Khuất Bình Nguyên: “Hoa nở muộn” trên cánh đồng văn chương

Đối với chúng tôi, điều bất ngờ nhất là sự quan tâm và theo dõi của Khuất Bình Nguyên đối với thơ miền Nam trong thời chiến…

Được đào tạo căn bản về văn học và luật học, Khuất Bình Nguyên dành phần lớn cuộc đời cho công tác tư pháp, nhưng vẫn không lìa xa được văn chương chữ nghĩa.

Từ khi về hưu, ông chuyên tâm cho văn học và xuất hiện như một thi sĩ tiềm ẩn lâu năm với năm tập thơ riêng (Người lữ hành thời gian, Nơi thời gian trở về, Cành tục ngữ hóa đá, Bỏ quên trong rừng thu, Hoa hoàng đàn nở muộn) và hai tập in chung (Bảy con đường của số phận, Mùa thu lứa đôi) được xuất bản chỉ trong vòng bốn năm.

Tự ví mình như một bông hoa nở muộn trên cánh đồng văn chương muốn bung hết sắc màu cho trời đất, Khuất Bình Nguyên không dừng lại ở lãnh vực sáng tác. Hơn mười năm qua, ông vừa làm thơ, vừa suy nghĩ về văn chương, phân tích những thế giới nghệ thuật mà ông tâm đắc và phác vẽ chân dung những cá tính sáng tạo mà ông yêu mến. Ông không nhìn ngắm và luận bàn như một nhà khoa học khách quan mà như một người nghệ sĩ đồng cảm, sẻ chia với lao động nghệ thuật của những đời văn.

20230517

Các tác phẩm của Khuất Bình Nguyên

Cần mẫn làm việc, Khuất Bình Nguyên hoàn thành bộ sách ba tập, tổng cộng 800 trang khổ lớn, gồm: Giọt nước trong lá sen (2016, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Giấu vàng trong gió thu (2019, Giải A của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương), Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca (2023), được gọi chung trong một tiêu đề phụ là Chân dung văn học - Đàm luận văn chương.

Đọc hết ba tập sách của Khuất Bình Nguyên, có thể thấy tác giả như bị cuốn hút đến gần như ngây ngất trên cánh đồng văn chương màu mỡ của dân tộc, từ cổ điển đến đương đại. Ông nghĩ lại và nghĩ tiếp về thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tú Xương, Tản Đà; đào sâu hơn những ẩn nghĩa trong thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Bích Khê - những giá trị nghệ thuật tưởng chừng đã ổn định trong đánh giá. Tấm lòng của ông bộc lộ rõ khi ngòi bút liên tài đã tiếp cận những đời thơ lận đận của Phùng Quán, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Văn Cao, Phùng Cung, Việt Phương.

 

Đối với chúng tôi, điều bất ngờ nhất là sự quan tâm và theo dõi của Khuất Bình Nguyên đối với thơ miền Nam trong thời chiến. Bản lĩnh của một ngòi bút lịch duyệt khiến ông không ngần ngại bàn đến thế giới thơ từng xa xôi cách trở của Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Trần Vàng Sao trong khía cạnh nghệ thuật độc đáo nhất.  

Cùng là đồng môn nhưng cách nhau bảy khóa, Khuất Bình Nguyên và chúng tôi đều đã từng theo học những giờ giảng về văn học miền Nam của Thầy Hồ Tấn Trai tức Phạm Văn Sỹ. 

Nhớ lại những câu thơ Thanh Tâm Tuyền mà thầy Trai đọc trong lớp, nhớ đến hình ảnh Đà Lạt mà nhà thơ và nhà giáo này đặt chân đến trong khoảng cách một thập niên, Khuất Bình Nguyên viết: "Thế hệ thầy Trai và Thanh Tâm Tuyền đến lúc cuối đoạn đường đời vẫn chưa thể gặp nhau. Cuộc đời của họ đã vỡ vào chuông giáo đường để chỉ còn lại tiếng ngân nga của ân tình và thức tỉnh".

Có lẽ do khoảng cách địa lý và thời gian nên Khuất Bình Nguyên chưa nắm đầy đủ thông tin về mảng văn học này. Ông dùng hình ảnh thật thích hợp: thơ Nguyên Sa là "những vũ điệu của tình yêu". Nhưng nếu ông đọc được bản thảo tập thơ Những năm sáu mươi (bị chính quyền miền Nam kiểm duyệt, không cho xuất bản) và những bài thơ của Nguyên Sa trên các tạp chí Đất Nước, Trình Bầy, thì ông sẽ thấy rằng Nguyên Sa không hoàn toàn xa lạ với tinh thần "dấn thân" của chủ nghĩa hiện sinh.

Viết về những tác giả cùng thời hay cùng thế hệ, ngòi bút Khuất Bình Nguyên càng tự tin hơn, nhờ sự từng trải trong cảnh sống mà ông chan hòa. Những bài viết của ông thu hút sự chú ý trước hết nhờ những nhan đề vừa đầy chất thơ, vừa gợi mở được chân dung của các tác giả: "Tiếng đập cửa của số phận" (viết về Bằng Việt); "Người của một thời, thơ của muôn đời" (viết về Phạm Tiến Duật), "Tôi ấy mà, một gốc rạ bơ vơ" (viết về Hữu Thỉnh), "Rút tơ ra trải đường đi riêng mình" (viết về Nguyễn Đức Mậu), "Người lính mang thông điệp đoàn viên" (viết về Nguyễn Trí Huân), "Người lặng lẽ ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu" (viết về Ngô Thế Oanh), "Người suốt đời vác cây thánh giá tuổi thơ" (viết về Trần Đăng Khoa), "Sự mất ngủ của thi ca" (viết về Nguyễn Quang Thiều), "Nỗi sợ hãi trước chân trời" (viết về Trương Đăng Dung)… Đôi khi ông không giấu giếm sự "thiên ái" như đã viết đến ba bài về Nguyễn Huy Thiệp.

Cũng như làm thơ, đối với Khuất Bình Nguyên, viết tiểu luận phê bình pha chất tùy bút bao giờ cũng là một cuộc viết nghiêm trang. Ông không đóng khung tác phẩm trong giới hạn của văn bản. Ông kéo nó lại gần với cuộc đời,v với tâm tình người viết và tâm trạng người đọc. Ông đi tìm lại những dấu tích của Nguyên Hồng, Bích Khê, Quang Dũng, Trần Vũ Mai, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Chúng tôi đã từng được ông đưa đến phố Lãn Ông thắp hương tưởng niệm Vũ Đình Văn và ôn lại chuyện cũ với gia đình nhà thơ; ngồi cùng ông và những bạn văn một sáng thu hồ Tây để ngắm nhìn ngôi-nhà-cây-liễu xưa của Thạch Lam bên hồ Ao Vả ở đầu làng Yên Phụ.

Gần đây ngòi bút Khuất Bình Nguyên có xu hướng viết về những tài năng mới phát hiện trong đời sống văn chương và những bài tổng luận có tính khái quát. Mong ông dành tâm sức và thời gian đầu tư cho một công trình chuyên sâu, dài hơi về tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.

GS. Huỳnh Như Phương

Nguồn: Người lao động, ngày 10.5.2023.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60821445
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4235
8930
60821445

Thành viên trực tuyến

Đang có 222 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website