Nguyễn Vỹ - Nhà báo, nhà thơ, nhà văn của quê hương núi Ấn sông Trà

(Báo cáo đề dẫn Hội thảo “Nguyễn Vỹ - cuộc đời và sự nghiệp”)

                                Đoàn Lê Giang*

Hôm nay 30 tháng 10 năm 2017, ở Thành phố Quảng Ngãi các vị khách quý trong tỉnh nhà, các học giả từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước tụ hội về đây tham dự Hội thảo Nguyễn Vỹ - cuộc đời và sự nghiệp, để trình bày những nghiên cứu mới nhất của mình, thảo luận về những đóng góp vào sự nghiệp văn hoá, văn học, báo chí nước nhà của một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, cũng là của nước ta 70 năm từ đầu thế kỷ XX: nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được tất cả 36 tham luận của 35 nhà nghiên cứu, trong đó có: 29 nhà nghiên cứu ngoài tỉnh; 06 nhà nghiên cứu trong tỉnh và 9 người có báo cáo là thân nhân gia đình Nguyễn Vỹ. Điều ấy cho thấy tình cảm và sự đánh giá rất cao của giới nghiên cứu, phê bình văn học dành cho Nguyễn Vỹ. Các tham luận tập trung vào các vấn đề sau đây.   

1. Tiểu sử - cuộc đời làm báo của Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ sinh năm 1910 tại làng Tân Hội (sau đó đổi thành Tân Phong, sau 1945 đổi là Phổ Phong), huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, trong trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm ở huyện Đức Phổ tỉnh Quãng Ngãi. Thân phụ ông là Nguyễn Thuyên từng làm quan ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nhưng sau từ chức để tham gia phong trào cần vương chống Pháp.

Bản thân Nguyễn Vỹ cũng là một học sinh yêu nước, có tinh thần chống Pháp. Khi còn là học sinh trung học ở trường Quốc học Quy Nhơn (1924 – 1927), Nguyễn Vỹ đã tham gia phong trào chống thực dân nên bị đuổi học. Sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục học ban Tú tài.

Trong cuộc đời làm văn, làm báo của mình, Nguyễn Vỹ hai lần bị bỏ tù: một lần bị tù thực dân Pháp, một lần bị tù phát-xít Nhật. Năm 1937, ông viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp đăng trên tờ Le Cygne (Bạch Nga, song ngữ Pháp-Việt, do ông sáng lập), nên tờ báo bị rút giấy phép vĩnh viễn, còn bản thân ông bị tòa án thực dân kết tội “phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia”, bị tuyên phạt 6 tháng tù giam và 3.000 quan tiền. Năm 1939, khi quân Nhật vào chiếm đóng Đông Dương, quân Pháp đầu hàng, Nguyễn Vỹ viết 2 quyển sách cảnh báo về nguy cơ của phát-xít Nhật: Kẻ thù là Nhật Bản (H. E'dition Jeunesse; Impr. Văn Lâm, “Thanh niên tùng thư”, 1939. - 62tr.); Cái họa Nhật Bản (E'dition Bảo Ngọc, “Thanh niên tùng thư”, 1939), nên hiến binh Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê cho đến 1945 mới được thả.

Nguyễn Vỹ cũng là nhà văn có khuynh hướng dân chủ, ông lập toá báo, viết báo bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền đương thời. Các tờ báo Tổ Quốc số đầu tiên xuất bản vào năm 1946,  tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt sau đó, tờ Dân ta (1952), sau này là Phổ thông bán nguyệt san (1958), tuần báo Bông lúa…đều thể hiện khuynh hướng đó.

Ngày 04 tháng 02 năm 1971, ông qua đời bởi tai nạn giao thông trên đường đi từ Tân An về Sài Gòn, thọ 61 tuổi. Ngoài tên gọi thường gặp là Nguyễn Vỹ, ông còn có nhiều bút danh khác như: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Với khoảng 40 năm hoạt động báo chí, văn học, ông để để lại một sự nghiệp đồ sộ, chỉ riêng về sách, ông đã xuất bản trên 20 đầu sách gồm nhiều thể loại: thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, nghị luận.

      Thơ:

  1. Tập thơ đầu - Premières poésies (Thơ Việt và Pháp), tác giả xuất bản, Hà Nội, 1934
  2. Hoang vu (thơ), Phổ thông xuất bản, Sàigòn 1962.
  3. Buồn muốn khóc lên (thơ) 1970
  4. Mình ơi (văn hóa tổng quát) 1970.
  5. Thơ lên ruột (thơ trào phúng) 1971.

Truyện ngắn, tiểu thuyết, ký:

  1. Đứa con hoang, tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, Hà Nội, 1936 (?), 1938, 180 tr.
  2. Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn), Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 1937
  3. Người yêu của hoàng thượng, tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, 1938.
  4. Thi sĩ Kỳ Phong, tiểu thuyết, 1938
  5. Chiếc bóng, tiểu thuyết, Cộng lực xuất bản, Hà Nội 1941
  6. Những cô gái hư, Impr. Đời mới, HN, 1941, 141tr
  7. Hận Hoàng Giang, tiểu thuyết, Impr. Quốc Gia, HN, 1942, 26tr
  8. Mười hòn đá, Impr. Quốc gia, HN, 1943, 26tr
  9. Chiếc áo cưới mầu hồng , tiểu thuyết, Dân Ta xuất bản, Sàigòn, 1957 , 187 tr
  10. Giây bí rợ, tiểu thuyết, Dân Ta xuất bản, Sàigòn 1957, 230 tr (đã có)
  11. Hai thiêng liêng I,  “Tình yêu và Tổ quốc: hai thiêng liêng”, 246 tr. Hai thiêng liêng II, tiểu thuyết, Dân Ta xuất bản, Sàigòn, 1957, in lần đầu trên nhật báo Dân ta từ tháng 5 đến tháng 11/ 1953 (Lời giới thiệu)
  12. Mồ hôi nước mắt, tiểu thuyết, Sống Mới xuất bản, Sàigòn 1965.
  13. Tuấn, chàng trai nước Việt I, tác giả xuất bản. Tuấn, chàng trai nước Việt II, (chứng tích thời đại), Triêu Dương xuất bản, Sàigòn, 1970.
  14. Văn thi sĩ tiền chiến, (chứng dẫn của một thời đại), Nxb Khai Trí, Sàigòn, 1970, 528 tr.

Văn nghị luận, biên khảo:

  1. Kẻ thù là Nhật Bản (luận đề chính trị), (Thanh niên tùng thư), H. : Impr. Văn Lâm, E'dition Jeunesse, Hà Nội, 1939
  2. Cái họa Nhật Bản (luận đề chính trị), (Thanh niên tùng thư), E'dition Bảo Ngọc xuất bản, Hà Nội, 1939.
  3. Đứng trước thảm kịch Việt Pháp - Devant le drame Franco Vietnamien, (luận đề chính trị bằng Việt và Pháp văn) tác giả xuất bản, Đà Lạt, 1947.
  4. Hào quang Đức Phật (luận đề tôn giáo) tác giả xuất bản, Đà Lạt, 1948.
  5. Những đàn bà lừng danh trong lịch sử (biên khảo), Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970.

Sau 1975 nhiều sách của ông đã được tái bản. Không kể thơ ông được tái bản trong các tuyển tập, thì có 2 quyển sách được tái bản và được yêu thích là:

Tuấn - chàng trai nước Việt,  NXB.Văn học, HN, 2006. Năm sau lại được tái bản, NXB. Văn học, 2007; 4 năm sau lại được NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh tái bản 2011;

Cuốn Văn thi sĩ tiền chiến được  NXB.Hội nhà văn tái bản lần đầu tiên vào năm 1994, NXB. Văn học tái bản 2007.

Năm 2003 tác phẩm của Nguyễn Vỹ cũng được NXB Văn học xuất bản trong tùng thư văn học có tính chất tinh tuyển, đó là bộ: Văn học Việt Nam thế kỷ XX : Tiểu thuyết trước năm 1945, Mai Quốc Liên, Chu Giang, Nguyễn Cừ sưu tầm, biên soạn. Quyển 1, tập 7, bao gồm các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Vỹ.

Những vấn đề về cuộc đời, sự nghiệp văn học và báo chí của Nguyễn Vỹ được trình bày trong các tham luận của: PGS.TS. Nguyễn Công Lý: Vài ấn tượng về Nguyễn Vỹ và “Phổ thông bán nguyệt san”; TS. Trần Hoài Anh: Nguyễn Vỹ nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam 1954-1975; Nhà nghiên cứu Thiện Mỹ: Quê hương – gia đình và nhân cách Nguyễn Vỹ qua tư liệu ở miền Nam trước 1975; PGS.TS. Nguyễn Phong Nam: Dấu ấn Nguyễn Vỹ trong lịch sử văn học Việt Nam; Nhà nghiên cứu Vu Gia: Người cố gắng làm mới nền văn học chữ quốc ngữ; Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Câu chuyện dựa vào hồi ức Nguyễn Vỹ để tìm dấu vết hoạt động báo chí của Phan Khôi, TS. Mai Bá Ấn: Nguyễn Vỹ: tầm – tâm – tài và tình của người làm báo; TS. Trần Hoàng: Nguyễn Vỹ, văn chính luận; Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Trác: Đà Lạt và Nguyễn Vỹ; ThS. Bùi Văn Quảng: Nhà báo Nguyễn Vỹ với tuần báo "Thằng Bờm" ; ThS.Võ Quốc Việt: Những gợi ý từ bài viết “Văn chương và tư tưởng Việt Nam” của Nguyễn Vỹ trên “Phổ thông tạp chí”.

II. Nguyễn Vỹ, nhà thơ

            Các tham luận tập trung nghiên cứu về sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Vỹ: kiểm kê lại các tác phẩm thơ của ông, giá trị nội dung nghệ thuật, cá tính sáng tạo, đặc điểm thi pháp trong thơ ông.

PGS.TS. Nguyễn Thành Thi với tham luận: Người thơ Nguyễn Vỹ qua những bài thơ đậm sắc thái chính luận; TS. Lê Nhật Ký: Thử mở rộng giá trị thơ Nguyễn Vỹ, TS. Cao Thị Hồng: Thân phận con người trong thơ Nguyễn Vỹ; TS. Nguyễn Đình Thu: Thực và mộng trong thơ Nguyễn Vỹ; Nguyễn Công Đức: Ẩn dụ ý niệm trong thơ Nguyễn Vỹ, thông qua từng thể tài, từng khía cảnh, tìm hiểu những cảm hứng, giá trị và cá tính sáng tạo trong thơ Nguyễn Vỹ.

Một trong những cách tân quan trọng về thơ của Nguyễn Vỹ là chú ý đến hình thức sắp đặt bài thơ: bài thì ziczac, bài thì hình thoi, bài thì bậc thang…điều mà sau này người ta gọi là “Thơ thị giác”. Thơ thị giác khá phát triển gần đây, được coi là một trong những cách tân quan trọng của thơ ca đương đại. Nhưng ít ai ngờ là người đưa thơ thị giác theo kiểu phương Tây vào Việt Nam là Nguyễn Vỹ với trường phái thơ Bạch Nga. Các tham luận của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS. Võ Văn Nhơn và TS. Thái Phan Vàng Anh đều tập trung vào vấn đề này (lần lượt là các tham luận: Nguyễn Vỹ làm thơ thị giác, Thơ thị giác của Nguyễn Vỹ, Nguyễn Vỹ và vai trò cách tân thơ tiếng Việt hiện đại).

Đã là thơ thì phải là thơ hay. Nói đến Nguyễn Vỹ người ta nhớ ngay đến bài Sương rơi và bài thơ mà nhà phê bình Hoài Thanh gọi là “kiệt tác”: Gửi Trương Tửu:

Làm báo làm bung chán mớ đời!

Anh đi che tàn một lũ ngốc

Triết lý con cừu, văn chương cóc!

Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,

Ra chợ bán văn ngày tháng qua!

Cho nên tôi buồn không biết mấy!

Ðời còn nhố nhăng, ta chịu vậy!

Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,

Bực chí, thành say mấy cũng vừa.

Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!

Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ

Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,

Rốt cuộc chỉ còn… mộng với mơ!

Trong các tham luận, bài viết của nhà phê bình Nhật Chiêu: Ánh sáng và bóng tối trong “Đêm trinh” của Nguyễn Vỹ cố gắng phát hiện ra một kiệt tác mới trong thơ Nguyễn Vỹ là bài Đêm trinh, một bài thơ sâu thẳm, huyền bí, trau chuốt và sang trọng kỳ lạ của Nguyễn Vỹ:

                     Đêm nay tôi không muốn ngồi gục bên đỉnh trầm

                                       Nghe rượu cười trong ly,

                                Nhạc quay cuồng trong khói,

                                       Thời gian đọng trên mi.

                                Tôi muốn về bên giếng tối,

                                       Khu vườn âm u,

                                Quê hương hoang vu.

                                       Không một dấu vết.

                                          (…)

            Thơ Nguyễn Vỹ người khen thì khen đến tận mây xanh mà chê thì chê đến tận cùng. Thực sự thì trong mấy chục năm qua, giới phê bình đã đánh giá về thơ Nguyễn Vỹ thế nào? Các ý kiến ấy có thể có giá trị tham khảo gì cho chúng ta ngày nay không? Các tham luận Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nguyễn Vỹ của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Có lẽ chúng ta đã hiểu lầm Hoài Thanh của PGS.TS. Đào Ngọc Chương; Thơ Nguyễn Vỹ trong tiếp nhận của  phê bình văn học ở miền Nam 1954 – 1975 của TS.Trần Hoài Anh đi theo hướng nghiên cứu đó.

III. Nguyễn Vỹ, nhà văn 

Sự nghiệp Nguyễn Vỹ để lại quan trọng nhất là thơ hay văn? Thơ Nguyễn Vỹ có những cách tân đi trước thời đại, tạo thành một dòng; thơ ông có những bài được liệt vào hàng “kiệt tác”, thế còn văn? Văn của ông để lại có đủ cả bộ ba quan trọng của văn xuôi nghệ thuật: ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. 

Tham luận của TS. Lê Hương Thủy: Sáng tác của Nguyễn Vỹ, nhìn từ tiểu thuyết đi vào khảo sát nhiều cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ với mong muốn tìm ra giá trị và đặc điểm tiểu thuyết của ông. Nhưng có lẽ chỉ có Tuấn, chàng trai nước Việt là tác phẩm còn đọng lại qua thời gian. Có thể coi đây là tiểu thuyết tự truyện trường thiên có giá trị nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Giới phê bình từng đánh giá rất cao Thời thơ ấu của Nguyên Hồng, Cát bụi chân ai của Tô Hoài, với tư cách là tiểu thuyết tự truyện, thế thì không thể không nhìn nhận đúng mức giá trị của Tuấn, chàng  trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, cuốn tiểu thuyết ghi lại một cách trung thực những năm tháng chuyển mình của đất nước ta trên con đường hiện đại hoá, những tháng ngày đói khổ cùng cực trong chiến tranh khốc liệt, qua sự trải nghiệm của một chàng trai nước Việt đầy nhiệt huyết, thiết tha yêu nước, dám hy sinh, và cũng không hiếm lúc hoang mang, lầm đường… Nhiều tham luận trong hội thảo đã tập trung trình bày về giá trị tác phẩm này như: Nguyễn Vỹ, người trí thức nước Việt của TS. Đỗ Hải Ninh; “Tuấn, chàng trai nước Việt” – biên ký lịch sử văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX của TS. Nguyễn Diên Xướng; Vỹ - chàng chai xứ Quảng, TS. Trần Tuấn.

Cùng với Tuấn, chàng trai nước Việt là tác phẩm Văn thi sĩ tiền chiến. Tác phẩm này không phải là phê bình, nghiên cứu văn học, cũng không phải hồi ký, mà có thể nói đó là bút ký chân dung văn học: các nhà văn, nhà thơ nửa đầu thế kỷ XX qua con mắt với trải nghiệm trực tiếp của Nguyễn Vỹ. Tính xác thực, sinh động bằng trải nghiệm thực tế, tính sâu sắc bởi con mắt tinh đời của người viết, tính chất tinh tế của một trái tim nghệ sĩ đã tạo nên giá trị của tác phẩm này. Phân tích, đánh giá giá trị của nó trong hội thảo này, chúng ta có thể thấy qua các tham luận của các nhà nghiên cứu: PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân với Nguyễn Vỹ và “Văn thi sĩ tiền chiến”, PGS.TS. Văn Giá: Đọc lại “Văn thi sĩ tiền chiến” của Nguyễn Vỹ, TS. Lê Thị Hường: Chân dung Nguyễn Vỹ nhìn từ hồi kí Văn thi sĩ thiền chiến, ThS. Phạm Tuấn Vũ: Văn thi sĩ tiền chiến – tác phẩm giá trị của Nguyễn Vỹ.

V. Những vấn đề đặt ra từ hội thảo

Từ các tham luận này chúng tôi thấy còn có nhiều vấn đề đặt ra mong muốn các nhà nghiên cứu làm rõ:

  1. Cần phải xác lập một tiểu sử đầy đủ, chính xác về cuộc đời Nguyễn Vỹ, đồng thời tìm hiều thêm về tư tưởng, tình cảm, cung cấp thêm các chi tiết về cá tính, phong cách của ông, để ông có thể hiện lên rõ ràng hơn đối với hậu thế. Ngay như năm sinh của ông cũng không thống nhất: ông sinh năm 1910 như Văn Thi sĩ tiền chiến (tr.6), Từ điển văn học (bộ mới) viết, hay 1912 như một số tài liệu khác?
  2. Sưu tầm, ghi chép chính xác các tác phẩm của ông. Sự nghiệp văn học và báo chí của ông hiện còn những gì, bao nhiêu cuốn, xuất bản lần đầu năm nào, tái bản bao nhiêu lần? Hiện nay do cái nạn “tam sao thất bản”, các tài liệu, ngay cả từ điển cũng ghi không thống nhất về tên thể loại, tên nhà xuất bản, nhà in, nơi xuất bản, năm xuất bản/ tái bản, số trang…
  3. Tìm hiểu giá trị, đặc điểm, thi pháp thơ, văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Vỹ. Đánh giá những đóng góp của Nguyễn Vỹ đối với nền văn học và báo chí nước nhà. Từ đó định vị Nguyễn Vỹ trên tiến trình phát triển của văn học dân tộc;
  4. Thảo luận về những cách thức đưa các giá trị của sự nghiệp văn học của Nguyễn Vũ đối với hậu thế: xuất bản tuyển tập, sách nghiên cứu phê bình về Nguyễn Vỹ, đưa Nguyễn Vỹ vào giáo trình đại học, sách giáo khoa ngữ văn phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa về chương trình địa phương…
  5. Thảo luận về mức độ cần thiết vinh danh Nguyễn Vỹ như một trí thức, văn nhân ưu tú của Quảng Ngãi: lập nhà lưu niệm Nguyễn Vỹ, đặt tên đường Nguyễn Vỹ ở TP.Quảng Ngãi như Đà Nẵng đã làm để tôn vinh Bùi Giáng, Lê Đình Kỵ…, như tỉnh Quảng Ngãi đã từng làm để tôn vinh Bích Khê mới đây.

Lời kết

            Nguyễn Vỹ là một nhà báo, nhà thơ, nhà văn… một gương mặt trí thức tiêu biểu của nước ta từ thập niên 1930 đến 1970. Cuộc đời của ông không dài nhưng sự nghiệp ông để lại hết sức phong phú, đa dạng. Hội thảo Nguyễn Vỹ - cuộc đời và sự nghiệp có nhiệm vụ đánh giá những giá trị mà Nguyễn Vỹ để lại: những gì là giá trị đương thời, những gì là giá trị vượt thời gian, những gì là tích cực, đáng được vinh danh, những gì là những hạn chế do hoàn cảnh lịch sử cần thông cảm... Chúng ta hy vọng thông qua Hội thảo này mà sự nghiệp của Nguyễn Vỹ được đánh giá đúng mức, tác phẩm của ông được định vị  trong lịch sử văn học dân tộc, tên tuổi ông được vinh danh ở ngay quê nhà, nối tiếp truyền thống Núi Ấn Sông Trà với những danh nhân văn học: Trương Đăng Quế, Lê Trung Đình, Tế Hanh, Bích Khê...  

Chú thích

  1. Hội thảo “Nguyễn Vỹ - cuộc đời và sự nghiệp” do Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi và Trường Đại học KHXH & NV- ĐHQG TP.HCM tổ chức ngày 30 tháng 10 năm 2017 tại TP. Quảng Ngãi.

Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên san 2017, số 34 (59) tháng 12/ 2018.

 


* PGS,TS. – Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM. 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60736551
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
456
9486
60736551

Thành viên trực tuyến

Đang có 261 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website