Nguyễn Đình Chiểu - từ Nam Bộ ra toàn quốc và thế giới

Tóm tắt

Nhân năm 2022 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, bài viết này giới thiệu quá trình tiếp nhận tác phẩm của ông ở  Nam Bộ, ở toàn quốc Việt Nam và ở nước ngoài. Việc tiếp nhận ở đây chủ yếu tìm hiểu ảnh hưởng trong ca dao dân ca, cải biên trong các loại hình nghệ thuật khác và dịch thuật tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu ra tiếng nước ngoài. Nghiên cứu quá trình tiếp nhận ấy có thể thấy được đóng góp của ông đối với kho tàng văn hoá dân tộc và nhân loại.

Từ khóa: Nguyễn Đình Chiểu, Danh nhân văn hóa, Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc.

 

Nguyen Dinh Chieu - From Southern Vietnam to National and Global Recognition

Abstract

The year 2022 marked the 200th anniversary of Nguyen Dinh Chieu's birthday, which was celebrated by United Nations Educational, Scientific, and Cultural Organization (UNESCO). On this special occasion, this article dives into how his works were received in Southern Vietnam, nationwide, and internationally. The reception explored in this article mainly includes the influence of his work on folk songs, adaptations in other art forms, and translation of his works into foreign languages. By studying how his works have been received, one can gain insights of his cultural influence on both a national and international scale.

Keywords: Nguyen Dinh Chieu, cultural influencers, Nguyen Dinh Chieu poetry and literature, Luc Van Tien, Eulogy for the righteous people of Can Giuoc.

 

Khi sáng tác nên hơn 2000 câu lục bát truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu không nghĩ tác phẩm của mình được yêu thích mạnh mẽ, được truyền tụng rộng rãi và lâu dài như thế. Dù đề một cách trang trọng ở đầu: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, nhưng truyện Lục Vân Tiên không hẳn là một câu chuyện về trung hiếu tiết nghĩa mà là câu chuyện về tình nghĩa sống ở đời, hay đúng hơn trong Lục Vân Tiên, đạo nghĩa và tình nghĩa thống nhất với nhau. Thế giới  tình cảm trong Lục Vân Tiên tràn đầy tình nghĩa, và điều ấy làm cho tác phẩm có tính dân tộc và nhân dân sâu sắc.

1. Hình tượng bất hủ về người dân Nam Bộ trong tác phẩm Đồ Chiểu

Lục Vân Tiên là nhân vật lý tưởng của nhân dân ta thời xưa. Chàng là hiện thân của người con trai trung hiếu. Chàng giỏi võ, có tính nghĩa hiệp, và hơn cả, chàng giỏi văn chương chữ nghĩa, thơ cũng hay, mà học cũng giỏi. Lục Vân Tiên phải trải qua nhiều gian truân, cay đắng: mẹ mất, bị mù mắt, bị từ hôn, bị đẩy xuống biển, bị đẩy vào hang sâu... Với nghị lực phi thường, với nhiều may mắn, lại được những người tốt và Trời Phật giúp đỡ, chàng đã gặp được người yêu và thực hiện được ước mơ của đời mình là làm người có ích cho nước cho dân. …Lục Vân Tiên trở thành biểu tượng cho tinh thần nghĩa hiệp, “trọng nghĩa khinh tài” của người dân Nam Bộ.

Kiều Nguyệt Nga từ chịu ơn Vân Tiên cứu mạng, cho đến chỗ cảm vì nết nghĩa hiệp, trọng vì tài và yêu vì tình một chàng trai trung thực, chân thành. Tình yêu và tình nghĩa khiến cho Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó với Vân Tiên, vượt qua mọi nghịch cảnh để giữ trọn vẹn một tình yêu trong trắng với người yêu- người chồng chưa cưới của mình. Kiều Nguyệt Nga là hiện thân của một tình yêu chung thủy, sắt son của người phụ nữ Nam Bộ.     

Năm 1859 thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Tiếng đại bác vọng vào tai và nhói vào tim người nghệ sĩ mù bên sông Bến Nghé. Ông nghe rất rõ, nghe bằng đôi tai rất thính của người mù và ông cũng nhìn thấy rất rõ, không phải nhìn bằng đôi mắt mù, mà bằng khối óc của người trí thức và bằng trái tim của người nghệ sĩ :

                        Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

                        Một bàn cờ thế phút sa tay.

                        Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

                        Mất ổ bầy chim dáo dác bay. [6, tr.231]

Ông hiểu rằng một thời kỳ đau khổ và tủi nhục đối với nhân dân Nam Bộ và cả nước đã bắt đầu. Bài thơ trở thành tác phẩm mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, và tác giả của nó trở thành ngọn cờ đầu của dòng văn học này.

Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ là một hiện thực rất mới mẻ. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân: cuộc chiến tranh của những người nông dân tự mình đứng lên chống giặc, dưới sự chỉ huy của những lãnh tụ nghĩa binh từ nhân dân mà ra.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình rối mù trong những cuộc bàn cãi chiến, thủ, hòa - vừa chống giặc lại vừa sợ giặc. Người nông dân chẳng có gì phải suy nghĩ đắn đo nhiều, đạo lý ông bà truyền lại mách bảo họ một sự lựa chọn giản đơn: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Thế là họ cầm vũ khí đứng lên, họ làm ra lịch sử theo ý muốn của mình: lịch sử của những người nông dân chống Pháp. Thời đại đã đưa người nông dân lên sân khấu chính trị trở thành nhân vật chính, người nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ nhìn nhận ra hiện thực mới này và phản ánh nó. Trong khi đại đa số các nhà thơ khác vẫn còn say sưa với loại nghệ thuật cao quý trong tháp ngà với những người quân tử kiểu cũ, thì người nghệ sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên đã sáng suốt phát hiện ra hiện thực mới này và đưa nó vào thơ văn.

Nếu như trong cuộc cách mạng Pháp, hoạ sĩ Delacroix đã tạo ra hình tượng tuyệt đẹp về con người đấu tranh cho tự do trong bức họa nổi tiếng Thần Tự Do trên chiến lũy, tượng trưng cho tinh thần của cuộc cách mạng ấy, thì nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng tạo ra hình tượng bất hủ về người nông dân đứng lên chống thực dân Pháp vì nền độc lập trong bài văn bi hùng Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc. Chưa bao giờ trong văn học nước nhà, người nông dân lại được thể hiện với sức mạnh và vẻ đẹp như thế. Họ không còn là một đám đông đói rách “yết can trảm mộc” (giơ sào làm cờ, chặt cây làm giáo) trong cái cuộc nổi dậy vì áo cơm của bản thân mình nữa, mà lần này họ xuất hiện với vẻ đẹp tinh thần của những con người vì nghĩa lớn: vì nền độc lập của dân tộc. Chấp nhận đối đầu với vũ khí tối tân, đó là sự lựa chọn tự giác của những người nông dân, một sự lựa chọn quả cảm. Chính tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh phi thường của họ. Nguyễn Đình Chiểu đã vẽ nên bức tranh công đồn sinh động và hào hùng :

Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;

Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to xô của xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho Mã tà, Ma ní hồn kinh;

Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ. [6, tr.252]

Trong bức tranh ấy, tung hoành giữa chiến trường chỉ có người nông dân mộ nghĩa. Hình ảnh của họ in lồng lồng trên nền trời Tổ Quốc. Hình tượng người “dân ấp dân lân” bỏ mình vì nước cũng trở thành hình tượng bất hủ trong văn học Việt Nam.

Cùng với Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc thì Văn tế Trương Định Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong có thể gọi là “Tam đại danh tác văn tế” (Tế văn tam đại tác) của Nguyễn Đình Chiểu. “Tam đại tác” này đã đưa ông trở thành tác gia viết văn tế hay nhất mọi thời đại trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của ba truyện thơ (Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáo y thuật) và nhiều thơ văn đạo lý và yêu nước chống Pháp. Trong đó tác phẩm có sức sống lâu bền nhất, sức lan tỏa rộng lớn nhất, được yêu mến nhiều nhất là Lục Vân Tiên Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc.

2. Tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu ở Nam Bộ

Ở Nam Bộ tác phẩm Lục Vân Tiên được nhân dân yêu thích và truyền tụng rộng rãi. Người ta say mê kể cho nhau nghe truyện thơ Lục Vân Tiên, từ đó sinh ra thể loại “xướng truyện” gọi là “Nói thơ Vân Tiên”.  

* Nói thơ Vân Tiên: Ở Nam Bộ việc kể chuyện thơ Nôm khá phổ biến, chủ yếu là kể, đọc to theo giọng nói cho nhiều người nghe, sinh hoạt văn nghệ ấy gọi là “Nói thơ”. Từ khi có truyện Lục Vân Tiên thì Nói thơ chủ yếu là Nói thơ Vân Tiên. Về nguồn gốc, Nói thơ xuất phát từ hát sắc bùa, hô bài chòi từ miền Trung vào. Có những nghệ sĩ lang thang chuyên làm nghề Nói thơ Vân Tiên - tương tự như Thoại sư của Trung Quốc kể thoại bản Tam Quốc, Tì bà pháp sư Nhật Bản kể chuyện quân ký Heike, hay các nghệ nhân pansori (xướng truyện) Hàn Quốc kể chuyện Xuân Hương. Họ đến đầu chợ, bến đò, hè phố Nói thơ Vân Tiên, đôi khi kết hợp với đàn bầu, hay điệu bộ. Bajot, đốc học trường Trung học Chasseloup-Laubat (Sài Gòn) lúc bấy giờ, dịch giả Lục Vân Tiên có kể lại rằng: “Trên khắp các ngả đường, người dân An Nam ngồi xổm quanh một người nghèo khó ăn mặc rách rưới, thường là một người mù, ông ta ngâm kể truyện thơ Lục Vân Tiên hàng giờ mà không làm họ thấy chán, gõ ngắt nhịp các câu thơ bằng hai cái sênh, tạo ra âm thanh từ chuỗi tiền đồng được xâu vào những chiếc đũa: khi đó, người ta mới hiểu truyện thơ này có ảnh hưởng đến người dân An Nam thế nào.” [1, tr.XIII]. Nói thơ Vân Tiên là thể loại văn học diễn xướng làm mê mẩn tâm hồn bao người, từ khi nó ra đời cho đến ngày nay. Không chỉ nghệ nhân nói thơ Vân Tiên, mà người dân thường cũng ngẫu hứng nói thơ vào buổi tối, bên ngọn đèn dầu, có khi vừa nói thơ từng đoạn lúc đang làm việc: đan lưới, đánh cá, lái đò... G.Aubaret (Ô-ba-rê) khi giới thiệu Lục Vân Tiên cho công chúng Pháp, ông viết: “Truyện thơ Lục Vân Tiên phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam kỳ không có một người đánh cá hay một người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền.” [5, tr.320].

* Thơ hậu Vân Tiên:  Biết nhiều người mê truyện Lục Vân Tiên, một số nhà văn đã viết tiếp truyện Lục Vân Tiên, gọi là “Thơ hậu Vân Tiên”. Loại “hậu” thế này ta thường thấy ở những danh tác Trung Hoa như: Hậu Tam Quốc, Hậu Thủy hử, Hậu Hồng lâu mộng. Truyện Kiều cũng có “hậu” là Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Đăng Tuyển. Hiện nay còn 3 tác phẩm Hậu Vân Tiên, đó là:

  1. Hậu Vân Tiên diễn ca của Trần Phong Sắc, Nhà in J.Nguyễn Văn Viết, in lần thứ nhất 1925
  2. Hậu Vân Tiên của Nguyễn Bá Thời, Nhà in Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), in lần thứ nhất, 1932
  3. Hậu Vân Tiên của Cử Hoành Sơn, Nhà in Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), in lần thứ nhất, 1933.

Đơn cử Hậu Vân Tiên của Trần Phong Sắc. Trần Phong Sắc nói Lục Vân Tiên có 6 hồi, ông viết tiếp 6 hồi nữa:

Tây Minh truyện cũ trước bày

Sáu hồi đã diễn xưa nay lưu truyền

Cuốn này là Hậu Vân Tiên

Tiếp theo sáu thứ cho tuyền thỉ chung[1].

6 hồi ấy viết về con cái của “thế hệ Lục Vân Tiên”, đó là: Lục Tường Quang, sau làm vua là Sở Trung Tông (con của Vân Tiên tức vua Sở Cao Tông), Tử Trung (trai), Trinh Khiết (gái) (con Tử Trực), Hớn Dõng (trai), Huệ Tâm (gái) (con Hớn Minh)… đấu tranh với phe gian tà là: Tạ Tượng, Tạ Hầu (con viên Thái sư  Tạ Mãng), Phong Lôi, Phong Điển (con Phong Lai), Cốt Tiết (con Cốt Đột)…Bùi Kiệm vẫn còn sống, nhờ có bằng Cử nhân và có tiếng là bạn Tử Trực nên được mời làm quân sư cho Phong Lôi, Phong Điển. Hai tên tướng cướp này lại cưới hai con gái của Thái sư để có thêm vây cánh. Cuộc đấu tranh giữa hai phe chính tà rất gay go, cuối cùng vua Sở diệt được phe tà do viên Thái sư Tạ Mãng đứng đầu, và hòa hiếu với Tây Phiên. 

     

* Bài ca, vọng cổ Lục Vân Tiên: 

Lục Vân Tiên được viết lại thành các bài ca vọng cổ. Hiện nay còn 4 tập tư liệu cổ về loại này:

- Bài ca Lục Vân Tiên (mới đặt), sáu thứ, Đặng Thanh Kim, Nhà in-xuất bản Huỳnh Kim Danh, in lần thứ nhứt, Sài Gòn, 1913;

- Bài ca Lục Vân Tiên (theo điệu cải lương), tác giả: Lâm Hoài Nghĩa, Nhà in Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1924. Lâm Hoài Nghĩa dựa theo truyện Lục Vân Tiên mà đặt các bài ca “theo điệu cải lương” như: Vân Tiên nhớ nhà (điệu Vọng cổ hoài lang),  Vân Tiên tạ thầy (Hành vân), Vân Tiên hỏi người cõng con (Khổng Minh tọa lầu), Vân Tiên hỏi Kim Liên (Lưu thủy tẩu mã), Nguyệt Nga cùng Vân Tiên nói chuyện (Tứ đại)…

- Vọng cổ Bạc Liêu: Vân Tiên gặp Nguyệt Nga, tác giả: Nguyễn Thành Long, Cần Thơ, Phạm Đình Khương xuất bản, in lần thứ nhất, 1933.

- Vọng cổ Bạc Liêu: Nguyệt Nga-Bùi Kiệm vấn đáp, tác giả: Nguyễn Thành Long, Cần Thơ, Phạm Văn Cường (Chợ Lớn) xuất bản, in lần thứ nhất, 1933.

     

 

* Tuồng Lục Vân Tiên: 

            Lục Vân Tiên được chuyển thể thành tuồng, cải lương không ít. Hiện nay còn bản cổ là Tuồng Lục Vân Tiên, Huỳnh Văn Ngà tự Long Ẩn, Sài Gòn, F.H.Schneider Imprimeur-Editeur, 1915. Cuốn thứ nhứt: Từ đầu đến đoạn Trịnh Hâm xô Vân Tiên xuống biển. Tuồng cổ, nhưng lời mới, ít dùng từ Hán Việt.

3. Từ Nam bộ ra Trung bộ và Bắc bộ

            Lục Vân Tiên không chỉ được yêu thích ở trong Nam, nó được truyền ra miền Trung, ra đến Kinh đô Huế, được yêu thích ở đấy. Ra đến Bắc cũng được yêu chuộng không kém.

* Vân Tiên-Nguyệt Nga trong ca dao dân ca miền Trung

Trong ca dao dân ca có gần 100 câu có nhắc đến các nhân vật trong Lục Vân Tiên. Không chỉ ca dao dân ca Nam Bộ, mà cả Nam Trung Bộ và Thừa Thiên-Huế cũng có. Đây là câu ca ở Nam Trung Bộ:

Anh đừng than ngắn thở dài

Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền

Nói ra về lúc Vân Tiên

Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm.[8, tr.30]

Đây là câu hò mái nhì trong dân ca Bình Trị Thiên:

Bớ em ơi, em đừng suy nghĩ thiệt hơn

Hãy ở như Nguyệt Nga ngày trước, lòng dạ keo sơn chẳng dời. [8, tr.31]

Trong ca dao dân ca miền Trung, các nhân vật được nhắc đến là: Bùi Kiệm “máu dê”, Thể Loan bội nghĩa, Trịnh Hâm vô nghì, Tử Trực hiền lương…. Nhưng nhiều nhất là Vân Tiên và Nguyệt Nga. Vân Tiên là hiện thân của tình thần nghĩa hiệp, của những đương đầu với gian nguy trong đời và của tình yêu chân thành, sâu sắc:

Kể từ ngày thiếp cách xa chàng

Như Vân Tiên lâm bệnh, Nguyệt Nga đi cống Hồ

Thiếp xa chàng ruột héo gan khô

Hang Thương Tòng chàng dựa, chốn biển hồ thiếp thương. [8, tr.40]

            (Ca dao Quảng Ngãi, Bình Định)

Còn Nguyệt Nga là hiện thân của tình yêu chung thủy, sắt son:

Lòng lại dặn lòng dù non mòn biển cạn

Dạ lại dặn dạ đá nát vàng nhòa

Em đây quyết noi gương chị Nguyệt Nga

Mặc ai phỉnh dỗ em chẳng sa lời nguyền.

                     (Ca dao miền Nam Trung Bộ) [8, tr.41]

* Người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong thơ Hoàng tộc 

Không chỉ có chàng Vân Tiên nghĩa hiệp, nàng Nguyệt Nga thủy chung, mà người nghĩa dân Cần Giuộc cũng được biết đến ở Kinh đô Phú Xuân. Ngày 14/12 nghĩa quân Cần Giuộc do Bùi Quang Diệu chỉ huy tập kích đồn Pháp ở chợ Trường Bình. Nghĩa quân đốt nhà dạy đạo, đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính mã tà, ma ní, chiếm được đồn địch. Quân Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Nghĩa binh hy sinh trên dưới 20 người([2]). Sau trận này, Đỗ Quang sai Bùi Quang Diệu làm lễ tế, Bùi nhờ Đồ Chiểu lúc ấy đang chạy giặc về quê vợ, ở nhờ gần chùa Tôn Thạnh (ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định), làm bài văn tế. Do đó có bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc. Bài văn tế giản dị mà hùng hồn, tráng lệ, Đồ Chiểu gửi vào đó bao đau đớn, uất ức, xót xa của cuộc đời mình, của nhân dân mình, đất nước mình. Báo Courrier de Sài Gòn (Thư tín Sài Gòn) 1866 cho biết: bài văn tế được Bộ Lễ cho sao chép và truyền đi khắp nơi để làm phấn phát tinh thần trung nghĩa: “Bài này chẳng những chỉ được chạy cùng miền Cần Giuộc mà còn bay khắp cả các tỉnh trong nước do bộ Lễ ở Huế truyền đi.” [dẫn theo 4, tr.76].

Câu chuyện về những người dân ấp dân lân hy sinh vì nghĩa lớn ở Cần Giuộc qua bài văn tế lâm ly bi tráng của Đồ Chiểu bay ra đến Huế, làm xúc động sâu xa những ông hoàng bà chúa của nền văn chương cung đình. Mai Am, công chúa con vua Minh Mạng, nữ thi sĩ có tiếng của đất Thần kinh đã viết bài Độc “Điếu nghĩa dân tử trận văn” thật hay:         

Điếu văn tam phục trúng đê hồi,

Nghị phách từ phong tẫn khả ai.

Xích tử cần vương năng địch khái,

Thư sinh dụng võ tích phi tài.

Yên mê chiến luỹ Tây nhung mãn,

Nguyệt lãnh sa trường bạch cốt đôi.

Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ,

Tuyệt thăng Quảng Hán yểm khô hài.

(Bồi hồi đọc mãi bản văn ai,

Phách cứng văn hùng cảm động thay.

Dân chúng cần vương vì ghét địch,

Nhà nho lâm trận tiếc không tài. 

Giặc đầy chiến lũy tầng mây phủ,

Xương chất sa trường bóng nguyệt soi.

Quốc ngữ một thiên truyền mãi mãi,

Còn hơn xây cất mộ khô hài.

Lê Thước dịch) [2, tr.194]

Nhưng hay nhất là bài Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn (Đọc bài văn Nôm của Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân tử trận) của Tùng Thiện vương Miên Thẩm, con trai thứ mười vua Minh Mạng. Miên Thẩm là ông hoàng hay thơ, thơ ông cùng thơ người em là Tuy Lý Vương từng được truyền tụng hay hơn cả thơ đời Đường: “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”. Ông là chủ soái của tao đàn Mặc Vân thi xã - nơi đi về của những tên tuổi lẫy lừng nhất trong làng thơ triều Nguyễn đương thời. Một ông hoàng như thế phải cúi đầu bái phục bài văn tế Nôm của ông thầy đồ mù bên dòng Bến Nghé mà ông chưa hề biết mặt. Đọc bài văn tế những nghĩa dân ngã xuống ở chiến trường, ông như nghe thấy tiếng gió ù ù từ biên cương thổi tới. Ông cho rằng giá trị lịch sử của bài Văn tế sánh ngang với sách Quốc ngữ của Tả Khâu Minh; giọng bi tráng của bài Văn tế không kém khúc Quỷ hùng của Khuất Nguyên. Một sự đánh giá như vậy quả là ít có. Ông cũng cảm nhận cái mới, cái hay nhất của bài Văn tế chính là đã viết về những người anh hùng tầm vông áo vải.

            Xin đọc cả bài của Vương và bản dịch đạt nhã của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh:

                        Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn

Chiến trường hưụ bả điếu văn khai,

Lạp đạp biên thanh nhất nhất lai.

Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử,

Quỷ hùng ca đáo Khuất Bình ai.

Yết can trảm mộc kham thiên cổ,

Oán hạc tề viên tính kỷ hồi.

Chí cánh thư sinh không bút trận,

Báo quân chỉ thử diệc bi tai.

Dịch:

                        Điếu văn đọc lại áng biên cương,

Ngỡ gió vi vu tiếng chiến trường.

Quốc ngữ văn ngang lời tín sử,

Quỷ hùng phách sánh điệu từ chương.

Tầm vông áo vải danh còn mãi,

Binh bại thân vong chuyện đã thường.

Canh cánh nghĩ thương lòng kẻ sĩ,

Chỉ còn ngọn bút báo ơn suông. [7, tr.245]

* Lục Vân Tiên trong tranh Trung - Bắc

            Truyện Lục Vân Tiên ra Bắc, được đón nhận nồng nhiệt ở Hà Nội. Các làng tranh dân gian cũng khắc bộ tranh Lục Vân Tiên để bán cho những người hâm mộ. Hiện nay còn sót lại hai bức tranh khắc gỗ dân gian về Lục Vân Tiên lưu truyền ở miền Bắc theo phong cách tranh Đông Hồ, đó là: (1) “Đại Đề đàn đệ sư tái hợp” vẽ cảnh Vân Tiên - Tiểu đồng gặp lại nhau, (2) “Sơn lâm tự phu phụ đoàn viên” vẽ cảnh Vân Tiên - Nguyệt Nga tái ngộ. Hai bức tranh này in trong tập Tranh dân gian Việt Nam- sưu tầm và nghiên cứu, của Maurice Durand [3, tr.397].

   
Tranh dân gian Lục Vân Tiên  

Ở Huế thì có bản truyện tranh màu Vân Tiên cổ tích truyện màu với 1200 bức tranh do Lê Đức Trạch, một họa sĩ cung đình thực hiện trong khoảng thời gian 1895 -1897 với tài trợ của Đại úy pháo binh Pháp Eugène Gibert. Sách tam ngữ với 4 thứ chữ: bản Nôm là bản Lăng Vân Đường ở Huế, bản quốc ngữ sử dụng bản Lục Vân Tiên truyện của Trương Vĩnh Ký (có giới thiệu thêm bản phiên âm Lăng Vân Đường), bản tiếng Pháp do Abel des Michels dịch năm 1883, bản tiếng Anh do Éric Rosencrantz dịch 2016. Bản truyện tranh Lục Vân Tiên nằm im lìm 112 năm ở Thư viện Viện Pháp (Institute de France) ở Paris, được GS.Phan Huy Lê phát hiện. Năm 2016 với sự dày công nghiên cứu của tập thể các nhà nghiên cứu, Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris (École française d'Extrême-Orient Paris), NXB. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh đã cho ra mắt công trình này.

Truyện tranh Vân Tiên cổ tích truyện ở Huế

Tuồng Lục Vân Tiên ở Hà Nội

            Lục Vân Tiên cũng được vẽ thành tranh bộ treo tường, tranh kiếng (kính) Gò Công.

* Tuồng Lục Vân Tiên ở Bắc bộ: Truyện Lục Vân Tiên ra Bắc được dựng thành tuồng. Hiện còn lưu một bản tuồng xuất bản ở Hà Nội năm 1922. Chúng tôi chép lại nguyên văn cả lỗi chính tả để thấy tính nguyên sơ, xưa cũ của văn bản: Lục Vân Tiên tuồng, soạn dả V.C, Sửa lại và giữ bản quyền Phú Văn Librairie, Hà Nội, Rue du Chanvre 16, 1922, 60 trang (chuyển thể toàn bộ truyện Lục Vân Tiên). Đoạn mở đầu:

Non sông mở mặt, hoa cỏ đậm mầu, đứng nam-nhi trung hiếu làm đầu, đạo phụ-nữ phải dữ câu trinh thục, Đông-Thành-quận có Vân-Tiên họ Lục, nền trâm anh túc phúc lâu dài, nhà thung huyên hai khóm tốt tươi, chàng đôi tám thực người chí-sĩ, du viễn phương rạo tìm sơn thủy, theo Tiên-ông dốc chí học hành, lúc chàng về Kinh-thành ứng cử, bỗng dữa dường gập gỡ Nguyệt-Nga (…)  

Vân-Tiên nói: Rừng nho rong ruổi, cửa Thánh dựa kề, tôi Lục-vân-Tiên quê ngụ Đông-Thành, theo Sư-trưởng sôi kinh nấu sử, nghe nhà vua có khai khoa thủ sĩ, vào trình thầy để về ứng thí.

* Sách báo, Hội thảo kỷ niệm và các loại hình nghệ thuật hiện đại sau 1954

            Lục Vân Tiên là tác phẩm được xuất bản nhiều vào loại kỷ lục trong văn học Việt Nam. Nếu như trước 1945, với các nhà xuất bản Claude & Cie, Imprimeurs-Editeur, Saigonnaise, Union, Nguyễn Văn Viết, Xưa nay, Bảo tồn, Tín Đức thơ xã, Phạm Văn Thình…(ở Sài Gòn), Văn Minh (Hải Phòng), Kim Khuê ấn quán (Hà Nội), Lục Vân Tiên được xuất bản, tái bản đến hơn 40 lần. Sau 1945 ở cả hai miền Bắc-Nam, Lục Vân Tiên được xuất bản hơn 50 lần nữa. Với số lượng hàng trăm lần in như thế, mức độ phổ biến của Lục Vân Tiên có lẽ chỉ thua Truyện Kiều.

Trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà 1954-1975, tinh thần anh dũng, nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên, tấm lòng thủy chung son sắt của Kiều Nguyệt Nga, tinh thần yêu nước của những người nghĩa dân và lãnh tụ kháng chiến luôn có ý nghĩa thôi thúc rất lớn.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu được đưa khá nhiều vào nhà trường, Lục Vân Tiên và tuyển tập thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu cũng được xuất bản, tái bản nhiều lần với hàng trăm ngàn bản. Năm 1963 Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết bài luận nổi tiếng: Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc nhân kỷ niệm 75 năm ngày mất cụ Đồ với những lời đánh giá rất trang trọng. Năm 1965 Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam Việt Nam là giải thưởng danh giá nhất toàn quốc và có tiếng vang quốc tế đương thời. Những tác phẩm tiếng tăm vang dội một thời đã được nhận giải thưởng ấy: Sống như Anh của Trần Đình Vân, Hòn đất của Anh Đức, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Cửu Long cuộn sóng của Trần Hiếu Minh…. Năm 1972 Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1982 Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ra quyết định ủy nhiệm cho Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị khoa học về “nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc” Nguyễn Đình Chiểu nhân dịp 160 năm ngày sinh của ông. Trước đó hai  năm Nguyễn Đình Chiểu toàn tập do Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên soạn (NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980) cũng ra đời. 

            Lục Vân Tiên được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại khác nhau:

Năm 1957 Nguyễn Ngọc Cung soạn vở cải lương Kiều Nguyệt Nga (NXB.Phổ thông, Hà Nội).  Một năm sau, năm 1958 cũng có vở Kiều Nguyệt Nga do Ngọc Dư soạn (NXB.Kim Đức, Hà Nội).

            Năm 1957, Xưởng phim truyện Việt Nam đã dựng phim màu Lục Vân Tiên. Năm 1981 Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM sản xuất phim ca kich cải lương Lục Vân Tiên, kịch bản do tập thể soạn giả Nhà hát Trần Hữu Trang dựa theo kịch bản của Ngọc Cung, đạo diễn sân khấu: Lưu Chi Lăng, bộ phim được đón nhận nồng nhiệt. Năm 1990, Xí nghiệp phim TP.HCM hợp tác sản xuất bộ phim truyện nhựa màu Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên, phim do Khương Mễ đạo diễn. Năm 2002 Hãng phim Truyền hình TP.HCM TFS thực hiện phim truyện Lục Vân Tiên dài 14 tập, phim được phát sóng năm 2004. Bộ phim có tiếng vang tốt.  

Năm 2009 nhạc sĩ Vũ Đình Ân sáng tác Hợp xướng Lục Vân Tiên, bản hợp xướng dài 100 phút, hơn 200 người biểu diễn, trong đó kết hợp với nhiều làn điệu dân ca, hò, vè Nam Bộ, nhất là dân ca Bến Tre. Bản hợp xướng có tiếng vang lớn. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là vở hợp xướng có thời lượng diễn tấu dài nhất Việt Nam.

Năm 2017, vở nhạc kịch Tiên Nga (tác giả: Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Dung; biên kịch và đạo diễn: Thành Lộc, âm nhạc: Đức Trí) được chuyển thể từ tác phẩm Lục Vân Tiên kết hợp với một số thơ văn khác của Nguyễn Đình Chiểu. Vở diễn thành công hiếm thấy cả về doanh thu cũng như giải thưởng.

Việc cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm của ông trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác thơ văn hiện đại hết sức phong phú, cần phải tìm hiểu riêng.  

4. Lục Vân Tiên ra thế giới

Biết ảnh hưởng trong nước của Nguyễn Đình Chiểu rất lớn, với mục đích trước hết là để hiểu tâm lý và văn hóa của xứ sở mà họ cai trị, người Pháp đã sớm quan tâm dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp.  

  1. Bản dịch đầu tiên là bản Luc-Van-Tien, Poème populaire annamite (Lục Vân Tiên, truyện thơ dân gian An Nam) của Gabriel Aubaret, Extrait No1 de l’année 1964 du Journal asiatique, Sixième Série, Tome III, Paris, Imprimerie Impériale, 1864 (sách in trong Tạp chí Á châu, Loại thứ sáu, tập III, Nhà in Hoàng Gia, Paris, 1864). G.Aubaret vốn là sĩ quan hải quân Pháp, giỏi tiếng Việt, từng làm phiên dịch cho phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863 để xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, sau Aubaret cũng được bổ nhiệm làm Lãnh sự Pháp tại Bangkok từ năm 1864 đến năm 1867. Lục Vân Tiên bản dịch của Aubaret có một vị trí đặc biệt: đó là bản dịch văn học Việt Nam đầu tiên ra tiếng nước ngoài.

Tiếp theo là các bản dịch:

  1. Les Poèmes de l'Annam (Lục Vân Tiên ca diễn): Texte en caractères figuratifs (văn bản bằng chữ tượng hình), Abel des Michels, Giáo sư Trường Sinh ngữ phương Đông (l’ Ecole des Langues Orientales) dịch,  Ernest Leroux, Paris, 1883. Người giúp cho Abel trong việc dịch Lục Vân Tiên là Trần Ngươn Hanh. Năm 1881 trong lúc làm tri huyện ông được mời sang Trường Sinh ngữ phương Đông (l’ Ecole des langues orientales) giảng dạy, làm giáo sư ôn tập. Ông có từ điển chữ Nôm. Giúp Abel dịch Truyện KiềuLục Vân Tiên ra tiếng Pháp. Về việc dịch Lục Vân Tiên, ông đã dùng bản Janeau viết ngược ra chữ Nôm, có sửa đổi. Sau đó Abel phiên lại ra chữ Quốc ngữ và dịch ra tiếng Pháp.
  2. Histoire du Grand lettré Louc Vian Té-ian, poème populaire annamite, Tranduction libre en vers francais par Eugène Bajot (Chuyện danh sĩ Lục Vân Tiên, truyện thơ dân gian An Nam, dịch sang thơ tự do tiếng Pháp bởi Eugène Bajot), xuất bản ở Saigon năm 1886 do Nhà Rey et Curiol xuất bản; tái bản ở Paris năm 1887 do Nhà Challamel Ainé xuất bản.
  3. Lục-Vân-Tiên: Poème annamite de Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên, truyện thơ An Nam của Nguyễn Đình Chiểu), Nghiêm Liễn (Đỗ Đình Nghiêm và Ngô Vi Liễn) dịch, Impr. Le Van Tan xuất bản, Hà Nội, 1927
  4. Lục Vân Tiên. Tập 1 và 2, Dương Quảng Hàm dịch, Ed. Alexandre de Rhodes xuất bản, Hà Nội, 1944
  5. Lục Vân Tiên, Việt Pháp văn hỗn hợp, Phan Văn Thiết dịch, Sài Gòn 1972
  6. Truyện Lục Vân Tiên, Song ngữ, Lê Trọng Bổng dịch, NXB. Thế giới, Hà Nội, 1997

Có một bản Lục Vân Tiên nữa hay được nhắc đến là bản Lục Vân Tiên: Poème populaire annamite (Truyện thơ dân gian An Nam) của Gustave Janneau,  Đốc học trường Thông ngôn Saigon/ Collège des Interprètes. Challamel Ainé, Paris, 1873. Nhưng đây là bản phiên âm ra chữ Quốc ngữ, chú thích bằng Pháp văn chứ không phải bản dịch Pháp ngữ Lục Vân Tiên, cho nên không có trong danh sách trên.

Ngôn ngữ dịch thứ hai sau tiếng Pháp là bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Ukraina. Người dịch là bà Maya Kashel, dịch giả văn học Việt Nam nổi tiếng của Ukraina Sô-viết. Thông tin thư mục như sau: Lục Vân Tiên (Лyк Ван Тiен), của Nguyễn Đình Chiểu (Нгуєн Дінь Tьєу),  Maya Kashel (Maya Dmitrievna Kashel/ Майя Дмитрівна Кашель, 1930-1987) dịch, Nhà xuất bản Văn học nghệ thuật "Dnepro", Kiev xuất bản, 1983 (Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ukraina 1983). Đây là bản dịch Lục Vân Tiên duy nhất ra các ngôn ngữ Slave. 

Ngôn ngữ dịch thứ ba là tiếng Nhật. Đó là bản: Lục Vân Tiên, Takeuchi Yonosuke/ Trúc Nội Dữ Chi Trợ dịch chú, Đại học thư lâm/ Daigaku shorin xuất bản, Tokyo, 1986. GS.Takeuchi Yonosuke phụ trách khoa Tiếng Việt ở Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Ông là dịch giả Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam khác.

Ngôn ngữ thứ tư là tiếng Anh. Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh bởi Éric Rosencrantz, dựa theo bản Pháp ngữ của Abel des Michels 1883. Bản dịch này in trong Lục Vân Tiên cổ tích truyện/ Histoire de Lục Vân Tiên/ The story of Lục Vân Tiên. 2 tập, École française d'Extrême-Orient và NXB.Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh xuất bản, 2016 (đã nói ở trên).

Ngôn ngữ thứ năm là tiếng Hàn, bản dịch tiếng Hàn có tên Lục Vân Tiên, do Jeon Hye Kyeong (Toàn Huệ Khanh) và Lý Xuân Chung dịch, xuất bản lần đầu do HUFS ở Seoul, Hàn Quốc năm 2017, NXB.Đại học Quốc gia TP.HCM xuất bản năm 2022. GS.Jeon Hye Kyeong (Toàn Huệ Khanh) giảng dạy ở Trường Ngoại ngữ Hankuk (HUFS), là nhà nghiên cứu, dịch giả văn học Việt Nam, bà từng dịch Truyền kỳ mạn lục và nhiều tác phẩm khác.

Như vậy Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dịch ra 5 thứ tiếng với 11 bản dịch (không kể các bản dịch ra tiếng Thái Tây Bắc cổ Quám Lục Vân Tiên vào đầu thế kỷ XX). Xét về số lượng bản dịch thì Lục Vân Tiên đứng thứ ba trong các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam, sau Truyện Kiều của Nguyễn Du (21 thứ tiếng với 86 bản dịch) và thơ Hồ Xuân Hương (12 thứ tiếng với khoảng 30 bản dịch).

Nguyễn Đình Chiểu ban đầu ít được người nước ngoài biết đến như G.Aubaret, G.Janneau đã viết trong bài tựa (1864, 1867), thì hơn 50 năm sau đã được biết đến rộng rãi. Các công trình dịch thuật, nghiên cứu văn học Việt Nam ở nước ngoài hầu như đều có nhắc đến ông. Các nhà Việt Nam học nổi tiếng ở Pháp, Nga, Ukraina, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…đều có sách, có bài viết về ông với một thái độ kính trọng, đánh giá cao vị trí của ông trong tiến trình văn học Việt Nam. Có thể coi mục từ Nguyễn Đình Chiểu trong Từ điển văn học phổ thông (Dictionnaire universel des littératures) bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 1994 là nhận định tiêu biểu của người nước ngoài về ông: 

               “Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nhà thơ mù, quê ở Gia Định (Nam Việt Nam), là tác gia tiêu biểu cuối cùng của nền văn học cổ điển Việt Nam. Trong tác phẩm của ông, người ta có thể thấy những đặc tính tiêu biểu của văn học cổ điển: chữ Nôm, đạo đức Nho giáo về lòng trung quân, lòng hiếu thảo, liêm sỉ và chính nghĩa; đồng thời  thấm nhuần trong ấy truyền thống yêu nước và nhân văn cao cả. Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông thể hiện hình tượng con người lương thiện của nhà Nho là một tác phẩm văn học kinh điển đến nay vẫn được đánh giá cao. Trong các lễ tang lớn, Nguyễn Đình Chiểu còn nổi tiếng với các bài văn tế tưởng nhớ những người kháng chiến chống thực dân Pháp như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong. Các tác phẩm này thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước Việt Nam, đồng thời trong các bài văn tế này, từ thực tế lịch sử chống Pháp nổi lên hình tượng người nông dân, nhân vật sau này trở thành một nhân vật quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại.” (Béatrice Didier, 1994. p.4030).
               Vì thế sự kiện tháng 11 năm 2021, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua danh sách các danh nhân văn hóa mà UNESCO sẽ kỷ niệm vào năm 2022, trong đó ở Việt Nam có Nguyễn Đình Chiểu (và Hồ Xuân Hương) nhân 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu là một quá trình tất yếu. 

Kết luận

            Hành trình đưa những giá trị tốt đẹp của người dân Nam Bộ thông qua tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu ra thế giới là một quá trình lâu dài hơn 170 năm. Văn học Nam Bộ từ chỗ là bộ phận văn học địa phương ít được biết đến, thông qua Nguyễn Đình Chiểu và những nhà thơ yêu nước chống Pháp thuộc thế hệ ông đã trở thành bộ phận tiên phong của cả nước. Nguyễn Đình Chiểu và những tác phẩm của ông, nhất là Lục Vân Tiên được yêu thích, truyền tụng, đi vào văn học dân gian, lời ăn tiếng nói nhân dân, đi vào các loại hình nghệ thuật, tạo nên “trường văn hóa Lục Vân Tiên”. Một hiện tượng như vậy là rất hiếm trong văn học dân tộc, có lẽ ngoài Truyện Kiều Lục Vân Tiên ra, không có tác phẩm nào được tiếp nhận sâu rộng như vậy.     

 

Tài liệu tham khảo

1. Eugène Bajot (1887), Histoire du Grand lettré Louc Vian Té-ian (Chuyện danh sĩ Lục Vân Tiên), poème populaire annamute, Tranduction libre en vers francais par Eugène Bajot, Saigon, Rey et Curiol, 1886; Paris, Challamel Ainé, Éditeur Librairie Coloniale, 1887, Lời giới thiệu do Sity Maria Cotika dịch

2. Huỳnh Lý (chủ biên) (1984), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, NXB.Văn học

3. Maurice Durand (2000), Tranh dân gian Việt Nam- sưu tầm và nghiên cứu, dịch và giới thiệu: Nguyễn Thị Hiệp và Olivier Tessier, École française d'Extrême-Orient và NXB.Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM

4. Nguyễn Bá Thế (1957), Nguyễn Đình Chiểu (thân thế và thi văn) 1822-1888, Tủ sách “Những mảnh gương”, Tân Việt xuất bản

5. Nguyễn Đình Chiểu (1976), Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội

6. Nguyễn Đình Chiểu (1976), Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, NXB.Văn học giải phóng, in lần thứ hai,

7. Nguyễn Khuê & Cao Tự Thanh (2011), Một trăm câu hỏi đáp về văn học Hán Nôm ở Gia Định-Sài Gòn, NXB.Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM

8. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (1982), Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời, Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre xuất bản.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10 năm 2022, tr. 3-14.

 


[1] Tuyền thỉ chung: tức toàn thủy chung, nghĩa là cho trọn vẹn đầu cuối.

[2] Quốc âm thi tập Paulus Của nói nghĩa binh chết 15 người, còn trong công văn Đỗ Quang (1807-1866) lúc bấy giờ đang là Thự Tuần phủ Gia Định nói 27 người.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60529881
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11374
10018
60529881

Thành viên trực tuyến

Đang có 2750 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website