Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trước ngưỡng cửa những năm 2020

Năm 2019, năm cuối cùng của thập niên 2010 trước ngưỡng cửa thập niên 2020, cũng là năm bản lề trong quá trình hoạt động một phần tư thế kỷ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) và chuẩn bị hoàn thành kế hoạch chiến lược 2016-2020. Đây cũng là năm bắt đầu áp dụng Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi, có hiệu lực từ 01-7-2019. Có thể nói những gì làm được trong năm 2019 sẽ góp phần định hình con đường phát triển của ĐHQG-HCM trong thập niên tới.

Thời gian qua, ĐHQG-HCM đã biên soạn những bản kế hoạch và đề án công phu, có giá trị vạch chiến lược trong những năm tiếp theo.

Nghiên cứu các văn bản nói trên, từ góc độ của một nhà giáo, chúng tôi có một số thu hoạch và suy nghĩ về ba tiêu điểm hoạt động của ĐHQG-HCM: chiến lược con người, không gian học thuật và hoạt động truyền thông.

1. Chiến lược con người

Mối quan tâm hàng đầu của ĐHQG-HCM cũng như của mọi cơ sở giáo dục luôn là vấn đề con người, bao gồm người giảng dạy, nghiên cứu, quản trị; học viên và sinh viên (SV). Nhân tố chủ đạo làm nên thành công của sự nghiệp giáo dục chính là con người xét về mặt số lượng, chất lượng và cấu trúc. Dù khiêm tốn, chúng ta cũng có thể khẳng định nỗ lực lớn của ĐHQG-HCM trong việc xây dựng đội ngũ từ ngày thành lập đến nay, với 3255 cán bộ có trình độ sau ĐH, trong đó có 2417 giảng viên.

Vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay là cấu trúc đội ngũ đó và phương cách khai thác tối ưu nhất các nguồn nhân lực. ĐHQG-HCM và các trường/ viện thành viên cần khảo sát năng lực cống hiến và vị trí tương xứng của các nhân sự trong guồng máy giáo dục. Chẳng hạn, trong thời đại 4.0, tỉ lệ giảng viên/ cán bộ quản lý và nhân viên hành chánh/ SV nên là bao nhiêu? Việc phân bổ các nhà khoa học ở các ngành đào tạo mũi nhọn, các ngành khoa học cơ bản cũng như ứng dụng nên như thế nào để bảo đảm hướng phát triển của một đại học nghiên cứu?

Hiện nay, việc các tập đoàn kinh tế - tài chính tập trung các trường ĐH thành một cơ sở giáo dục lớn là một xu thế và một thực tế. Việc xuất hiện những ĐH nước ngoài và khả năng vươn lên của những ĐH truyền thống là một thực tế khác. Sự cạnh tranh đó đòi hỏi ĐHQG-HCM phải không ngừng đổi mới để có thể tiếp tục đảm đương vai trò đầu tàu của nền giáo dục ĐH. Với chính sách đãi ngộ lớn như hiện nay, một số trường ĐH tư thục và dân lập đang thu hút nhân tài do chính ĐHQG-HCM đào tạo hoặc đã từng làm việc, tích lũy kinh nghiệm ở đây. Đồng thời nhân lực ĐHQG-HCM cũng đang chia sẻ năng lực và thời gian giảng dạy, nghiên cứu cho một số cơ sở bên ngoài, vừa để phát huy hết tiềm năng phục vụ xã hội, vừa có thêm nguồn thu nhập trong điều kiện chính sách tiền lương chưa được cải tiến.

Trong tình hình đó, thiết nghĩ, chiến lược nhân sự của ĐHQG-HCM không chỉ là tinh giản biên chế mà quan trọng là tái cấu trúc đội ngũ cán bộ, khai thác những nhân tài đúng vị trí của họ: giảng dạy, nghiên cứu hay quản lý; và tập trung nguồn lực con người cho những ngành học mũi nhọn, những đề tài nghiên cứu trọng điểm có khả năng vừa tác động đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu, vừa tạo thêm nguồn thu tài chính. Đó cũng là điều kiện để tăng thêm thu nhập cho cán bộ trong khi tiền lương trong ngành giáo dục còn quá thấp.

Đề án phát triển, tái cấu trúc ĐHQG-HCM đã nêu những giải pháp thiết thực để nâng ĐHQG-HCM trở thành ĐH lớn mang tầm quốc tế. Thiết nghĩ cần gắn những giải pháp này với kế hoạch đào tạo nhân sự cụ thể cho các trường/ viện và ngành chuyên môn trong thập niên tới. Chẳng hạn, ngành học A cần bao nhiêu nhà khoa học trong mười năm tới và nên gửi đào tạo ở quốc gia nào có thế mạnh về ngành học ấy. Thời gian qua, chúng ta nhận được không ít học bổng và tài trợ cho đào tạo sau ĐH, nhưng người đi học chưa được định hướng kỹ lưỡng và chuẩn bị để về làm việc cho ĐHQG-HCM, cho nên có trường hợp chuyên môn được đào tạo không thật thích hợp với nhu cầu trong nước, khiến họ không tìm được vị trí thích đáng sau khi tốt nghiệp.

Chiến lược con người còn có thể hiểu như là định hướng của từng cá nhân trong môi trường ĐHQG-HCM với ý thức nâng mình lên ngang tầm với nhiệm vụ trong thời đại mở cửa và hội nhập. Không thể hình dung một giảng viên/ nhà nghiên cứu hiện nay mà không sử dụng Internet hay ngoại ngữ trong công việc; cũng không thể hình dung một giảng viên dạy học 20-30 năm mà không tham gia biên soạn giáo trình hoặc biên dịch và sử dụng các giáo trình tiên tiến trên thế giới. Nếu ĐH có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở ĐH phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những yêu cầu ngắn hạn.

Vì vậy, chiến lược con người luôn gắn liền với chiến lược học thuật của ĐHQG-HCM và từng thành viên. Chiến lược học thuật đúng hướng sẽ tác động đến định hướng về con người; ngược lại chiến lược con người đúng hướng sẽ tạo điều kiện hoàn thành chiến lược học thuật.

2. Không gian học thuật

Hiện nay ĐHQG-HCM bao quát một không gian học thuật rộng lớn, có lẽ rộng hơn cả không gian học thuật của ĐHQG Hà Nội. Nhìn lại những biến đổi từ khi thành lập năm 1995, từ 10 trường thành viên, giảm xuống 3 trường thành viên, rồi phát triển trở lại với 10 đơn vị thành viên bao gồm 6 trường ĐH (ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật); 1 viện nghiên cứu (Viện Môi trường và Tài nguyên) và sắp có thêm 2 viện mới (Viện Chính trị - hành chính, Viện Kiến trúc - xây dựng); 1 khoa trực thuộc (Khoa Y), có thể thấy nỗ lực và sự phấn đấu kiên trì của các nhiệm kỳ lãnh đạo ĐHQG-HCM.

Các ngành nghề đào tạo đa dạng trong ĐHQG-HCM cần được kết nối trên cơ sở một triết lý và quan niệm giáo dục chung với những giá trị bền vững và phổ quát về tinh thần khoa học cũng như quan niệm về con người như là sản phẩm của giáo dục. Điều đó sẽ tạo nên một không gian học thuật vừa đa dạng vừa thống nhất.

Trong không gian học thuật phong phú như vậy, ĐHQG-HCM cần quy hoạch ưu tiên cho những ngành học thuật vốn là thế mạnh của mình, đồng thời giúp đất nước, nhất là vùng đất phía Nam, bắt kịp đà tiến bộ với thế giới. Sát với tình hình phát triển khoa học, công nghệ và kỹ thuật, các trường/ viện thành viên là nơi nắm vững và đề xuất các hướng ưu tiên này; đồng thời Hội đồng khoa học ĐHQG-HCM chính là đầu mối điều hòa và điều chỉnh mạng lưới học thuật của hệ thống, tránh tình trạng manh mún vẫn còn tồn tại ở một số trường: không chỉ giữa hai trường có ngành đào tạo trùng lắp với nhau mà thậm chí giữa hai khoa của cùng một trường có ngành đào tạo gần giống với nhau.

Mặt khác, cùng với quá trình xuất hiện những lĩnh vực kiến thức mới, là tình trạng lạc hậu của những kiến thức và quan niệm cũ vẫn còn được rao giảng trên các giảng đường. Sự liên kết và tích hợp các lĩnh vực kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra nhu cầu xây dựng chương trình đào tạo liên ngành và xuyên ngành. Trong tình hình đó, việc chia nhỏ các khoa theo chuyên môn hẹp như vừa qua không phải là giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ đây, đặt ra vấn đề quan trọng mà ĐHQG-HCM đã quan tâm và nêu lên một cách bức thiết từ lâu: sức mạnh của hệ thống và tính liên thông trong đào tạo. Bộ máy chúng ta vận hành như thế nào để SV các trường ĐH Bách khoa, KH Tự nhiên… có thể học tập và tích lũy kiến thức ngoại ngữ, văn hóa Việt Nam tại trường ĐHKHXH&NV; ngược lại SV ĐHKHXH&NV có thể học tập và tích lũy kiến thức về tin học, môi trường… tại những trường nói trên. Một thống kê về số lượng giảng viên dạy tiếng Anh ở tất cả các trường thuộc ĐHQG-HCM, số lượng SV và số giờ dạy từng nơi sẽ cho ta câu trả lời về tình trạng phân tán lực lượng hiện nay.

Một không gian học thuật cởi mở, sáng tạo sẽ quyết định chất lượng đào tạo một lớp trẻ năng động, tự lập. Những câu lạc bộ học thuật, khỏi nghiệp và định hướng nghề nghiệp dành cho SV cần được hướng dẫn và đầu tư nhiều hơn. Không vì danh hiệu ĐH nghiên cứu mà chúng ta quên rằng sản phẩm đào tạo ra là để phục vụ cộng đồng trong mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn một SV có nhiều kiến thức cơ bản và sâu rộng có tính truyền thống, cần cù, chịu khó nhưng thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu đổi mới sáng tạo thì sẽ không thích nghi với thị trường nhân lực đang cần những người năng động, tự tin và có sáng kiến.

Vừa qua ĐHQG-HCM tỏ ra rất nhạy bén khi chủ trương thành lập những nhóm nghiên cứu mạnh và hướng dẫn các tiêu chí cần đáp ứng để những nhóm này được cấp kinh phí hoạt động. Trên thực tế, một số chương trình/ đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đang thu hút những nhà nghiên cứu có cùng xu hướng học thuật tham gia. Điều cần thiết hiện nay là một định hướng cởi mở, dân chủ, tự do học thuật để tạo điều kiện cho những tìm tòi và những tiếng nói đa dạng trong khoa học. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới hy vọng 10 năm, 20 năm nữa xuất hiện một lớp học giả mới của ĐHQG-HCM thay thế lớp học giả đã về hưu, những người trung thực, tài năng, tin vào phát kiến và lập trường khoa học của mình mà không có thái độ học phiệt, xa cách với thế hệ trẻ.

Thành tựu và bước tiến của ĐHQG-HCM đã được ghi nhận qua kết quả kiểm định chất lượng cấp trường, cấp khoa và xếp hạng đại học, qua số lượng các phát minh, sáng chế, công trình, các bài báo trong nước và quốc tế. Những thu hoạch đó là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài dựa trên một chiến lược học thuật có viễn kiến. Những năm sắp tới ĐHQG-HCM chắc sẽ tiếp tục tính toán cho sự ra đời của những thành viên mới từ nền tảng hiện nay.

Xã hội đặt kỳ vọng ở ĐHQG-HCM về một chiến lược học thuật vững vàng và khả thi để có thể làm nòng cốt cho sự phát triển của mạng lưới ĐH không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà còn trên cả nước.       

3. Hoạt động truyền thông

Để phát huy thành tựu đó một cách bền vững, ĐHQG-HCM cần gắn chiến lược con người và chiến lược học thuật với hoạt động truyền thông, nhằm “xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, hình ảnh và thế mạnh của ĐHQG-HCM theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với môi trường giáo dục, góp phần nâng cao vị tế của ĐHQG-HCM đối với xã hội” [5; tr 1].

Dấu ấn của ĐHQG-HCM trong đời sống giáo dục và khoa học đất nước không thể là chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”. Sức hút của ĐHQG-HCM chỉ có thể có được nhờ hoạt động truyền thông chuyên nghiệp và có hiệu quả. Đây là mối quan hệ hai chiều hỗ tương: ĐHQG-HCM tìm đến với xã hội và dư luận xã hội có nhu cầu hiểu biết về ĐHQG-HCM. Xã hội ở đây bao gồm các đối tác, SV và phụ huynh, nhà tuyển dụng, các cơ quan truyền thông đại chúng… Chỉ cần điểm qua mật độ xuất hiện những tin tức về ĐHQG-HCM trên báo chí qua từng mùa vụ trong năm là đủ thấy sự quan tâm của công chúng.

Gần 25 năm qua, hình ảnh của ĐHQG-HCM ghi dấu trong đời sống xã hội qua những khóa cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được xuất xưởng từ đây, qua những công trình khoa học, sáng chế và hoạt động phục vụ cộng đồng. Hình ảnh đó cũng được tô đậm qua tiếng nói của các nhà giáo trên tư cách những trí thức phản biện xã hội mà thiếu nó, nhà trường ĐH chưa đạt đến phẩm chất văn hóa và trí tuệ cần thiết.

Trong ý nghĩa đó, nhà xuất bản ĐHQG-HCM còn có thể làm được nhiều hơn nữa trong việc công bố những sản phẩm tinh thần của các nhà giáo, nhà khoa học nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi trong môi trường xã hội.  Đầu tư cho việc biên soạn, dịch thuật hệ thống giáo trình, chuyên khảo mang bản sắc ĐHQG-HCM để tạo sự khác biệt với các NXB ĐHQG Hà Nội, ĐHSP… là cần thiết. Đồng thời, cần phát triển NXB thành đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ giảng dạy; ngoài xuất bản sách, còn thực hiện PowerPoint hướng dẫn học và làm bài tập, phát hành sách online, xây dựng nguồn học liệu mở… Cũng nên cân nhắc việc trợ giá xuất bản như lâu nay, để không tạo ra tâm lý được bao cấp trong độc giả SV và không hạn chế tầm ảnh hưởng của những công trình có giá trị.

Người SV hiếu học không nhất thiết phải được mua giáo trình giá rẻ; họ cần năng động tìm kiếm ở các thư viện, các nguồn tài liệu online… Để đáp ứng điều này, mạng lưới thư viện các trường cần kết nối chặt chẽ hơn để cho một SV của ĐHQG-HCM có thể thụ hưởng nguồn tài liệu đang được lưu trữ ở các nơi ấy. Chẳng hạn một SV văn học muốn tìm hiểu về sinh thái luận, về phê bình sinh thái cần phải tham khảo tài liệu có thể có ở Khoa Sinh học ĐHKHTN, Viện Tài nguyên và Môi trường mà chưa chắc có ở Trường ĐHKHXH&NV.

Từ góc độ truyền thông, công tác tư vấn tuyển sinh của ĐHQG-HCM luôn được xã hội đánh giá cao, qua việc tham gia liên tục và bền bỉ của những thầy, cô giáo có trách nhiệm. Tuy vậy, đôi khi chúng ta còn bị động do sự chậm trễ hay thiếu sót trong ấn hành “Cẩm nang tuyển sinh đại học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liệu chúng ta có thể khắc phục khó khăn này bằng cách biên soạn và ấn hành kịp thời “Cẩm nang mùa thi” riêng của ĐHQG-HCM. Chắc chắn học sinh và phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu kỹ lưỡng các ngành học, đội ngũ giảng viên, những yêu cầu về kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, triển vọng đầu ra, khả năng học lên cao… ở các ngành học đó. Một cẩm nang tương tự của từng trường, bản giấy và bản online, cũng rất cần để tiếp thị tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh, trong tình hình nguồn tuyển ở bậc này đang có chiều hướng sa sút.

Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ từ khi thành lập đến nay đã ra được 314 số, với ban biên tập hùng hậu, tuy vẫn cần được cải tiến cả về nội dung, hình thức và cách vận hành, mà nhiều ý kiến góp ý đã nêu lên trong các cuộc họp gần đây. Chúng tôi được biết hiện nay Tạp chí đang xây dựng đề án nhằm nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế (bài viết đăng ký online, format, template giống các paper quốc tế, có bản tiếng Anh và tiếng Việt), hướng tới mục tiêu đưa Tạp chí vào danh mục các tạp chí quốc tế.

Quy chế Tổ chức và hoạt động của Phòng Thông tin và Truyền thông ĐHQG-HCM đã đề cập đến các sản phẩm cụ thể: bản tin giấy, bản tin online, bản tin ngắn, bản tin vidéo… Chúng tôi xin nói thêm về bản tin giấy. Bản tin này lâu nay in đẹp, mỗi số báo gần như là một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, theo thiển ý, tính chất “bản tin” chưa thật rõ, nhiều bài dài, tỉ lệ bài về văn học còn lớn. Điều đáng nói, theo sự tìm hiểu của chúng tôi, bản tin chỉ đến được các thầy cô giáo và một số cán bộ Đoàn, Hội, chứ chưa được tiếp nhận rộng rãi trong SV. Có lẽ nhìn thấy hiệu quả hạn chế của Bản tin nên gần đây ĐHQG-HCM đổi phương thức ấn hành: giảm kỳ xuất bản báo giấy, thay bằng xuất bản online. Chúng tôi đề nghị một thay đổi triệt để hơn: Bản tin giữ nguyên khổ báo, nhưng in giấy báo thường, chỉ cần hai màu, để giảm giá thành, mỗi năm 6 số, cập nhật những thông tin thiết thực đối với SV: kế hoạch tuyển sinh ĐH và Sau ĐH, hướng dẫn cách đăng ký học phần, tìm nguồn học bổng, đề tài luận văn, luận án mới bảo vệ… Bản tin vẫn dành đất cho sáng tác văn học, nhưng nên là bạn đồng hành có ích cho SV trong học tập, hoạt động xã hội. Một bản tin có nội dung phong phú và phổ phát hành rộng sẽ là cầu nối truyền thông vừa hướng vào bên trong nội bộ ĐHQG-HCM, vừa hướng ra bên ngoài xã hội.

 Chúng tôi tin tưởng rằng đội ngũ BBT hiện nay của NXB ĐHQG-HCM, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Bản tin ĐHQG-HCM đầy đủ khả năng đổi mới hoạt động truyền thông, làm cho tiếng nói và uy tín của ĐHQG phát huy sâu rộng hơn trong đời sống xã hội.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020 (Tháng 8-2016).
  2. Đề án nâng cao vị thế ĐHQG-HCM trong khu vực châu Á thông qua hoạt động xếp hạng đại học QS châu Á giai đoạn 2017-2020 (Tháng 7-2017).
  3. Đề án mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2022 (Tháng 3-2018).
  4. Đề án phát triển, tái cấu trúc ĐHQG-HCM trở thành đại học lớn mang tầm quốc tế (Tháng 6-2018).
  5. Quy chế Tổ chức và hoạt động của Phòng Thông tin và Truyền thông ĐHQG-HCM (Tháng 6-2018).

* Bài đã đăng trong Báo cáo thường niên/ Annual Report, ĐHQG TP. HCM, 2018, tr. 94-97.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60792610
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12111
24669
60792610

Thành viên trực tuyến

Đang có 422 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website