Học văn thời công nghệ số

Từ buổi giao lưu về đề tài “Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn” , tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi rất thú vị, trong đó có ba ý kiến đáng suy nghĩ nhất.

Sau bài tường thuật “Tại sao môn văn dưới góc nhìn xã hội lại bị giảm sút uy tín?” của Hà Ánh trên báo Thanh Niên, độc giả Vietroad nhận định một cách nghiêm khắc: “Môn văn là môn bắt buộc ở phổ thông, số tiết học tương đương với môn toán, vậy mà ra trường rất nhiều trường hợp viết sai chính tả, thậm chí cả người làm trong lĩnh vực văn hóa. Điều này khó có thể chấp nhận. Hãy thay đổi cách dạy. Hãy dạy tiếng Việt thay cho dạy văn. Thay vì bắt học sinh ngồi bình luận, miêu tả, cảm nhận tác phẩm văn học, thì nên ngồi rèn từ ngữ, ngữ pháp cho thành thạo. Tìm hiểu Truyện Kiều làm gì khi mà bản thân viết một câu không ra hồn”.

        Quả thật gần đây có nhiều ý kiến phàn nàn về tình trạng dạy văn quá tải hiện nay, từ đó đề nghị không nên sa vào chương trình văn học nặng nề mà chỉ nên tập trung dạy tiếng Việt thật tốt để học sinh ra trường nói và viết đúng ngữ pháp. Thật đáng buồn khi một số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông rồi mà vẫn không viết chuẩn một cái đơn xin việc. Quả là nghịch lý khi chưa bao giờ sách giáo khoa cung cấp nhiều kiến thức ngôn ngữ học hiện đại, sâu sắc như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ học sinh viết sai chính tả và ngữ pháp nhiều như bây giờ. Chúng tôi thật khổ tâm khi chấm bài tuyển sinh ngành văn, phải chấp nhận những bài thi có ý tưởng tốt nhưng diễn đạt rối rắm, mơ hồ. Lẽ ra nhà trường phổ thông phải giải quyết yêu cầu về kỹ năng viết lách, trình bày cho học sinh trước khi họ bước chân vào đại học. Theo thông tin của GS Trần Hữu Dũng, một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho biết yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến thành công trong bất cứ ngành nghề nào là khả năng viết báo cáo, phát biểu, thuyết trình cho rõ ràng, mạch lạc – điều có thể trang bị từ việc học ngôn ngữ và văn nghị luận – chứ không phải kiến thức chuyên môn về toán học, hóa học hay địa chất.

        Hồi tôi học cấp hai, thầy giáo khuyên nên mua một cuốn từ điển tiếng Việt và cuốn sách giúp ích nhiều cho tôi là Việt Nam tân từ điển minh họa của Thanh Nghị. Ở tiểu học, thầy giáo cũng chỉ bày một lần quy luật viết chính tả các từ láy theo câu ghi nhớ “Huyền Ngã Nặng – Sắc Không Hỏi” là mình có thể áp dụng mà không sợ viết sai, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ. Hiện nay, học sinh sinh viên sẵn sàng mua từ điển tiếng Anh hơn là từ điển tiếng Việt, hình như họ cho rằng người bản ngữ thì không lo viết sai tiếng Việt, chỉ lo sai tiếng Anh. Nhưng ở thời đại công nghệ số, dùng tự điển online cũng rất tiện dụng. Khi soạn thảo văn bản, người học có thể cài phần mềm sửa lỗi tiếng Việt để kịp thời chỉnh sửa. Điều quan trọng là chúng ta có tra cứu cẩn trọng như một thói quen thường xuyên hay không.

20220125

        Tuy nhiên, ý kiến cho rằng chỉ cần coi trọng dạy tiếng Việt mà không đặt nặng việc dạy văn học cũng khó thuyết phục vì văn học là nghệ thuật ngôn từ, giữa học văn và học tiếng có mối quan hệ hỗ tương không thể tách rời. Người học sinh giỏi tiếng Việt sẽ am hiểu sâu sắc tác phẩm văn học, ngược lại người cảm thụ văn chương tinh tế sẽ viết tiếng Việt hay. Hơn nữa, có tư duy và quan niệm sáng rõ thì mới diễn đạt được mạch lạc, khúc chiết.

        Phản hồi về bài tường thuật “Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là dạy người” của Trần Mặc trên báo Tuổi Trẻ, độc giả Van Do phản biện thẳng thắn: “Dạy người là khái niệm mơ hồ, chưa có định nghĩa. Tạm hiểu là dạy nhân cách. Môn nào cũng góp phần dạy người, nhưng môn văn có ưu thế. Dẫu như vậy thì dạy văn vẫn là dạy “văn” cũng như dạy toán phải là dạy nội dung toán học”.

        Ý kiến trên đây giúp tôi suy nghĩ kỹ hơn về đặc trưng của môn văn ở trường phổ thông để phân biệt với các môn học khác. Quả thật không phải chỉ môn văn mới góp phần đào tạo một con người toàn diện. Người thầy giáo dạy khoa học tự nhiên cũng góp phần dạy cho con người hiểu biết về thế giới, có kiến thức và tầm nhìn sâu rộng. Người thầy giáo dạy toán, bằng cung cách và phong thái dạy học, bằng việc đề cao sự chính xác, cũng dạy cho học trò có tư duy logic và nhân cách thẳng thắn, trung thực.

        Tuy nhiên, môn văn (ở trường phổ thông) “có ưu thế” vì mục đích cuối cùng không phải là dạy người học hiểu biết kiến thức văn học, để thuộc làu lịch sử văn học hay các mệnh đề lý luận như thuộc các định luật vật lý hay định lý toán học. Môn văn ở trường phổ thông gánh sứ mạng bồi dưỡng cho học sinh tình thương yêu, lòng trắc ẩn, sự ăn năn, niềm rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, sự nhạy cảm với nỗi cô đơn cùng với lòng khát khao được giao cảm và hòa hợp. Điều đó không phải là nhiệm vụ “chủ yếu” của các môn học khác. Các môn toán học, vật lý, hóa học, sinh học dạy ta kiến thức nền tảng để ta áp dụng khi học làm thợ máy, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ… Còn môn văn học “chủ yếu” không chuẩn bị để ta làm văn sĩ. Dạy học trò kiến thức về điện để họ có thể giúp gia đình mắc cái bóng đèn; còn dạy học trò cách miêu tả con mèo hay cây thông không phải để họ viết được truyện ngắn hay tùy bút về các đề tài ấy, mà để họ luyện óc quan sát và trau dồi tình yêu với loài vật cũng như ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Người ta không phê phán cách giải những bài toán mẫu mà phê phán cách dạy văn mẫu, vì văn mẫu góp phần thủ tiêu việc “dạy người” như là những cá nhân độc đáo, có cảm nhận và suy nghĩ riêng về cuộc đời. Cũng chính từ đây mới thấy công nghệ giáo dục có thể thành công trong việc dạy các môn tự nhiên, cả các môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý nhưng chắc không có “ưu thế” trong việc dạy văn chương, nghệ thuật.

        Nhưng nói như vậy phải chăng là môn văn (ở trường phổ thông) đứng ngoài, thậm chí dửng dưng với sự tiến bộ của công nghệ số và chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ hay quay lại thời của những thầy đồ dạy văn trước đây.

        Không. Công nghệ số giúp cho việc học văn rất nhiều thuận lợi nếu ta biết khai thác thế mạnh của nó. Nhờ Internet, chưa bao giờ học sinh có thể tham khảo nhiều tài liệu văn học phong phú như hiện nay. Google có thể trả lời những thắc mắc về kiến thức văn học một cách nhanh chóng. Nếu phòng học được trang bị hiện đại, bằng những thao tác chính xác, trong khi dạy trích đoạn tiểu thuyết Những người khốn khổ của V. Hugo, giáo viên có thể dẫn đường link chiếu lên màn ảnh cho học sinh xem một đoạn phim dựng từ tác phẩm ấy để minh họa cho bài học. Trong khi dạy trích đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du, giáo viên có thể vào mạng YouTube mở cho học sinh nghe một bài Kiều ca của Phạm Duy để tăng thêm cảm xúc về bài học. Khó khăn hiện nay là do những quy định quá chặt chẽ về giờ giấc, quy trình giảng dạy, khiến người giáo viên bó tay, không được phép “sáng tạo” thêm được gì ngoài sách giáo khoa và giáo án đã được phê duyệt.

         Thời công nghệ số tạo điều kiện cho người học tiếp cận với kho tàng văn học nghệ thuật phong phú từ cổ điển đến hiện đại và hậu hiện đại. Trong bài viết Cho tôi lại nhà trường trên trang vanvn.vn, nhà giáo Lê Thị Thanh Vy góp ý rất xác đáng: “Với thời chiến hay sau đó với thế hệ 7x, 8x, sách vở rất thiếu thốn nên sách giáo khoa còn là một nguồn không gian tinh thần quan trọng bậc nhất, và những câu chuyện trong sách giáo khoa đóng những vai trò chính yếu trong hành trình “khai tâm” cho tuổi trẻ. Nhưng ngày nay, nếu giới trẻ được bao vây trong rất nhiều “câu chuyện”: phim ảnh đủ mọi nguồn và vô cùng dễ tiếp cận, truyện tranh, Facebook, TikTok, thậm chí các video tóm tắt phim nhan nhản… – thì nên tiếp cận những câu chuyện trong sách giáo khoa như thế nào để những tác phẩm này thực hiện sứ mạng khai tâm, chữa lành của mình”. Từ đây, một vấn đề đặt ra là chọn văn bản nào giảng dạy trong nhà trường cho phù hợp với thời đại và tâm lý lứa tuổi, để người học vừa không cắt đứt với quá khứ, vừa không xa lạ với hiện tại và tương lai. Đâu là những giá trị bền vững đã qua thử thách cần trao truyền trong sách giáo khoa để kết nối nhiều thế hệ mà không phải thay sách liên tục như hiện nay. Sách giáo khoa lưu giữ truyền thống ra sao và thu nhận tinh thần đương đại ở mức độ nào, đó là câu hỏi không đơn giản. Trong nhà trường trung học ở Pháp, chẳng hạn, có lẽ người ta chưa vội thay một tác phẩm kinh điển bằng tác phẩm của Annie Ernaux, người vừa được giải Nobel năm 2022.

         Hiện nay, trên thế giới có ba quan điểm lý giải ảnh hưởng của công nghệ số đến cuộc sống con người: (1) Thuyết tất định luận công nghệ (Technological determinism) cho rằng công nghệ chắc chắn sẽ dẫn đến một thế giới lý tưởng (utopia) hoặc là một thảm họa (dystopia); (2) Thuyết kiến tạo xã hội đối với công nghệ (Social construction of technology) khẳng định con người làm chủ công nghệ vì con người tạo ra và uốn nắn công nghệ theo ý mình; (3) Thuyết định hình xã hội của công nghệ (Social shaping of technology) chứng minh con người và công nghệ liên tục tương tác và định hình lẫn nhau. Quan điểm thứ ba này đang được ủng hộ và chấp nhận rộng rãi nhất.

         Văn học là con đường giao tiếp và hiệp thông giữa người và người. Công nghệ số giúp cho sự kết nối và tương tác giữa văn học và cuộc đời thêm sâu sắc. Nhưng đôi khi sự giao lưu trong thế giới ảo lại khiến con người trở nên hờ hững với những giao tiếp trong đời thật. Văn học là tiếng nói của cá nhân đến với cá nhân. Công nghệ số vừa cung cấp phương tiện thuận lợi để cá nhân hóa giáo dục, lại vừa có thể giản lược bản sắc của cá nhân qua những dữ liệu được số hóa. Vấn đề là con người và công nghệ luôn quan hệ hỗ tương với nhau chứ không phải công nghệ hoàn toàn điều khiển con người.

         Như vậy, ta không lo công nghệ số sẽ bào mòn cảm xúc của con người; ta chỉ nên lo con người không biết khai thác thế mạnh của công nghệ số để làm giàu cho kiến văn, suy tưởng và cảm xúc của chính mình.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Thế giới số, ngày 17.01.2023.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62535350
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14723
16893
62535350

Thành viên trực tuyến

Đang có 231 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website