Tiếng thơ nữ ở một trường đại học

Nghề giáo vui ít buồn nhiều, đôi khi gây cảm giác đơn điệu, nhưng nhà giáo làm thơ hay thời nào cũng có. Nhà giáo nữ làm thơ không hiếm, có thể gặp họ trên những trang báo, những tuyển tập văn chương.

 

         Nhưng tập thơ Đi qua cuộc đời chúng mình (*) là hiện tượng đặc biệt: bốn nhà thơ nữ cùng dạy văn ở một trường – Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh – làm thơ từ thời sinh viên cho đến độ chín của nghề nghiệp, không chỉ nói về nghề giáo mà nói rộng về cuộc đời, tình yêu, tình người.

       Họ đã từng có tập thơ in riêng, từng góp mặt trong những tập thơ khác; nhưng đây là cuộc hội ngộ quan trọng của họ: 99 bài thơ ưng ý nhất được kết thành một lẵng hoa nhiều màu sắc, hương thơm để dâng hiến cho con người và văn chương mà họ trọn đời gắn bó.

       Xem thơ như một quà tặng, Vũ Thị Ân muốn nói thay những người tình nhân mà cũng là nói lên ước nguyện của mình. Ngày trước Tế Hanh “tặng em mây nổi trên ngàn/ Trăng phơi đầu bến, biển vang cuối bờ”. Bây giờ quà tặng trong thơ của nhà giáo nữ này cũng thật tinh tế, nhẹ nhàng:

                             Tặng em vạt mỏng sương mù

                         Se se lạnh dải trăng thu đầu mùa.

                                                         (Tặng)

       Món quà tự nó đã có chất thơ, chất thơ của thiên nhiên và chất thơ của tâm hồn.

       Nhà giáo thuần thành thường có những ước mơ giản dị bên chồng con, gia đình như Vũ Thị Ân:

                           Em chỉ muốn là em thôi

                          Cứ dỗi hờn

                           Bên anh rộng lượng

                           E sợ bóng đêm để anh còn thắp lửa

                           Lặng lẽ bên anh đi suốt chặng đời.

                                                         (Em chỉ muốn là em)

       Nhưng đã là phụ nữ, nhất là phụ nữ dạy văn làm thơ, thì lại có những tâm tình phức tạp khó hiểu: người chối rằng “em không là mùa thu” lại là người viết nhiều về mùa thu, vận số mình vào mùa thu và như bị ám ảnh bởi chính hình ảnh mùa thu, nhất là mùa thu trong kỷ niệm. Người ấy lúc thì băn khoăn tự hỏi “còn gì?”:

                               Còn gì gửi lại nhau đây?

                           Hương trời thuở ấy, màu mây thuở nào.

                                                          (Còn gì)

lúc lại tự tin để trả lời mình rằng “vẫn còn”:

                              Vẫn còn một dải nắng chiều

                            Triền đê lộng gió, cánh diều nhởn nhơ

                               Đám mây hồng vắt lửng lơ

                            Để hoàng hôn chắp nhịp thơ bồi hồi…

                                                           (Vẫn còn)

      Vũ Thị Ân chuyên nghiên cứu ngôn ngữ thi ca, công việc đòi hỏi sự cân bằng giữa tính nghiêm cẩn khoa học với sự bay bổng của nghệ thuật ngôn từ. Những câu thơ giàu nữ tính của chị thể hiện sự cân bằng đó.

       Trong bốn tác giả của tập thơ này, Nguyễn Thị Ngọc Điệp là người trẻ nhất. Trẻ, lại là nhà nghiên cứu folklore, nên thơ chị có chất hồn nhiên trong niềm vui, nỗi buồn cũng là dễ hiểu. Hình như, với chị, cái thời “mở sách vở ra, chỉ thấy toàn phép cộng tên người” vẫn chưa xa là mấy. Sau những “triền miên bận rộn” và “xuôi ngược mải mê”, người thơ nhận ra nơi mình “trái tim ấm nóng, vẫn rộn ràng như thuở mới yêu”…

      Cảm thức thời gian trong thơ Nguyễn Thị Ngọc Điệp (Heo may man mác, đã sang mùa) đôi khi làm ta nhớ đến Xuân Quỳnh. Thơ chị cũng gợi lên chút tủi hờn như khi nói về những bông hoa cúc dại:

                            Hoa hoang dại có ai thèm nhớ,

                          Lặng lẽ dâng hương, dâng sắc cho đời…

                           Bình minh đến, một mình cùng nắng gió

                           Hoàng hôn đi, thầm lặng với sương rơi…

                                                                (Cúc dại)

       Nhưng âm hưởng chính của thơ Ngọc Điệp vẫn gắn với cái nhìn lạc quan, vì tin cậy cuộc đời, tin cậy con người, mà thấy nắng vàng hơn, mây xanh hơn, chim hót hay hơn và hoa nở tươi hơn:

                       Phải chim hót hay hơn vì giấc mơ có thật?

                       Phải hoa nở tươi hơn khi người ở bên người?

                                                                 (Ngày dễ thương…)

       Nếu Nguyễn Thị Ngọc Điệp nghiên cứu kỹ ca dao dân ca, thì Đoàn Thị Thu Vân nghiên cứu sâu thơ Thiền thời Lý Trần. Không phải ngẫu nhiên mà Thu Vân có những bài thơ tứ tuyệt hay, bài Hải Vân II là một ví dụ:

                       Người đã về rồi đây Hải Vân

                        Phút giây xưa chẳng đến hai lần

                       Con đò số phận trôi đi mãi

                       Mưa đã tan và biển vẫn xanh…

                                                               (Hải Vân II)

       Thơ Đoàn Thị Thu Vân thường kiệm lời. Trong thơ chị, vẻ đẹp cổ điển là nơi trú ẩn tâm thức của con người hiện đại với những băn khoăn, tiếc nuối về hạnh phúc:

                             Người của mùa thu cũ

                             Đã từng qua nơi đây

                             Bao giờ ta gặp lại

                             Cùng chung quả ngọt này?

                                                    (Nhãn đầu mùa)

với những tra hỏi, trách móc về số phận:

                           Ông Tơ hờ hững ngủ quên

                        Lỡ tay đánh rớt sợi duyên mất rồi

                           Để người lận đận một đời

                         Để người núi Bắc trông vời sông Nam.

                                                          (Trách)

         Ngày Tình nhân trong thơ Nguyễn Thị Ngọc Điệp có lúc “chông chênh lẻ loi”, có lúc “rộn ràng nao nức”, nhưng chưa bao giờ gây cảm giác quạnh quẽ đến nao lòng như thơ Đoàn Thị Thu Vân:

                               Ngày Tình nhân quạnh quẽ

                               Căn nhà rộng thêm ra

                              Em ốm nằm một góc

                               Lắng nghe thời gian qua…

                                                   (Valentine)

           Nhưng là người nhân hậu, rồi ra Thu Vân sẽ không nỡ bắt chúng ta chờ đợi quá lâu trong bước đi nặng nề của thời gian để cảm nhận về “hạnh phúc vô tình”. Chị cho ta một niềm vui bất ngờ nhưng thật ra là thuận theo lẽ đời:

                         Khi bàn tay nắm bàn tay

                        Là anh trao cả đời này cho em

                          Rách lành trọn một trái tim

                       Tùy em thắt chặt buộc mềm cũng vâng.

                                                      (Lời ngỏ)

           Lời ngỏ mà cũng là lời kết!

           Là đồng môn của Đoàn Thị Thu Vân, cùng nghiên cứu văn học cổ điển, Lê Thu Yến tập trung khai thác chiều sâu và vẻ đẹp thơ Hồ Xuân Hương. Bà Chúa thơ Nôm này nếu có ảnh hưởng đến người hậu sinh cũng là qua rất nhiều trung gian. Dù sao, so với ba nhà thơ cùng hội, thơ Lê Thu Yến chứa nhiều nghịch lý và nén chặt những niềm riêng dữ dội hơn cả. Chị giỏi nắm bắt thế chênh vênh của phận người cũng như những liên hệ của sự vật: “nước mắt biến hình bão giông”, “người đi thì trà cũng nguội/ tình qua đi, tình như đá cuội”, “một trời dâu bể đem mà trả nhau”…

          Nếu Đoàn Thị Thu Vân sở trường về thơ 5 chữ, thì Lê Thu Yến sở trường về thơ lục bát. Thể lục bát khiến những niềm riêng trong thơ Lê Thu Yến không bùng phát mà được làm dịu lại, không biết đó là điều may hay rủi:

                           Ừ thôi trăng đã héo gầy

                         Đã hao mưa gió đã đầy tuyết sương

                             Đã mòn con mắt mười phương

                           Đã thôi tìm đến thiên đường mong manh

  

                             Thì thôi gom hết ngày xanh

                         Trả về năm tháng lá cành đã qua

                             Thì thôi gom hết đường xa

                         Trả về dưới một mái nhà cho xong.

                                                             (Trăng gầy)

          Vũ Thị Ân thích tả mùa thu, Lê Thu Yến thì hay tả những cơn mưa. Bài Giọt buồn tháng sáu gợi nhớ bài Tháng sáu trời mưa của Nguyên Sa: chỉ có người Sài Gòn mới cảm nhận được vẻ đẹp của những cơn mưa tháng sáu:

                             Tháng sáu là tháng sáu ơi

                           Mưa buồn, mưa trút, mưa rơi suốt ngày

                             Nhớ ai, ai nhớ, nhớ ai

                           Mà mưa nhỏ giọt, gõ hoài mái hiên

                             Giọt dài, giọt ngả, giọt nghiêng

                           Giọt về phương ấy, giọt riêng phương buồn

                             Ai làm cho giọt mưa tuôn

                         Ai làm cho cánh chuồn chuồn ướt mem…

                                                               (Giọt buồn tháng sáu)

           Cùng với những cơn mưa, hình ảnh ấn tượng nhất trong thơ Lê Thu Yến là những “đêm mơ trở gối”, khi những tình nhân bắt được tín hiệu của nhau. Đó là mơ mà cũng là thực, là chia xa mà cũng là kết nối, là có mà cũng là không; tất cả nghịch lý của tình yêu, của văn chương, của cuộc đời cũng là ở đó:

                               Một đời gọt mãi văn chương

                           Lời thơ rỉ rả… chăn giường phẳng phiu

                           Hàng hiên đổ bóng liêu xiêu

                        Ngày trôi qua mất ánh chiều dần buông

                            Đêm ngồi ngắm bóng trăng suông

                         Mà nghe nhức nhối nỗi buồn trống không

                            Đời là có, cũng là không…

                                                            (Thử…)

           Nói về lẽ có không là chuyện vô cùng. Lẽ tồn tại của thơ ca là biến những điều phù du thành vĩnh cửu và giữ lại những gì có thể trôi về phía hư vô. Tập thơ này chứng minh điều đó. Nó không chỉ là kỷ niệm riêng của bốn nhà giáo nữ. Nó là thư gửi cho chúng ta những tâm tình sâu kín của những người đồng cảm và có thể là những người đồng cảnh, “một đời gọt mãi văn chương”.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(*) Thơ Vũ Thị Ân, Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Thu Yến, NXB Đại học Sư Phạm, TP Hồ Chí Minh, 12-2013.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60523057
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4550
10018
60523057

Thành viên trực tuyến

Đang có 232 khách và không thành viên đang online

Danh mục website