Lê Văn Nghĩa đã một năm xa

Anh Lê Văn Nghĩa và tôi có một tình bạn muộn màng. Tuy đọc và biết nhau từ lâu nhưng chúng tôi chỉ quen thân và có nhiều thời gian gặp gỡ, hàn huyên ở độ tuổi U60. Một lần nào đó, tôi nói với anh là tôi được đăng nhiều bài trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhưng chưa bao giờ chen được vào dù chỉ một góc trên Tuổi Trẻ Cười do anh chủ biên để được anh chấm nhuận bút. Nghĩa thật tình giới thiệu cho tôi những mục mà tôi có thể cộng tác, nhưng mục nào tôi cũng thấy khó vì không thuộc sở trường của mình. Văn Lê Văn Nghĩa đầy chất trào phúng, mà ngoài đời anh lại nghiêm trang; tôi thì trái lại, thích cười vui với bạn bè nhưng viết văn chẳng làm ai cười nổi. Tôi bảo anh: “Thua, xin chịu thôi”. Nghĩa nói tưng tửng: “Thế nào rồi cũng có lúc ông nhận được nhuận bút của Tuổi Trẻ Cười”.

Đâu chỉ vài tháng sau, Nghĩa đến nhà tôi, chở theo một chồng báo Tuổi Trẻ Cười photocopy đóng tập từ số 1 đến số mới nhất, bảo: “Tui tặng ông cái này”. Tôi nói: “Nhà tui đặt dài hạn Tuổi Trẻ Cười mà, tặng chi”. Nghĩa: “Ông khỏi lục lại, bây giờ ông ngồi xem lướt qua lịch sử Tuổi Trẻ Cười rồi viết cho tui một bài nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập báo”.

Quả là Lê Văn Nghĩa giao cho tôi một nhiệm vụ khó khăn, nhưng nể lời bạn, tôi ngồi viết bài “30 năm, vẫn tiếng cười xây dựng”. Nghĩa nhận bài, gật đầu, sau đó cho tôi đến dự buổi tọa đàm kỷ niệm 30 năm Tuổi Trẻ Cười, có đông đủ các cây bút châm biếm hàng đầu của cả nước. Điều bất ngờ nữa là anh chấm cho tôi 3 triệu đồng, khoản tiền nhuận bút lớn nhất mà tôi nhận được cho một bài viết, lại còn trích đăng trên báo Xuân năm 2014.


Lê Văn Nghĩa (bìa phải) trong bữa tất niên ngày 10/1/2021.

Nhà Nghĩa ở quận 3, nhà tôi ở Phú Nhuận, nhưng có lối đi tắt rất gần. Hẻm nhà anh lịch sự, quen gọi là hẻm Lê Bảo Tịnh, nổi tiếng vì có văn phòng họ đạo Thanh Hóa và ngôi trường do linh mục Thanh Lãng xây dựng. Biết tôi ngại đi xe máy, thỉnh thoảng anh sang chở tôi đi dự họp mặt ở NXB, đi dự đám cưới, ăn tất niên, có buổi tối còn ngẫu hứng đi ăn cháo lòng và trứng vịt lộn gần cơ quan báo Tuổi Trẻ. Nhà Nghĩa đẹp, mà xe anh thì cà tàng, yên sau không có nệm, ngồi rất đau mông. Tôi chọc anh: “Ông đi xe này thì gia đình yên tâm, vì chẳng có cô nào thèm ngồi lên yên sau của ông”. Biết ý, lần sau Nghĩa đem theo cái áo mưa lót trên yên.

Nghĩa là người quảng giao, hình như anh có đến gần chục nhóm bạn thường ngồi với nhau, “khi ly khi tô”. Tôi được anh “kết nạp” làm thành viên của 3 nhóm có điểm hẹn khác nhau: 1 câu lạc bộ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, 1 nhà hàng ở đường Lê Quý Đôn, 1 quán ăn trên đường Vườn Chuối. Những lần họp mặt bao giờ Nghĩa cũng đem theo một chai rượu vang chính hiệu.

Tôi vốn e ngại những câu chuyện gay cấn dễ gây tranh cãi khi tụ họp bạn bè. Đi với Nghĩa, tôi yên tâm, vì anh có cách hóa giải những người khắc khẩu rất hiệu nghiệm. Có lần tranh cãi về vai trò của một tờ tạp chí văn học ở miền Nam, một người chê tờ báo này hay đăng lại những bài cũ của các tác giả miền Bắc, Nghĩa nói rằng nếu không có tờ báo đó, thì nhiều thông tin về văn học tiền chiến sẽ không ai biết. Lần khác, nhân dịp nói về một nữ sĩ viết tiểu thuyết hiện sinh nổi tiếng của Sài Gòn, có anh trách móc những người thời đó đã phê phán nặng nề cuốn sách vì dụng ý chính trị. Nghĩa điềm đạm chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của cuốn sách đó. Khi tác phẩm của nữ sĩ ấy được tái bản, Nghĩa đến dự và tặng bà cuốn Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 – những chuyện bên lề của anh.

Sự điềm đạm đó giúp Lê Văn Nghĩa “hiệp thông” được với nhiều văn hữu thuộc các thế hệ khác nhau: những cây bút trẻ, những người đồng tuế, những bậc cao niên. Trước dịch Covid-19, ngày Tết, Nghĩa hay gọi tôi cà phê để mừng tuổi hai lão gia văn chương Sài Gòn là Thế Phong, tên thật Đỗ Mạnh Tường, chủ trương NXB Đại Nam Văn Hiến, và Phan Kim Thịnh, bút hiệu Lý Nhân, Phan Thứ Lang, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn Học. Thế Phong sống thanh đạm, 90 tuổi vẫn tập thể dục và chạy bộ đều đặn mỗi ngày. Phan Kim Thịnh gầy yếu, gia cảnh khó khăn, vừa từ trần tháng 6 năm nay trong viện dưỡng lão.

Làm nghiên cứu văn học, tôi quý những buổi ngồi riêng với Nghĩa trong một quán cà phê ở Phú Nhuận hay trên đường Hoàng Sa, để “khai thác” vốn sống của anh về mảnh đất, con người và văn chương thành phố này. Trò chuyện với Nghĩa, tôi nhận ra, dù đã sống ở đây nửa thế kỷ, tôi cũng chỉ mới biết được một phần của Sài Gòn bề mặt, chỉ có những người như Nghĩa mới cảm nhận và thấu hiểu được Sài Gòn bề sâu. Anh giao du cả với giới tinh hoa lẫn những nhân vật “cộm cán” của thế giới ngầm. Chưa tới 20 tuổi, anh đã ở tù chung với những trí thức khuynh tả nổi tiếng của miền Nam. Nếu sức khỏe cho phép, Nghĩa có thể đã xây dựng nhiều tác phẩm hư cấu và phi hư cấu đặc sắc hơn nữa.

Là nghệ sĩ sáng tác, Nghĩa còn có tư duy nghiên cứu khi sưu tầm, tập hợp tư liệu và thẩm định văn chương một cách nghiêm túc, khách quan. Tháng 10/2016, theo đề nghị của tôi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mời anh tham gia hội thảo về văn học Nam bộ, phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức ở Bình Dương. Anh đến dự rất sớm, trình bày một tham luận công phu về hoạt động của Tuần báo Nhân Loại, xuất bản ở Sài Gòn những năm 1956 – 1960, với các nhà văn Tô Nguyệt Đình, Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Phi Vân, Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Lê Vĩnh Hòa…

Những cuốn sách viết về Sài Gòn ngày cũ của Lê Văn Nghĩa rất được những người Việt xa xứ yêu thích. Tết 2019, NXB Trẻ tổ chức cho Nghĩa qua Đức rồi sang Pháp giao lưu với bạn đọc ở hải ngoại. Đó là chuyến xuất ngoại cuối cùng của anh. Anh mua mấy chiếc áo montagut đem về tặng bạn bè, riêng tôi thì được tặng cuốn Lịch sử các lý thuyết văn học phương Tây anh mua ở hiệu sách cũ bên bờ sông Seine, nơi tôi đã đến vài lần nhưng chưa bao giờ dám bỏ tiền mua những cuốn sách quý ở đó.

Phát hiện bệnh trọng đã lâu và chạy chữa với nhiều thầy thuốc uy tín, nhưng Nghĩa ít nói với bạn bè về sức khỏe của mình, e cuộc gặp mất vui. Tuổi cao, ai cũng có bệnh này bệnh kia và khi cần thông tin về bác sĩ chuyên khoa, hỏi Nghĩa là chắc ăn nhất. Nghĩa kiêng thịt, thường ăn món hủ tiếu cá, cà phê thì pha sẵn ở nhà mang theo. Một buổi sáng tôi mời anh với các anh Phạm Chu Sa, Trần Văn Chánh đến nhà ăn cơm tấm, mua thêm cho anh một phần bánh mì cá hộp. Đang lúc cà phê tán gẫu vui vẻ thì trời đổ mưa lớn, nhưng Nghĩa dứt khoát đứng dậy mặc áo mưa ra về, giữ mấy cũng không chịu ngồi lại. Khi đứng lên, anh làm rơi ra ghế một cái lọ nhỏ, vội vàng nhặt bỏ vào túi. Thì ra hôm đó anh phải đi xét nghiệm và tái khám theo lời hẹn của bác sĩ.

Tấm ảnh đăng kèm bài viết này chụp ngày 10/1/2021 trong bữa tiệc tất niên của nhóm 6 người bạn già mà chúng tôi gọi vui với nhau là “Lục tài tử”. Hôm đó trông nét mặt ai cũng trầm ngâm, vì chúng tôi linh cảm năm tới sẽ không còn gặp nhau đầy đủ. Trong ảnh chỉ có 5 người, vì anh Huỳnh Ngọc Chiến bệnh nặng đã về nhà ở Tam Kỳ, 6 tháng sau thì mất. Nghĩa thì sau đó thường xuyên vào bệnh viện, nhưng nhất định không cho ai vào thăm, chỉ những ngày xuất viện mới gọi bạn bè đến chỗ hẹn. Nghe tôi định chuyển nhà về Gò Vấp, anh bảo: “Ông về đó xa quá, bạn bè không đến chơi được đâu, coi chừng ông mất bạn mất bè đó”.

Nay Lê Văn Nghĩa lên chùa Bửu Liên ở Thanh Đa tròn một năm rồi. Dịch Covid-19 hoành hành cả năm trời, bạn bè cũng chẳng mấy dịp gặp nhau, chỉ còn biết nhắc nhớ anh trong tâm tưởng.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 34

Nguồn: Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, ngày 30.7.2022

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60823665
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6455
8930
60823665

Thành viên trực tuyến

Đang có 199 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website