Nhớ tuổi thơ từ "Hai bên chiến tuyến"

Đọc "Hai bên chiến tuyến" (NXB Tổng hợp TP HCM, tháng 4-2022) của Từ Nguyên Thạch, tôi như đọc lại tuổi thơ mình.

Chúng tôi gần như cùng tuổi với cuộc chiến tranh. Từ Nguyên Thạch quê mẹ Quảng Bình, quê cha Thừa Thiên nhưng từ lúc lên 3 cho đến hết chiến tranh, anh sống và đi học ở Quảng Ngãi. Những năm đầu đời, anh cùng gia đình sống trong một căn nhà đơn sơ vùng đồi núi Ba Gia, phía Tây tỉnh lỵ. Trước khi Ba Gia trở thành chảo lửa chiến tranh, cha mẹ anh đã chuyển nhà về thị xã, nơi anh sẽ vào học Trường Trung học Trần Quốc Tuấn - ngôi trường mà tôi học cùng nhưng khác lớp.Từ đầu những năm 1960, tuổi ấu thơ và niên thiếu của chúng tôi nếm trải không biết bao nhiêu kinh nghiệm đau buồn và cay đắng về chiến tranh. Từ Nguyên Thạch viết trong lời mở: "Đó là đêm đầu tiên con quái vật có tên là chiến tranh bước vào đời tôi. Tôi không có trí nhớ tốt để nhớ hết mọi chuyện xảy ra trong đời nhưng có những chuyện buồn về chiến tranh muốn quên đi thì nó vẫn ám ảnh tâm trí tôi".Mười lăm năm đó quê hương Quảng Ngãi bị chà xát trong bom đạn và hận thù. Chúng tôi may mắn không phải chứng kiến chiến tranh từ chiến hào, bãi mìn hay đồn lính. Nhưng từ căn hầm, từ bậc thềm nhà, từ khung cửa lớp học, chúng tôi thấy rõ những làn đạn lửa, những trái hỏa châu, những quả đại bác xới nát ruộng vườn, nhà cửa và những thân người. Chúng tôi nghe tiếng cầu kinh và tiếng khóc hằng đêm của những bà mẹ. Chúng tôi nhận thấy những chấn thương tinh thần của những người lính hai bên chiến tuyến và khát vọng hòa bình của họ.

20220506 4

“Hai bên chiến tuyến” của Từ Nguyên Thạch

Câu chuyện của Long và Phụng trong "Hai bên chiến tuyến" làm tôi nhớ đến số phận của hai người bạn hàng xóm cạnh nhà, cùng uống chung một giếng nước, cùng dang nắng bắt cua, chơi trận giả ngoài đồng. Năm 1972, khi diễn ra những trận đánh dữ dội khắp miền Nam, người anh đăng lính Cộng hòa, người em thì thoát ly vào du kích. Trong một đêm làng quê âm vang tiếng súng, hai đơn vị của họ giao tranh và người anh đã tử trận. Hòa bình về, người em mới thắp hương trên bàn thờ người anh ruột, như nhân vật của Từ Nguyên Thạch thắp hương cho đứa em đã ngã xuống trên chiến trường An Lộc, cũng năm 1972.Khi bắt đầu ý thức về thời thế, chúng tôi băn khoăn trước nhiều câu hỏi nhức nhối: Tại sao anh em một nhà lại bắn giết nhau, tại sao lính Mỹ có mặt trên đất nước này, vì đâu người con gái không giữ mình, vì đâu người lính vùi đầu trong men rượu và chiếu bạc sau mỗi cuộc hành quân? Những câu trả lời của người lớn không thỏa mãn chúng tôi và chúng tôi phải tự đi tìm lời giải đáp, một lời giải đáp không thuần lý tính mà bằng tình cảm dân tộc, đồng bào.

Trong tập truyện này, Từ Nguyên Thạch nói thay cho chúng tôi một điều, rằng không sớm thì muộn, những phòng tuyến trong lòng người Việt Nam cũng phải gỡ bỏ, như cái phòng tuyến ngày 30-4-1975 đã gỡ bỏ để mẹ cháu Hòa Bình kịp đến nơi sinh nở bình yên. Một cách nào đó, cái phòng tuyến đó đã gỡ bỏ một phần khi viên thiếu úy Vinh im lặng để che giấu người du kích tên Phú đang trốn dưới hầm ("Câu chuyện dưới hầm") và sau ngày hòa bình, người chịu ơn còn nuôi giấc mơ gặp người từng cứu mình để nói một lời tạ ơn.Câu chuyện này không phải sản phẩm hư cấu khi sự thật cho thấy từng có những người lính đối địch tái ngộ, như thầy giáo thương binh Trần Đình Trọng và cựu binh Nguyễn Sơ ở Quảng Ngãi hay như hai người lính Nguyễn Huy Thọ và Bùi Trọng Nghĩa ở thành cổ Quảng Trị. Tổ quốc này chỉ có thể vĩnh hằng trong độc lập và phát triển khi các loại phòng tuyến của nghi kỵ, hận thù và chia rẽ trong lòng người bị gỡ bỏ.Bên cạnh những thảm kịch kết thúc một cách đau đớn như chuyện tình ngang trái của Hoa và Doan ("Chạy trốn"), tình cảnh bi đát của gia đình Vinh và Hải ("Chiếc xe đạp trúng thưởng") và số phận bất hạnh của o The ("O The"), ngòi bút Từ Nguyên Thạch đã an ủi chúng ta với những "happy-ending" (kết thúc có hậu) trong "Đá nở hoa", "Mùi củ cải trắng", "Đôi nạng gỗ đi qua thành phố". Con người không thể thiếu hy vọng để mà sống, huống chi đó không phải là trí tưởng tượng lãng mạn mà là một khía cạnh của sự thật cuộc đời. Thì chính câu chuyện gia đình của tác giả đó thôi: mẹ con, chị em đã đoàn tụ vẹn tròn sau 21 năm chia xa, cách trở.Lời mở và lời khép của tập truyện này kết nối một cách tự nhiên những văn bản hư cấu với yếu tố tự truyện. Những câu chuyện ám ảnh tác giả có lẽ cũng sẽ ám ảnh người đọc. Và những người đọc đã trải qua tháng ngày sống trong thời chiến chắc sẽ bổ sung góc nhìn của mình vào góc nhìn của tác giả - người vừa muốn chúng ta đừng bao giờ lãng quên những đau thương, mất mát một thời đã qua vừa mong chúng ta rũ bỏ quá khứ nặng nề để thanh thản đi tới tương lai tốt đẹp hơn của đất nước.

Rất tiếc, cái phòng tuyến trong tác phẩm của Từ Nguyên Thạch chưa phải là “phòng tuyến cuối cùng”, nhìn từ cả hai phía. Và như người du kích năm xưa cầm bút kể lại chuyện thời chiến theo lời khuyên của vợ, giấc mơ hòa giải và hòa hợp chỉ mới được thể hiện trên văn chương mà chưa hình thành trọn vẹn trong thực tế.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Người lao động, ngày 02.5.2022.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60785738
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5239
24669
60785738

Thành viên trực tuyến

Đang có 650 khách và không thành viên đang online

Danh mục website