komatsu từng tiết lộ: “một tài liệu được dặn rằng đó là sách quý không đưa ra khỏi cửa”) của Nguyễn Văn Vĩnh và bản của Crayssac (René Crayssac: Nguyễn Du - Kim Vân Kiều, traduit en vers français, Hà Nội, Lê Văn Tân, 1926). Vì không biết tiếng Việt nên những điển cố Trung Hoa và thành ngữ Hán Việt ông đã nhờ một trí thức người Việt sống ở Nhật là Nguyễn Văn Thái giúp đỡ. Komatsu cho rằng việc gặp Nguyễn Giang, tiếp xúc Truyện Kiều qua bản Pháp văn của Nguyễn Văn Vĩnh, rồi dịch Truyện Kiều là một “kỳ duyên”. Nơi lời bạt, tác giả bày tỏ:

Cái gọi là kỳ duyên thì thường không chỉ có một. Người chỉ cho tôi biết sự tồn tại của Kim Vân Kiều là Nguyễn Giang, còn người dịch tác phẩm này ra tiếng An Nam hiện đại tức là Quốc ngữ, rồi lại dịch ra tiếng Pháp một cách khéo léo hiếm có là thân phụ của anh: một dịch giả nổi tiếng, một tác gia lớn của văn học An Nam hiện đại - Nguyễn Văn Vĩnh. Nhờ sự chỉ dẫn đáng giá của người cha và người con họ Nguyễn dẫu tôi không dám nhờ cậy, mà tôi biết được Kim Vân Kiều, rồi lại nhờ Kim Vân Kiều mà tôi hiểu được ‘cái bí mật của An Nam’, đó quả là một niềm hạnh phúc mà tôi không ngờ tới.”(9).

Dù tiếp xúc Truyện Kiều qua Pháp văn nhưng Komatsu ngay lập tức bị vẻ đẹp của nó cuốn hút. Trước khi Komatsu Kiyoshi dịch Truyện Kiều đã diễn ra buổi toạ đàm về Đông Dương. Sự kiện này được nhật báo Asahi shimbun (bản Tokyo) tường thuật liên tục 11 kỳ từ 10/8/1941 đền 18/8/1941. Buổi toạ đàm thứ nhất và thứ hai bàn về đề tài văn học Việt Nam. Theo tài liệu của nhà Việt Nam học, giáo sư Kawaguchi Kenichi:

“Buổi toạ đàm đầu tiên có ‘tít’ ‘Kim Vân Kiều, tác phẩm thơ trữ tình vĩ đại, đối địch được với Truyện Genji’. Đây là lần đầu tiên người Nhật bàn đến văn học Việt Nam, mà lại là một tác phẩm văn học cổ điển (…) Nhà nghiên cứu về văn học Pháp Komatsu Kiyoshi có mặt trong buổi toạ đàm đó. Kết quả là ông đã quyết định dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Nhật (…) Komatsu Kiyoshi đã nói về Kim Vân Kiều như thế này: ‘Tôi cũng đã đọc bản dịch tiếng Pháp, và cảm thấy hết sức xúc động.’ Trong buổi toạ đàm thứ 2, Komatsu nói: ‘Nói một cách chung nhất, tác phẩm thơ trữ tình trường thiên Kim Vân Kiều đã chứa đựng rất nhiều tinh thần và văn hoá của người An Nam’.”(10).

 Không cưỡng lại được sức hấp dẫn của Truyện Kiều, Komatsu Kiyoshi đã dịch nó ra tiếng Nhật trong vòng sáu tháng với mong muốn: “Công việc dịch thuật này là một cách để chứng tỏ một cách cụ thể sự hiểu biết và tinh thần phê phán, tình yêu và lòng kính trọng mà tôi đang ấp ủ trong tim đối với người An Nam cũng như với lịch sử, truyền thống và văn hoá của họ. Nếu công việc này có thể làm một chiếc cầu nối tình thân hữu Nhật - Việt thì thật là hân hạnh cho tôi. Đó là ý nghĩ chân thành của tôi sau nhiều năm quay lại với công việc của một dịch giả.” (11).

Trở thành người dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật lần đầu tiên, cũng là bản dịch rất hay, duyên văn tự đã khiến ngòi bút của Komatsu Kiyoshi gắn với đề tài con người và đất nước Việt Nam. Tiếp xúc với nền văn hoá Việt Nam và nhiều trí thức yêu nước tiêu biểu đã gây cho ông những ấn tượng mạnh và trở thành cảm hứng để ông sáng tác. Ngoài Cuộc tái ngộ mà chúng tôi giới thiệu dưới đây, còn có các tác phẩm: Vetonamu (Việt Nam: nói về cuộc đời của Cường Để và Phan Bội Châu) và Vetonamu no chi (Máu Việt Nam - tác phẩm có tính chất tự truyện).

Cuộc tái ngộ được Komatsu Kiyoshi viết bằng tiếng Pháp sau lần gặp lại Nguyễn Giang tại Hà Nội mùa xuân năm 1941 sau 10 năm xa cách. Trở lại Việt Nam lần thứ hai trong vai trò cố vấn Viện văn hoá Nhật, Komatsu Kiyoshi đã trao cho Nguyễn Giang tác phẩm Cuộc tái ngộ. Nguyễn Giang đã dịch Cuộc tái ngộ ra tiếng Việt và đăng nhiều kỳ trên Trung Bắc chủ nhật năm 1944 - 1945.

Tình bạn, duyên văn tự giữa Komatsu Kiyoshi và Nguyễn Giang, mối quan hệ nhiều “duyên nợ” của nhà văn Nhật với các trí thức tiêu biểu của Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động là một biểu hiện sinh động của sự tiếp xúc, giao lưu văn hoá, văn học Việt - Nhật đầu thế kỷ XX.

2. Cuộc tái ngộ - bản dịch của Nguyễn Giang

Nguyễn Giang (1910-1969) là con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, anh của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938). Nguyễn Giang từng sang Pháp du học nhiều năm. Ông có tài về hội hoạ và có làm thơ. Tập thơ Trời xanh thẳm (1935) của ông được nhiều người biết đến và được Hoài Thanh (1909-1982) bình tuyển trong Thi nhân Việt Nam (1942). Nguyễn Giang đồng thời là một dịch giả quan trọng của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX được Vũ Ngọc Phan (1907-1987) đưa vào Nhà văn hiện đại (1942). Tác phẩm ông dịch có thể kể: Danh văn Âu Mỹ (tập hợp tác phẩm của Edgar Poe, Alfred de Musset, Victor Hugo, Alfed de Vigny, Pierre de Ronsard, Charles Baudelaire, Félix Arvers) (1936); Giấc mộng hè của Shakespeare (1937), Mặc Biệt (Macbeth) kịch của Shakespeare (1938) và Hâm Liệt (Hamlet) kịch của Shakespeare (1938), Andromaque của Racine (1939), Hernani của V. Hugo (1939);… Nguyễn Giang là người sớm thấy được vai trò quan trọng của dịch thuật đối với nền văn hoá, văn học Việt Nam trong buổi đầu hiện đại hoá. Ông đã chủ trương mục Tư tưởng Âu Mỹ trên tờ Trung Bắc tân văn, về sau đổi thành mục Danh văn Âu Mỹ công bố các bản dịch tác phẩm văn học, tư tưởng nước ngoài và nhiều bài luận trình bày ý kiến về dịch văn và văn dịch. Một số bài viết bàn về quan niệm dịch cùng với các tác phẩm văn học dịch đăng trên Trung Bắc tân văn năm 1936 được Nguyễn Giang tập hợp in thành sách nhan đề Danh văn Âu Mỹ trong tủ sách Âu Tây tư tưởng. Trong Danh văn Âu Mỹ, bàn về ý nghĩa của của dịch thuật, có đoạn ông viết:

“Sở dĩ chúng tôi để ý bàn luận xa xôi về sự dịch văn như vậy, là vì chúng tôi trông thấy rằng sự dịch văn cũng như trăm ngàn công việc khác của người An Nam ta hiện thời, nó có thể là một công việc rất vô nghĩa lý, vô ích, nhưng mà hiểu theo một lối riêng thì nó có thể thành ra một công việc có liên can mật thiết đến vận mệnh nước nhà (…) Trong khi chúng tôi dịch những bài văn trong cuốn sách này, chúng tôi có cái tin rằng: có một cách làm cho người mình vừa được thưởng thức văn chương ngoại quốc, nghĩa là học, vừa hiểu được thêm cái hay của tiếng nói nước nhà.” (12).

Nguyễn Giang dịch Cuộc tái ngộ của Komatsu Kiyoshi cũng trong tinh thần ấy.

Cuộc tái ngộ đăng không liên tục trên Trung Bắc chủ nhật (13) khởi đầu từ số 208 (25 Juin 1944) đến số 213 (30 Juillet 1944) thì dừng, đăng tiếp từ số 223 (8 Octobre 1944) đến số 234 (1 Janvier 1945) thì ngừng, rồi đăng tiếp từ số 236 (17 Janvier 1945) và kết thúc ở số 237 (21 Janvier 1945). Tổng cộng tác phẩm này đăng trong 20 số (14) Trung Bắc chủ nhật, mỗi số trung bình 3 hoặc 4 trang (khổ 19 × 27 cm).

Trong số 208, toà soạn Trung Bắc chủ nhật đã có lời giới thiệu về nhà văn Komatsu:

“Ông K. Komatu (sic), cố vấn viện văn hoá Nhật, có lòng yêu độc giả T. B. C. N. vừa gửi đến một tập truyện nhan đề là Cuộc tái ngộ do ông Giảng Nguyên dịch sẵn cậy đăng. T. B. C. N. vui lòng in truyện đó lên đây để giới thiệu cùng các bạn một văn tài của Nhật, người đầu tiên đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật. Bản dịch của ông Komatu đã in thành sách và được văn giới Nhật hoan nghênh hết sức. Đọc ông, chúng tôi chắc các bạn sẽ mến ông ngay, vì lối văn, vì tư tưởng và do đó, chúng ta sẽ trọng cái tinh thần của người Nhật và yêu cái văn hoá của nước Pháp hơn vì xem ông Komatu ta thấy rằng ông là một người Nhật đã chịu ảnh hưởng nhiều của mỹ thuật và văn chương Pháp.”(15).

Mang hình thức của một truyện ngắn nhưng Cuộc tái ngộ có cốt truyện cũng như các nhân vật không hoàn toàn là sản phẩm của hư cấu. Cuộc tái ngộ còn có tính chất là một tự truyện. Tác giả là một du học sinh người Nhật. Trên đất Pháp, tác giả có hai mối tình: mối tình với hội hoạ và mối tình với một thiếu nữ Pháp tên Hélène, con một giáo sư đại học. Nhờ tình yêu và sự động viên của Hélène, tác giả đã có sự cố gắng vượt bậc, có chút tiếng tăm trong nghề hội hoạ và văn chương. Vì một biến cố xẩy ra trong gia đình, tác giả phải chia tay người yêu và niềm đam mê hội hoạ để trở về Nhật. Sau đó không lâu, tác giả có dịp sang Đông Dương và gặp lại bạn học cũ hồi ở Pháp là Lê Văn Thái. Tác giả được Lê Văn Thái giới thiệu với những thanh niên, thiếu nữ trí thức Đông Dương. Những cuộc giao thiệp bàn luận về các vấn đề nghệ thuật, chính trị với Lê Văn Thái, với một người đồng hương từng học ở Paris là Hayashi đã làm tác giả quên được những mối tình xưa cũ.

Cuộc tái ngộ là tác phẩm có sự giao thoa, kết hợp giữa văn xuôi hư cấu (fiction) và văn xuôi phi hư cấu (non-fiction). Yếu tố phi hư cấu là yếu tố nổi bật khi trong tác phẩm chứa đựng những chi tiết có thể kiểm chứng được về con người, sự việc và thời gian cụ thể. Điều này không chỉ được thể hiện trong nội dung Cuộc tái ngộ mà còn được chính tác giả xác nhận vào cuối tác phẩm: “Thưa các bạn độc giả, truyện Cuộc tái ngộ này, thiết tưởng không cần phải nói, các bạn cũng đoán biết rằng còn dài nhiều nữa, vì chúng tôi kể toàn những điều trong mười phần cũng đến chín phần thật (PMH in nghiêng) mà biết đâu còn thật hơn cả sự thật một chút, bởi là những điều đang diễn ra trong thực tại mà còn sẽ tiếp tục diễn mãi trong tương lai sâu kín.” (16) Yếu tố hư cấu dù được tác giả sử dụng có ý thức để tạo ra sự gián cách giữa thế giới nghệ thuật và thực tế, nhưng độc giả vẫn có thể suy luận được nhờ những tài liệu khác có liên quan đến tác giả và những người bạn của ông. Chẳng hạn khi tác giả viết về người bạn Lê Văn Thái đã từng cùng học hội hoạ ở khu Montparnasse, Paris cuối thập niên 1920, hiện đang sống ở Hà Nội:

 “Gia đình nhà anh thái là một gia đình có tiếng tăm lớn trong nước anh. Thân phụ anh là một ngọn bút lẫy lừng trong văn học giới nước Việt Nam cận đại. Sinh thời, những bài luận thuyết của ông, hoặc về vấn đề văn học, hoặc về vấn đề chính trị được mọi người thán phục. Ông là người đi tiên phong có kỳ tài trong công việc dịch thuật các áng văn hay nước Pháp. Ông nói và viết tiếng Pháp rất thông thạo, đối với ông không còn có điều gì trong ngôn ngữ nước Pháp là bí mật nữa. Ông thông thuộc về văn học sử Trung Hoa và Âu Châu cũng như văn học sử nước ông. Người ta nhận thấy ông vừa là một người nhiệt thành bảo tồn cái văn hoá Hán Việt cố hữu, vừa là một tay hăng hái mạo hiểm trong sự truyền bá những tư tưởng Âu Tây. Ông sáng lập tờ báo Cồ Việt và tờ tạp chí Hiện đại tư tưởng là hai tờ báo đã giúp nhiều vào sự canh tân của nước ông về đường trí thức và luân lý.” (17)

Chúng ta có thể suy luận Lê Văn Thái chính là Nguyễn Giang và người cha của Lê Văn Thái trong đoạn văn vừa dẫn chính là Nguyễn Văn Vĩnh. Lời bạt Kim Vân Kiều của Komatsu đã giúp chúng ta khẳng định điều này. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến Nguyễn Giang khi dịch Cuộc tái ngộ đã ký lái thành Giảng Nguyên. Hay việc tác giả viết về một người thanh niên Việt Nam yêu nước trên đất Pháp:

“Tôi sang Pháp và tới Paris vào mùa thu năm 1921. Chỉ mới được vài ngày, nên tôi nhớ kỹ, thì độ mười ngày sau hôm tới Paris, một sự tình cờ run rủi, tôi gặp một người thanh niên Việt Nam trong một nơi hội họp công khai. Người thanh niên Việt Nam ấy chính là người Á Đông đầu tiên đã cùng tôi giao du trong một thời gian khá dài trên đất Pháp (…) Người ấy làm một nghề ăn lương công nhật mà sống, các ông chẳng thể tưởng tượng được khổ cực là ngần nào. Người ấy ăn rất ít, ngủ rất ít, làm việc rất nhiều. Mỗi buổi chiều, khi đã làm xong công việc khó nhọc, một chân thợ phụ trong xưởng máy, người ấy ngồi vào bàn viết lách và đọc sách (…) Hai ba lần, tôi được dịp nghe anh ta nói trước mặt những thính giả người Pháp bằng tiếng Pháp, lời lẽ rất trôi chảy hùng hồn. Anh làm trợ bút cho nhiều nhật báo và tuần báo ở Paris bằng cách cứ ngồi nhà viết bài mà gửi đến đều đặn. Tôi còn nhớ mãi một buổi tối mùa đông, anh đến chơi tôi lần đầu tiên. Lúc bấy giờ vào cuối năm 1921 (…) Khi ấy anh đang ở hộ Ménilimeniant mà tôi thì ở hộ Montparnasse (…) Buổi tối hôm ấy, anh mang lại tặng tôi tập khái luận đầu tiên của anh viết bằng tiếng Pháp in tại Paris. Anh viết cho tôi mấy lời thân tặng vào ngay bìa sách. Tôi nhận thấy trên mặt anh một tia sáng của nỗi vui mừng ngấm ngầm trong lòng.”(18)

Qua sự kiểm chứng, đối chiếu tư liệu Vĩnh Sính đã xác định được người thanh niên được Komatsu Kiyoshi đề cập chính là Nguyễn Ái Quốc(19). Vì những điều tế nhị, các nhân vật trong tác phẩm đã được tác giả thay đổi danh tính, hoặc không nêu tên.

Trên phương diện kỹ thuật tự sự, Cuộc tái ngộ được trần thuật ở ngôi thứ nhất từ điểm nhìn của nhân vật, điểm nhìn từ bên trong, là phương thức trần thuật có tính chất nội quan (introspection). Vai trò của người trần thuật trong tác phẩm này hết sức quan trọng, chi phối phương thức triển khai thế giới nghệ thuật, quan niệm về con người và thế giới. Sự chi phối của người trần thuật trước hết, dễ thấy nhất là đối với thế giới nhân vật trong tác phẩm. Các nhân vật là những người bạn của người trần thuật - tác giả, sống cùng thời, có thể có chung hoặc khác nhau về những mục đích, lý tưởng, quan niệm về nghệ thuật. Các nhân vật này, do vậy được nắm bắt trong một mối liên hệ thường xuyên với người trần thuật. Người trần thuật đồng thời là người xuất hiện như một con người thực hiện hữu trong thế giới mà các nhân vật đang hoạt động. Sự trần thuật này mang tính chất cá thể hóa rất cao. Cái tôi tự truyện, theo đó đã trải ra cùng người đọc tạo nên một sự giao tiếp thân mật, gần gũi và tin tưởng Ngoài ra, việc trần thuật ở ngôi thứ nhất trong Cuộc tái ngộ không chỉ là sự thể hiện bản thân cái Tôi - người trần thuật, mà qua đó chúng ta còn biết về thế giới xung quanh Tôi qua cái nhìn hồi cố, ở đây là những kỷ niệm gắn với không gian Paris hồi những năm đầu thế kỷ XX - một trong những trung tâm văn hoá của châu Âu, những vùng ngoại ô nước Pháp, những cuộc gặp gỡ ở Hà Nội xung quanh các trao đổi về văn chương, nghệ thuật và tư tưởng. Điểm nhìn thời hiện tại và quá khứ trong Cuộc tái ngộ được luân chuyển linh hoạt, từ một vấn đề của hiện tại, hay việc gặp lại một người bạn cũ trở thành nguyên cớ để tác giả quay về với những kỷ niệm trên đất Pháp khoảng mười năm trước đó, tạo cho tác phẩm nhiều không gian đồng hiện trong một thời gian đậm đặc hoài niệm.

*

Cuộc tái ngộ giữa Komatsu Kiyoshi và Nguyễn Giang trong cuộc đời và trong những trang viết không chỉ để lại hình ảnh đẹp của một tình bạn thuỷ chung trong sáng. Qua đó chúng ta còn nhận thấy hình ảnh của một thế hệ những trí thức Việt, Nhật khao khát học tập và mang sự tiến bộ về cho xứ sở khi họ có cơ hội đứng trước chân trời khoa học, nghệ thuật phương Tây.

_____________

(1)  Viết về Komatsu Kiyoshi, ở Việt Nam có các công trình: của Vĩnh Sính: Một nhà văn viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp (Tạp chí Xưa và Nay, số 27, ra tháng 5-1996) và của Đoàn Lê Giang: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện ở Nhật Bản, (Tạp chí Văn học, số 12-1999). Bài viết của Vĩnh Sính tìm hiểu mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Komatsu Kiyoshi trong thời gian ở Pháp qua tư liệu truyện Cuộc tái ngộ đăng trên Trung Bắc chủ nhật. Bài viết của Đoàn Lê Giang giới thiệu các bản dịch truyện Kiều ở Nhật Bản trong đó có bản dịch của Komatsu Kiyoshi. Ngoài hai bài viết nêu trên, Bài bạt Kim Vân Kiều của Komatsu Kiyoshi do Đoàn Lê Giang dịch (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11-2004) đã gây hứng thú cho chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này. Một số thông tin về Komatsu Kiyoshi và tác phẩm Cuộc tái ngộ của ông mà chúng tôi lĩnh hội bước đầu và có sử dụng trong bài viết được kế thừa từ những công trình vừa kể.

(2) David G. Marr trong Vietnam 1945: the quest for power (University of California Press, Berkeley. Los Angeles. London, 1995. p. 84-85) cho rằng: Năm 1940, Komatsu Kiyoshi trở lại Paris. Ở đây chúng tôi ghi theo Vĩnh Sính vì thấy hợp lý hơn.

(3), (4), (19) Xin Xem: Vĩnh Sính: Một nhà văn viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp, Tạp chí Xưa và Nay, số 27, ra tháng 5-1996, tr.19-21.

(5) Đinh Mạnh Thoại: Nhà văn Nhật Bản Kyoshi Komatsu và Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Xưa và Nay, số 129, ra tháng 12-2002, tr.16.

(6) David G. Marr: Vietnam 1945: the quest for power, University of California Press, Berkeley. Los Angeles. London, 1995. p.85. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm hiểu thái độ của một số trí thức, nhà văn Việt Nam ở Hà Nội đối với Komatsu Kiyoshi trong Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng (tái bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.202-212, mục: Trung Việt tân văn).

(7) Christopher E. Goscha: Người Nhật theo Việt Minh trong những năm đầu kháng chiến, Đào Hùng trích dịch, Tạp chí Xưa và Nay, số 129, ra tháng 12-2002, tr.13.

(8) Xin xem: Đoàn Lê Giang: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện ở Nhật Bản, Tạp chí Văn học, số 12-1999, tr.47-50.

(9), (11) Komatsu Kiyoshi: Bài bạt Kim Vân Kiều, Đoàn Lê Giang dịch, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11-2004, tr.55-61.

(10) Kawaguchi Kenichi: Văn học Việt Nam ở Nhật Bản, (Đoàn Lê Giang dịch từ Honyaku hyakunen: Gaikoku bungaku to Nihon no kindai, Hara Takuya, Nishinaga Yoshinari chủ biên, Daishùkan shoten, Tokyo, 2000), Tạp chí Đại học Sài Gòn (Số chuyên đề Bình luận văn học), 2011, tr.312-313.

(12) Nguyễn Giang: Danh văn Âu Mỹ, Imprimerie D’Extrême Orient, Hà Nội, 1936, tr.13-28.

(13) Trung Bắc chủ nhật: số 1 ra ngày 3 Mars 1940; chủ nhiệm: Nguyễn Doãn Vượng, từ số 255 (29/7/1945) do Nguyễn Văn Luận chủ nhiệm; chuyên khảo cứu về văn chương, chính trị, khoa học và tin chiến sự; tôn chỉ: “Mới, mới mãi và ngày càng mới”; đăng các tác phẩm Bàn về tiểu thuyết của Vũ Bằng, Cô Dí, Món đồ mừng, Truyện chó chết của Kim Lân, Truyện người hàng xóm (truyện dài) của Nam Cao, Nhà nhiều con, Đứa con giai, Tiếng chạm mạnh của Hồ Zếnh… Nguyễn Đình Vĩnh, nơi phụ lục luận án tiến sĩ Ngữ văn Vai trò của văn học dịch đối với quá trình hiện đại hoá tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, (thư mục sách văn học dịch 1900 - 1945) đã cung cấp thông tin: Cuộc tái ngộ (của Kiyoshi Kamati), Nguyễn Giang dịch, Nxb A. de Rhodes, Hà Nội 1945. Viết như vậy nhưng không rõ Cuộc tái ngộ đã được xuất bản thành sách riêng chưa. Hiện chúng tôi mặc dù đã rất cố gắng, nhưng vẫn chưa tìm được quyển sách này. 

(14) Trước khi đăng bài của Vĩnh Sính (Một nhà văn viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp, Tạp chí Xưa và Nay, số 27, ra tháng 5-1996, tr.19-21), trong số 25 tháng 3 năm 1996, tr.13-15, toà soạn tạp chí Xưa và Nay đã đăng lại đoạn tư liệu tác phẩm Cuộc tái ngộ (các số 223/ 224/ 225) nói về mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và nhà văn Komatsu Kiyoshi. Nơi lời tiểu dẫn, toà soạn cho biết: “Truyện ngắn nhưng lại khá dài, kéo dài từ số 208 ra ngày 25/6/1944 đến số 237, tức là liên tục 30 số, mỗi số kéo dài trung bình từ 3 đến 4, đôi khi tới 5 trang (khổ 19 × 27 cm), báo ra hàng tuần nên truyện được đăng liên tục gần bảy tháng rưỡi” (tr.13). Chúng tôi thấy có vài điểm chưa chính xác. Cuộc tái ngộ không phải được đăng liên tục trong 30 số mà chỉ 20 số và có nhiều lần gián đoạn ở các số 214/ 215/ 216/ 217/ 218/ 219/ 220/ 221/ 222 và 235.

(15) Komatsu Kiyoshi: Cuộc tái ngộ, (Giảng Nguyên dịch), Trung Bắc chủ nhật, số 208 ra ngày 25 Juin 1944, tr.13.

(16) Komatsu Kiyoshi: Cuộc tái ngộ, (Giảng Nguyên dịch), Trung Bắc chủ nhật, số 237 ra ngày 21 Janvier 1945, tr.23.

(17) Komatsu Kiyoshi: Cuộc tái ngộ, (Giảng Nguyên dịch), Trung Bắc chủ nhật, số 210 ra ngày 9 Juillet 1944, tr.15.

(18) Komatsu Kiyoshi: Cuộc tái ngộ, (Giảng Nguyên dịch), Trung Bắc chủ nhật, số 224 ra ngày 15 Octobre 1944, tr.15.



(*) ThS. Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60795737
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15238
24669
60795737

Thành viên trực tuyến

Đang có 666 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website