Tín ngưỡng thờ Bà Thủy của cộng đồng ngư dân AnThủy (Huyện Ba Tri-Tỉnh Bến Tre)

                      ThS. Dương Hoàng Lộc

(Trường Đại học KHXH&NV.TpHCM)

Dũng xuất ba đào hạm đội hải thuyền du khủng khiếp

Thần thông biến hóa Thủy nương cứu độ đắc bình an

                                                           (Câu đối ở võ ca Miếu Bà An Thạnh)

Trên con lộ đá đi về phía Bãi Ngao thuộc xã An Thủy (huyện Ba Tri- tỉnh Bến Tre) có ngôi miếu tên là Miếu Bà An Thạnh. Hỏi thăm những bậc cao niên ở đây thì biết rằng ngôi miếu có từ lâu đời và thờ Bà Thủy để độ cho ngư dân đi chài lưới và đánh bắt nơi biển khơi. Ngôi miếu khá lớn và khang trang, sạch sẽ vì được bà con ngư dân thường xuyên đóng góp, tôn tạo, đặc biệt là trong những năm gần đây. Điều đó cho thấy rằng, Bà Thủy được người dân nơi này tôn kính, sùng bái bởi vì vị thần này gắn bó với quá trình mưu sinh nơi biển cả của họ. Không chỉ vậy, càng đi sâu vào tìm hiểu việc thờ Bà Thủy của ngư dân thì càng có nhiều thú vị, mới mẽ. Ở đó, tín ngưỡng Bà Thủy không chỉ dừng lại ở niềm tin, hoạt động cúng bái mà còn phản ánh những yếu tố lịch sử, kinh tế-xã hội và cả thế giới quan, nhân sinh quan của ngư dân An Thủy qua nhiều thế hệ.

1.Bà Thủy là ai?

Vậy, một câu hỏi đặt ra: Bà Thủy là ai? Trong quan niệm của người Việt nói riêng và phương Đông nói chung, năm hành chất cấu tạo vũ trụ: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ được nhân hóa thành 5 Bà Ngũ Hành với quyền năng khác nhau. Cùng với Bà Chúa Xứ, Chúa Ngọc, Chúa Tiên….Bà Ngũ Hành hay còn gọi Mẹ Ngũ Hành là nữ thần được thờ  phổ biến ở Trung bộ và  Nam bộ. Trong một số ngôi miếu, người ta tạc tượng 5 bà để thờ : Kim Đức Thánh Phi (áo màu trắng), Mộc Đức Thánh Phi (áo màu xanh), Hỏa Đức Thánh Phi (áo màu đỏ), Thủy Đức Thánh Phi (áo màu đen) và Thổ Đức Thánh Phi (áo màu vàng). Sách Đình Nam bộ xưa và nay ghi: “Ngũ Hành Nương Nương được nhà Nguyễn tặng mỹ tự Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần (sắc Duy Tân thứ V)” [6: trang 135]. Tuy nhiên, ở một số nơi, người ta còn tách Bà Thủy và Bà Hỏa ra thờ riêng. Bà Hỏa được thờ ở những nơi chợ búa, đô thị với chức năng trông coi hỏa hoạn và cháy nổ. Riêng, ở các nơi có nhiều sông nước, ao hồ, Bà Thủy là vị  thần được thờ cúng phổ biến. Thủy Đức Thánh Phi hay Thủy Long Nương Nương, Thủy Long Thần Nữ…là các tên gọi phổ biến của Bà. Trong quan niệm dân gian, Bà là nữ thần giếng, thần sông rạch, thần cù lao, thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước [9:  trang 295]. Ngô Đức Thịnh cho biết thêm: “Vị thần này thể hiện tính lưỡng diện, một mặt, Bà là nơi ngư dân gửi gắm sự bảo trợ của mình trong mỗi chuyến đi biển đầy thách thức và may rủi, mặt khác, nếu làm điều gì “xúc phạm” tới Bà, như thả các vật dụng xuống “thủy cung”, cứu người đã bị Bà dìm chết để trừng phạt, không làm các nghi lễ “vớt vong” hay “chuộc vong”…thì Bà lại trở thành vị ác thần đáng sợ!” [9: trang 96].  

Đặc biệt, đối với các nghề liên quan đến sông nước và biển cả ở Nam bộ, người ta thường vái van Bà Cậu để cầu mong độ trì qua cơn sóng gió. Chắc vì thế mà người ta thường hay gọi dân làm nghề thương hồ hạ bạc là  “dân Bà Cậu”. Bà Cậu chính là Bà Thủy và hai người con trai: Cậu Tài và Cậu Quí. Nơi ở của Bà Thủy dưới sông nước, biển cả gọi là “Lục cung thủy triều”. Mặt khác, người ta còn có quan niệm Bà Thủy chính là hóa thân của Thiên Y Ana. Trong văn bia của Phan Thanh Giản tại Tháp Bà Nha Trang, có đoạn kể về Thiên Y Ana đã hóa phép nổi sóng gió nhấn chìm thuyền của thái tử Trung Quốc, biến chiếc thuyền này thành tảng đá. Do đó, Thiên Y Ana và 2 người con của Bà (Cậu Tài, Cậu Quí) được xem là vị thần của sông biển, cù lao. Lê Quang Nghiêm, trong Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa, cho biết chi tiết: “Ngày xuất hành ra biển làm mùa vào mùng 4 hoặc mùng 6 tháng giêng âm lịch, khi đoàn ghe đi ngang Tháp Bà Ponagar gần cầu Bóng, người ta làm lễ lệnh Bà Tiên Chúa” [7: trang 64].

Ngược ra Bắc bộ, người dân ở đây từ lâu đời đã thờ vị thần cai quản miền sông nước và biển cả, đó là Mẫu Thoải cai quản Thủy phủ trong hệ thống Tam phủ, Tứ phủ.

Như vậy, vị thần cai quản vùng sông nước, biển cả ở nước ta được gắn  cho người phụ nữ và có sự khác biệt theo dọc chiều dài đất nước. Tín ngưỡng thờ Bà Thủy có nguồn gốc từ việc sùng bái tự nhiên, đồng nhất yếu tố sông nước và biển cả với vị thần có quyền năng phù hộ, độ trì cho ngư dân với những mùa cá nặng đầy khoang, bình yên trước sóng gió. Người viết  tạm đưa ra giả thuyết như sau: Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển khoàng 3200 km và có hệ thống sông ngòi dày đặc. Vì thế, ngay từ lâu đời, người dân Việt Nam tôn sùng yếu tố tự nhiên biển cả, sông nước. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Ở Bắc bộ, Mẫu Thoải trong hệ thống Tam phủ, Tứ phủ phản ánh tư duy trừu tượng về thế giới quan của người dân nơi đây. Vào đến miền Trung, hệ thống Tam phủ, Tứ phủ không còn nữa, rồi Bà Thủy- vị thần có nhiệm vụ cai quản sông nước, biển cả được tách ra khỏi hệ thống này trở thành độc lập. Thêm vào đó là sự tôn sùng mạnh mẽ Thiên Y Ana, nên có nơi Thiên Y Ana và hai người con Cậu Tài, Cậu Quí giữ luôn vai trò bảo hộ cho dân làm nghề sông nước, biển cả, thay thế cho Bà Thủy. Vì vậy, có quan niệm Bà Thủy là hóa thân của Thiên Y Ana. Khi vào đến Nam bộ, dân thương hồ hạ bạc thường vái van Bà Cậu để độ trì cho họ. Lúc này, Bà Thủy lại có thêm 2 cậu, thể hiện dấu vết của sự ảnh hưởng tín ngưỡng Thiên Yana ở miền Trung.  Phải chăng đây là quá trình thay đổi và khác biệt văn hóa, mà tín ngưỡng thờ Bà Thủy là điển hình, theo dọc chiều dài đất nước? Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục đi sâu tìm hiểu hơn nữa.

2. Tín ngưỡng thờ Bà Thủy trong đời sống cộng đồng ngư dân An Thủy

Qua hồi cố từ một số ngư dân cao tuổi, Miếu Bà An Thạnh được thành lập từ lúc nơi đây còn hoang vu. Một ngư dân từ miền Trung vào buôn bán, khai thác nghề đáy rạo- một hình thức đánh bắt tôm cá nơi cửa sông đã lập ngôi miếu nhỏ thờ Bà với sự cầu mong được bình an giữa nơi sông nước, biển cả bao la. Từ đó, ngôi miếu được ngư dân qua các thế hệ thờ cúng và xây cất khang trang như ngày nay. Ở An Thủy, ngoài Miếu Bà An Thạnh, còn có Miếu Bà An Lợi- thờ Bà Chúa Xứ và Miếu Bà An Thuận- thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Qua bài văn tế ở Miếu Bà An Lợi cho thấy Bà Chúa Xứ ở đây chính là Thiên Y Ana. Như vậy, có thể nhận định rằng, nếu tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ gắn liền với quá trình khẩn hoang, lập làng và nguồn gốc dân cư, tín ngưỡng thờ Bà Thuỷ gắn với quá trình phát triển nghề chài lưới, đáy rạo….của ngư dân Việt, thì tín ngưỡng thờ Thiên Hậu gắn với quá trình có mặt và đóng góp của ngư dân Hoa trên lĩnh vực nghề đáy sông cầu, phát triển kinh tế của ngư dân An Thủy.

Trong quá trình điền dã, một số ngư dân cao tuổi ở An Thủy đã kể lại một số giai thoại khá thú vị và ý nghĩa. Có thể kể lại như sau:

                                        Bà Thủy hiển linh cứu dân

            Năm đó,  bọn lính Pháp đóng bốt ở Ba Tri tiến hành trận càn ở An Thủy để tìm bắt Việt Minh. Trên đường đi, chúng tha hồ bắn phá, đốt nhà dân, tạo nên cảnh thảm thương. Người dân An Thủy chỉ còn biết chạy trốn ra phía cồn, nắp vào những cây bần, cây đước. Bọn Pháp được bọn chỉ điểm báo, nên hành quân về phía cồn để bắn giết. Trên đường đi, bỗng nhiên tên chỉ huy cho bọn lính ghé vào miếu Bà Thủy (ấp An Thạnh-xã An Thủy) để nghỉ ngơi. Chúng lục lạo, bắn phá bừa bãi trong miếu. Khi ra khỏi miếu, tên chỉ huy còn bắn vào ban thờ Bà mấy phát súng. Bỗng nhiên, hắn bị hộc máu mồm, giãy giụa thảm thiết, đau đớn kêu la. Thấy vậy, bọn lính vô cùng lo sợ, vội chuyển hắn về Ba Tri để chữa trị. Trận càn kết thúc và bà con An Thủy hết sức vui mừng đã thoát nạn. Nếu không thì người chết sẽ rất nhiều. Từ đó, họ càng tin tưởng vào Bà hơn.

                                          (Nguồn: Ban Khánh tiết Miếu Bà An Thạnh cung cấp-2008)

Câu chuyện này thể hiện tín ngưỡng thờ Bà Thuỷ có sự pha trộn với yếu tố lịch sử, góp phần cho biết vùng ven biển Bến Tre là nơi chịu nhiều sự mất mát và đau thương qua 2 cuộc kháng chiến. Ở đây, thần linh cũng không thể “làm ngơ” trước sự đau khổ của người dân mà phải ra tay để cứu dân độ thế. Do vậy, tín ngưỡng thờ Bà Thủy của ngư dân An Thủy mang nội dung lịch sử nhất định.

                                         Bà Thủy trừng trị pháp sư

            Ngày trước, trong làng An Thủy có vị pháp sư khá nổi tiếng. Ông này có tài bắt ấn, bùa chú hết sức hiệu nghiệm. Vì tài cao, nên ông xem thường các vị thần trong làng. Ông hay làm phép trục các vị thần về nhập đồng để hỏi han công việc. Đối với Bà Thủy ở Miếu Bà An Thạnh, ông tỏ thái độ khinh thường, thậm chí chửi rũa thậm tệ khi say xỉn. Điều này làm cho một số người dân bất mãn, nhưng không dám nói ra. Mỗi khi lệ cúng kì yên miếu, Bà Thủy thường hiển linh bằng cách xuất hiện nhiều quầng lửa bay vào miếu. Nhiều lần, ông này khoe tài mình bằng cách bắt ấn cho quầng lửa đứng lại giữa không trung, làm Bà không thể về chứng lễ của ngư dân. Một lần, trên đường đi đến miếu, thấy Bà Thủy hiển linh, ông bắt ấn cho bà đứng lại để khoe tài trước người dân. Nhưng vì quên làm bùa trấn đất hộ thân, Bà Thủy không những đứng lại, mà còn làm ông hộc cả máu mồm. Người ta đưa ông về nhà. Mấy ngày sau ông mất. Con cháu sau này không ai dám nối nghề. 

                                          (Nguồn: Ban Khánh tiết miếu bà An Thạnh cung cấp-2008)

Câu chuyện cho biết mối quan hệ giữa Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian: Đạo giáo (vị pháp sư) ở vị trí cao hơn tín ngưỡng dân gian (Bà Thủy). Chi tiết pháp sư nhiều lần dùng pháp thuật trấn áp Bà Thủy và sự phản công của Bà phản ánh sự xung đột giữa Đạo giáo và tín ngưỡng vai trò quan trọng,. Ngoài ra, sự thắng lợi của Bà Thủy thể hiện ngư nghiệp bắt đầu giữ chủ đạo trong đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Trong tín ngưỡng cũng có sự thâm nhập khá sâu sắc của Phật giáo, như trường hợp tín ngưỡng thờ Bà Thuỷ ở đây. Các cụ cao niên ở Miếu Bà An Thạnh cho biết: Trưóc kia, vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, trước ngày cúng chánh tế lễ kì yên miếu (16 tháng 4), Ban Khánh tiết cử người mang xôi chè qua ngôi chùa Bửu Sơn gần đó để cúng tạ chư Phật. Họ quan niệm rằng: “Có trời phật mới có thánh thần”. Hay vào lệ cúng kì yên hiện nay, ngư dân mang heo quay, gà, vịt….đến tạ Bà thì chỉ được phép cúng ở phía ngoài võ qui, không được mang vào trong. Những lễ vật này dành cho “binh tướng” của Bà, riêng Bà thì ăn chay vào những ngày cúng kì yên. Do vậy, lễ vật cúng Bà là trầu cau, hoa quả, trái cây, xôi chè…

 Không dừng lại ở đó, mỗi khi ghe ra khơi đánh bắt, đóng ghe mới hoặc sửa chữa lại, ngư dân thường cúng tạ Bà Cậu với lễ vật không thể thiếu cặp vịt. Bởi vì họ quan niệm: “Ông cúng gà, bà cúng vịt”. Đối với những ghe đánh bắt trúng mùa, mỗi khi về bờ, họ thường tổ chức cúng heo quay để tạ ơn và cầu mong cho những chuyến ra khơi tiếp theo được như thế. Có những lúc biển cả nhiều sóng gió hay thất mùa, thậm chí khi có người bỏ mình, họ thường vái van “Tiên sư Bà Cậu” để cầu cho sóng yên biển lặng, gặp luồng cá chạy và để tìm được thi thể người đã mất. Theo ngư dân ở đây giải thích rằng: Tiên sư chính là những người đi biển lâu năm, nay đã quá cố hay là những người chẳng may bỏ mình giữa biển cả. Họ vái van để các “cô bác “ này giúp đỡ khi đánh bắt trên biển.

Vậy tín ngưỡng thờ Bà Thủy của ngư dân An Thủy thờ là nữ thần hay Mẫu? Ở Nam bộ, có thể tạm phân chia về Mẫu (Bà Chúa Xứ, Thiên Hậu, Linh Sơn) và nữ thần (Ngũ Hành, Bà Hỏa, Bà Thủy, Bà Cố Hỉ…). Tuy nhiên, Ngô Đức Thịnh - một chuyên gia nghiên cứu về thờ Mẫu ở Việt Nam đã phân vân: “Nếu như ở Nam bộ, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc (Thiên Y A Na), Linh Sơn Thánh Mẫu-Bà Đen được coi là những Mẫu Thần và được tôn xưng là Thánh Mẫu, thì Bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) trong đó đặc biệt là Bà Thủy Long, Bà Hỏa là nữ thần hay Mẫu thần ?” [11: trang 164]. Ngoài ra, ông cũng giải thích về tình trạng khó phân lớp giữa Mẫu và nữ thần ở Nam bộ: “Tình trạng khó phân lớp giữa nữ thần và Mẫu thần này ở Nam bộ so với Bắc bộ là hoàn toàn có thể giải thích được vì Nam bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây, họ mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước, tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng văn hóa nói chung mà còn cả tín ngưỡng nữa. Theo tôi, đây cũng là một trong các đặc thù của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ” [11: trang 164]. Ở đây, theo quan điểm người viết, việc phân lớp này đòi hỏi có quan điểm lịch sử cụ thể. Thứ nhất, đó là sự tôn xưng của người dân địa phương. Hiện tại, trong ban thờ chính của ngôi miếu Bà An Thạnh có bài vị khá cổ, được xem là của ngôi miếu ngay từ buổi đầu thành lập, và khắc chữ Hán: “Thủy Long Thánh Mẫu Thiên Nương chi thần vị”. Thứ hai, việc tôn sùng và thờ cúng phổ biến Bà Thủy của ngư dân ở đây qua hình thức “Tiên Sư Bà Cậu”. Căn cứ vào sự tôn vinh và ảnh hưởng lớn này, có thể khẳng định rằng, Bà Thuỷ mà ngư dân ở đây thờ là Mẫu. Có thể sẽ khác nơi khác, Bà Thủy chỉ là nữ thần, vì đối với ngư dân ở đây, Bà gắn chặt với nghề nghiệp, quá trình mưu sinh của họ. Ở khía cạnh rộng hơn, Bà Thủy có vai trò quan trọng đối với  vùng ven biển và nghề đánh bắt thủy sản so với các nơi khác. Tại đình Tân Thạch (Xã Tân Thạch- Huyện Châu Thành-Tỉnh Bến Tre), qua bài vị thờ khá đơn giản đặt tại võ qui, Bà được gọi là “Thủy Long Nương Nương”. Hay trong Lăng Ông Bình Thắng ( Xã Bình Thắng- Huyện Bình Đại-Tỉnh Bến Tre), Bà Thủy được phối thờ trong chánh điện với tên gọi “Thủy Long Thần Nữ”. Căn cứ vào tên gọi mà biết rằng Bà Thủy ở các nơi này được gọi là nữ thần, chứ không là Mẫu.

3. Hoạt động thờ cúng Bà Thủy của cộng đồng ngư dân An Thủy

  Các hoạt động thờ cúng Bà Thủy của ngư dân An Thủy nhằm thể hiện sự tôn vinh và ngưỡng vọng thần linh. Qua đó, phần nào hiểu được ảnh hưởng của Bà trong đời sống của ngư dân tại đây. Dưới góc nhìn folklore học, tín ngưỡng mang tính nguyên hợp. Do vậy, bên cạnh việc khảo sát tín ngưỡng, buộc phải tìm hiểu các hoạt động thờ cúng như : Miếu bà, lễ hội, sinh hoạt nghệ thuật,...là các bộ phận không thể tách rời khỏi tín ngưỡng và cùng tồn tại như một tổng thể.

 3.1. Miếu Bà An Thạnh

        Miếu Bà An Thạnh nằm trên khuôn viên đất tương đối rộng, có dạng “xếp đọi” hay “xếp bát”, tức những mái nhà nối tiếp theo nhau, bao gồm: Võ ca, võ qui, chánh điện (nhà chánh), hậu điện, nhà khách, nhà trù. Đó là những ngôi nhà vuông làm bằng 4 cây cột cái, có 4 cây trính xuyên qua. Loại nhà này có diện tích mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đấm và kèo quyết đều nhau vuông vức, thường chỉ làm nơi thờ tự (đình, chùa, miếu) chứ không để ở. Đây là kiểu nhà xuyên trính hay đâm trính, có nguồn gốc từ nhà rường từ miền Trung mang vào. Võ ca là nơi dùng để ca hát, võ qui là nơi qui tụ cho dân làng cúng bái, chánh điện là nơi thờ Bà, hậu điện dùng thờ Tiền Hiền - Hậu Hiền, Tiên Sư, nhà khách dùng tiếp đãi khách mỗi khi tế lễ, nhà trù là nơi để nấu ăn. Ngôi miếu này qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đặc biệt là giai đoạn gần đây, cho nên phần lớn được làm bằng chất liệu xi măng. Trong khuôn viên miếu bà An Thạnh, nhìn từ phía ngoài vào, ở giữa là bia Long Mã Hà Đồ có chức năng trấn trạch, hai bên có 2 ngôi miếu nhỏ thờ Sơn Quân và Thổ Thần.

Bài trí của ngôi miếu này có phần long trọng. Đó là hệ thống các câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng được treo ở nhiều nơi, nhằm làm cho ngôi miếu thêm phần thâm nghiêm và trang trọng. Nội dung các câu đối và hoành phi ca ngợi công đức, uy linh của Bà Thủy, công lao của Tiền Hiền - Hậu Hiền:

- “ Đức Thánh Minh

- “ Hiển Oai Linh

- “Dũng xuất ba đào hạm đội hải thuyền du khủng khiếp

   Thần thông biến hóa Thủy nương cứu độ đắc bình an

- “An hưởng định dân nghệ tính thành y cựu          

Thạnh hành tư thủy đức nghệ thuật duy tân                      

Trong phần chánh điện được bài trí với lọng, bát bửu, trưng bày áo và mão của Bà. Ngôi miếu này đều có 2 lớp hương án, được trang trí chạm nổi hình Long Mã Hà Đồ, Long – Phụng, Hổ,... Phía trong chánh điện, ban thờ Bà được đặt ở giữa, hai bên là ban thờ Tả Ban, Hữu Ban. Trong miếu bà An Thạnh có đặt tượng Bà Thủy. Tượng này được nghệ nhân dân gian địa phương làm trong thời gian gần đây. Ở hậu điện có ban thờ Tiền Hiền-Hậu Hiền, Tiên Sư và ban thờ Tổ Nhạc. Đặc biệt, có thêm ảnh Bác Hồ được đặt ở hương án hậu điện, mang ý nghĩa với tấm lòng luôn nhớ ơn, tri ân Bác có công giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Miếu Bà An Thạnh ngày nay được trùng tu khang trang, kiên cố hơn so với trước đây. Điều này phản ánh sự sung túc của đời sống kinh tế ngư dân, tấm lòng ngưỡng vọng và cảm tạ thần linh đã độ trì cho họ. Ngoài ra, ngôi miếu này là nơi gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà Thủy, gắn liền với hoạt động lễ hội, với đời sống xã hội và lịch sử của cộng đồng ngư dân An Thủy. Do vậy, nó là một biểu tượng của văn hóa, gắn kết cộng đồng ngư dân lại với nhau, là tâm thức của những người lênh đênh trên biển cả bao la hay ở một góc bể xa xôi trong những chuyến đánh bắt dài ngày. Đây là một không gian thiêng của họ.

  3.2. Lễ hội

Lễ hội Miếu Bà An Thạnh được tổ chức vào ngày 16/4 âm lịch hằng năm, và được ngư dân gọi là lễ kì yên với mục đích  phong điều võ thuận, quốc thới dân an”. Ở đây, chính là sự cầu mong biển cả lặng yên, đời sống ngư dân sung túc, giàu mạnh. Lễ hội ở đây bao gồm các nghi lễ theo trình tự chung: Nghi múa bóng rỗi Bà - nghi nghinh Bà -nghi tế Tiền Vãng - nghi xây chầu đại bội - nghi chính tế - nghi đưa khách. Mỗi nghi lễ có một chức năng và ý nghĩa văn hóa riêng biệt. Có thể đi vào chi tiết các nghi này như sau:

_ Nghi múa bóng rỗi Bà: Nghi này được tiến hành vào tối trước ngày chính tế, tức ngày 15/4 âm lịch. Đây là phần thuộc về bà bóng múa dâng các phẩm vật như: Hoa, hương, trà, mâm vàng…để chầu mời Bà Thủy về chứng lễ cho người dân. Nghi này được diễn ra ở  võ qui, thu hút khá nhiều người đến tham gia và thưởng thức tài nghệ của bà bóng. Tiếng trống cùng với kèn, nhạc đi theo từng nhịp múa, các động tác lắc lư dâng bông, dâng mâm…tạo nên một không gian sôi động và pha lẫn yếu tố thiêng, đưa cảm giác con người theo các động tác múa. Có thể nói, điều không thể thiếu được của lễ kì yên Miếu Bà An Thạnh chính là nghi múa bóng.

_ Nghi nghinh Bà: Nghi này được diễn ra vào sáng sớm ngày hôm sau, tức ngày chính lễ ( ngày 16/4 âm lịch). Toàn bộ Ban Khánh tiết, gồm những ngư dân cao tuổi, bắt buộc phải tề tựu đầy đủ, làm lễ tại chính điện. Sau ba hồi chuông trống, học trò lễ đứng hai bên và tiến hành điều khiển nghi lễ cho bộ phận tế tự trong Ban Khánh tiết. Các ông Chánh bái, Phó bái, Bồi bái…quì ở hương án ngoài, tiến hành dâng trà, rượu, hương để nghinh Bà về chứng lễ cho ngư dân. Sau đó, lần lượt các thành viên khác tiếp tục quì lạy. Ngoài ra, còn có múa lân để báo hiệu cho dân làng lễ hội đã bắt đầu. Xưa kia, nghi này bắt buộc phải ra biển làm lễ nghinh Bà về, bởi vì họ quan niệm: Bà Thủy vốn ở ngoài biển.

_ Nghi tế Tiền Vãng: Nghi này diễn ra ở hậu điện ngay sau nghi nghinh Bà. Sau ba lần dâng trà, rượu, bộ phận tế tự trong Ban Khánh tiết sẽ lần lượt quì lạy bàn thờ Tiền Hiền-Hậu Hiền. Ông Hương văn sẽ đọc văn tế Tiền Vãng, tức các vị Tiền Hiền - Hậu Hiền có công  khai khẩn và tạo dựng, phát triển xóm làng, ngư nghiệp. Nội dung bài văn tế nhằm ca ngợi công đức của tiền nhân. Đây là một nghi lễ chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ vật dâng cúng thường là đầu heo, lòng heo và hoa quả, thức ăn...

_ Nghi xây chầu đại bội: Nghi này được diễn ra vào tối ngày chính tế và  gồm có 2 phần: Xây chầu và đại bội. Xây chầu còn gọi là lễ khai tràng, mang ý nghĩa cầu quốc thái dân an, khai thông thái cực. Sau lễ xây chầu là đại bội. Tùy vào yêu cầu của Ban Khánh tiết, đoàn hát bội sẽ thực hiện các nghi này và có phần giản lược. Lễ đại bội bao gồm: Khai thiên - tịch địa, Xang nhật nguyệt, Tam tài, Ngũ hành, Tứ Thiên Vương dâng liễn, Ông Địa gia quan tấn tước.

_ Nghi chính tế: Nghi này được tổ chức vào 12g đêm ngày chính lễ. Đây là nghi thức quan trọng nhất của lễ kì yên, được tổ chức tại chính điện với thời gian từ 2 - 3 giờ. Ban Khánh tiết có mặt đầy đủ. Sau 3 hồi chuông, trống, bộ phận tế tự quì lạy, có họ trò lễ và đào thài xướng lễ. Trước đó, ông Chánh bái đến trước ban thờ Bà làm động tác “ẩm phước thọ tợ”. Vì họ quan niệm rằng: Ông này là người cao tuổi, có đức độ nên được hưởng phước lộc của thần. Ẩm phước là uống ly rượu cúng Bà, thọ tợ là hưởng được miếng thịt ba chỉ hoặc nạc vai. Vì không ăn liền miếng thịt này, nên ông chỉ làm động tác tượng trưng ăn miếng trầu thay thế. Trong nghi chính tế, ông Hương văn đọc văn Chánh tế để tế Bà Thủy. Nội dung ca ngợi công đức, cầu nguyện Bà độ trì cho bà con ngư dân. Nghi chính tế kết thúc vào giữa khuya.

_ Nghi tống ôn: Nghi này là nghi cuối cùng của lễ kì yên, tổ chức vào đêm ngày cuối cùng (ngày 17/4 âm lịch), được bày cúng ngoài sân miếu. Xưa kia, nghi này dùng bè thả lễ vật cúng ra ngoài sông và có pháp sư theo cùng. Thực chất, đây là nghi thức có ảnh hưởng từ Đạo giáo. Tống ôn là tống tiễn ma quỉ, ôn dịch, xui rủi…đi xa để trong làng không còn bệnh tật, ôn dịch, thất bát. Lễ vật tống ôn thường có muối, gạo, vàng bạc, bánh kẹo, củi và thực phẩm…Ban Khánh tiết tề tựu đầy đủ, bộ phận tế tự quì lạy và khấn nguyện. Nghi này có sử dụng văn tế, gọi là văn Tống ôn. Hiện nay, ở một số miếu còn gọi là nghi đưa khách. Ngày nay, đời sống của người dân đã tiến bộ và văn minh hơn, không còn ôn dịch, bệnh tật hoành hành như trước. Do vậy, quan niệm của họ đã thay đổi, kết thúc lễ kì yên là lễ đưa tiễn khách gồm các vị thần linh, cô hồn, ma quỉ…ra về, sau khi về chứng lễ và phối hưởng tại miếu.

Trong những ngày lễ kì yên Miếu Bà An Thạnh, ghe đánh bắt phải tề tựu về dự lễ cúng. Họ mang những lễ vật đến miếu cúng tạ ơn Bà Thủy, ghe nào trúng mùa thì tạ lễ bằng heo quay, ngoài ra còn có xôi, chè…Xung quanh miếu không khí nhộn nhịp, đông vui với các hàng quán buôn bán. Mỗi gia đình đều cử người đến miếu cúng. Sau đó, họ ngồi bên nhau để lai rai và tâm tình về nghề biển, về những chuyến đánh bắt tiếp theo. Các món ăn do Ban Khánh tiết đãi là những lễ vật mà ngư dân đem đến cúng. Ngoài ra, họ còn có thêm các món cá đuối tái giấm hay xào nghệ, mắm cá, mắm tép ăn với thịt phay…Đây là những món ăn riêng có của vùng biển. Đặc biệt, không chỉ ngư dân, những người làm nghề khác như: Buôn bán, trồng giồng, nuôi tôm, làm muối…cũng tin tưởng vái van. Phải chăng đó là quá trình “cộng hưởng và lan truyền” từ đời sống tâm linh của ngư dân vốn là những người có vai trò chủ chốt trong đời sống kinh tế - xã hội và đông đảo tại địa phương? Mặt khác, trong đời sống hiện tại, chức năng của vị thần này được mở rộng hơn trước kia.

3.3. Sinh hoạt nghệ thuật

Có 2 hình thức sinh hoạt nghệ thuật trong lễ kì yên Miếu Bà An Thạnh là : Hát bội và múa bóng rỗi.

Trong lễ kì yên Miếu Bà An Thạnh, hát bội trước giúp vui cho thần thánh, sau cho bổn hội và bà con xem. Ngày nay, Bến Tre chỉ còn lại một số đoàn hát bội hoạt động trong dịp kì yên ở đình, miếu, lăng như: Đoàn Lâm Tiến và Tâm Đồng (Thị xã Bến Tre), đoàn Thanh Điền (Huyện Thạnh Phú), đoàn Kim Phụng và Ngọc Quí (Sở Văn hóa- Thể thao-Du lịch Bến Tre), đoàn Đào Đửng (Huyện Ba Tri)…Tùy vào từng năm mà Ban Khánh tiết Miếu Bà An Thạnh có thể mời một trong các đoàn này. Ở đây, hát bội thường được diễn với 3 xuất hát vào 2 ngày 16 và 17/4 âm lịch. Lúc diễn có người cầm chầu và đại diện Ban Khánh tiết ngồi xem. Ngoài ra, người dân địa phương ngồi xung quanh để thưởng thức. Vào buổi tối, cả võ ca chật ních người, bao gồm nam nữ, già trẻ cùng ngồi xem cho đến hết tuồng hát. Do vậy, hát bội ngày nay vẫn còn trong mạch sống của ngư dân nơi đây. Người xem có quyền bình phẩm, góp ý, thậm chí chê trách nếu nội dung tuồng hát hoặc diễn xuất của diễn viên không đúng, không đạt. Đó là cơ sở cho Ban khánh tiết tham khảo có nên mời tiếp đoàn hát vào năm sau hay không. Đoàn hát phải cố gắng để trình diện tài năng của mình trên sân khấu. Người nghệ sĩ phải vào vai như chính nhân vật mà mình thể hiện, như câu đối ở phía ngoài võ ca của Miếu Bà An Thạnh:

Giả diện hí trường thùy thức yên chỉ thành thánh chúa

Chơn hình phòng nội hà tri tu phát thị thường dân

          (Tạm dịch là: Nơi sân khấu hí trường phải giả thành vua chúa

                                   Chốn nội phòng bỏ râu tóc chỉ còn là thường dân)

Qua khảo sát, một số tuồng hát bội được yêu thích và trình diễn cho ngư dân xem là vở Tiết Cương tảo mộ, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Quan Công phò nhị tẩu, Cao Lan Anh, Bao Công xử án Quách Hòe, La Thông tảo bắc, Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Thạch Kim Huê đả hổ, San Hậu,…Các tuồng này không nằm ngoài thể loại tuồng truyện và tuồng đồ, được người dân yêu thích qua bao thế hệ. Nó góp phần vun bồi tính cách cho người dân nơi đây. Sau nghi thức xây chầu đại bội, người cầm chầu thúc trống, tuồng hát đầu tiên được trình diễn trong sự chờ đợi của mọi người. Sân khấu được trang hoàng rực rỡ, nhân vật mặc quần áo sặc sỡ, không khí sôi động hẳn lên với trống, nhạc và lời ca tiếng hát, góp phần làm cho các lễ hội  thêm náo nhiệt, thu hút khá nhiều người tham gia. Kết thúc cả 3 tuồng hát bội là lễ tôn vương. Ở đây, ông bầu hay bà bầu của đoàn hát sẽ đứng ra đại diện cầu chúc đất nước, cho bổn hội, cho bà con ngư dân được một mùa ra khơi bình an, đời sống phát triển. Lễ tôn vương phản ánh rõ nét ý thức hệ phong kiến đã ảnh hưởng sâu sắc vào hát bội. Ngoài võ ca, 3 hồi trống chầu vang lên, đoàn hát bội quay vào buồng hát. Hát bội kết thúc giữa đêm khuya. Mọi người lại hẹn nhau vào mùa lễ năm sau.  

Bên cạnh hát bội là hình thức múa bóng rỗi. Múa bóng rỗi là điệu múa, bài hát mà con người dâng lên cho thần thánh để cầu nguyện. Hình thức múa bóng rỗi đã trở thành sinh hoạt văn hóa vừa mang tính nghi lễ, vừa mang tính giải trí trong lễ hội kì yên  các miếu bà ở Nam bộ. Trước đó, Ban Khánh tiết miếu bà có nhiệm vụ đi mời bà bóng để múa cho ngày cúng kì yên. Ở An Thủy, họ thường mời các bà hay nhóm bóng ở xã An Bình Tây, xã Phú Ngãi, xã Phước Tuy…để làm lễ. Như vậy, các địa phương này thuộc huyện Ba Tri là nơi còn tồn tại loại hình múa bóng rỗi. Năm 2007, người viết có tham gia lệ cúng kì yên ở Miếu Bà An Thạnh. Biểu diễn múa bóng là bà bóng Năm ở xã Phú Ngãi. Đây là bà bóng khá nổi tiếng ở Ba Tri, được truyền nghề từ nhỏ, có hiểu biết về nghệ thuật múa bóng. Theo bà, múa bóng không phải mê tín dị đoan mà chỉ là diễn xướng nghệ thuật dân gian, có kết hợp múa và hát, là biểu hiện của truyền thống văn hóa dân tộc. Bà chỉ múa một mình. Đầu tiên, bà bóng Năm cùng ban nhạc làm lễ ở bàn thờ Tổ Nhạc. Sau đó, bà làm lễ Tổ tại bàn thờ trước võ ca. Bà múa và hát theo trình tự: Hát rỗi Bà Thủy, múa dâng hương, dâng bông và dâng mâm. Nội dung bài rỗi của bà bóng Năm như sau: Hằng Nga, Tiên Đồng, Ngọc Nữ là 3 người hầu của Lê Sơn Thánh Mẫu. Họ đang đi chơi và nghe mùi hương phảng phất thấu đến thiên cung. Bà Lê Sơn cùng Thái Ất Chân Nhân bắt ấn và biết được trần gian đang tổ chức hội miễu nên sai 3 người cùng xuống để dâng bông, dâng hương và dâng mâm vàng cho Bà Thủy. Khi họ xuống tới cõi trần, chị trước em sau để đi tìm miếu Bà thì bị ông Địa Tiên làm phép giăng nhện, không cho đi. Cả 3 người cùng niệm Phật, dùng phép thiên tiên để phá trận đồ. Sau đó, họ cùng nhau đến miếu để giúp vui cho Bà Thủy và cầu chúc cho “quốc thới dân an, gia gia phước thọ”. Như vậy, điều này phản ánh được sự thâm nhập của Phật giáo và Đạo giáo vào nội dung múa bóng rỗi. Mỗi khi vào vai, bà bóng Năm phải xưng danh tánh như: “Như ta đây là Hằng Nga cung nữ…”. Điệu múa của bà thật chuẩn, phù hợp với tiếng nhạc. Để diễn tả cảnh tiên giáng trần dâng bông, đôi mắt của bà bóng Năm nhắm lại, hai tay giang ra và vẫy như cánh chim đang bay từ trên không trung xuống trần. Diễn tả khi xuống trần, đôi mắt của bà mở ra, hai tay giơ cao lắc mạnh và đội lễ vật múa. Do vậy, bài múa bóng rỗi của bà có nội dung và kết hợp điệu bộ khá nhuần nhuyễn. Đó còn là lời rỗi lúc thì tha thiết, sâu lắng và lúc thì vui vẻ, rộn ràng, đi kèm theo tiếng nhạc bổng trầm, khoan nhặt. Vì thế, không gian của ngôi miếu lúc này vừa mang tính trang nghiêm nhưng cũng không kém phần sinh động trước sự thưởng thức của người xem. Khi múa, đôi tay làm động tác quay tơ, đan tơ: Buông ra rồi quay vô để cầu no ấm phú quí. Chân phải bước theo chữ Công, chữ Thọ để cầu chúc trường sinh, phú quí. Mỗi lần kết hợp tay và chân được xem là một bộ. Kết thúc một bộ là động tác nhún người, được gọi là rụp. Theo bà bóng Năm, mỗi nghệ nhân múa bóng đều có một bài rỗi riêng, không giống nhau, được thầy truyền lại và sáng tác thêm cho phù hợp. Đặc biệt, nếu rỗi mời Bà Chúa Xứ và Cửu Thiên Huyền Nữ thì có lời giống nhau:

Mời bà giáng tạ bàn trung

Mời bà hưởng nước với hương ăn trầu

Riêng đối với Bà Thủy thì khác:

Ai đi ai đứng ngoài sông

Tức là Bà Thủy dạo chơi biển hồ

Cuối cùng, Bà bóng Năm đưa mâm lộc (trầu cau) cho ông Chánh bái và cầu chúc Ban Khánh tiết và bà con ngư dân được một năm bình an, tài lộc, sức khỏe.

Nói tóm lại, tín ngưỡng thờ Bà Thủy là hình thức tín ngưỡng tôn sùng giới tự nhiên, ở đây là yếu tố sông nước và biển cả. Việc tôn sùng này được gắn liền với vai trò của vị thần linh- Bà Thủy nhằm phù hộ độ trì cho ngư dân chài lưới và đánh bắt ở An Thủy qua nhiều thế hệ, mà cuộc sống của họ giữa sông nước và biển cả vốn có nhiều bất trắc hay xảy ra. Từ đó, các hoạt động cúng bái vị thần này được diễn ra thường xuyên và đều đặn với qui mô khá lớn, góp phần tạo nên một đời sống văn hóa khá phong phú, đa dạng của ngư dân An Thủy. Tất cả như một tổng thể văn hóa và là những di sản quí báu mà các thế hệ ngư dân ở đây tôn tạo và gìn giữ. Do vậy, việc mở rộng nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Bà Thủy ở Miếu Bà An Thạnh là một việc làm cần thiết. Đây không chỉ là một gạch nối giữa con người và thần linh, giữa con người với con người, giữa truyền thống và hiện tại mà còn là cơ sở cho sự tiếp tục gắn bó của ngư dân An Thủy với bờ biển Bến Tre, góp phần cho việc bảo vệ và khai thác một phần biển Đông nước ta.

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Đinh Bằng Phi 2005: Nhìn về sân khấu Hát bội Nam bộ- Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Văn nghệ.

2.      Đinh Gia Khánh 1992: “Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam”. Tạp chí Văn học, số 5/1992.

3.      Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2006: Những vấn đề nhân học tôn giáo- Đà Nẵng: Tạp chí Xưa và Nay- Nxb. Đà Nẵng.

4.      Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Ngãi, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang 2008: Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam bộ- Hà Nội: Nxb.Từ điển Bách Khoa.

5.      Huỳnh Ngọc Trảng 1993: “Tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm của múa bóng Nam bộ”. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 5/1993.

6.      Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường 1999: Đình Nam bộ xưa và nay- Đồng Nai : Nxb.Đồng Nai.

7.      Lê Quang Nghiêm 1970: Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa- Sài Gòn: Trung tâm Văn bút Việt Nam.

8.      Ngô Đức Thịnh (chủ biên) 2001: Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

9.      Ngô Đức Thịnh 2007a: Đạo Mẫu (tập 1)- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

10. Ngô Đức Thịnh 2007b: Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận- Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb.Trẻ.

11. Ngô Đức Thịnh 2007c:Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền- Hà Nội: Viện Văn hóa- Nxb.Văn hoá Thông tin.

12. Nguyễn Chí Bền 1997: Tìm hiểu một số hiện tượng văn hoá dân gian Bến Tre- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

13. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên)2001: Địa chí Bến Tre (tái bản lần 2)- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

14. Trần Hồng Liên (chủ biên) 2004: Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam bộ- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

15. Trương Thìn 2005: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, bài trừ mê tín dị đoan-Hà Nội: Nxb.Văn hóa Thông tin.

16. Sơn Nam 2006: Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam- Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb.Trẻ

 

Nguồn: Tạp chí Nguồn sáng Dân gian, số 2/2010

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin truy cập

60538134
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19627
10018
60538134

Thành viên trực tuyến

Đang có 564 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website