Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024, ngày 17.4, Nhà xuất bản Đà Nẵng tặng thưởng Sách hay năm 2023 cho 3 tác giả, dịch giả.

Theo đó, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã tặng thưởng cho tác phẩm Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn của tác giả Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) do Nguyễn Mạnh Sơn biên soạn và tuyển dịch; tác phẩm Đà Nẵng những ngày tháng cũ và những câu chuyện miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 của tác giả Võ Hà và tác phẩm tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam của tác giả Huỳnh Như Phương.

Đà Nẵng: Tặng thưởng Sách hay năm 2023 cho 3 tác giả- Ảnh 1.

Ban giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng trao tặng thưởng Sách hay năm 2023 cho tác giả và đại diện tác giả, dịch giả - Ảnh: Hoàng Sơn

Đây là tặng thưởng thường niên của Nhà xuất bản Đà Nẵng từ năm 2021 đến nay, nhằm tôn vinh các tác giả, dịch giả có tác phẩm chất lượng cao, có phát hiện mới, tạo dấu ấn trong xuất bản; động viên các tác giả trẻ có các tác phẩm nghiên cứu về lịch sử - văn hóa xứ Quảng...

Dịp này, Nhà xuất bản Đà Nẵng tổ chức tọa đàm "Phát triển hợp tác xuất bản và văn hóa đọc" với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị, đối tác, cộng tác viên... để thúc đẩy công tác xuất bản, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. 

Trong năm 2023, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã tổ chức khai thác, biên tập và cấp giấy phép xuất bản cho hơn 600 ấn phẩm sách; chất lượng biên tập được duy trì và ngày càng nâng cao nhờ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng của đội ngũ biên tập viên.

Đặc biệt, cũng trong năm này, Nhà xuất bản Đà Nẵng có 2 tác phẩm đoạt giải thưởng cấp quốc gia, gồm: Hồ Chí Minh - Vĩ đại một lãnh tụ cách mạng của PGS-TS Đoàn Trọng Huy và Phong trào chấn hưng Phật giáo miền nam Việt Nam của tác giả Dương Thanh Mừng; cùng một số ấn phẩm đoạt giải cấp tỉnh, thành phố, hội chuyên ngành T.Ư.

Hoàng Sơn

Nguồn: Thanh niên, ngày 17.4.2024.

"Hồi âm từ phương Nam" - tập tiểu luận phê bình của GS Huỳnh Như Phương, do NXB Đà Nẵng và Công ty Truyền thông - Giáo dục Lyceum (Book Hunter) liên kết thực hiện

"Hồi âm từ phương Nam" là cuốn sách in riêng thứ 15 của GS Huỳnh Như Phương, trong đó có 5 tập tiểu luận phê bình.

"Hồi âm từ phương Nam" tập hợp và chọn lựa 36 bài viết về thơ, về văn xuôi nghệ thuật và chính luận cùng một số vấn đề chung của văn học - tất cả đều đã được công bố trên các ấn phẩm trong nước khoảng 10 năm nay. Nhan đề sách lấy lại từ lời bạt trong tập truyện ngắn của nhà văn Trần Trường Khánh được dịch sang tiếng Việt, cũng muốn gửi gắm ý nghĩa rằng đây là những lời hồi đáp của một độc giả quan tâm, đang sống và viết ở mảnh đất phương Nam.

Thanh Vy

 

K.VH - Thầy Thích Pháp Chơn - chùa Liễu Quán (Lieu Quan Buddhist Cultural Center) và chùa Tâm Từ (Buddhist Heritage Garden and Meditation Center) tại San Jose, California, Hoa Kỳ - với tấm lòng hướng về quê nhà và tinh thần nâng đỡ thế hệ trẻ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đã trao 10 suất học bổng (trị giá 20 triệu đồng) trong chương trình Khởi đầu mới của Khoa Văn học diễn ra vào sáng ngày 1/10/2023.

20231007

Khởi đầu mới là hoạt động thường niên của khoa Văn học nhằm chào đón tân sinh viên, khen thưởng sinh viên tốt nghiệp, tân sinh viên tuyển sinh có thành tích xuất sắc và trao học bổng Ngữ văn. Năm 2023, với chủ đề “Gọi nắng”, chương trình đã diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình với sự hiện diện của quý thầy cô, khách mời, cựu sinh viên và 141 tân sinh viên khoa Văn học khóa 2023-2027. Trong buổi lễ, Khoa Văn học đã trao 10 suất học bổng do thầy Thích Pháp Chơn ủng hộ cho 10 bạn sinh viên đến từ 4 khóa, như một sự động viên tinh thần đến các bạn sinh viên đã vượt qua những khó khăn để kiên trì theo đuổi tri thức, tiếp tục hành trình đến giảng đường đại học.

Trước đây, trong đỉnh dịch Covid – 19 (tháng 8/2021), thầy Thích Pháp Chơn đã hỗ trợ 200 phần quà và 100 triệu đồng cho sinh viên và cán bộ của trường đang ở trong tình trạng thiếu thực phẩm và gặp khó khăn do đại dịch.

Khoa Văn học nói riêng và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM nói chung chân thành cám ơn sự hỗ trợ quý báu và tấm lòng của thầy Thích Pháp Chơn và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của thầy trong tương lai.

Khoa Văn học

Đó là đánh giá của nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban chung khảo Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM lần II - năm 2023, tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi diễn ra chiều 9/1 tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Q1).

Sau gần 8 tháng tổ chức, Giải thưởng Văn học trẻ năm 2023 nhận được 619 tác phẩm dự thi của 357 học sinh, sinh viên từ 70 trường đại học, 60 trường THPT trên toàn quốc. Ban tổ chức đã vinh danh và trao giải cho 25 tác phẩm xuất sắc ở 3 thể loại tản văn, truyện ngắn và thơ, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, phát biểu tại buổi lễ.

Màu sắc hiện sinh lan tỏa trên nhiều tác phẩm

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, nhận xét cuộc thi góp phần khơi dậy và phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của học sinh, sinh viên. Đây vừa là sân chơi sáng tạo tinh thần giàu ý nghĩa, vừa là diễn đàn để học sinh, sinh viên thể hiện thông điệp nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, qua đó góp phần lan tỏa nhận thức và tình cảm tích cực đến giới trẻ cũng như toàn xã hội.

Các tác phẩm dự thi phản ánh tư tưởng, tình cảm, trải nghiệm của người viết, phản ánh cuộc sống xã hội, tình hình đất nước, những vấn đề liên quan dân tộc và nhân loại… Bên cạnh đó, thể hiện niềm tin yêu cuộc sống, những khát vọng của giới trẻ về một viễn tượng đẹp đẽ. Trong số 25 tác phẩm đoạt giải, có 11 tác phẩm là của sinh viên ĐHQG-HCM.

Giữ vai trò Trưởng Ban chung khảo cuộc thi, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, cho biết ngoài những cây bút đã đoạt giải ở lần I vẫn tràn đầy ý tưởng sáng tạo, Giải thưởng Văn học trẻ lần II đã xuất hiện thêm những cây bút đầy hứa hẹn.

“Điều đem lại ý nghĩa sâu sắc và thật sự vui mừng nhất ở Giải thưởng Văn học trẻ là các tác giả đều phát huy được thế mạnh thanh xuân của mình, đó là sự khước từ những ngôn từ dễ dãi và những ý tưởng rập khuôn. Họ theo đuổi một tinh thần khác, ngay cả khi viết về những đề tại quen thuộc” - Trưởng Ban chung khảo nhận xét.

Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, xét trên tổng thể, không khó để nhận ra màu sắc hiện sinh lan tỏa trên nhiều tác phẩm trong Giải thưởng Văn học trẻ lần II. Các tác giả trẻ không ngần ngại mổ xẻ những hoang mang, những rối bời, những trắc ẩn từ bản thân, để làm sáng tỏ ý nghĩa tồn tại của con người trên cõi nhân gian.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban chung khảo, nêu đánh giá chuyên môn về các tác phẩm.

Những tiếng nói mới mẻ và chân thành

Đoạt giải Nhất thể loại tản văn với tác phẩm Những đường thẳng không người kẻ kể về những “đường thẳng phân ranh” giữa người với người, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, tác giả Trần Trọng Đoàn (bút danh Thụy Khải) - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết ý tưởng đã tồn tại trong đầu suốt một khoảng thời gian dài dưới dạng “văn bản tưởng tượng”. Đó là những suy nghĩ chợt hiện lên trong quá trình sống, học hành, chứng kiến, phóng rộng từ điểm nhìn cá nhân sang một góc nhìn rộng hơn, giúp tác giả trẻ dần dần hoàn thành văn bản. Tác giả viết:

“Lấy một điểm nhìn rộng hơn, tôi chợt tưởng tượng thế giới này là một bức tranh chằng chịt những đường kẻ, ranh giới không chỉ hiển hiện giữa cá nhân với cá nhân, mà giữa cộng đồng này với cộng đồng khác; thậm chí ngoài đường biên giới phân chia phần cứng lãnh thổ, còn có những đường biên vô hình trong tâm thức các dân tộc khác nhau. Một số đường thẳng là sự khu biệt để tạo sự riêng tư, tính đa dạng và độc đáo. Tôn trọng những đường thẳng ấy của người khác, dân tộc khác, cộng đồng khác, tôn giáo khác,... là nâng niu chính đường thẳng của mình. Nhưng tôi tin rằng, có những đường thẳng phải được xóa bỏ hoặc chí ít là nỗ lực làm mờ, đó là những đường thẳng được vẽ từ thứ mực đen hoài nghi, từ thứ mực đỏ thù ghét và vô vàn những động lực tăm tối khác đẩy con người đến tình thế đối kháng, nghi kị hoặc xa hơn là hủy diệt nhau”.

Ở thể loại thơ, tác giả Lương Phan Huy Bảo (bút danh Phương Vỹ) - Trường ĐH Luật TP.HCM, với bài thơ Người lạ đoạt giải Nhất cũng khai thác suy tư về khoảng cách vô hình. Đó là khoảng cách giữa cha và con với một góc nhìn khác lạ, mở đầu bằng “Người lạ, cha của con”, rồi kể rõ hơn “Cha lạ như đại dương. Cha lạ như đồng quê. / Cha lạ như đêm vàng thành phố” và khép lại bằng nỗi hoài nghi “Tại sao, người lạ?”. Nhưng ẩn sau đó, độc giả thấy được niềm mong muốn được gần gũi với cha hơn.

Huy Bảo cho biết đa số sáng tác của mình lấy cảm hứng từ những người bạn xung quanh. Với bài thơ Người lạ, tác giả trẻ cho biết đã khai thác một phần câu chuyện của bản thân và nhiều câu chuyện của người khác, từ đó dùng một giọng kể thống nhất để tạo được mạch thơ.

Tác giả Trần Văn Thiên - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, gây ấn tượng với Ban giám khảo khi đoạt giải cao ở cả 2 lần tổ chức Giải thưởng Văn học trẻ với cả 3 thể loại. Thiên giành giải Nhất thể loại thơ ở lần I - năm 2022, và giành “cú đúp” giải Nhất truyện ngắn dành cho tác phẩm Cánh từ bi lặng im và giải Nhì tản văn dành cho tác phẩm Rễ của sông ở lần II - năm 2023. Chàng tân bác sĩ cho biết mình xuất phát từ thơ và sau này mới viết văn, nên chất thơ vẫn thấm đẫm trong tản văn và truyện ngắn.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân đánh giá truyện ngắn Cánh từ bi lặng im đưa người đọc vào một miền ngổn ngang của những dằn vặt, những bịn rịn và những lưu luyến, phơi bày nghẹn đắng của kiếp người. Còn tản văn Rễ của sông là sự khám phá chiều sâu ở cả lớp trầm tích không chỉ của một con sông.

Trưởng Ban chung khảo khẳng định Giải thưởng Văn học trẻ lần II đã có sự thành công nhất định, khi cuộc thi đã nghe được những tiếng nói mới mẻ và chân thành về “sự bền bỉ của lương tri trên hành trình vượt nhọc nhằn chông gai đi tới ngày mai”.

20240116 2Giao lưu với 3 tác giả trẻ đoạt giải Nhất ở 3 thể loại năm 2023.

Bài, ảnh:  Lê Hoài

Nguồn: Đại học Quốc gia TP.HCM, ngày 9.1.2024

Tối 22-4, tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM đã diễn ra chương trình Đêm trắng của những kẻ mộng mơ, quy tụ các diễn giả như NSƯT Đức Thịnh, Hồng Ánh, Avin Lu... 

Đêm trắng của những kẻ mộng mơ - Ảnh 1.

 Đức Thịnh và Hồng Ánh khuyên người trẻ cần quyết tâm theo đuổi ước mơ dù ở ngành nghề nào - Ảnh: THÁI THÁI

Chương trình Đêm trắng của những kẻ mộng mơ tập trung khai thác mối quan hệ của âm nhạc trong điện ảnh. Từ đó, nâng cao kiến thức của các bạn trẻ về các lĩnh vực nghệ thuật.

Làm phim nhạc kịch công phu

Là thể loại khai thác triệt để hai yếu tố âm nhạc và điện ảnh, phim nhạc kịch được các diễn giả đưa ra bàn luận. Nghệ sĩ Hồng Ánh nói Việt Nam đã có một vài phim mang yếu tố nhạc kịch như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ

Theo Hồng Ánh, để đưa âm nhạc vào phim mượt mà, đạo diễn phải tính toán kỹ càng và chính xác. Về phần diễn viên, cần phải đảm bảo về mặt giọng hát, nhịp, cảm xúc.

Tại chương trình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh dẫn lời một đạo diễn chuyên về nhạc kịch, ý kiến này cho rằng Việt Nam khó làm phim về nhạc kịch bởi không có tính kỷ luật. 

Đêm trắng của những kẻ mộng mơ - Ảnh 2.

Đạo diễn Lê Minh cho biết muốn làm phim nhạc kịch cần chuẩn bị nhiều thứ như vũ đạo, âm nhạc, chuyển động máy... - Ảnh: THÁI THÁI

“Xem 5 phút đầu của phim La La Land, ta sẽ thấy được cách sắp xếp công phu. Họ quay trên một xa lộ, nếu dừng lại sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển của một thành phố. 

Điều đó cho thấy họ đã tập rất nhiều. Nếu tập không đủ, thiếu nghiêm túc và tính kỷ luật thì sao quay được”, đạo diễn Lê Minh nói. 

Cùng quan điểm, đạo diễn Đức Thịnh nhận định nếu như phim nhạc kịch được làm đến nơi đến chốn thì sẽ được ủng hộ bởi khán giả Việt từ trước đến giờ rất yêu nhạc. 

“Khi ai chọn dấn thân vào con đường này phải thật sự nghiêm túc, nếu không sẽ biến thành trò hề ngay lập tức. Hiện nay, khán giả được xem những vở nhạc kịch trên thế giới, trên mạng, trên sân khấu nhiều rồi, làm sao để không bị khập khiễng”, đạo diễn Đức Thịnh nhắn nhủ.  

Hồng Ánh nhiều mộng mơ 

Định nghĩa yếu tố âm nhạc trong điện ảnh, đạo diễn Đức Thịnh cho rằng âm nhạc trong phim chính là trái tim của đạo diễn, chuyên chở những thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm.

Dưới góc độ diễn viên, Hồng Ánh cho rằng âm nhạc có nhiệm vụ bổ sung cảm xúc cho vai diễn, để khán giả cảm nhận nhân vật một cách mạnh mẽ và rõ nét.

Trong sự kiện, một số bài nhạc phim nổi tiếng đã gây ấn tượng đối với các diễn giả được nhắc đến như Giã từ dĩ vãng, My heart will go on, Mong ước kỷ niệm xưa, Dòng thời gian…

20230425 2

Từ trái qua: nhạc sĩ Tuấn Bách, đạo diễn Đức Thịnh, nghệ sĩ Hồng Ánh, diễn viên Avin Lu, đạo diễn Lê Minh, đạo diễn Lan Nguyên - Ảnh: THÁI THÁI

Một trong những lời khuyên dành cho người trẻ được Đức Thịnh đưa ra tại chương trình là hãy cứ “mộng mơ”, theo đuổi những gì mình thích. Khi có sự quyết tâm, việc mình làm sẽ có sức công phá mạnh mẽ.

Tiếp lời đạo diễn Anh thầy ngôi sao, diễn viên Hồng Ánh cho biết mình vẫn còn nhiều "mộng mơ" và muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật dù ở độ tuổi nào. Chính vì vậy, cô hy vọng người trẻ sẽ luôn có những ước mơ để theo đuổi. 

“Hãy theo đuổi ước mơ bằng sự kiên trì và có tính kỷ luật cao. Làm được điều đó, chúng ta sẽ chạm được đến ước mơ. Hồng Ánh ngồi đây để nói với các bạn rằng tôi vẫn còn muốn làm nhiều thứ lắm”, nữ diễn viên nói. 

Đêm trắng của những kẻ mộng mơ là chương trình do các bạn sinh viên trực thuộc Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh, khoa Văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Chương trình ra đời nhằm cung cấp kiến thức tổng quan về mối quan hệ giữa âm nhạc và điện ảnh. Tạo cơ hội để người trẻ hiểu thêm về các bộ môn nghệ thuật.

Thái Thái

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 23.4.2023.

Sáng 31.3 tại TP.HCM, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-NGND, nhà lý luận - phê bình văn học Lê Đình Kỵ (1923 - 2023), Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng Khoa Văn học tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở (do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), thu hút rất đông đồng nghiệp, văn nghệ sĩ và nhiều thế hệ học trò cùng tưởng nhớ về người thầy tài hoa.

Vị giáo sư đầu ngành được đặt tên đường

Tự hào về những đóng góp của vị giáo sư (GS) đầu ngành Ngữ văn Lê Đình Kỵ, trong phát biểu đề dẫn, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, khẳng định: "Hơn 40 năm giảng dạy đại học, bên cạnh đào tạo các thế hệ sinh viên, hướng dẫn luận văn, luận án tiến sĩ, GS-NGND Lê Đình Kỵ đã công bố nhiều công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học quan trọng, những bài viết có tính học thuật sắc sảo và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học. GS còn tham gia biên soạn nhiều bộ giáo trình giá trị, có tính chất đặt nền tảng, khơi nguồn cho phân môn lý luận văn học, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, có uy tín và địa vị xã hội cao trong các lĩnh vực khác nhau".

'Trăm năm một thuở', rưng rưng nhớ thầy Lê Đình Kỵ - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm và giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở - QUỲNH TRÂN

Ông Trần Đình Việt, nhà nghiên cứu trực tiếp tuyển chọn và thực hiện tập sách Trăm năm một thuở, nhấn mạnh: "Trong GS Lê Đình Kỵ thấm đẫm chất… học Quảng Nam, không lẫn vào đâu được. Điều vinh hạnh là tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay dòng họ Lê Đình chi phái 3 có ba người được đặt tên đường: Lê Đình Thám, Lê Đình Dương và Lê Đình Kỵ. Thật không hổ danh người con xứ Ngũ phụng tề phi".

Nhớ về người thầy từng hướng dẫn luận văn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân chia sẻ: "Thầy của tôi ít lời nhưng luôn đặt ra nhiều vấn đề gợi mở cho sinh viên phải thực hiện. Còn những trang viết của GS Lê Đình Kỵ thì chất văn vô cùng mượt mà, đẹp từng câu từng chữ…".

Say sưa tìm tòi, bằng lối suy nghĩ riêng chứ không tự bằng lòng với những kết luận giáo điều an toàn, sẵn có nên đôi khi thầy Lê Đình Kỵ rơi vào vòng xoáy…tranh cãi. PGS-TS Võ Văn Nhơn kể: "Công trình đầu tiên của thầy Kỵ xuất bản năm 1962 Phương pháp nghệ thuật ra mắt bị phê bình khá quyết liệt, tạo nên đợt tranh luận gay gắt gần suốt cả năm trên tạp chí Nghiên cứu văn học lúc đó, bởi tác giả trình bày chủ nghĩa hiện thực trong mối quan hệ với chủ nghĩa nhân đạo và đặt vấn đề nghiên cứu ý nghĩa toàn nhân loại của điển hình nghệ thuật. Ngày nay có thể là bình thường, nhưng 40 năm trước chưa được sự nhất trí trong học giới, nhất là vấp phải quan điểm giai cấp luận đang chi phối nặng nề. Tuy nhiên, với 16 công trình nghiên cứu bao gồm gần 5.000 trang sách, chưa kể hàng trăm bài viết đã in trên các báo và tạp chí, thầy Lê Đình Kỵ như một lực điền cần mẫn cày ải trên cánh đồng văn chương".

20230403

Vợ chồng GS-NGND Lê Đình Kỵ và hai con gái - TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Điều còn mãi ở lại

Nằm trong số thế hệ học trò "đời đầu" của NGND Lê Đình Kỵ, GS-TS Mai Quốc Liên tiết lộ: "Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội đầu những năm 60 thế kỷ trước luôn nhớ mãi về ông giáo vụng về nhưng thương học trò, được thầy Cao Xuân Hạo nhận xét "có chất giọng Quảng bị lệch chuẩn 180 độ", đó chính là thầy Kỵ. Với quan điểm "từ tâm hồn tôi đến hiểu tâm hồn người khác" thì nếu như đỉnh cao nhất về phê bình trước đó không ai có thể so sánh được với Hoài Thanh thì GS Lê Đình Kỵ có con đường riêng. Thầy tôi đọc kỹ về Hoài Thanh, nghiên cứu và so sánh để khác biệt. Thầy nhận xét: "Hoài Thanh sở dĩ viết hay là vì viết ngắn, cô đúc… chứ kéo dài bạn đọc dễ ngán". Vì vậy mà, những tác phẩm phê bình của thầy Kỵ càng uyên bác, càng tử tế".

Dù là GS đầu ngành tên tuổi nhưng trong gia đình GS Lê Đình Kỵ - như PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu (Khoa Văn học) "bật mí" thì thầy lại nấu ăn rất ngon. Vô số những kỷ niệm nhớ về "núi Thái Sơn" yêu dấu của mình, chị Lê Thu Hà không quên những món ngon ba làm: "Món thịt đông của Ba đúng là ngon nhất trên đời. Cho tận bây giờ tôi vẫn chưa được ăn thịt đông nào ngon như vậy. Ba người Trung, sống ở Bắc và Nam nên nấu món ngon của cả 3 miền: nào bánh xèo Nam, phở Bắc, bún bò Huế, bún cá ngừ kho lạt miền Trung…". Đối với chị Lê Ly Ly: "Tình yêu lớn nhất trong cuộc đời của Ba là tình yêu dành cho Mẹ tôi, rất tròn đầy và rất tha thiết. Ngày trẻ khi xa nhau, Ba luôn viết những dòng thư thấm đẫm nhung nhớ gởi cho Mẹ. Sau này, Ba vẫn gọi Mẹ là em hoặc nàng đầy tự hào".

Điều còn mãi lại cảm động nữa về thầy Lê Đình Kỵ được PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ: "Đó là khi đã tuổi cao sức yếu, bệnh tật làm trí nhớ sa sút không nhận ra được ai ngoài người vợ hiền, là mỗi khi có các đồng nghiệp đến nhà, NGND Lê Đình Kỵ cứ nôn nóng nhìn đồng hồ nói đến giờ phải đi dạy rồi. Hình như trong suy nghĩ của ông lúc nào cũng luôn canh cánh nỗi niềm về trường lớp và học trò"…

GS-NGND Lê Đình Kỵ để lại nhiều công trình lớn cho văn chương VN: Đường vào thơ (1968); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970); Tìm hiểu văn học (1980); Thơ Tố Hữu (1979); Thơ mới, những bước thăng trầm (1988); Trên đường văn học (2 tập, 1995); Phê bình nghiên cứu văn học (1999); Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (1998). Ông có thời gian dài gắn bó với công tác đào tạo, nghiên cứu tại Khoa Ngữ văn (nay là Văn học) Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Lê Công Sơn

Nguồn: Thanh niên, ngày 01.4.2023.

Page 1 of 9

Thông tin truy cập

60869759
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11946
17592
60869759

Thành viên trực tuyến

Đang có 555 khách và không thành viên đang online

Danh mục website